Bạn đang xem bài viết ✅ Điều lệ trường cao đẳng sư phạm Quy định về Điều lệ trường cao đẳng ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Điều lệ trường cao đẳng sư phạm mới nhất hiện nay được ban hành kèm theo Thông tư 23/2022/TT-BGDĐT ngày 30/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nội dung trong điều lệ này áp dụng đối với trường cao đẳng sư phạm do Nhà nước thành lập, đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất để duy trì hoạt động, bảo đảm kinh phí đào tạo và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Điều lệ trường cao đẳng sư phạm quy định về: mục tiêu và sứ mạng; nhiệm vụ và quyền hạn của trường cao đẳng sư phạm; tổ chức và quản lý trường cao đẳng sư phạm.

ĐIỀU LỆ TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM

(Ban hành kèm theo Thông tư số 23/2022/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Điều lệ trường cao đẳng sư phạm quy định về: mục tiêu và sứ mạng; nhiệm vụ và quyền hạn của trường cao đẳng sư phạm; tổ chức và quản lý trường cao đẳng sư phạm; tổ chức các hoạt động đào tạo; nhiệm vụ và quyền hạn của giảng viên, cán bộ quản lý và người học; tài chính và tài sản của trường cao đẳng sư phạm; quan hệ giữa trường cao đẳng sư phạm với gia đình người học và xã hội.

2. Điều lệ này áp dụng đối với trường cao đẳng sư phạm do Nhà nước thành lập, đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất để duy trì hoạt động, bảo đảm kinh phí đào tạo và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Mục tiêu và sứ mạng của trường cao đẳng sư phạm

1. Trường cao đẳng sư phạm do Nhà nước thành lập để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên trình độ cao đẳng và cán bộ quản lý giáo dục có chất lượng và hiệu quả, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục của địa phương và cả nước; đào tạo, bồi dưỡng các trình độ của giáo dục nghề nghiệp theo quy định của pháp luật đáp ứng nhu cầu học tập của người dân và nhu cầu về nhân lực, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và cả nước.

2. Mục tiêu và sứ mạng của trường cao đẳng sư phạm được cụ thể hóa trong kế hoạch và chiến lược phát triển của trường cao đẳng sư phạm, bảo đảm phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và phù hợp với chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam.

Điều 3. Nguyên tắc đặt tên, đổi tên trường cao đẳng sư phạm

1. Tên bằng tiếng Việt của trường cao đẳng sư phạm gồm các cụm từ sau:

a) Cụm từ xác định loại trường: Trường Cao đẳng Sư phạm;

b) Cụm từ “trung ương” nếu là trường trực thuộc các bộ, ngành trung ương;

c) Cụm từ xác định tên riêng: tên địa phương, tên danh nhân văn hóa, lịch sử, tên cá nhân, tổ chức (nếu có) và tên riêng khác. Cụm từ xác định tên địa phương phải gắn với nơi đặt trụ sở chính của trường. Việc đặt tên riêng của trường không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của trường khác đã thành lập trước đó, bảo đảm sự trong sáng của ngôn ngữ, không sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc; không được gây nhầm lẫn về đẳng cấp, thứ hạng trường, không gây hiểu sai về tổ chức và hoạt động của nhà trường.

2. Tên giao dịch quốc tế của trường cao đẳng sư phạm được dịch từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài, đúng nghĩa tên tiếng Việt, phải sử dụng các thuật ngữ bằng tiếng nước ngoài phù hợp với thông lệ quốc tế, không dịch tên cá nhân.

3. Tên bằng tiếng Việt của trường cao đẳng sư phạm được ghi trong quyết định thành lập, con dấu, biển hiệu, các văn bản, giấy tờ giao dịch của trường và được gắn tại trụ sở chính, phân hiệu của trường.

Điều 4. Quản lý đối với trường cao đẳng sư phạm

1. Trường cao đẳng sư phạm trong Điều lệ này gồm có: trường cao đẳng sư phạm trung ương và trường cao đẳng sư phạm địa phương, trong đó:

a) Trường cao đẳng sư phạm trung ương trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; chịu sự quản lý trực tiếp của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời chịu sự quản lý theo lãnh thổ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi trường đặt trụ sở chính, phân hiệu;

b) Trường cao đẳng sư phạm địa phương trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh); chịu sự quản lý trực tiếp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

2. Trường cao đẳng sư phạm do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập; chịu sự quản lý nhà nước về giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên; chịu sự quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội khi tham gia đào tạo các ngành, nghề đào tạo thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ và phân công của Chính phủ đối với trường cao đẳng sư phạm theo quy định tại Điều lệ này và các quy định có liên quan của pháp luật hiện hành.

Điều 5. Quy chế tổ chức và hoạt động của trường cao đẳng sư phạm

1. Quy chế tổ chức và hoạt động của trường cao đẳng sư phạm gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên trường, tên viết tắt (nếu có);

b) Mục tiêu và sứ mạng;

c) Tổ chức và quản lý của trường;

d) Tổ chức hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ, hợp tác quốc tế và hoạt động bảo đảm chất lượng;

đ) Nhiệm vụ và quyền của giảng viên, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động;

e) Nhiệm vụ và quyền của người học;

g) Tài chính và tài sản;

h) Quan hệ giữa trường cao đẳng sư phạm với cơ sở giáo dục, với doanh nghiệp, với gia đình và xã hội;

i) Thanh tra, kiểm tra, công khai, giám sát, khen thưởng và xử lý vi phạm.

2. Hiệu trưởng trường cao đẳng sư phạm có trách nhiệm tổ chức xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động của trường cao đẳng sư phạm trên cơ sở cụ thể hóa các quy định tại Điều lệ này, phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường và không trái với quy định của pháp luật hiện hành. Quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường phải được lấy ý kiến rộng rãi của cán bộ quản lý, giảng viên, người học, người lao động của trường và các bên liên quan, bảo đảm công khai, minh bạch, được hội đồng khoa học và đào tạo tư vấn và phải được hội đồng trường quyết nghị thông qua. Trên cơ sở nghị quyết hội đồng trường, hiệu trưởng ký ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường cao đẳng sư phạm và phải được công khai trên trang thông tin điện tử của trường ít nhất là 45 ngày trước khi triển khai thực hiện.

2. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày ký ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường cao đẳng sư phạm, hiệu trưởng nhà trường có trách nhiệm gửi các cơ quan sau đây:

a) Bộ Giáo dục và Đào tạo;

b) Cơ quan quản lý trực tiếp trường cao đẳng sư phạm;

c) Sở giáo dục và đào tạo thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi trường đặt trụ sở chính.

Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn, quyền tự chủ và trách nhiệm công khai, giải trình của trường cao đẳng sư phạm

1. Trường cao đẳng sư phạm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp, các quy định liên quan đối với đơn vị sự nghiệp công lập và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

2. Trường cao đẳng sư phạm thực hiện quyền tự chủ theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp; thực hiện quyền tự chủ về tài chính và tài sản theo quy định của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện các quyền tự chủ khác về chuyên môn theo quy định của pháp luật.

3. Trường cao đẳng sư phạm có trách nhiệm công khai, giải trình thể hiện ở các hoạt động: báo cáo, công khai và giải trình với cơ quan quản lý nhà nước và các bên liên quan về các hoạt động của nhà trường theo quy định của pháp luật; cam kết với cơ quan quản lý nhà nước và chịu trách nhiệm về mọi hoạt động để đạt được các cam kết; không để bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào lợi dụng danh nghĩa và cơ sở vật chất của trường để tiến hành các hoạt động trái với các quy định của pháp luật và của Điều lệ này.

Chương II

TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM

Điều 7. Tổ chức, thành lập, chấm dứt hoạt động, giải thể tổ chức của trường cao đẳng sư phạm

Tham khảo thêm:   Bộ đề thi thử vào lớp 10 năm học 2019 - 2020 trường Lương Thế Vinh – Hà Nội Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Toán năm 2019

1. Tổ chức của trường cao đẳng sư phạm bao gồm:

a) Hội đồng trường;

b) Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng;

c) Các phòng chức năng hoặc bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ;

d) Các khoa, bộ môn;

đ) Hội đồng khoa học và đào tạo và các hội đồng tư vấn khác (nếu có);

e) Trường thực hành hoặc cơ sở thực hành (nếu có);

g) Phân hiệu, tổ chức nghiên cứu và phát triển; đơn vị sự nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ (nếu có).

2. Việc thành lập, chấm dứt hoạt động phân hiệu của trường cao đẳng sư phạm thực hiện theo quy định của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.

3. Việc thành lập, giải thể các đơn vị, tổ chức trực thuộc, thuộc trường cao đẳng sư phạm, quy định cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của từng đơn vị, tổ chức được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành, quy định tại Điều lệ này và phải được cụ thể hóa trong quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.

Điều 8. Hội đồng trường

Hội đồng trường được thành lập và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và một số quy định cụ thể sau đây:

1. Nhiệm vụ, quyền hạn hội đồng trường:

a) Thông qua các quy định về số lượng, cơ cấu lao động, vị trí việc làm; việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng, phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, viên chức và người lao động của nhà trường; thông qua quy chế tổ chức và hoạt động của trường;

b) Giới thiệu nhân sự để thực hiện quy trình bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng theo quy định; thực hiện đánh giá hằng năm việc hoàn thành nhiệm vụ của hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền miễn nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng; tổ chức lấy phiếu thăm dò tín nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng giữa nhiệm kỳ hoặc đột xuất trong trường hợp cần thiết;

c) Yêu cầu hiệu trưởng giải trình về những vấn đề chưa được thực hiện, thực hiện chưa đúng, thực hiện chưa đầy đủ theo nghị quyết của hội đồng trường, nếu có. Nếu hội đồng trường không đồng ý với giải trình của hiệu trưởng thì báo cáo cơ quan quản lý trực tiếp trường;

d) Tổ chức đánh giá kết quả công tác của chủ tịch hội đồng trường, các thành viên của hội đồng trường định kỳ theo thời điểm đánh giá xếp loại viên chức của trường;

đ) Thực hiện trách nhiệm và quyền hạn khác được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường cao đẳng sư phạm;

e) Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thông qua phương án bổ sung, miễn nhiệm hoặc thay thế các thành viên của hội đồng trường;

g) Định kỳ hằng năm hoặc đột xuất báo cáo, giải trình với cơ quan quản lý trực tiếp trường, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng trường.

2. Số lượng, cơ cấu thành viên hội đồng trường của trường cao đẳng sư phạm được quy định như sau:

a) Số lượng thành viên hội đồng trường phải là số lẻ, tối thiểu là 15 người, bao gồm các thành viên trong trường và thành viên ngoài trường;

b) Thành viên trong trường bao gồm thành viên đương nhiên và thành viên được bầu thông qua hội nghị đại biểu của trường cao đẳng sư phạm.

– Thành viên đương nhiên bao gồm: bí thư Đảng ủy trường, hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng, chủ tịch Công đoàn và bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của trường;

– Thành viên được bầu thông qua hội nghị đại biểu của trường bao gồm thành viên đại diện giảng viên (chiếm tỷ lệ tối thiểu là 25% tổng số thành viên của hội đồng trường) và thành viên đại diện viên chức, người lao động của trường.

c) Thành viên ngoài trường chiếm tỷ lệ tối thiểu là 20% tổng số thành viên của hội đồng trường, bao gồm:

– Thành viên là đại diện của cơ quan quản lý trực tiếp trường;

– Một số thành viên bên ngoài khác (không phải là giảng viên, cán bộ quản lý cơ hữu của trường) phải là người đang hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học, công nghệ, sản xuất, kinh doanh có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của nhà trường và không phải là người có quan hệ bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột với các thành viên khác trong hội đồng trường, bao gồm: đại diện sở giáo dục và đào tạo của địa phương nơi trường đóng trên địa bàn, nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà giáo dục, nhà văn hóa, nhà khoa học, doanh nhân, cựu sinh viên, đại diện đơn vị sử dụng lao động được các đơn vị cấp phòng, khoa hoặc tương đương của trường giới thiệu và phải được bầu thông qua hội nghị đại biểu của trường cao đẳng sư phạm.

d) Số lượng, cơ cấu thành viên, quy trình, thủ tục lựa chọn các thành viên, bầu chủ tịch và thư ký hội đồng trường phải được quy định cụ thể trong quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.

3. Chủ tịch hội đồng trường do hội đồng trường bầu trong số các thành viên của hội đồng trường theo nguyên tắc đa số, bỏ phiếu kín phải được trên 50% tổng số thành viên của hội đồng trường đồng ý và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ra quyết định bổ nhiệm; trường hợp thành viên ngoài trường trúng cử chủ tịch hội đồng trường, cơ quan quản lý có thẩm quyền thực hiện thủ tục theo quy định của pháp luật để người được bầu làm chủ tịch hội đồng trường trở thành cán bộ cơ hữu của nhà trường; tiêu chuẩn của chủ tịch hội đồng trường như tiêu chuẩn của hiệu trưởng (quy định tại Điều 10 Điều lệ này); chủ tịch hội đồng trường không kiêm nhiệm các chức vụ quản lý trong trường cao đẳng sư phạm và có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn của hội đồng trường; chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động hằng năm của hội đồng trường; chỉ đạo tổ chức và chủ trì các cuộc họp của hội đồng trường; ký văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của hội đồng trường; sử dụng bộ máy tổ chức và con dấu của trường cao đẳng sư phạm để hoạt động trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của hội đồng trường; thực hiện nhiệm vụ của thành viên hội đồng trường, nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định tại quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường và các quy định khác có liên quan của pháp luật hiện hành;

b) Chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của mình.

4. Thư ký hội đồng trường do chủ tịch hội đồng trường giới thiệu trong số các thành viên của hội đồng trường và bổ nhiệm khi được hội đồng trường thông qua theo nguyên tắc đa số, bỏ phiếu kín với trên 50% tổng số thành viên của hội đồng trường đồng ý. Thành viên bên ngoài tham gia hội đồng trường, không phải là công chức, viên chức của trường thì không đảm nhiệm chức vụ thư ký hội đồng trường. Thư ký hội đồng trường không kiêm nhiệm chức vụ hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng. Thư ký hội đồng trường trực tiếp giúp chủ tịch hội đồng trường thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Tổng hợp, báo cáo chủ tịch hội đồng trường các hoạt động của trường; chuẩn bị chương trình nghị sự, nội dung, tài liệu, gửi giấy mời họp và làm thư ký các cuộc họp của hội đồng trường; xây dựng, hoàn chỉnh, lưu trữ các văn bản của hội đồng trường;

b) Chuẩn bị các báo cáo, giải trình với cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của hội đồng trường;

c) Thực hiện các nhiệm vụ khác do chủ tịch hội đồng trường giao.

5. Thành viên hội đồng trường thực hiện và chịu trách nhiệm về nhiệm vụ của hội đồng trường do chủ tịch hội đồng trường phân công và nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật, quy định của quy chế tổ chức và hoạt động của trường cao đẳng sư phạm; tham gia đầy đủ các phiên họp của hội đồng trường, chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của mình.

6. Hội đồng trường phải thống nhất các quy định và nguyên tắc làm việc chung của hội đồng trường, quy định cụ thể về quyền hạn và trách nhiệm của chủ tịch, thư ký và các thành viên của hội đồng trường phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của hội đồng trường, bảo đảm phù hợp với các quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, quy định của Điều lệ này và các quy định pháp luật khác có liên quan, đồng thời hội đồng trường có nghị quyết thông qua. Trên cơ sở đó, chủ tịch hội đồng trường ký ban hành quy chế làm việc của hội đồng trường.

7. Quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường phải quy định cụ thể về thủ tục hội đồng trường quyết định giới thiệu nhân sự để thực hiện quy trình bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, việc quyết định chức danh quản lý khác của trường cao đẳng sư phạm trong quy trình bổ nhiệm nhân sự; căn cứ và thủ tục đề xuất tổ chức lấy phiếu thăm dò tín nhiệm, đề xuất miễn nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng; thời gian tối đa giữ chức vụ hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và chức danh quản lý khác của trường cao đẳng sư phạm; thủ tục, thành phần của hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường cao đẳng sư phạm; việc đánh giá kết quả công tác của chủ tịch và các thành viên của hội đồng trường; các nội dung khác theo yêu cầu tổ chức và hoạt động của hội đồng trường.

Tham khảo thêm:   Bộ đề thi thử vào lớp 10 môn tiếng Anh năm học 2017 - 2018 Có đáp án - Số 3 Đề thi thử vào lớp 10 môn Anh

Điều 9. Thủ tục thành lập hội đồng trường; bổ nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch hội đồng trường; đình chỉ tạm thời công tác đối với chủ tịch hội đồng trường và các thành viên hội đồng trường; công nhận, miễn nhiệm thành viên khác của hội đồng trường

1. Thành lập hội đồng trường và bổ nhiệm chủ tịch hội đồng trường đối với trường hợp trường cao đẳng sư phạm chưa có hội đồng trường

a) Căn cứ quy định tại Điều 8 Điều lệ này và các quy định có liên quan của pháp luật hiện hành, tập thể lãnh đạo trường (quy định tại khoản 2 Điều này) họp thống nhất chủ trương, kế hoạch và nội dung; phân công nhiệm vụ đối với từng thành viên trong tập thể lãnh đạo trường để chỉ đạo, triển khai thành lập hội đồng trường bảo đảm theo quy định;

b) Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 8 Điều lệ này và chủ trương, kế hoạch thành lập trường đã được tập thể lãnh đạo trường thống nhất, tập thể lãnh đạo trường hợp với các thành viên đương nhiên tham gia hội đồng trường (quy định tại điểm b khoản 2 Điều 8 Điều lệ này) để xác định tổng số thành viên hội đồng trường và số lượng thành viên của từng thành phần tham gia hội đồng trường; xác định số lượng và cơ cấu giới thiệu nhân sự bầu của từng thành phần được bầu để tham gia hội đồng trường; thống nhất nội dung các bước thực hiện bầu hội đồng trường;

c) Hiệu trưởng ký văn bản gửi cơ quan quản lý trực tiếp trường đề nghị cử đại diện tham gia hội đồng trường;

d) Tổ chức bầu các thành viên trong trường và thành viên ngoài trường (thuộc diện phải được bầu) như sau:

– Hiệu trưởng chỉ đạo các khoa chuyên môn và đơn vị tương ứng khoa chuyên môn (nếu có) giới thiệu nhân sự là giảng viên của trường để bầu thành viên trong trường của hội đồng trường là giảng viên theo cơ cấu đã xác định và giới thiệu nhân sự là thành viên ngoài trường để bầu thành viên hội đồng trường là thành viên ngoài trường theo cơ cấu đã xác định; các phòng chức năng, các tổ chức nghiên cứu và phát triển, trường thực hành, đơn vị sự nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ (nếu có) giới thiệu nhân sự là viên chức của trường (không phải là giảng viên) để bầu thành viên trong trường của hội đồng trường là viên chức theo cơ cấu đã xác định và giới thiệu nhân sự là thành viên ngoài trường để bầu thành viên hội đồng trường là thành viên ngoài trường theo cơ cấu đã xác định. Nguyên tắc giới thiệu nhân sự để bầu phải bảo đảm có số dư và nhân sự được lựa chọn để xác định căn cứ theo kết quả phiếu bầu từ người có số phiếu cao nhất trở xuống cho đến khi đủ số nhân sự cần xác định thông qua hội nghị đại biểu cán bộ chủ chốt của các đơn vị (lãnh đạo khoa chuyên môn và tương đương hoặc lãnh đạo phòng chức năng và tương đương), trong đó lãnh đạo nhà trường tham dự hội nghị đại biểu cán bộ chủ chốt của các đơn vị để giới thiệu nhân sự bầu theo đơn vị (phòng, khoa và tương đương) được phân công quản lý và phụ trách trực tiếp.

– Căn cứ kết quả giới thiệu nhân sự bầu (đối với các nhân sự bầu ngoài trường phải có văn bản đồng ý tham gia hội đồng trường của nhân sự và ý kiến đồng thuận của cơ quan, tổ chức quản lý nhân sự), tập thể lãnh đạo trường báo cáo danh sách nhân sự bầu với Đảng ủy trường. Sau khi được Đảng ủy trường thông qua danh sách thì hiệu trưởng chủ trì tổ chức bầu các thành viên trong trường và thành viên ngoài trường thông qua hội nghị đại biểu của trường, trong đó tỷ lệ đại biểu tham gia hội nghị phải bảo đảm trên 50% so với tổng số cán bộ, giảng viên, viên chức, người lao động của nhà trường; người được bầu là thành viên của hội đồng trường phải đạt trên 50% tổng số phiếu bầu hợp lệ đồng ý và lấy từ người có số phiếu bầu cao nhất trở xuống cho đến khi đủ số thành viên cần bầu. Tỷ lệ tham gia hội nghị đại biểu phải được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường; trường hợp quy chế tổ chức và hoạt động chưa quy định hoặc nhà trường chưa ban hành quy chế thì tập thể lãnh đạo nhà trường phải thống nhất với đại diện cơ quan quản lý trực tiếp trường và các thành viên đương nhiên khác của hội đồng trường để chỉ đạo thực hiện; sau khi được thành lập, hội đồng trường phải chỉ đạo sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới quy chế tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, quy định về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc của Chính phủ, quy định về hướng dẫn thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ sở giáo dục công lập, quy định của Điều lệ này và các quy định khác có liên quan của pháp luật hiện hành, bao gồm nội dung nêu trên;

đ) Căn cứ kết quả bầu các thành viên trong trường và thành viên ngoài trường, hiệu trưởng báo cáo danh sách thành viên hội đồng trường với Đảng ủy trường. Sau khi được Đảng ủy trường thông qua danh sách, hiệu trưởng chủ trì tổ chức họp toàn thể các thành viên hội đồng trường (bao gồm các thành viên đương nhiên và các thành viên được bầu trong trường và ngoài trường) để bầu chủ tịch hội đồng trường (theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 8 Điều lệ này); nhân sự giới thiệu để bầu chủ tịch hội đồng trường phải bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện như tiêu chuẩn, điều kiện của hiệu trưởng (quy định tại Điều 10 Điều lệ này). Trên cơ sở quyết nghị tại cuộc họp này, hiệu trưởng có văn bản (tờ trình) đề nghị cơ quan quản lý trực tiếp trường ra quyết định thành lập hội đồng trường và bổ nhiệm chủ tịch hội đồng trường;

e) Chủ tịch hội đồng trường đã được cơ quan quản lý trực tiếp trường ra quyết định bổ nhiệm, chủ trì họp hội đồng trường để bầu thư ký hội đồng trường (theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Điều lệ này) và có nghị quyết thông qua. Trên cơ sở quyết nghị tại cuộc họp này, chủ tịch hội đồng trường ra quyết định bổ nhiệm thư ký hội đồng trường.

2. Tập thể lãnh đạo trường cao đẳng sư phạm quy định trong Điều lệ này bao gồm ban thường vụ Đảng ủy hoặc cấp ủy (nơi không có ban thường vụ Đảng ủy), hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng trường (nếu có). Tập thể lãnh đạo trường do chủ tịch hội đồng trường hoặc hiệu trưởng (trong thời gian chưa có chủ tịch hội đồng trường) chủ trì, làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số, trường hợp tập thể lãnh đạo trường là số chẵn, kết quả bỏ phiếu hoặc biểu quyết là 50/50 thì quyết định theo ý kiến của bên có người chủ trì.

3. Thành lập hội đồng trường và bổ nhiệm chủ tịch hội đồng trường đối với trường hợp trường cao đẳng sư phạm đã có hội đồng trường

a) Trước khi hết nhiệm kỳ 03 tháng, chủ tịch hội đồng trường đương nhiệm (trong trường hợp hội đồng trường của trường cao đẳng sư phạm không có chủ tịch hội đồng trường hoặc chủ tịch hội đồng trường không thể thực hiện được nhiệm vụ thì phó chủ tịch hội đồng trường hoặc hiệu trưởng nhà trường (nếu hội đồng trường không có phó chủ tịch) chủ trì họp tập thể lãnh đạo trường (gồm các thành viên theo quy định tại khoản 2 Điều này) về việc tổ chức thực hiện các quy định tại khoản 1 Điều này, đồng thời báo cáo cơ quan quản lý trực tiếp nhà trường để thành lập hội đồng trường và bổ nhiệm chủ tịch hội đồng trường nhiệm kỳ kế tiếp theo đúng quy định tại Điều lệ này, quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường và các quy định khác có liên quan của pháp luật hiện hành;

b) Trước khi kết thúc nhiệm kỳ ít nhất 30 ngày làm việc, hội đồng trường đương nhiệm có trách nhiệm hoàn thiện, gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 4 Điều này đề nghị cơ quan quản lý trực tiếp trường ra quyết định thành lập hội đồng trường và bổ nhiệm chủ tịch hội đồng trường của nhiệm kỳ mới.

4. Hồ sơ đề nghị thành lập hội đồng trường và bổ nhiệm chủ tịch hội đồng trường gồm có:

a) Tờ trình đề nghị thành lập hội đồng trường, trong đó nêu rõ quy trình xác định các thành viên hội đồng trường;

b) Danh sách và sơ yếu lý lịch của chủ tịch hội đồng trường, các thành viên của hội đồng trường; văn bản của cơ quan trực tiếp quản lý trường cử thành viên tham gia hội đồng trường; văn bản đồng ý tham gia hội đồng trường và ý kiến đồng thuận của cơ quan, tổ chức quản lý đối với các thành viên ngoài trường; biên bản họp, biên bản kiểm phiếu, phiếu bầu chủ tịch hội đồng trường và phiếu bầu các thành viên trong trường, phiếu bầu các thành viên ngoài trường, bản sao văn bằng, chứng chỉ của người được đề nghị giữ chức danh chủ tịch hội đồng trường, các tài liệu minh chứng liên quan (nếu có).

Tham khảo thêm:   TOP ứng dụng đặt đồ ăn, giao đồ ăn nhanh trên điện thoại

5. Thay thế chủ tịch và thành viên hội đồng trường

a) Trường hợp chủ tịch hội đồng trường tự nguyện xin thôi làm chủ tịch hội đồng trường hoặc không thể tiếp tục làm việc hoặc thuộc trường hợp bị miễn nhiệm theo quy định tại khoản 9 Điều này, hiệu trưởng tổ chức họp hội đồng trường để bầu chủ tịch hội đồng trường mới và gửi hồ sơ đề nghị bổ nhiệm thay thế chủ tịch hội đồng trường đến cơ quan quản lý trực tiếp trường quyết định. Hồ sơ đề nghị thay thế chủ tịch hội đồng trường gồm: tờ trình nêu rõ lý do bầu thay thế chủ tịch hội đồng trường, văn bản liên quan đến chủ tịch hội đồng trường đương nhiệm, biên bản họp hội đồng trường, biên bản kiểm phiếu và phiếu bầu chủ tịch hội đồng trường mới, bản sao văn bằng, chứng chỉ của người được đề nghị giữ chức danh chủ tịch hội đồng trường mới; các tài liệu minh chứng liên quan (nếu có);

b) Trường hợp hội đồng trường bị khuyết thành viên do có thành viên bị miễn nhiệm hoặc nghỉ hưu hoặc thuyên chuyển sang công tác khác không còn phù hợp với vị trí là thành viên hoặc không thể tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, chủ tịch hội đồng trường căn cứ vào thành phần của các thành viên bị khuyết để lựa chọn thành viên bổ sung, thay thế theo quy trình quy định tại khoản 1 Điều này và gửi hồ sơ đề nghị bổ sung, thay thế thành viên hội đồng trường đến cơ quan quản lý trực tiếp trường quyết định. Hồ sơ đề nghị bổ sung, thay thế thành viên hội đồng trường gồm: tờ trình nêu rõ lý do các trường hợp bổ sung thay thế, biên bản họp hội đồng trường, biên bản kiểm phiếu và phiếu bầu, các tài liệu minh chứng liên quan (nếu có).

6. Quyết định thành lập hội đồng trường; bổ nhiệm chủ tịch hội đồng trường; thay thế chủ tịch hội đồng trường; bổ sung, thay thế thành viên hội đồng trường:

a) Trường cao đẳng sư phạm gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị thành lập hội đồng trường và bổ nhiệm chủ tịch hội đồng trường (quy định tại khoản 4 Điều này), hoặc 01 bộ hồ sơ đề nghị thay thế chủ tịch và thành viên hội đồng trường (quy định tại điểm a khoản 5 Điều này), hoặc 01 hồ sơ đề nghị bổ sung, thay thế thành viên hội đồng (quy định tại khoản 5 Điều này) đến cơ quan quản lý trực tiếp trường;

b) Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ đề nghị của nhà trường, thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp trường ra quyết định thành lập hội đồng trường, bổ nhiệm chủ tịch hội đồng trường hoặc thay thế chủ tịch hội đồng trường, hoặc bổ sung, thay thế thành viên hội đồng trường. Trường hợp không đồng ý do hồ sơ còn thiếu hoặc không bảo đảm theo quy định, cơ quan quản lý trực tiếp trường có trách nhiệm trả lời trường bằng văn bản và nêu rõ lý do.

7. Hoạt động của hội đồng trường

a) Hội đồng trường hợp định kỳ ít nhất 03 tháng một lần và họp đột xuất khi có đề nghị bằng văn bản của trên 30% tổng số thành viên hội đồng trường hoặc có đề nghị bằng văn bản của hiệu trưởng hoặc của chủ tịch hội đồng trường.

Cuộc họp của hội đồng trường là hợp lệ khi có trên 50% tổng số thành viên hội đồng trường tham dự, trong đó có thành viên ngoài trường tham dự. Hội đồng trường làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số, trừ trường hợp quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học quy định tỷ lệ biểu quyết cao hơn; quyết định của hội đồng trường được thể hiện bằng hình thức nghị quyết. Biên bản cuộc họp và nghị quyết của hội đồng trường được gửi đến các thành viên hội đồng trường, cơ quan quản lý trực tiếp trường chậm nhất sau 10 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức cuộc họp hoặc nghị quyết được ký thông qua;

b) Nhiệm kỳ của hội đồng trường thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Hội đồng trường được sử dụng con dấu, bộ máy tổ chức của nhà trường để triển khai các công việc của hội đồng trường trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng trường;

c) Chủ tịch hội đồng trường được hưởng phụ cấp chức vụ tương đương hiệu trưởng; thư ký hội đồng trường được hưởng phụ cấp chức vụ tương đương trưởng phòng; phụ cấp cho các thành viên khác trong hội đồng trường được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động và quy chế tài chính nội bộ của nhà trường.

Kinh phí hoạt động của hội đồng trường, phụ cấp chức vụ của chủ tịch, thư ký và phụ cấp cho các thành viên (nếu có) được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường;

d) Ủy quyền điều hành hội đồng trường

Khi chủ tịch hội đồng trường không thể làm việc trong khoảng thời gian mà quy chế tổ chức và hoạt động của trường đã quy định thì phải có trách nhiệm ủy quyền bằng văn bản cho một trong số các thành viên còn lại của hội đồng trường đảm nhận thay trách nhiệm của chủ tịch hội đồng trường. Văn bản ủy quyền phải được thông báo đến các thành viên hội đồng trường, gửi đến cơ quan quản lý trực tiếp và thông báo công khai trong toàn trường. Thời gian ủy quyền và các nội dung khác liên quan đến việc ủy quyền được quy định cụ thể trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường, bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.

8. Đình chỉ tạm thời công tác đối với chủ tịch hội đồng trường và các thành viên hội đồng trường

Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp trường cao đẳng sư phạm có thể ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với chủ tịch hội đồng trường và các thành viên hội đồng trường về các hoạt động của hội đồng trường trong thời gian bị xem xét, xử lý kỷ luật nếu để chủ tịch hội đồng trường và các thành viên hội đồng trường đó tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý. Việc đình chỉ tạm thời công tác đối với chủ tịch hội đồng trường, các thành viên hội đồng trường và thời hạn tạm đình chỉ do cơ quan quản lý trực tiếp trường cao đẳng sư phạm quyết định, bảo đảm phù hợp với quy định về việc tạm đình chỉ công tác đối với viên chức theo quy định tại Luật Viên chức và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

9. Miễn nhiệm chủ tịch và các thành viên hội đồng trường

a) Chủ tịch và thành viên hội đồng trường bị miễn nhiệm nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: có quyết định thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, cách chức theo các quyết định về nhân sự của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; có đề nghị bằng văn bản của cá nhân xin thôi tham gia hội đồng trường; bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; sức khỏe không đủ khả năng đảm nhiệm công việc được giao, đã phải nghỉ làm việc để điều trị quá 06 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục; có trên 50% tổng số thành viên của hội đồng trường kiến nghị bằng văn bản đề nghị miễn nhiệm; vi phạm các quy định đến mức phải miễn nhiệm theo quy định tại quy chế tổ chức và hoạt động của trường;

b) Hội đồng trường có trách nhiệm xem xét, quyết nghị việc miễn nhiệm chủ tịch và thành viên hội đồng trường và gửi hồ sơ đề nghị cơ quan quản lý trực tiếp trường xem xét, quyết định. Hồ sơ gồm có: tờ trình nêu rõ lý do miễn nhiệm; biên bản họp hội đồng trường về việc miễn nhiệm chủ tịch và các thành viên hội đồng trường; các tài liệu minh chứng liên quan (nếu có);

c) Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị của hội đồng trường, thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp trường ra quyết định miễn nhiệm chủ tịch và thành viên hội đồng trường. Trường hợp không đồng ý do hồ sơ còn thiếu hoặc không bảo đảm theo quy định, cơ quan quản lý trực tiếp trường có trách nhiệm trả lời trường bằng văn bản và nêu rõ lý do.

10. Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phải quy định cụ thể số lượng, cơ cấu thành viên; nội dung các bước bầu hội đồng trường, việc bổ sung, thay thế thành viên của hội đồng trường; hình thức quyết định của hội đồng trường đối với từng loại hoạt động; tiêu chuẩn, số nhiệm kỳ, việc ủy quyền của chủ tịch hội đồng trường; tỷ lệ bỏ phiếu thông qua nghị quyết của hội đồng trường; quy định ngân sách hoạt động, cơ quan kiểm soát và bộ máy giúp việc của hội đồng trường; quy định cụ thể về việc đình chỉ tạm thời hoạt động của chủ tịch hội đồng trường và các thành viên hội đồng trường; quy định việc miễn nhiệm chủ tịch hội đồng trường, các thành viên hội đồng trường và các nội dung khác theo yêu cầu tổ chức và hoạt động của hội đồng trường.

……….

Tải file tài liệu để xem thêm điều lệ trường cao đẳng sư phạm

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Điều lệ trường cao đẳng sư phạm Quy định về Điều lệ trường cao đẳng của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *