“Tào Tháo uống rượu luận anh hùng” là một trong những đoạn trích thuộc “Tam quốc diễn nghĩa”. Sau đây, Wikihoc.com sẽ giới thiệu đôi nét về La Quán Trung, cùng với nội dung của đoạn trích Tào Tháo uống rượu luận anh hùng.
Tào Tháo uống rượu luận anh hùng
Nghe đọc Tào Tháo uống rượu luận anh hùng:
Huyền Đức bấy giờ sợ Tháo nghi mình có mưu đồ gì, bèn làm một vườn rau ở sau nhà, ngày ngày vun xới, tưới tắm để làm cho Tháo khỏi ngờ.
Quan, Trương thấy vậy hỏi rằng:
– Anh không lưu tâm đến việc lớn thiên hạ, học làm chi cái việc của kẻ tiểu nhân này?
Huyền Đức nói:
– Hai em biết đâu ý anh!
Hai người từ đó không dám nói gì nữa.
Một hôm, Quan Vũ, Trương Phi cùng đi chơi vắng, Huyền Đức đang lom khom tưới rau, bỗng thấy Hứa Chử và Trương Liêu dẫn vài chục người vào vườn, nói rằng:
– Thừa tướng sai chúng tôi đến mời sứ quân đến ngay phủ.
Huyền Đức giật mình hỏi:
– Việc gì khẩn cấp thế, hai ông?
Hứa Chử thưa:
– Không rõ. Chúng tôi chỉ biết vâng lệnh đến mời.
Huyền Đức theo hai người vào phủ yết kiến Tháo, Tháo cười nói rằng:
– Huyền Đức độ này ở nhà làm một việc lớn lao đấy nhỉ!
Huyền Đức sợ tái mặt. Tháo cầm tay Huyền Đức dắt vào vườn sau nhà, nói rằng:
– Huyền Đức học làm vườn, chắc không phải là một việc dễ dàng?
Huyền Đức bấy giờ mới vững dạ, đáp rằng:
– Không có việc gì, làm để tiêu khiển đó thôi.
Tháo nói:
– Vừa rồi thấy trên cành mai đã có quả xanh, sực nhớ khi trước đi đánh Trương Tú, đi đường không có nước, tướng sĩ khát cào cuống họng. Bấy giờ ta nghĩ được một kế, cầm roi vờ trỏ nói rằng: Trước mặt có rừng mơ. Quân sĩ nghe thấy nói đến mơ, ai cũng ứa nước dãi, đỡ được khát nước. Nay có mơ thật, nên hái xuống mà thưởng. Vả lại rượu nấu vừa chín, cho nên mời sứ quân đến tiểu đình uống rượu.
Huyền Đức bấy giờ trấn tĩnh lại được, theo đến tiểu đình, đã thấy bày mâm bát, giữa bàn bày một đĩa mơ xanh, một bình rượu nóng.
Hai người ngồi đối diện, ăn uống vui vẻ. Lúc rượu ngà ngà say, chợt thấy mây đen mù mịt, cơn mưa to sắp đến.
Quân hầu trỏ lên trời, bẩm:
– Có vòi rồng lấy nước.
Tháo và Huyền Đức cùng dựa vào lan can ngắm xem, Tháo hỏi:
– Sứ quân có biết rồng nó biến hoá thế nào không?
Huyền Đức nói:
– Tôi chưa được tường.
Tháo nói:
– Rồng thì lúc to, lúc nhỏ, lúc bay, lúc nấp. Lúc to thì nổi mây phun mù; lúc nhỏ thì thu hình ẩn bóng; khi bay ra thì liệng trong trời đất; khi ẩn thì núp ở dưới sóng. Nay đang mùa xuân, rồng gặp thời biến hoá, cũng như người ta lúc đắc chí, tung hoành trong bốn bể. Rồng ví như anh hùng trong đời. Huyền Đức lâu nay đã đi khắp bốn phương, bao nhiêu anh hùng đời nay, hẳn đã biết cả, xin thử nói cho nghe.
Huyền Đức thưa:
– Bị này người trần mắt thịt, biết đâu được anh hùng.
Tháo nói:
– Huyền Đức không nên nhún mình quá!
Huyền Đức nói:
– Bị này được nhờ ơn Thừa tướng làm quan trong triều, anh hùng trong thiên hạ thực không được biết.
Tháo nói:
– Đã đành không biết mặt nhưng cũng có nghe tiếng chứ?
Huyền Đức nói:
– Viên Thuật ở Hoài Nam, binh lươn gnhiều, có thể cho là anh hùng được chăng?
Tháo cười nói:
– Xương khô trong mả, chỉ nay mai là ta bắt được!
Huyền Đức lại nói:
– Anh Viên Thuật là Viên Thiệu ở Hà Bắc, bốn đời làm tam công, có nhiều đầy tớ cũ; hiện nay như con hổ dữ hùng cứ ở Ký Châu; bộ hạ nhiều tay tài giỏi, có thể cho là anh hùng được chăng?
Tháo lại cười nói:
– Viên Thiệu ngoài mặt mạnh bạo, trong bụng nhút nhát, thích mưu mẹo mà không quyết đoán, làm việc lớn lại lo đến bản thân, thấy lợi nhỏ thì lại quên mình, không thể gọi là anh hùng được.
Huyền Đức lại nói:
– Có một người nổi tiếng trong tám kẻ tuấn kiệt, uy danh khắp cả chín châu, là Lưu Cảnh Thăng, có thể cho là anh hùng được chăng?
Tháo lại cười:
– Lưu Biểu có hư danh nhưng không có thực tài, không phải anh hùng.
Huyền Đức lại nói:
– Có một người, sức lực đương khoẻ, đứng đầu xứ Giang Đông, là Tôn Bá Phù, hẳn là anh hùng?
Tháo nói:
– Tôn Sách nhờ danh tiếng của bố, không phải anh hùng.
Huyền Đức nói:
– Lưu Quý Ngọc ở Ích Châu có phải là anh hùng không?
Tháo nói:
– Lưu Chương tuy là tôn thất nhưng chỉ như con chó giữ nhà, sao gọi là anh hùng được?
Huyền Đức lại nói:
– Như bọn Trương Tú, Trương Lỗ và Hàn Toại thì thế nào?
Tháo vỗ tay cười to:
– Lũ tiểu nhân nhung nhúc ấy thì nói làm gì?
Huyền Đức nói:
– Ngoài những người ấy ra, Bị thực không còn biết ai nữa.
Tháo nói:
– Anh hùng là người trong bụng có chí lớn, có mưu cao, có tài bao trùm được cả vũ trụ, có chí nuốt cả trời đất kia.
Huyền Đức mới hỏi:
– Ai có thể xứng đáng được như thế?
Tháo lấy tay trỏ vào Huyền Đức, rồi lại trỏ vào mình nói rằng:
– Anh hùng trong thiên hạ bây giờ chỉ có sứ quân và Tháo mà thôi.
Huyền Đức nghe nói giật nảy mình, bất giác thìa, đũa cầm ở tay rơi cả xuống đất. Đúng lúc ấy, cơn mưa sắp đến, có một tiếng sấm rền vang. Huyền Đức ung dung cúi xuống nhặt đũa và thìa, nói tảng rằng:
– Gớm thật! Tiếng sấm dữ quá!
Tháo cười hỏi rằng:
– Trượng phu cũng sợ sấm à?
Huyền Đức nói:
– Đức thánh ngày xưa gặp lúc sấm dữ gió to cũng đổi sắc mặt, sao tôi lại không sợ!
Huyền Đức đã che đậy được hết việc mình đánh rơi cả thìa đũa khi nghe Tháo gọi mình là anh hùng.
Tháo thấy thế không nghi ngờ gì Huyền Đức nữa.
I. Đôi nét về La Quán Trung
– La Quán Trung (1330 – 1400?) tên là La Bản, hiệu Hồ Hải tản nhân, người vùng Thái Nguyên thuộc tỉnh Sơn Tây cũ.
– Ông lớn lên vào cuối thời Nguyên, đầu thời Minh, tính tình cô độc, lẻ loi, thích một mình ngao du đây đó.
– Khi Minh Thái Tổ đánh đuổi được quân Mông Cổ, thống nhất đất nước, ông chuyên sưu tầm và biên soạn dã sử.
– La Quán Trung là người đầu tiên có đóng góp xuất sắc cho trường phái tiểu thuyết lịch sử thời Minh – Thanh ở Trung Quốc.
– Một số tác phẩm như: Tam quốc diễn nghĩa, ông còn viết Tùy đường lưỡng triều chí truyện, Tấn Đường ngũ đại sử diễn nghĩa, Bình yêu truyện…
II. Giới thiệu về đoạn trích
1. Hoàn cảnh sáng tác
– Tam quốc diễn nghĩa ra đời vào đâu thời Minh (1368 – 1644).
– Tác phẩm gồm 120 hồi, kể chuyện một nước chia ba gọi là “cát cứ phân tranh” trong gần 100 năm của nước Trung Quốc thời cổ (thế kỉ II, III). Đó là cuộc phân tranh giữa ba tập đoàn phong kiến quân phiệt: Ngụy – do Tào Tháo cầm đầu chiếm giữ phía bắc từ Trường Giang trở lên gọi là Bắc Ngụy; Thục – do Lưu Bị cầm đầu, chiếm giữ phía tây nam nên gọi là Tây Thục; Ngô – do Tôn Quyền cầm đầu, chiếm giữ phía đông nam gọi là Đông Ngô.
– Đoạn trích này trích từ hồi 21 trong Tam quốc diễn nghĩa.
2. Tóm tắt
Khi đó, ba anh em là Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi đang nương nhờ trên đất Tào Tháo. Lưu Bị sợ Tào Tháo nghĩ mình có mưu đồ gì, bèn làm một vườn rau ở sau nhà, ngày ngày vụ xới. Một hôm Tào Tháo mời Lưu Bị đến để hỏi chuyện làm vườn. Lưu Bị cho rằng mình đã bị phát hiện nên sợ hãi. Tào Tháo mời Lưu Bị thưởng mơ và nói chuyện “rừng mơ” trong trận đánh Lưu Tú. Chợt mây đen kéo đến, Tào Tháo hỏi Lưu Bị về chuyện rồng và luận về những tên tuổi anh hùng thời đó. Lưu Bị đưa ra năm tên: Viên Thuật, Viên Thiệu, Lưu Biểu, Tôn Sách, Lưu Chương. Tào Tháo vừa nghe vừa cười rồi khẳng định anh hùng trong thiên hạ chỉ có Tào Tháo và Lưu Bị. Lưu Bị nghe vậy giật mình, đánh rơi đũa và bạo biện do tiếng sét.
3. Bố cục
Gồm 2 phần:
– Phần 1. Từ đầu đến “cho nên mời sứ quân đến tiểu đình uống rượu”: Hoàn cảnh diễn ra của tiệc rượu.
– Phần 2. Còn lại: Cuộc bàn luận về anh hùng của tào Tháo và Lưu Bị.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Đoạn trích Tào Tháo uống rượu luận anh hùng Hồi 21 trong Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.