Ngày 14/06/2021, Bộ Y tế ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế đẩy nhanh việc triển khai thực hiện Quyết định 559/QĐ-TTg về Chương trình “Chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2020-2030”; Hướng dẫn bữa ăn ca cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; Xây dựng quy chuẩn định mức calo đảm bảo dinh dưỡng, mức bồi dưỡng đối với các đối tượng lao động đặc thù;…
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ _______ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ——-o0o—— |
Số: 16/CT-TTg |
Hà Nội, ngày 14 tháng 6 năm 2021 |
Chỉ thị 16/CT-TTg
VỀ ĐẢM BẢO VIỆC LÀM BỀN VỮNG, NÂNG CAO MỨC SỐNG, CẢI THIỆN ĐIỀU KIỆM LÀM VIỆC CỦA CÔNG NHÂN LAO ĐỘNG
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo nhiều chuyển biến tích cực trong công tác bảo đảm việc làm bền vững, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao mức sống của người lao động. So với 5 năm trước, số lượng công nhân lao động có việc làm tăng 26%, trong đó việc làm bền vững, thu nhập tăng đều qua các năm; đời sống của công nhân lao động ngày càng được cải thiện; điều kiện làm việc, an toàn vệ sinh lao động đã được chú trọng; các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản được áp dụng ngày càng phổ biến trong các doanh nghiệp. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ công nhân lao động vẫn chưa có việc làm ổn định, phù hợp; điều kiện làm việc ở nhiều doanh nghiệp và đời sống của công nhân lao động chưa được cải thiện, có nơi còn yếu kém, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp gần đây đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tác động đến đời sống, việc làm của nhiều công nhân lao động, đặc biệt ở bộ phận lao động giản đơn.
Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả các định hướng, chủ trương, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng, Nhà nước về đảm bảo việc làm bền vững, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao mức sống cho công nhân lao động trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
a) Tập trung chỉ đạo rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động theo chỉ đạo của Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ; khẩn trương xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể và bảo đảm bố trí, khơi thông nguồn lực thực hiện. Thường xuyên đánh giá tình hình, kết quả thực hiện, chủ động giải quyết theo thẩm quyền các vấn đề phát sinh; báo cáo, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết vấn đề vượt thẩm quyền; đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp mới hiệu quả, khả thi bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống và cải thiện điều kiện làm việc tốt hơn cho công nhân lao động.
b) Tiếp tục chỉ đạo đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng kinh tế thực chất ở địa phương phù hợp với mô hình tăng trưởng kinh tế – xã hội bao trùm; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để các thành phần kinh tế phát triển nhanh và bền vững; đảm bảo liên kết giữa các khu vực, cac vùng, các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất kinh doanh nhằm thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động và phát triển, tăng năng suất lao động.
c) Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các hiệp định thương mại, nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, RCEP…) theo các điều khoản Việt Nam đã ký kết. Tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật, nội luật hóa các tiêu chuẩn lao động quốc tế, giúp công nhân lao động được thụ hưởng các quyền và điều kiện lao động ngày càng tốt hơn.
d) Quy hoạch, bố trí, huy động nguồn lực tài chính đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội, dịch vụ phục vụ lao động sản xuất, đời sống, sinh hoạt, học tập, giải trí của công nhân, lao động và gia đình. Tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường tại nơi ở và nơi làm việc của công nhân. Có biện pháp ngăn ngừa công nhân lao động tham gia các hoạt động đi vay, cho vay, đòi nợ liên quan đến “tín dụng đen”, đề xuất các chính sách tín dụng vi mô hỗ trợ công nhân lao động.
đ) Chủ động xây dựng, điều chỉnh bổ sung các quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở theo quy định, đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở, thiết chế văn hóa – thể thao cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm của bộ, ngành, địa phương. Tập trung triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho việc phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp.
e) Khẩn trương xây dựng các mô hình “khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ” đồng bộ, gắn với phát triển khu dân cư, cơ sở hạ tầng, đáp ứng được nhu cầu riêng cho công nhân lao động các khu công nghiệp, kể cả chuyên gia và lao động chất lượng cao.
g) Tập trung thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung đông công nhân lao động; chia sẻ khó khăn, hỗ trợ, giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội, giúp công nhân lao động và các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh, ổn định việc làm.
2. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
a) Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn thực hiện pháp luật trong các lĩnh vực trên, nhất là thực tiễn thực hiện pháp luật tại các khu công nghiệp và khu chế xuất; nắm bắt các khủng hoảng về lao động, việc làm do tác động của đại dịch Covid-19 để bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động; tham mưu triển khai giảm giờ làm việc bình thường phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội; tập trung sửa đổi, bổ sung danh mục nghề, cộng việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
b) Tập trung tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 05 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 đảm bảo đúng tiến độ và hiệu quả, trong đó chú trọng đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống chỉ số, đánh giá phát triển thị trường lao động, việc làm và thu nhập; hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động làm cơ sở cho kết nối cung cầu lao động bảo đảm cung ứng lao động phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, kịp thời cung cấp các thông tin về thị trường lao động để hỗ trợ, tư vấn giới thiệu việc làm cho công nhân lao động theo yêu cầu, đồng thời giúp định hướng đào tạo nhân lực có tay nghề cao trên cơ sở nhu cầu thực tế của thị trường lao động.
c) Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của công nhân lao động.
d) Đẩy nhanh việc thực hiện các giải pháp đổi mới và phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo đáp ứng nhu cầu học tập của công nhân lao động. Chú trọng hơn nữa công tác đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng, trình độ chuyên môn kỹ thuật cao để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; gắn kết và huy động doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm cho công nhân lao động; đồng thời đáp ứng nhu cầu dịch chuyển lao động giữa các quốc gia trong khu vực ASEAN.
đ) Khẩn trương hoàn thành, trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ khó khăn cho công nhân lao động, doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19 và kịp thời tổ chức triển khai thực hiện bảo đảm ổn định tình hình lao động, việc làm, duy trì có hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế; chủ động xây dựng các chương trình đào tạo nhằm nâng cao trình độ, tay nghề cho công nhân lao động để hỗ trợ thích ứng, phù hợp với các điều kiện, hoàn cảnh thay đổi trong và sau dịch Covid-19.
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo ngành giáo dục các cấp hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở để đẩy mạnh phân luồng và bảo đảm quyền lợi của học sinh vừa được học nghề, vừa được học văn hóa giáo dục phổ thông ngay tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhất là đối với con em công nhân lao động.
b) Hoàn thiện các cơ chế, chính sách thu hút người quản lý doanh nghiệp và xã hội đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và những nơi tập trung nhiều công nhân lao động.
4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiệp tốt công tác thu hút, lựa chọn các nhà đầu tư có công nghệ hiện đại, quản trị tốt, có trách nhiệm xã hội, thực sự quan tâm và coi trọng người lao động, công nhân lao động. Tập trung tổng hợp, cân đối nguồn vốn để đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn quy định tại Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12 tháng 5 năm 2017 và Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 04 tháng 11 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.
5. Bộ Tài chính
Chủ trì tổng hợp, bố trí kinh phí chi thường xuyên thực hiện các chương trình, dự án trong lĩnh vực đảm bảo việc làm, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao mức sống của công nhân lao động theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và khả năng cân đối ngân sách hàng năm, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
6. Bộ Y tế
a) Tập trung đẩy nhanh việc triển khai thực hiện Quyết đinh số 659/QĐ-TTg ngày 20 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình “Chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2020-2030”.
b) Hướng dẫn bữa ăn ca cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; xây dựng quy chuẩn định mức calo đảm bảo dinh dưỡng, mức bồi dưỡng đối với các đối tượng lao động đặc thù; phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng các mô hình nâng cao sức khỏe tại nơi làm việc phù hợp với đặc thù của các ngành nghề.
c) Tiếp tục tham mưu các cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp và xã hội đầu tư xây dựng bệnh viện, phòng khám, cơ sở chăm sóc nâng cao sức khỏe tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và những nơi có nhiều công nhân lao động sinh sống. Nghiên cứu, đề xuất phương thức quản lý và tổ chức hoạt động của các bệnh viện, phòng khám phù hợp với điều kiện sinh hoạt, làm việc của đa số công nhân lao động.
7. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Đẩy nhanh việc quy hoạch, đầu tư, xây dựng và tổ chức hoạt động có hiệu quả các thiết chế văn hóa nâng cao đời sống văn hóa cho công nhân lao động, phù hợp với phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất, quy hoạch phát triển đô thị; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách phát huy các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển các thiết chế văn hóa, các hoạt động văn hóa, thể thao, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lao động.
8. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Chỉ đạo các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng giải quyết việc làm, nâng cao mức sống của người lao động; phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho đối tượng là người lao động có thu nhập thấp, người dân ở vùng khó khăn. Tập trung hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ cho người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
9. Bộ Thông tin và Truyền thông
Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan báo chí và hệ thống thông tin cơ sở chủ động, kịp thời cung cấp thông tin về việc làm, điều kiện làm việc, mức sống của công nhân lao động, các biện pháp, chính sách hỗ trợ liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tạo sự quan tâm, đồng thuận và huy động toàn xã hội tích cực tham gia công tác đổi mới, đảm bảo việc làm, cải thiện điều kiện làm việc và nâng cao mức sống của công nhân lao động.
10. Bộ Xây dựng
a) Khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển nhà ở, nhất là cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho công nhân lao động khu công nghiệp, nhà ở xã hội; hoàn thiện các chính sách hỗ trợ để thu hút nguỗn lực xã hội đầu tư phát triển nhà ở, công trình phúc lợi đáp ứng nhu cầu của công nhân lao động các khu công nghiệp.
b) Tập trung chỉ đạo, thúc đẩy nhanh việc thực hiện các dự án nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trung, nhà ở xã hội.
c) Tích cực, chủ động phối hợp với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam triển khai Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12 tháng 5 năm 2017 và Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 04 tháng 11 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” để phấn đấu đến năm 2030 tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước đều có thiết chế công đoàn.
11. Đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
a) Tiếp tục chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, nhất là quan tâm chăm lo trong các dịp tết Nguyên đán hàng năm cho đoàn viên, người lao động, đặc biệt đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, dân tộc thiểu số.
b) Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” được phê duyệt tại Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 04 tháng 11 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.
c) Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các cấp công đoàn đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
d) Phối hợp với các bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực thi chính sách pháp luật về lao động, việc làm, an toàn vệ sinh lao động; xây dựng chuyên đề kiểm tra giám sát về quan hệ lao động; vận động công nhân lao động nâng cao ý thức tự giác, tích cực tham gia phòng, chống dịch Covid-19.
đ) Kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị hoàn thiện, chính sách, pháp luật của công nhân, lao động với Chính phủ, các bộ, ngành và Ủy ban nhân nhân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
e) Sớm xây dựng hệ thống dữ liệu về công nhân lao động, công đoàn làm cơ sở cho việc nắm bắt, phát hiện, giải quyết và dự báo các biến động về việc làm, đời sống, tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động.
g) Tăng cường chỉ đạo các cấp công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp nâng cao tính thực chất của các hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, đặc biệt về tiền lương của người lao động gắn với năng suất lao động và kết quả thực hiện công việc phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động.
12. Đề nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
a) Có chương trình, kế hoạch, hoạt động tuyên truyền, vận động, khuyến khích người sử dụng lao động chấp hành pháp luật, tự giác, tích cực tham gia phòng, chống dịch Covid-19, nâng cao trách nhiệm xã hội, áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý tiên tiến, hiện đại và áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường vào hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm cải thiện điều kiện lao động, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.
b) Tăng cường thương lượng, đối thoại giữa các bên tại doanh nghiệp.
c) Phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc tổ chức các phong trào, hoạt động như Chương trình đánh giá, công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam (Chương trình CSI), Giải thưởng “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động”.
13. Yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm Chỉ thị này.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này./.
Nơi nhận: – Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; |
KT. THỦ TƯỚNG PHÓ THỦ TƯỚNG Vũ Đức Đam |
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Chỉ thị 16/CT-TTg Nâng cao mức sống, điều kiện làm việc của công nhân lao động của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.