Bạn đang xem bài viết ✅ Nghị định 92/2018/NĐ-CP Hướng dẫn quản lý và sử dụng Quỹ Tích lũy trả nợ ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Từ ngày 01/07/2018, Nghị định 92/2018/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 26/06/2018 về quản lý và sử dụng Quỹ Tích lũy trả nợ chính thức có hiệu lực. Theo đó, quy định Quỹ Tích lũy trả nợ là quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước, được chi cho các khoản sau đây:

  • Chi trả nợ nước ngoài, phí đối với khoản vay về cho vay lại, trường hợp ngân sách nhà nước đã ứng nguồn chi trả nợ nước ngoài, Quỹ phải hoàn trả ngân sách nhà nước phần đã ứng.
  • Ứng vốn để trả nợ nước ngoài đối với các khoản vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
  • Chi xử lý rủi ro theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
  • Chi nghiệp vụ quản lý nợ công từ nguồn thu phí quản lý cho vay lại, phí bảo lãnh theo nguyên tắc không trùng lắp với dự toán chi thường xuyên được ngân sách nhà nước đảm bảo.
  • Sau khi cân đối sử dụng cho các khoản chi trên, Quỹ được sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi để cho ngân sách nhà nước vay, đầu tư vốn nhàn rỗi, mua trái phiếu Chính phủ.

Nội dung Nghị định 92/2018/NĐ-CP

CHÍNH PHỦ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 92/2018/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 26 tháng06 năm 2018

NGHỊ ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ TÍCH LŨY TRẢ NỢ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Quản lý nợ công ngày 23 tháng 11 năm 2017;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý và sử dụng Quỹ Tích lũy trả nợ.

Chương I

CÁC QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định việc lập, quản lý và sử dụng Quỹ Tích lũy trả nợ.

Điều 2. Quỹ Tích lũy trả nợ

1. Chính phủ thành lập Quỹ Tích lũy trả nợ và giao Bộ Tài chính thực hiện quản lý theo quy định tại Điều 56 của Luật Quản lý nợ công trên cơ sở Quỹ Tích lũy trả nợ được thành lập theo quy định tại Nghị định số 79/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2010 của Chính phủ.

2. Quỹ Tích lũy trả nợ (sau đây gọi tắt là Quỹ) là quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước.

3. Bộ trưởng Bộ Tài chính bổ nhiệm và giao nhiệm vụ cho công chức của Bộ Tài chính làm chủ tài khoản, kế toán trưởng (hoặc phụ trách kế toán) và phân công một số công chức làm nhiệm vụ quản lý Quỹ theo chế độ kiêm nhiệm.

4. Quỹ được mở tài khoản giao dịch bằng ngoại tệ và tiền Việt Nam tại Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại trong nước.

5. Quỹ thực hiện hạch toán kế toán theo quy định pháp luật về kế toán. Việc quy đổi ngoại tệ ra Đồng Việt Nam được thực hiện theo tỷ giá hạch toán do Bộ Tài chính (hoặc đơn vị thuộc Bộ Tài chính được ủy quyền) công bố. Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành chế độ kế toán áp dụng cho Quỹ Tích lũy trả nợ.

Điều 3. Đối tượng áp dụng

1. Bộ Tài chính.

2. Cơ quan được ủy quyền cho vay lại.

Tham khảo thêm:   Ngân hàng câu hỏi tập huấn Toán lớp 2 sách Cánh diều Đáp án 30 câu trắc nghiệm tập huấn SGK lớp 2 môn Toán

3. Bên vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ; đối tượng được bảo lãnh.

4. Các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan.

Điều 4. Nguyên tắc quản lý, sử dụng Quỹ Tích lũy trả nợ

1. Đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật; đảm bảo an toàn, thanh khoản và hiệu quả trong việc quản lý, sử dụng nguồn vốn của Quỹ.

2. Gắn kết quản lý Quỹ với quản lý nợ công, đảm bảo khả năng thanh toán nghĩa vụ nợ của các khoản vay về cho vay lại và xử lý rủi ro phát sinh từ việc cho vay lại, bảo lãnh chính phủ.

3. Mọi khoản chi từ Quỹ Tích lũy trả nợ được thực hiện căn cứ quyết định của cấp có thẩm quyền, thỏa thuận vay nước ngoài, hợp đồng ký giữa Bộ Tài chính và bên nhận nguồn vốn từ Quỹ tùy theo tính chất và đặc điểm của từng khoản chi quy định tại Nghị định này.

Điều 5. Đảm bảo nguồn ngoại tệ của Quỹ

1. Căn cứ vào tình hình thực hiện thu chi ngoại tệ của Quỹ, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định việc điều hòa ngoại tệ cho Quỹ từ quỹ ngoại tệ của ngân sách nhà nước trong trường hợp nguồn thu ngoại tệ không đáp ứng đủ nhu cầu chi ngoại tệ của Quỹ.

2. Trong trường hợp nguồn thu ngoại tệ của Quỹ không đảm bảo chi bằng ngoại tệ và Quỹ ngoại tệ của ngân sách nhà nước không đủ nguồn ngoại tệ để thanh toán, Quỹ thực hiện mua ngoại tệ từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoặc từ các ngân hàng thương mại để duy trì nguồn ngoại tệ tối thiểu bằng một kỳ trả nợ nước ngoài của Chính phủ trong năm tài chính. Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định việc mua ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại.

3. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm đảm bảo cân đối ngoại tệ cho Quỹ trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài chính.

Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quản lý Quỹ

1. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ:

a) Quyết định việc sử dụng Quỹ Tích lũy trả nợ để xử lý rủi ro đối với các khoản cho vay lại và bảo lãnh Chính phủ theo quy định tại khoản 4 Điều 14 của Luật Quản lý nợ công, bao gồm quyết định về bên nhận ứng vốn, trị giá ứng vốn, lãi suất ứng vốn, thời hạn hoàn trả ứng vốn.

b) Quyết định việc khoanh nợ khoản ứng vốn hoặc cơ cấu lại khoản ứng vốn. Quyết định việc sử dụng nguồn Quỹ để xử lý rủi ro phát sinh, bao gồm xóa nợ gốc, lãi, lãi phạt, thay đổi lãi suất ứng vốn khi bên nhận ứng vốn gặp khó khăn do nguyên nhân bất khả kháng.

c) Quyết định việc trích một phần phí bảo lãnh, phí cho vay lại và quy định việc quản lý sử dụng kinh phí được trích từ phí bảo lãnh, phí quản lý cho vay lại cho nghiệp vụ quản lý nợ công.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng Bộ Tài chính:

a) Tổ chức quản lý và thực hiện thu, chi, sử dụng Quỹ Tích lũy trả nợ theo quy định tại khoản 3, 4, 5 Điều 56 Luật Quản lý nợ công và quy định tại Nghị định này.

b) Báo cáo Chính phủ để Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về tình hình thu, chi, nghĩa vụ trả nợ, nguyên nhân Quỹ không đủ nguồn để chi trả nợ, đề xuất phương án xử lý theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước trong trường hợp Quỹ không đủ nguồn để chi trả nợ sau khi đã áp dụng các biện pháp xử lý rủi ro theo quy định của Luật Quản lý nợ công.

Tham khảo thêm:   Lịch sử Địa lí lớp 5 Bài 12: Khởi nghĩa Lam Sơn và Triều Hậu Lê Giải Lịch sử Địa lí lớp 5 Kết nối tri thức trang 51, 52, 53, 54, 55

c) Quyết định gia hạn thu hồi khoản vốn ứng trong trường hợp đối tượng được bảo lãnh gặp khó khăn trong trả nợ theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ và Nghị định của Chính phủ về cho vay lại vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài.

d) Báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc khoanh nợ, cơ cấu lại khoản nợ ứng vốn khi bên nhận ứng vốn gặp khó khăn trong trả nợ theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ, Nghị định của Chính phủ về cho vay lại vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ.

đ) Quyết định việc lựa chọn các ngân hàng thương mại trong nước để gửi tiền có kỳ hạn, ủy thác quản lý vốn của Quỹ.

e) Phê duyệt kế hoạch thu, chi hàng năm của Quỹ.

3. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan:

a) Cơ quan được ủy quyền cho vay lại có trách nhiệm đôn đốc, thu hồi nợ cho vay lại từ người vay lại và hoàn trả kịp thời, đầy đủ về Quỹ.

b) Bên vay lại có trách nhiệm quản lý, sử dụng vốn vay lại đúng mục đích, hoàn trả về Quỹ trực tiếp hoặc thông qua cơ quan được ủy quyền cho vay lại đúng hạn, đầy đủ vốn vay lại.

c) Bên nhận ứng vốn có trách nhiệm sử dụng khoản ứng vốn đúng mục đích, hoàn trả đúng hạn, đầy đủ nghĩa vụ nợ đến hạn cho Quỹ theo thỏa thuận hoặc hợp đồng ứng vốn. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ đầy đủ, kịp thời cho Bộ Tài chính theo quy định của pháp luật. Chấp hành các chế tài theo quy định của pháp luật và theo thỏa thuận ứng vốn trong trường hợp không thực hiện đúng nghĩa vụ liên quan.

d) Cơ quan tiếp nhận, quản lý nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của Quỹ có trách nhiệm quản lý, sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của Quỹ đảm bảo an toàn, đúng quy định của pháp luật, hoàn trả gốc, lãi cho Quỹ đầy đủ, đúng hạn theo thỏa thuận.

Chương II

QUẢN LÝ THU, CHI QUỸ TÍCH LŨY TRẢ NỢ

Điều 7. Các khoản thu và các khoản chi của Quỹ Tích lũy trả nợ

1. Nội dung các khoản thu:

a) Thu hồi nợ cho vay lại (bao gồm gốc, lãi, lãi phạt và các khoản phí).

b) Thu dự phòng rủi ro đối với khoản cho vay lại.

c) Thu phí quản lý cho vay lại (phần Bộ Tài chính được hưởng theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về cho vay lại vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ).

d) Phí bảo lãnh và lãi phạt chậm trả đối với khoản phí bảo lãnh (nếu có).

đ) Thu hồi các khoản ứng vốn từ Quỹ Tích lũy trả nợ.

e) Thu từ nghiệp vụ cơ cấu lại nợ, danh mục nợ.

g) Thu lãi tiền gửi, cho vay, ủy thác quản lý vốn và đầu tư của Quỹ.

h) Các khoản thu hợp pháp khác.

2. Nội dung các khoản chi của Quỹ:

a) Chi trả nợ nước ngoài (gốc, lãi), phí (nếu có) đối với khoản vay về cho vay lại. Trường hợp ngân sách nhà nước đã ứng nguồn chi trả nợ nước ngoài, Quỹ Tích lũy trả nợ có trách nhiệm hoàn trả ngân sách nhà nước phần đã ứng.

Tham khảo thêm:   Mẫu Quy chế hoạt động của Hội đồng thành viên công ty TNHH

b) Ứng vốn để trả nợ nước ngoài đối với các khoản vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

c) Chi xử lý rủi ro theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

d) Chi nghiệp vụ quản lý nợ công từ nguồn thu phí quản lý cho vay lại, phí bảo lãnh theo quy định của Thủ tướng Chính phủ theo nguyên tắc không trùng lắp với dự toán chi thường xuyên được ngân sách nhà nước đảm bảo.

đ) Sau khi cân đối sử dụng cho các khoản chi quy định tại điểm a, b, c, d khoản 2 Điều này, Quỹ được sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi để cho ngân sách nhà nước vay, đầu tư vốn nhàn rỗi, mua trái phiếu Chính phủ theo quy định của Luật Quản lý nợ công và quy định tại Nghị định này.

Điều 8. Lập kế hoạch thu, chi của Quỹ

1. Quỹ lập kế hoạch thu, chi hàng năm, báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định để làm căn cứ triển khai thực hiện.

2. Kế hoạch thu, chi của Quỹ được thực hiện theo quy định tại Điều 9 của Nghị định này.

Điều 9. Nội dung lập kế hoạch thu, chi hàng năm của Quỹ

1. Kế hoạch thu hàng năm của Quỹ bao gồm:

a) Dự kiến thu hồi nợ cho vay lại (bao gồm cả phí quản lý cho vay lại) theo thời hạn vay lại của các hợp đồng cho vay lại và theo từng năm, căn cứ báo cáo của bên vay lại và cơ quan được ủy quyền cho vay lại về tình hình và kế hoạch giải ngân, trả nợ, dư nợ các khoản cho vay lại.

b) Dự kiến thu phí bảo lãnh theo các thỏa thuận cấp bảo lãnh chính phủ, căn cứ báo cáo của đối tượng được bảo lãnh về tình hình và kế hoạch giải ngân, trả nợ, dư nợ các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh.

c) Dự kiến các khoản thu từ nghiệp vụ cơ cấu lại nợ, cơ cấu lại danh mục nợ, lãi tiền gửi, cho vay, ủy thác quản lý vốn và đầu tư, các khoản thu hợp pháp khác của Quỹ theo quy định.

2. Kế hoạch chi hàng năm của Quỹ bao gồm:

a) Dự kiến chi hoàn trả ngân sách nhà nước được xây dựng trên cơ sở kế hoạch chi trả nợ nước ngoài của Chính phủ cho các khoản vay về cho vay lại theo các thỏa thuận vay nước ngoài.

b) Dự kiến các khoản ứng vốn từ Quỹ cho các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh gặp khó khăn trong trả nợ, các đề án cơ cấu lại nợ, danh mục nợ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

c) Dự kiến các khoản sử dụng nguồn vốn của Quỹ (bao gồm cả chi cho nghiệp vụ quản lý nợ công) theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

3. Trường hợp trong quá trình thực hiện có phát sinh thay đổi ảnh hưởng đến kế hoạch thu, chi của Quỹ, Bộ Tài chính quyết định việc điều chỉnh kế hoạch thu, chi của quỹ cho phù hợp, làm cơ sở để thực hiện.

………..

Tải file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Nghị định 92/2018/NĐ-CP Hướng dẫn quản lý và sử dụng Quỹ Tích lũy trả nợ của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *