Công văn 686/LĐTBXH-LĐTL về trợ cấp thôi việc cho người lao động do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành.
BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI ——- Số: 686/LĐTBXH-LĐTL V/v: Trợ cấp thôi việc cho người lao động |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ——————————- Hà Nội, ngày 06 tháng 03 năm 2013 |
Kính gửi: |
Tổng công ty Lắp máy Việt Nam |
Trả lời công văn số 310/TCT-TCNS ngày 20/02/2013 của Tổng công ty Lắp máy Việt Nam về chế độ trợ cấp thôi việc cho người lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau:
1. Bộ luật Lao động có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/1995, theo đó từ ngày Bộ luật Lao động có hiệu lực thi hành, không còn chế độ chuyển công tác đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác. Khi người lao động thôi việc ở doanh nghiệp nào thì thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động ở doanh nghiệp đó, trường hợp được tuyển dụng vào làm việc ở doanh nghiệp khác thì thực hiện giao kết hợp đồng lao động mới. Như vậy, đối với trường hợp người lao động thuộc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam có thời gian công tác tại các doanh nghiệp, đơn vị khác và chuyển về Tổng công ty Lắp máy Việt Nam sau thời điểm 01/01/1995 mà chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật thì Tổng công ty Lắp máy Việt Nam giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc cho người lao động đối với thời gian người lao động làm việc thực tế tại Tổng công ty theo quy định của pháp luật lao động.
2. Theo quy định tại khoản 1, Điều 14 Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 09/5/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động thì khi chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc đối với người lao động đã làm việc từ đủ 12 tháng trở lên trong các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động quy định tại Điều 36, Điều 37, các điểm a, c, d và điểm đ khoản 1 Điều 38, khoản 1 Điều 41, điểm c khoản 1 Điều 85 của Bộ luật Lao động. Trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động nghỉ hưởng chế độ hưu trí hàng tháng quy định tại Điều 145 của Bộ luật Lao động thì người lao động không được trợ cấp thôi việc.
Như vậy, đối với trường hợp người lao động gần đủ tuổi nghỉ hưu (chưa đủ điều kiện nghỉ hưởng chế độ hưu trí hàng tháng quy định tại Điều 145 của Bộ luật Lao động) mà chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật thì Tổng công ty có trách nhiệm giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc theo đúng quy định.
2. Theo điểm 1 nêu trên và hồ sơ gửi kèm công văn số 310/TCT-TCNS thì ông Đặng Tiến Minh có thời gian làm việc ở Tổng công ty Lắp máy Việt Nam từ tháng 8/2009 (hợp đồng lao động số 47/TCT-TCLĐ ngày 20/8/2009) đến nay chấm dứt hợp đồng lao động, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam có trách nhiệm tính trợ cấp thôi việc đối với thời gian ông Minh thực tế làm việc tại Tổng công ty. Cách tính trả trợ cấp thôi việc thực hiện theo quy định tại Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 09/5/2003, Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ và Thông tư số 17/2009/TT-BLĐTBXH ngày 26/5/2009 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời để Tổng công ty biết và thực hiện.
Nơi nhận: |
TL. BỘ TRƯỞNG (Đã ký) Tống Thị Minh |
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Công văn 686/LĐTBXH-LĐTL Trợ cấp thôi việc cho người lao động của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.