Ngày 10/11/2021, Bộ Xây dựng đã ban hành Công văn 4662/BXD-GĐ hướng dẫn tạm thời hoạt động thi công xây dựng đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Theo đó, chủ đầu tư có trách nhiệm thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19; tổ chức đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 trên công trường trước khi thi công và định kỳ trong quá trình thi công xây dựng theo hướng dẫn; tổ chức triển khai các biện pháp bảo đảm phòng, chống dịch trên công trường tương ứng với cấp độ dịch tại khu vực xây dựng công trình… Vậy sau đây là nội dung chi tiết Công văn, mời các bạn cùng theo dõi tại đây.
Công văn 4662/BXD-GĐ
BỘ XÂY DỰNG |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4662/BXD-GĐ V/v: Hướng dẫn tạm thời hoạt động thi công xây dựng đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 |
Hà Nội, ngày 10 tháng 11 năm 2021 |
Kính gửi: |
– Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; – Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng |
Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về việc ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu và ban hành “Hướng dẫn tạm thời hoạt động thi công xây dựng đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng. Hướng dẫn này thay thế cho “Hướng dẫn đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 trên công trường xây dựng” ban hành kèm theo Văn bản số 3373/BXD-GĐ ngày 23/8/2021 của Bộ Xây dựng.
Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện một số nội dung sau:
1. Tổ chức phổ biến cho các cơ quan, tổ chức, các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn triển khai, áp dụng “Hướng dẫn tạm thời hoạt động thi công xây dựng đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
2. Tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất việc thực hiện Hướng dẫn nêu trên của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn nhằm đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản hồi về Bộ Xây dựng để kịp thời giải quyết./.
Nơi nhận: – Như trên; |
KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Lê Quang Hùng |
HƯỚNG DẪN TẠM THỜI VỀ HOẠT ĐỘNG THI CÔNG XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH ĐẢM BẢO THÍCH ỨNG AN TOÀN, LINH HOẠT, KIỂM SOÁT HIỆU QUẢ DỊCH COVID-19
(Kèm theo Vănbản số 4662/BXD-GĐ ngày 10/11/2021 của Bộ Xây dựng)
1. CÁC CĂN CỨ
– Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về việc ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” (Nghị quyết 128/NQ-CP);
– Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa XV;
– Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG ngày 27/5/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về việc ban hành ‘Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho người lao động” (Quyết định 2194/QĐ-BCĐQG);
– Quyết định số 2787/QĐ-BYT ngày 05/6/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn các phương án phòng, chống dịch khi có trường hợp mắc COVID-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp” (Quyết định 2787/QĐ-BYT);
– Căn cứ Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ (Quyết định 4800/QĐ-BYT);
– Tình hình thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã và đang được triển khai tại các địa phương.
2. MỤC ĐÍCH
2.1. Đảm bảo hoạt động thi công xây dựng công trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 ở 4 cấp độ dịch; đảm bảo sức khỏe, tính mạng người lao động, góp phần khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội.
2.2. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động xây dựng.
3. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
3.1. Phạm vi áp dụng
Hướng dẫn tạm thời này áp dụng cho hoạt động thi công xây dựng công trình trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm cả hoạt động sản xuất vật tư, vật liệu, cấu kiện đúc sẵn tại công trường.
Hướng dẫn này không áp dụng cho các hoạt động sản xuất vật tư, vật liệu, cấu kiện đúc sẵn tại nhà máy.
3.2. Đối tượng áp dụng
(1) Chủ đầu tư, chủ quản lý, sử dụng công trình (sau đây gọi là chủ đầu tư);
(2) Các nhà thầu tham gia hoạt động xây dựng trên công trường: khảo sát, thiết kế, giám sát thi công xây dựng, thi công xây dựng, kiểm định, cung ứng nhiên liệu, vật tư, vật liệu, thiết bị xây dựng;
(3) Các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ có liên quan đến hoạt động thi công xây dựng tại công trình;
(4) Người lao động làm việc trên công trường thuộc thẩm quyền quản lý của các tổ chức nêu tại các điểm 1, 2 và 3 Mục này.
4. CÁC NGUYÊN TẮC CHUNG
4.1. Phân loại cấp độ dịch
Thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 1, khoản 2 Mục III Quy định tạm thời kèm theo Nghị quyết 128/NQ-CP:
– Cấp 1: Nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh;
– Cấp 2: Nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng;
– Cấp 3: Nguy cơ cao tương ứng với màu cam;
– Cấp 4: Nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ.
4.2. Phạm vi đánh giá cấp độ dịch
Phạm vi đánh giá cấp độ dịch tại mỗi khu vực công trình xây dựng theo phạm vi đánh giá cấp độ dịch quy mô cấp xã (hoặc dưới cấp xã) tại địa phương nơi công trình thi công xây dựng.
4.3. Các tiêu chí đánh giá, xác định cấp độ dịch
Thực hiện theo quy định tại Mục 1 Hướng dẫn tạm thời kèm theo Quyết định 4800/QĐ-BYT.
5. TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN THAM GIA HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG
5.1. Yêu cầu chung
– Tổ chức, cá nhân quy định tại Mục 3.2 Hướng dẫn này phải tuân thủ đầy đủ các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, hướng dẫn của Bộ Y tế, các bộ, ngành có liên quan và chính quyền địa phương về phòng, chống dịch COVID-19 (sau đây gọi là phòng, chống dịch) để tổ chức hoạt động thi công xây dựng đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; chịu trách nhiệm thực hiện các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch trước pháp luật đối với nhiệm vụ được phân công.
– Đối với công trình nhà ở riêng lẻ: chủ đầu tư và các nhà thầu không thực hiện các trách nhiệm nêu tại các Mục 5.2, 5.3 nhưng phải có Biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn tại Mục 6.2 (trừ các nội dung nêu tại tiểu mục 3, 9, 13) và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 tại công trình xây dựng.
5.2. Trách nhiệm của chủ đầu tư
(1) Thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 (sau đây gọi là Ban chỉ đạo) trên công trường, gồm: đại diện chủ đầu tư, đại diện các nhà thầu, người làm công tác y tế … để chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ sau:
– Phân công cụ thể nhiệm vụ cho mỗi thành viên Ban chỉ đạo; công khai thông tin liên lạc của các thành viên;
– Đầu mối làm việc với các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương liên quan đến công tác phòng, chống dịch và các hoạt động giao thông, vận tải, cung ứng nhiên liệu, vật tư, vật liệu, thiết bị cho hoạt động thi công xây dựng trên công trường;
– Tổ chức đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 trên công trường trước khi thi công và định kỳ trong quá trình thi công xây dựng theo Hướng dẫn kèm theo Quyết định 2194/QĐ-BCĐQG; căn cứ kết quả đánh giá, thực hiện các biện pháp khắc phục các tồn tại (nếu có) để quyết định việc tổ chức thi công xây dựng công trình theo quy định tại tiểu mục 1 Mục 6.2 Hướng dẫn này;
– Chấp thuận Kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 trên công trường (sau đây gọi là “Kế hoạch”) do các nhà thầu lập;
– Tổ chức triển khai các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch trên công trường tương ứng với cấp độ dịch tại khu vực xây dựng công trình theo “Kế hoạch”;
– Thiết lập kênh liên lạc với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật/Y tế dự phòng tại địa phương để được hướng dẫn, phối hợp và hỗ trợ triển khai công tác phòng, chống dịch trên công trường;
– Cập nhật thông tin kịp thời về cấp độ dịch, vùng dịch, tình hình diễn biến dịch tại các khu vực có liên quan đến công trình xây dựng và các quy định, hướng dẫn mới về phòng, chống dịch của các cơ quan có thẩm quyền để kịp thời có phương án chỉ đạo, xử lý và yêu cầu các nhà thầu, người lao động trên công trường chủ động phòng, chống dịch theo “Kế hoạch”.
(2) Chủ động cùng với các nhà thầu xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin cho người lao động, báo cáo chính quyền địa phương để hỗ trợ người lao động được ưu tiên tiêm vắc xin sớm nhất.
(3) Định kỳ, đột xuất giám sát, kiểm tra và đánh giá việc thực hiện công tác phòng, chống dịch đối với các nhà thầu trên công trường và người lao động thuộc thẩm quyền quản lý; yêu cầu các nhà thầu, người lao động khắc phục các tồn tại (nếu có).
5.3. Trách nhiệm của các nhà thầu
(1) Thành lập Tổ công tác phụ trách phòng, chống dịch COVID-19 hoặc Tổ an toàn COVID-19 (sau đây gọi là Tổ công tác) phù hợp với quy mô, đặc điểm, nhiệm vụ thi công trên công trường (gồm Chỉ huy trưởng, cán bộ kỹ thuật, đại diện người lao động…) để triển khai, thực hiện các trách nhiệm của nhà thầu về công tác phòng, chống dịch; phân công nhiệm vụ cụ thể cho thành viên Tổ công tác và công khai số điện thoại để liên lạc; phối hợp với Ban chỉ đạo để thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch;
(2) Lập “Kế hoạch” theo nội dung quy định tại Mục 6 Hướng dẫn này và trình Ban chỉ đạo chấp thuận; “Kế hoạch” phải được thường xuyên kiểm tra, đánh giá trong quá trình thực hiện để điều chỉnh phù hợp; “Kế hoạch” phải đảm bảo nguyên tắc bao quát đủ các nội dung cần thiết trên một cấp độ dịch ở nơi xây dựng công trình;
(3) Triển khai, thực hiện đúng “Kế hoạch” đã lập và được Ban chỉ đạo chấp thuận; khu vực xây dựng công trình có dịch ở cấp độ nào thì thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tương ứng ở cấp độ đó theo quy định tại Mục 6.2 Hướng dẫn này; phổ biến, tuyên truyền, tập huấn cho người lao động thuộc thẩm quyền quản lý các quy định về phòng, chống dịch theo quy định, hướng dẫn của Ban chỉ đạo; xử lý vi phạm nếu các tập thể, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý không tuân thủ quy định;
(4) Chủ động phối hợp với chủ đầu tư, cơ sở y tế địa phương khu vực xây dựng công trình để sớm tiêm đủ các mũi vắc xin phòng dịch COVID-19 cho người lao động thuộc thẩm quyền quản lý;
(5) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để chỉ đạo, điều hành xử lý công việc trong hoạt động thi công xây dựng và công tác phòng, chống dịch tại công trường;
(6) Định kỳ, đột xuất giám sát, kiểm tra và đánh giá việc thực hiện phòng, chống dịch của người lao động thuộc thẩm quyền quản lý để có phương án khắc phục các tồn tại (nếu có).
5.4. Trách nhiệm của người lao động
(1) Tuân thủ “Kế hoạch”, quy định của Ban chỉ đạo đã ban hành và các quy định về phòng, chống dịch của đơn vị quản lý, của địa phương nơi cư trú, nơi đến công tác;
(2) Tuân thủ nguyên tắc 5K (Khẩu trang, Khai báo y tế, Không tụ tập, Khoảng cách, Khử trùng); thực hiện các biện pháp đảm bảo sức khỏe, vệ sinh cá nhân theo khuyến cáo của Bộ Y tế;
(3) Sử dụng đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân, các thiết bị, dụng cụ y tế đã được cấp phát trên công trường;
(4) Chủ động tự theo dõi sức khỏe; không giấu các biểu hiện nghi mắc COVID-19 (mệt mỏi, sốt > 38°C, ho, đau rát họng, khó thở, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác …) của bản thân, người xung quanh; nếu phát hiện phải thông báo ngay với Tổ công tác trên công trường để có phương án xử trí kịp thời;
(5) Hạn chế tối đa các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, hạn chế việc di chuyển, tiếp xúc với người ngoài công trường, đặc biệt khi khu vực công trường, khu vực lân cận có dấu hiệu bùng phát, tăng cấp độ dịch, nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch cho bản thân và người xung quanh.
6. KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 TRÊN CÔNG TRƯỜNG
Kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 bao gồm nội dung và biện pháp cụ thể như sau:
6.1. Nội dung “Kế hoạch”
(1) Thông tin chung của công trường gồm: vị trí xây dựng; quy mô, đặc điểm công trường; thông tin về các chủ thể tham gia hoạt động thi công xây dựng tại công trường; các thông tin khác có liên quan;
(2) Phân công, quy định cụ thể người có trách nhiệm thực hiện, thời gian thực hiện, người có trách nhiệm kiểm tra, giám sát các hoạt động thi công xây dựng trên công trường gắn với việc đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19;
(3) Quy định về việc quản lý thông tin dịch tễ của người lao động, khách đến làm việc, giao dịch tại công trường;
(4) Phương án tổ chức thi công xây dựng tại công trường đảm bảo an toàn phòng, chống dịch;
(5) Phương án, biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch tương ứng với từng cấp độ dịch trong công tác vận chuyển, cung cấp nhiên liệu, vật tư, vật liệu, hàng hóa phục vụ thi công xây dựng và các dịch vụ khác phục vụ đời sống, sinh hoạt của người lao động trên công trường;
(6) Phương án xử trí và bố trí phòng/khu vực để cách ly tạm thời đối với trường hợp người lao động có các biểu hiện nghi mắc COVID-19 và/hoặc có ca mắc COVID-19 và/hoặc có trường hợp là F1, F2 trong quá trình làm việc. Phương án xử trí thực hiện theo Mục III Hướng dẫn kèm theo Quyết định 2787/QĐ-BYT;
(7) Phương án đảm bảo an toàn, điều kiện sinh hoạt cho người lao động trong trường hợp dịch bùng phát ở cấp độ cao trên khu vực công trường;
(8) Phương án tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2, cách ly y tế (nếu có) cho người lao động theo hướng dẫn tại điểm 2, điểm 3 Mục II Hướng dẫn kèm theo Quyết định 4800/QĐ-BYT;
(9) Các nội dung cần thiết khác phù hợp với điều kiện thực tế của nhà thầu và đặc điểm riêng của công trường.
6.2. Các biện pháp cụ thể
Các biện pháp đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 tương ứng với cấp độ dịch ở khu vực xây dựng công trình:
TT |
Nội dung |
Các cấp độ dịch |
|||
Cấp 1 |
Cấp 2 |
Cấp 3 |
Cấp 4 |
||
1. |
Đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 trên công trường trước khi thi công, định kỳ trong quá trình thi công và khi khu vực công trường thay đổi cấp độ dịch theo quy định tại mục V Hướng dẫn kèm theo Quyết định 2194/QĐ-BCĐQG. Chỉ được tổ chức thi công xây dựng khi công trường đảm bảo mức nguy cơ lây nhiễm ở mức trung bình trở xuống. Trường hợp công trường ở mức nguy cơ lây nhiễm cao phải có các giải pháp khắc phục để giảm thiểu nguy cơ. |
x |
x |
||
2. |
Tổ chức đo kiểm tra thân nhiệt, bố trí điểm khai báo y tế, quét mã QR để kiểm soát người ra, vào công trường; không cho phép người không có nhiệm vụ vào công trường. |
x |
x |
||
3. |
Bố trí khu vực riêng đối với khách đến làm việc, giao dịch tại công trường và quản lý chặt chẽ về số lượng, thông tin có liên quan, số điện thoại để theo dõi. |
x |
x |
x |
x |
4. |
Có biện pháp kỹ thuật để đảm bảo thông gió khi làm việc trong nhà, trong các không gian kín (ví dụ: phòng kín, tầng ngầm…). |
x |
x |
x |
x |
5. |
Trang bị dù các trang thiết bị, dụng cụ y tế cần thiết để phòng, chống dịch tại công trường: như nhiệt độ kế, khẩu trang y tế, xã phòng, nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn tay, thuốc thông thường và các vật tư, thiết bị. dụng cụ cần thiết khác. |
x |
x |
x |
x |
6. |
Thường xuyên rà soát thông tin dịch tễ về dịch COVID-19 đối với người lao động làm việc trên công trường để có phương án xử lý kịp thời. |
x |
x |
x |
|
7. |
Tổ chức, cá nhân cung cấp nhiên liệu, vật tư, vật liệu, thiết bị, dịch vụ cho công trường phải có cam kết đảm bảo thực hiện các quy định về phòng, chống dịch khi ra/vào công trường theo quy định của địa phương, ngành y tế. |
x |
|||
8. |
Vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại nơi làm việc, nhà ăn ca (nếu có) theo quy định tại mục V Hướng dẫn kèm theo Quyết định 2194/QĐ-BCĐQG. |
x |
x |
||
9. |
Bố trí phòng/khu vực riêng để xử trí khi có người nghi mắc COVID-19 theo hướng dẫn của ngành y tế. |
x |
x |
||
10. |
Điều chỉnh biện pháp tổ chức thi công hợp lý để đảm bảo khoảng cách, giãn cách theo quy định; hạn chế tối đa việc tiếp xúc gần. *Trong trường hợp bất khả kháng, do đặc thù công việc bắt buộc phải tiếp xúc gần dưới 2m hoặc có nguy cơ lây nhiễm thì người lao động phải được trang bị và sử dụng kính (loại ôm sát mặt) hoặc mặt nạ. |
x |
x* |
||
11. |
Tổ chức xét nghiệm virut SARS-CoV-2 ngẫu nhiên, định kỳ cho người lao động có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao theo hướng dẫn của ngành y tế. |
x |
|||
12. |
Thông báo với cơ quan có thẩm quyền của địa phương về “ Kế hoạch” đảm bảo các điều kiện, yêu cầu về phòng, chống dịch. |
x |
|||
13. |
Bố trí mặt bằng, khu vực riêng để tiếp nhận vật tư, vật liệu, thiết bị, hàng hóa phục vụ thi công xây dựng với các biện pháp đảm bảo hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch. |
x |
|||
14. |
Thực hiện phương án vận chuyển người lao động hoặc bố trí nơi ở của người lao động phù hợp, đảm bảo các điều kiện, yêu cầu về phòng, chống dịch theo quy định. |
Ghi chú:
– “x” là các biện pháp cần áp dụng tương ứng với từng cấp độ dịch;
– Trường hợp công trình trải dài theo tuyến trên nhiều khu vực có các cấp độ dịch khác nhau, các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng áp dụng biện pháp phòng, chống dịch tương ứng với từng cấp độ dịch ở khu vực đó;
– Chủ đầu tư và các nhà thầu tham khảo biểu mẫu có liên quan và phương án xử trí khi có trường hợp nghi mắc/mắc COVID-19 tại Văn bản số 5522/BYT-MT ngày 12/7/2021 của Bộ Y tế./.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Công văn 4662/BXD-GĐ Hướng dẫn thi công xây dựng phù hợp các mức độ dịch của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.