QUỐCHỘI Số: 77/2006/QH11 |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 29 tháng 11 năm 2006 |
QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Khoá XI, kỳ họp thứ 10 (Từ ngày 17 tháng 10 đến ngày 29 tháng 11 năm 2006)
LUẬT
THỂ DỤC, THỂ THAO
Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;
Luật này quy định về thể dục, thể thao.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định về tổ chức và hoạt động thể dục, thể thao; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thể dục, thể thao.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thể dục, thể thao; tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động thể dục, thể thao tại Việt Nam.
Điều 3. Áp dụng Luật thể dục, thể thao
1. Hoạt động thể dục, thể thao và quản lý hoạt động thể dục, thể thao phải tuân thủ quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế đó.
Điều 4. Chính sách của Nhà nước về phát triển thể dục, thể thao
1. Phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao nhằm nâng cao sức khoẻ, thể lực, tầm vóc người Việt Nam, góp phần cải thiện đời sống văn hoá, tinh thần cho nhân dân, tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế về thể thao, nâng cao sự hiểu biết giữa các quốc gia, dân tộc phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tăng dần đầu tư ngân sách nhà nước, dành quỹ đất và có chính sách phát huy nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo bồi dưỡng nhân lực, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu thể thao để đào tạo thành những tài năng thể thao, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động thể dục, thể thao, phát triển một số môn thể thao đạt trình độ thế giới.
2. Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao, thành lập cơ sở dịch vụ hoạt động thể thao đáp ứng nhu cầu tập luyện, vui chơi, giải trí của nhân dân, bảo đảm để các cơ sở thể thao công lập và tư nhân được bình đẳng trong việc hưởng ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai theo quy định của pháp luật.
3. Ưu tiên đầu tư phát triển thể dục, thể thao ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc.
Điều 5. Cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về thể dục thể thao.
2. Uỷ ban Thể dục thể thao chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thể dục thể thao.
3. Bộ, cơ quan ngang bộ phối hợp với Uỷ ban Thể dục thể thao thực hiện quản lý nhà nước về thể dục thể thao theo thẩm quyền.
4. Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về thể dục thể thao ở địa phương theo phân cấp của Chính phủ.
Điều 6. Nội dung quản lý nhà nước về thể dục, thể thao
1. Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển thể dục, thể thao, các văn bản quy phạm pháp luật về thể dục, thể thao.
2. Tổ chức, chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho thể dục, thể thao.
3. Kiểm tra, đánh giá phát triển thể dục, thể thao quần chúng và hoạt động thi đấu thể thao.
4. Tổ chức, chỉ đạo hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực thể dục, thể thao.
5. Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao.
6. Tổ chức, chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng trong hoạt động thể dục, thể thao.
7. Tổ chức, chỉ đạo thực hiện hợp tác quốc tế về thể thao.
8. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về thể dục, thể thao.
Điều 7. Thanh tra thể dục, thể thao
1. Thanh tra thể dục, thể thao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực thể dục, thể thao.
2. Tổ chức và hoạt động của thanh tra thể dục, thể thao được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.
Điều 8. Khiếu nại, tố cáo trong hoạt động thể dục, thể thao
Việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động thể dục, thể thao được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Điều 9. Thông tin, tuyên truyền về thể dục, thể thao
1. Cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao các cấp có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan để tuyên truyền về lợi ích, tác dụng của thể dục, thể thao, vận động mọi người tham gia hoạt động thể dục, thể thao.
2. Đài phát thanh, truyền hình có trách nhiệm phát sóng hàng ngày chương trình thể dục buổi sáng.
3. Các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm thông tin, tuyên truyền về hoạt động thể dục, thể thao trong nước và quốc tế phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân.
Điều 10. Những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thể dục, thể thao
1. Lợi dụng hoạt động thể dục, thể thao xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; gây thiệt hại đến sức khoẻ, tính mạng con người, trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hoá dân tộc.
2. Sử dụng chất kích thích, phương pháp bị cấm trong tập luyện và thi đấu thể thao.
3. Gian lận trong hoạt động thể thao.
4. Bạo lực trong hoạt động thể thao.
5. Cản trở hoạt động thể dục, thể thao hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
6. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm sai lệch kết quả thi đấu thể thao.
Chương II
THỂ DỤC, THỂ THAO CHO MỌI NGƯỜI
Mục 1
THỂ DỤC, THỂ THAO QUẦN CHÚNG
Điều 11. Phát triển thể dục, thể thao quần chúng
1. Nhà nước có chính sách đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia phát triển thể dục, thể thao quần chúng, tạo cơ hội cho mọi người không phân biệt lứa tuổi, giới tính, sức khoẻ, tình trạng khuyết tật được thực hiện quyền hoạt động thể dục, thể thao để nâng cao sức khoẻ, vui chơi, giải trí.
2. Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm xây dựng các công trình thể thao công cộng, bảo đảm nhân lực về chuyên môn, nghiệp vụ thể dục, thể thao; xây dựng mạng lưới cộng tác viên thể dục, thể thao cơ sở đáp ứng yêu cầu hoạt động thể dục, thể thao của cộng đồng dân cư.
3. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm vận động hội viên tham gia hoạt động thể dục, thể thao nhằm rèn luyện thân thể, nâng cao sức khoẻ; phối hợp với cơ quan quản lýý nhà nước về thể dục thể thao tổ chức biểu diễn và thi đấu thể thao quần chúng.
4. Cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao các cấp phối hợp với tổ chức xã hội – nghề nghiệp về thể thao vận động mọi người tham gia phát triển phong trào thể dục, thể thao, phổ biến kiến thức, hướng dẫn tập luyện thể dục, thể thao phù hợp với sở thích, lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cộng tác viên thể dục, thể thao cơ sở.
5. Cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp có trách nhiệm tạo điều kiện để công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị mình được tham gia hoạt động thể dục, thể thao.
Điều 12. Phong trào thể dục, thể thao quần chúng
1. Nhà nước phát động phong trào thể dục, thể thao quần chúng nhằm động viên, khuyến khích mọi người tham gia tập luyện thể dục, biểu diễn và thi đấu thể thao, hình thành thói quen rèn luyện thân thể cho mọi người.
2. Phong trào thể dục, thể thao quần chúng được đánh giá bằng chỉ tiêu số người tập luyện thường xuyên và gia đình thể thao. Việc tổ chức, đánh giá phong trào thể dục, thể thao quần chúng tại địa phương được thực hiện theo hướng dẫn của Uỷ ban Thể dục thể thao.
Điều 13. Thi đấu thể thao quần chúng
1. Uỷ ban Thể dục thể thao chỉ đạo tổ chức thi đấu thể thao quần chúng ở cấp quốc gia.
2. Uỷ ban nhân dân các cấp chỉ đạo tổ chức thi đấu thể thao quần chúng tại địa phương mình.
3. Cơ quan, tổ chức được tổ chức thi đấu thể thao quần chúng trong phạm vi quyền hạn của mình.
4. Cơ quan, tổ chức quyết định tổ chức giải thi đấu thể thao quần chúng phải tuân theo quy định của Luật này và có trách nhiệm quy định nội dung, hình thức, chế độ bồi dưỡng, giải thưởng và bảo đảm kinh phí cho việc tổ chức giải thi đấu.
Điều 14. Thể dục, thể thao cho người khuyết tật
1. Nhà nước tạo điều kiện cho người khuyết tật tham gia hoạt động thể dục, thể thao nhằm nâng cao sức khoẻ, hoà nhập cộng đồng; bảo đảm cơ sở vật chất và chế độ, chính sách cho vận động viên thể thao khuyết tật tập luyện và thi đấu các giải thể thao quốc gia, quốc tế.
2. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân hỗ trợ người khuyết tật tham gia hoạt động thể dục, thể thao.
3. Cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao các cấp phối hợp với tổ chức xã hội – nghề nghiệp về thể thao, cơ quan, tổ chức có liên quan tạo điều kiện, hướng dẫn người khuyết tật tham gia các hoạt động thể dục, thể thao.
4. Công trình thể thao phải được thiết kế phù hợp để người khuyết tật tham gia hoạt động thể dục, thể thao.
Điều 15. Thể dục, thể thao cho người cao tuổi
1. Nhà nước tạo điều kiện và khuyến khích tổ chức, cá nhân chăm lo việc tập luyện, biểu diễn và thi đấu thể thao cho người cao tuổi.
2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội người cao tuổi có trách nhiệm tuyên truyền, vận động người cao tuổi tham gia hoạt động thể dục, thể thao.
Điều 16. Thể dục phòng bệnh, chữa bệnh
1. Cơ quan, doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức tập luyện thể dục phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động trong cơ quan và doanh nghiệp của mình.
Download văn bản để xem thêm chi tiết.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Luật Thể dục, Thể thao số 77/2006/QH 11 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.