Chỉ thị 05/CT-BCA-V21 năm 2012 về tăng cường công tác lý luận Công an nhân dân trong tình hình mới do Bộ Công an ban hành.
BỘ CÔNG AN ——————– Số: 05/CT-BCA-V21 |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 06 tháng 06 năm 2012 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC LÝ LUẬN CÔNG AN NHÂN DÂN TRONG TÌNH HÌNH MỚI
————————–
Ngày 21/08/1993, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã ban hành Chỉ thị số 13-CT/BNV(V14) về “công tác lý luận Công an nhân dân trong tình hình hiện nay”. Việc ban hành Chỉ thị đánh dấu bước phát triển mới, thể hiện sự quan tâm chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an đối với công tác lý luận của Ngành. Sau gần 20 năm thực hiện, công tác lý luận Công an nhân dân đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự. Nhiều nội dung về quan điểm chỉ đạo, đường lối, phương châm, nguyên tắc công tác công an cũng như hệ thống lý luận nghiệp vụ đã được nghiên cứu, phát triển làm cơ sở cho việc đổi mới toàn diện các mặt công tác công an. Hệ thống các trung tâm nghiên cứu, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện trong Công an nhân dân đã từng bước được kiện toàn; đội ngũ cán bộ làm công tác lý luận ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác công an trong tình hình mới.
Tuy nhiên, công tác lý luận Công an nhân dân vẫn còn một số hạn chế, bất cập: Lý luận Công an nhân dân vẫn chưa theo kịp với thực tiễn bảo vệ an ninh, trật tự; nhiều vấn đề phức tạp mới nổi lên tuy đã được nghiên cứu, nhưng kết quả đạt được còn hạn chế; một số tổng kết thực tiễn mới chỉ dừng lại ở việc rút ra kinh nghiệm, chưa nâng lên thành lý luận; số lượng đề tài khoa học nghiên cứu về lý luận còn ít; đội ngũ cán bộ nghiên cứu lý luận còn phân tán, thiếu những cán bộ đầu ngành có khả năng khái quát, tư duy lý luận ở trình độ cao…
Để tiếp tục đẩy mạnh và không ngừng đổi mới công tác lý luận Công an nhân dân, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác công an thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; thực hiện Nghị quyết số 08-ĐQ/ĐUCA, ngày 01/06/2012 của Đảng ủy Công an Trung ương “về công tác lý luận Công an nhân dân trong tình hình mới”, lãnh đạo Bộ yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương thực hiện tốt những công tác trọng tâm sau đây:
1. Tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng Công an nhân dân nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết của Đảng ủy Công an Trung ương “về công tác lý luận Công an nhân dân trong tình hình mới” nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác lý luận đối với việc thực hiện các mặt công tác công an; xác định rõ trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy công an các cấp đối với công tác lý luận và xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác lý luận.
2. Công an các đơn vị, địa phương tổ chức đánh giá thực trạng công tác lý luận, đội ngũ cán bộ làm công tác lý luận và các điều kiện đảm bảo; kiến nghị những vấn đề cần đổi mới và xây dựng kế hoạch đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác lý luận của đơn vị, địa phương.
3. Hội đồng Lý luận Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng xây dựng, phát triển, hoàn thiện hệ thống lý luận Công an nhân dân bao gồm: Lý luận chung và lý luận chuyên ngành an ninh, tình báo, cảnh sát, tham mưu, xây dựng lực lượng, hậu cần – kỹ thuật; lý luận quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự; lý luận về lãnh đạo, chỉ huy… Nghiên cứu, hoàn thiện các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, phương châm, nguyên tắc, chủ trương, giải pháp, nghệ thuật bảo vệ an ninh, trật tự; biện pháp, phương pháp, đối sách đấu tranh với các loại đối tượng tình báo, gián điệp, phản động, các loại tội phạm; phương thức, chiến thuật hoạt động của các lực lượng nghiệp vụ; chuẩn hóa hệ thống khái niệm, thuật ngữ, phạm trù cơ bản trong hệ thống lý luận Công an nhân dân. Phân tầng và thống nhất nội dung kiến thức đào tạo các bậc học, hệ học trong các học viện, trường Công an nhân dân. Đến năm 2015, cơ bản xây dựng được hệ thống lý luận Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; hoàn chỉnh và thống nhất hệ thống giáo trình giảng dạy cho các bậc học, hệ học, ngành học trong các học viện, trường Công an nhân dân.
4. Các tổng cục, bộ tư lệnh, các đơn vị trực thuộc Bộ chủ trì, phối hợp với V21 và các học viện, trường Công an nhân dân tổng kết các mặt công tác cơ bản, chuyên đề nghiệp vụ, chuyên án, vụ án lớn, các đối sách đấu tranh với đối tượng trọng điểm, công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại các địa bàn chiến lược; rà soát các chủ trương, biện pháp công tác; nghiên cứu những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn để đúc kết kinh nghiệm, góp phần bổ sung, phát triển lý luận Công an nhân dân; đồng thời, đề xuất Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an tham mưu với Đảng, Nhà nước ban hành các chủ trương, chính sách, pháp luật về an ninh, trật tự.
5. Tổ chức nghiên cứu các đề tài khoa học, ưu tiên các đề tài về lý luận cơ bản, các vấn đề cấp bách do thực tiễn đặt ra trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng lực lượng, hậu cần – kỹ thuật Công an nhân dân. Trước ngày 31/08 hằng năm, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo đề xuất những vấn đề cần nghiên cứu, tổng kết thực tiễn về Bộ (qua V21) để tập hợp, xây dựng chương trình công tác lý luận.
6. Tổng cục III chủ trì, phối hợp với V21 và Công an các đơn vị, địa phương kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ làm công tác lý luận; tham mưu xây dựng quy chế phối hợp giữa Bộ Công an với Hội đồng lý luận Trung ương, các bộ, ban, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan; xây dựng Quy chế phối hợp giữa các cơ quan nghiên cứu, các học viện, trường Công an nhân dân với Công an các đơn vị, địa phương. Tham mưu xây dựng quy chế quy định về việc cán bộ làm công tác lý luận khảo sát thực tế, tham dự các hội nghị, hội thảo khoa học, các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ ở trong và ngoài nước; tham gia ý kiến, thẩm định các chủ trương, chính sách, giải pháp bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng lực lượng, hậu cần – kỹ thuật Công an nhân dân; hoàn thiện các chức danh nghiên cứu cho cán bộ làm công tác nghiên cứu lý luận, gắn với cấp bậc hàm và chỉ tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu. Đề xuất chính sách đãi ngộ hợp lý nhằm thu hút tài năng, tôn vinh và phát huy tiềm năng của đội ngũ cán bộ làm công tác lý luận Công an nhân dân.
7. V12 chủ trì, phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về công tác lý luận với cơ quan an ninh, tình báo, cảnh sát các nước để trao đổi, học tập kinh nghiệm trong việc xây dựng, phát triển lý luận an ninh, tình báo, cảnh sát, xây dựng lực lượng, hậu cần – kỹ thuật; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác lý luận; xây dựng, phát triển các cơ quan nghiên cứu lý luận.
8. Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương, các trường Công an nhân dân xây dựng Kế hoạch thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này; báo cáo kết quả thực hiện về Bộ (qua V21) vào quý IV hằng năm để theo dõi, chỉ đạo.
9. V21 là cơ quan giúp việc Thường trực Hội đồng Lý luận Bộ Công an, chủ trì, phối hợp với Tổng cục IV, V22 xây dựng kế hoạch kinh phí hằng năm và dài hạn; các chương trình, đề án, dự án về công tác lý luận Công an nhân dân; tham mưu, giúp lãnh đạo Bộ hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chỉ thị này./.
Nơi nhận: – Các đồng chí Thứ trưởng (để chỉ đạo); – Các tổng cục, bộ tư lệnh, đơn vị trực thuộc Bộ (để thực hiện); – Các học viện, trường CAND (để thực hiện); – Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (để thực hiện); – Các Sở Cảnh sát PCCC (để thực hiện); – Lưu: VT, V11, V21. |
BỘ TRƯỞNG (đã ký) Thượng tướng Trần Đại Quang |
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Chỉ thị 05/CT-BCA-V21 Tăng cường công tác lý luận Công an nhân dân trong tình hình mới do Bộ Công an ban hành của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.