Công điện 07/CĐ-BNN-TY về tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm tại tỉnh biên giới giáp với Cam-Pu-Chia do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN ——– Số: 07/CĐ-BNN-TY |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 07 tháng 03 năm 2013 |
CÔNG ĐIỆN KHẨN
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH CÚM GIA CẦM TẠI CÁC TỈNH BIÊN GIỚI GIÁP VỚI CĂM-PU-CHIA
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Điện: |
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bình Phước; |
Theo thông báo của Bộ Y tế Căm-pu-chia và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ đầu năm 2013 tại Căm-pu-chia đã xuất hiện 09 ca bệnh cúm A/H5N1 trên người, trong đó đã có 08 trường hợp tử vong; đồng thời ngày 20/02/2013 tổ chức WHO đã thông báo vi rút cúm gia cầm đang gây bệnh cho gia cầm và người tại Căm-pu-chia là H5N1 nhánh 1.1. Kết quả điều tra dịch tễ học cho thấy, tất cả các bệnh nhân đều có tiền sử tiếp xúc với gia cầm. Đồng thời, các ổ dịch cúm gia cầm đã xẩy ra tại một số tỉnh của Căm-pu-chia, trong đó có tỉnh Takeo, Kampong-cham giáp với Việt Nam. Do vậy, nguy cơ dịch cúm gia cầm lây lan cho đàn gia cầm và lây sang người ở Việt Nam là rất cao.
Để nhanh chóng dập tắt các ổ dịch cúm gia cầm hiện nay, chủ động ngăn chặn có hiệu quả sự lây lan chủng vi rút cúm từ Căm-pu-chia vào Việt Nam, không để lây bệnh cho người, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới giáp với Căm-pu-chia, các Bộ, ngành thành viên Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm khẩn trương chỉ đạo thực hiện các nội dung sau:
1. Nghiêm cấm tất cả các hình thức vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới với Căm-pu-chia, bao gồm cả hình thức cho, tặng gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới.
2. Nghiêm cấm việc di chuyển đàn gia cầm có nguồn gốc từ Căm-pu-chia sang lãnh thổ Việt Nam để nuôi, chăn thả trên các cánh đồng và ngược lại.
3. Khẩn trương tổ chức tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm cho toàn bộ đàn gia cầm thuộc diện tiêm phòng trên địa bàn các huyện biên giới giáp với Căm-pu-chia và các địa bàn có nguy cơ cao tại địa phương; chủng loại vắc xin sử dụng tiêm phòng theo hướng dẫn của Cục Thú y (tại các công văn số 1847/TY-DT ngày 02/11/2012 và công văn số 316/TY-DT ngày 28/2/2013).
4. Tổ chức chỉ đạo giám sát chặt chẽ tại các thôn, bản, ấp: Phát hiện sớm khi đàn gia cầm có biểu hiện khác thường và xử lý triệt để, hạn chế lây lan dịch bệnh gia cầm và lây bệnh cho người.
5. Tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin về tác hại của bệnh cúm gia cầm; vận động người chăn nuôi gia cầm phải khai báo cho nhân viên thú y, chính quyền cơ sở khi phát hiện gia cầm nghi mắc bệnh cúm hoặc chết bất thường; thực hiện nuôi nhốt gia cầm và áp dụng các biện pháp vệ sinh, khử trùng thường xuyên; chấp hành việc tiêm vắc xin phòng bệnh cúm; không buôn bán, vận chuyển, sử dụng gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, chỉ sử dụng các sản phẩm gia cầm đã qua chế biến chín.
6. Tiếp tục áp dụng các biện pháp chủ động phòng, chống dịch khác theo tinh thần Công điện số 04/CĐ-BNN-TY ngày 05/2/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới giáp với Căm-pu-chia, các Bộ, ngành trong Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm chỉ đạo thực hiện nghiêm các nội dung trên. Trong quá trình chỉ đạo, nếu có vướng mắc, đề nghị thông báo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phối hợp, xử lý kịp thời./.
Nơi nhận: |
BỘ TRƯỞNG (Đã ký) Cao Đức Phát |
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Công điện 07/CĐ-BNN-TY Tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm tại tỉnh biên giới giáp với Cam-Pu-Chia của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.