Nhằm đem đến cho các cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên và các tầng lớp Nhân dân đang sinh sống, học tập, lao động và công tác trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có thêm nhiều tài liệu tham khảo cuộc thi tìm hiểu Bác Hồ với Vĩnh Phúc.
Sau đây Wikihoc.com xin mời các bạn cùng tham khảo Đáp án cuộc thi “Bác Hồ với Vĩnh Phúc và Vĩnh Phúc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2019. Nội dung chi tiết mời các bạn cùng tham khảo và tải tài liệu tại đây.
Gợi ý cuộc thi tìm hiểu Bác Hồ với Vĩnh Phúc
Câu 1: Hãy cho biết vài nét khái quát về lịch sử hình thành tỉnh Vĩnh Phúc?
Gợi ý trả lời:
– Tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập ngày 12/02/1950, trên cơ sở hợp nhất tỉnh Vĩnh Yên và tỉnh Phúc Yên với diện tích khi hợp nhất là 1.715km2, dân số 47 vạn người (tỉnh Vĩnh Yên được thành lập ngày 29/12/1899, tỉnh Phúc Yên được thành lập ngày 06/10/1901).
– Tháng 2/1968 tỉnh Vĩnh Phúc hợp nhất với tỉnh Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú.
– Tháng 11/1996 Quốc hội khoá IX ra Nghị định tách tỉnh Vĩnh Phú thành 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Tỉnh Vĩnh Phúc tái lập và đi vào hoạt động từ ngày 01/01/1997 với 6 đơn vị hành chính trực thuộc là thị xã Vĩnh Yên và 5 huyện: Mê Linh, Tam Đảo, Vĩnh Tường, Lập Thạch, Yên Lạc.
+ Tháng 9/1998, Chính phủ ra Nghị định số 36/NĐ-CP chia tách huyện Tam Đảo thành 2 huyện Tam Dương và Bình Xuyên.
+ Tháng 8/1999, Chính phủ ra Nghị định số 72/NĐ-CP điều chỉnh, mở rộng thị xã Vĩnh Yên trên cơ sở sáp nhập thị trấn Tam Dương, thôn Lai Sơn thuộc xã Thanh Vân và khu Đồi Son thuộc xã Vân Hội của huyện Tam Dương vào thị xã Vĩnh Yên.
+ Ngày 09/12/2003, Chính phủ ra Nghị định số 153/2003/NĐ-CP thành lập thị xã Phúc Yên và huyện Tam Đảo mới.
+ Ngày 01/12/2006, Chính phủ ra Nghị định số 146/2006/NĐ-CP thành lập thành phố Vĩnh Yên.
+ Ngày 20/5/2008, Quốc hội khoá XII ban hành Nghị quyết số 15/2008/QH 12 về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan. Toàn bộ huyện Mê Linh sáp nhập về thành phố Hà Nội.
+ Ngày 23/12/2008, Chính phủ ra Nghị định số 09/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Lập Thạch để thành lập huyện Sông Lô. Huyện Lập Thạch được tách thành hai huyện Lập Thạch và Sông Lô.
– Sau nhiều lần thay đổi địa giới hành chính, tỉnh Vĩnh Phúc hiện có diện tích tự nhiên là 1.236,5 km2. Tỉnh có 9 đơn vị hành chính bào gồm 02 thành phố: Vĩnh Yên, Phúc Yên và 07 huyện: Lập Thạch, Tam Dương, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Tam Đảo, Bình Xuyên và Sông Lô với 137 xã, phường, thị trấn.
Câu 2: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bao nhiêu lần về thăm và làm việc tại Vĩnh Phúc? Thời gian, bối cảnh lịch sử?
Gợi ý trả lời:
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 8 lần về thăm, làm việc với Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc.
Lưu ý: Không kể 02 lần Bác về thăm và làm việc ở các địa phương hiện nay thuộc địa bàn thành phố Hà Nội.
1.1. Lần thứ nhất, Bác về thăm công trường xây dựng Khu nghỉ mát Tam Đảo.
Thời gian: Ngày 19/5/1955
Bối cảnh:
– Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi (1954), đầu năm 1955, Chính phủ đã giao nhiệm vụ tái thiết Khu nghỉ mát Tam Đảo.
– Ngày 19/5/1955, Bác đến thăm, kiểm tra, động viên cán bộ, công nhân viên đang ngày đêm hàn gắn vết thương chiến tranh trên khu nghỉ mát Tam Đảo.
– Sau khi thăm hỏi, động viên anh chị em kỹ sư, cán bộ, công nhân đang thi công trên công trường, Bác căn dặn: “Tam Đảo phải xây dựng sao cho xứng đáng là khu nghỉ mát do chúng ta làm nên trên đống hoang tàn của chiến tranh, làm sống lại những vẻ đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người”.
1.2. Lần thứ hai, Bác thăm và chúc tết Nhân dân thôn Yên Định (xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên).
Thời gian: Ngày 12/2/1956
Bối cảnh:
– Kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân Tân Phong tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh và hoàn thành cải cách ruộng đất đạt thành tích xuất sắc, trở thành điển hình tiên tiến của huyện Bình Xuyên.
– Ngày Chủ nhật 12/2/1956 (tức mùng 1 Tết Bính Thân), Bác về thăm Tân Phong. Yên Định là xóm vinh dự được đón Bác dừng chân thăm hỏi nhân dân. Nói chuyện với bà con nông dân, Bác khuyên mọi người đoàn kết để tăng gia sản xuất, muốn vậy phải vào tổ đổi công, phải tương trợ nhau sản xuất.
1.3. Lần thứ ba, Bác thăm cán bộ xã viên HTX Nông nghiệp Lai Sơn, xã Cộng Hòa, huyện Tam Dương (nay thuộc phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên).
Thời gian: Ngày 30/3/1958
Bối cảnh:
– Lai Sơn (xã Cộng Hòa, huyện Tam Dương) trong kháng chiến chống thực dân Pháp có nhiều thành tích về xây dựng lực lượng chiến đấu chống địch càn quét, lập tề, bảo vệ quê hương và đóng góp nhân tài, vật lực cho kháng chiến kiến quốc giành thắng lợi.
– Sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân Lai Sơn cùng nhân dân trong xã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa – xã hội.
– Thôn Lai Sơn là nơi có phong trào tổ đổi công khá nhất huyện, nên được chọn làm nơi thí điểm xây dựng HTX nông nghiệp bậc thấp của tỉnh.
– Ngày 30/3/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Lai Sơn. Cùng đi với Người có đồng chí Nguyễn Mạnh Hồng, Phó trưởng ban công tác nông thôn Trung ương.
– Bác thăm hỏi đồng bào, cán bộ, bộ đội, các cháu thiếu niên, nhi đồng. Người khen ngợi xã Cộng Hòa có nhiều thành tích trong kháng chiến chống Pháp, nay lại là địa phương làm ăn giỏi, trong đó đặc biệt là thôn Lai Sơn, xây dựng được một HTX kiểu mẫu của tỉnh.
1.4. Lần thứ tư, Bác về thăm thị xã Phúc Yên
Thời gian: Ngày 24/12/1958
Bối cảnh:
– Giữa tháng 12/1958, Tỉnh ủy, UBHC tỉnh đã tổ chức lớp bồi dưỡng cán bộ quản lý HTX nông nghiệp, bao gồm Chủ nhiệm, Phó chủ nhiệm, các thành viên trong Ban quản lý HTX như Kế hoạch, Kiểm soát, Kế toán… để nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế tập thể ở nông thôn.
– Đây là lớp đầu tiên, cũng là thí điểm do vậy, Trung ương mà đặc biệt là Bác Hồ rất quan tâm.
– Ngày 24/12/1958, Bác Hồ về thị xã Phúc Yên (khi đó Phúc Yên là thị xã tỉnh lỵ). Sau khi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy, Bác nói chuyện với một đơn vị bộ đội của Liên khu Việt Bắc đang đóng quân ở Thành Đỏ. Tiếp đó, Người gặp gỡ và nói chuyện với lớp bồi dưỡng cán bộ HTX nông nghiệp và nhân dân địa phương.
– Bác dành nhiều thời gian để phân tích về kinh tế nông nghiệp nói chung và HTX nói riêng. Người nhấn mạnh về lợi ích của HTX, của lối làm ăn mới, làm ăn tập thể. Đó cũng là con đường tất yếu để đi lên CNXH.
1.5. Lần thứ năm, Bác về thăm HTX Lạc Trung (xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường)- nơi có phong trào trồng cây đứng đầu miền Bắc.
Thời gian: Ngày 25/01/1961.
Bối cảnh:
– Sau thời gian khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, xã Bình Dương khắc phục dần những tổn thất do địch gây ra trong chiến tranh. Thôn Lạc Trung đã hoàn thành việc xây dựng HTX nông nghiệp bậc thấp và có phong trào trồng cây khá của xã. Từ phong trào của thôn, Lạc Trung trở thành một điển hình về trồng cây.
– Năm 1961, là năm thứ hai thực hiện lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch về trồng cây gây rừng, thôn Lạc Trung đã đạt kết quả rất lớn, trở thành một điển hình về trồng cây của xã, rồi của huyện, của tỉnh và cả miền Bắc.
– Ngày 25/1/1961, Bác về Lạc Trung thăm động viên phong trào. Cùng đi với Người có đồng chí Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc.
– Bác nói: “Muốn làm nhà thì phải có gỗ. Muốn có gỗ thì phải hăng hái trồng cây…”.
1.6. Lần thứ sáu, Bác về thăm Đảng bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc vì có nhiều thành tích trong phong trào chống hạn.
Thời gian: Ngày 02/3/1963
Bối cảnh:
– Sau 3 năm tiến hành cải tạo XHCN đối với các thành phần kinh tế, Vĩnh Phúc đã thu được thắng lợi khá toàn diện. Trong nông nghiệp, đến cuối năm 1960, toàn tỉnh có 107.944 hộ nông dân (đạt 92,68% tổng số hộ nông dân) đã vào làm ăn tập thể trong 1.350 HTX nông nghiệp (trong đó có 32 HTX bậc cao, 100 HTX liên thôn và toàn xã). Với thành tích đạt được, Vĩnh Phúc được Trung ương đánh giá là tỉnh thuộc loại khá của miền Bắc về cải tạo XHCN.
– Với nỗ lực phi thường của toàn quân, toàn dân, đến cuối tháng 2/1963, Vĩnh Phúc đã khắc phục được hạn hán cho hơn 10.600 ha lúa và 30.000 ha đất trồng màu. Toàn tỉnh đã có nước để gieo cấy được 27.392ha trên tổng số 31.000ha đất lúa; trồng được 6.500 ha trên tổng số 8.500 ha khoai các loại; 6.800 ha trên tổng số 7.000 ha ngô… Đó là thắng lợi có ý nghĩa rất lớn đối với Nhân dân trong tỉnh thời kỳ này.
– Ngày 2/3/1963, cả thị xã Vĩnh Yên rực rỡ cờ, hoa đón Bác tại công viên thị xã (nay là Bảo tàng tỉnh) đón Bác. Nói chuyện với hơn 16.000 cán bộ, đảng viên, Nhân dân thị xã Vĩnh Yên, Người nói: “Bác và đồng chí Dương Quốc Chính thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ hỏi thăm đồng bào, bộ đội và cán bộ, các cụ phụ lão, các cháu thanh thiếu niên và nhi đồng. Đồng thời khen ngợi xã viên HTX, đồng bào miền núi, công nhân, bộ đội, cán bộ, các cụ phụ lão, các cháu học sinh đã ra sức sản xuất và chống hạn có kết quả khá…..
– Người căn dặn và giao nhiệm vụ cho Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh: “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta…”
1.7. Lần thứ bảy, Bác về thăm, nói chuyện với Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ III.
Thời gian ngày 16/7/1963.
Bối cảnh:
– Từ ngày 13 đến 20/7/1963 tại thị xã Vĩnh Yên, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ III được tổ chức.
– Ngày 16/7/1963, giữa lúc Đại hội đang tiến hành, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm và nói chuyện với Đại hội, Bác yêu cầu: “Mỗi một đảng viên đều phải gương mẫu. Người nào chưa gương mẫu thì cố gắng trở thành gương mẫu cho xứng đáng là đảng viên. Tất cả các đảng viên trong tỉnh đều gương mẫu để làm cho 56 vạn dân trong tỉnh thấm nhuần tinh thần làm chủ, cần, kiệm xây dựng nước nhà, xây dựng CNXH…”
– Bác chỉ rõ: “Đại hội cần bàn bạc những vấn đề thiết thực, nêu những biện pháp thiết thực. Làm được những việc ấy là Đại hội đã thành công….”, “Không phải nghị quyết cho nhiều, khẩu hiệu cho dài là tốt…”
1.8. Lần thứ tám, một chuyến công tác của Bác lên Tam Đảo.
Thời gian: ngày 27/7/1968.
Bối cảnh:
– Ngày 27/7/1968: 5 giờ 15 phút sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ Hà Nội, 8 giờ đến Tam Đảo. Người họp với các đồng chí Quân uỷ Trung ương, phát biểu ý kiến với Quân uỷ rồi trở về ngôi nhà gỗ ở khu Giao tế. 10 giờ, Người hẹn đồng chí Bùi Quang Tạo, Bộ trưởng Bộ Kiến trúc tới làm việc. 11 giờ, Bác ăn cơm trưa với các đồng chí Lê Duẩn, Lê Trọng Tấn, Bùi Quang Tạo. 17 giờ, Bác ăn cơm với các đồng chí lái xe và bảo vệ. 17 giờ 45 phút, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời khu nghỉ mát Tam Đảo về Hà Nội.
Câu 3: Thực hiện lời căn dặn của Bác khi Người về thăm tỉnh ngày 02/3/1963 “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta”, sau 20 năm tái lập tỉnh (1997-2017), Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được những thành tựu gì? Bạn sẽ làm gì để góp phần xây dựng quê hương Vĩnh Phúc ngày càng giàu đẹp, văn minh?
Gợi ý trả lời:
– Khi tái lập (01/01/1997), Vĩnh Phúc là một tỉnh nghèo, thuần nông, xuất phát điểm của nền kinh tế còn ở mức thấp, thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng 48% bình quân cả nước, công nghiệp nhỏ bé, chậm phát triển, một số doanh nghiệp liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp đang trong quá trình xây dựng. Ngân sách thu trên địa bàn còn rất hạn hẹp, đời sống nông dân nông thôn còn nhiều khó khăn.
– Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết một lòng, tranh thủ thời cơ, phát huy lợi thế, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào điều kiện của tỉnh.
Sau 20 năm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Phúc phấn khởi, tự hào trước những thành tựu đã đạt được trên các lĩnh vực:
3.1. Về Kinh tế
– Đến nay (2017), Vĩnh Phúc đã trở thành một trong số ít tỉnh, thành có giá trị sản xuất công nghiệp, tổng thu ngân sách nội địa cao; là trung tâm sản xuất ô tô, xe máy hàng đầu của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, nâng cấp theo hướng hiện đại; bộ mặt đô thị và nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao.
– Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh qua các giai đoạn luôn đạt ở mức cao; đặc biệt có năm tăng trưởng kinh tế đạt trên 20% đã góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Bình quân giai đoạn 1997-2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 15,37%/năm, trong đó: ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 5,7%/năm; ngành công nghiệp – xây dựng tăng 23,89%/năm và ngành dịch vụ tăng 10,39%/năm. Quy mô nền kinh tế đến năm 2016 tăng gấp 39,5 lần năm 1997 và đạt 77,2 nghìn tỷ đồng. Giá trị GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) liên tục tăng, năm 1997 mới chỉ đạt 2,18 triệu đồng/người (tương đương khoảng 180 USD), đến năm 2007 đã cao hơn so mức bình quân của vùng đồng bằng sông Hồng và mức bình quân cả nước, đến năm 2016 đạt 72,3 triệu đồng/người/năm (tương đương khoảng 3.200 USD).
– Cơ cấu kinh tế theo thành phần kinh tế có sự thay đổi đáng kể. Cụ thể, khu vực đầu tư nước ngoài tăng từ 8,5% lên 45%, khu vực ngoài nhà nước giảm từ 70,4% xuống 41,5% và khu vực nhà nước giảm từ 21,1% xuống 13,5%.
– Đến nay Vĩnh Phúc đã có 19 danh mục khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ưu tiên phát triển, với diện tích 5,5 nghìn ha, trong đó đã có 11 khu được thành lập, với diện tích quy hoạch 2,3 nghìn ha. Tỉnh đã thu hút được một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào đầu tư và sản xuất: Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, Piaggio, Deawoo bus, tập đoàn Prime, thép Việt Đức,…
– Sản xuất nông nghiệp của tỉnh ngày càng đa dạng về cơ cấu sản phẩm và loại hình tổ chức. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi và giảm tỷ trọng ngành trồng trọt. Chăn nuôi trở thành mũi nhọn, đột phá trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp.
– Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao, năm 1997 toàn tỉnh xuất khẩu đạt 13,7 triệu USD, đến năm 2016 đạt 1,76 tỷ USD, nhịp độ tăng bình quân giai đoạn 1997-2016 đạt 34,9%/năm. Ngoài các sản phẩm xuất khẩu truyền thống như may mặc, giày da, chè, linh kiện ô tô, xe máy… tỉnh đã có một số mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao như linh kiện máy tính, đệm ghế ô tô. Kim ngạch nhập khẩu tăng từ 5,8 triệu USD lên 2,55 tỷ USD (bình quân tăng 31,2%/năm).
– Năm 1997, toàn tỉnh đón 45 nghìn lượt khách (trong đó khách quốc tế 2,5 nghìn lượt, khách nội địa 42,5 nghìn lượt), đến hết năm 2016, tổng lượt khách đạt 3,8 triệu (trong đó khách quốc tế là 24,6 nghìn lượt). Doanh thu từ các hoạt động du lịch tăng từ 5,1 tỷ đồng năm 1997 lên gần 1,3 nghìn tỷ đồng năm 2016.
– Đến nay mạng lưới các tổ chức tín dụng có 23 chi nhánh cấp I và các chi nhánh, phòng giao dịch, quỹ tín dụng nhân dân cơ sở và điểm giao dịch của ngân hàng chính sách đáp ứng tốt nhu cầu cho tổ chức, cá nhân. Hết năm 2016, tổng nguồn vốn huy động đạt 47,4 nghìn tỷ đồng, tăng 110 lần so với năm 1997.
– Thu ngân sách nhà nước năm 2016 đạt 32.576 tỷ đồng (tăng trên 270 lần so với năm 1997); trong đó, thu nội địa ước đạt 27,5 nghìn tỷ đồng.
– Đến cuối năm 2016 có 876 dự án đầu tư, gồm 230 dự án FDI với số vốn đăng ký 3,55 tỷ USD và 646 dự án DDI với số vốn đăng ký 50,9 nghìn tỷ đồng, trong đó có 55% dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh.
– Đến nay đã có 7.394 doanh nghiệp với số vốn đăng ký đạt 55,9 nghìn tỷ đồng (tăng 981 lần về vốn đăng ký).
3.2. Về Văn hóa – Xã hội
– Hết năm 2015, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 66%. Vĩnh Phúc là tỉnh thứ 5 của toàn quốc được công nhận đạt chuẩn phổ cập mẫu giáo 5 tuổi vào năm 2013 và đạt phổ cập tiểu học mức độ 2 năm 2014.
– Tổng số giường bệnh tuyến tỉnh và tuyến huyện là 3.010 giường bệnh, đạt tỷ lệ 29,3 giường bệnh/vạn dân, tăng 20,4 giường/vạn dân so với năm 1997. Chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu của nhân dân đã được nâng lên. Đội ngũ y bác sỹ tiếp tục được tăng cường cả về số lượng và trình độ chuyên môn. Tỷ lệ 9,8 bác sỹ/vạn dân; 100% số trạm y tế có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi; 100% số thôn, bản có cán bộ y tế; 97% trạm y tế có bác sỹ (năm 1997 có 8,1% trạm y tế có bác sỹ).
– Toàn tỉnh hiện có 1.303 di tích, trong đó có 455 di tích được nhà nước xếp hạng; đặc biệt Trò kéo song Hương Canh (Bình Xuyên) được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Toàn tỉnh có 8/9 đơn vị cấp huyện xây dựng được Trung tâm văn hoá – thể thao, 134/137 nhà văn hóa xã, 1.302/1.384 nhà văn hóa thôn, 15 công trình trung tâm văn hóa thể thao làng văn hóa trọng điểm.
– Thể thao thành tích cao phát triển khởi sắc, từng bước được khẳng định, tỉnh đã xây dựng 13 môn thể thao trọng điểm, nhiều môn có đủ 3 tuyến vận động viên (năng khiếu, tuyển trẻ và đội tuyển), có 116 vận động viên đạt đẳng cấp quốc gia. Các môn thể thao mũi nhọn của tỉnh trong những năm qua đã giành nhiều thành tích tại các kỳ thi đấu quốc gia, quốc tế như: Đua thuyền, PenCak Silat, Bắn súng…
– Từ 01/01/2013, Truyền hình Vĩnh Phúc đưa vào sử dụng hệ thống phát sóng trên vệ tinh Vinasat 2 đã nâng cao chất lượng truyền hình của tỉnh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu về thông tin văn hóa của đông đảo tầng lớp nhân dân trong thời kỳ hội nhập ngày càng sâu rộng với quốc tế
– Từ năm 1997 đến hết năm 2016, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 400 nghìn lượt lao động, trong đó lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đạt trên 20,4 nghìn người. Công tác đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực được đặc biệt quan tâm, qua đó số lượng và chất lượng lao động qua đào tạo được nâng lên, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 9,8% năm 2000 lên 68% năm 2016.
3.3. Về quốc phòng, an ninh
– 20 năm tái lập, tỉnh đã đầu tư xây dựng nhiều công trình quân sự quan trọng phục vụ nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ và nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu. Chỉ đạo và tổ chức thành công nhiều cuộc diễn tập lớn như: Diễn tập phòng chống cháy rừng – bảo vệ rừng; Diễn tập phòng chống lụt bão – tìm kiếm cứu nạn; Diễn tập khu vực phòng thủ hàng năm và đặc biệt đã tổ chức thành công 02 cuộc Diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh (năm 2009, 2016) và cuộc Diễn tập dự bị động viên năm 2011 làm điểm cho toàn quân, toàn quốc được Bộ Quốc phòng, Quân khu 2 đánh giá rất cao.
– Công tác tổ chức lực lượng bộ đội địa phương được xây dựng theo hướng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Hàng năm, tỉnh luôn hoàn thành 100% chỉ tiêu tuyển quân, đảm bảo đủ số lượng, chất lượng được nâng lên; huy động, động viên quân dự bị huấn luyện kiểm tra sẵn sàng chiến đấu đạt 100% chỉ tiêu được giao.
3.4. Về xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng Đảng
– Chất lượng hoạt động của ủy ban nhân dân các cấp được nâng lên theo hướng tăng cường hiệu lực, hiệu quả. Ủy ban nhân dân các cấp đã có nhiều giải pháp tích cực tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Công tác quản lý, điều hành có nhiều đổi mới; cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh; tỷ lệ chính quyền đạt vững mạnh hàng năm đều tăng.
– Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội có nhiều đổi mới, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội có chuyển biến tích cực trên các mặt hoạt động.
– Công tác tổ chức xây dựng Đảng có nhiều đổi mới, được triển khai tích cực, hiệu quả. Đến cuối năm 2016, Đảng bộ tỉnh có 9 huyện, thành, thị uỷ và 5 Đảng uỷ trực thuộc với 653 tổ chức cơ sở đảng và 62.889 đảng viên (năm 1997, Đảng bộ tỉnh có hơn 37 nghìn đảng viên). Công tác kiểm điểm tự phê bình và phê bình, đánh giá phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên hàng năm được thực hiện nền nếp. Năm 1996 có 51,98% tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh, giai đoạn 2011-2015, đạt 78,25%.
Với những thành tích xuất sắc đạt được sau 20 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Phúc vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2007, Huân chương Hồ Chí Minh năm 2010, Huân chương Độc lập hạng Nhất (lần 2) năm 2015 và nhiều phần thưởng cao quý khác.
* Bạn sẽ làm gì để góp phần xây dựng Vĩnh Phúc trở thành một tỉnh giàu mạnh, văn minh?
Gợi ý:
– Người dự thi đưa ra quan điểm cá nhân hoặc những giải pháp, biện pháp để đưa Vĩnh Phúc ngày càng phát triển.
Câu 4: Theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân được thể hiện như thế nào? Đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh?
(Lưu ý: Người dự thi được lựa phần 4.1 hoặc phần 4.2 hoặc phần 4.3 để trả lời câu hỏi).
Gợi ý trả lời:
4.1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân
– Về xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, trước hết phải có thái độ đánh giá cao vai trò, vị trí của Nhân dân. Tôn trọng Nhân dân có nhiều cách, “không phải ở chỗ chào hỏi kính thưa có lễ phép mà đủ. Không được phung phí nhân lực vật lực của dân. Khi huy động nên vừa phải, không nên nhiều quá lãng phí vô ích. Phải khôn khéo tránh điều gì có hại cho đời sống Nhân dân. Biết giúp đỡ nhân dân cũng là biết tôn trọng dân”.
– Phát huy dân chủ là phải tìm mọi cách bàn bạc, giải thích cho dân hiều rõ. “Được dân chúng đồng ý. Do dân chúng vui lòng ra sức làm”. Phát huy dân chủ là tìm đủ cách giải thích cho dân hiểu, ngay cả những việc trực tiếp có lợi cho dân, như đắp đê, hộ đê, tăng gia sản xuất, bình dân học vụ
– Về chăm lo đời sống Nhân dân. Tư tưởng Hồ Chí Minh là vì con người, do con người, trước hết là vì dân và do dân. Người nhấn mạnh “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dầu khó khăn đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ đến đời sống của dân.
Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ. Chúng ta phải thực hiện ngay:
1. Làm cho dân có ăn;
2. Làm cho dân có mặc;
3. Làm cho dân có chỗ ở;
4. Làm cho dân có học hành.
4.2. Đạo đức Hồ Chí Minh về tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân
– Ý thức tôn trọng Nhân dân thể hiện nổi bật ở sự thống nhất giữa tư tưởng đạo đức và tư tưởng chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ý thức tôn trọng Nhân dân ở khía cạnh đạo đức cần phải khai thác ở việc coi trọng, đề cao nhân dân như Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Ý dân là ý trời. Làm đúng ý nguyện của dân thì ắt thành. Làm trái ý nguyện của dân thì ắt bại”. Tôn trọng Nhân dân trong đạo đức Hồ Chí Minh là đề cao ý dân, sức dân, bởi “Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Vì vậy, “Đối với dân ta đừng có làm điều gì trái ý dân. Dân muốn gì, ta phải làm nấy”. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, yêu kính Nhân dân, thật sự tôn trọng Nhân dân.
– Đạo đức Hồ Chí Minh về phát huy dân chủ. Dân chủ được hiểu ngắn gọn: Dân là chủ và dân làm chủ. Hồ Chí Minh nhiều lần chỉ rõ “Làm cán bộ tức là suốt đời làm đày tớ trung thành của Nhân dân. Người nói: “Mỗi người đảng viên, mỗi người cán bộ từ trên xuống dưới đều phải hiểu rằng: Mình vào Đảng để làm đày tớ cho Nhân dân. Bởi vì, “Lãnh đạo là làm đày tớ Nhân dân và phải làm cho tốt”.
– Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân là phát huy quyền của người dân về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, chăm sóc sức khỏe…; phải quan tâm phát triển năng lực, tiềm năng của mọi người dân.
– Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy cán bộ, đảng viên tu dưỡng đạo đức không chỉ ở những việc lớn, mà phải quan tâm đến cuộc sống hằng ngày của Nhân dân, từ cái ăn, cái mặc, đi lại, học hành, chữa bệnh. Phải biết tiết kiệm từng đồng tiền, hạt gạo của dân. Người cho rằng khi đất nước còn khó khăn, Nhân dân còn thiếu thốn thì Chủ tịch nước mặc áo vá là có phúc cho dân tộc. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đất nước phải trải qua nạn đói khủng khiếp, Hồ Chí Minh chủ trương tăng gia sản xuất, mỗi người mười ngày nhịn ăn một bữa để góp gạo cứu đói và Người cũng đổ lon gạo của mình vào hũ tiết kiệm như mọi người dân.
– Trăn trở về đời sống Nhân dân, trong Di chúc, Người không quên nhắc nhở Đảng, Nhà nước “Chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của Nhân dân”.
4.3. Phong cách Hồ Chí Minh về tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân
– Phong cách Hồ Chí Minh về tôn trọng Nhân dân xuất phát một cách tự nhiên từ nhân cách, cuộc đời, cái tâm, cái đức vì nước, vì dân của Người. Hồ Chí Minh là con người sinh ra từ Nhân dân, sống giữa lòng dân và cuối đời lại muốn trở về với Nhân dân, làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc, câu cá trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, trẻ em chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi.
– Phong cách tôn trọng Nhân dân của Hồ Chí Minh thể hiện nhiều cách. Người chú ý lắng nghe ý kiến và giải quyết những kiến nghị chính đáng của quần chúng, sẵn sàng tiếp thu phê bình của quần chúng và hoan nghênh quần chúng phê bình mình. Người không bao giờ tự đặt mình cao hơn người khác để đòi hỏi một sự tâng bốc, suy tôn; không bao giờ tỏ ra vĩ đại để đòi hỏi Nhân dân thừa nhận mình là vĩ đại. Hồ Chí Minh có cách giao tiếp hoàn toàn mới giữa lãnh tụ và quần chúng Nhân dân, thể hiện thái độ yêu thương, quý mến, trân trọng con người. Người có sự độ lượng, khoan dung, nâng con người lên, chứ không phải hạ thấp, vùi dập con người.
– Hồ Chí Minh yêu trẻ, kính già, trọng phụ nữ. Đón các cháu thiếu niên, nhi đồng, Người nói với các đồng chí phục vụ rằng “Ở nhà các cháu là con, là cháu của các chú, nhưng vào đây các cháu là khách của Bác”. Là một lãnh tụ được tôn vinh là “Cha già dân tộc”, được các tầng lớp Nhân dân, cả bè bạn thế giới gọi là Bác Hồ, nhưng Hồ Chí Minh vẫn xưng cháu với cụ Phùng Lục 90 tuổi, một phụ lão cứu quốc ở huyện Ứng Hòa, Hà Đông (nay thuộc thành phố Hà Nội) đã đem món tiền 500 đồng kính dâng Chủ tịch để sung vào Quỹ kháng chiến kiến quốc hồi tháng 2/1948.
– Phong cách Hồ Chí Minh phát huy dân chủ. Xuất phát từ chỗ tôn trọng Nhân dân, đề cao vai trò, vị trí của Nhân dân. Dù bận rất nhiều công việc đối nội, đối ngoại, nhưng về với dân, đến với quần chúng, những người “không quan trọng” để học dân, hỏi dân, hiểu dân, nghe dân nói, thấy dân làm, để nắm vững dân tình, dân tâm, dân ý là nhu cầu thường trực của Bác.
– Cùng với thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy dân chủ trong nội bộ Đảng với cách làm việc tập thể, dân chủ, tôn trọng tập thể, phát huy sức mạnh, cái thông minh của tập thể, phong cách phát huy dân chủ của Hồ Chí Minh còn thể hiện rất rõ đối với quần chúng, phát huy tinh thần làm chủ tập thể của mọi người.
– Một trong những kinh nghiệm quý trong thực hiện phong cách phát huy dân chủ là “Cơ quan nào mà trong lúc khai hội, cấp trên để cho mọi người nói hết, cái đúng thì nghe, cái không đúng thì giải thích, sửa chữa, ở những cơ quan đó mọi người đều hoạt bát mà bệnh “thì thầm thì thào” cũng hết”. Người chỉ rõ: “Để phát huy ưu điểm, điều quan trọng nhất là để cho dân nói. Dân biết nhiều việc mà các cấp lãnh đạo không biết. Việc gì cũng phải bàn với dân; dân sẽ có ý kiến hay”.
– Phong cách Hồ Chí Minh chăm lo đời sống cho Nhân dân. Trên cơ sở nhận thức “dân dĩ thực vi thiên”, nghĩa là dân lấy ăn làm trời, và “Có thực mới vực được đạo”, nghĩa là không có ăn thì chẳng làm được việc gì cả, tư tưởng và phong cách Hồ Chí Minh thể hiện đậm nét việc chăm lo đời sống Nhân dân.
– Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi. Vì vậy, cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới, đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của Nhân dân. Phải lãnh đạo, tổ chức, giáo dục Nhân dân tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Dân đủ ăn đủ mặc thì những chính sách của Đảng và Chính phủ đưa ra sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không thực hiện được”.
– Hồ Chí Minh luôn luôn gương mẫu, thực hiện nói đi đôi với làm, “Gần dân” thì phải tăng cường tiếp xúc với dân. Khi đi thăm dân, Người không muốn tiệc tùng tốn kém theo kiểu “Khách ba, chủ nhà bảy” để mang tiếng với dân.
– Theo Hồ Chí Minh, tham nhũng là tội ác với dân, cần nghiêm trị tất cả những kẻ bất liêm, bất kể chúng là ai, ở cương vị nào.
* Đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh?
Gợi ý:
– Đưa ra các giải pháp để đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở cơ quan, đơn vị mình hoặc giải pháp để Đảng bộ huyện, Đảng bộ tỉnh nâng cao chất lượng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Câu 5: Hãy viết về 1 mô hình tập thể, hoặc 1 điển hình cá nhân thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở cơ quan, đơn vị, hoặc trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc? (Số lượng không quá 1.500 từ).
Gợi ý trả lời:
– Người dự thi viết 01 tập thể hoặc 01 cá nhân điển hình, tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mà người dự thi biết, theo các nội dung gợi ý sau:
+ Tên cơ quan, đơn vị hoặc cá nhân điển hình,
+ Hình thức, cách làm,
+ Những kết quả đạt được (có dẫn chứng số liệu cụ thể).
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Gợi ý cuộc thi tìm hiểu Bác Hồ với Vĩnh Phúc Đáp án cuộc thi “Bác Hồ với Vĩnh Phúc và Vĩnh Phúc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.