Bạn đang xem bài viết ✅ Chỉ thị 33/CT-TTg Quản lý trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 33/CT-TTg ngày 21/07/2017 về tăng cường công tác quản lý, lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Theo đó, để lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành:

– Tập trung xử lý các điểm trông giữ xe trái phép, bán hàng, họp chợ trên lòng, lề đường; xây dựng lều quán, mái vẩy, xây bục bệ, đắp vuốt đi làm lối đi lên vỉa hè;

– Không để phát sinh đường ngang dân sinh trái phép và xử lý trách nhiệm người đứng đầu đơn vị, địa phương nếu để xảy ra tình trạng trên từ sau 01/6/2017;

– Làm gờ giảm tốc và cắm biển cảnh báo nguy hiểm trên tất cả các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt;

Chỉ thị 33/CT-TTg – Quản lý lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——-o0o——–

Số: 33/CT-TTg

Hà Nội, ngày 21 tháng 07 năm 2017

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, LẬP LẠI TRẬT TỰ HÀNH LANG AN TOÀN

ĐƯỜNG BỘ, ĐƯỜNG SẮT

Thực hiện Chỉ thị 18-CT/TW ngày 04 tháng 9 năm 2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 29 tháng 6 năm 2014 về Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014 – 2020. Sau gần 3 năm triển khai thực hiện, với sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành, địa phương, tình hình vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, bước đầu được kiềm chế; công tác tuyên truyền, rà soát, thống kê, phân loại đất, công trình trong phạm vi đất dành cho đường bộ, đường sắt, cắm mốc lộ giới xác định hành lang an toàn đường bộ và mốc đất của đường bộ các tuyến đường từ cấp III trở lên đã thực hiện theo lộ trình. Đặc biệt, thời gian vừa qua các đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ cùng một số địa phương khác đã ra quân triển khai công tác lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè, kiên quyết xử lý các vi phạm, kết quả ban đầu đã nhận được sự đồng thuận của đại đa số người dân, được dư luận xã hội đánh giá cao.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục như: Công tác cưỡng chế giải tỏa vi phạm và đền bù thu hồi đất của đường bộ và hành lang an toàn đường bộ, đường sắt chưa được thực hiện triệt để; tại nhiều địa phương, nhiều tổ chức, cá nhân có đất nằm trong phạm vi đất dành cho đường bộ, đường sắt sử dụng trái quy định với các vi phạm phổ biến như: Để vật liệu xây dựng, nông lâm sản, bán hàng, họp chợ trên lòng, lề đường; trông giữ xe trái phép; lắp đặt biển quảng cáo, biển hiệu trong phạm vi đất của đường bộ; đào khoan, xẻ đường trái phép; dựng lều quán, mái vẩy trên lề đường, vỉa hè; xây bục bệ, đắp vuốt làm lối đi lên vỉa hè, vào nhà; phá hủy hệ thống rãnh dọc, lấn chiếm cửa cống, san lấp hạ lưu thoát nước; đấu nối trái phép vào đường bộ; xây dựng công trình nhà ở, lều, lán trong phạm vi hành lang an toàn giao thông đường sắt… là nguyên nhân dẫn đến mất trật tự, an toàn giao thông, phát sinh tai nạn và ùn tắc giao thông.

Tham khảo thêm:   Địa lí 12 Bài 12: Thực hành: Vẽ biểu đồ, nhận xét và giải thích về tình hình phát triển và sự chuyển dịch cơ cấu của ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản Soạn Địa 12 Cánh diều trang 62

Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04 tháng 9 năm 2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của hành lang và quản lý hành lang an toàn giao thông; lập lại trật tự, kỷ cương pháp luật trong việc giữ gìn hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, góp phần giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, các địa phương tổ chức sơ kết 03 năm thực hiện Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 29 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ để đánh giá kết quả đạt được, tồn tại hạn chế; kiểm điểm trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân và đề ra các giải pháp trong thời gian tới, trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ sau:

1. Bộ Giao thông vận tải

a) Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện các quy định liên quan đến việc quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ khi xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật giao thông đường bộ, Luật đường sắt (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tăng cường nghiên cứu đề xuất các ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý hệ thống đường bộ, đường sắt để đảm bảo an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông.

b) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, ban hành Quy chế phối hợp xử lý vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ giữa cơ quan quản lý đường bộ, Ủy ban nhân dân các cấp, lực lượng Công an, các cơ quan, đơn vị có liên quan và đôn đốc, kiểm tra thực hiện.

c) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng tăng cường thực hiện quy chế phối hợp với các địa phương, tổ chức kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi vi phạm về sử dụng, khai thác không gian trong phạm vi đất dành cho đường bộ, đường sắt hoặc chuyển chính quyền địa phương xử lý theo thẩm quyền.

d) Xây dựng lộ trình và sắp xếp thứ tự ưu tiên để thực hiện việc cập nhật, thay thế hệ thống biển báo hiệu đường bộ; chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các Sở Giao thông vận tải ưu tiên sử dụng kinh phí từ Quỹ bảo trì đường bộ để làm gờ giảm tốc và cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại tất cả các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ.

đ) Lập và triển khai kế hoạch tháng cao điểm tuyên truyền, vận động thực hiện quy định pháp luật và xử lý vi phạm về hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các địa phương, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam và các Sở Giao thông vận tải triển khai thực hiện kế hoạch. Trong đó, tập trung xử lý: trông giữ xe trái phép, bán hàng, họp chợ trên lòng, lề đường; xây dựng lều quán, mái vẩy, xây bục bệ, đắp vuốt đi làm lối đi lên vỉa hè, vào nhà; lắp đặt biển quảng cáo, biển hiệu trong phạm vi bảo vệ công trình, hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt; phá hoại công trình giao thông đường bộ, đường sắt; đấu nối trái phép vào quốc lộ…; tổ chức giải tỏa dứt điểm các trường hợp lấn chiếm, tái lấn chiếm đất trong phạm vi bảo vệ công trình, hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đất hành lang an toàn giao thông đã được bồi thường, đền bù.

e) Khi triển khai các dự án xây dựng mới hoặc nâng cấp, cải tạo đường bộ, đường sắt phải lập phương án bồi thường để thu hồi hết phần đất của đường bộ; tổ chức cắm đầy đủ mốc lộ giới xác định hành lang an toàn đường bộ và mốc giải phóng mặt bằng xác định phạm vi đất đã giải phóng mặt bằng theo quy định tại Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và Nghị định số 100/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP.

Tham khảo thêm:   Mẫu thông báo nghỉ hưu

g) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất việc thực hiện Quyết định 994/QĐ-TTg ngày 29 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ tại các địa phương.

h) Chỉ đạo rà soát, sửa đổi các quy định hiện hành nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ như tăng thời lượng huấn luyện kỹ năng lái xe, chú trọng giáo dục đạo đức người lái xe.

2. Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; chỉ đạo Công an địa phương kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ trong lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ và trật tự lòng đường, vỉa hè.

3. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt; kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ giai đoạn 2014 – 2020; lên án, phê phán các hành vi sử dụng trái phép vỉa hè, lòng đường, phá hoại công trình giao thông, sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ, đường sắt… gây mất an toàn giao thông và hư hỏng công trình đường bộ, đường sắt; phát hiện, tuyên dương các điển hình tiên tiến, phê bình các cơ quan, đơn vị, địa phương còn trì trệ, yếu kém.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm Chỉ thị này, trong đó tập trung rà soát, sửa đổi, hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 64/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016); hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức trong phạm vi quản lý thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí vốn theo phân công trách nhiệm tại Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 29 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2017 – 2020.

6. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt năm 2017 và chỉ đạo các Sở, ngành chức năng:

a) Tổ chức tháng cao điểm tuyên truyền, vận động thực hiện quy định pháp luật và xử lý vi phạm hành lang an toàn đường bộ; tập trung tuyên truyền, vận động người dân tự giác tháo dỡ, khắc phục vi phạm hành lang, lòng đường, vỉa hè trước; sau đó chỉ đạo đồng loạt các cấp ra quân, triển khai đến tất cả các hệ thống đường bộ (kể cả đường giao thông nông thôn); thực hiện quyết liệt theo phương châm bình đẳng, không có vùng cấm. Sau đợt thực hiện cao điểm, tiếp tục duy trì công tác kiểm tra để ngăn chặn vi phạm tái diễn.

b) Hướng dẫn, tổ chức thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014 – 2020 của Thủ tướng Chính phủ. Đối với các dự án khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ thương mại… hạn chế nằm trong hành lang an toàn đường bộ, không được làm ảnh hưởng đến khả năng thoát nước, vệ sinh môi trường của hệ thống đường bộ, đường sắt; chỉ đấu nối vào quốc lộ tại các điểm nằm trong quy hoạch đấu nối đã được Bộ Giao thông vận tải thỏa thuận, ưu tiên đầu tư xây dựng đường gom để kết nối giao thông vào quốc lộ tại các điểm đấu nối được quy hoạch.

Tham khảo thêm:   Một số dạng bài tập về thời gian lớp 3 Tài liệu ôn tập môn Toán lớp 3

c) Làm gờ giảm tốc và cắm biển cảnh báo nguy hiểm trên tất cả các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt trên đường tỉnh, đường huyện, đường nông thôn từ nguồn kinh phí quỹ bảo trì đường bộ địa phương và nguồn vốn xây dựng giao thông nông thôn; chấm dứt việc để phát sinh đường ngang dân sinh trái phép, xử lý trách nhiệm người đứng đầu đơn vị, địa phương có liên quan nếu để xảy ra phát sinh đường ngang dân sinh trái phép từ sau ngày 01 tháng 6 năm 2017; huy động các đoàn thể, chính trị xã hội tổ chức đội tự quản, tình nguyện cảnh giới tại các lối đi dân sinh tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông; huy động nguồn lực trong và ngoài ngân sách để xây dựng đường gom, xóa lối đi dân sinh và xây dựng rào chắn ngăn cách đường sắt với khu dân cư có đường sắt đi qua theo đúng quy định pháp luật.

d) Rà soát, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi hoặc ban hành quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thuộc phạm vi quản lý; tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý vi phạm, giải tỏa vi phạm hành lang an toàn đường bộ trong phạm vi địa phương; xây dựng quy chế phối hợp xử lý vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

đ) Chấn chỉnh công tác quản lý, thực hiện quy hoạch đấu nối đường nhánh vào quốc lộ; trường hợp cần điều chỉnh, chỉ đạo Sở Giao thông vận tải chủ trì rà soát, lập quy hoạch điều chỉnh, thỏa thuận lại với Bộ Giao thông vận tải để tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến đấu nối vào quốc lộ; hạn chế thỏa thuận đấu nối đơn lẻ.

7. Giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức sơ kết 03 năm thực hiện Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 29 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ. Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này của các Bộ, ngành, địa phương; đánh giá kết quả thực hiện trong các cuộc họp thường kỳ của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Nơi nhận:
– Ban Bí thư Trung ương Đảng;
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
– Các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc CP;
– UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Văn phòng Trung ương Đảng;
– Ủy ban QPAN của Quốc hội;
– Các Ủy viên Ủy ban ATGT Quốc gia;
– TTXVN, ĐTHVN, ĐTNVN;
– UB An toàn giao thông quốc gia;
– VPCP: BTCN, các PCN, TGĐ Cổng TTĐT; các Vụ, TH, KTTH, NC, KGVX, QHĐP;
– Lưu: VT, CN (3b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trương Hòa Bình

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Chỉ thị 33/CT-TTg Quản lý trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *