Bạn đang xem bài viết ✅ Nghị định 20/2013/NĐ-CP Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Nghị định 20/2013/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ.

CHÍNH PHỦ
——-
Số: 20/2013/NĐ-CP
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
———————

Hà Nội, ngày 26 tháng 02 năm 2013

NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ,

Điều 1. Vị trí và chức năng

Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, bao gồm: hoạt động khoa học và công nghệ; phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ; sở hữu trí tuệ; tiêu chuẩn đo lường chất lượng; năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong lĩnh vực thuộc Bộ quản lý theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:

1. Trình Chính phủ dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội; dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị quyết, nghị định của Chính phủ theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm của Bộ đã được phê duyệt và các dự án, đề án theo sự phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, 5 năm, hàng năm và các dự án, công trình quan trọng quốc gia của ngành thuộc lĩnh vực do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý.

2. Trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo quyết định, chỉ thị và các văn bản khác thuộc lĩnh vực do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý

3. Phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu 5 năm và kế hoạch khoa học và công nghệ hàng năm, các chương trình nghiên cứu phát triển thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ phù hợp với chiến lược phát triển khoa học và công nghệ và theo phân cấp, ủy quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

4. Ban hành thông tư, quyết định, chỉ thị và các văn bản khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ sau khi được ban hành, phê duyệt; thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoa học và công nghệ; ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy trình, định mức kinh tế – kỹ thuật theo thẩm quyền trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

5. Hướng dẫn, kiểm tra đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc ngành, lĩnh vực theo danh mục do Chính phủ quy định; quản lý việc cấp, điều chỉnh, thu hồi, gia hạn các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy đăng ký trong phạm vi quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực của Bộ theo quy định của pháp luật; hướng dẫn nghiệp vụ hoạt động của các cơ quan chuyên môn thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.

6. Về hoạt động khoa học và công nghệ:

a) Chỉ đạo thực hiện phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ 5 năm và hàng năm, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy việc phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế-kỹ thuật trọng điểm trên cơ sở đổi mới, làm chủ công nghệ, tập trung phát triển công nghệ mới, công nghệ cao;

Tham khảo thêm:   Tổng hợp giftcode và cách nhập code Viking Rise

b) Chủ trì hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập; hướng dẫn, hỗ trợ việc thành lập, phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, các doanh nghiệp đổi mới công nghệ; quy định, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ;

c) Hướng dẫn, tổ chức thực hiện việc chứng nhận hoạt động ứng dụng, nghiên cứu, phát triển công nghệ cao và công nhận doanh nghiệp công nghệ cao; quy định điều kiện đối với cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; quy định thẩm quyền, điều kiện, thủ tục xác nhận cơ sở đào tạo nhân lực công nghệ cao; xây dựng cơ sở dữ liệu, hạ tầng thông tin về công nghệ cao thuộc phạm vi thẩm quyền của Bộ; xây dựng trình Chính phủ ban hành tiêu chí, điều kiện thành lập khu công nghệ cao và xây dựng cơ chế, chính sách phát triển công nghệ cao; trực tiếp quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc;

d) Hướng dẫn việc xác định, đặt hàng, tuyển chọn, giao trực tiếp, đánh giá, nghiệm thu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ; việc giao quyền sở hữu và quyền sử dụng kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước. Giao quyền sở hữu và quyền sử dụng kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp nhà nước cho các tổ chức, cá nhân. Khai thác, ứng dụng, công bố, tuyên truyền kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;

đ) Quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp nhà nước trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ; xây dựng, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước, nhiệm vụ trong các chương trình, đề án khoa học và công nghệ quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

e) Hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc đặt hàng một số sản phẩm khoa học và công nghệ đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước;

g) Kiểm tra, giám sát và thanh tra chuyên ngành quá trình thực hiện và sau nghiệm thu các chương trình, đề tài, dự án khoa học và công nghệ sử dụng vốn ngân sách nhà nước; tổ chức đánh giá độc lập kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của tổ chức khoa học và công nghệ;

h) Hướng dẫn, đăng ký hoạt động đối với các tổ chức nghiên cứu và phát triển, các tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ, quỹ phát triển khoa học và công nghệ, quỹ đổi mới công nghệ, quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao theo quy định của pháp luật;

i) Quy định hoạt động chuyển giao công nghệ và dịch vụ chuyển giao công nghệ; hướng dẫn việc đánh giá, định giá, thẩm định, giám định công nghệ; cấp phép chuyển giao công nghệ và chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ theo phân cấp; thẩm định nội dung khoa học và công nghệ của các dự án đầu tư, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực, các chương trình, đề án nghiên cứu khoa học phục vụ hoạt động chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường công nghệ thuộc thẩm quyền; thẩm định, trình Chính phủ ban hành danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao, danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao và danh mục công nghệ cấm chuyển giao;

k) Hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch khoa học và công nghệ 5 năm, hàng năm và nghiệp vụ quản lý hoạt động khoa học và công nghệ.

7. Về phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ:

a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương xây dựng quy hoạch mạng lưới các tổ chức khoa học và công nghệ và tổ chức thực hiện sau khi được ban hành; quy định cụ thể tiêu chí thành lập, phân loại, điều kiện hoạt động đối với tổ chức khoa học và công nghệ; thành lập hoặc có ý kiến về việc thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật; hướng dẫn việc quản lý hệ thống các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia;

Tham khảo thêm:   Tổng hợp 272 bài ôn tập các dạng Toán lớp 1 Các dạng bài tập Toán lớp 1 hay nhất

b) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách về đào tạo, sử dụng, trọng dụng cán bộ khoa học và công nghệ; xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ và hỗ trợ phát triển các lực lượng hoạt động khoa học và công nghệ;

c) Phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng cơ chế tài chính trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, kế hoạch vốn ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ hàng năm; xác định cơ cấu chi và tỷ lệ chi ngân sách dành cho hoạt động khoa học và công nghệ hàng năm của các Bộ, ngành, địa phương trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch vốn ngân sách đầu tư phát triển khoa học và công nghệ hàng năm. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện phương án phân bổ dự toán ngân sách dành cho khoa học và công nghệ hàng năm và việc sử dụng ngân sách dành cho khoa học và công nghệ đối với các Bộ, ngành, địa phương theo quy định của pháp luật;

d) Hướng dẫn hoạt động thông tin, truyền thông, thư viện, thống kê trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, phát triển thị trường công nghệ; xây dựng hạ tầng thông tin, thống kê khoa học và công nghệ quốc gia; tổ chức các chợ công nghệ và thiết bị, các trung tâm giao dịch công nghệ, triển lãm khoa học và công nghệ; xây dựng hệ thống các cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ; đầu tư phát triển các mạng thông tin khoa học và công nghệ tiên tiến kết nối với khu vực và quốc tế.

8. Về sở hữu trí tuệ:

a) Xây dựng, hướng dẫn, tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ; quy định quy trình, thủ tục đăng ký và xác lập quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng và chuyển nhượng tài sản trí tuệ của tổ chức, cá nhân;

b) Quản lý nhà nước về hoạt động sáng kiến;

c) Hướng dẫn, tổ chức thực hiện việc xác lập, chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp; thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp;

d) Hướng dẫn nghiệp vụ đối với cơ quan quản lý về sở hữu công nghiệp; quản lý hoạt động đại diện sở hữu công nghiệp, giám định về sở hữu công nghiệp và các dịch vụ khác về sở hữu trí tuệ; hướng dẫn về nghiệp vụ sở hữu công nghiệp đối với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và cơ sở;

đ) Chủ trì tổ chức giải quyết các tranh chấp về sở hữu công nghiệp và tranh chấp thương mại liên quan đến sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật;

e) Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ đối với các lĩnh vực liên quan theo phân công của Chính phủ.

9. Về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng:

a) Quản lý hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam; thẩm định và công bố tiêu chuẩn quốc gia; hướng dẫn xây dựng và thẩm định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; tổ chức xây dựng, hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn quốc gia và xây dựng, ban hành, hướng dẫn áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thuộc lĩnh vực được phân công quản lý; tham gia xây dựng tiêu chuẩn quốc tế; hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài ở Việt Nam; hướng dẫn xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương; hướng dẫn xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở; tổ chức, quản lý hoạt động của mạng lưới các cơ quan thông báo và hỏi đáp của Việt Nam về hàng rào kỹ thuật trong thương mại; quản lý nhà nước về nhãn hàng hóa, mã số, mã vạch và phân định sản phẩm, hàng hóa;

b) Quản lý việc thiết lập, duy trì, bảo quản và sử dụng hệ thống chuẩn đo lường; phê duyệt chuẩn đo lường quốc gia; chỉ định tổ chức giữ chuẩn đo lường quốc gia; tổ chức quản lý về đo lường đối với phương tiện đo, phép đo, lượng hàng đóng gói sẵn, chuẩn đo lường; tổ chức quản lý hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường;

Tham khảo thêm:   Đề thi học sinh giỏi giải toán trên máy tính cầm tay năm học 2011 - 2012 môn Sinh khối 12

c) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tổ chức quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong sản xuất, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường và trong quá trình sử dụng theo quy định của pháp luật; hướng dẫn và quản lý về ghi nhãn hàng hóa trên phạm vi cả nước; hướng dẫn và quản lý hoạt động đánh giá sự phù hợp về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, công nhận năng lực của phòng thử nghiệm, phòng hiệu chuẩn, tổ chức chứng nhận sự phù hợp, tổ chức giám định; chủ trì thực hiện chương trình quốc gia nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa; thực hiện các thỏa thuận và điều ước quốc tế về việc thừa nhận lẫn nhau đối với kết quả đánh giá sự phù hợp về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; quản lý, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.

10. Về năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân:

a) Quản lý nhà nước về an toàn bức xạ, phóng xạ môi trường, an toàn hạt nhân, an ninh nguồn phóng xạ, an ninh hạt nhân và thanh sát hạt nhân trong các hoạt động ứng dụng năng lượng nguyên tử trên phạm vi cả nước; hướng dẫn, tổ chức triển khai hoạt động ứng dụng, năng lượng nguyên tử trong các ngành kinh tế – kỹ thuật, các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân theo quy định của pháp luật;

b) Tổ chức quản lý mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia và hệ thống phòng chuẩn quốc gia trong lĩnh vực đo lường bức xạ và hạt nhân;

c) Quy định và hướng dẫn việc khai báo, cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ; thanh tra và xử lý vi phạm về bảo đảm an toàn bức xạ và an toàn hạt nhân đối với các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử;

d) Quản lý nhiên liệu hạt nhân, nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn, chất thải phóng xạ và hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử; quản lý xuất nhập khẩu công nghệ, thiết bị bức xạ, nhiên liệu hạt nhân, nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, vật liệu hạt nhân và nguồn phóng xạ trong phạm vi cả nước;

đ) Quy định việc kiểm soát và xử lý sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân.

11. Về dịch vụ công:

a) Hướng dẫn các tổ chức sự nghiệp thực hiện dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ;

b) Xây dựng các quy trình, thủ tục, định mức kinh tế-kỹ thuật đối với các hoạt động tổ chức cung ứng dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực do Bộ quản lý;

c) Hướng dẫn, tạo điều kiện hỗ trợ cho các tổ chức thực hiện dịch vụ công theo quy định của pháp luật.

12. Quản lý công chức, viên chức chuyên ngành khoa học và công nghệ:

a) Xây dựng tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch công chức thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ để Bộ Nội vụ ban hành;

b) Quản lý vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ;

c) Xây dựng và ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành khoa học và công nghệ;

d) Quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi hoặc xét thăng hạng và tổ chức việc thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức chuyên ngành khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật;

đ) Xây dựng và ban hành tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý của cơ quan chuyên môn về khoa học và công nghệ thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Download file tài liệu để xem thêm chi tiết

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Nghị định 20/2013/NĐ-CP Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *