Mẫu bài dạy minh họa Mô đun 4 môn Khoa học tự nhiên THCS là mẫu giáo án minh họa tập huấn Mô đun 4, giúp thầy cô tham khảo phục vụ cho công tác soạn giáo án theo chương trình GDPT 2018 mới. Với nội dung bài dạy Virus môn Khoa học tự nhiên 6, thời lượng 2 tiết.
Ngoài ra, thầy cô có thể tham khảo thêm kế hoạch bài dạy môn Ngữ văn THCS để đạt kết quả cao trong kỳ tập huấn Mô đun 4 này. Vậy mời thầy cô cùng theo dõi bài viết dưới đây của Wikihoc.com:
Mẫu kế hoạch bài dạy Module 4 môn Khoa học tự nhiên 6
KẾ HOẠCH BÀI DẠY
BÀI HỌC: VIRUS (Thời lượng: 02 tiết)
I. Yêu cầu cần đạt
- Quan sát hình ảnh và mô tả được hình dạng và cấu tạo đơn giản của virus (gồm vật chất di truyền và lớp vỏ protein).
- Phân biệt được virus và vi khuẩn (chưa có cấu tạo tế bào và đã có cấu tạo tế bào).
- Nêu được một số bệnh do virus gây ra. Trình bày được một số cách phòng và chống bệnh do virus gây ra.
- Nêu được một số vai trò và ứng dụng virus trong thực tiễn.
II. Mục tiêu
1. Về năng lực
Năng lực Khoa học tự nhiên:
– Nhận thức KHTN: Mô tả được hình dạng và cấu tạo đơn giản của virus; nhận ra được sự đa dạng của virus; Nhận biết được virus chưa có cấu tạo tế bào; Nêu được vai trò và ứng
dụng của virus trong thực tiễn; Nêu được một số bệnh và trình bày được cách phòng chống bệnh do virus gây ra;
- Vận dụng: Vận dụng được hiểu biết về virus vào giải thích một số hiện tượng trong thực tiễn (Vì sao bệnh do virus lây lan nhanh, vì sao thực hiện biện pháp 5K)
1.2. Năng lực chung: Thực hiện và hỗ trợ bạn hoàn thành nhiệm vụ của nhóm
2. Về phẩm chất:
- Nhân ái: Không kỳ thị người nhiễm bệnh do virus trong cộng đồng
- Trách nhiệm: Giữ vệ sinh môi trường để phòng chống và tránh sự lây lan bệnh do virus gây ra trên con người và đối tượng vật nuôi, cây trồng; Trách nhiệm bảo vệ bản thân và cộng đồng trước các dịch bệnh do virus gây
II. Thiết bị dạy học và học liệu
- Tranh 1: Hình ảnh virus corona, virus khảm thuốc lá, thực khuẩn thể.
- Tranh 2: Hình ảnh thước đo các bậc cấu trúc của thế giới sống
- Tranh 3: Cấu tạo đơn giản của một virus
III. Tiến trình dạy học
1. Hoạt động 1: Mở đầu (Khoảng 15 phút)
1.1. Mục tiêu: Huy động các kiến thức thực tế của HS về virus corona và đại dịch Covid 19 (Hay còn gọi là đại dịch viêm đường hô hấp cấp).
1.2. Nội dung: HS được yêu cầu trình bày ngắn gọn vào vở 3 điều hiểu biết về virus corona, đại dịch Covid 19 và biện pháp phòng tránh.
1.3. Sản phẩm: Kết quả tổng hợp trên bảng về virus corona, dịch Covid 19 và biện pháp phòng tránh (Corona là virus gây nhiễm trùng cấp tính với các triệu chứng hô hấp, lây lan nhanh; Lây truyền từ người qua người thông qua tiếp xúc; qui tắc 5K).
1.4. Tổ chức thực hiện
a) GV giao nhiệm vụ: HS thảo luận theo cặp để thực hiện nhiệm vụ như mục Nội dung. Ghi kết quả vào vở.
b) HS thực hiện nhiệm vụ: HS thảo luận theo cặp, lựa chọn ý kiến và ghi vào vở. GV quan sát, gợi ý cho HS về loại virus, tình hình dịch Covid 19 trên thế giới và ở Việt Nam, các biện pháp phòng tránh…; phát hiện các nhóm có sự khác nhau về các ý kiến.
c) GV tổ chức báo cáo và thảo luận: Hết thời gian làm việc hợp tác, GV yêu cầu HS xung phong trình bày kết quả. GV ghi nhanh ý kiến lên bảng; yêu cầu cả lớp nhận xét, lựa chọn ý kiến đúng/sai, bổ sung các ý còn thiếu…
d) Kết luận:
+ GV nhận xét, khen thưởng nhóm có nhiều ý đúng nhất và chốt lại một số ý kiến cơ bản như dự kiến trong mục sản phẩm, có thể nhấn mạnh những ý kiến hay, đúng từ kết quả làm việc của HS.
+ GV nêu vấn đề: Vậy Virus corona đặc điểm, cấu tạo như thế nào? và có phải tất cả các virus đều gây bệnh hại không? Bài học này sẽ tìm hiểu khái niệm, đặc điểm, cấu tạo của virus. Ngoài bệnh viêm đường hô hấp cấp do corona gây ra, bài học này còn tìm hiểu các bệnh do virus khác gây ra và cách phòng tránh chúng.
2. Hoạt động 2: Tìm hiểu đặc điểm và cấu tạo của virus (30 phút)
2.1 Mục tiêu: Nêu được kích thước, mô tả được hình dạng và cấu tạo đơn giản của virus; Nhận biết được virus chưa có cấu tạo tế bào.
2.2 Nội dung: HS được yêu cầu lần lượt quan sát tranh 1; tranh 2; tranh 3 để thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Nhận xét sự khác biệt về hình dạng của các loại virus trong tranh
- So sánh kích thước của virus so với vi khuẩn, tế bào trong tranh
- Kể tên thành phần cấu tạo chính của virus trong tranh
2.3. Sản phẩm:
- Virus có 3 hình dạng đặc trưng: Dạng xoắn: virus khảm thuốc lá; Dạng hình khối: virus corona; Dạng hỗn hợp: thực khuẩn thể.
- Virus có kích thước nhỏ hơn vi khuẩn, tế bào (khoảng 100nm).
- Virus có cấu tạo đơn giản gồm phần vỏ protein và phần lõi chứa vật chất di truyền, một số có vỏ ngoài.
- Virus là dạng sống đơn giản, chưa có cấu trúc tế bào, có kích thước siêu hiển vi, sống kí sinh nội bào bắt buộc, khi ra khỏi tế bào vật chủ, virus tồn tại như một vật không sống.
2.4. Tổ chức thực hiện
a. GV giao nhiệm vụ: GV giới thiệu tranh 1,2,3 và nhiệm vụ tương ứng như mục Nội dung.
b. HS thực hiện nhiệm vụ. HS trao đổi theo cặp để trả lời câu hỏi. GV quan sát, gợi ý: (1) Virus nào có dạng hình xoắn, hình khối, kết hợp giữa dạng xoắn và dạng khối? (2) Virus có kích thước khoảng bao nhiêu? Kích thước của virus như thế nào so với vi khuẩn, tế bào?
(3) Hướng dẫn HS mô tả cấu tạo từ ngoài vào trong hoặc từ trong ra ngoài.
c. Báo cáo và thảo luận: Mời HS xung phong trình bày kết quả thảo luận. GV ghi nhanh lên phần bảng nháp câu trả lời của HS. GV thông báo thực khuẩn thể là virus xâm nhiễm vào vi khuẩn. GV hỏi: Virus đã có cấu tạo tế bào chưa? (chưa); Virus HIV có gì khác so với các loại còn lại? (Có vỏ ngoài) Khi không đi vào tế bào vật chủ, virus có có thể nhân lên không?(không, kí sinh nội bào bắt buộc)
d. Kết luận: GV nhận xét quá trình làm việc của HS và cùng HS kết luận, yêu cầu HS ghi vào vở:
- Virus có 3 hình dạng đặc trưng: Dạng xoắn: virus khảm thuốc lá; Dạng hình khối: virus corona; Dạng hỗn hợp: thực khuẩn thể
- Virus có kích thước siêu nhỏ, khoảng từ 10 nm–100 nanomet (nm);
- Virus chưa có cấu tạo tế bào, sống kí sinh nội bào bắt buộc.
- Virus có cấu tạo đơn giản gồm phần vỏ protein và phần lõi chứa vật chất di truyền, một số có vỏ ngoài.
3. Hoạt động 3: Luyện tập (Khoảng 40 phút)
3.1. Mục tiêu: Nêu được vai trò và ứng dụng của virus trong thực tiễn; Nêu được một số bệnh và trình bày được cách phòng chống bệnh do virus gây ra.
3.2. Nội dung: HS hoàn thành các bài tập được giao dưới đây.
Bài 1. Nghiên cứu SGK và cho biết virus có lợi hay có hại? vì sao?
Bài 2. Nếu virus biến mất hoàn toàn khỏi hành tinh của chúng ta thì điều gì xảy ra?
Bài 3. Hãy gọi tên và phương thức lây truyền những bệnh do virus gây ra tương ứng với hình ảnh về biểu hiện bệnh dưới đây.
3.3. Sản phẩm: HS hoàn thành các bài tập vào vở.
Bài 1. Virus vừa có lợi, vừa có hại. Có lợi trong nghiên cứu khoa học,sản xuất chế phẩm sinh học, làm thuốc trừ sâu sinh học; Có hại: Gây bệnh cho người và động vật, thực vật, làm hỏng các sản phẩm vi sinh vật.
Bài 2. Nếu virus biến mất hoàn toàn trên hành tinh của chúng ta thì: Vi khuẩn sẽ gia tăng nhanh chóng, trong đó có vi khuẩn gây hại cho con người; Không còn virus để nghiên cứu ứng dụng trong các lĩnh vực sản xuất các chế phẩm sinh học, chế phẩm thuốc trừ sâu Sinh học không gây hại môi trường, con người và sinh vật; sử dụng trong công nghệ gen tạo ra các giống vật nuôi cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Bài 3. (1) Sốt xuất huyết – Lây qua muỗi đốt; (2) Quai bị – Lây qua dịch hô hấp, tiêu hóa;
(3) Thủy đậu – Lây qua dịch hô hấp hoặc dịch từ nốt phỏng, tiếp xúc trực tiếp/gián tiếp vật nhiễm chất dịch (4) Lở mồm long móng – Lây qua đường tiếp xúc giữa động vật khoẻ với động vật, sản phẩm động vật, thức ăn, nước uống, không khí, chất thải, dụng cụ, phương tiện vận chuyển, có mang mầm bệnh; (5) Khảm – Lây qua côn trùng chích hút, tiếp xúc lá bệnh, qua tiếp xúc gián tiếp.
3.4. Tổ chức thực hiện
a. GV giao nhiệm vụ: GV giao bài tập 1, 2, 3 cho HS thực hiện theo cặp đôi như ở mục Nội dung và ghi kết quả vào vở.
b. HS thực hiện nhiệm vụ: HS thảo luận cặp đôi, sau đó mỗi HS độc lập giải bài tập vào vở. GV theo dõi, hỗ trợ HS khi cần thiết (VD: khi HS chưa hiểu câu hỏi trong bài tập, HS không xác định được loại bệnh khi quan sát hình ảnh…), GV có thể gợi ý, định hướng để HS vượt khó và trình bày các bài tập khi cần thiết.
c. GV tổ chức báo cáo và thảo luận: Đại diện nhóm HS báo cáo kết quả thực hiện bài tập
+ GV tổ chức cho HS chữa Bài 1. GV có thể có thể yêu cầu HS kể tên 1 số ứng dụng của virus trong thực tiễn và tên nghề nghiệp tạo ra các ứng dụng đó. Nếu không tăng cường sử dụng thuốc trừ sâu sinh học thì điều gì xảy ra? (Ô nhiễm môi trường, gây hại cho người và động, thực vật)
+ GV tổ chức cho HS chữa Bài 2. và nhấn mạnh “Tuy gây 1 số bệnh hại ở người, động vật và thực vật nhưng Virus vẫn có vai trò quan trọng trong tự nhiên và trong thực tiễn”.
+ GV tổ chức giải Bài 3. Yêu cầu HS phải ghi nhớ và để ý các biểu hiện của bệnh, để khi mắc bệnh sẽ phát hiện sớm và chữa trị. GV có thể hỏi thêm HS một số vấn đề về các bệnh này như: (1) Khi mắc bệnh quai bị thì các em nên làm gì? (tránh vận động mạnh);
(2) Khi bị thủy đậu thì có nên làm vỡ vết bỏng không?(Không). (3) Các hộ gia đình/trang trại nuôi gia súc cần làm gì khi gia súc của họ bị lở mồm long móng?(Giữ gìn vệ sinh chuồng trại, tiêu hủy gia súc bị bệnh, khử khuẩn); (4) Các bệnh do virus gây ra lan truyền theo những con đường nào? (Máu, mẹ sang con, hô hấp, tiêu hóa…); (5) Làm thế nào để phòng tránh các bệnh do virus gây ra? (ngăn chặn con đường lây bệnh, tiêm vacxin)
d. Kết luận
– GV nhận xét kết quả làm việc của HS.
– Sau khi giải bài tập 1,2. Gv yêu cầu HS ghi vở về Vai trò và ứng dụng của virus trong thực tiễn: Virus có vai trò quan trọng trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tiễn như sản xuất chế phẩm sinh học, làm thuốc trừ sâu sinh học.
– Sau khi giải bài tập 3, GV yêu cầu HS ghi vở về tác hại gây bệnh của virus: Virus là nguyên nhân gây ra một số bệnh ở người, động vật và thực vật. Bệnh do virus có thể lây
truyền theo nhiều con đường khác nhau như từ mẹ sang con, tiêu hóa, hô hấp, máu, tiếp xúc trực tiếp…Để phòng tránh sự lây lan các bệnh do virus cần ngăn chặn con đường lây lan bệnh và tiêm vacxin.
4. Hoạt động 4: Vận dụng (Khoảng 5 phút, Giao nhiệm vụ cho HS làm ở nhà)
4.1. Mục tiêu: Vận dụng được hiểu biết về virus vào giải thích một số hiện tượng trong thực tiễn
4.2. Nội dung: HS được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ sau: “Hãy chọn 1 loại bệnh truyền nhiễm do virus, xác định biểu hiện, con đường lây lan, biện pháp phòng tránh bệnh. Em có thái độ và cách ứng xử như thế nào khi bạn hoặc người xung quanh mắc bệnh do virus gây ra?”
4.3. Sản phẩm: Kết quả thực hiện nhiệm vụ, gồm: Tên bệnh, biểu hiện, con đường lây, biện pháp phòng tránh và thái độ, cách ứng xử với người nhiễm bệnh do virus
4.4. Tổ chức thực hiện
a. GV giao nhiệm vụ: GV yêu cầu HS ghi bài tập như mục Nội dung vào vở.
b. HS thực hiện nhiệm vụ: HS làm việc độc lập ở nhà, ghi kết quả giải bài tập vào vở.
c. GV tổ chức báo cáo kết quả và thảo luận: Vào đầu tiết học sau, GV tổ chức cho một số HS báo cáo kết quả làm việc ở nhà; các HS khác nhận xét, góp ý. GV yêu cầu HS giải thích thông điệp 5K trong phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra (Nếu HS chưa thể hiện nội dung này) (KHẨU TRANG, KHỬ KHUẨN, KHOẢNG CÁCH, KHÔNG TỤ TẬP, KHAI BÁO Y TẾ) và hỏi một số câu hỏi sau: (1) Đeo khẩu trang như thế nào cho đúng cách?; (2) Nếu bản thân thuộc diện F1, F2 thì em sẽ làm gì khi được yêu cầu cách li? (3) Nếu trong lớp học hoặc trong khu dân cư có người bị nhiễm bệnh do virus gây ra thì các em sẽ ứng xử với bạn/người đó như thế nào?
d. Kết luận:
– GV nhận xét kết quả làm việc của HS.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Mẫu bài dạy minh họa Mô đun 4 môn Khoa học tự nhiên THCS Giáo án minh họa môn Khoa học tự nhiên Module 4.0 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.