Bạn đang xem bài viết ✅ Chỉ thị 22/CT-TTg Đẩy mạnh giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Vào ngày 26/05/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị 22/CT-TTg về việc đẩy mạnh giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Văn bản này, sẽ có hiệu lực bắt đầu từ ngày được ban hành. Dưới đây là nội dung chi tiết của chỉ thị, xin mời các bạn cùng tham khảo.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

____________

Số: 22/CT-TTg

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

_______________________

Hà Nội, ngày 26 tháng 5 năm 2020

CHỈ THỊ 22/CT-TTg

Về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam

_____________

Ngày 30 tháng 12 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020 (Quyết định 2545/QĐ-TTg). Sau gần bốn năm triển khai Quyết định 2545/QĐ-TTg, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục phát triển tích cực; cơ sở hạ tầng, công nghệ thanh toán được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả; hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng hoạt động ổn định, an toàn, phát huy hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán liên ngân hàng trong toàn quốc; công tác đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt được coi trọng và tăng cường; các dịch vụ, phương tiện thanh toán điện tử được phát triển mạnh, đa dạng; hầu hết các sản phẩm, phương tiện thanh toán mới, hiện đại đã được nghiên cứu, triển khai tại Việt Nam, đặc biệt thanh toán qua thiết bị di động có tốc độ tăng trưởng mạnh.

Tuy nhiên, chỉ tiêu tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán vẫn còn cao so với mục tiêu đã đề ra tại Quyết định 2545/QĐ-TTg (đến ngày 31 tháng 12 năm 2019 là 11,33%); việc sử dụng tiền mặt vẫn còn khá phổ biến trong các giao dịch dân sự của người dân, nhất là ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa; thanh toán điện tử trong thương mại điện tử còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển; việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực y tế, giáo dục còn khiêm tốn; tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao, thanh toán điện tử gần đây có những diễn biến phức tạp với những hành vi, thủ đoạn mới, tinh vi hơn…

Để tiếp tục thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử đạt được các mục tiêu của Quyết định 2545/QĐ-TTg, đặc biệt trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan, các địa phương tích cực, khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 2545/QĐ-TTg và các Nghị quyết của Chính phủ, cụ thể như sau:

Tham khảo thêm:   Toán 10 Bài 15: Hàm số Giải SGK Toán 10 trang 9 - Tập 2 sách Kết nối tri thức với cuộc sống

1. Ngân hàng Nhà nước việt Nam:

a) Khẩn trương hoàn thành việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử, đáp ứng yêu cầu phát triển các mô hình, sản phẩm dịch vụ thanh toán mới; chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định thay thế Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt trước ngày 01 tháng 7 năm 2020.

b) Tiếp tục nghiên cứu ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách thích hợp về phí dịch vụ thanh toán để khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt

c) Chỉ đạo hoàn thành xây dựng, phát triển Hệ thống bù trừ điện tử tự động cho các giao dịch thanh toán bán lẻ (ACH), chính thức đưa vào vận hành, triển khai dịch vụ hoàn thành trước ngày 15 tháng 12 năm 2020.

d) Khẩn trương thực hiện đầy đủ các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 2545/QĐ-TTg và văn bản số 5514/VPCP-KTTH ngày 24 tháng 6 năm 2019 của Văn phòng Chính phủ về các giải pháp phát triển hạ tầng POS dùng chung an toàn, an ninh, thông suốt, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo tiết kiệm chi phí xã hội và nguồn vốn nhà nước.

đ) Triển khai hiệu quả Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 (Nghị quyết 02/NQ-CP), Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19; chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ việc triển khai các mô hình dịch vụ thanh toán mới để kịp thời đảm bảo công tác quản lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

e) Tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp xác thực, nhận biết khách hàng (KYC) bằng phương thức điện tử để thúc đẩy tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thanh toán.

g) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử, trung gian thanh toán, đảm bảo hoạt động an ninh, an toàn, hiệu quả.

2. Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thành trước ngày 01 tháng 7 năm 2020 việc ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các cơ sở bán lẻ hàng hóa, dịch vụ chấp nhận và sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử; khuyến khích thanh toán điện tử trong thương mại điện tử.

Tham khảo thêm:   Đề kiểm tra học kì II môn Kinh tế lượng - Đại học Kinh tế Luật (2010 - 2011)

3. Bộ Tài chính:

a) Tiếp tục hoàn thiện kết nối giữa hạ tầng thanh toán điện tử của các tổ chức tín dụng với hạ tầng của các cơ quan Thuế, Hải Quan, Kho bạc Nhà nước để phục vụ yêu cầu phối hợp thu ngân sách Nhà nước bằng phương thức điện tử.

b) Nghiên cứu mở rộng các giải pháp cho phép các ngân hàng thương mại tra cứu thông tin tờ khai hải quan, hỗ trợ ngân hàng thương mại trong công tác kiểm soát hồ sơ, chứng từ thanh toán xuất nhập khẩu và hạn chế rủi ro gian lận.

c) Tổ chức triển khai có hiệu quả Nghị quyết 02/NQ-CP; trước ngày 01 tháng 7 năm 2020 có hướng dẫn cụ thể về cơ chế tài chính của các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp trong việc chi trả phí dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cho tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán đảm bảo áp dụng khả thi, thực hiện thống nhất.

4. Bộ Y tế tập trung triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP; hoàn thành trước ngày 01 tháng 7 năm 2020 việc chỉ đạo, hướng dẫn các bệnh viện phối hợp với các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán để thu phí dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

5. Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương triển khai có hiệu quả Nghị quyết 02/NQ-CP; hoàn thành trước ngày 01 tháng 7 năm 2020 việc chỉ đạo, hướng dẫn các trường học phối hợp với các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán để thu phí dịch vụ giáo dục bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, xây dựng, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật kết nối, chia sẻ thông tin với tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán để thực hiện thu phí dịch vụ giáo dục bằng phương tiện thanh toán điện tử.

6. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam: Tập trung triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP; hoàn thành trước ngày 01 tháng 7 năm 2020 việc xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các hướng dẫn, tiêu chuẩn, lộ trình chuẩn hóa thông tin dữ liệu về người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, các chế độ an sinh xã hội để có thể kết nối chia sẻ thông tin với tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán thực hiện chi trả các chế độ an sinh xã hội, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua ngân hàng.

7. Bộ Công an:

a) Khẩn trương hoàn thành trước ngày 01 tháng 7 năm 2020 việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về đảm bảo an ninh, an toàn, phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn và xư lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thanh toán điện tử, trung gian thanh toán.

Tham khảo thêm:   Lịch sử 10 Bài 15: Văn minh Văn Lang – Âu Lạc Soạn Sử 10 trang 88 sách Chân trời sáng tạo

b) Chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành liên quan tăng cường điều tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thanh toán điện tử, trung gian thanh toán và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao.

c) Tổ chức triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP, hoàn thành trước ngày 01 tháng 7 năm 2020 việc chủ trì xây dựng cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông; áp dụng thống nhất việc định danh các khoản thu phạt vi phạm hành chính; kết nối chia sẻ thông tin thu phạt với Kho bạc Nhà nước, các tổ chức tín dụng và các đơn vị có liên quan; ứng dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong thu phạt vi phạm hành chính.

8. Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thông tin, báo chí đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cho người dân về tiện lợi và tiện ích của thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử.

9. Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thành trước ngày 01 tháng 7 năm 2020 việc nghiên cứu, ban hành chính sách khuyến khích phát triển các loại thẻ đa dụng, đa năng, thẻ không tiếp xúc, thẻ phi vật lý để thu phí cầu đường, mua vé tàu, xe…

10. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai, báo cáo tình hình và kết quả thực hiện trên địa bàn theo đúng chỉ đạo của Nghị quyết 02/NQ-CP.

11. Tổ chức thực hiện

a) Các Bộ, ngành, cơ quan liên quan khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao; trước ngày 01 tháng 11 năm 2020, tổng kết báo cáo kết quả triển khai Chỉ thị này và Quyết định 2545/QĐ-TTg, gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

b) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ được giao, thực hiện tổng hợp, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị này và Quyết định 2545/QĐ-TTg, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 01 tháng 12 năm 2020./.

Nơi nhận:
– Ban Bí thư Trung ương Đảng;
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
– VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, TKBT, PL, NC, CN, KGVX;
– Lưu: VT. KTTH (2)

THỦ TƯỚNG

Nguyễn Xuân Phúc

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Chỉ thị 22/CT-TTg Đẩy mạnh giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *