Giải bài tập SGK Địa lí 12 Bài 31 giúp các em học sinh lớp 12 trả lời các câu hỏi phần bài tập trang 143. Đồng thời hiểu được kiến thức về các vấn đề phát triển thương mại và du lịch.
Bài 31: Địa lí 12 Vấn đề phát triển thương mai, du lịch được biên soạn bám sát theo chương trình SGK trang 137→143. Qua đó giúp học sinh nhanh chóng nắm vững được kiến thức lý thuyết, biết trả lời các câu hỏi để học tốt môn Địa. Vậy sau đây là nội dung chi tiết bài Soạn Địa lí 12 bài 31, mời các bạn cùng theo dõi tại đây.
Lý thuyết Vấn đề phát triển thương mại, du lịch
a) Nội thương:
*Tình hình phát triển:
– Hoạt động nội thương phát triển mạnh, đặc biệt sau công cuộc đổi mới
– Thu hút được sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế
+ Khu vực nhà nước
+ Khu vực ngoài nhà nước
+Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài
* Phân bố hoạt động nội thương
Hoạt dộng nội thương diễn ra không đồng đều theo lãnh thổ.
b) Ngoại thương:
* Tình hình: Hoạt động ngoại thương có sự chuyển biến rõ rệt
+ Xuất khẩu, nhập khẩu tăng nhanh
+ Nhập khẩu tăng nhanh hơn xuất khẩu
– Các mặt hàng xuất chủ yếu : hàng công nghiệp nặng và khoáng sản, hàng công nghiệp nhẹ, nông, lâm, thuỷ sản.
– Thị trường xuất khẩu lớn nhất hiện nay là Mĩ, tiếp đến là Nhật Bản, Trung Quốc.
– Các mặt nhập xuất chủ yếu : nguyên liệu, tư liệu sản xuất, 1 phần nhỏ hàng tiêu dùng.
– Thị trường nhập khẩu chủ yếu là: khu vực châu Á – Thái Bình Dương và châu Âu.
Giải Địa 12 bài 31 trang 143
Câu 1
Dựa vào bảng số liệu (SGK), vẽ biểu đồ thích hợp nhất thể hiện sự thay đổi cơ cấu giá trị xuất khẩu hàng hoá phân theo nhóm hàng và nêu nhận xét.
Gợi ý:
– Vẽ biểu đồ:
– Nhận xét:
+ Trong cơ cấu giá trị xuất khẩu hàng hoá năm 2005, đứng đầu là nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp, tiếp đến là nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản, sau cùng là nhóm hàng nông, lâm, thuỷ sản.
+ Từ 1995 đến 2005: giá trị xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản tăng, nhưng trong giai đoạn 2000 – 2005, lại giảm nhẹ; nhóm hàng công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tăng nhanh; nhóm hàng nông, lâm, thuỷ sản giảm.
Câu 2
Chứng minh rằng hoạt động xuất, nhập khẩu của nước ta đang có những chuyển biến tích cực trong những năm gần đây.
Lời giải:
– Thị trường buôn bán ngày càng được mở rộng theo hướng đa dạng hoá, đa phương hoá. Tháng 1/2007, Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO và hiện có quan hệ buôn bán với hầu hết các nước và các vùng lãnh thổ trên thế giới.
– Năm 1992, lần đầu tiên, cán cân xuất nhập khẩu của nước ta tiến tới sự cân đối. Từ năm 1993 đến nay, tiếp tục nhập siêu, nhưng bản chất khác xa với nhập siêu thời kì trước Đổi mới.
– Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2005 tăng hơn 13 lần so với năm 1990.
– Cơ chế quản lí đổi mới: mở rộng quyền tự chủ cho các ngành, các doanh nghiệp và các địa phương, xóa bỏ cơ chế tập trung bao cấp và chuyển sang hạch toán kinh doanh, tăng cường sự quản lí thống nhất của Nhà nước bằng luật pháp và chính sách.
– Xuất khẩu: Các mặt hàng xuất khẩu phong phú (hàng công nghiệp nặng và khoáng sản, hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp, hàng nông – lâm – thuỷ sản). Thị trường xuất khẩu mở rộng, lớn nhất hiện nay là Mĩ, tiếp đến là Nhật Bản, Trung Quốc.
– Nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu tăng lên khá mạnh. Các mặt hàng nhập khẩu: chủ yếu là nguyên liệu, tư liệu sản xuất (máy móc, thiết bị, nguyên, nhiên, vật liệu) và một phần nhỏ là hàng tiêu dùng. Các thị trường nhập khẩu chủ yếu: khu vực châu Á – Thái Bình Dương và châu Âu.
Câu 3
Chứng minh tài nguyên du lịch của nước ta tương đối phong phú đa dạng
Lời giải:
Tài nguyên du lịch nước ta phong phú, đa dạng.
– Địa hình: có cả đồng bằng, đồi núi, bờ biển, hải đảo, tạo nên nhiều cảnh quan đẹp; địa hình cácxtơ (vịnh Hạ Long, động Phong Nha,….), có khoảng 125 bãi biển lớn nhỏ dọc bờ biển.
– Tài nguyên khí hậu: sự phân hóa theo vĩ độ, theo mùa, theo độ cao tạo nên sự đa dạng của khí hậu tương đối thuận lợi cho phát triển du lịch.
– Tài nguyên nước: nhiều vùng sông nước (hệ thống sông Cửu Long, hồ Ba Bể, Hòa Bình, Dầu Tiếng, Thác Bà,…) đã trở thành các điểm tham quan du lịch. Nước khoáng thiên nhiên: vài trăm nguồn, có sức hút cao đối với du khách.
– Tài nguyên sinh vật: có nhiều giá trị trong việc phát triển du lịch; đặc biệt là các vườn quốc gia.
– Các di tích văn hóa – lịch sử: có khoảng 4 vạn, trong đó hơn 2.600 di tích đã được Nhà nước xếp hạng. Tiêu biểu nhất là các di tích đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới (Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Di tích Mĩ Sơn, Nhã nhạc cung đình Huế, Cồng chiêng Tây Nguyên).
– Các lễ hội: diễn ra hầu như khắp trên đất nước và luôn luôn gắn liền với các di tích văn hóa lịch sử.
– Tiềm năng về văn hóa dân tộc, văn nghệ dân gian và hàng loạt làng nghề truyền thống với những sản phẩm đặc sắc mang tính nghệ thuật cao.
Câu 4
Dựa vào hình 31.4 (SGK) và Atlat Địa lí Việt Nam, với tư cách như là một hướng dẫn viên du lịch, hãy giới thiệu tuyến du lịch Xuyên Việt (tài nguyên du lịch, các trung tâm du lịch trên tuyến này).
Gợi ý trả lời:
Việt Nam là đất nước giàu có tài nguyên du lịch các loại. Trên khắp lãnh thổ, đến đâu cũng có phong cảnh xinh đẹp, thắng cảnh đa dạng, di tích lịch sử – văn hoá đầy ấn tượng, lễ hội phong phú…
– Tài nguyên du lịch tự nhiên:
Việt Nam có diện tích đá vôi rộng lớn, tập trung chủ yếu từ vĩ độ 16oB trở lên, lại nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, thuận lợi cho việc phát triển các dạng địa hình cacxtơ. Trên vùng đá vôi rộng lớn dó có hàng trăm hang động. Vùng núi đá vôi Kẻ Bàng (Quảng Bình) là nơi có hệ thống hang động liên hoàn, tập trung nhiều ở thượng nguồn sông Son, kéo dài như một dòng sông với các nhánh khi thì lộ ra, khi thì đi ngầm trong núi, nổi bật là động Phong Nha – hang động được xem là dài nhất, đẹp nhất trên thế giới (7.729 m). Bên cạnh hang động, các-xtơ ngập nước ở vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, các-xtơ đồng bằng ở Ninh Bình (được gọi là “vịnh Hạ Long trên cạn”) là những cảnh quan kỳ thú hấp dẫn du khách khắp mọi nơi trên thế giới và trong nước. Các dạng cột đá, chuông đá, măng đá, giếng ngọc… gắn liền với hang động, thung cacxtơ…. tạo nên vẻ đẹp huyền bí mà tráng lệ của các vùng cacxtơ ở Việt Nam. Cũng chính vì vậy mà hai vùng địa hình cacxtơ của Việt Nam đã được ghi vào Danh mục Di sản thiên nhiên thế giới (động Phong Nha và vịnh Hạ Long).
Đất nước Việt Nam có đường bờ biển dài 3.260km uốn lượn mềm mại, mang theo mình nhiều bãi tắm tốt, trong đó có nhiều bãi ở dạng sơ khai, còn thấm đẫm hương vị hoang dã của thiên nhiên thuở thưa người. Đi từ Móng Cái đến Hà Tiên, gặp một loạt bãi tắm đẹp: Trà Cổ, Bãi Cháy, Đồ Sơn, Hải Thịnh, Sầm Sơn, Cửa Lò, Thiên Cầm, Đá Nhảy, Nhật Lệ, Cửa Tùng, Thuận An, Cảnh Dương, Lăng Cô, Non Nước, Mĩ Khê, Sa Huỳnh, Quy Nhơn, Đại Lãnh, Dốc Lết, Nha Trang, Ninh Chữ, Mũi Né, Vũng Tàu, Long Hải, Phước Hải… Theo đánh giá của các chuyên gia thuộc Tổ chức du lịch thế giới, dải bờ biển có những bãi tắm đẹp nhất Việt Nam kéo dài liên tục từ bãi Đại Lãnh (Khánh Hòa) dưới chân đèo Cả qua vinh Văn Phong cho đến Nha Trang, Ninh Chữ. Đây là tiềm năng to lớn, đặc biệt vịnh Văn Phong, để tạo nên khu du lịch biển có thể cạnh tranh được với các khu du lịch biển của các nước trong khu vực. Nhìn chung, các bãi biển Việt Nam dài, rộng, nền chắc, bờ cát mịn, độ dốc nhỏ, độ mặn vừa phải, nước trong xanh, thuận lợi cho phát triển du lịch.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Địa lí 12 Bài 31: Vấn đề phát triển thương mai, du lịch Soạn Địa 12 trang 143 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.