Nghị định số 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
CHÍNH PHỦ ————– |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 22 tháng 10 năm 2009 |
NGHỊ ĐỊNH
Về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã
————-
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn (xã, phường, thị trấn sau đây gọi chung là cấp xã); và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Cán bộ, công chức cấp xã, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã quy định tại Điều 1 Nghị định này bao gồm:
1. Cán bộ chuyên trách giữ chức vụ bầu cử theo nhiệm kỳ ở cấp xã (sau đây gọi chung là cán bộ cấp xã);
2. Công chức cấp xã;
3. Những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Chương II
CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CẤP XÃ
MỤC 1.
CHỨC VỤ, CHỨC DANH VÀ SỐ LƯỢNG
Điều 3. Chức vụ, chức danh
1. Cán bộ cấp xã có các chức vụ sau đây:
a) Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy;
b) Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân;
c) Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân;
d) Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
đ) Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;
e) Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam;
g) Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam (áp dụng đối với xã, phường, thị trấn có hoạt động nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và có tổ chức Hội Nông dân Việt Nam);
h) Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
2. Công chức cấp xã có các chức danh sau đây:
a) Trưởng Công an;
b) Chỉ huy trưởng Quân sự;
c) Văn phòng – thống kê;
d) Địa chính – xây dựng – đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc địa chính – nông nghiệp – xây dựng và môi trường (đối với xã);
đ) Tài chính – kế toán;
e) Tư pháp – hộ tịch;
g) Văn hóa – xã hội.
Điều 4. Số lượng cán bộ, công chức cấp xã
1. Số lượng cán bộ, công chức cấp xã được bố trí theo loại đơn vị hành chính cấp xã; cụ thể như sau:
a) Cấp xã loại 1: không quá 25 người;
b) Cấp xã loại 2: không quá 23 người;
b) Cấp xã loại 3: không quá 21 người.
Việc xếp loại đơn vị hành chính cấp xã thực hiện theo quy định tại Nghị định số 159/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ về việc phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn.
2. Số lượng cán bộ, công chức cấp xã quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm cả cán bộ, công chức được luân chuyển, điều động, biệt phái về cấp xã.
MỤC 2.
CHẾ ĐỘ TIỀN LƯƠNG, PHỤ CẤP
Điều 5. Xếp lương
1. Đối với cán bộ cấp xã:
a) Cán bộ cấp xã có trình độ sơ cấp hoặc chưa đào tạo trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thực hiện xếp lương chức vụ theo bảng lương sau đây:
STT |
Chức vụ |
Hệ số lương |
|
Bậc 1 |
Bậc 2 |
||
1 |
Bí thư đảng ủy |
2,35 |
2,85 |
2 |
– Phó Bí thư đảng ủy – Chủ tịch Hội đồng nhân dân – Chủ tịch Ủy ban nhân dân |
2,15 |
2,65 |
3 |
– Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc – Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân |
1,95 |
2,45 |
4 |
– Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ – Chủ tịch Hội Nông dân – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh |
1,75 |
2,25 |
b) Cán bộ cấp xã đã tốt nghiệp trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ từ trung cấp trở lên thực hiện xếp lương như công chức hành chính quy định tại bảng lương số 2 (bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (sau đây viết tắt là Nghị định số 204/2004/NĐ-CP);
c) Cán bộ cấp xã là người đang hưởng chế độ hưu trí hoặc trợ cấp mất sức lao động, ngoài lương hưu hoặc trợ cấp mất sức lao động hiện hưởng, hàng tháng được hưởng 90% mức lương bậc 1 của chức danh hiện đảm nhiệm theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này và không phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
2. Đối với công chức cấp xã:
a) Công chức cấp xã tốt nghiệp trình độ đào tạo từ sơ cấp trở lên phù hợp với chuyên môn của chức danh đảm nhiệm, thực hiện xếp lương như công chức hành chính quy định tại bảng lương số 2 (bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước), bảng lương số 4 (bảng lương nhân viên thừa hành, phục vụ trong các cơ quan Nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP;
b) Những người hiện đang đảm nhiệm chức danh công chức xã quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định này chưa tốt nghiệp đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định thì được hưởng lương bằng 1,18 so với mức lương tối thiểu;
c) Thời gian tập sự của công chức cấp xã được quy định như sau: 12 tháng đối với công chức được xếp lương ngạch chuyên viên và tương đương; 06 tháng đối với công chức được xếp lương ngạch cán sự và tương đương; 03 tháng đối với công chức được xếp lương ngạch nhân viên và tương đương. Trong thời gian tập sự được hưởng 85% bậc lương khởi điểm theo trình độ đào tạo chuyên môn được tuyển dụng. Trường hợp có học vị thạc sĩ phù hợp với yêu cầu tuyển dụng thì được hưởng 85% lương bậc 2 của ngạch chuyên viên và tương đương; công chức cấp xã ở vùng cao, biên giới, hải đảo thời gian tập sự được hưởng 100% bậc lương khởi điểm theo trình độ đào tạo. Thời gian tập sự không được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương theo niên hạn.
3. Cán bộ, công chức cấp xã là người đang hưởng chế độ thương binh, bệnh binh các hạng mà không thuộc đối tượng đang hưởng chế độ hưu trí hoặc trợ cấp mất sức lao động, ngoài chế độ thương binh, bệnh binh đang hưởng, được xếp lương theo quy định tại Nghị định này.
Điều 6. Nâng bậc lương
1. Cán bộ cấp xã quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định này có thời gian hưởng lương bậc 1 là 05 năm (đủ 60 tháng), hoàn thành nhiệm vụ, không bị kỷ luật thì được xếp lương lên bậc 2.
2. Cán bộ cấp xã quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị định này và công chức cấp xã quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định này thực hiện chế độ nâng bậc lương theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP.
3. Cán bộ, công chức cấp xã không hoàn thành nhiệm vụ hoặc bị kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo thì thời gian nâng lương bị kéo dài 06 tháng; nếu bị cách chức thì thời gian nâng lương bị kéo dài 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực.
Điều 7. Phụ cấp chức vụ lãnh đạo
Cán bộ cấp xã quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị định này được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo so với mức lương tối thiểu chung như sau:
a) Bí thư đảng ủy: 0,30;
b) Phó Bí thư đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân: 0,25;
c) Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân: 0,20;
d) Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ, Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh: 0,15.
Điều 8. Phụ cấp thâm niên vượt khung
Cán bộ cấp xã quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị định này và công chức cấp xã quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định này được thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP.
Download file tài liệu để xem thêm chi tiết
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Nghị định số 92/2009/NĐ-CP Về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.