Bạn đang xem bài viết ✅ Nghị định 08/2019/NĐ-CP Chế độ với thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Ngày 23/01/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2019/NĐ-CP quy định chế độ đối với thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài. Nghị định chính thức có hiệu lực kể từ ngày 11/03/2019.

Theo đó, các chế độ dành cho thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài bao gồm:

  • Chế độ sinh hoạt phí: Mức sinh hoạt phí cơ sở áp dụng chung cho tất cả các cơ quan Việt Nam ở nước ngoài là 650 đô-la Mỹ/người/tháng và sẽ được xem xét điều chỉnh khi chỉ số giá tiêu dùng tại địa bàn tăng từ 10% trở lên hoặc tùy theo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam;
  • Chế độ phụ cấp: Đại sứ, Người đứng đầu cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được cấp có thẩm quyền giao kiêm nhiệm công tác tại nước khác hoặc tổ chức quốc tế ở nước khác được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm địa bàn như sau: Kiêm nhiệm từ một đến hai nước hoặc tổ chức quốc tế ở nước khác được hưởng mức 15% mức sinh hoạt phí cơ sở nhân với hệ số địa bàn;

CHÍNH PHỦ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 08/2019/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 23 tháng 01 năm 2019

NGHỊ ĐỊNH 08/2019/NĐ-CP

QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI THÀNH VIÊN CƠ QUAN VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài ngày 18 tháng 6 năm 2009 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài ngày 21 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật viên chức ngày 15 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Thông báo kết luận phiên họp thứ 29 của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại Công văn số 2587/TB-TTKQH ngày 14 tháng 12 năm 2018 của Tổng Thư ký Quốc hội;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định một số chế độ đối với thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chế độ sinh hoạt phí, phụ cấp, trợ cấp, chế độ bảo hiểm khám, chữa bệnh, thời gian làm việc và một số chế độ khác đối với thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc nguồn thu từ ngân sách nhà nước, phu nhân/phu quân và con chưa thành niên đi theo thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, phu nhân/phu quân và con chưa thành niên đi theo thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài.

2. Các cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc bảo đảm và thực hiện các chế độ theo quy định của Nghị định này.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài bao gồm các cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi tắt là cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài) và các cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài.

Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài bao gồm cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự và cơ quan đại diện tại tổ chức quốc tế thực hiện chức năng đại diện chính thức của Nhà nước Việt Nam trong quan hệ với quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế tiếp nhận theo quy định tại Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.

Cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài là cơ quan không thuộc cơ cấu tổ chức của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, hưởng kinh phí từ ngân sách nhà nước hoặc nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật, do các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương thành lập ở nước ngoài theo quy định của pháp luật.

2. Thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước; sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, viên chức, công nhân viên hưởng lương từ ngân sách nhà nước làm việc trong lực lượng vũ trang, được cấp có thẩm quyền cử đi công tác nhiệm kỳ tại cơ quan Việt Nam ở nước ngoài theo quy định tại Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài và các quy định liên quan khác.

3. Phu nhân/phu quân là vợ hoặc chồng của thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài.

4. Mức sinh hoạt phí cơ sở là định mức tiền tính bằng đô-la Mỹ áp dụng cho tất cả các địa bàn.

5. Hệ số địa bàn là hệ số quy ước để đánh giá mức độ thuận lợi, khó khăn của từng địa bàn có trụ sở của cơ quan Việt Nam ở nước ngoài.

6. Chỉ số sinh hoạt phí là chỉ số tương ứng với chức vụ ngoại giao, chức danh của thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài.

Điều 4. Căn cứ và nguyên tắc xác định chế độ đối với thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài

1. Chế độ sinh hoạt phí, phụ cấp, trợ cấp và các chế độ khác được xây dựng trên cơ sở nhu cầu vật chất và tinh thần, bảo đảm cuộc sống, sinh hoạt bình thường và bảo đảm việc hoàn thành tốt nhiệm vụ của thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài và phu nhân/phu quân, phù hợp với điều kiện kinh tế của Nhà nước, đặc thù công tác đối ngoại và hoàn cảnh cụ thể của địa bàn công tác.

Tham khảo thêm:   Cách chơi game trên Tencent Gaming Buddy trên máy tính

2. Sinh hoạt phí được xác định như sau: Sinh hoạt phí bằng mức sinh hoạt phí cơ sở nhân với hệ số địa bàn nhân với chỉ số sinh hoạt phí, trong đó:

a) Mức sinh hoạt phí cơ sở được xác định trên cơ sở bảo đảm nhu cầu chung về ăn, chi tiêu thiết yếu và một số nhu cầu về văn hóa, tinh thần cho các thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, phù hợp với điều kiện kinh tế của Nhà nước và đặc thù công tác đối ngoại tại nước ngoài.

b) Hệ số địa bàn được xác định trên cơ sở tổng hợp các yếu tố về môi trường an ninh – chính trị, môi trường tự nhiên – khí hậu, môi trường văn hóa – xã hội, điều kiện giáo dục, điều kiện chăm sóc y tế, khoảng cách địa lý, mức độ đắt đỏ về giá cả sinh hoạt, cường độ công việc, thu hút địa bàn… của các địa bàn có trụ sở của cơ quan Việt Nam ở nước ngoài.

c) Chỉ số sinh hoạt phí được xác định trên cơ sở chức danh tiêu chuẩn, chức vụ được bổ nhiệm tại cơ quan Việt Nam ở nước ngoài và hệ số lương hiện hưởng trong nước của thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài. Chỉ số sinh hoạt phí của phu nhân/phu quân được xác định theo chức danh tiêu chuẩn, chức vụ của chồng/vợ là thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài.

3. Nguyên tắc áp dụng chế độ sinh hoạt phí:

a) Chế độ sinh hoạt phí được áp dụng thống nhất đối với thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài.

b) Người giữ chức vụ ngoại giao, chức danh cao hơn được hưởng chỉ số sinh hoạt phí cao hơn.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5. Chế độ sinh hoạt phí

1. Mức sinh hoạt phí cơ sở áp dụng chung cho tất cả các cơ quan Việt Nam ở nước ngoài là 650 đô-la Mỹ/người/tháng và sẽ được xem xét điều chỉnh khi chỉ số giá tiêu dùng tại các địa bàn tăng từ 10% trở lên hoặc tùy theo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam.

2. Hệ số địa bàn gồm 5 mức: 1,0; 1,1; 1,2; 1,3 và 1,4.

Bộ Ngoại giao ban hành Danh sách phân loại cơ quan Việt Nam ở nước ngoài theo hệ số địa bàn sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính.

3. Chỉ số sinh hoạt phí thấp nhất là 100% và cao nhất là 250%, được xác định theo hệ thống tiêu chuẩn chức danh, chức vụ ngoại giao của thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài và hệ số lương hiện hưởng trong nước.

Chỉ số sinh hoạt phí được quy định cụ thể trong quyết định cử đi công tác nhiệm kỳ tại cơ quan Việt Nam ở nước ngoài.

Ban hành kèm theo Nghị định này 05 Bảng chỉ số sinh hoạt phí (Phụ lục kèm theo), gồm:

a) Bảng 1: Áp dụng đối với thành viên cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài giữ chức vụ ngoại giao.

b) Bảng 2: Áp dụng đối với thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài không giữ chức vụ ngoại giao.

c) Bảng 3: Áp dụng đối với thành viên cơ quan Việt Nam thuộc chuyên ngành an ninh – quốc phòng không giữ chức vụ ngoại giao.

d) Bảng 4: Áp dụng đối với nhân viên hành chính, kỹ thuật, hậu cần.

đ) Bảng 5: Áp dụng đối với phu nhân/phu quân.

Điều 6. Chế độ phụ cấp

1. Đại sứ, Người đứng đầu cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được cấp có thẩm quyền giao kiêm nhiệm công tác tại nước khác hoặc tổ chức quốc tế ở nước khác được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm địa bàn như sau: Kiêm nhiệm từ một đến hai nước hoặc tổ chức quốc tế ở nước khác được hưởng mức 15% mức sinh hoạt phí cơ sở nhân với hệ số địa bàn; kiêm nhiệm từ ba nước hoặc tổ chức quốc tế ở nước khác trở lên được hưởng mức 20% mức sinh hoạt phí cơ sở nhân với hệ số địa bàn.

2. Trường hợp cơ quan Việt Nam ở nước ngoài không bố trí đủ số thành viên theo biên chế được duyệt, thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được cấp có thẩm quyền giao kiêm nhiệm công việc do biên chế khác dự kiến phụ trách thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm mức 15% mức sinh hoạt phí cơ sở nhân với hệ số địa bàn.

3. Nữ thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được hưởng phụ cấp hàng tháng mức 5% mức sinh hoạt phí cơ sở nhân với hệ số địa bàn.

Điều 7. Chế độ trợ cấp

1. Thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài công tác nhiệm kỳ tại địa bàn đang xảy ra xung đột vũ trang, thảm họa do thiên tai, dịch bệnh nghiêm trọng đe dọa tính mạng hoặc trong điều kiện công tác đặc biệt khó khăn được hưởng trợ cấp hàng tháng bằng 30% mức sinh hoạt phí cơ sở nhân với hệ số địa bàn.

Căn cứ báo cáo của Người đứng đầu cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và xét tình hình thực tế tại địa bàn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quyết định địa bàn và thời gian được hưởng khoản trợ cấp này sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính.

2. Thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài bị thương hoặc bị chết trong thời gian công tác nhiệm kỳ ở nước ngoài, ngoài chế độ quy định tại Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức, thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài hoặc thân nhân của thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được Nhà nước trợ cấp, cụ thể:

a) Mức trợ cấp một lần bằng 3 lần mức sinh hoạt phí cơ sở nếu bị thương làm suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên.

b) Mức trợ cấp một lần bằng 7 lần mức sinh hoạt phí cơ sở nếu bị chết.

Điều 8. Chế độ bảo hiểm khám, chữa bệnh

1. Thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được hỗ trợ mua bảo hiểm khám, chữa bệnh ở nước ngoài.

Tham khảo thêm:   Top 10 ứng dụng hữu ích dành cho dân lái ô tô (phần 1)

2. Căn cứ điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể mức hỗ trợ tại Điều này.

Điều 9. Một số chế độ khác

1. Thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được Nhà nước thanh toán tiền nhà ở, tiền điện, tiền nước, tiền chất đốt, tiền thuê bao cáp truyền hình, tiền thuê bao điện thoại, tiền thuê bao internet; được hưởng 40% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên (nếu có) và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) ở trong nước, được tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội như khi công tác trong nước.

2. Thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được phụ cấp một khoản tiền khoán cho cả nhiệm kỳ để mua trang phục đối ngoại, đồ dùng cá nhân thiết yếu trong nhiệm kỳ công tác (trang phục comple, cà-vạt, giày, áo khoác theo mùa….)

3. Tiền vé máy bay (hoặc phương tiện khác), cước hành lý đi công tác nhiệm kỳ:

a) Thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài khi rời Việt Nam đến địa bàn công tác và khi kết thúc nhiệm kỳ được thanh toán chi phí phương tiện đi lại từ nơi ở ra sân bay, ga tầu, bến xe và ngược lại; được hưởng tiêu chuẩn vé máy bay hạng phổ thông (economy class), nếu đi phương tiện khác thì được thanh toán theo giá vé của phương tiện.

b) Người đứng đầu cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được hưởng tiêu chuẩn vé máy bay hạng thương gia (business class) khi đến địa bàn lần đầu nhận công tác và khi kết thúc nhiệm kỳ về nước; khi đi trình Quốc thư và chào kết thúc nhiệm kỳ ở những nước kiêm nhiệm, khi đi công tác cùng với quan chức nước sở tại hoặc do đoàn ngoại giao tổ chức và đi công tác ở sở tại theo yêu cầu của công việc. Nếu đi bằng xe lửa thì được hưởng tiêu chuẩn vé toa hạng nhất.

c) Thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài khi đi đến địa bàn công tác và khi kết thúc nhiệm kỳ về nước được thanh toán khoán 50 kg cước hành lý/lượt trên cơ sở giá cước quy định của hãng hàng không (ngoài khối lượng hành lý được miễn phí theo quy định của hãng hàng không).

4. Thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được thanh toán tiền vé máy bay khứ hồi hoặc vé khứ hồi của các phương tiện khác về Việt Nam hoặc nước thứ ba trong nhiệm kỳ công tác khi bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ/chồng; bố, mẹ nuôi theo quy định của pháp luật; vợ/chồng; con đẻ, con nuôi theo quy định của pháp luật qua đời ở Việt Nam hoặc nước thứ ba.

5. Thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được hưởng tiền công tác phí khi đi công tác trong nước sở tại hoặc ở nước khác.

6. Thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài phải làm việc ban đêm hoặc làm thêm giờ được bố trí nghỉ bù hoặc được hưởng phụ cấp làm thêm giờ.

7. Thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài và thành viên gia đình đi theo được miễn thuế nhập khẩu đối với tài sản di chuyển khi kết thúc nhiệm kỳ về nước.

8. Nữ thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được nghỉ chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

9. Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể quy định tại các khoản từ 1 đến 7 Điều này.

Điều 10. Thời gian làm việc và chế độ nghỉ ngơi

1. Thời gian làm việc một ngày là 08 giờ, một tuần làm việc 05 ngày.

2. Thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được nghỉ hưởng nguyên sinh hoạt phí trong những ngày nghỉ hằng năm, nghỉ ngày lễ, Tết, nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động và trong những ngày nghỉ lễ chính thức của nước sở tại.

Điều 11. Chế độ phu nhân/phu quân

1. Phu nhân/phu quân được cử đi công tác nhiệm kỳ cùng thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài hưởng chế độ sinh hoạt phí theo quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 5 Nghị định này.

2. Phu nhân/phu quân của thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài nếu không thể đi theo chồng/vợ do hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc do địa bàn khó khăn, nguy hiểm thì được hưởng 50% mức sinh hoạt phí theo quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 5 Nghị định này.

3. Phu nhân/phu quân khi rời Việt Nam đến địa bàn công tác và khi kết thúc nhiệm kỳ được thanh toán chi phí phương tiện đi lại từ nơi ở ra sân bay, ga tầu, bến xe và ngược lại; được hưởng tiêu chuẩn vé máy bay hạng phổ thông (economy class), nếu đi phương tiện khác thì được thanh toán theo giá vé của phương tiện. Phu nhân/phu quân Người đứng đầu cơ quan đại diện hưởng vé cùng hạng với hạng vé của Người đứng đầu cơ quan đại diện nếu cùng đi.

4. Phu nhân/phu quân được thanh toán tiền vé máy bay khứ hồi hoặc vé khứ hồi của các phương tiện khác về Việt Nam hoặc nước thứ ba trong nhiệm kỳ công tác khi bố, mẹ đẻ; bố, mẹ chồng/vợ; bố, mẹ nuôi theo quy định của pháp luật; vợ/chồng; con đẻ, con nuôi theo quy định của pháp luật qua đời ở Việt Nam hoặc nước thứ ba.

5. Phu nhân/phu quân đi công tác nhiệm kỳ cùng thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được thanh toán tiền để mua sắm trang phục và những đồ dùng cá nhân thiết yếu khác khoán cho cả nhiệm kỳ theo mức của chồng/vợ là thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài mà người đó đi theo cùng nhiệm kỳ.

6. Phu quân/phu nhân khi đi đến địa bàn công tác và khi kết thúc nhiệm kỳ về nước được thanh toán khoán 50 kg cước hành lý/lượt trên cơ sở giá cước quy định của hãng hàng không (ngoài khối lượng hành lý được miễn phí theo quy định của hãng hàng không).

7. Phu nhân/phu quân công tác nhiệm kỳ tại các địa bàn đang xảy ra xung đột vũ trang, thảm họa do thiên tai, dịch bệnh nghiêm trọng đe dọa tính mạng hoặc trong điều kiện công tác đặc biệt khó khăn được hưởng trợ cấp hàng tháng như thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định này.

Tham khảo thêm:   Đề khảo sát chất lượng môn Ngữ văn lớp 12 năm học 2017 - 2018 Sở GD&ĐT Thanh Hóa Đề thi học kì 2 lớp 12 môn Ngữ văn

8. Phu nhân/phu quân đi công tác nhiệm kỳ cùng thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được hưởng chế độ bảo hiểm khám, chữa bệnh như thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài.

9. Phu nhân/phu quân được hưởng trợ cấp nếu bị thương hoặc bị chết trong thời gian công tác nhiệm kỳ như thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định này.

10. Phu nhân đi công tác nhiệm kỳ cùng thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được hưởng phụ cấp hàng tháng bằng 5% mức sinh hoạt phí cơ sở nhân với hệ số địa bàn.

11. Phu nhân/phu quân là cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước; sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, viên chức, công nhân viên hưởng lương từ ngân sách nhà nước làm việc trong lực lượng vũ trang, trong thời gian hưởng chế độ phu nhân/phu quân tại cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được hưởng 40% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên (nếu có) và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) ở trong nước, được tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, được cơ quan trong nước thực hiện chế độ nâng bậc lương theo quy định của Nhà nước, khi kết thúc nhiệm kỳ công tác ở nước ngoài về nước được nhận trở lại cơ quan cũ làm việc.

12. Phu nhân/phu quân không phải là cán bộ, công chức, viên chức lương từ ngân sách nhà nước hoặc sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, viên chức, công nhân viên hưởng lương từ ngân sách nhà nước làm việc trong lực lượng vũ trang, nhưng có quá trình đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc tự nguyện trước khi đi công tác nhiệm kỳ cùng thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, được tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

13. Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể các mức chế độ quy định tại Điều này.

Điều 12. Chế độ đối với con chưa thành niên đi theo thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài

1. Con chưa thành niên đi theo thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được hỗ trợ học phí, cụ thể như sau:

a) Hỗ trợ học phí cấp theo từng tháng trong năm học, áp dụng đối với các trường hợp thực tế có đóng học phí ở nước sở tại.

b) Mức hỗ trợ học phí tối đa bằng 50% mức sinh hoạt phí cơ sở. Mức hỗ trợ sẽ được xem xét điều chỉnh phù hợp tùy theo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam.

c) Điều kiện được hưởng hỗ trợ học phí là tại những địa bàn mà các trường công lập sở tại không có chính sách miễn học phí cho con thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài hoặc những địa bàn mà con của thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài phải học trường ngoài công lập.

2. Con chưa thành niên đi theo thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được hỗ trợ chi phí mua bảo hiểm khám, chữa bệnh ở nước ngoài tối đa bằng 50% chế độ bảo hiểm khám, chữa bệnh ở nước ngoài dành cho thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài. Mức hỗ trợ này sẽ được xem xét điều chỉnh tùy theo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13. Nguồn kinh phí thực hiện

Nguồn kinh phí thực hiện các chế độ quy định tại Nghị định này được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của các cơ quan Việt Nam ở nước ngoài và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 14. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 11 tháng 3 năm 2019.

2. Các chế độ quy định tại Nghị định này được tính hưởng kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2018.

3. Bãi bỏ Nghị định số 157/2005/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ quy định một số chế độ đối với cán bộ, công chức công tác nhiệm kỳ tại cơ quan Việt Nam ở nước ngoài; Nghị định số 48/2012/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 157/2005/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ quy định một số chế độ đối với cán bộ, công chức công tác nhiệm kỳ tại cơ quan Việt Nam ở nước ngoài.

Điều 15. Trách nhiệm hướng dẫn thi hành

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ trưởng Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn các điều, khoản được giao trong Nghị định này.

Điều 16. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Người đứng đầu cơ quan Việt Nam ở nước ngoài chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

Nơi nhận:
– Ban Bí thư Trung ương Đảng;

– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
– Văn phòng Tổng Bí thư;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
– Văn phòng Quốc hội;
– Tòa án nhân dân tối cao;
– Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
– Kiểm toán nhà nước;
– Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
– Ngân hàng Chính sách xã hội;
– Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
– Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
– Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
– VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
– Lưu: VT, KTTH (2). XH

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Nghị định 08/2019/NĐ-CP Chế độ với thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *