BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
(Đề thi chính thức) |
KỲ THI TỐT NGHIỆP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NĂM 2010 Môn thi: Lịch sử − Giáo dục thường xuyên Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian giao đề |
Câu 1. (3,0 điểm)
Trình bày những thành tựu tiêu biểu của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ trên thế giới trong nửa sau thế kỉ XX.
Câu 2. (3,0 điểm)
Nêu hoàn cảnh lịch sử của Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 ở nước ta. Trình bày những nét chính về diễn biến cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội.
Câu 3. (4,0 điểm)
Cuối năm 1974 – đầu năm 1975, Đảng ta đã đề ra chủ trương, kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam như thế nào ? Tóm tắt diễn biến và nêu ý nghĩa của chiến dịch Tây Nguyên trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975.
* * *
HƯỚNG DẪN VÀ ĐÁP ÁN
Câu 1:
– Trong lĩnh vực khoa học cơ bản, đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn, những bước nhảy vọt chưa từng thấy trong lịch sử các ngành Toán học, Vật lí học, Hoá học, Sinh học,…
– Trong lĩnh vực công nghệ, đã có những phát minh quan trọng:
+ Công cụ sản xuất mới : máy tính điện tử, máy tự động, hệ thống máy tự động, rôbốt,…
+ Những nguồn năng lượng mới : năng lượng mặt trời, năng lượng nguyên tử,… ; những vật liệu mới : chất pôlime, các loại vật liệu siêu sạch, siêu bền, siêu cứng,…
+ Công nghệ sinh học với những đột phá phi thường trong công nghệ di truyền, công nghệ tế bào,… dẫn tới cuộc “cách mạng xanh” trong nông nghiệp.
– Thông tin liên lạc, giao thông vận tải : cáp sợi thuỷ tinh quang dẫn, máy bay siêu âm khổng lồ,… ; chinh phục vũ trụ : vệ tinh nhân tạo, tàu vũ trụ,…
– Công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, hình thành mạng thông tin máy tính toàn cầu (Internet),…
Câu 2:
a. Hoàn cảnh lịch sử (2,0 điểm)
– Ngày 15 – 8 – 1945, phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh không điều kiện. Quân Nhật ở Đông Dương rệu rã, Chính phủ Trần Trọng Kim
hoang mang. Điều kiện thuận lợi cho tổng khởi nghĩa đã đến.
– Ngay từ ngày 13 – 8 – 1945, khi nhận được những thông tin về việc Nhật Bản đầu hàng, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc, phát lệnh Tổng khởi nghĩa trong cả nước.
– Từ ngày 14 đến ngày 15 – 8 – 1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào, thông qua kế hoạch lãnh đạo toàn dân Tổng khởi nghĩa và quyết định những vấn đề quan trọng về chính sách đối nội, đối ngoại sau khi giành được chính quyền.
– Từ ngày 16 đến ngày 17 – 8 – 1945, Đại hội Quốc dân ở Tân Trào đã tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng, cử ra Uỷ ban Dân tộc giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
b. Khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội (1,0 điểm)
– Chiều ngày 17 – 8 – 1945, quần chúng tham dự mít tinh tại Nhà hát Lớn, sau đó xếp thành đội ngũ, đi qua các phố trung tâm và hô vang các khẩu hiệu cách mạng. Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội quyết định khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 19 – 8 – 1945.
– Ngày 19 – 8 – 1945, hàng vạn quần chúng xuống đường biểu dương lực lượng, lần lượt chiếm các công sở của địch. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội thắng lợi.
Câu 3.
a. Chủ trương, kế hoạch (1,5 điểm)
– Căn cứ vào tình hình so sánh lực lượng ở miền Nam thay đổi mau lẹ có lợi cho cách mạng, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đề ra kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975 và 1976.
– Bộ Chính trị nhấn mạnh :
+ …“cả năm 1975 là thời cơ” và chỉ rõ “nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”.
+ Tranh thủ thời cơ đánh thắng nhanh để đỡ thiệt hại về người và của cho nhân dân,… giảm bớt sự tàn phá của chiến tranh.
b. Chiến dịch Tây Nguyên (2,5 điểm)
– Tây Nguyên là địa bàn chiến lược quan trọng, địch chốt giữ ở đây một lực lượng mỏng, bố phòng sơ hở. Đảng quyết định chọn Tây Nguyên làm hướng tiến công chủ yếu trong năm 1975.
– Ngày 10 – 3 – 1975, quân ta tiến công Buôn Ma Thuột và giành thắng lợi. Địch phản công chiếm lại Buôn Ma Thuột nhưng không thành. 0,75
– Ngày 14 – 3 – 1975, địch rút toàn bộ lực lượng khỏi Tây Nguyên và bị quân ta truy kích, tiêu diệt. 0,50
– Ngày 24 – 3 – 1975, Tây Nguyên hoàn toàn được giải phóng.
– Ý nghĩa : Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi đã chuyển cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước sang giai đoạn mới : từ tiến công chiến lược ở Tây Nguyên phát triển thành tổng tiến công chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam.
Download tài liệu để xem thêm chi tiết
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2010 – môn Lịch sử (Giáo dục thường xuyên) của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.