Ngày 15/10/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 143/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết Luật bảo hiểm xã hội và Luật an toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Nghị định bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 01/12/2018.
Theo đó, từ ngày 01/01/2022, hàng tháng người lao động nước ngoài đóng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó, thời gian này không được tính để hưởng BHXH. Mức đóng BHXH bắt buộc của người sử dụng lao động cho người lao động nước ngoài như sau:
- 3% vào quỹ ốm đau thai sản;
- 0,5% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
- 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất từ ngày 01/01/2022.
CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 143/2018/NĐ-CP |
Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 2018 |
NGHỊ ĐỊNH 143/2018/NĐ-CP
QUY ĐỊNH CHI TIẾT LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI VÀ LUẬT AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG VỀ BẢO HIỂM XÃ HỘI BẮT BUỘC ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀ CÔNG DÂN NƯỚC NGOÀI LÀM VIỆC TẠI VIỆT NAM
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật bảo hiểm xã hội ngày 20 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật an toàn, vệ sinh lao động ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết Luật bảo hiểm xã hội và Luật an toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định chi tiết Luật bảo hiểm xã hội và Luật an toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.
2. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều này không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Nghị định này khi thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam;
b) Người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 1 Điều 187 của Bộ luật Lao động.
3. Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân được phép hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.
4. Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài.
Điều 3. Quyền và trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động
Người lao động và người sử dụng lao động quy định tại Nghị định này có đầy đủ quyền và trách nhiệm theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và Luật an toàn, vệ sinh lao động.
Điều 4. Khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về bảo hiểm xã hội
Việc khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về bảo hiểm xã hội đối với đối tượng quy định tại Điều 2 của Nghị định này được thực hiện theo quy định tại Chương VIII của Luật bảo hiểm xã hội.
Chương II
CÁC CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM XÃ HỘI BẮT BUỘC
Điều 5. Các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc
1. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị định này thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc sau đây: ốm đau; thai sản; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí và tử tuất.
2. Chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị định này tính trên thời gian người lao động tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định tại Nghị định này.
Điều 6. Chế độ ốm đau
1. Điều kiện hưởng chế độ ốm đau thực hiện theo quy định tại Điều 25 của Luật bảo hiểm xã hội.
2. Thời gian hưởng chế độ ốm đau
a) Thời gian hưởng chế độ ốm đau thực hiện theo quy định tại Điều 26 của Luật bảo hiểm xã hội;
b) Thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau thực hiện theo quy định tại Điều 27 của Luật bảo hiểm xã hội.
3. Mức hưởng chế độ ốm đau thực hiện theo quy định tại Điều 28 của Luật bảo hiểm xã hội.
4. Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau thực hiện theo quy định tại Điều 29 của Luật bảo hiểm xã hội.
Điều 7. Chế độ thai sản
1. Điều kiện hưởng chế độ thai sản thực hiện theo quy định tại Điều 31 của Luật bảo hiểm xã hội.
2. Thời gian hưởng chế độ thai sản
a) Thời gian hưởng chế độ khi khám thai thực hiện theo quy định tại Điều 32 của Luật bảo hiểm xã hội;
b) Thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thực hiện theo quy định tại Điều 33 của Luật bảo hiểm xã hội;
c) Thời gian hưởng chế độ khi sinh con thực hiện theo quy định tại Điều 34 của Luật bảo hiểm xã hội;
d) Thời gian hưởng chế độ khi nhận nuôi con nuôi thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Luật bảo hiểm xã hội;
đ) Thời gian hưởng chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai thực hiện theo quy định tại Điều 37 của Luật bảo hiểm xã hội.
3. Mức hưởng chế độ thai sản
a) Lao động nữ sinh con, người lao động nhận nuôi con nuôi được trợ cấp một lần theo quy định tại Điều 38 của Luật bảo hiểm xã hội;
b) Mức hưởng chế độ thai sản thực hiện theo quy định tại Điều 39 của Luật bảo hiểm xã hội.
4. Lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con thực hiện theo quy định tại Điều 40 của Luật bảo hiểm xã hội.
5. Chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ thực hiện theo quy định tại Điều 35 của Luật bảo hiểm xã hội và Điều 3, Điều 4 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc (sau đây gọi là Nghị định số 115/2015/NĐ-CP).
6. Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản thực hiện theo quy định tại Điều 41 của Luật bảo hiểm xã hội.
Điều 8. Chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
1. Điều kiện hưởng
a) Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động thực hiện theo quy định tại Điều 45 của Luật an toàn, vệ sinh lao động;
b) Điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật an toàn, vệ sinh lao động.
2. Giám định mức suy giảm khả năng lao động thực hiện theo quy định tại Điều 47 của Luật an toàn, vệ sinh lao động.
3. Mức hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
a) Trợ cấp một lần thực hiện theo quy định tại Điều 48 của Luật An toàn, vệ sinh lao động;
b) Trợ cấp hàng tháng thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và khoản 6 Điều 49 của Luật an toàn, vệ sinh lao động.
4. Phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình thực hiện theo quy định tại Điều 51 của Luật an toàn, vệ sinh lao động.
5. Trợ cấp phục vụ thực hiện theo quy định tại Điều 52 của Luật an toàn, vệ sinh lao động.
6. Thời điểm hưởng trợ cấp thực hiện theo quy định tại Điều 50 của Luật an toàn, vệ sinh lao động.
7. Trợ cấp khi người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 53 của Luật an toàn, vệ sinh lao động và Điều 10 của Nghị định này.
8. Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật thực hiện theo quy định tại Điều 54 của Luật an toàn, vệ sinh lao động.
9. Chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thực hiện theo quy định tại Điều 5 của Nghị định số 37/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc (sau đây gọi là Nghị định số 37/2016/NĐ-CP).
10. Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc thực hiện theo quy định tại Điều 55 của Luật an toàn, vệ sinh lao động và Điều 7 và Điều 8 của Nghị định số 37/2016/NĐ-CP.
11. Hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thực hiện theo quy định tại khoản 1, điểm a, b và điểm d khoản 2, khoản 3 Điều 56 của Luật an toàn, vệ sinh lao động và các Điều 11, 12, 15, 16,19, 20, 23 và Điều 24 của Nghị định số 37/2016/NĐ-CP.
Điều 9. Chế độ hưu trí
1. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị định này được hưởng lương hưu khi đáp ứng điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại khoản 1 Điều 54 của Luật bảo hiểm xã hội và Điều 6 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP.
2. Mức hưởng
a) Mức lương hưu hàng tháng thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 56 của Luật bảo hiểm xã hội và khoản 1 và khoản 2 Điều 7 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP;
b) Trợ cấp một lần khi nghỉ hưu thực hiện theo quy định tại Điều 58 của Luật bảo hiểm xã hội;
c) Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 62 của Luật bảo hiểm xã hộii.
3. Điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 63 của Luật bảo hiểm xã hội.
4. Điều chỉnh lương hưu thực hiện theo quy định tại Điều 57 của Luật bảo hiểm xã hội và khoản 2 Điều 10 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP.
5. Thời điểm hưởng lương hưu thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 59 của Luật bảo hiểm xã hội.
6. Các trường hợp hưởng bảo hiểm xã hội một lần
Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị định này mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại khoản 1 Điều này mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội;
b) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;
c) Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại khoản 1 Điều này nhưng không tiếp tục cư trú tại Việt Nam;
d) Người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc giấy phép lao động, chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề hết hiệu lực mà không được gia hạn.
7. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 60 của Luật bảo hiểm xã hội.
8. Thời điểm tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần là thời điểm ghi trong quyết định của cơ quan bảo hiểm xã hội. Việc điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội để tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần căn cứ vào thời điểm ghi trong Quyết định của cơ quan bảo hiểm xã hội.
9. Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội
Người lao động khi nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại khoản 1 Điều này hoặc chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại khoản 6 Điều này thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội.
10. Tạm dừng, hưởng tiếp lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng
a) Các trường hợp tạm dừng, hưởng tiếp lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 64 của Luật bảo hiểm xã hội;
b) Lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng được tiếp tục thực hiện khi người xuất cảnh trở lại và cư trú tại Việt Nam. Trường hợp có quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích thì ngoài việc tiếp tục được hưởng lương hưu, trợ cấp còn được truy lĩnh tiền lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng kể từ thời điểm dừng hưởng;
c) Cơ quan bảo hiểm xã hội khi quyết định tạm dừng hưởng theo quy định tại điểm a khoản này phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tạm dừng hưởng, cơ quan bảo hiểm xã hội phải ra quyết định giải quyết hưởng; trường hợp quyết định chấm dứt hưởng bảo hiểm xã hội thì phải nêu rõ lý do.
Điều 10. Chế độ tử tuất
1. Trợ cấp mai táng thực hiện theo quy định tại Điều 66 của Luật Bảo hiểm xã hội.
2. Trợ cấp tuất hằng tháng
a) Các trường hợp hưởng trợ cấp tuất hằng tháng thực hiện theo quy định tại Điều 67 của Luật bảo hiểm xã hội;
b) Mức trợ cấp tuất hằng tháng thực hiện theo quy định tại Điều 68 của Luật bảo hiểm xã hội.
3. Trợ cấp tuất một lần
a) Các trường hợp hưởng trợ cấp tuất một lần thực hiện theo quy định tại Điều 69 của Luật bảo hiểm xã hội;
b) Trường hợp người lao động chết mà có thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp hàng tháng nhưng không cư trú ở Việt Nam thì được giải quyết trợ cấp tuất một lần;
c) Mức trợ cấp tuất một lần thực hiện theo quy định tại Điều 70 của Luật bảo hiểm xã hội.
Điều 11. Thực hiện chuyển đổi chế độ bảo hiểm xã hội đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng không còn cư trú tại Việt Nam
1. Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng khi không tiếp tục cư trú tại Việt Nam có thể ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội. Trường hợp có nguyện vọng thì được giải quyết hưởng trợ cấp một lần.
2. Mức trợ cấp một lần đối với người lao động quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 65 của Luật bảo hiểm xã hội.
Chương III
QUỸ BẢO HIỂM XÃ HỘI
Điều 12. Mức đóng và phương thức đóng của người lao động
1. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2022, người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị định này, hàng tháng đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
2. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Điều 13. Mức đóng và phương thức đóng của người sử dụng lao động
1. Người sử dụng lao động quy định tại khoản 3 Điều 2 của Nghị định này, hàng tháng đóng trên quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động như sau:
a) 3% vào quỹ ốm đau và thai sản;
b) 0,5% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
c) 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.
2. Người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động quy định tại khoản 2 Điều 12 của Nghị định này.
3. Căn cứ vào khả năng cân đối quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Chính phủ xem xét điều chỉnh mức đóng tại điểm b khoản 1 Điều này từ ngày 01 tháng 01 năm 2020.
4. Người lao động mà giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động và thuộc diện áp dụng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì người lao động và người sử dụng lao động chỉ đóng bảo hiểm xã hội đối với hợp đồng lao động giao kết đầu tiên. Riêng tham gia vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì người sử dụng lao động phải đóng theo từng hợp đồng lao động đã giao kết.
Điều 14. Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội
Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại khoản 1 Điều 12 và khoản 1 Điều 13 của Nghị định này thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 89 của Luật bảo hiểm xã hội và khoản 2 và khoản 3 Điều 17 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP.
Chương IV
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC THỰC HIỆN BẢO HIỂM XÃ HỘI
Điều 15. Trình tự, thủ tục tham gia, giải quyết bảo hiểm xã hội
1. Trình tự, thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội và trình tự, thủ tục giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị định này thực hiện theo trình tự, thủ tục đối với lao động Việt Nam và thực hiện theo quy định tại Chương VII của Luật bảo hiểm xã hội; Điều 57, 58, 59, 60, 61 và 62 của Luật an toàn, vệ sinh lao động; Điều 5 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP; Điều 9, 10, 13, 14, 17, 18, 21, 22, 25 và Điều 26 Nghị định số 37/2016/NĐ-CP trừ quy định tại khoản 3 Điều này và Điều 16 của Nghị định này.
2. Hồ sơ tham gia, giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động tại khoản 1 Điều này do cơ quan nước ngoài cấp thì phải được dịch ra tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.
3. Giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần
Trong thời hạn 10 ngày tính đến thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc thời điểm giấy phép lao động, chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề hết hiệu lực (tùy thuộc điều kiện nào đến trước) mà người lao động không tiếp tục làm việc theo hợp đồng lao động hoặc không được gia hạn giấy phép, người lao động có yêu cầu hưởng bảo hiểm xã hội một lần nộp hồ sơ theo quy định cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động, trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Điều 16. Trình tự, giải quyết chuyển đổi hưởng chế độ bảo hiểm xã hội đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng không còn cư trú tại Việt Nam
1. Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng không còn cư trú tại Việt Nam có nguyện vọng nhận trợ cấp một lần nộp đơn đề nghị cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết cho người lao động, trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 17. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 12 năm 2018.
2. Các chế độ quy định tại Điều 9 và Điều 10 của Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.
3. Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Nghị định này và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế.
Điều 18. Trách nhiệm tổ chức thi hành
1. Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tổ chức triển khai, giám sát thi hành Nghị định này và chủ trì phối hợp với các bộ, ngành tiến hành đề xuất đàm phán, ký kết các Hiệp định song phương, đa phương về bảo hiểm xã hội.
2. Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm rà soát, ban hành mẫu, biểu tham gia, giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động nước ngoài bằng tiếng Việt và tiếng Anh.
3. Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm rà soát, ban hành mẫu cấp giấy ra viện, trích sao hồ sơ bệnh án, giấy chứng nhận nghỉ việc, giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai, giấy chứng nhận không đủ sức khỏe chăm sóc con sau sinh, khám giám định mức suy giảm khả năng lao động để giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động tại khoản 1 Điều 2 của Nghị định này.
4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận: |
TM. CHÍNH PHỦ |
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Nghị định 143/2018/NĐ-CP Hướng dẫn đóng BHXH bắt buộc cho NLĐ nước ngoài của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.