Dẫn chứng về sự tử tế trong cuộc sống mang tới những ví dụ, những tấm gương trong cuộc sống, giúp các em học sinh lớp 9 lồng ghép vào bài văn Nghị luận sức mạnh của sự tử tế của mình dễ dàng, cho bài văn thêm sinh động.
Sự tử tế tấm lòng lương thiện, phẩm chất tốt đẹp của con người, sẵn sàng chia sẻ và giúp đỡ người khác khi gặp khó khăn, hoạn nạn. Người tử tế luôn được mọi người kính trọng, quý mến. Mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Wikihoc.com để nhanh chóng hoàn thiện bài văn nghị luận xã hội của mình.
Dẫn chứng về sự tử tế – Mẫu 1
Trước tiên, “thế nào là tử tế?”. Đây là vấn đề đáng suy ngẫm và tự mỗi người tìm ra một câu trả lời riêng.
Giới trẻ ngày nay thường than thở với nhau rằng con người trong xã hội hiện đại ngày càng “sống nhạt”. Sao họ lại cảm thán như vậy? Bởi họ nhìn thấy điều đó từ những hành động, việc làm vô tâm, vô thức của một bộ phận người trong xã hội.
Ví như, dân ta từ xưa tới nay luôn đề cao truyền thống kính trên nhường dưới, nhưng ta dễ bắt gặp những việc làm trái ngược với truyền thống đạo đức đó. Như trên xe buýt, có những người thấy người già hay trẻ nhỏ phải đứng vì thiếu ghế ngồi, nhưng họ làm lơ, vờ ngủ, nhưng khi bị nhắc nhở, họ quay ra cáu gắt và nói rằng họ lên trước, họ được ngồi.
Hay một vấn đề nổi cộm khác là tình trạng “đánh hội đồng” vì mọi lý do. Hành động đó là không thể chấp nhận được, nhưng đáng lên án hơn cả là khi mọi người xung quanh không những không can ngăn mà còn reo hò, cổ vũ và quay clip tung lên mạng xã hội.
Chính những hành động, việc làm đó đã khiến người ta phải cảm thán rằng “con người ngày càng sống nhạt quá!”.
Tuy nhiên, đâu đó trong xã hội vẫn xuất hiện những nghĩa cử cao đẹp, ấm tình người. Trên trang xã hội lớn nhất hiện nay, Facebook, ta thường bắt gặp những hình ảnh một chiến sĩ công an dắt cụ già qua đường; một nhóm mạnh thường quân chia sẻ, kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh éo le, hay vận động hiến máu cứu người,… được mọi người chia sẻ rộng rãi.
Còn nhiều những hình ảnh ấm áp hơn nữa. Song, có một hình ảnh về những người tử tế mà tôi thấy và để lại trong tâm trí tôi dấu ấn sâu đậm. Đó là trên đường Kim Mã, một bà cụ già yếu với sạp hàng rau đơn sơ ngồi bán trên vỉa hè. Bất chấp mưa gió bụi mờ, hằng ngày, cụ vẫn ngồi đó tới khi trời tối hẳn với gánh rau của mình chỉ mong kiếm thêm chút thu nhập.
Trong không gian chập choạng tối, dòng xe inh ỏi, tấp nập qua lại, bóng dáng cụ càng trở nên đơn côi hơn bao giờ hết. Trước hình ảnh đó, nhiều người qua đường cố nán lại mua hàng giúp cụ, dù những mớ rau đó không thật tươi ngon. Đôi khi, có những em học sinh đi qua cũng nán lại mời chào, bán hàng, gói hàng cho khách giúp cụ. Nhìn nụ cười móm mém hiền từ của cụ cùng những nụ tươi của những bạn trẻ, khiến ta thêm tin rằng, sự tử tế của mỗi cá nhân rất quan trọng, nhưng sự lan tỏa của nó còn quan trọng hơn gấp bội phần.
Dẫn chứng về sự tử tế – Mẫu 2
Giới giải trí luôn đầy ắp những cái tên và danh sách những nhân vật giải trí không ngừng được nối dài qua mỗi ngày. Trong đó, có người được khán giả nhớ tới bởi tài năng thực sự, có người rầm rộ gây ấn tượng bởi những bê bối hay những phát ngôn gây sốc. Có những người lại có khả năng lay động, lan tỏa tới toàn thể cộng đồng bằng sự tử tế của mình như MC Phan Anh, một trong năm nhân vật truyền cảm hứng mạnh mẽ nhất năm 2016 vừa được vinh danh trong đêm Gala Wechoice Award ngày 12/1/2017 tại nhà hát Hòa Bình.
Vậy sự tử tế là gì và tại sao nó lại có sức lan tỏa mạnh mẽ đến vậy? Xưa nay, có nhiều cách hiểu về sự tử tế. Có thể nói, có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu khái niệm cụ thể về sự tử tế ứng với hoàn cảnh, điều kiện và suy nghĩ riêng của họ. Sự tử tế của một học sinh trong giờ kiểm tra là nghiêm túc và trung thực với bài làm của mình; sự tử tế của một người bán hàng là trung thực đảm bảo quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng; sự tử tế của một doanh nghiệp là làm ăn đường hoàng, không trốn thuế và ý thức được lợi ích lâu dài của cộng đồng, sự tử tế của một quốc gia là giữ chữ tín trước cộng đồng quốc tế, đem lại tri thức và sự phát triển cho cả những quốc gia khác chứ không riêng mình… Hành động quyên góp và tinh thần xả thân vì đồng bào lũ lụt miền Trung của MC Phan Anh chính là sự tử tế. Lòng nhân hậu, tinh thần vì bà con vùng lũ và khao khát kêu gọi sự tử tế của cộng đồng xã hội đã khiến cho MC Phan Anh truyền đi nguồn cảm hứng thiện nguyện tuyệt vời vốn có trong mỗi người. Như vậy, dù bạn là ai, dù bạn đang làm nghề gì, dù bạn bao nhiêu tuổi, bạn có sự tử tế tức là bạn có lòng tốt, sự đường hoàng, lối sống, cách ứng xử vì người khác. Nói cách khác, sự tử tế là một phẩm chất, một giá trị tốt đẹp và nhân văn của con người.
Giữa cuộc sống hiện đại nhộn nhịp và hối hả, đôi khi con người cảm thấy bất an vì chứng kiến quá nhiều những sự việc không tử tế, cảm thấy tuyệt vọng trước sự vô cảm của những người xung quanh và của chính mình. Nhưng cũng trong cuộc sống này, sự tử tế vẫn luôn tồn tại để xoa dịu nỗi gian truân, chữa lành những vết thương và thắp lên những ngọn lửa hi vọng. Sức mạnh của sự tử tế luôn khiến chúng ta phải kinh ngạc và suy ngẫm. Nhưng vì sao sự tử tế lại có sức mạnh to lớn đến vậy? MC Phan Anh có thể thu hút cả cộng đồng và làm dấy lên trong họ ngọn lửa của sự tử tế có thể vì nhiều lí do như sự nổi tiếng của anh, các mối quan hệ của anh, điều kiện sung túc hơn của anh so với đồng bào nhưng lí do quan trọng nhất và là yếu tố quyết định lại nằm ở sự tử tế của chính anh. Sẽ chẳng bao giờ có một luồng gió thiện nguyện tràn đầy cảm hứng và sức mạnh đến thế nếu xuất phát điểm không phải từ tấm lòng và hành động xả thân của Phan Anh dành cho bà con vùng lũ. Phan Anh cùng tất cả những nhà hảo tâm, những bạn trẻ không chỉ giúp bà con miền Trung bớt đi biết bao nhọc nhằn, khó khăn về vật chất mà còn đem lại cho họ niềm vui, niềm xúc động thực sự khi được đón nhận tình cảm ấm áp của đồng bào cả nước. Vậy là, sự tử tế đem lại sức mạnh cho mỗi cá nhân làm những điều ý nghĩa, lan truyền cảm hứng đến mọi người. Sự tử tế đem lại sức mạnh cho cả cộng đồng vượt qua gian khó. Và sự tử tế đem lại cho toàn xã hội một không khí ấm áp tình người và lòng nhân ái.
Sự tử tế luôn đem đến những điều tốt đẹp, hữu ích cho con người và luôn vẽ lại cuộc đời nhiều rủi ro, đau khổ bằng những nét vẽ ấm áp, phóng khoáng của lòng tốt và tinh thần hiệp nghĩa. Vậy ai có thể sống và làm được những điều tử tế?
Lúc nào người ta có thể sống tử tế? Có phải bây giờ, sự tử tế mới có ý nghĩa? Thực ra, sự tử tế đã có từ xa xưa khi cha ông chúng ta biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau và biết sống ngay thẳng, tình nghĩa. Ta thấy điều đó trong truyền thống “lá lành đùm lá rách”, “uống nước nhớ nguồn” từ biết bao đời nay. Vậy ngày nay, phải chăng chỉ những người trưởng thành, những người nổi tiếng, những người giàu có mới làm được điều này? Không! Bất kì ai cũng có thể trở thành một người sống tử tế và lan tỏa sức mạnh ấy mà không bị giới hạn bởi màu da, quốc tịch, độ tuổi, địa vị, nghề nghiệp, sự nổi tiếng hay số dư trong tài khoản ngân hàng. Phan Anh chỉ là một trong vô vàn những ngọn nến lung linh của lòng nhân ái và lối sống tử tế. Thầy giáo – thượng úy Trần Bình Phục trên đảo Hòn Chuối (Cà Mau) vừa chiến đấu với căn bệnh ung thư máu vừa dạy kiến thức, dạy làm người cho những đứa trẻ nghèo với lớp học “hai lưng” kì lạ (thầy dạy cùng lúc nhiều em ở nhiều độ tuổi, nhiều lớp) là một tấm gương về sự tử tế.1 Anh không nổi tiếng, không giàu có và không có cả sức khỏe nhưng đã lay động hàng triệu con tim với lòng nhân hậu của mình “Con người ta khổ nhất không phải là đói ăn, đói mặc mà là đói tri thức. Bọn trẻ ở đây chúng đói tất cả. Vì thế, nhìn chúng, tôi thật sự xót xa. Tôi đã từng trải qua tuổi thơ gian khó nên thấu hiểu những điều mà tụi nhỏ đang đối mặt”. Hay sự tử tế nằm trong từng giọt mồ hôi của cô bé Vũ Thị Hoàng Anh, trường Trung học cơ sở Tam Cường (Hải Phòng) cõng bạn Nguyễn Thị Hảo mắc bệnh xương thủy tinh đi học trong suốt năm năm ròng.
Tử tế có nhiều biểu hiện, nhiều mức độ, nhiều cách thức vô cùng phong phú và ở biểu hiện nào nó cũng khiến chúng ta lương thiện hơn, tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn từ tận bên trong con người mình. Có tình cảm tử tế đã là điều đáng quý nhưng đáng quý hơn là khi tình cảm ấy trở thành những hành động tử tế, dứt khoát và mạnh mẽ. Tử tế có khi là những điều thật giản dị, là quý trọng thức ăn và ăn hết phần cơm mình đã lấy, là dám nhận cái sai của mình khi phạm lỗi, là giúp cụ già đi qua con đường tấp nập, là giải cứu một chú mèo mắc nạn, là những cuộc đời đầy ý nghĩa như anh thanh niên đo khí tượng sống ở độ cao 2600m trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa (Nguyễn Thành Long), là con người trong sạch, yêu nước yêu làng như ông Hai trong truyện ngắn Làng (Kim Lân)… Tử tế có khi là những điều thật vĩ đại, là sự đồng lòng chung sức của nhân dân tiến bộ trên thế giới cùng chống lại chủ nghĩa phát xít trong thế chiến thứ hai, là hành động hiệp nghĩa của dân tộc Việt Nam khi giúp nhân dân Cam-pu-chia lật đổ ách thống trị bạo tàn của chế độ diệt chủng Pôn-pốt, là những nỗ lực xóa bỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc của Martin Luther King… Nhưng bao giờ cũng vậy, khi sự tử tế không phải của một cá nhân mà là của tập thể, cộng đồng, quốc gia, và quốc tế… sức mạnh của nó sẽ trở nên kì diệu và phi thường. Và chính các bạn học sinh, cho dù còn nhỏ tuổi, hoàn toàn có thể làm được những điều tử tế bằng những hành động cụ thể và ý nghĩa như tự lập trong sinh hoạt cá nhân, giúp đỡ cha mẹ làm việc nhà, quan tâm tới người thân, giúp bạn chép bài khi bạn đau ốm… Bên cạnh sự tử tế dành cho cộng đồng xung quanh, con người cũng cần tử tế với chính mình. Thấu hiểu ước vọng của mình, trung thực với mình và dám hành động vì những điều chính đáng của mình là một số cách giúp chúng ta sống đẹp với bản thân. Tử tế với mình, sống tốt với người là cả một bản lĩnh sống. Tử tế phải trở thành tiêu chí hàng đầu để nhìn nhận một con người, nói như trong phim Chuyện tử tế của đạo diễn Trần Văn Thủy: “Từ xa xưa cha bác có dạy rằng, tử tế có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức nó, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài quốc gia, bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có nỗ lực tột bậc và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn. Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào việc làm người, người tử tế trước khi mong muốn và chăn dắt họ trở thành những người có quyền hành, giỏi giang hoặc siêu phàm”.
Để sống và làm được những điều tử tế, con người phải chiến đấu với sự ích kỉ, nỗi sợ hãi và sự vô cảm trong chính mình. Như MC Phan Anh và biết bao người tử tế khác đã trải nghiệm và nhận ra “Chúng ta thường nghĩ rằng mình bỏ quên sự tử tế, bỏ quên lòng tốt ở đâu đó. Hóa ra nó vẫn ở ngay trong mọi người và chỉ cần có dịp thôi là nó bùng lên mạnh mẽ”. Cùng sống tử tế, chúng ta nhất định sẽ gặp được nhau trên mảnh đất có tên là hạnh phúc.
Dẫn chứng về sự tử tế – Mẫu 3
Mỗi con sinh ra trong cuộc đời, đều mang trong mình những tính cách, lối sống khác nhau. Nhưng chắc hẳn, ai cũng muốn viết nên một câu chuyện riêng của cuộc đời mình, bằng những yêu thương, hạnh phúc và sẻ chia. Câu chuyện về người anh hùng Nguyễn Ngọc Mạnh trong những ngày gần đây đã mang đến cho mỗi chúng ta nhiều suy nghĩ về hình ảnh/câu chuyện của những NGƯỜI TỬ TẾ trong cuộc sống. Sự việc đã khiến mỗi chúng ta đều cảm động và có thêm những suy nghĩ về lối sống tử tế.
Người tử tế là người như thế nào? Đó là những người biết đối xử đúng mực với những người xung quanh, biết giữ lời hứa, biết giúp đỡ những người gặp nạn, có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Đó cũng là những người có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống văn hóa lành mạnh.
Trong xã hội của chúng ta đang sống, có rất nhiều người tử tế. Họ có thể ở ngay cạnh bên chúng ta, hay ở bất cứ nơi đâu. Họ cũng giống như chúng ta, những con người bằng xương bằng thịt, cũng sống một cuộc sống như chúng ta. Nhưng nổi bật ở họ là luôn sống một cách có ý thức, có trách nhiệm, có văn hóa, có phẩm chất đạo đức tốt, thương yêu, giúp đỡ con người.
Trong xã hội với biết bao nhiêu người khó khăn, vất vả. Rất nhiều người bị ảnh hưởng của chất độc da cam do chiến tranh, những đứa trẻ từ khi sinh ra đã mồ côi, không nơi nương tựa hay những gia đình có hoàn cảnh, bệnh tật chẳng đủ tiền để chạy chữa. Biết bao nhiêu hoàn cảnh khốn khổ, biết bao nhiêu con người phải đau thương. Nếu không có những người tử tế, sẵn sàng hi sinh để giúp đỡ, sẽ chẳng có những cuộc sống bình yên, những mái ấm tình thương được xây dựng.
Một xã hội không ngừng phát triển và đi lên. Đời sống con người cùng càng ngày càng trở lên ấm no hơn. Con người cũng văn minh hơn, biết suy nghĩ cho người khác, biết cư xử một cách đúng mực, sống và làm việc một cách đúng đắn hơn, mang lại niềm vui cho người khác, cũng là những việc mà những người tử tế muốn làm.
Có những người thầy, người cô không sợ gian khổ, chuyển công tác về những vùng núi, biên cương, hải đảo để đem cái chữ về cho những đứa trẻ. Dù cuộc sống thiếu thốn gian khổ, nhưng họ vẫn bám trụ, bởi trong họ có niềm kiêu hãnh, tự hào vì bản thân mình đã làm được một việc tử tế, góp một phần vào sự phát triển của đất nước. Việc tử tế, chẳng phải thứ gì quá cao siêu và to lớn. Đôi khi, một hành động nhỏ cũng làm cho chúng ta được xem trọng, được yêu thương: đưa cụ già qua đường nơi giao lộ, nhặt được của rơi trả người mất, giúp người bị tai nạn, hay sẻ chia cho người khác bữa ăn của mình… Tất cả những hành động tuy nhỏ, nhưng cũng mang rất nhiều ý nghĩa.
Mới đây nhất, câu chuyện về Anh Nguyễn Ngọc Mạnh – một lái xe tải 31 tuổi cứu cháu bé 3 tuổi rơi từ tầng 12 của chung cư đã khiến mỗi chúng ta đều xúc động. Hình ảnh đó không chỉ khiến mọi người cảm phục về lòng dũng cảm, gan dạ của anh, mà còn tiếp thêm cho mỗi chúng ta niềm tin về sức mạnh của tình yêu thương, sẻ chia hết mình trong cuộc sống.
Có bao giờ các bạn thử nghĩ rằng, nếu một xã hội không có những người tử tế, đó sẽ là xã hội như thế nào? Một xã hội chỉ biết có bản thân của mỗi cá nhân, không quan tâm tới người khác. Một xã hội thờ ơ với thực tại, thấy người gặp nạn thì lạnh nhạt cho qua, gặp người khó khăn thì hồ nghi về người ấy. Xã hội càng phát triển, con người càng trở lên lạnh lùng hơn hẳn. Biết bao nhiêu người chỉ biết tới bản thân mình, sống một cuộc đời lạnh lẽo, chẳng đối xử tốt với ai, vì sợ bị lợi dụng, sợ không được đền đáp điều gì, chẳng giúp đỡ ai điều gì, vì sợ bị lừa gạt.
Hạnh phúc trong cuộc sống xuất phát từ những điều nhỏ nhặt nhất. Cho đi và cảm nhận, chúng ta sẽ thấy tâm mình được mình yên thanh thản biết nhường nào. Sống trong một xã hội với vô vàn những hoàn cảnh khác nhau, chúng ta nên sống một cuộc đời đúng nghĩa, hòa nhập, yêu thương, sẻ chia với mọi người. Việc tử tế, chẳng hề khó, và hãy sống như vậy đi, chúng ta sẽ được đền đáp, bằng chính sự nhận xét của những người xung quanh, sự thiện cảm của họ với chúng ta, sự quý mến, yêu thương chúng ta.
Hãy luôn hướng cho mình một mục tiêu về lẽ sống thiện lương trong cuộc đời. Và hãy sống một cuộc đời tử tế để chúng ta cảm nhận được tình yêu thương luôn ở bên. “Chỉ cần bạn sống tử tế, trời xanh sẽ tự khắc an bài”.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Dẫn chứng về sự tử tế trong cuộc sống Ví dụ về sự tử tế của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.