Nghị định 25/2011/NĐ-CP hướng dẫn Luật Viễn thông
CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 25/2011/NĐ-CP |
Hà Nội, ngày 06 tháng 04 năm 2011 |
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT VIỄN THÔNG
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Viễn thông ngày 23 tháng 11 năm 2009;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Viễn thông đối với các hoạt động viễn thông sau đây:
a) Đầu tư, kinh doanh hàng hóa và dịch vụ viễn thông;
b) Thiết lập mạng viễn thông và cung cấp dịch vụ viễn thông;
c) Cung cấp dịch vụ viễn thông công ích và thực hiện nhiệm vụ viễn thông công ích;
d) Quản lý việc cấp phép, kết nối, giá cước, phí, lệ phí, tài nguyên, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng mạng và dịch vụ viễn thông;
đ) Quy hoạch, thiết kế, xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông.
2. Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động viễn thông tại Việt Nam.
Điều 2. Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông
1. Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông là cơ quan thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, có trách nhiệm tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý nhà nước và tổ chức thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về viễn thông trên phạm vi cả nước, bao gồm các nhiệm vụ sau đây:
a) Tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch và văn bản quy phạm pháp luật về viễn thông;
b) Thực hiện quản lý thị trường viễn thông, quản lý kinh doanh dịch vụ viễn thông và hoạt động viễn thông công ích; tổ chức triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về viễn thông;
c) Thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước khác về viễn thông theo phân công, phân cấp của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
2. Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông.
Chương 2.
KINH DOANH DỊCH VỤ VIỄN THÔNG
Điều 3. Sở hữu trong kinh doanh dịch vụ viễn thông
1. Một tổ chức, cá nhân đã sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần trong một doanh nghiệp viễn thông thì không được sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của doanh nghiệp viễn thông khác cùng kinh doanh trong một thị trường dịch vụ viễn thông thuộc Danh mục dịch vụ viễn thông do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định.
2. Doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ viễn thông thuộc Danh mục quy định tại Khoản 1 Điều này có trách nhiệm báo cáo cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông khi có thay đổi trong danh sách tổ chức, cá nhân sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của doanh nghiệp.
Điều 4. Hình thức, điều kiện và tỷ lệ phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài
1. Nhà đầu tư nước ngoài được phép đầu tư kinh doanh dịch vụ viễn thông dưới hình thức đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp theo quy định của pháp luật về viễn thông và pháp luật về đầu tư.
2. Trường hợp đầu tư trực tiếp để cung cấp dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng, nhà đầu tư nước ngoài được liên doanh, hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng với doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam. Trường hợp đầu tư để cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng, nhà đầu tư nước ngoài được phép liên doanh, hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng với doanh nghiệp viễn thông đã được cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông tại Việt Nam.
3. Ngoài các điều kiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, dự án đầu tư nước ngoài trong kinh doanh dịch vụ viễn thông phải bảo đảm các điều kiện sau:
a) Phù hợp với quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia, quy hoạch tài nguyên viễn thông; quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động trên địa bàn đầu tư;
b) Đáp ứng điều kiện về vốn pháp định và mức cam kết đầu tư quy định tại các Điều 19, 20, 21 Nghị định này.
4. Tỷ lệ phần vốn góp của bên nước ngoài phải phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Điều 5. Đăng ký, thẩm tra dự án đầu tư nước ngoài trong kinh doanh dịch vụ viễn thông
1. Dự án đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng có quy mô vốn đầu tư dưới 300 tỷ đồng Việt Nam phải thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư tại cơ quan nhà nước quản lý đầu tư cấp tỉnh để được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
2. Dự án đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng có quy mô vốn đầu tư từ 300 tỷ đồng Việt Nam trở lên phải thực hiện thủ tục thẩm tra đầu tư tại cơ quan nhà nước quản lý đầu tư cấp tỉnh để được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
3. Dự án đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng phải thực hiện thủ tục thẩm tra, chấp thuận chủ trương đầu tư tại cơ quan nhà nước quản lý đầu tư cấp tỉnh để được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư.
4. Ngoài các nội dung thẩm tra theo quy định pháp luật về đầu tư, đối với dự án đầu tư nước ngoài trong kinh doanh dịch vụ viễn thông cần thẩm tra thêm các nội dung quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định này.
5. Hồ sơ dự án đầu tư, quy trình, thủ tục đăng ký, thẩm tra đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Điều 6. Xử lý vụ việc cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh dịch vụ viễn thông
1. Thẩm quyền, thủ tục xử lý vụ việc liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động kinh doanh dịch vụ viễn thông được quy định như sau:
a) Cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông có trách nhiệm xử lý các vụ việc cạnh tranh trong hoạt động thiết lập mạng viễn thông, cung cấp dịch vụ viễn thông quy định tại các khoản 1, 2 Điều 19 Luật Viễn thông.
b) Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ việc cạnh tranh, cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông có trách nhiệm ra quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh. Các bên liên quan có nghĩa vụ thi hành ngay quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, kể cả trường hợp không đồng ý với quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông và có quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật;
c) Đối với vụ việc cạnh tranh phức tạp hoặc vụ việc có liên quan đến chức năng của nhiều cơ quan khác nhau thì cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông lấy ý kiến bằng văn bản của các cơ quan đó trước khi ra quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông, cơ quan được hỏi ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản.
2. Thẩm quyền, thủ tục xử lý việc tập trung kinh tế trong hoạt động kinh doanh dịch vụ viễn thông được quy định như sau:
a) Đối với việc tập trung kinh tế có thị phần kết hợp từ 30% đến 50% của một thị trường dịch vụ viễn thông, doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế phải thông báo cho cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông và cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành tập trung kinh tế. Đối với việc tập trung kinh tế có thị phần kết hợp chiếm trên 50% thị trường dịch vụ viễn thông, Bộ trưởng Bộ Công thương ra quyết định chấp thuận miễn trừ sau khi có văn bản chấp thuận miễn trừ của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông;
b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ quy định tại Khoản 1 Điều 29 Luật Cạnh tranh, Bộ Công thương gửi hồ sơ tới Bộ Thông tin và Truyền thông để lấy ý kiến. Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ, Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho Bộ Công thương.
Điều 7. Giải quyết tranh chấp trong kinh doanh dịch vụ viễn thông
1. Tranh chấp trong kinh doanh dịch vụ viễn thông là tranh chấp giữa các doanh nghiệp viễn thông phát sinh trực tiếp trong quá trình thiết lập mạng viễn thông, cung cấp dịch vụ viễn thông, bao gồm:
a) Tranh chấp về kết nối viễn thông;
b) Tranh chấp về chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông;
c) Tranh chấp về thanh toán giá cước giữa các doanh nghiệp viễn thông;
d) Các tranh chấp khác theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.
2. Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp được thực hiện như sau:
a) Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị giải quyết tranh chấp, cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông có trách nhiệm tổ chức hiệp thương giữa các bên. Các bên tranh chấp có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ thông tin, chứng cứ có liên quan và có nghĩa vụ tham gia hiệp thương. Kết quả hiệp thương phải được lập thành văn bản;
b) Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc hiệp thương, cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông ra quyết định giải quyết tranh chấp. Các bên tranh chấp có nghĩa vụ thi hành ngay quyết định giải quyết tranh chấp, kể cả trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết tranh chấp của cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông và có quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật.
Chương 3.
THIẾT LẬP MẠNG VÀ CUNG CẤP DỊCH VỤ VIỄN THÔNG
Điều 8. Phân loại mạng viễn thông
Mạng viễn thông bao gồm:
1. Mạng viễn thông cố định mặt đất.
2. Mạng viễn thông cố định vệ tinh.
3. Mạng viễn thông di động mặt đất.
4. Mạng viễn thông di động vệ tinh.
5. Các mạng viễn thông khác do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định.
Điều 9. Phân loại dịch vụ viễn thông
1. Dịch vụ viễn thông cơ bản bao gồm:
a) Dịch vụ thoại;
b) Dịch vụ fax;
c) Dịch vụ truyền số liệu;
d) Dịch vụ truyền hình ảnh;
đ) Dịch vụ nhắn tin;
e) Dịch vụ hội nghị truyền hình;
g) Dịch vụ kênh thuê riêng;
h) Dịch vụ kết nối Internet;
i) Các dịch vụ viễn thông cơ bản khác theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.
2. Dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng bao gồm:
a) Dịch vụ thư điện tử;
b) Dịch vụ thư thoại;
c) Dịch vụ fax gia tăng giá trị;
d) Dịch vụ truy nhập Internet;
đ) Các dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng khác theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.
3. Trên cơ sở đặc điểm công nghệ, phương thức truyền dẫn, phạm vi liên lạc, hình thức thanh toán giá cước, dịch vụ viễn thông quy định tại các khoản 1, 2 Điều này có thể được phân ra chi tiết hoặc kết hợp với nhau thành các loại hình dịch vụ cụ thể gắn với các yếu tố nêu trên.
4. Căn cứ vào nguyên tắc phân loại dịch vụ quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều này, tình hình phát triển thị trường và chính sách quản lý viễn thông trong từng thời kỳ, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành danh mục dịch vụ viễn thông cơ bản và dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng.
Điều 10. Kinh doanh hàng hóa viễn thông chuyên dùng, thiết bị vô tuyến điện
1. Hàng hóa viễn thông chuyên dùng là hàng hóa gắn liền với việc cung cấp dịch vụ viễn thông do doanh nghiệp viễn thông phát hành, bao gồm:
a) Thiết bị có gắn số thuê bao viễn thông;
b) Thẻ thanh toán dịch vụ viễn thông;
c) Hàng hóa viễn thông chuyên dùng khác theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.
2. Tổ chức, cá nhân khuyến mại hàng hóa viễn thông chuyên dùng phải thực hiện quy định tại Nghị định này và pháp luật về thương mại.
3. Tổ chức, doanh nghiệp sản xuất thiết bị vô tuyến điện để sử dụng tại Việt Nam phải đăng ký và tuân thủ các điều kiện theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.
4. Thiết bị vô tuyến điện khi nhập khẩu hoặc tạm nhập, tái xuất phải được Bộ Thông tin và Truyền thông cho phép.
5. Tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết bị vô tuyến điện phải thực hiện quản lý chất lượng viễn thông theo quy định tại Khoản 1 Điều 35 Nghị định này.
Điều 11. Cung cấp dịch vụ viễn thông
1. Cung cấp dịch vụ viễn thông là việc sử dụng thiết bị, thiết lập hệ thống thiết bị viễn thông tại Việt Nam để thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình khởi phát, xử lý, chuyển tiếp, định tuyến, kết cuối thông tin cho người sử dụng dịch vụ viễn thông thông qua việc giao kết hợp đồng với người sử dụng dịch vụ viễn thông, đại lý dịch vụ viễn thông, doanh nghiệp viễn thông nhằm mục đích sinh lợi.
2. Việc cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ viễn thông trên lãnh thổ đất liền Việt Nam phải thông qua thỏa thuận thương mại với doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đã được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông, trong đó có loại hình dịch vụ viễn thông quốc tế.
3. Căn cứ vào thông lệ quốc tế, các quy định về bảo đảm an toàn hàng không, hàng hải và yêu cầu đảm bảo quốc phòng, an ninh, Bộ Thông tin và Truyền thông quy định và hướng dẫn việc cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông qua biên giới đối với tàu, thuyền, máy bay trên vùng trời, vùng biển của Việt Nam và các trường hợp đặc biệt khác.
Download file tài liệu để xem thêm chi tiết
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Nghị định 25/2011/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.