Bạn đang xem bài viết ✅ Đóng vai cây lúa và tự thuyết minh về mình (Dàn ý + 4 Mẫu) Những bài văn hay lớp 9 ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Wikihoc.com, xin giới thiệu đến tất cả thầy cô và các bạn một số bài văn mẫu lớp 9: Đóng vai cây lúa và tự thuyết minh về mình, đã được chúng tôi đăng tải tại đây.

Cây lúa là một loại lương thực được sử dụng nhiều nhất tại nước ta hiện nay. Hôm nay, chúng tôi xin mời các bạn cùng tham khảo dàn ý chi tiết và một số bài văn mẫu Đóng vai cây lúa và tự thuyết minh về mình.

Đóng vai cây lúa và tự thuyết minh về mình

Dàn ý đóng vai cây lúa và tự thuyết minh về mình

I. Mở bài:

– Giới thiệu về bản thân cây lúa mà em đóng vai: Chính là một cây lúa, tôi tuy nhỏ bé nhưng có thể tạo ra những hạt thóc, những hạt thóc ấy sẽ trở thành cơm mà các bạn ăn hàng ngày

II. Thân bài:

– Kể về bản thân của một cây lúa.

– Kể về khi được bắt đầu gieo mầm: Từ chính những hạt thóc nhỏ bé, người nông dân đem ươm và rồi tôi nảy mầm.

– Kể về khi được đem đi cấy: Tôi được trồng xuống đất ruộng đã được cày bừa cẩn thận và cách mà họ trồng tôi được gọi là cấy lúa.

– Kể về quá trình lớn lên: Trong quá trình lớn lên, chúng tôi cần rất nhiều nước bởi bản thân chúng tôi là giống lúa nước.

– Kể về khi được thu hoạch: Trải qua một thời gian phát triển, chúng tôi lớn lên, cao dần và trổ bông, những bông lúa từ màu xanh chuyển dần sang vàng và rồi căng bóng nặng trĩu.

– Kể về thành quả cuối cùng: Chúng tôi rất vui vì có thể mang đến cho mọi người từng hạt gạo, từng bát cơm trắng dẻo thơm ngon.

III. Kết bài:

– Cảm nghĩ của cây lúa.

Đóng vai cây lúa và tự thuyết minh về mình – Mẫu 1

Tôi là một loại thực phẩm rất quan trọng và không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của con người, tuy tôi nhỏ bé nhưng công dụng của tôi thì vô cùng lớn đấy nhé, bạn đoán thử xem tôi là ai nào? Đúng vậy, tôi là một cây lúa.

Tôi được các bác nông dân gieo trồng từ những hạt thóc, tôi nảy mầm thành những cây mạ nhỏ thân xanh, lá xanh mướt. Sau khi tôi đã cao chừng một gang tay của người lớn thì tôi lại được các bác nông dân nhổ lên, mang đi trồng ở những khu ruộng mới, người ta gọi đó là cấy. Chúng tôi, những cây mạ nhỏ được cấy một cách cẩn thận theo hàng lối thẳng tắp, đồng đều, giữa chúng tôi có một khoảng cách nhỏ, đó chính là không gian để chúng tôi sau này phát triển cho tốt hơn.

Trong quá trình phát triển chúng tôi cần rất nhiều nước, vì vậy các bác nông dân luôn cẩn trọng tát nước, dòng nước vào ruộng cho chúng tôi.

Ngoài ra, các bác nông dân còn thường xuyên cung cấp cho chúng tôi nguồn dinh dưỡng để thúc đẩy chúng tôi phát triển nhanh và tốt hơn: đó chính là phân bón, đạm lân… Mỗi khi đạm lân được rắc xuống, chúng tôi hấp thụ rất nhanh và nhanh chóng vươn lên thành một cây lúa trưởng thành và có thể thu hoạch. Lúc này thì chúng tôi không còn màu xanh như khi còn là một cây mạ nữa mà đã chuyển thành màu vàng, thân của tôi cũng cao hơn, vững chắc hơn, tôi uốn cong mình để nâng đỡ, bảo vệ những bông lúa vàng ươm, chắc mẩy, nặng trĩu bông.

Khi chúng tôi đã trưởng thành, mọi người gọi chúng tôi là lúa đang “thì con gái” đấy, nghĩa là lúc ấy chúng tôi đang vào mùa chín, có thể thu hoạch được, khắp thân tỏa ra hương lúa chín thoang thoảng, dịu ngọt. Để chúng tôi sinh sôi và phát triển cao lớn như vậy các bác nông dân đã phải rất cực nhọc, vất vả. Khi bị những loài sâu, hay những con ốc bươu vàng xâm hại, ăn lá, ăn đòng chúng tôi đã rất đau đớn, nếu không loại trừ được mấy loài sâu này thì chúng tôi sẽ bị ăn hết lá, không thể phát triển được nữa. Khi ấy, các bác nông dân đã phun thuốc sâu cho chúng tôi, cần mẫn bắt từng con ốc ẩn sâu dưới lớp bùn dưới thân của chúng tôi. Sau khi các loài sâu, loài ốc bị tiêu diệt hết, chúng tôi lại vươn lên phát triển mạnh mẽ, đâm chồi, nảy đòng rồi cuối cùng phát triển thành những bông lúa to tròn, chắc mẩy.

Tham khảo thêm:   Đề thi tốt nghiệp THPT môn Vật Lí hệ Phổ thông 2012 - Mã đề 368 Đề thi TN THPT môn Vật lí

Ngoài ra, đôi khi chúng tôi còn chịu đau đớn hơn khi bị chuột đồng phá hoại, nhất là khi chúng tôi đã vào mùa thu hoạch thì những loài chuột đáng ghét này lạ càng hoạt động mạnh hơn, chúng cắn vào thân, ăn hết những bông lúa làm chúng tôi trở nên xơ xác, vô cùng đau đớn.

Những loài cỏ dại, hay còn được các bác nông dân gọi là cỏ lồng vực cũng mọc lan vào nơi chúng tôi sinh sống, bị chen lấn không gian để phát triển, chúng tôi không phát triển nhanh được. Những lúc như vậy, các bác nông dân lại một lần nữa dùng những mảnh ni lông lớn chăng quanh ruộng để loài chuột không thể vào phá hoại, cắn phá chúng tôi được nữa. Những cây cỏ lồng vực thì các bác cẩn trọng nhổ từng cây vì nhìn từ xa những cây cỏ này rất giống với những cây lúa chúng tôi. Chúng tôi đều rất biết ơn và yêu quý những người nông dân cần mẫn, tốt bụng ấy, để báo đáp công ơn chăm sóc, nuôi dưỡng ấy, chúng tôi đã cố gắng vươn mình lên phát triển thật tươi tốt, mang lại những hạt lúa thơm ngon nhất.

Khi được thu hoạch về nhà, các bác nông dân đã khéo léo tách hạt ra khỏi thân chúng tôi, những hạt thóc ấy được mang đi chế biến,còn những thân cây của chúng tôi thì được phơi khô, rồi đem bện chổi, dùng làm nguyên liệu đốt lửa để đun nấu. Chúng tôi cảm thấy rất vui vì bản thân mình mang lại nhiều lợi ích cho con người.

Chúng tôi mang đến cho con người những bát cơm trắng thơm phức, làm cho bữa ăn của con người trở lên ngon miệng hơn, cung cấp nhiều tinh bột và các chất dinh dưỡng khác có thể nuôi dưỡng cơ thể. Trong bữa ăn hàng ngày có thể không có thịt, cá hoặc trứng chứ không thể thiếu đi chúng tôi, những hạt cơm thơm ngon không chỉ cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể mà còn mang lại cho con người một nguồn năng lượng để có thể làm việc, học tập trong suốt một ngày dài.

Sự thông minh, sáng tạo của con người càng làm cho chúng tôi thêm hữu ích hơn với cuộc sống của con người. Những hạt thóc sau khi được thu hoạch sẽ được đem đi chế biến thành những sản phẩm khác nhau, mang nhiều hương vị tươi ngon, phục vụ mục đích của con người.

Đóng vai cây lúa và tự thuyết minh về mình – Mẫu 2

Xin chào các bạn, mình xin tự giới thiệu mình là cây lúa, hôm nay mình sẽ kể cho bạn nghe về cuộc đời của mình. Nếu như các bạn nào ở đồng quê thì chắc chắn là được nhìn thấy tớ thường xuyên rồi còn những bạn trên thành phố chắc mới chỉ nghe qua chứ chưa bao giờ được biết về tớ đâu nhỉ. Vậy thì hôm nay mình sẽ kể cho các bạn biết về cuộc đời và những gì mình phải trải qua nhé.

Mình sinh ra từ những hạt thóc được chọn lọc kỹ càng và lớn lên nhờ bàn tay chăm sóc của những người nông dân. Những hạt thóc mẩy nhất sẽ được chọn ngâm nước cho mọc mầm rồi sau đó người ta sẽ mang ra đồng ruộng để gieo chúng xuống đất. Khi lớn lên mầm của những hạt thóc ấy nảy ra những cây màu xanh nhỏ nhắn và dễ gãy mà người ta thường gọi là mạ. Thế rồi nhờ những bàn tay khéo léo của người nông dân cùng sự cần cù chăm chỉ bán lưng cho trời bán mặt cho đất mà những cây mạ được trồng thẳng tắp trên những ruộng vuông vắn và khi nó được đặt xuống đất thì những cây lúa như tớ ra đời. Người nông dân rất biết canh tác cho chúng tớ đủ chỗ ở mà vẫn gần nhau. Mỗi cây cách nhau có gang tay thôi nhưng thế đã đủ cho tôi sống hấp thụ được những tinh túy của đất trời.

Một thời gian sau những cây lúa như tôi phát triển rễ bám chặt vào đất mà đứng vững lên không còn siêu vẹo như hồi đầu nữa. Thế rồi tôi lớn lên qua sự chăm sóc của người nông dân, họ giúp tôi tránh xa những kẻ thù đáng sợ. Khi cây lớn hơn một chút thì những loại sinh vật cũng sẽ đến tìm và ăn thịt chúng tôi. Trong đó đáng sợ nhất là những con ốc bươu vàng. Chúng chỉ cần mở cái miệng to ngoác của nó ra là coi như chúng tôi đi tong. Từ xưa đến nay họ hàng nhà lúa chúng tôi vẫn không thể nào tránh khỏi chúng. Nhìn những người thân bên cạnh bị chúng ngốn lấy hết cả thân hình vào mà lòng tôi lo lắng thương xót. Thế nhưng biết làm sao được vì ngàn đời này vẫn thế. Ngoài con vật đáng ghét ấy chúng tôi còn phải đối mặt với những con bọ rầy hút đi nhựa trong cây chúng tôi. Ở cũng không được bình yên vì những loại có sức sống mạnh hơn xâm lấn và nhiều khi còn đè lên đầu lên cổ chúng tôi mà sống ý. Đó là những cây cỏ dại như vảy ốc, cỏ chạc chão…

Tham khảo thêm:   Đề thi học kì 2 môn Lịch sử - Địa lý lớp 5 năm học 2016 - 2017 Đề kiểm tra học kì 2 môn Sử - Địa lớp 5 theo Thông tư 22

Đến thì con gái thì cũng đỡ hơn vì khi ấy thân hình chúng tôi đã đủ lớn để không để một con ốc một cây cỏ nào có thể vươn lên mà dìm chúng tôi xuống được, có ăn thì cũng chẳng hết. Khi ấy nhìn cả cánh đồng chúng tôi trở nên là những mỹ nữ tuyệt đẹp. Và cũng chính khi ấy những hạt lúa thơm ngon mới chỉ có sữa bên trong được ấp ủ trong những thân hình ấy. Nó giống như là người phụ nữ của con người các bạn mang thai vậy. Thế rồi sau bao lâu nó bắt đầu lớn lên tách những lá lúa, thân lúa vươn ra ngoài tìm ánh sáng. Một cây lúa chúng tôi sẽ ra nhiều nhánh lúa. Có khi mấy cô câu chăn trâu chăn bò thường xuyên rút những hạt lúa non non của tôi để ăn. Trông mặt các bạn ấy ăn ngon lành và còn thấy khen là ngọt tôi cũng thấy vui lắm. Bởi vì chính họ là người mang đến sự sống cho tôi và tôi sinh ra là để phục vụ con người.

Sau bao ngày hưởng thụ những ánh nắng những hạt mưa cùng những giọt sương mai đã làm cho những bông lúa kia trở nên mẩy hơn. Tôi vui sướng nhìn những bông lúa trên đầu mình đang dần dần lớn lên và chuyển sang màu vàng. Khi ấy thì lá tôi cũng màu vàng nhưng thật sự là rất khổ khi chính khi ấy bọn bọ giầy lại hoành hành nhiều hơn. Tuy nhiên chúng tôi gắng gượng đấu tranh với chúng khi chúng tôi vàng chín cả cánh đồng nhìn thật đẹp. Thế rồi người nông dân đi gặt chúng tôi về. Kết thúc một cuộc đời của cây lúa.

Đóng vai cây lúa và tự thuyết minh về mình – Mẫu 3

Tôi là cây lúa. Họ hàng nhà lúa chúng tôi có mặt ở nhiều nơi trên thế giới đã mấy ngàn năm nay. Từ thuở xa xưa, tổ tiên chúng tôi đã gắn bó thân thiết với con người. Bằng hạt gạo – hạt ngọc của trời ban cho; Lang Liêu đã làm nên bánh chưng, bánh giầy, tượng trưng cho Trời và Đất – để kính dâng mừng thọ vua Hùng. Cuộc đời cây lúa chúng tôi gắn liền với niềm vui, nỗi buồn của con người.

Chúng tôi lớn lên từ những hạt thóc giống chín mẩy, vàng ươm. Sau mấy tháng nằm nghỉ ngơi trong bồ lúa, anh em chúng tôi được đem ra ngâm vào nước ba sôi hai lạnh. Nước ấm làm chúng tôi tỉnh hẳn người. Sự sống trong chúng tôi bừng dậy. Chúng tôi uống no nước và rồi vài ngày sau, những chiếc rễ trắng tinh đã nhú ra. Một sớm mai hồng, chúng tôi được đem gieo trên những mảnh ruộng phẳng như chiếu trải. Mùi bùn ngai ngái khiến chúng tôi ngây ngất. Ánh nắng ấm áp ban ngày, làn sương mát dịu ban đêm giúp chúng tôi nảy mầm đâm lá thành những cấy mạ xinh xinh. Cô bác nông dân chăm sóc chúng tôi kĩ lắm. Đủ nước, đủ phân nên chị em chúng tôi lớn nhanh như thổi, chẳng mấy chốc đã ra dáng những cây mạ trưởng thành.

Thế rồi vào một ngày đẹp trời, chúng tôi được nhổ lên, bó thành từng bó. Từ đó, chị em chúng tôi bước qua một giai đoạn mới của cuộc đời: từ cây mạ biến thành cây lúa. Cứ vài ba dảnh mạ được cấy thành một gốc. Gốc này cách gốc kia mỗi chiều chừng ba tấc. Đang quen sống quây quần ấm áp bên nhau, giờ bị tách riêng ra, chúng tôi cảm thấy trống trải và lạnh lẽo vô cùng! Phải mất chừng hơn tuần, chúng tôi mới bén rễ trên đất mới. Màu xanh của lá thẫm dần và thân thể chúng tôi cứng cáp hẳn lên. Bộ rễ cần cù hút màu mỡ nuôi cây. Dần dà, chúng tôi đã trở thành những bụi lúa đầy đặn và tươi tốt. Bụi nọ mọc sát bên bụi kia tạo thành một tấm thảm xanh mênh mông, mỗi lần gió thổi qua lại dập dờn như sóng biển.

Tham khảo thêm:   Bài tập nhận biết từ loại trong tiếng Anh Tài liệu ôn thi THPT Quốc gia 2023 môn tiếng Anh

Ngày tháng trôi qua, chúng tôi đã thành lúa thì con gái và được chăm sóc kỹ lưỡng hơn. Các cô bác nông dân thường xuyên nhổ cỏ, bón phân, xịt thuốc trừ sâu rầy phá hoại lúa nên sức khỏe của chúng tôi rất tốt. Một hôm, trong gió sớm thoang thoảng mùi thơm ngọt thật dễ chịu. Đầu bờ, có tiếng reo vui: A, lúa đã làm đòng rồi đây này, bà con ơi! Rồi những bàn tay vuốt ve trìu mến trên thân lúa. Chúng tôi thầm cảm ơn những bàn tay chai sần, rám nắng của người nông dân một nắng hai sương vất vả trên đồng ruộng.

Bao mồ hôi của họ đã đổ xuống đất này. Họ hàng nhà lúa chúng tôi không phụ ơn người. Tháng năm, mùa lúa chín, cả cánh đồng phủ một màu vàng rực như kén tằm. Màu vàng của nắng, màu vàng của lúa làm sáng cả một vùng quê thanh bình, gợi cảm giác ấm no, sung túc.

Đoàn người tay liềm tay hái để ra đồng gặt lúa. Tiếng cắt lúa soàn soạt, tiếng máy tuốt lúa rào rào xen lẫn tiếng nói cười rộn rã. Âm thanh náo nức vang khắp cánh đồng. Theo chân người, chúng tôi về với từng sân phơi. Tới đâu tôi cũng thấy những đồng lúa như những đồng vàng cao ngất – sản phẩm của một vụ mùa bội thu. Quang cảnh xóm làng thật nhộn nhịp và trong lòng chúng tôi cũng trào dâng một niềm vui khó tả.

Đóng vai cây lúa và tự thuyết minh về mình – Mẫu 4

Bạn có biết loại thực phẩm nào không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của người dân Việt Nam không? Chắc hẳn bạn sẽ đoán ngay ra tôi, rất chính xác! Chính là một cây lúa, tôi tuy nhỏ bé nhưng có thể tạo ra những hạt thóc, những hạt thóc ấy sẽ trở thành cơm mà các bạn ăn hàng ngày.

Từ chính những hạt thóc nhỏ bé, người nông dân đem ươm và rồi tôi nảy mầm, những mầm non từ từ lớn lên thành những cây mạ nhỏ cả thân và lá đều xanh mướt. Đến khi tôi đã cao được khoảng hơn một gang tay, mọi người nhổ cả thân tôi lên rồi mang tôi ra đồng – ngôi nhà rộng lớn hơn của tôi. Tôi được trồng xuống đất ruộng đã được cày bừa cẩn thận và cách mà họ trồng tôi được gọi là cấy lúa. Chúng tôi được đứng ngay ngắn và thẳng hàng, từng gốc cách đều nhau để cho mỗi cây sẽ có khoảng trống phát triển riêng, cứ thế những cây mạ chúng tôi trải ra khắp cả cánh đồng tạo nên một màu xanh mướt mát.

Trong quá trình lớn lên, chúng tôi cần rất nhiều nước bởi bản thân chúng tôi là giống lúa nước, vì vậy mà người nông dân khá vất vả mới cung cấp đầy đủ nước cho chúng tôi sinh trưởng và phát triển. Ngoài ra còn phải cung cấp các nguồn dinh dưỡng, phân đạm, cũng như các loại thuốc để giúp chúng tôi chống chọi với sâu bệnh. Chúng tôi được bón phân theo từng thời kỳ sinh trưởng, giai đoạn bón lân, giai đoạn bón đạm rồi những đợt dịch hại những con rầy nâu, sâu đục thân bám vào thân chúng tôi lấy đi hết những dinh dưỡng làm cho chúng tôi không phát triển được và chết dần. Những chú chuột chẳng ngại ngần cắn ngang thân tôi lấy đi những bông lúa chắc mẩy nhất.

Những điều nguy hại ấy đều phải nhờ con người ngăn cản và phòng trừ giúp chúng tôi thì chúng tôi mới có cơ hội sống sót. Trải qua một thời gian phát triển, chúng tôi lớn lên, cao dần và trổ bông, những bông lúa từ màu xanh chuyển dần sang vàng và rồi căng bóng nặng trĩu, để mang trên mình những hạt được coi là “hạt ngọc trời” ấy chúng tôi phải uốn cong thân mình, oằn èo giữa nắng mưa ngoài đồng. Khi cả ruộng chúng tôi vào mùa chín cũng là lúc người nông dân đã được thu hoạch thành quả của mình, những cỗ máy to lớn đi vào ruộng, ào ào một chốc là chúng tôi đã gọn gàng thân ra thân, mà thóc ra thóc, những hạt thóc chúng tôi còn được đóng luôn vào bao rồi mới trở về. Những hạt thóc được phơi khô rồi cất đi còn những rơm rạ dùng để đun nấu hoặc bện thành chổi quét rất tiện dụng. Chúng tôi rất vui vì có thể mang đến cho mọi người từng hạt gạo, từng bát cơm trắng dẻo thơm ngon. Không chỉ làm thức ăn, chúng tôi còn cung cấp tinh bột và nhiều chất dinh dưỡng khác nuôi dưỡng trong cơ thể bạn.

………….

Mời các bạn tham khảo nội dung chi tiết tại file dưới đây!

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Đóng vai cây lúa và tự thuyết minh về mình (Dàn ý + 4 Mẫu) Những bài văn hay lớp 9 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *