Bạn đang xem bài viết ✅ Công văn 341/LĐTBXH-QLLĐNN Về chấn chỉnh công tác đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Đài Loan ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Công văn 341/LĐTBXH-QLLĐNN về chấn chỉnh công tác đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Đài Loan do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành.

BỘ LAO ĐỘNG
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

—————
Số: 341/LĐTBXH-QLLĐNN
V/v chấn chỉnh công tác đưa lao động Việt Nam
sang làm việc tại Đài Loan

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

—————-

Hà Nội, ngày 15 tháng 2 năm 2012

Kính gửi:

Các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người
lao động Việt Nam đi làm việc tại Đài Loan.

Đài Loan là một trong những thị trường xuất khẩu lao động trọng điểm của Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động đưa người lao động sang làm việc tại Đài Loan hiện nay đang nổi lên những tồn tại như: người lao động phải chịu các chi phí cao hơn so với quy định; nhiều người lao động bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc và cư trú bất hợp pháp. Bên cạnh đó, hiện tượng cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước sử dụng pháp nhân để tổ chức đưa người lao động đi làm việc tại Đài Loan diễn ra ở nhiều doanh nghiệp. Tình trạng trên đã và đang ảnh hưởng xấu đến việc phát triển thị trường xuất khẩu lao động, gây thiệt hại cho người lao động.

Để chấn chỉnh công tác đưa lao động sang làm việc tại Đài Loan, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội yêu cầu các doanh nghiệp:

1. Thực hiện đúng quy định về mức chi phí đối với người lao động đi làm việc tại Đài Loan, cụ thể như sau:

a) Tổng chi phí của người lao động trước khi đi làm việc trong các ngành công nghiệp tại Đài Loan không vượt quá 4.500 USD/người/hợp đồng 3 năm, trong đó tiền môi giới tối đa không quá 1.500 USD/người/hợp đồng 3 năm.

b) Tổng chi phí của người lao động trước khi đi làm việc trong gia đình và chăm sóc sức khỏe tại Đài Loan không vượt quá 3.800 USD/người/hợp đồng 3 năm, trong đó tiền môi giới tối đa không quá 800 USD/người/hợp đồng 3 năm.

c) Doanh nghiệp có thể thỏa thuận với người lao động việc ký quỹ đảm bảo thực hiện hợp đồng nhưng mức tiền ký quỹ tối đa không quá 1.000 USD/người/hợp đồng 3 năm.

d) Tất cả các chi phí người lao động đóng góp trước khi đi làm việc tại Đài Loan phải được ghi đầy đủ, chi tiết trong hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đăng ký hợp đồng và phải được quản lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật. Doanh nghiệp phải cung cấp cho người lao động đầy đủ hóa đơn, chứng từ liên quan đến các chi phí mà người lao động phải đóng góp trước khi đi để kiểm tra, giám sát.

e) Các doanh nghiệp thông báo cho Cục Quản lý lao động ngoài nước những trường hợp đối tác nước ngoài yêu cầu thu các khoản chi phí cao hơn mức quy định trên đây để thông tin cho các doanh nghiệp khác biết và thông báo cho phía Đài Loan phối hợp xử lý.

2. Chấn chỉnh tổ chức hoạt động đưa lao động sang làm việc tại Đài Loan:

a) Mỗi chi nhánh của doanh nghiệp được ủy quyền hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài chỉ được tổ chức tuyển chọn, đào tạo lao động trước khi đi ở 01 (một) địa điểm. Các doanh nghiệp báo cáo Cục Quản lý lao động ngoài nước địa chỉ, số điện thoại nơi doanh nghiệp và chi nhánh tổ chức tuyển chọn, đào tạo lao động, họ tên Giám đốc chi nhánh và cán bộ trực tiếp thực hiện trước ngày 01/03/2012.

b) Doanh nghiệp không được phép cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng pháp nhân để tổ chức tuyển chọn, thu tiền đưa lao động đi làm việc tại Đài Loan dưới bất kỳ hình thức nào.

c) Doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng chưa có giấy phép của phía Đài Loan có thể ký hợp đồng hợp tác với 01 (một) doanh nghiệp khác có giấy phép của phía Đài Loan (và ngược lại) để tổ chức đưa lao động sang làm việc tại Đài Loan. Hợp đồng hợp tác phải được đăng ký tại Cục Quản lý lao động ngoài nước trước khi thực hiện để theo dõi, quản lý.

Nếu phát hiện người lao động được tuyển chọn, đào tạo để đi làm việc tại Đài Loan sau ngày 01/04/2012 mà phải chịu các chi phí cao hơn quy định tại mục 1; doanh nghiệp, chi nhánh của doanh nghiệp vi phạm quy định tại mục 2 nêu trên thì doanh nghiệp sẽ bị các cơ quan chức năng xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính. Nếu tiếp tục vi phạm, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ phối hợp với phía Đài Loan thu hồi giấy phép đưa người lao động sang làm việc tại Đài Loan của doanh nghiệp và xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Phối hợp thực hiện các biện pháp giảm tỷ lệ lao động bỏ hợp đồng, cư trú bất hợp pháp tại Đài Loan:

a) Cùng với đối tác và người sử dụng lao động quản lý, theo dõi tình hình lao động đang làm việc tại Đài Loan, đặc biệt là số lao động sắp hết hạn hợp đồng, kịp thời giải quyết những phát sinh liên quan đến người lao động đang làm việc tại Đài Loan nhằm ngăn ngừa tình trạng người lao động bỏ hợp đồng hoặc hết hạn hợp đồng không về nước.

b) Thông qua đối tác, gia đình người lao động để liên hệ, vận động người lao động đã bỏ hợp đồng đang cư trú bất hợp pháp tại Đài Loan tự nguyện đăng ký về nước. Trường hợp cần thiết, doanh nghiệp phải tạm ứng tiền mua vé máy bay cho người lao động.

Định kỳ hàng Quý, Cục Quản lý người lao động ngoài nước phối hợp với phía Đài Loan thông báo số lượng, danh sách và tỷ lệ lao động bỏ hợp đồng của các doanh nghiệp. Những doanh nghiệp có tỷ lệ lao động bỏ hợp đồng cao hơn mức bình quân chung của lao động Việt Nam tại thời điểm thông báo thì phải tạm dừng đưa lao động mới sang Đài Loan để thực hiện các biện pháp giảm tỷ lệ lao động bỏ hợp đồng. Doanh nghiệp chỉ được phép tiếp tục đưa lao động sang Đài Loan làm việc khi có tỷ lệ lao động bỏ hợp đồng bằng hoặc thấp hơn mức bình quân chung của lao động Việt Nam tại thời điểm đó.

4. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội giao:

a) Cục Quản lý lao động ngoài nước:

– Chủ trì, phối hợp với Thanh tra Bộ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố và các cơ quan liên quan tiến hành rà soát, kiểm tra, thanh tra các đầu mối của doanh nghiệp tại các địa phương và chi phí của người lao động trước khi đi làm việc tại Đài Loan; xem xét xử lý các vi phạm.

– Phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền, thông tin sâu rộng tới người dân, người lao động trong và ngoài nước; vận động gia đình động viên người lao động về nước theo quy định của phía Đài Loan.

– Hàng tháng báo cáo Bộ tình hình và kết quả thực hiện các biện pháp nêu trên.

b) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố:

– Thông tin tuyên truyền sâu rộng tới người dân những quy định pháp luật về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là các biện pháp chấn chỉnh công tác đưa người lao động đi làm việc tại Đài Loan để tránh bị các tổ chức, cá nhân lợi dụng, lừa đảo và thu tiền của người lao động trái pháp luật; phối hợp với chính quyền các địa phương vận động gia đình để động viên người thân đang bỏ hợp đồng, cư trú bất hợp pháp tại Đài Loan tự nguyện về nước.

– Phối hợp với cơ quan Công an các địa phương tổ chức rà soát, kiểm tra, thanh tra các đầu mối của doanh nghiệp tại các địa phương và chi phí của người lao động trước khi đi làm việc tại Đài Loan; phát hiện các tổ chức, cá nhân không có chức năng xuất khẩu lao động nhưng tổ chức thu gom, tuyển chọn, đào tạo, thu tiền và tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở Đài Loan, xử lý những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

5. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam:

– Phối hợp thông tin tới các doanh nghiệp những nội dung nêu trên; tham gia giám sát việc triển khai những giải pháp nhằm từng bước ổn định thị trường Đài Loan; kiến nghị xử lý những doanh nghiệp có vi phạm, đồng thời đẩy mạnh việc triển khai Bộ Quy tắc ứng xử COC;

– Làm việc với cơ quan tương ứng tại Đài Loan (các Hiệp hội, Công hội) để thông báo các giải pháp phía Việt Nam thực hiện nhằm chấn chỉnh, nâng cao chất lượng hoạt động của người lao động Việt Nam sang làm việc tại Đài Loan./.

Nơi nhận:
– Như trên;
– Bộ trưởng (để b/c);
– UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW (để p/hợp);
– Văn phòng KT-VH VN tại Đài Bắc;
– Cơ quan xác nhận Bản cam kết của các doanh nghiệp
đưa lao động sang làm việc tại Đài Loan;
– Hiệp hội XKLĐ Việt Nam;
– Sở LĐ-TBXH các tỉnh, TP trực thuộc TW;
– Lưu: VP, QLLĐNN (6b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG

(đã ký)

Nguyễn Thanh Hòa

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Công văn 341/LĐTBXH-QLLĐNN Về chấn chỉnh công tác đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Đài Loan của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

Tham khảo thêm:   Viết đoạn văn giới thiệu chùa Thạt Luổng (2 Mẫu) Lịch sử 7 Bài 13: Vương quốc Lào

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *