Ngày 23/07/2019, Bộ GD&ĐT ban hành Công văn 3125/BGDĐT 2019 tổ chức thăng hạng giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Theo đó, quy định đối tượng, điều kiện, hình thức thi/xét thăng hạng và điều kiện miễn thi/xét ngoại ngữ, tin học đối với giáo viên dự thăng hạng. Nội dung chi tiết mời các bạn cùng tham khảo và tải tài liệu tại đây.
Nội dung Công văn 3125/BGDĐT-NGCBQLGD
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ——- |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ————— |
Số: 3125/BGDĐT-NGCBQLGD V/v: Tổ chức thăng hạng CDNN giáo viên mầm non, phổ thông công lập |
Hà Nội, ngày 23 tháng 7 năm 2019 |
Kính gửi: |
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; |
Căn cứ Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức (Nghị định số 29/2012/NĐ-CP); Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị định số 161/2018/NĐ-CP); Thông tư số 12/2012/TT-BNV ngày 18 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định về chức danh nghề nghiệp và thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với viên chức (Thông tư số 12/2012/TT-BNV); Thông tư số 03/2019/TT-BNV ban hành sửa đổi, bổ sung một số điều về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập (Thông tư số 03/2019/TT-BNV); Thông tư số 20/2017/TT-BGDĐT ngày 18/8/2017 của Bộ GDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập (Thông tư số 20/2017/TT-BGDĐT); Thông tư số 28/2017/TT-BGDĐT ngày 30/11/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập (Thông tư số 28/2017/TT-BGDĐT), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là các Bộ, ngành, địa phương) thực hiện theo thẩm quyền, đúng các quy định hiện hành về việc tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Đồng thời, Bộ GDĐT hướng dẫn và lưu ý một số vấn đề về việc tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập như sau:
1. Về thẩm quyền tổ chức thăng hạng
Thẩm quyền tổ chức các kỳ thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập thực hiện theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP; khoản 14 Điều 2 Nghị định số 161/2018/NĐ-CP và Khoản 3, Điều 2 Thông tư số 03/2019/TT-BNV ngày 14/5/2019 của Bộ Nội vụ sửa đổi quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo đó, các Bộ, ngành, địa phương có thẩm quyền tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên từ hạng II lên hạng I đối với giáo viên trung học cơ sở (THCS) và giáo viên trung học phổ thông (THPT); từ hạng III lên hạng II đối với giáo viên THPT thuộc phạm vi quản lý.
Đối với các kỳ thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên từ hạng IV lên hạng III đối với giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học; từ hạng III lên hạng II đối với giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học và giáo viên THCS thuộc phạm vi quản lý, các Bộ, ngành, địa phương có thẩm quyền tổ chức hoặc phân cấp, ủy quyền cho các cơ quan, đơn vị tổ chức theo quy định của pháp luật.
2. Về đối tượng dự thăng hạng
2.1. Đối với kỳ thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên từ hạng II lên hạng I
– Giáo viên trung học phổ thông đang trực tiếp làm công tác giảng dạy/giáo dục trong các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên biệt công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân có cấp trung học phổ thông; đang giữ chức danh giáo viên trung học phổ thông hạng II – Mã số: V.07.05.14.
– Giáo viên trung học cơ sở đang trực tiếp làm công tác giảng dạy/giáo dục trong các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên biệt công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân có cấp trung học cơ sở; đang giữ chức danh giáo viên trung học cơ sở hạng II – Mã số: V.07.04.11.
2.2. Đối với kỳ thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên từ hạng III lên hạng II
– Giáo viên trung học phổ thông đang trực tiếp làm công tác giảng dạy/giáo dục trong các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên biệt công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân có cấp trung học phổ thông; đang giữ chức danh giáo viên trung học phổ thông hạng III – Mã số: V.07.05.15.
– Giáo viên trung học cơ sở đang trực tiếp làm công tác giảng dạy/giáo dục trong trong các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên biệt công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân có cấp trung học cơ sở; đang giữ chức danh giáo viên trung học cơ sở hạng III – Mã số: V.07.04.12.
– Giáo viên tiểu học trong các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên biệt công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân có cấp tiểu học; đang giữ chức danh giáo viên tiểu học hạng III – Mã số: V.07.03.08.
– Giáo viên mầm non trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm: trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập; đang giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III – Mã số: V.07.02.05.
2.3. Đối với kỳ thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên từ hạng IV lên hạng III
– Giáo viên tiểu học trong các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên biệt công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân có cấp tiểu học; đang giữ chức danh giáo viên tiểu học hạng IV – Mã số: V.07.03.09.
– Giáo viên mầm non trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm: trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập; đang giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng IV – Mã số: V.07.02.06.
Các đối tượng dự thăng hạng nêu trên được gọi chung là giáo viên.
3. Tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự thăng hạng
Giáo viên dự thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện sau:
3.1. Cơ sở giáo dục có nhu cầu về vị trí việc làm của chức danh nghề nghiệp ở hạng đăng ký dự thăng hạng và được cấp có thẩm quyền cử đi dự thăng hạng.
3.2. Được cấp có thẩm quyền đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong thời gian công tác 03 (ba) năm liên tục tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ dự thăng hạng; có đủ phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp; không trong thời gian bị thi hành kỷ luật hoặc đã có thông báo về việc xem xét xử lý kỷ luật của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền.
3.3. Có đủ tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp đăng ký dự thăng hạng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 14 tháng 9 năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên Mầm non; Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16 tháng 9 năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên Tiểu học công lập; Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16 tháng 9 năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên Trung học cơ sở công lập; Thông tư liên tịch số 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16 tháng 9 năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên Trung học phổ thông công lập.
4. Nội dung, hình thức thi/xét thăng hạng và điều kiện miễn thi/xét ngoại ngữ, tin học đối với giáo viên dự thăng hạng
4.1. Đối với kỳ thăng hạng tổ chức theo hình thức thi: điều kiện, tiêu chuẩn, nội dung, hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên, điều kiện miễn thi ngoại ngữ, tin học thực hiện theo quy định tại Thông tư số 20/2015/TT-BGDĐT.
4.2. Đối với kỳ thăng hạng tổ chức theo hình thức xét: điều kiện, tiêu chuẩn, nội dung, hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên, điều kiện miễn xét ngoại ngữ, tin học thực hiện theo quy định tại Thông tư số 28/2017/TT-BGDĐT.
4.3. Một số lưu ý về điều kiện, tiêu chuẩn dự thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên:
a) Việc quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ tương đương thực hiện theo Công văn số 3755/BGDĐT-GDTX ngày 3/8/2016 của Bộ GDĐT về việc quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.
b) Trường hợp giáo viên đã có bằng tốt nghiệp cao đẳng, đại học ngành ghép 02 môn có môn Tin học (Toán – Tin, Lý – Tin) thì được coi là đã tốt nghiệp từ trung cấp chuyên ngành Tin học hoặc Công nghệ thông tin trở lên.
5. Cách tính điểm và xác định người trúng tuyển trong kỳ thăng hạng
5.1. Cách tính điểm
a) Đối với kỳ thi thăng hạng: các bài thi được chấm theo thang điểm 100.
b) Đối với kỳ xét thăng hạng: cách tính điểm thực hiện theo quy định tại Điều 6, Điều 7 Thông tư số 28/2017/TT-BGDĐT.
5.2. Nguyên tắc xác định người trúng tuyển
a) Giáo viên trúng tuyển trong kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải dự thi đủ các bài thi của các môn thi, trừ những môn được miễn thi theo quy định của pháp luật; có số điểm của mỗi bài thi đạt từ 50 điểm trở lên.
b) Giáo viên trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 8, Thông tư số 28/2017/TT-BGDĐT.
c) Không bảo lưu kết quả các kỳ thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên.
6. Tổ chức thăng hạng
6.1. Nội quy, quy chế tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên thực hiện theo quy định tại Thông tư số 03/2019/TT-BNV.
6.2 Trình tự, thủ tục cử viên chức dự thăng hạng; hồ sơ dự thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên và các nội dung khác liên quan đến công tác tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ và các quy định hiện hành của pháp luật.
6.3 Thời điểm tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập: căn cứ nhu cầu của đơn vị và số lượng giáo viên đủ điều kiện, các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập hằng năm để đảm bảo quyền lợi và chế độ của đội ngũ.
Trên đây là các nội dung hướng dẫn về việc tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương căn cứ hướng dẫn này và các quy định của pháp luật hiện hành để tổ chức các kỳ thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý theo nhu cầu của Bộ, ngành, địa phương.
Giao Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục theo chức năng, nhiệm vụ là đơn vị tham mưu, giúp lãnh đạo Bộ GDĐT thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại Điều 46, Điều 47 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP, khoản 17, khoản 18 Điều 2 Nghị định số 161/2018/NĐ-CP và hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ GDĐT (qua Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục), số 35 Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội, Điện thoại: 043.8695144-máy lẻ 146/0939.412888 để nghiên cứu, giải quyết.
Trân trọng./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG |
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Công văn 3125/BGDĐT-NGCBQLGD Hướng dẫn tổ chức thăng hạng giáo viên mầm non, phổ thông công lập của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.