Ngày 13/12/2021, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn 5766/BGDĐT-GDTH 2021 tổ chức dạy học, đánh giá học sinh tiểu học thực hiện Chương trình giáo dục ứng phó Covid-19.
Theo đó, học sinh lớp 1, 2 sẽ kiểm tra học kỳ bằng hình thức trực tiếp nhằm đánh giá thực chất kết quả học tập của học sinh. Đối với các lớp 3, 4, 5, bài kiểm tra định kỳ cuối học kỳ I và cuối năm học được tổ chức linh hoạt bằng các hình thức trực tiếp, trực tuyến. Vậy sau đây là nội dung chi tiết tài liệu, mời các bạn cùng theo dõi tại đây.
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc |
Số: 5766/BGDĐT-GDTH V/v : Hướng dẫn tổ chức dạy học, đánh giá học sinh tiểu học thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông ứng phó dịch Covid-19 |
Hà Nội, ngày 13 tháng 12 năm 2021 |
Kính gửi: Các Sở Giáo dục và Đào tạo1.
Thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 03/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo, ứng phó với dịch Covid-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học trong điều kiện ứng phó với dịch Covid-192 Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về việc ban hành Quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, Bộ GDĐT tiếp tục hướng dẫn các Sở GDĐT triển khai một số nội dung về tổ chức dạy học và đánh giá học sinh tiểu học cụ thể như sau:
1 . Thực hiện linh hoạt các hình thức tổ chức dạy học
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động hướng dẫn cha mẹ học sinh phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện địa phương, nhà trường và gia đình học sinh; căn cứ tình hình diễn biến dịch Covid-19 tại địa phương xây dựng kế hoạch, kịch bản ứng phó với các tình huống xảy ra trong nhà trường theo quy định; chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đón học sinh trở lại học trực tiếp tại nhà trường khi điều kiện cho phép; tăng cường thực hiện các giải pháp để tổ chức dạy học trực tiếp ở những nơi đủ điều kiện an toàn, kết nối trực tuyến (trực tiếp kết hợp với trực tuyến) đến các học sinh phải thực hiện cách ly theo quy định; tiếp tục tổ chức hình thức học tập trực tuyến, qua truyền hình kết hợp với việc giao phiếu học tập, nhiệm vụ học tập thông qua các hình thức linh hoạt và phù hợp; phối hợp hiệu quả với gia đình học sinh để tổ chức các hoạt động tự học ở nhà giúp học sinh trải nghiệm các môn học để hình thành các kỹ năng, năng lực theo yêu cầu cần đạt của từng môn học, hoạt động giáo dục theo quy định; giáo viên tăng cường theo dõi, giám sát, nhận định, đánh giá thường xuyên về sự tiến bộ của học sinh, hướng dẫn cha mẹ học sinh cùng tham gia vào hoạt động đánh giá, thực hiện tổng hợp đánh giá thường xuyên để làm căn cứ đánh giá học sinh vào giữa, cuối mỗi học kỳ và cuối năm học theo quy định.
Đối với những học sinh không đủ điều kiện, khả năng tiếp cận các hình thức học tập trực tuyến, qua truyền hình khi chưa được đến trường, các cơ sở giáo dục phân công và hướng dẫn giáo viên chuyển tài liệu học tập đến các em học sinh; tùy điều kiện cụ thể chủ động, linh hoạt các hình thức tổ chức, phối hợp với cha mẹ, người thân của học sinh để hướng dẫn học sinh được học các nội dung cốt lõi và duy trì thói quen học tập của học sinh; theo dõi, hỗ trợ, giám sát, đánh giá thường xuyên về sự tiến bộ của học sinh. Khi học sinh đi học trở lại, các cơ sở giáo dục tổ chức dạy học bổ sung, ôn tập, củng cố kiến thức, tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh vào thời điểm phù hợp phản ánh đúng chất lượng kết quả học tập và đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục.
2 . Hướng dẫn một số nội dung về đánh giá học sinh phù hợp với hình thức tổ chức dạy học ứng phó dịch Covid-19
Việc kiểm tra, đánh giá được thực hiện theo quy định hiện hành, đảm bảo đánh giá đúng chất lượng học tập của học sinh, linh hoạt trong tổ chức thực hiện để ứng phó với dịch Covid-19 và cần chú ý thực hiện một số nội dung sau:
a ) Đánh giá thường xuyên
Đối với hình thức học tập qua truyền hình, giáo viên thực hiện giao nhiệm vụ học tập thông qua các hình thức linh hoạt và phù hợp với tình hình thực tế, chú ý hướng dẫn, hỗ trợ học sinh tự học, tự hoàn thành nhiệm vụ học tập gắn với nội dung dạy học trên truyền hình; tổ chức thực hiện phiếu học tập để hướng dẫn học sinh tự học, hoàn thành nhiệm vụ học tập theo yêu cầu cần đạt của từng môn học, hoạt động giáo dục; phối hợp với gia đình học sinh thực hiện tổ chức dạy học và đánh giá học sinh trong quá trình học tập với hình thức phù hợp; hướng dẫn học sinh thực hiện phản hồi thông tin qua phiếu học tập; ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện giao bài, nhận bài và sản phẩm học tập của học sinh qua các ứng dụng phần mềm phổ biến, thuận tiện trong sử dụng như zalo, facebook, email. ..
Trong quá trình tổ chức dạy học trực tuyến (hoặc trực tiếp kết hợp với trực tuyến) giáo viên chú trọng việc giao nhiệm vụ học tập cho học sinh; thực hiện linh hoạt các phương pháp, kỹ thuật đánh giá thường xuyên theo quy định; tăng cường khuyến khích, động viên, hướng dẫn, hỗ trợ học sinh tự học, tự hoàn thành nhiệm vụ học tập, hoàn thành phiếu học tập, thu thập thông tin phản hồi qua các buổi học trực tuyến để đánh giá học sinh.
Hướng dẫn để cha mẹ học sinh tham gia vào quá trình đánh giá học sinh, khuyến khích, hỗ trợ học sinh tự học, luyện tập, thực hành, vận dụng, trải nghiệm kiến thức đã học vào thực tế cuộc sống hàng ngày để hình thành các phẩm chất, năng lực theo yêu cầu cần đạt của từng môn học, hoạt động giáo dục; quan sát các biểu hiện, yêu cầu cần đạt một số phẩm chất, năng lực của học sinh thông qua trao đổi, trò chuyện, tương tác và giao nhiệm vụ cho học sinh ở nhà để phản hồi thông tin, trao đổi cùng giáo viên trong quá trình đánh giá.
b ) Đánh giá định kỳ
Việc đánh giá định kỳ về nội dung học tập các môn học, hoạt động giáo dục (Hoàn thành tốt, Hoàn thành, Chưa hoàn thành), về sự hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực (Tốt, Đạt, Cần cố gắng) theo quy định được thực hiện khi học sinh đã được học nội dung chương trình các môn học, hoạt động giáo dục tương ứng; đã được giáo viên tổ chức thực hiện đánh giá thường xuyên trong quá trình học tập; được tổng hợp kết quả đánh giá tại các thời điểm theo quy định (giữa học kỳ I, cuối học kỳ I, giữa học kỳ II và cuối năm học) và được thực hiện linh hoạt vào các thời điểm phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học thực tế tại địa phương.
Việc tổ chức bài kiểm tra định kỳ phải được tổ chức nghiêm túc, đúng quy định, đánh giá đúng chất lượng học tập của học sinh, có thể thực hiện chia lớp thành nhiều nhóm nhỏ, linh hoạt thực hiện vào các thời điểm phù hợp với từng đối tượng và tình hình diễn biến dịch Covid-19 tại địa phương, trong đó:
– Đối với lớp 1, lớp 2: Bài kiểm tra định kỳ được tổ chức bằng hình thức trực tiếp, các cơ sở giáo dục thực hiện các giải pháp linh hoạt, phù hợp với thực tế đảm bảo an toàn trong phòng dịch, cụ thể: lập kế hoạch thời gian thực hiện bài kiểm tra định kỳ; tổ chức họp với cha mẹ học sinh để phổ biến, hướng dẫn, tạo sự đồng thuận về phương án thực hiện; chia nhỏ số học sinh/lớp đảm bảo an toàn phòng dịch để tổ chức hướng dẫn, ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức, định hướng nội dung “cốt lõi” cho học sinh trước khi tổ chức bài kiểm tra định kỳ đối với môn Toán, môn Tiếng Việt linh hoạt vào các thời điểm, phù hợp với từng đối tượng và tình hình diễn biến dịch Covid-19 tại địa phương để đánh giá học sinh cuối học kỳ I và cuối năm học theo quy định tại Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT.
Trong trường hợp bất khả kháng, tại thời điểm kiểm tra định kỳ học sinh không thể đến trường để làm bài kiểm tra bằng hình thức trực tiếp, cơ sở giáo dục có trách nhiệm báo cáo phương án, điều kiện tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra định kỳ bằng hình thức trực tuyến về Phòng GDĐT để được kiểm tra các điều kiện đảm bảo theo quy định trước khi thực hiện.
– Đối với các lớp 3, lớp 4, lớp 5: Bài kiểm tra định kỳ được tổ chức linh hoạt bằng các hình thức trực tiếp, trực tuyến khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định, phù hợp với điều kiện cụ thể và diễn biến tình hình dịch Covid-19 tại địa phương vào thời điểm tổ chức đánh giá; thực hiện bài kiểm tra định kỳ đối với các môn học: Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử và Địa lí, Ngoại ngữ, Tin học, Tiếng dân tộc tại các thời điểm cuối học kỳ I và cuối năm học; riêng lớp 4, lớp 5 có thêm bài kiểm tra định kỳ vào giữa học kỳ I và giữa học kỳ II đối với môn Toán và môn Tiếng Việt theo quy định tại Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT.
– Nội dung để kiểm tra định kỳ phù hợp với yêu cầu cần đạt về nội dung học tập và các thành phần năng lực của môn học, gồm các câu hỏi, bài tập được thiết kế đảm bảo các mức theo quy định, tập trung vào nội dung học tập “cốt lõi” theo Công văn số 3969/BGDĐT-GDTH.
Trong quá trình triển khai thực hiện nếu kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 được quy định tại Quyết định số 2551/QĐ-BGDĐT 6 không đủ để thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục, các cơ sở giáo dục báo cáo Phòng GDĐT tổng hợp về Sở GDĐT để báo cáo Bộ GDĐT đề xuất phương án điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Bộ GDĐT yêu cầu các Sở GDĐT chỉ đạo, hướng dẫn các Phòng GDĐT, các cơ sở giáo dục tiểu học triển khai thực hiện trong năm học 2021-2022. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các Sở GDĐT báo cáo về Bộ GDĐT (qua Vụ Giáo dục Tiểu học) để kịp thời giải quyết.
Nơi nhận: – Như trên; |
KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Nguyễn Hữu Độ |
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Công văn 5766/BGDĐT-GDTH Hướng dẫn tổ chức dạy học, đánh giá học sinh Tiểu học ứng phó dịch Covid-19 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.