Đề thi thử THPT Quốc gia 2017 môn Ngữ văn
Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia đang đến rất gần với các bạn học sinh, với mong muốn giúp các bạn học sinh có thật nhiều tài liệu để ôn tập cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, Wikihoc.com xin gửi đến các bạn Đề thi thử THPT Quốc gia 2017 môn Ngữ văn trường THPT Trần Phú, Yên Lạc, Vĩnh Phúc – Lần 6. Chúc các bạn ôn thi tốt và đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2017.
Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quảng Nam lần 3 – Có đáp án
Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT Nguyễn Trãi, Thanh Hóa – Lần 3 (Có đáp án)
SỞ GD & ĐT VĨNH PHÚC TRƯỜNG THPT YÊN LẠC- TRẦN PHÚ |
ĐỀ THI KHẢO SÁT THÁNG 05 NĂM HỌC 2016-2017 ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN – KHỐI 12 (Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian giao đề) |
I. PHẦN ĐỌC- HIỂU (3,0 điểm)
Đọc ngữ liệu sau và trả lời các câu hỏi:
“Một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng có người đàn ông rất may mắn, ước gì được nấy. Tuy nhiên, đi kèm với sự may mắn đó là điều kiện: Bất cứ điều gì ông ta ước, người hàng xóm sẽ có gấp đôi. Người đàn ông chấp nhận, bởi lẽ mọi ước mơ được toại nguyện luôn phải đi kèm theo những điều kiện nào đó.
Thế là khi ông ta sở hữu ngôi nhà đẹp, người hàng xóm liền có một dinh thự lỗng lẫy. Ông ta ước mình giàu có, người hàng xóm có hẳn một mỏ vàng…Không chịu được sự “bất công” đó, người đàn ông may mắn liền ước mình bị mù một mắt để người hàng xóm bị mù cả hai…
Chính lòng đố kị đã tạo nên sự nhỏ nhen, biến thành cảm giác hận thù và suy nghĩ mù quáng cho ông ta: thà kém may mắn hơn một chút để người khác đau khổ hơn mình thay vì chọn điều ngược lại.
Lòng đố kị là một tính xấu cần khắc phục. Con người cần phải có lòng cao thượng, rộng rãi, biết vui với thành công của người khác. Tình cảm cao thượng không chỉ giúp con người sống thanh thản, mà còn có tác dụng thúc đẩy xã hội và đồng loại tiến bộ”.
(Trích: Về những câu chuyện ngụ ngôn, nguồn Internet)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính trong đoạn văn in nghiêng. (0,5 điểm)
Câu 2. Tại sao tác giả ngụ ngôn lại cho rằng “mọi ước mơ được toại nguyện luôn phải đi kèm theo những điều kiện nào đó”? (0,5 điểm)
Câu 3. Theo anh/ chị, vì sao lòng đố kị là một tính xấu cần khắc phục? (1,0 điểm)
Câu 4. Anh/ chị rút ra thông điệp gì tâm đắc nhất từ đoạn ngữ liệu trên? Vì sao? (1,0 điểm)
II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về câu văn được gợi ra từ phần Đọc hiểu: Tình cảm cao thượng không chỉ giúp con người sống thanh thản, mà còn có tác dụng thúc đẩy xã hội và đồng loại tiến bộ.
Câu 2. (5,0 điểm)
“…Nhà văn đã tìm thấy trong vẻ đẹp sơn thủy hữu tình này một sự hòa nhập “văn hóa dòng sông” và “văn hóa núi”…Dòng Hương chảy tràn trên những trang kí của anh nhiều dáng vẻ…”
(Ts. Lê Thị Hường, Tạp chí sông Hương– số 161, năm 2002)
Anh/ chị hãy cảm nhận những dáng vẻ văn hóa dòng sông Hương trong đoạn trích Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Từ đó, bình luận ngắn gọn về cái tôi tài hoa uyên bác của tác giả.
……………………………HẾT…………………………
Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm./.
Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn năm 2017
* Yêu cầu chung:
– Giám khảo phải nắm được nội dung trình bày trong bài làm của học sinh để đánh giá được một cách khái quát, tránh đếm ý cho điểm. Vận dụng linh hoạt đáp án, nên sử dụng nhiều mức điểm một cách hợp lí, khuyến khích những bài viết có cảm xúc và sáng tạo.
– Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách riêng nhưng đáp ứng được các yêu cầu cơ bản của đề, diễn đạt tốt vẫn cho đủ điểm.
* Yêu cầu cụ thể:
I. PHẦN ĐỌC- HIỂU (3,0 điểm)
1. Phương thức biểu đạt: tự sự
2. Tác giả ngụ ngôn cho rằng: mọi ước mơ được toại nguyện luôn phải đi kèm theo những điều kiện nào đó. Bởi vì nó như một quy luật tất yếu: Thành công hay một ước mơ nào đó được toại nguyện trong cuộc sống không phải tự nhiên mà có. Nó phải gắn liền với những điều kiện như tinh thần, nghị lực, niềm tin, mất mát, lòng vị tha, bao dung….
3. Lòng đố kị là một tính xấu cần khắc phục bởi vì nó gây nên nhiều tác hại như:
– Khiến bản thân kẻ đố kị phải sống trong dằn vặt, đau đớn, thậm chí sa vào tội ác.
– Kìm hãm sự phát triển của xã hội và sự tiến bộ của nhân loại…
4. – Thí sinh trình bày quan điểm riêng của mình. Câu trả lời cần hợp lí, có sức thuyết phục.
– Lí giải được vì sao đó là điều tâm đắc nhất.
II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
* Yêu cầu về kĩ năng:
– Biết cách viết đoạn văn nghị luận xã hội, vận dụng tốt các thao tác lập luận để giải quyết vấn đề một cách thuyết phục.
– Đoạn văn có bố cục mạch lạc; lập luận chặt chẽ; dẫn chứng tiêu biểu, xác đáng; hành văn trong sáng, giàu cảm xúc; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
* Yêu cầu về kiến thức:
Có thể có những quan điểm khác nhau nhưng phải mang tính tích cực, phù hợp chuẩn mực đạo đức, thuyết phục. Dưới đây chỉ là những định hướng cơ bản:
a. Giải thích: Cao thượng có nghĩa là “vượt lên trên những điều tầm thường, có tư cách và đạo đức hơn người” (Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Giáo sư Nguyễn Lân). Cao thượng là lối sống đẹp và rất cần thiết trong ứng xử giữa con người với con người.
b. Bình luận, chứng minh:
- Người có tâm hồn cao thượng là người có đức hi sinh, có đạo đức, có ý chí, lòng quả cảm, sống trung thực, luôn muốn mọi thứ tốt đẹp, có cái nhìn lạc quan, có tấm lòng vị tha, khoan dung, độ lượng, cao cả, đoàn kết, biết chia sẻ lúc khó khăn, hoạn nạn, biết chịu trách nhiệm, biết phấn đấu, vì cộng đồng, sẵn sàng bảo vệ lẽ phải…
- Người có tâm hồn cao thượng sẽ không bao giờ cô đơn vì chân lí luôn đứng về phía họ. Họ có thể chịu thiệt thòi, bị hiểu lầm…, nhưng họ luôn có niềm tin vào con người, vào cuộc sống và vào những điều tốt đẹp nhất. Họ luôn là tấm gương sáng cho mọi thế hệ noi theo, trân trọng và ca ngợi…
- Sống có tình cảm cao thượng sẽ tạo nên sức mạnh làm thay đổi bộ mặt xã hội, tất cả đều hướng thiện, hướng về chân lí, lẽ phải, cái tốt, cái đẹp; làm cho cái xấu, cái ác không có chỗ nương thân…
- Phê phán những người có lối sống ích kỉ, giả dối, lọc lừa, đố kị, vô ơn, vô đạo đức…
c. Bài học nhận thức và hành động:
- Tình cảm cao thượng là một lối sống đẹp cần được trân trọng, ngợi ca và phát huy.
- Con người hãy sống cao thượng từ những suy nghĩ, hành động nhỏ nhất trong cuộc sống.
Lưu ý: Cần đảm bảo về hình thức đoạn văn( không đúng hình thức đoạn văn trừ 0,5đ)
Câu 2. (5,0 điểm)
* Yêu cầu về kĩ năng:
Hiểu đề, biết cách viết một bài văn nghị luận về một hình tượng văn học.
* Yêu cầu về kiến thức: Cần đáp ứng được những ý cơ bản sau:
a. Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, vẻ đẹp sông Hương
b. Những dáng vẻ văn hóa của sông Hương
* Dáng vẻ của một dòng sông âm nhạc:
- Ở thượng nguồn nó đã mang vẻ đẹp dữ dội hùng tráng như một bản trường ca của rừng già.
- Khi qua lòng thành phố thân yêu, nó dịu dàng, lưu luyến, thiết tha như điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế.
- Cội nguồn âm nhạc cổ điển Huế được sinh ra từ dòng sông, bản nhạc Tứ đại cảnh thời vua Tự Đức, những bản đàn cuộc đời Kiều…
* Dáng vẻ của một dòng thi ca, không bao giờ tự lặp lại mình trong cảm hứng của các nghệ sĩ:
- Vẻ độc đáo mới lạ về sắc nước trong cái nhìn lãng mạn, tinh tế, đa tình của thi sĩ Tản Đà.
- Dáng hình riêng ấn tượng khi nó đi vào cảm hứng trong con người khí phách của Cao Bá Quát.
- Dòng sông mang nỗi niềm quan hoài vạn cổ trong thơ Bà Huyện Thanh Quan.
- Sông Hương mang vẻ đẹp về sức mạnh và tình người khi Tố Hữu và Nguyễn Du đã gắn bó tha thiết với dòng sông yêu quý này….
* Dáng vẻ văn hóa của dòng sông gắn liền với lối sống, tâm hồn tính cách con người Huế:
- Mảnh đất cố đô và con người nơi đây mang vẻ đẹp dịu dàng đầy trí tuệ như “người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở”
- Vẻ đẹp thủy chung, gắn bó mà người Huế đã gửi gắm ở những đêm hội rằm tháng Bảy với trăm nghìn ánh hoa đăng bồng bềnh, ở những câu hò vang vọng khắp lưu vực sông Hương…
- Con người Huế với vẻ đẹp mềm mại, tinh tế, kín đáo khi họ mang trên mình sắc áo điều lục rất xưa.
- Tình yêu của người Huế với sông Hương: vì yêu quý con sông mà những người dân hai bờ sông đã nấu nước của trăm loài hoa đổ xuống dòng sông cho làn nước thơm tho mãi mãi…
Vẻ đẹp văn hóa của sông Hương được hiện lên qua một ngòi bút viết kí tài hoa, kiến thức phong phú, liên tưởng so sánh, nhân hóa, ẩn dụ, lời văn mượt mà, mê đắm, tao nhã, hướng nội…
c. Bình luận về cái tôi tài hoa uyên bác của tác giả
- Nhà văn có vốn hiểu biết kiến thức phong phú, có chiều sâu. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã huy động vốn kiến thức tổng hợp nhiều mặt về dòng sông Hương từ địa lí, lịch sử, văn hóa, văn chương và đời sống, tự nhiên và khảo cổ, cái hiện sinh và những gì thuộc về xa xưa…
- Không chỉ là một cái tôi giàu hiểu biết, ham tìm hiểu mà còn là một cái tôi tinh tường và vô cùng sâu sắc trong khám phá, tìm hiểu những chiều sâu văn hóa tinh thần, tâm hồn của sông Hương cũng là của con người xứ Huế trong mối quan hệ khăng khít.
- Cái tôi giàu trí tưởng tượng, phong phú, độc đáo, thú vị trong liên tưởng so sánh, nhân hóa; kết hợp với thế giới cảm xúc dồi dào tạo nên những khám phá độc đáo vẻ đẹp đa chiều, nhiều đường nét, tâm trạng tính cách của dòng sông Hương.
- Tác giả có vốn chữ nghĩa và sức sáng tạo tài tình. Thế nên, dường như mọi góc nhìn, điểm nhìn về dòng sông đều có các kiểu từ ngữ riêng diễn tả rất tinh tế. Tất cả đã tạo nên sự hòa quyện tuyệt vời giữa vẻ đẹp của trí tuệ với chất nhạc, chất thơ, chất họa và cảm xúc trữ tình.
d. Kết bài
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Đề thi thử THPT Quốc gia 2017 môn Ngữ văn trường THPT Trần Phú, Yên Lạc, Vĩnh Phúc – Lần 6 (Có đáp án) Đề thi thử THPT Quốc gia 2017 môn Ngữ văn của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.