Bạn đang xem bài viết ✅ Nghị luận Trái đất là ngôi nhà chung của chúng ta (Dàn ý + 2 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 12 ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Wikihoc.com, sau đây xin giới thiệu đến tất cả các bạn một số bài văn mẫu lớp 12: Nghị luận Trái đất là ngôi nhà chung của chúng ta, đã được chúng tôi đăng tải tại đây.

Để có thể giúp cho tất cả các bạn học sinh lớp 12, bổ sung thêm nhiều kiến thức Ngữ văn và chuẩn bị hành trang thật tốt để bước vào kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới thì, sau đây chúng tôi xin mời các bạn cùng tham khảo dàn ý chi tiết và một số bài văn mẫu Nghị luận Trái đất là ngôi nhà chung của chúng ta.

Dàn ý nghị luận Trái đất là ngôi nhà chung của chúng ta

I. Mở bài:

– Môi trường sống hiện nay đang bị ô nhiễm trầm trọng trên phạm vi toàn thế giới.

– Bảo vệ môi trường sống là nhiệm vụ cấp bách và cần thiết của tất cả mọi người bởi: Trái đất là ngôi nhà chung của chúng ta.

II. Thân bài:

* Vai trò của môi trường sống:

– Cuộc sống của con người không thể tách rời môi trường sống

– Tất cả những gì con người có được đều là từ môi trường: thức ăn, không khí để thở, nhà ở, phương tiện làm việc…

– Những sản phẩm mà chúng ta gọi là “nhân tạo” thực chất cũng có nguồn gốc từ môi trường.

– Môi trường là điều kiện sinh tồn của con người. Con người là một trong quần thể sinh vật của thế giới tự nhiên.

* Thực trạng môi trường trên Trái đất hiện nay:

– Môi trường ngày càng xấu đi: đất đai bị ô nhiễm trở thành đất chết; nước ở các dòng sông bị nhiễm độc, cạn kiệt và trở thành nguồn lây nhiễm bệnh tật; rừng trơ trụi, bão lũ bất thường; không gian đầy khí độc và nhiệt độ trái đất nóng dần lên vì hiệu ứng nhà kính.

– Nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường:

+ Do trình độ hiểu biết của con người còn thấp; thói xấu ích kỷ, tư lợi dẫn đến nhiều người không có ý thức bảo vệ môi trường, cố tình huỷ hoại môi trường.

+ Sự khai thác quá mức của con người, lối sống tiêu thụ thiếu trách nhiệm với môi trường và cộng đồng, xu thế công nghiệp hoá, hiện đại hoá thiếu đồng bộ, thiếu quan tâm đến sự cân bằng, thân thiện với môi trường để đảm bảo phát triển bền vững.

– Các hành động gây ô nhiễm môi trường:

+ Xả rác, nước thải, khí thải công nghiệp không qua quá trình xử lý.

+ Chặt phá rừng lấy gỗ, đốt rừng khai phá đất canh tác…

+ Dùng hoá chất tuỳ tiện, phá huỷ nguồn nước, đất trồng.

+ Đánh bắt thuỷ hải sản bằng thuốc nổ, bằng lưới vét…

+ Xả khói bụi, gây tiếng ồn ở các thành phố…

– Tác hại của việc gây ô nhiễm môi trường:

+ Thực phẩm bị ô nhiễm vì hóa chất.

+ Nguồn năng lượng, nguồn thực phẩm càng ngày càng trở nên khan hiếm.

+ Vì thiếu lương thực nên nạn đói đã xảy ra ở một số nước.

+ Ô nhiễm không khí, tầng Ozon bảo vệ trái đất bị thủng, ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ của con người và chất lượng cuộc sống.

+ Thiên tai ngày càng dữ dội do khí hậu trái đất nóng dần lên: động đất, núi lở, lũ bùn, lũ quét, sóng thần, mưa bão liên miên gây ra những thiệt hại khủng khiếp về người và tài sản trên khắp thế giới.

+ Tất cả những điều này đe dọa an ninh về lương thực, thực phẩm và cả trạng thái hòa bình, ổn định của đời sống chính trị, xã hội trên toàn thế giới.

* Giải pháp bảo vệ môi trường và trách nhiệm của mỗi cá nhân:

– Tất cả các quốc gia, các cộng đồng đều đã ý thức được tình trạng này và đưa ra những giải pháp vĩ mô; xử lý khí thải, nước thải, rác thải, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, phát triển tiềm năng rừng, biển.

– Nhà nước đã đưa ra những giải pháp xử lý nghiêm minh, cứng rắn.

+ Bộ luật hình sự năm 1999 có điều khoản quy định: “Những kẻ có hành vi sai phạm mang tính chất hệ thống và đặc biệt nghiêm trọng đủ dấu hiệu cấu thành tội gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường sẽ bị xử lý theo pháp luật”.

+ Đã có tổ chức cảnh sát môi trường ở Trung ương và địa phương.

– Mỗi người cần ý thức được rằng bảo vệ môi trường là vấn đề của từng cá nhân, từng gia đình: giữ gìn vệ sinh môi trường, tiết kiệm tiêu dùng để bảo vệ tài nguyên, tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường cùng cộng đồng…

– Giáo dục thường xuyên để nâng cao trình độ hiểu biết của mọi người về tầm quan trọng của môi trường sống và ý thức bảo vệ môi trường sống.

– Trồng cây gây rừng, thực hiện nghiêm túc pháp lệnh bảo vệ rừng.

– Nghiêm cấm các hành vi săn bắt thú rừng và đánh bắt thuỷ hải sản có tính chất huỷ diệt.

Tham khảo thêm:   Thông tư số 41/2014/TT-BTNMT Quy định chế độ phụ cấp trách nhiệm công việc, phụ cấp lưu động và độc hại, nguy hiểm đối với viên chức quan trắc tài nguyên môi trường; điều tra cơ bản tài nguyên nước

– Bảo vệ nguồn nước sạch.

– Giữ gìn vệ sinh môi trường sống hằng ngày.

– Di dời các nhà máy, xí nghiệp ra khỏi khu dân cư. Có chế độ kiểm tra chặt chẽ việc xả nước thải và khói thải công nghiệp.

– Xử phạt nặng, quyết định chấm dứt hoạt động đối với các nhà máy, xí nghiệp vì lợi ích riêng mà cố tình vi phạm luật bảo vệ môi trường.

* Liên hệ bản thân:

– Bản thân có thái độ ứng xử như thế nào với môi trường? Nêu rõ điểm tích cực, tiêu cực và định hướng hành động để có thể trở thành một cư dân thân thiện với môi trường, có ý thức bảo vệ và làm cho môi trường sống ngày càng có chất lượng tốt hơn.

III. Kết bài:

– Khẳng định lại tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường sống.

– Mỗi cá nhân đều có trách nhiệm góp phần làm cho môi trường sống ngày càng xanh – sạch – đẹp, để Trái đất thực sự trở thành ngôi nhà chung của chúng ta.

Nghị luận Trái đất là ngôi nhà chung của chúng ta – Mẫu 1

Môi trường sống của con người ngày càng ô nhiễm nặng nề, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam. Và còn là một vấn đề cấp bách đối với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Nó gây ra những hiểm họa khôn lường, hiện tượng biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con người trên thế giới. Việt Nam chúng ta mức độ ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi đang ở mức báo động. Chúng ta cần nhận thức vấn đề này như thế nào? Thực trạng, nguyên nhân, hậu quả và giải pháp để tìm hướng giải quyết đúng đắn là vấn đề cần đặc biệt quan tâm.

Môi trường sống của con người là một khái niệm rộng. Nó bao gồm tất cả yếu tố tự nhiên và vật chất nhân tạo bao quanh con người, có ảnh hưởng tới cuộc sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và mọi sinh vật trái đất. Môi trường có hai loại chính: đó là môi trường tự nhiên, môi trường xã hội. Môi trường tự nhiên: bao gồm các thành phần tự nhiên như địa hình, địa chất, đất trồng, khí hậu, nước, sinh vật… Môi trường xã hội là tổng thể các mối quan hệ cá nhân với cộng đồng thể hiện bằng pháp luật, thể chế, cam kết, quy định… Ở đây ta chỉ bàn đến môi trường tự nhiên. Hiện trạng ô nhiễm môi trường sống của chúng ta do các nhà máy đã và đang thải ra môi trường không khí một lượng khí cacbonic lớn, khói bụi xe và các loại động cơ khác… đã ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của con người, nó gây ra nhiều bệnh về đường hô hấp… Việt Nam là một trong những nước bị ô nhiễm nguồn nước trầm trọng, ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe của người dân. Số lượng người sử dụng nước sạch chiếm tỷ lệ không lớn, các nguồn nước ao, hồ, sông suối, nguồn nước ngầm ngày càng bị ô nhiễm; âm thanh, tiếng ồn tại các đô thị lớn cũng ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của con người.

Từ thực trạng trên, chúng ta thấy nổi lên hai nguyên nhân. Trước hết là tình trạng nóng lên của trái đất gây ra những biến động lớn về khí hậu toàn cầu dẫn đến các hiểm họa thiên tai ngày càng khủng khiếp: lũ lụt, động đất, sóng thần, hạn hán, nhiệt độ tăng… Thứ hai là do ý thức của con người, không tôn trọng pháp luật bảo vệ môi trường, vì lợi ích kinh tế trước mắt mà các công ty, nhà máy, xí nghiệp đã bất chấp luật pháp thải ra môi trường nước thải công nghiệp chưa qua xử lý, rác thải công nghiệp; một số cơ sở y tế đã thải ra ra rác thải y tế; một số đô thị đã thải ra rác thải sinh hoạt không phân hủy được…

Để giải quyết được vấn đề này, công tác tuyên truyền giáo dục phải được xem là công việc hàng đầu; làm cho các cấp, các ngành và người dân hiểu và nhiều hơn nữa về các tác hại ô nhiễm và hủy hoại môi trường mà con người là tác nhân gây ra. Gần đây có rất nhiều đơn vị vi phạm Luật Bảo vệ môi trường mang tính chất điển hình như: nhà máy sản xuất bột ngọt Vedan, một số nhà máy ở Khu công nghiệp Bình Dương… Các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường và các cơ quan tư pháp phải khẩn trương hướng dẫn thi hành pháp luật; thấy vướng ở đâu thì phải trình các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi bổ sung, giải quyết. Điều 49 Luật Bảo vệ môi trường quy định về hình thức và mức độ xử lý đối với các cơ sở vi phạm gây ô nhiễm môi trường. Đó là phạt tiền và bắt buộc áp dụng biện pháp khắc phục, tạm đình chỉ, di dời đi nơi khác, đình chỉ hoạt động, bồi thường thiệt hại; trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì áp dụng biện pháp xử lý hình sự.

Tất nhiên, xử lý vi phạm chỉ là một biện pháp. Chúng ta phải tuyên truyền, giáo dục, tạo điều kiện để doanh nghiệp khắc phục bằng các biện pháp như hỗ trợ kinh phí từ nguồn quỹ bảo vệ môi trường, hỗ trợ để cơ sở di dời phải cân nhắc vấn đề công ăn việc làm của người lao động, giúp doanh nghiệp duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh. Cho nên việc xử lý ô nhiễm môi trường không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành Tài nguyên môi trường mà là của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để môi trường sống của người Việt Nam không ngừng xanh, sạch, đẹp… Đó là những đòi hỏi cấp bách nhằm hưởng ứng ngày môi trường thế giới ngày 5 tháng 6 hàng năm.

Tham khảo thêm:   Văn mẫu lớp 9: Nghị luận về lòng trung thành Bài văn nghị luận xã hội lớp 9 hay nhất

Nghị luận Trái đất là ngôi nhà chung của chúng ta – Mẫu 2

Hiện nay, vấn đề môi trường sống đang thu hút sự quan tâm của toàn nhân loại. Trái đất là ngôi nhà chung của chúng ta đang bị ô nhiễm trầm trọng vì những hoạt động khai thác, sản xuất với quy mô lớn của thời kỳ hiện đại hoá, công nghiệp hóa, thời kỳ của xã hội tiêu thụ và dân số tăng nhanh vượt khỏi tầm kiểm soát, ô nhiễm môi trường và những tác hại của nó đối với cuộc sống con người ngày càng nặng nề hơn. Do đó việc bảo vệ môi trường xanh – sạch – đẹp là nhiệm vụ của tất cả mọi người trên thế giới.

Ai cũng biết rằng môi trường có một ý nghĩa to lớn và vô cùng quan trọng đối với con người. Con người không thể tồn tại khi tách rời môi trường. Tất cả những gì con người có được đều lấy từ môi trường: không khí để thở, thức ăn, nước uống, đất đai canh tác, đất đai để xây dựng nhà ở, nhà máy, công xưởng, bệnh viện, trường học… và nguyên vật liệu để sản xuất ra các phương tiện làm việc, học tập. Từ những điều tưởng như bình thường, nhỏ nhặt nhất cho đến những của cải quý giá nhất, tất cả đều do thiên nhiên ban tặng cho chúng ta. Ngay cả những sản phẩm mà chúng ta gọi là “nhân tạo”, thực chất cũng có nguồn gốc từ thiên nhiên. Môi trường là điều kiện sinh tồn và phát triển của xã hội loài người. Con người là một phần trong quần thể sinh vật đa dạng, phong phú của thế giới tự nhiên. Môi trường quen thuộc và gần gũi với chúng ta như những người bạn thân thiết trong cuộc đời. Thế nhưng vì lợi ích trước mắt, con người đã đối xử tàn tệ với môi trường, thậm chí cố tình hủy hoại môi trường mà không biết rằng làm như vậy là tự huỷ hoại cuộc sống của chính mình. Tình trạng ô nhiễm môi trường đang xảy ra trên đất nước Việt Nam và ở khắp nơi trên thế giới. Môi trường ngày càng xấu đi: đất đai bị ô nhiễm trở thành đất chết; nước ở các dòng sông bị nhiễm độc trở thành nguồn phát sinh bệnh tật: núi rừng bị tàn phá trơ trụi, hiện tượng bão lũ xảy ra bất thường, không khí đầy chất độc và nhiệt độ Trái đất đang nóng dần lên.

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường. Trước tiên, do trình độ hiểu biết của con người còn thấp, vì ích kỷ tư lợi dẫn đến không có ý thức bảo vệ môi trường, thậm chí cố tình huỷ hoại môi trường. Tiếp đến là sự khai thác thiên nhiên quá mức, lối sống tiêu thụ thiếu trách nhiệm với môi trường và cộng đồng, xu thế công nghiệp hoá, hiện đại hoá thiếu đồng bộ. Chẳng hạn như việc xây dựng nhà máy mà không xây dựng khu xử lý chất thải, khí thải; thiếu quan tâm đến sự cân bằng, thân thiện với môi trường để đảm bảo sự phát triển lâu dài, bền vững… Các hành động gây ô nhiễm môi trường là muôn hình muôn vẻ và nhiều mức độ, từ nhẹ đến nặng, thậm chí nghiêm trọng.

Ở nước ta, nạn chặt phá rừng vô tội vạ do thói quen đốt rừng làm nương, mở rộng đất canh tác có từ lâu đời của đồng bào miền núi. Quyền lợi của cá nhân hoặc lợi nhuận của những doanh nghiệp khai thác lâm sản là rất lớn dẫn đến hiện tượng phá rừng, lở núi, lũ quét, lũ lụt… gây hậu quả thảm khốc. Ở nông thôn, hiện nay nông dân sử dụng hóa chất rất tùy tiện. Hoá chất độc hại ngấm vào lòng đất làm ô nhiễm nguồn nước. Ngư dân nhiều nơi đánh bắt thuỷ hải sản bằng thuốc nổ, bằng lưới vét làm cạn kiệt nguồn lợi lâu dài. Ở các thành phố lớn, ô tô, xe máy xả khói bụi, gây tiếng ồn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dân. Các phương tiện truyền thông hằng ngày cho thấy nhiều hình ảnh thương tâm và đáng sợ. Đó là khung cảnh hoang tàn của những khu vực bị bão lũ tàn phá ở các tỉnh phía Bắc năm 2007; những cánh rừng nguyên sinh giờ đây trở nên trơ trụi ở Nghệ An, Bình Thuận, Đắc Lắc… Những vùng đất xưa kia trù phú xanh tươi giờ đã bị con người biến thành vùng đất chết ở Tây Nguyên. Những dòng sông đem lại sự sống từ hàng ngàn năm nay, là đề tài của thơ ca nhạc họa giờ đây đã bị biến thành những dòng sông “chết” vì bị nhiễm độc bởi chất thải công nghiệp, ví dụ như sông Thị Vải, sông Cầu, sông Hồng… Có thể nói tất cả các con sông trên toàn quốc đều bị ô nhiễm nhưng nặng nhất là ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Vì lợi ích riêng, khi xây dựng các nhà máy, xí nghiệp, người ta đã không xây dựng khu xử lý nước thải và khí độc mà cứ vô tư xả lên trời hoặc xả trực tiếp vào các dòng sông, biến sông ngòi, kênh rạch thành những cống chứa nước thải tự nhiên hết năm này qua năm khác. Tác hại của việc gây ô nhiễm môi trường là rất lớn. Khí hậu trái đất đang nóng dần lên một cách bất thường bởi hiệu ứng nhà kính. Thiên nhiên ngày càng khắc nghiệt, dữ dội là nguyên nhân dẫn tới những thiên tai như giông bão, sóng thần, lở núi, lũ quét, lũ bùn, hạn hán… dồn dập xảy ra trên khắp thế giới, gây nên những thiệt hại ghê gớm về của cải và tính mạng, ô nhiễm không khí, tầng ozon bảo vệ trái đất bị thủng, ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ của con người và chất lượng cuộc sống. Nguồn năng lượng, nguồn thực phẩm càng ngày càng trở nên khan hiếm. Vì thiếu lương thực nên nạn đói đã xảy ra ở một số nước, nhất là ở châu Phi. Tất cả những điều đó đe dọa an ninh về lương thực, thực phẩm và cả trạng thái hòa bình, ổn định của đời sống chính trị, xã hội trên toàn thế giới.

Tham khảo thêm:   Kế hoạch 754/KH-BGDĐT Kế hoạch thi thăng hạng giáo viên năm 2018

Quả là tình trạng ô nhiễm môi trường đã đến mức báo động đỏ: SOS ! Chúng ta phải làm gì đây để cứu lấy môi trường, cứu lấy màu xanh của đất nước Việt Nam, cứu lấy Trái đất – ngôi nhà chung của chúng ta? Xã hội cần có những giải pháp gì để bảo vệ môi trường và trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với vấn đề này như thế nào? Các quốc gia trên thế giới hiện nay đều nhận thức rất rõ về tình trạng ô nhiễm môi trường và đã đưa ra những giải pháp có tính chất vĩ mô. Nhà nước ta đã đưa vào Bộ luật hình sự năm 1999 điều khoản về vấn đề này: “Những kẻ có hành vi sai phạm mang tính chất hệ thống và đặc biệt nghiêm trọng đủ dấu hiệu cấu thành tội gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường sẽ, bị xử lý theo pháp luật”. Ở Trung ương và địa phương đã thành lập lực lượng cảnh sát môi trường và họ đã vào cuộc để giám sát, thanh tra việc xử lý khí thải, nước thải, rác thải của các xí nghiệp, nhà máy… Tuy nhiên, do trình độ quản lý của những người có trách nhiệm bị hạn chế, hoặc do họ bị các doanh nghiệp “qua mặt” nên hành động xả khí thải, nước thải, chất thải vào bầu trời và nguồn nước vẫn tiếp diễn. Bên cạnh đó là ý thức bảo vệ môi trường của từng cá nhân, từng gia đình chưa tốt.

Rất nhiều giải pháp cả vĩ mô lẫn vi mô được đưa ra song vấn đề hàng đầu vẫn là giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của môi trường sống và ý thức trách nhiệm của mỗi công dân. Trước hết, chúng ta phải giữ gìn môi trường sống cho sạch sẽ, không vứt rác ra đường, ra những nơi công cộng. Điều này nhỏ nhưng không dễ, phải luyện thành ý thức tự giác thường xuyên. Các khu chế xuất, các nhà máy, xí nghiệp phải được di dời ra xa khu dân cư. Nhà nước cần tăng cường đội ngũ kiểm tra, giám sát thường xuyên ở những nơi công cộng, những khu công nghiệp để nhắc nhở, ngăn chặn kịp thời các hành vi, hiện tượng phá hoại môi trường. Việc xả khói thải, nước thải, chất thải phải được kiểm tra thường xuyên, liên tục theo quy định. Nếu nhà máy, xí nghiệp nào cố tình vi phạm thì Nhà nước phải xử phạt thật nặng, thậm chí rút giấy phép hoạt động hoặc truy tố trước pháp luật.

Bên cạnh việc nghiêm cấm chặt phá rừng thì phong trào trồng cây gây rừng phải được duy trì thường xuyên, liên tục để phủ xanh đất trống đồi trọc, gìn giữ lá phổi xanh cho trái đất, tạo sự cân bằng sinh thái cho môi trường. Đã đến lúc chấm dứt những hành động tàn phá môi trường và bắt tay để làm cho trái đất của chúng ta thực sự là ngôi nhà chung bình yên, tươi đẹp. Mỗi người đều có thể làm cho ngôi nhà chung đẹp hơn, an toàn hơn bằng những hành động cụ thể. Mỗi hành vi trong cách ứng xử với môi trường của chúng ta đều tác động đến sự bình yên của ngôi nhà chung là Trái đất. Bảo vệ môi trường sống không phải là nhiệm vụ của riêng ai. Học sinh các cấp phải được giáo dục về ý thức bảo vệ môi trường thông qua các hình thức như tham quan, cắm trại, picnic, tham dự các kỳ thi tìm hiểu thiên nhiên, tham gia đội tình nguyện bảo vệ môi trường… để có những hiểu biết cơ bản và từ đó tự giác góp phần tạo ra môi trường sống xanh – sạch – đẹp.

Môi trường sống bị ô nhiễm nghiêm trọng đã và đang đưa ra những lời cảnh báo dữ dội đối với loài người. Hãy bảo vệ môi trường như bảo vệ cuộc sống của chính mình! Mỗi chúng ta hãy chung tay góp sức làm cho Trái đất thực sự trở thành ngôi nhà chung bình yên, tươi đẹp của toàn nhân loại!

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Nghị luận Trái đất là ngôi nhà chung của chúng ta (Dàn ý + 2 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 12 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *