Bạn đang xem bài viết ✅ Công văn 4998/BTP-TCCB Hướng dẫn đánh giá, phân loại, kê khai tài sản, thu nhập công viên chức năm 2017 ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Nhằm thực hiện công tác đánh giá, phân loại, kê khai tài sản, thu nhập và bổ sung lý lịch cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hàng năm, Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn 4998/BTP-TCCB hướng dẫn đánh giá, phân loại, kê khai tài sản, thu nhập công chức, viên chức 2017. Theo đó, quy định thời gian đánh giá và phân loại: Tính từ ngày 01/01/2017 đến ngày 30/11/2017 (ước thực hiện đến ngày 31/12/2017). Sau đây là nội dung chi tiết, mời các bạn cùng tham khảo.

Công văn 4998/BTP-TCCB – Đánh giá, phân loại, kê khai tài sản, thu nhập và bổ sung lý lịch công chức, viên chức, người lao động năm 2017

BỘ TƯ PHÁP
——–

Số: 4998/BTP – TCCB

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—-o0o——

V/v triển khai đánh giá, phân loại, kê khai tài sản, thu nhập và bổ sung lý lịch công chức, viên chức, người lao động năm 2017

Hà Nội, ngày 30 tháng 10 năm 2017

Kính gửi: Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ

Thực hiện công tác đánh giá, phân loại, kê khai tài sản, thu nhập và bổ sung lý lịch cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hàng năm, Bộ Tư pháp yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ triển khai các công việc sau:

I. ĐÁNH GIÁ, PHÂN LOẠI CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC

Theo quy định tại Luật Cán bộ, công chức năm 2008; Luật Viên chức năm 2010; Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 88/2017/NĐ-CP ngày 27/7/2017 của Chính phủ), Bộ Tư pháp yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ tổ chức đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của đơn vị mình trong năm 2017, cụ thể như sau:

1. Mục đích, yêu cầu

– Đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nhằm làm rõ ưu điểm, khuyết điểm, mặt mạnh, mặt yếu về tư tưởng, phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Kết quả đánh giá và phân loại là căn cứ để quy hoạch, bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chế độ chính sách khác đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

– Thực hiện nghiêm túc việc đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bảo đảm khách quan, công bằng, toàn diện, cụ thể và thực chất; lấy kết quả, chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, công vụ làm thước đo chủ yếu để đánh giá và phân loại. Kiên quyết khắc phục tình trạng nể nang, hình thức trong đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

– Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá và phân loại của đơn vị mình; xác định cụ thể về trách nhiệm cá nhân người đứng đầu và trách nhiệm của tập thể trong việc đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; thực hiện nguyên tắc dân chủ, công khai đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được đánh giá và phân loại.

2. Đối tượng đánh giá và phân loại

– Công chức, viên chức của các đơn vị thuộc Bộ;

– Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn quy định tại Nghị định 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ về việc thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp.

3. Nội dung, tiêu chí, thời gian đánh giá

– Nội dung đánh giá đối với công chức được thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 56 Luật Cán bộ, công chức năm 2008. Nội dung đánh giá viên chức được thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 44 Luật Viên chức năm 2010.

– Tiêu chí đánh giá: Thực hiện theo Bản Tiêu chí đánh giá công chức, viên chức ban hành kèm theo Công văn này.

– Thời gian đánh giá và phân loại: Tính từ ngày 01/01/2017 đến ngày 30/11/2017 (ước thực hiện đến ngày 31/12/2017).

4. Về thẩm quyền, trách nhiệm đánh giá

– Thẩm quyền, trách nhiệm đánh giá công chức, viên chức thực hiện theo quy định tại Điều 57 Luật Cán bộ, công chức, Điều 43 Luật Viên chức, Nghị định số 56/2015/NĐ-CP, Nghị định số 88/2017/NĐ-CP ngày 27/7/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2015/NĐ-CP được cụ thể hóa như sau:

– Lãnh đạo Bộ đánh giá, phân loại công chức là người đứng đầu đơn vị thuộc Bộ được phân công phụ trách;

– Người đứng đầu đơn vị thuộc Bộ đánh giá, phân loại đối với công chức, viên chức cấp phó của đơn vị trở xuống (trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp trực thuộc Cục), đồng thời chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá, phân loại và có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện về Vụ Tổ chức cán bộ;

– Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp trực thuộc Cục đánh giá, phân loại viên chức trong đơn vị (trừ cấp phó đơn vị sự nghiệp thuộc Cục do người đứng đầu đơn vị thuộc Bộ đánh giá, phân loại), chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá, phân loại và có trách nhiệm báo cáo Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ và Vụ Tổ chức cán bộ kết quả thực hiện.

5. Trình tự, thủ tục đánh giá công chức, viên chức

5.1. Đối với công chức là Lãnh đạo đơn vị thuộc Bộ, Lãnh đạo phòng và tương đương (sau đây gọi chung là Phòng) thuộc (trực thuộc) đơn vị thuộc Bộ

Tham khảo thêm:   Luyện từ và câu: Trạng ngữ chỉ thời gian, nơi chốn - Tiếng Việt 4 Chân trời sáng tạo Tiếng Việt lớp 4 Chân trời sáng tạo tập 2 Bài 7

Bước 1. Công chức, viên chức làm báo cáo tự đánh giá kết quả công tác theo Mẫu số 01 (đối với công chức) và Mẫu số 02 (đối với viên chức) ban hành kèm theo hướng dẫn này.

Bước 2. Tổ chức cuộc họp tham gia góp ý

– Thành phần cuộc họp:

+ Đối với Lãnh đạo đơn vị thuộc Bộ, thành phần cuộc họp gồm: Lãnh đạo đơn vị, Trưởng các phòng, đại diện cấp ủy đảng và tổ chức chính trị – xã hội của đơn vị (Trường hợp đơn vị không có cấp phòng thì thành phần là toàn thể công chức, viên chức của đơn vị);

+ Đối với Lãnh đạo cấp phòng, thành phần cuộc họp gồm: Toàn thể công chức, viên chức trong phòng.

– Trình tự cuộc họp:

+ Cá nhân trình bày bản tự đánh giá kết quả công tác theo Mẫu 1 (đối với công chức) và Mẫu 2 (đối với viên chức);

+ Tập thể tham gia góp ý, người chủ trì cuộc họp kết luận, lập thành biên bản;

+ Thông qua biên bản góp ý tại cuộc họp.

Bước 3. Lấy ý kiến bằng văn bản của cấp ủy đảng của đơn vị về công chức, viên chức được đánh giá, phân loại.

Bước 4. Nhận xét, đánh giá, phân loại công chức, viên chức:

– Đối với thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ: Lãnh đạo Bộ xem xét kết quả công tác, tham khảo ý kiến của cấp ủy đơn vị và Biên bản cuộc họp góp ý đối với Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ, nhận xét ưu, nhược điểm và phân loại công chức là Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ được phân công phụ trách (ghi tại Mục IV của Phiếu đánh giá, phân loại).

– Đối với Phó thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ: Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ xem xét kết quả công tác, tham khảo ý kiến của cấp ủy đơn vị và Biên bản góp ý đối với cấp phó của đơn vị, nhận xét ưu, nhược điểm và phân loại công chức, viên chức là cấp phó trong đơn vị thuộc Bộ (ghi tại Mục IV của Phiếu đánh giá, phân loại).

– Đối với Lãnh đạo cấp phòng:

+ Phó Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ tham khảo ý kiến của cấp ủy đơn vị và Biên bản góp ý đối với Lãnh đạo cấp phòng để ghi ý kiến nhận xét về ưu, khuyết điểm của Lãnh đạo cấp phòng (ghi tại khoản 3 Mục III của Phiếu đánh giá, phân loại);

+ Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ xem xét kết quả công tác, tham khảo ý kiến của Lãnh đạo đơn vị phụ trách phòng, ý kiến của cấp ủy đơn vị và Biên bản góp ý đối với Lãnh đạo cấp phòng, nhận xét ưu, nhược điểm và phân loại công chức, viên chức là Lãnh đạo cấp phòng (ghi tại Mục IV của Phiếu đánh giá, phân loại).

5.2. Đối với công chức, viên chức, người lao động không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý

Bước 1. Công chức, viên chức, người lao động làm báo cáo tự đánh giá kết quả công tác theo Mẫu số 1 (đối với công chức) và Mẫu số 2 (đối với viên chức) ban hành kèm theo Công văn này.

Bước 2. Tổ chức cuộc họp tham gia góp ý

– Thành phần cuộc họp: Tập thể công chức, viên chức trong phòng. Đối với đơn vị không có tổ chức cấp phòng thì thành phần là tập thể công chức, viên chức của đơn vị;

– Trình tự cuộc họp:

+ Cá nhân trình bày báo cáo tự đánh giá kết quả công tác theo Mẫu số 01 (đối với công chức) và Mẫu số 02 (đối với viên chức);

+ Tập thể góp ý, người chủ trì cuộc họp kết luận, lập thành biên bản;

+ Thông qua biên bản góp ý tại cuộc họp.

Bước 3. Lấy ý kiến bằng văn bản của cấp ủy đảng cấp Phòng (nếu có) về công chức, viên chức được đánh giá, phân loại.

Bước 4. Nhận xét, đánh giá, phân loại công chức, viên chức:

* Đối với đơn vị giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước:

– Trưởng phòng nhận xét ưu, nhược điểm của công chức (ghi tại khoản 2 Mục III của Phiếu đánh giá, phân loại, nếu đơn vị có cấp phòng);

– Phó thủ trưởng đơn vị phụ trách phòng (hoặc lĩnh vực) nhận xét ưu, nhược điểm của công chức (ghi tại khoản 3 Mục III của Phiếu đánh giá, phân loại);

– Thủ trưởng đơn vị (hoặc Phó thủ trưởng được giao thẩm quyền đánh giá, phân loại viên chức) tham khảo ý kiến của Trưởng phòng hoặc tương đương, ý kiến Lãnh đạo đơn vị phụ trách phòng (hoặc lĩnh vực), ý kiến cấp ủy phòng (nếu có) và Biên bản góp ý của phòng, thực hiện nhận xét ưu, nhược điểm và phân loại công chức (ghi tại mục IV của Phiếu đánh giá, phân loại).

* Đối với đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ:

– Trưởng phòng nhận xét ưu, nhược điểm của viên chức (ghi tại khoản 2 Mục III của Phiếu đánh giá, phân loại).

– Phó thủ trưởng đơn vị phụ trách phòng nhận xét ưu, nhược điểm của viên chức (ghi tại khoản 3 Mục III của Phiếu đánh giá, phân loại)

– Thủ trưởng đơn vị (hoặc Phó thủ trưởng được giao thẩm quyền đánh giá, phân loại viên chức) tham khảo ý kiến của Trưởng phòng, ý kiến Lãnh đạo đơn vị phụ trách phòng, ý kiến cấp ủy phòng (nếu có) và Biên bản góp ý của phòng, thực hiện nhận xét ưu, nhược điểm và phân loại viên chức (ghi tại mục IV của Phiếu đánh giá, phân loại).

* Đối với đơn vị sự nghiệp thuộc Cục:

– Phó thủ trưởng đơn vị sự nghiệp phụ trách phòng (hoặc lĩnh vực) nhận xét ưu, nhược điểm của viên chức (ghi tại khoản 3 Mục III của Phiếu đánh giá, phân loại);

– Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp trực thuộc Cục tham khảo ý kiến của Phó thủ trưởng đơn vị sự nghiệp phụ trách phòng hoặc lĩnh vực, ý kiến của cấp ủy (nếu có) và biên bản họp đơn vị, thực hiện đánh giá, phân loại viên chức theo thẩm quyền.

5.3. Cán bộ làm hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP tại tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp sử dụng mẫu tương ứng là số 01 và số 02.

Tham khảo thêm:   Thông tư 02/2019/TT-BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bụi

Đối với công chức, viên chức biệt phái, việc đánh giá do cơ quan sử dụng công chức, viên chức thực hiện theo Công văn này và gửi tài liệu đánh giá về cơ quan cử biệt phái để lưu vào hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức.

6. Thông báo, khiếu nại kết quả và lưu giữ tài liệu đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức

6.1. Thông báo kết quả đánh giá, phân loại công chức, viên chức

a) Kết quả đánh giá, phân loại công chức, viên chức phải được thông báo bằng văn bản cho công chức, viên chức sau 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày có kết luận của người hoặc cấp có thẩm quyền đánh giá.

b) Sau khi nhận được thông báo kết quả đánh giá, phân loại công chức, viên chức của người hoặc cấp có thẩm quyền, trường hợp công chức viên chức không nhất trí với kết luận đánh giá, phân loại thì có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại.

6.2. Lưu giữ tài liệu đánh giá cán bộ, công chức, viên chức

Kết quả đánh giá, phân loại được thể hiện bằng văn bản, lưu vào hồ sơ công chức, viên chức, bao gồm:

a) Phiếu đánh giá, phân loại công chức (Mẫu số 01) và Phiếu đánh giá, phân loại viên chức (Mẫu số 02) ban hành kèm theo Công này được lưu hồ sơ công chức, viên chức theo quy định;

b) Kết luận và thông báo bằng văn bản về kết quả đánh giá, phân loại công chức, viên chức của người có thẩm quyền đánh giá; hồ sơ giải quyết khiếu nại về kết quả đánh giá, phân loại công chức, viên chức (nếu có).

7. Tổ chức thực hiện

7.1. Việc tổ chức đánh giá công chức viên chức năm 2017 cần thực hiện trước hoặc cùng thời điểm thực hiện việc bình xét thi đua, khen thưởng năm 2017 để bảo đảm đồng bộ, hiệu quả và tiết kiệm thời gian.

7.2. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ tổ chức quán triệt mục đích, yêu cầu, nội dung đánh giá, phân loại công chức, viên chức tới toàn thể công chức, viên chức của đơn vị mình và các đơn vị trực thuộc để thống nhất nhận thức và triển khai thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm, thực chất theo quy định của pháp luật và hướng dẫn tại Công văn này; báo cáo kết quả đánh giá công chức, viên chức năm 2017 về Bộ (qua Vụ Tổ chức cán bộ để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ) (Mẫu Phiếu đánh giá công chức, Phiếu đánh giá viên chức, Báo cáo tổng hợp kết quả đánh giá công chức, viên chức đề nghị khai thác trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp tại Mục Thông báo), cụ thể như sau:

– Đối với các Vụ, Cục, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ:

Thủ trưởng đơn vị tổ chức đánh giá công chức năm 2017 của đơn vị mình và gửi Công văn kèm theo các tài liệu tại mục 6.2 của Công văn này và Báo cáo tổng hợp kết quả đánh giá, phân loại công chức năm 2017 của đơn vị về Bộ (qua Vụ Tổ chức cán bộ) trước ngày 30/11/2017.

– Đối với các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ:

Thủ trưởng đơn vị tổ chức đánh giá công chức, viên chức năm 2017 của đơn vị mình, chịu trách nhiệm quản lý và lưu hồ sơ các tài liệu tại mục 6.2 của Công văn này đối với các viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của đơn vị mình theo phân cấp.

Gửi Công văn, Bản báo cáo tổng hợp kết quả đánh giá công chức, viên chức của đơn vị, kèm theo các tài liệu tại mục 6.2 của Công văn này của cấp Trưởng, cấp Phó của đơn vị sự nghiệp về Bộ (qua Vụ Tổ chức cán bộ) trước ngày 30/11/2017.

– Đối với đơn vị sự nghiệp trực thuộc Cục

Thủ trưởng đơn vị tổ chức đánh giá công chức, viên chức năm 2017 của đơn vị mình, chịu trách nhiệm quản lý và lưu hồ sơ các tài liệu tại mục 6.2 của Công văn này đối với các viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của đơn vị mình theo phân cấp hiện hành.

Bản báo cáo tổng hợp kết quả đánh giá công chức, viên chức của đơn vị, kèm theo Phiếu đánh giá, phân loại năm 2017 của cấp Trưởng, cấp Phó đơn vị, viên chức giữ ngạch Chuyên viên chính và tương đương trở lên thuộc đơn vị đề nghị báo cáo Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ xem xét, có ý kiến đánh giá, tổng hợp chung với Báo cáo tổng hợp kết quả đánh giá, phân loại công chức, viên chức, người lao động năm 2017 của đơn vị thuộc Bộ và gửi về Bộ (qua Vụ Tổ chức cán bộ) trước ngày 30/11/2017.

7.3. Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, ngoài trách nhiệm quy định tại điểm 7.2 nêu trên, có trách nhiệm:

– Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thi hành án dân sự địa phương tiến hành đánh giá, phân loại công chức và người lao động theo quy định.

– Tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ (qua Vụ Tổ chức cán bộ) trước ngày 30/11/2017 về kết quả đánh giá công chức và người lao động trong hệ thống thi hành án dân sự.

Báo cáo tổng hợp kết quả đánh giá, phân loại công chức, viên chức và người lao động năm 2017 của các đơn vị thuộc Bộ, ngoài bản giấy, đề nghị gửi bản điện tử qua địa chi email: [email protected] để thuận lợi cho việc tổng hợp.

II. KÊ KHAI TÀI SẢN, THU NHẬP

Thực hiện Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập, Thông tư số 08/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 của Thanh tra Chính phủ hướng dẫn thi hành các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập, Bộ Tư pháp đề nghị Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ chỉ đạo triển khai thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập năm 2017 như sau:

1. Đối với các đơn vị quản lý nhà nước thuộc Bộ

1.1. Các Vụ, Cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ tiến hành rà soát, lập danh sách công chức của đơn vị có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật; báo cáo danh sách cụ thể về Bộ Tư pháp (qua Vụ Tổ chức cán bộ) theo Mẫu số 05 gửi kèm Công văn này để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ phê duyệt trước khi tổ chức kê khai.

Tham khảo thêm:   Đề thi thử THPT Quốc gia 2018 môn Vật lý liên trường THPT Nghệ An - Lần 2 Đề thi minh họa môn Vật lý năm 2018

1.2. Tổng cục Thi hành án dân sự có trách nhiệm rà soát, lập danh sách công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ trưởng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập; báo cáo danh sách về Bộ Tư pháp (qua Vụ Tổ chức cán bộ) theo Mẫu số 05 gửi kèm theo Công văn này để tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ trước khi tổ chức kê khai.

Thời gian thực hiện: Trước ngày 25/11/2017

2. Đối với các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ đã được Bộ trưởng phân cấp quản lý công chức, viên chức, đơn vị sự nghiệp thuộc Cục đã được Bộ trưởng phân cấp quản lý công chức, viên chức và người lao động trong các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Tư pháp (ban hành kèm theo Quyết định số 1503/QĐ-BTP ngày 19/6/2013).

2.1. Đối với công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ trưởng (Lãnh đạo đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ; người đứng đầu, viên chức giữ ngạch chuyên viên chính và tương đương trở lên thuộc đơn vị sự nghiệp thuộc Cục).

– Đơn vị tiến hành rà soát, lập danh sách công chức, viên chức của đơn vị có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật; báo cáo danh sách công chức, viên chức có nghĩa vụ minh bạch kê khai tài sản, thu nhập về Bộ (qua Vụ Tổ chức cán bộ) theo Mẫu số 05 gửi kèm Công văn này để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ phê duyệt trước khi tổ chức kê khai.

Thời hạn thực hiện: Trước ngày 25/11/2017

2.2 Đối với viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của Thủ trưởng đơn vị

– Bộ phận làm công tác tổ chức cán bộ của đơn vị tiến hành rà soát, lập danh sách viên chức có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập theo Mẫu số 05 gửi kèm theo Công văn này, trình Thủ trưởng đơn vị phê duyệt; trên cơ sở danh sách viên chức đã được Thủ trưởng đơn vị phê duyệt, đơn vị tổ chức thực hiện việc kê khai minh bạch tài sản, thu nhập theo Mẫu số 06, báo cáo tổng hợp kết quả kê khai theo Mẫu số 07, 08 gửi kèm Công văn này về Bộ (qua Vụ Tổ chức cán bộ) để theo dõi, tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ và cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

Thời gian thực hiện: Trước ngày 15/12/2017

3. Đối với cơ quan Thi hành án dân sự địa phương

– Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập năm 2017 theo quy định. Báo cáo kết quả về Bộ (qua Thanh tra Bộ) và gửi 01 bản về Vụ Tổ chức cán bộ để theo dõi.

– Thời gian thực hiện: Trước ngày 15/12/2017

III. BỔ SUNG LÝ LỊCH

Thực hiện Thông tư số 11/2012/TT-BNV ngày 17/12/2012 của Bộ Nội vụ về chế độ báo cáo thống kê và quản lý hồ sơ công chức, hàng năm cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm hướng dẫn cán bộ, công chức, viên chức kê khai bổ sung thông tin phát sinh liên quan đến bản thân, quan hệ gia đình và xã hội.

Để bổ sung hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức nhằm phục vụ công tác quản lý cán bộ theo quy định, Vụ Tổ chức cán bộ đề nghị Đơn vị khẩn trương tổ chức thực hiện việc kê khai bổ sung lý lịch công chức, viên chức năm 2017 cụ thể như sau:

1. Đối tượng bổ sung lý lịch: Công chức, viên chức, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ (sau đây gọi chung là công chức, viên chức).

2. Nội dung bổ sung lý lịch công chức, viên chức: Gồm những thông tin phát sinh có liên quan đến bản thân, quan hệ gia đình và xã hội của công chức, viên chức, tính từ ngày 01/01/2017 đến ngày 31/12/2017 (theo mẫu 4a Kèm theo Công văn này).

3. Trình tự bổ sung

3.1. Công chức, viên chức kê khai bổ sung theo các nội dung tại mẫu Phiếu bổ sung lý lịch kèm các giấy tờ có liên quan.

3.2. Thủ trưởng đơn vị quản lý, sử dụng công chức, viên chức có trách nhiệm xác minh, ký tên, đóng dấu (nếu có) xác nhận vào Phiếu bổ sung lý lịch (đối với công chức kê khai Phiếu bổ sung lý lịch là Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ sẽ do 01 Lãnh đạo đơn vị xác nhận vào Phiếu bổ sung lý lịch); gửi Phiếu bổ sung lý lịch và các giấy tờ có liên quan đối với trường hợp do Bộ quản lý (kèm Danh sách người khai) về Vụ Tổ chức cán bộ trước ngày 31/12/2017; thực hiện việc lưu Phiếu bổ sung lý lịch và các giấy tờ có liên quan vào hồ sơ công chức, viên chức đơn vị mình theo phân cấp quản lý hồ sơ cán bộ của Bộ quy định tại Quy chế quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Bộ Tư pháp (ban hành kèm theo Quyết định số 1052/QĐ-BTP ngày 06/5/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp).

Bộ Tư pháp đề nghị Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ khẩn trương thực hiện./.

Nơi nhận:

– Như trên;

Bộ trưởng (để b/cáo);

– Các Thứ trưởng (để chỉ đạo);

– Lưu: VT, TCCB.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG

Phan Chí Hiếu

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Công văn 4998/BTP-TCCB Hướng dẫn đánh giá, phân loại, kê khai tài sản, thu nhập công viên chức năm 2017 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *