Bạn đang xem bài viết ✅ Nghị định 43/2020/NĐ-CP Quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc đã được Chính phủ ban hành vào ngày 08/04/2020 tại Nghị định 43/2020/NĐ-CP. Văn bản pháp luật mới này, sẽ có hiệu lực bắt đầu từ ngày 15/04/2020. Sau đây chúng tôi xin mời các bạn cùng tham khảo nội dung chi tiết của nghị định này.

CHÍNH PHỦ
——–

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 43/2020/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 08 tháng 4 năm 2020

NGHỊ ĐỊNH 43/2020/NĐ-CP

QUY ĐỊNH VỀ THI HÀNH ÁN TỬ HÌNH BẰNG HÌNH THỨC TIÊM THUỐC ĐỘC

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Thi hành án hình sự ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về thuốc tiêm và cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện sử dụng cho thi hành án tử hình, quy trình thực hiện việc tiêm thuốc; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thi hành án tử hình; điều kiện bảo đảm cho thi hành án tử hình và chế độ, chính sách đối với cán bộ tham gia thi hành án tử hình.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thi hành án tử hình và người bị thi hành án tử hình.

Điều 3. Chế độ, chính sách đối với người tham gia thi hành án tử hình

1. Người tham gia Đội thi hành án tử hình được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng ba lần mức lương cơ sở khi thi hành án tử hình đối với 01 người và nghỉ dưỡng 10 ngày theo quy định chung về chế độ nghỉ dưỡng đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, Quân đội nhân dân.

2. Người tham gia Hội đồng thi hành án tử hình, cán bộ quản giáo, người ghi âm, ghi hình, chụp ảnh, phiên dịch, thực hiện lăn tay người bị thi hành án tử hình, khâm liệm, mai táng tử thi được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng một lần mức lương cơ sở khi thi hành án tử hình đối với 01 người.

3. Người tham gia bảo đảm an ninh, trật tự; đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã; Điều tra viên được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng một phần hai mức lương cơ sở khi thi hành án tử hình đối với 01 người.

Chương II

THUỐC TIÊM, CƠ SỞ VẬT CHẤT, TRANG THIẾT BỊ, PHƯƠNG TIỆN SỬ DỤNG CHO THI HÀNH ÁN TỬ HÌNH VÀ QUY TRÌNH THỰC HIỆN TIÊM THUỐC

Điều 4. Thuốc sử dụng cho thi hành án tử hình

1. Thuốc tiêm để sử dụng cho thi hành án tử hình bao gồm:

a) Thuốc làm mất tri giác;

b) Thuốc làm liệt hệ vận động;

c) Thuốc làm ngừng hoạt động của tim.

2. Một liều thuốc gồm 03 loại thuốc quy định tại khoản 1 Điều này và dùng cho 01 người.

3. Thuốc sử dụng cho thi hành án tử hình do Bộ Y tế cấp theo đề nghị của Bộ Công an, Bộ quốc phòng.

4. Bảo quản thuốc theo điều kiện ghi trên nhãn liều thuốc, hướng dẫn của đơn vị cung cấp. Việc bàn giao thuốc phải được lập biên bản giao, nhận; niêm phong, quản lý chặt chẽ theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Cơ sở vật chất và trang thiết bị, phương tiện sử dụng cho thi hành án tử hình

1. Cơ sở vật chất bảo đảm phục vụ cho thi hành án tử hình:

Bộ Công an, Bộ Quốc phòng căn cứ vào tình hình thực tiễn để đầu tư xây dựng nhà thi hành án tử hình và phòng làm việc của Hội đồng thi hành án tử hình tại Công an cấp tỉnh, đơn vị quân đội cấp quân khu để bảo đảm phục vụ công tác thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc.

2. Trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho thi hành án tử hình bao gồm:

a) Giường nằm có các đai dùng để cố định người bị thi hành án;

b) Máy tiêm thuốc tự động có ấn nút điều khiển;

c) Máy kiểm tra nhịp đập của tim;

d) Màn hình và các thiết bị theo dõi, kiểm tra quá trình thi hành án;

đ) Các dụng cụ và trang thiết bị khác phục vụ cho thi hành án.

Điều 6. Quy trình thực hiện tiêm thuốc

1. Trình tự thi hành án tử hình phải thực hiện đúng theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 82 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 và quy định của Nghị định này.

2. Thuốc sử dụng cho thi hành án tử hình phải được Hội đồng thi hành án tử hình kiểm tra, mở niêm phong và lập biên bản theo quy định.

3. Người bị thi hành án tử hình được cố định vào giường với tư thế nằm ngửa, bảo đảm không làm cản trở sự lưu thông máu.

4. Cán bộ trực tiếp thi hành án tử hình chịu trách nhiệm thực hiện các bước sau:

a) Chuẩn bị đủ 03 liều thuốc (trong đó có 02 liều dự phòng);

b) Xác định tĩnh mạch để thực hiện tiêm; trường hợp không xác định được tĩnh mạch thì báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình để yêu cầu bác sĩ hỗ trợ xác định tĩnh mạch;

c) Đưa kim tiêm đã nối sẵn với ống truyền thuốc vào tĩnh mạch đã được xác định theo quy trình:

Bước 1: Tiêm thuốc làm mất tri giác.

Sau khi tiêm thuốc xong, cán bộ chuyên môn thực hiện thi hành án tử hình phải tiến hành kiểm tra, nếu người bị thi hành án tử hình chưa mất tri giác thì tiếp tục tiêm thuốc cho đến khi họ mất tri giác.

Bước 2: Tiêm thuốc làm liệt hệ vận động.

Bước 3: Tiêm thuốc làm ngừng hoạt động của tim.

d) Kiểm tra hoạt động tim của người bị thi hành án tử hình qua máy điện tâm đồ. Trường hợp sau mười phút mà người bị thi hành án tử hình chưa chết, cán bộ kiểm tra phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình để ra lệnh sử dụng thuốc dự phòng;

Tham khảo thêm:   Hướng dẫn chơi Garena Free Fire trên di động

Mỗi lần tiêm thuốc sau mười phút mà người bị thi hành án tử hình chưa chết, cán bộ kiểm tra phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình để ra lệnh tiếp tục sử dụng liều thuốc dự phòng tiêm lần thứ hai, thứ ba;

Trường hợp tiêm hết liều thuốc thứ ba sau mười phút mà người bị thi hành án chưa chết thì Đội trưởng Đội thi hành án phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình ra quyết định tạm dừng thi hành án.

5. Việc thực hiện các bước theo quy định tại các điểm b, c và d khoản 4 Điều này có thể được tiến hành theo phương pháp tự động hoặc trực tiếp.

6. Theo lệnh của Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình, bác sĩ pháp y tiến hành kiểm tra, xác định tình trạng của người bị thi hành án tử hình và báo cáo kết quả cho Hội đồng.

7. Sau khi bác sĩ pháp y kết luận người bị thi hành án tử hình đã chết, theo lệnh của Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình, cán bộ thi hành án tử hình ngừng truyền và đưa kim tiêm, đường ống dẫn ra khỏi người bị thi hành án tử hình.

8. Hội đồng thi hành án tử hình lập biên bản theo quy định về việc người bị thi hành án đã chết.

9. Việc giải quyết các thủ tục sau khi người bị thi hành án đã chết thực hiện theo quy định tại các điểm e, g và h khoản 4 Điều 82 và Điều 83 Luật Thi hành án hình sự năm 2019.

Điều 7. Chi phí mai táng

Chi phí mai táng người bị thi hành án tử hình bao gồm: 01 quan tài bằng gỗ, 01 bộ quần áo, 04 m vải liệm, hương, nến, rượu, cồn để làm vệ sinh khi liệm tử thi và các chi phí mai táng khác.

Trường hợp thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người bị kết án tử hình được nhận tử thi, tro cốt về mai táng thì phải tự chịu chi phí và phải cam kết chấp hành đúng quy định của pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường.

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC CẤP TRONG THI HÀNH ÁN TỬ HÌNH

Mục 1. TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN THUỘC CÔNG AN NHÂN DÂN TRONG THI HÀNH ÁN TỬ HÌNH

Điều 8. Trách nhiệm của Cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam Bộ Công an

1. Tổ chức triển khai thi hành pháp luật về thi hành án tử hình.

2. Chỉ đạo nghiệp vụ, hướng dẫn việc áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật về thi hành án tử hình cho Cơ quan thi hành án hình sự Công an các cấp.

3. Phối hợp với cơ quan y tế tổ chức đào tạo, tập huấn nghiệp vụ thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp thi hành án tử hình trong Công an nhân dân.

4. Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo về công tác thi hành án tử hình theo quy định.

5. Tổng kết công tác thi hành án tử hình của Công an nhân dân.

Điều 9. Trách nhiệm của Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh

1. Tham gia Hội đồng thi hành án tử hình.

2. Giúp Giám đốc Công an cấp tỉnh xây dựng kế hoạch, phương án, dự toán kinh phí và phân công nhiệm vụ, tổ chức, điều động, bố trí lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất khác bảo đảm tuyệt đối an toàn cho việc thi hành án tử hình.

3. Lập Đội thi hành án tử hình làm nhiệm vụ trực tiếp thi hành án tử hình gồm Đội trưởng, bác sĩ pháp y và các Tổ: áp giải, xác định tĩnh mạch, pha thuốc, ấn nút, điều khiển máy tiêm thuốc.

4. Tiếp nhận người bị thi hành án tử hình do trại tạm giam bàn giao để áp giải đến địa điểm thi hành án.

5. Thực hiện các thủ tục giải quyết cho thân nhân, người đại diện hợp pháp của người bị thi hành án tử hình nhận tử thi, tro cốt hoặc hài cốt của người bị thi hành án tử hình về địa phương mai táng (về nước mai táng nếu người bị thi hành án tử hình là người nước ngoài).

6. Làm các thủ tục đưa tử thi vào bảo quản tại bệnh viện hoặc công ty mai táng trong trường hợp cơ quan thi hành án hình sự chưa có nơi lưu giữ.

7. Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã làm thủ tục khai tử; tổ chức mai táng, vẽ sơ đồ mộ và đặt bia trên mộ của người bị thi hành án tử hình; thông báo cho thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của họ biết.

8. Phối hợp với cơ quan chức năng về ngoại giao, biên phòng, y tế… làm thủ tục đưa tử thi, tro cốt, hài cốt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

9. Báo cáo kết quả thi hành án tử hình cho Cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam Bộ Công an.

10. Quản lý, lưu giữ, bảo quản hồ sơ thi hành án tử hình theo quy định.

11. Thực hiện các quy định khác về thi hành án tử hình theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Trách nhiệm của Công an cấp huyện nơi tổ chức thi hành án tử hình

1. Xây dựng kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự nơi tổ chức thi hành án tử hình.

2. Phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật tại khu vực tổ chức thi hành án tử hình.

3. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của Giám đốc Công an cấp tỉnh.

Điều 11. Trách nhiệm của Trại tạm giam nơi giam giữ người bị kết án tử hình

1. Chuẩn bị các điều kiện và nơi làm việc theo yêu cầu của Hội đồng thi hành án tử hình.

2. Bàn giao người bị thi hành án tử hình cho Đội thi hành án tử hình theo yêu cầu của Hội đồng thi hành án tử hình.

3. Tổ chức cho người bị thi hành án tử hình ăn, uống (được hưởng bằng 5 lần tiêu chuẩn của ngày Lễ, Tết quy định đối với người bị tạm giam), viết thư, ghi âm lời nói cuối cùng.

Tham khảo thêm:   Nghị định quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập

4. Bàn giao cho gia đình thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp đầy đủ giấy tờ, đồ vật, tài sản, tiền mà người bị thi hành án tử hình gửi lại trong thời gian bị giam giữ (nếu có).

5. Bàn giao hồ sơ của người bị thi hành án tử hình theo quy định.

Mục 2. TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN THUỘC QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN TRONG THI HÀNH ÁN TỬ HÌNH

Điều 12. Trách nhiệm của Cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Quốc phòng

1. Tổ chức triển khai thi hành pháp luật về thi hành án tử hình trong Quân đội nhân dân.

2. Chỉ đạo nghiệp vụ, hướng dẫn việc áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật về thi hành án tử hình cho Cơ quan thi hành án hình sự trong Quân đội nhân dân.

3. Tổ chức đào tạo, tập huấn nghiệp vụ thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp thi hành án tử hình trong Quân đội nhân dân.

Điều 13. Trách nhiệm của Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu

1. Tham gia Hội đồng thi hành án tử hình.

2. Giúp Tư lệnh quân khu xây dựng kế hoạch, phương án, dự toán kinh phí và phân công nhiệm vụ, tổ chức, điều động, bố trí lực lượng, phương tiện cơ sở vật chất khác bảo đảm tuyệt đối an toàn cho việc thi hành án tử hình.

3. Lập Đội thi hành án tử hình làm nhiệm vụ trực tiếp thi hành án tử hình gồm Đội trưởng, bác sĩ pháp y và các Tổ: áp giải, xác định tĩnh mạch, pha thuốc, ấn nút, điều khiển máy tiêm thuốc.

4. Tiếp nhận người bị thi hành án tử hình do trại tạm giam bàn giao để áp giải đến địa điểm thi hành án.

5. Thực hiện các thủ tục giải quyết cho thân nhân, người đại diện hợp pháp của người bị thi hành án tử hình nhận tử thi, tro cốt hoặc hài cốt của người bị thi hành án tử hình về địa phương mai táng (về nước mai táng nếu người bị thi hành án tử hình là người nước ngoài).

6. Làm các thủ tục đưa tử thi vào bảo quản tại bệnh viện hoặc công ty mai táng trong trường hợp cơ quan thi hành án hình sự chưa có nơi lưu giữ.

7. Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã làm thủ tục khai tử; tổ chức mai táng, vẽ sơ đồ mộ và đặt bia trên mộ của người bị thi hành án tử hình; thông báo cho thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của họ biết.

8. Phối hợp với cơ quan chức năng về ngoại giao, biên phòng, y tế… làm thủ tục đưa tử thi, tro cốt, hài cốt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

9. Báo cáo kết quả thi hành án tử hình cho Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng.

10. Quản lý, lưu giữ, bảo quản hồ sơ thi hành án tử hình theo quy định.

11. Thực hiện các quy định khác về thi hành án tử hình theo quy định của pháp luật.

Điều 14. Trách nhiệm của Trại tạm giam nơi giam giữ người bị kết án tử hình

1. Chuẩn bị các điều kiện và nơi làm việc của Hội đồng thi hành án tử hình.

2. Bàn giao người bị thi hành án tử hình cho Đội thi hành án tử hình theo yêu cầu của Hội đồng thi hành án tử hình.

3. Tổ chức cho người bị thi hành án tử hình ăn, uống (được hưởng bằng

5 lần tiêu chuẩn của ngày Lễ, Tết quy định đối với người bị tạm giam), viết thư, ghi âm lời nói cuối cùng.

4. Bàn giao cho gia đình thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp đầy đủ giấy tờ, đồ vật, tài sản, tiền mà người bị thi hành án tử hình gửi lại trong thời gian giam giữ (nếu có).

5. Bàn giao hồ sơ của người bị thi hành án tử hình theo quy định.

Mục 3. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BỘ VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC CẤP TRONG THI HÀNH ÁN TỬ HÌNH

Điều 15. Trách nhiệm của Bộ Công an

1. Chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về thi hành án tử hình.

2. Ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc.

3. Phối hợp với Bộ Quốc phòng bảo đảm công tác thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc cho các đối tượng bị kết án tử hình do Bộ Quốc phòng quản lý.

4. Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện đúng quy định của pháp luật về thi hành án tử hình.

5. Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân làm nhiệm vụ thi hành án tử hình.

6. Xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo, tập huấn cho cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân làm nhiệm vụ thi hành án tử hình.

7. Lập dự toán kinh phí để đảm bảo cho công tác thi hành án tử hình trong Công an nhân dân.

8. Chỉ đạo Công an các cấp thực hiện chế độ báo cáo, thống kê và tổng kết về thi hành án tử hình.

9. Tổng kết, báo cáo, thống kê nhà nước về thi hành án tử hình.

Điều 16. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng

1. Chịu trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc trong Quân đội nhân dân.

2. Ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thi hành án tử hình trong Quân đội nhân dân.

3. Phối hợp với Bộ Công an bảo đảm công tác thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc cho các đối tượng bị kết án tử hình do Bộ Quốc phòng quản lý.

4. Chỉ đạo cấp quân khu, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng thực hiện đúng quy định của pháp luật về thi hành án tử hình.

5. Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân làm nhiệm vụ thi hành án tử hình.

Tham khảo thêm:   Quyết định 318/QĐ-TTg Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025

6. Xây dựng kế hoạch chương trình đào tạo, tập huấn cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân làm nhiệm vụ thi hành án tử hình.

7. Lập dự toán kinh phí để bảo đảm cho công tác thi hành án tử hình trong Quân đội nhân dân.

8. Phối hợp với Bộ Công an trong việc báo cáo, thống kê và tổng kết công tác thi hành án tử hình.

Điều 17. Trách nhiệm của Bộ Y tế

1. Bảo đảm nguồn cung ứng thuốc để sử dụng cho thi hành án tử hình theo kế hoạch dự trù thuốc hàng năm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; hướng dẫn bảo quản, sử dụng các loại thuốc sử dụng cho thi hành án tử hình; chủ trì phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng ban hành danh mục thuốc, liều lượng thuốc sử dụng, quy trình sử dụng thuốc để sử dụng cho thi hành án tử hình.

2. Chỉ đạo các cơ quan nghiệp vụ, bệnh viện, cơ sở đào tạo y tế phối hợp với Cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam của Bộ Công an, Cơ quan thi hành án hình sự của Bộ Quốc phòng đào tạo, tập huấn nghiệp vụ kỹ thuật chuyên ngành y tế có liên quan đến việc thi hành án tử hình cho cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ thi hành án tử hình.

3. Chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp giấy chứng nhận kiểm dịch y tế đối với tử thi, tro cốt, hài cốt người đã bị thi hành án tử hình (nếu cần).

4. Chỉ đạo các bệnh viện thuộc ngành y tế:

a) Cử bác sĩ hỗ trợ cán bộ thi hành án xác định tĩnh mạch trong trường hợp cần thiết theo yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình;

b) Tiếp nhận, bảo quản tử thi người bị thi hành án tử hình do cơ quan thi hành án hình sự chuyển đến.

Điều 18. Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao

Tiếp nhận và chuyển thông tin đến các Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam nhằm giải quyết các thủ tục liên quan đối với người bị thi hành án tử hình là người nước ngoài theo quy định tại khoản 1, khoản 7 Điều 83 Luật Thi hành án hình sự năm 2019.

Điều 19. Trách nhiệm của Bộ Tài chính

Làm thủ tục thông quan đối với tử thi, tro cốt, hài cốt của người đã bị thi hành án tử hình là người nước ngoài.

Điều 20. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm cấp đất để xây dựng địa điểm thi hành án tử hình, chỉ định nơi mai táng người bị thi hành án tử hình; chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, các cơ quan liên quan ở địa phương phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn cho việc thi hành án tử hình.

Điều 21. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện

Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo Công an cấp huyện, Ban Chỉ huy Quân sự cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện và tham gia phối hợp với các cơ quan liên quan trong thi hành án tử hình; làm thủ tục khai tử cho người bị thi hành án tử hình là người nước ngoài.

Điều 22. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã

1. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ chức thi hành án tử hình có trách nhiệm tham gia bảo đảm an ninh, trật tự nơi thi hành án; cử đại diện chứng kiến việc thi hành án tử hình; làm thủ tục khai tử cho người bị thi hành án tử hình; phối hợp với Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh hoặc Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu trong việc mai táng và quản lý mộ của người đã bị thi hành án tử hình.

2. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp được nhận tử thi, tro cốt hoặc hài cốt của người bị thi hành án tử hình đưa về mai táng có trách nhiệm bảo đảm yêu cầu về an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 23. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 4 năm 2020.

2. Nghị định này thay thế Nghị định số 82/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2011 quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc; Nghị định số 47/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2011 quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc.

Điều 24. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm tổ chức thực hiện và hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

Nơi nhận:
– Ban Bí thư Trung ương Đảng;
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
– Văn phòng Tổng Bí thư;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
– Văn phòng Quốc hội;
– Toà án nhân dân tối cao;
– Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
– Kiểm toán Nhà nước;
– Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
– Ngân hàng Chính sách xã hội;
– Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
– Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
– Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
– VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
– Lưu: VT, NC (2).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Nghị định 43/2020/NĐ-CP Quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *