Giải Lịch sử 9 Bài 12: Việt Nam trong những năm đầu sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 giúp các em học sinh lớp 9 tham khảo, biết cách trả lời toàn bộ câu hỏi trong sách giáo khoa Lịch sử – Địa lí 9 Cánh diều trang 56, 57, 58, 59, 60.
Với lời giải trình bày rõ ràng, cẩn thận, dễ hiểu nhằm giúp học sinh nhanh chóng biết cách làm bài. Đồng thời, cũng là tài liệu hữu ích giúp thầy cô thuận tiện trong việc hướng dẫn học sinh ôn tập Bài 12 Chương 4: Việt Nam từ năm 1945 đên năm 1991. Vậy chi tiết mời thầy cô và các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Wikihoc.com:
Trả lời câu hỏi Lịch sử 9 Cánh diều Bài 12
I. Xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng
Nêu các biện pháp của Chính phủ để xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng?
Trả lời:
– Sau khi giành được độc lập, một trong những nhiệm vụ cấp bách hàng đầu của Việt Nam là xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng.
– Ngày 6-1-1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên diễn ra trong cả nước. Trên 90% cử tri đi bỏ phiếu, bầu được 333 đại biểu vào Quốc hội khóa I. Ngày 2-3-1946, tại kì họp đầu tiên của Quốc hội, Chính phủ liên hiệp kháng chiến được thành lập, do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.
– Sau cuộc bầu cử Quốc hội, các địa phương ở Bắc Bộ và Trung Bộ tiến hành bầu cử Hội đồng nhân dân, thành lập Ủy ban hành chính các cấp. Tháng 5-1946, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Hội Liên Việt) được thành lập, khối đoàn kết toàn dân được tăng cường. Ngày 9-11-1946, Quốc hội thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
– Lực lượng vũ trang nhân dân được chú trọng xây dựng và phát triển. Tháng 9-1945, Việt Nam Giải phóng quân đối thành Vệ quốc đoàn, đến tháng 6-1946 đổi thành Quân đội quốc gia Việt Nam. Lực lượng dân quân, tự vệ tăng lên hàng chục vạn người, có mặt ở khắp nơi trên cả nước.
II. Giải quyết khó khăn về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục
Nêu các biện pháp của Chính phủ để giải quyết khó khăn về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục?
Trả lời:
– Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn: ngân sách nhà nước trống rỗng: nền nông nghiệp lạc hậu; nạn đói hoành hành; tàn dư văn hóa lạc hậu của chế độ thực dân, phong kiến nặng nề; trên 90% dân số Việt Nam không biết chữ,…
– Để giải quyết nạn đói, Chính phủ đề ra nhiều biện pháp trước mắt như kêu gọi “Nhường cơm sẻ áo”, lập “Hũ gạo cứu đói”, tổ chức “Ngày đồng tâm”, điều hòa thóc gạo giữa các địa phương, nghiêm trị việc đầu cơ tích trữ thóc gạo,…
– Về biện pháp lâu dài, Chính phủ kêu gọi nhân dân đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hiện khẩu hiệu “Tấc đất tấc vàng”, “Không một tấc đất bỏ hoang”, chính quyền cách mạng ra sắc lệnh bãi bỏ thuế thân và các thứ thuế vô lí khác của chế độ cũ, ra sắc lệnh giảm tô 25%, giảm thuế ruộng đất. Vì vậy; từ cuối năm 1945 đến giữa năm 1946, sản xuất nông nghiệp nhanh chóng được phục hồi, nạn đói cơ bản bị đầy lùi.
– Để giải quyết khó khăn về tài chính. Chính phủ kêu gọi tinh thần tự nguyện đóng góp của nhân dân cả nước. Hưởng ứng cuộc vận động xây dựng “Quỹ độc lập”, phong trào “Tuần lễ vàng” do Chính phủ phát động, chỉ trong thời gian ngắn,người dân đã đóng góp được 370 kg vàng, 20 triệu đồng vào “Quỹ độc lập” và 40 triệu đồng vào “Quỹ đảm phụ quốc phòng”. Tháng 11-1946, đồng tiền Việt Nam mới được chính thức lưu hành trong cả nước.
– Để giải quyết nạn dốt, ngày 8-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí sắc lệnh lập Nha Bình dân học vụ và kêu gọi nhân dân cả nước tham gia phong trào xóa nạn mù chữ.Phong trào Bình dân học vụ nhanh chóng lan rộng khắp cả nước. Các lớp học được mở khắp nơi (trong nhà dân, đình, chùa,..). Chỉ sau một năm hoạt động, gần 76 000 lớp học được tổ chức, giúp trên 2,5 triệu người thoát nạn mù chữ (chiếm khoảng 10% dân số cả nước). Trường học các cấp phổ thông và đại học sớm được khai giảng. Nội dung và phương pháp giáo dục bước đầu được đối mới theo tinh thần dân tộc và dân chủ.
– Về văn hóa, nhà nước bảo đảm quyền tự do báo chí. Tính từ tháng 9 đến cuối năm 1945, cả nước có khoảng 90 tờ báo được xuất bản, như Cờ giải phóng, Sự thật, Cửu quốc, Độc lập…. Nội dung báo chí phản ánh công cuộc xây dựng và bảo vệ chế độ mới.
III. Kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trở lại Nam Bộ
Trình bày những nét chính về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Nam Bộ?
Trả lời:
– Tại Nam Bộ, ngày 2-9-1945, thực dân Pháp đã nổ súng vào nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn đang tham gia mít tinh chào mừng “Ngày Độc lập”. Rạng sáng ngày 23-9-1945, thực dân Pháp tấn công Uỷ ban Nhân dân Nam Bộ, mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam lần thứ hai.
– Nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn kiên quyết chống thực dân Pháp bằng mọi vũ khí với nhiều hinh thức như: dựng chiến luỹ, chướng ngại vật, cắt điện, nước,..
– Đầu tháng 10-1945, quân Pháp phá vòng vây xung quanh Sài Gòn – Chợ Lớn, đánh chiếm các tỉnh Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Đảng và Chính phủ phát động phong trào ủng hộ nhân dân Nam Bộ kháng chiến. Hàng vạn thanh niên gia nhập đoàn quân “Nam tiến”; nhân dân Bắc Bộ, Trung Bộ tích cực quyên góp lương thực, tiền bạc, ủng hộ đồng bào Nam Bộ.
– Cuộc chiến đấu của nhân dân Nam Bộ đã đẩy quân Pháp rơi vào thế bị động, giam chân địch trong thành phố, tạo điều kiện để nhân dân cả nước chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài.
Giải Luyện tập và vận dụng Lịch sử 9 Cánh diều Bài 12
Luyện tập
Hoàn thành bảng tóm tắt những biện pháp chủ yếu của Chính phủ trong những năm đầu sau Cách mạng tháng Tám (1945) theo mẫu sau vào vở ghi.
Xây dựng, củng cố chính quyền |
Giải quyết khó khăn về kinh tế, tài chính, văn hoá, giáo dục |
Kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ |
? |
? |
? |
Trả lời:
Xây dựng, củng cố chính quyền |
Giải quyết khó khăn về kinh tế, tài chính, văn hoá, giáo dục |
Kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ |
– Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiến diễn ra trong cả nước. Họp kì họp đầu tiên của Quốc hội, Chính phủ liên hiệp kháng chiến được thành lập. – Bắc Bộ và Trung Bộ tiến hành bầu cử Hội đồng nhân dân, thành lập Uỷ ban hành chính các cấp – Thành lập Hội Liên Việt – Ban hành Hiến pháp 1946 – Xây dựng lực lượng vũ trang |
– Giải quyết nạn đói, kinh tế: + Kêu gọi “Nhường cơm sẻ áo”, lập “Hũ gạo cứu đói”, tổ chức “Ngày đồng tâm”, điều hòa và đầu cơ tích trữ gạo. + Tăng gia sản xuất “Tấc đất tấc vàng”, bãi bỏ một số loại thuế, giảm tô 25%, giảm thuế ruộng đất + Tháng 11-1946, lưu hành đồng tiền Việt Nam mới – Giải quyết tài chính: + Kêu gọi tinh thần tự nguyện đóng góp + Hưởng ứng vận động “Quỹ độc lập”, phong trào “Tuần lễ vàng”,… – Giải quyết nạn đói: + Thành lập Nha bình dân học vụ + Kêu gọi nhân dân tham gia phong trào xóa nạn mù chữ – Giải quyết văn hóa: nhà nước đảm bảo quyền tự do báo chí. |
– Tại Nam Bộ, ngày 2-9-1945, trong khi nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn tổ chức mít tinh chào mừng “Ngày Độc lập”, thực dân Pháp đã xả súng vào đoàn người. Rạng sáng ngày 23-9-1945, thực dân Pháp tấn công Uỷ ban Nhân dân Nam Bộ, mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam lần thứ hai. => Nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn kiên quyết chống thực dân Pháp bằng mọi vũ khí với nhiều hình thức như: dựng chiến luỹ, chướng ngại vật, cắt điện, nước,… – Đầu tháng 10-1945, quân Pháp phá vòng vây xung quanh Sài Gòn – Chợ Lớn, đánh chiếm các tỉnh Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Đảng và Chính phủ phát động phong trào ủng hộ nhân dân Nam Bộ kháng chiến. Hàng vạn thanh niên gia nhập đoàn quân “Nam tiến”; nhân dân Bắc Bộ, Trung Bộ tích cực quyên góp lương thực, tiền bạc,… ủng hộ đồng bào Nam Bộ. – Cuộc chiến đấu của đồng bào Nam Bộ đã đẩy quân Pháp rơi vào thế bị động, giam chân địch trong thành phố, tạo điều kiện để nhân dân cả nước chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài. |
Vận dụng
Sưu tầm tư liệu về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trở lại của nhân dân Nam Bộ. Giới thiệu tư liệu đó với thầy cô và bạn học.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Lịch sử 9 Bài 12: Việt Nam trong những năm đầu sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 Soạn Sử 9 sách Cánh diều trang 56, 57, 58, 59, 60 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.