Bạn đang xem bài viết ✅ Những câu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh Tuyển tập những câu chuyện hay về Bác Hồ ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Những câu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là tài liệu giúp cho học sinh hiểu rõ hơn về phong cách sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh – lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Mời bạn đọc cùng tham khảo tài liệu với nội dung chi tiết sẽ được chúng tôi đăng tải dưới đây.

Chiếc áo ấm (Bài học về sự quan tâm)

Một đêm vào mùa đông năm 1951, gió bấc tràn về với những hạt mưa lâm thâm, thời tiết vô cùng lạnh giá. Thung lũng bản Ty co mình lại trong yên giấc, trừ một ngôi nhà sàn nhỏ còn phát ra ánh sáng. Nơi đó, Bác vẫn còn thức và miệt mài làm việc. Bỗng cánh cửa nhà sàn hé mở, bóng Bác hiện ra. Bác bước xuống cầu thang, đi thẳng về phía gốc cây và tới chỗ tôi đang đứng gác. Bác hỏi tôi:

– Chú làm nhiệm vụ ở đây có phải không?

– Thưa Bác, vâng ạ!

– Chú không có áo mưa?

Tôi ngập ngừng nhưng mạnh dạn đáp:

– Dạ thưa Bác, cháu không có ạ!

Bác nhìn tôi từ đầu đến chân ái ngại:

– Gác đêm, có áo mưa, không ướt, đỡ lạnh hơn…

Sau đó, Bác từ từ đi vào nhà, dáng suy nghĩ…

Một tuần sau, anh Bảy cùng mấy người nữa đem đến cho chúng tôi mười hai chiếc áo dạ dài chiến lợi phẩm. Anh nói:

– Bác bảo phải cố gắng tìm áo mưa cho anh em. Hôm nay có mấy chiếc áo này, chúng tôi mang lại cho các đồng chí. Được một chiếc áo như thế này là một điều quý, nhưng đối với chúng tôi còn quý giá và hạnh phúc hơn khi Bác trực tiếp chăm lo, săn sóc với cả tấm lòng yêu thương của một người cha.

Sáng hôm sau, tôi mặc chiếc áo mới nhận được đến gác nơi Bác làm việc. Thấy tôi, Bác cười và khen:

– Hôm nay chú có áo mới rồi?

– Dạ thưa Bác, đây là áo anh Bảy đem đến cho tiểu đội chúng cháu mỗi người một chiếc ạ.

Nghe tôi thưa lại, Bác rất vui. Bác ân cần dặn dò thêm:

– Trời lạnh, chú cần giữ gìn sức khỏe và cố gắng làm tốt công tác.

Dặn dò xong, Bác trở lại ngôi nhà sàn để làm việc. Lòng tôi xiết bao xúc động. Bác đã dành áo ấm cho chúng tôi trong lúc Bác chỉ mặc một chiếc áo bông mỏng đã cũ. Đáng lẽ chúng tôi phải chăm lo cho Bác nhiều hơn, còn Bác, Bác lại lo nghĩ đến chúng tôi nhiều quá.

Từ đấy, chúng tôi cũng trân trọng giữ gìn chiếc áo Bác cho như giữ lấy hơi ấm của Bác. Hơi ấm ấy đã truyền thêm cho chúng tôi sức mạnh trong mỗi chặng đường công tác.

Chiếc đồng hồ (Bài học về sự đoàn kết)

Giữa mùa thu năm 1954, Bác đến tham dự “Hội nghị rút kinh nghiệm cải cách ruộng đất” ở Hà Bắc. Tại hội nghị, được biết có lệnh của Trung ương rút bớt một số cán bộ đi học lớp tiếp quản thủ đô. Ai nấy cũng đều háo hức muốn đi, nhất là những người quê ở Hà Nội. Bao năm xa nhà, nhớ thủ đô, nay được dịp về công tác, ai ai cũng có nguyện vọng được đề nghị cấp trên chiếu cố. Tư tưởng cán bộ dự hội nghị có nhiều phân tán. Ban lãnh đạo ít nhiều thấy khó xử.

Bác lên thăm đúng vào giữa mùa thu nhưng trời vẫn còn nóng, mồ hôi ướt đẫm hai bên vai áo nâu của Bác. Bác hiền từ nhìn khắp hội trường và nói chuyện về tình hình thời sự. Khi nói đến nhiệm vụ của toàn Đảng trong lúc này, Bác bỗng rút trong túi áo giơ ra một chiếc đồng hồ quả quýt rồi hỏi các đồng chí cán bộ trong hội trường từng câu hỏi về chức năng của từng bộ phận trong chiếc đồng hồ. Ai cũng đồng thanh trả lời đúng hết các câu hỏi của Bác. Đến câu hỏi:

Tham khảo thêm:   Văn mẫu lớp 7: Tóm tắt truyện Cổng trường mở ra (9 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 7

– Trong cái đồng hồ, bộ phận nào là quan trọng?

Mọi người trong hội trường đều im lặng, không có tiếng trả lời. Bác hỏi tiếp:

– Trong cái đồng hồ, bỏ một bộ phận đi có được không?

– Thưa, không được ạ!- Các cán bộ lại đồng thanh đáp.

Nghe mọi người trả lời, Bác bèn giơ cao chiếc đồng hồ lên và kết luận:

– Các chú ạ, các bộ phận của một chiếc đồng hồ cũng ví như các cơ quan của một Nhà nước, như các nhiệm vụ của cách mạng. Đã là nhiệm vụ của cách mạng thì đều là quan trọng, điều cần phải làm. Các chú thử nghĩ xem: Trong một chiếc đồng hồ mà anh kim đòi làm anh chữ số, anh máy lại đòi ra ngoài làm cái mặt đồng hồ… cứ tranh nhau chỗ đứng như thế thì còn là cái đồng hồ được không?

Cả hội trường im lặng, câu chuyện chiếc đồng hồ của Bác đã khiến cho ai nấy đều thấm thía, tự đánh tan được những suy nghĩ riêng tư của mình.

Cũng chiếc đồng hồ ấy, một dịp vào cuối năm 1954, Bác đến thăm một đơn vị pháo binh đóng ở Bạch Mai đang luyện tập để chuẩn bị cho cuộc duyệt binh đón mừng chiến thắng Điện Biên Phủ. Sau khi đi thăm nơi ăn, chốn ở của bộ đội, Bác đã dành một thời gian dài để nói chuyện với anh em. Bác lấy ở túi ra một chiếc đồng hồ quả quýt, âu yếm nhìn mọi người rồi chỉ vào từng chiếc kim, từng chữ số và hỏi anh em về tác dụng của từng bộ phận. Mọi người đều trả lời đúng cả. Song chưa ai hiểu tại sao Bác lại nói như vậy?

Bác vui vẻ nói tiếp: “Đã bao nhiêu năm nay, chiếc kim đồng hồ vẫn chạy để chỉ cho ta biết giờ giấc, chữ số trên mặt vẫn đứng yên một chỗ, bộ máy vẫn hoạt động đều đặn bên trong. Tất cả đều nhịp nhàng làm việc theo sự phân công ấy”. Nếu hoán đổi vị trí từng bộ phận cho nhau thì có còn là chiếc đồng hồ nữa không? Sau câu chuyện của Bác, anh chị em đều hiểu ý Bác dạy: Việc gì cách mạng phân công phải yên tâm hoàn thành.

Không chỉ vậy, Bác đã mượn hình ảnh chiếc đồng hồ quả quýt làm ví dụ để giáo dục, động viên những kỹ sư trẻ trường Đại học Nông Lâm Hà Nội vào dịp đến thăm trường ngày 24 tháng 5 năm 1959, khi Bác đang khuyên sinh viên phải yên tâm cố gắng học tập, Bác cũng lấy trong túi ra một chiếc đồng hồ quả quýt và hỏi mọi người từng bộ phận của đồng hồ, từ cái kim giờ, kim phút, kim giây đến các bộ phận máy và bánh xe bên trong đồng hồ.

Sau đó, Bác kết luận rằng mỗi một bộ phận có chức năng làm việc riêng, có thể người ngoài không thấy được nhưng đều có nhiệm vụ làm cho đồng hồ chạy và chỉ đúng giờ. Ngoài xã hội cũng vậy sau khi học xong ra phục vụ các ngành nghề đều ngang như nhau, không ai cao sang hơn ai, cho nên các cháu phải cố gắng yên tâm học tập, học tập cho thật giỏi để trở thành kỹ sư nông nghiệp giỏi phục vụ nền nông nghiệp nước nhà. Đến ngày nay, câu chuyện về chiếc đồng hồ đã được Giáo sư – tiến sỹ Vũ Hoan, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội, người sinh viên trường Đại học Nông Lâm Hà Nội khi xưa, được vinh dự gặp Bác vào lần đó, kể lại và truyền động lực cho những kỹ sư của thế hệ này.

Chiếc đồng hồ quả quýt còn là một hiện vật vô giá thể hiện tình cảm Quốc tế đối với Bác, đó là chiếc đồng hồ do Tổ chức Quốc tế “Cứu Tế đỏ” tặng, Bác luôn giữ nó trong mình, trong những năm tháng bị cầm tù gian khổ cho đến ngày Việt Nam giành được độc lập.

Tham khảo thêm:   Tiếng Anh 10 Unit 6: 6I Culture Soạn Anh 10 trang 80 sách Chân trời sáng tạo

Bài học về sự tiết kiệm

Trước kia, Thông tấn xã Việt Nam hàng ngày đều đưa bản tin lên cho Bác xem. Khi in một mặt, Bác phê bình là lãng phí giấy. Sau đấy Thông tấn xã in hai mặt bằng rônêô, nhoè nhoẹt khó đọc hơn nhưng Bác vẫn đọc. Sang năm 1969, sức khỏe Bác yếu và mắt giảm thị lực, Thông tấn xã lại gửi bản tin in một mặt để Bác đọc cho tiện. Khi xem xong, những tin cần thiết Bác giữ lại, còn Người chuyển bản tin cho Văn phòng Phủ Chủ tịch cắt làm phong bì tiết kiệm hoặc dùng làm giấy viết. Ngày 10 tháng 5 năm 1969, Bác đã viết lại toàn bộ đoạn mở đầu bản Di chúc lịch sử bằng mực xanh vào mặt sau tờ tin Tham khảo đặc biệt ra ngày 3 tháng 5 năm 1969. Từ giữa năm 1969, sức khỏe Bác yếu đi nhiều nên Bộ Chính trị đề nghị: Khi bàn những việc quan trọng của Đảng, Nhà nước thì Bác mới chủ trì, còn những việc khác thì cứ bàn rồi báo cáo lại sau, Bác cũng đồng ý như vậy.

Tháng 7, Bộ Chính trị họp ra nghị quyết về việc tổ chức bốn ngày lễ lớn của năm: ngày thành lập Đảng, ngày Quốc khánh, ngày sinh Lênin và ngày sinh của Bác. Sau khi Báo Nhân dân đăng tin nghị quyết này, Bác đọc xong liền cho mời mọi người đến để góp ý kiến: “Bác chỉ đồng ý 3/4 nghị quyết. Bác không đồng ý đưa ngày 19 tháng 5 là ngày kỷ niệm lớn trong năm sau. Hiện nay, các cháu thanh thiếu niên đã sắp bước vào năm học mới, giấy mực, tiền bạc dùng để tuyên truyền về ngày sinh nhật của Bác thì các chú nên dành để in sách giáo khoa và mua dụng cụ học tập cho các cháu, khỏi lãng phí”.

Bài học về sự phân công

– Các cô, các chú nhiều người có đồng hồ ở đây chứ?

– Thưa bác, có ạ !

– Các cô, các chú có thấy trên mặt đồng hồ kim giây chạy nhúc nhích suốt ngày đêm, kim phút di chuyển hơi chậm, kim giờ thì rề rề một chỗ, chữ số nằm yên, cái máy nằm trong vỏ đồng hồ, có đúng thế không?

– Dạ, đúng ạ!

– Đó là sự phân công của bộ máy cái đồng hồ. Nếu giả sử các bộ phận ấy xin thay đổi, cái kim giây nói: “Tôi chạy thế này mệt quá, cho tôi chạy chậm lại hoặc nghỉ ít lâu”. Mặt số kêu lên: “Đứng mãi một chỗ chán quá, cho tôi chạy như kim giây”. Bộ máy lại nói: “Tôi làm nhiều việc mà chả ai biết đến, cho tôi làm mặt số”. Các cô, các chú thử nghĩ xem, nếu ta để các bộ phận đồng hồ làm theo ý muốn riêng của mình thì sẽ thế nào?

Xung quanh vang lên tiếng cười. Có đồng chí nói:

– Thưa Bác, như vậy không còn là đồng hồ nữa ạ!

– Trong công tác cách mạng cũng như vậy, tùy theo trình độ và yêu cầu mà Đảng và nhân dân giao nhiệm vụ làm Chủ tịch nước, đồng chí cảnh vệ lo công tác bảo vệ, đồng chí cấp dưỡng lo nấu ăn, đồng chí văn thư lo việc giấy tờ, mỗi người một việc, như vậy hợp lại mới thành công chung. Đó là sự phân công của tổ chức.

Bài học về sự giản dị

1. Câu chuyện của ông Nguyễn Thế Văn quê ở Thái Bình là người thân cận duy nhất lo cho Bác từ giấc ngủ đến bữa ăn kể lại: “Mỗi bữa ăn của Bác chỉ có một niêu cơm nhỏ, một đĩa tai hoặc mũi lợn luộc, một chút mắm chua. Khi ăn, bao giờ Bác cũng gặp tai, mũi lợn ra một chiếc đĩa nhỏ rồi lấy chén đậy lại.

Va li quần áo của Bác chỉ có hai chiếc quần đùi, hai chiếc áo may ô và một bộ trang phục để tiếp khách thế nhưng Bác luôn dặn tôi phải hết sức cẩn thận cất giữ chiếc va li như báu vật, nếu đi đâu ra khỏi phòng phải cho vào tủ khóa lại…”

Tham khảo thêm:   PUBG Mobile: Top 5 địa điểm camp tuyệt vời nhất trên bản đồ Erangel

2. Câu chuyện của bà Nguyễn Thị Liên, nguyên cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch kể lại khi làm việc ở văn phòng chủ tịch, có đôi khi bà còn đảm nhận công việc khâu vá quần áo, chăn màn cho bác. Theo lời bà kể: “Áo Bác rách, có khi vá đi vá lại, Bác mới cho thay. Chiếc áo gối màu xanh hoà bình của Bác, được ông Cần (người phục vụ Bác) đưa bà vá đi vá lại. Cầm chiếc áo gối của Bác, bà rưng rưng nước mắt, bà nói với ông Cần thay áo gối khác cho Bác dùng nhưng Bác chưa đồng ý. Người vẫn dùng chiếc áo gối vá…”

Hai bàn tay (Bài học về dám nghĩ, dám làm)

Hồi ấy, ở Sài Gòn, Bác Hồ có một người bạn tên là Lê.

Một hôm, Bác Hồ hỏi bác Lê:

– Anh có yêu nước không?

Bác Lê trả lời:

– Có chứ!

– Anh có thể giữ bí mật không?

– Có!

– Tôi muốn đi ra nước ngoài xem Pháp và các nước khác họ làm như thế nào. Sau đó, trở về giúp đồng bào chúng ta. Nhưng đi một mình cũng mạo hiểm. Anh có muốn đi với tôi không?

Bác Lê sửng sốt:

– Nhưng chúng ta lấy đâu ra tiền mà đi?

– Đây, tiền đây!

Vừa nói. Bác Hồ vừa giơ hai tay ra và tiếp:

– Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi. Anh đi với tôi chứ?

(Theo Trần Dân Tiên)

Nước nóng, nước nguội (Bài học ứng xử)

Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, có một đồng chí cán bộ Trung đoàn thường hay quát mắng chiến sĩ. Đồng chí này đã từng làm giao thông, bảo vệ Bác đi ra nước ngoài trước Cách mạng tháng Tám.

Nghe nhân dân phản ảnh về đồng chí, một hôm, Bác cho gọi lên Việt Bắc. Bác dặn trạm đón tiếp, dù đồng chí này có đến sớm, cũng giữa trưa mới cho đồng chí ấy vào gặp Bác.

Trời mùa hè, nắng chang chang, đi bộ đúng giờ ngọ nên đồng chí Trung đoàn vã cả mồ hôi, người như bốc lửa. Đến nơi, Bác đã chờ sẵn. Trên bàn đặt hai cốc nước, một cốc nước sôi có ý chừng vừa như mới rót, bốc hơi nghi ngút, còn cốc kia là nước lạnh.

Sau khi chào hỏi xong, Bác chỉ vào cốc nước nóng nói:

– Chú uống đi.

Đồng chí cán bộ kêu lên:

– Trời! Nắng thế này mà Bác lại cho nước nóng làm sao cháu uống được.

Bác mỉm cười:

– À ra thế. Thế chú thích uống nước nguội, mát không?

– Dạ có ạ!

Bác nghiêm nét mặt nói:

– Nước nóng, cả chú và tôi đều không uống được. Khi chú nóng, cả chiến sĩ của chú và cả tôi cũng không tiếp thu được. Hòa nhã, điềm đạm cũng giống như cốc nước nguội dễ uống, dễ tiếp thu hơn.

Đồng chí cán bộ nghe đến đây, hiểu được lời Bác và hứa rằng sẽ sửa chữa.

Ba chiếc ba lô (Bài học về sự công bằng)

Trong những năm tháng sống ở Việt Bắc, mỗi lần đi công tác, Bác đều có hai đồng chí đi cùng. Sợ bác mệt, hai đồng chí đã bày tỏ ý muốn mang ba lô cho Bác. Nhưng Bác không đồng ý mà nói:

– Đi đường rừng, leo núi ai mà chẳng mệt, tập trung đồ vật cho một người mang đi thì người đó càng chóng mệt. Cứ phân đều ra cho cả ba người.

Hai đồng chí đành làm theo lời Bác, đem chia vật dụng vào ba chiếc ba lô. Bác hỏi lại:

– Các chú đã chia đều rồi chứ?

Hai đồng chí trả lời:

– Thưa Bác, rồi ạ!

Sau đó, cả ba cùng lên đường. Qua một chặng, lúc nghỉ, Bác đến chỗ các đồng chí và xách chiếc ba lô lên. Bác hỏi:

– Tại sao ba lô của các chú nặng mà của Bác lại nhẹ?

Bác liền mở ra xem thì thấy bên trong ba lô của mình chỉ có chăn màn.

Bác không đồng ý và nói:

– Chỉ có lao động thật sự mới đem lại hạnh phúc cho con người.

Bác lại yêu cầu hai đồng chí chia đều vật dụng vào ba chiếc ba lô.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Những câu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh Tuyển tập những câu chuyện hay về Bác Hồ của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *