Bạn đang xem bài viết ✅ Bộ đề thi khảo sát chất lượng đầu năm môn Ngữ văn lớp 11 năm 2023 – 2024 3 Đề kiểm tra chất lượng đầu năm Văn 11 ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm môn Ngữ văn 11 năm 2023 – 2024 mang đến 3 đề kiểm tra có đáp án giải chi tiết kèm theo. Qua đó giúp các bạn có thêm nhiều gợi ý tham khảo ôn luyện để làm bài kiểm tra thật tốt.

TOP 3 Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm lớp 11 môn Văn 2023 giúp các bạn học sinh làm quen với các dạng bài tập cơ bản, luyện giải đề từ đó xây dựng kế hoạch học tập để tự tin trước mỗi bài thi chính thức. Đồng thời đây cũng là tư liệu hữu ích giúp quý thầy cô tham khảo để ra đề thi cho các bạn học sinh. Vậy sau đây là trọn bộ 3 đề khảo sát chất lượng đầu năm Văn lớp 11 có đáp án mời các bạn cùng tải tại đây.

Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm lớp 11 môn Văn – Đề 1

Đề khảo sát chất lượng đầu năm lớp 11 môn Văn

I. Đọc hiểu văn bản (3đ):

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Lão Hạc ơi! Bây giờ tôi hiểu tại sao lão không muốn bán con chó vàng của lão. Lão chỉ còn một mình nó để làm khuây. Vợ lão chết rồi. Con lão đi bằn bặt. Già rồi mà ngày cũng như đêm, chỉ thui thủi một mình thì ai mà chả phải buồn? Những lúc buồn, có con chó làm bạn thì cũng đỡ buồn một chút. Lão gọi nó là cậu Vàng như một bà hiếm hoi gọi đứa con cầu tự. Thỉnh thoảng không có việc gì làm, lão lại bắt rận cho nó hay đem nó ra ao tắm. Lão cho nó ăn cơm trong một cái bát như một nhà giàu. Lão ăn gì cũng chia cho nó cùng ăn. Những buổi tối, khi lão uống rượu, thì nó ngồi ở dưới chân. Lão cứ nhắm vài miếng lại gắp cho nó một miếng như người ta gắp thức ăn cho con trẻ. Rồi lão chửi yêu nó, lão nói với nó như nói với một đứa cháu bé về bố nó.

Câu 1 (0,5đ): Đoạn trích trên được trích từ tác phẩm nào? Tác giả là ai?

Câu 2 (0,75đ): Đoạn trích trên sử dụng những phương thức biểu đạt nào? Cách kết hợp các phương thức đó có gì đặc sắc?

Câu 3 (0,75đ): Tình cảm lão Hạc dành cho cậu Vàng được thể hiện như thế nào?

Câu 4 (1đ): Qua đoạn trích trên, anh/chị hãy nêu cảm nghĩ của mình về tình yêu thương động vật.

II. Làm văn (7đ):

Câu 1 (2đ): Viết bài văn nêu suy nghĩ của anh/chị về tinh thần tự học.

Câu 2 (5đ): Phân tích hình tượng của chủ tướng Lê Lợi trong Đại cáo Bình Ngô.

Đáp án Đề khảo sát chất lượng đầu năm lớp 11 môn Văn

I. Đọc hiểu văn bản

Câu 1 (0,5đ):

Đoạn trích trên được trích từ tác phẩm Lão Hạc của nhà văn Nam Cao.

Câu 2 (0,75đ):

  • Đoạn trích sử dụng phương thức biểu đạt: tự sự và biểu cảm.
  • Tác dụng của việc kết hợp hai phương thức này: giúp cho câu chuyện không bị khô cứng; bộc lộ cụ thể hơn, sinh động hơn tình cảm mà lão Hạc dành cho cậu Vàng.

Câu 3 (0,75đ):

Tình cảm mà lão Hạc dành cho cậu Vàng: Lão gọi nó là cậu Vàng, thỉnh thoảng lão lại bắt rận cho nó hay đem nó ra ao tắm; lão cho nó ăn cơm trong một cái bát và chia đồ ăn cho nó; lão cứ nhắm vài miếng lại gắp cho nó một miếng; lão chửi yêu nó, lão nói với nó như nói với một đứa cháu bé về bố nó.

Câu 4 (1đ):

Nêu cảm nghĩ về tình yêu thương động vật:

  • Đây là một tình cảm đáng quý, đáng trân trọng. Khi yêu thương động vật, con người sẽ có những hành động thiết thức để bảo vệ chúng (cũng chính là bảo vệ môi trường sống của mình).
  • Động vật còn là những người bạn thân thiết của con người, giúp con người vui vẻ hơn trong cuộc sống.

II. Làm văn (7đ);

Câu 1 (2đ):

Dàn ý nghị luận về tinh thần tự học

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: tinh thần tự học.

2. Thân bài

a. Giải thích

Tự học là khả năng tự tìm tòi, lĩnh hội kiến thức một cách chủ động mà không dựa dẫm vào ai.

Tham khảo thêm:   Viết tiểu sử của các nhân vật lịch sử hay nhất Giải Lịch sử 8 Bài 1 Chân trời sáng tạo

b. Phân tích

  • Tự học giúp chúng ta chủ động trong việc tìm kiếm, tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích và có thể tự rút ra được những bài học cho riêng mình mà không bị phụ thuộc vào bất cứ ai.
  • Tự học giúp ta ghi nhớ kiến thức lâu hơn.
  • Tự học giúp chúng ta rèn luyện tính kiên trì.
  • Tự học giúp mỗi chúng ta trở nên năng động hơn trong chính cuộc sống của mình.

c. Chứng minh

Học sinh lựa chọn những dẫn chứng tiêu biểu để minh họa cho luận điểm của mình.

d. Phản biện

Có những người lười biếng, không chịu tìm tòi, học hỏi để mở mang tầm hiểu biết. Những người này đáng bị phê phán.

3. Kết bài

Liên hệ bản thân và rút ra bài học.

Câu 2 (5đ):

Dàn ý phân tích hình tượng của chủ tướng Lê Lợi trong Đại cáo Bình Ngô

1. Mở bài

Giới thiệu tác giả Nguyễn Trãi, Đại cáo Bình Ngô và chủ tướng Lê Lợi.

2. Thân bài

a. “Ta đây
………………
Căm giặc nước thề không cùng sống”

  • Sự kết hợp và thống nhất giữa con người bình thường và lãnh tụ nghĩa quân: xuất thân, cách xưng hô.
  • Lê Lợi là người có lòng căm thù giặc sâu sắc, có lý tưởng hoài bão lớn, có quyết tâm cao thực hiện lí tưởng.

→ Là người anh hùng áo vải xuất thân từ nhân dân.

b. “Đau lòng nhức óc, chốc đã mười mấy năm trời,
………………………………………………………
Chỉ băn khoăn một nỗi đồ hồi.”

Tâm trạng: đau lòng, nhức óc, nếm mật nằm gai, quên ăn vì giận, những trằn trọc trong cơn mộng mị… → những phẩm chất cao đẹp, lớn lao và sâu sắc của người anh hùng, xứng đáng là lãnh tụ của nghĩa quân.

c. “Vừa khi cờ nghĩa dấy lên
……………………………..
Ta gắng chí khắc phục gian nan”

Buổi đầu Lê Lợi cùng nghĩa quân phải vượt qua muôn vàn gian khổ: thế giặc mạnh, tàn bạo, ta lại thiếu nhân tài, thiếu quân, thiếu lương thực… nhưng nhờ có lòng căm thù giặc, ý chí quyết tâm, lí tưởng cao cả và tinh thần đoàn kết nghĩa quân đã nhanh chóng có được những thắng lợi.

d. “Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới;
………………………………………………………………….
Dùng quân mai phục, lấy ít địch nhiều”

Lê Lợi đã kịp thời đưa ra những phương cách, đường lối kháng chiến phù hợp cho toàn nghĩa quân: dựa vào tinh thần tự lực cánh sinh, cầu hiền kết hợp đường lối kháng chiến “dùng quân mai phục”, “thế trận xuất kì” và sức mạnh đoàn kết toàn dân.

→ Hình ảnh lãnh tụ nghĩa quân Lam Sơn với những đặc điểm của người anh hùng mang đầy đủ phẩm chất và sức mạnh của cộng đồng trong cuộc chiến tranh nhân dân thần thánh.

3. Kết bài

Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.

Đề khảo sát chất lượng đầu năm lớp 11 môn Văn – Đề 2

Đề khảo sát đầu năm lớp 11 môn Văn

I. Đọc hiểu văn bản (3đ):

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Một mai, một cuốc, một cần câu,
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn, người đến chốn lao xao.
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Rượu đến bóng cây ta hãy uống,
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.

Câu 1 (0,5đ): Bài thơ được viết theo thể thơ nào? Tác giả là ai?

Câu 2 (0,5đ): Nêu những chi tiết miêu tả cuộc sống của tác giả?

Câu 3 (1đ): Nêu nét đặc sắc nghệ thuật của hai câu thơ:

Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn, người đến chốn lao xao

Câu 4 (1đ): Qua bài thơ, anh/chị hiểu thế nào về cách sống của tác giả? Từ đó rút ra bài học gì cho bản thân?

II. Làm văn (7đ):

Câu 1 (2đ): Viết bài văn nêu suy nghĩ của anh/chị về ý kiến: “Trong cuộc sống, con người cần biết kiềm chế sự tức giận”.

Câu 2 (5đ): Cảm nhận về bài thơ Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi.

Đáp án đề kiểm tra chất lượng đầu năm Ngữ văn 11

Câu 1 (0,5đ): Bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú đường luật. Tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Câu 2 (0,5đ):

Những chi tiết miêu tả cuộc sống của tác giả: một mai, một cuốc, một cần câu, thơ thẩn, sống ở nơi vắng vẻ, ăn uống đạm bạc (thu ăn măng trúc, đông ăn giá), xuân tắm hồ sen hạ tắm ao, uống rượu dưới bóng cây và coi thường vinh hoa phú quý.

Câu 3 (1đ):

  • Nét nghệ thuật đặc sắc: đối lập: (ta – người, dại – khôn, vắng vẻ – lao xao).
  • Tác dụng: nhấn mạnh sự an nhàn, mặc kệ sự đời, mặc kệ người đời cho là dại để tác giả sống một cuộc sống của mình.

Câu 4 (1đ):

  • Cách sống của tác giả: an nhàn, đạm bạc nhưng bình yên không bon chen, vướng bận sự đời.
  • Điều học tập được: không nên tranh giành, đấu đá nhau, bon chen trong xã hội mà cố gắng sống một cuộc sống bình yên, thanh thản, tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp của cuộc sống.

II. Làm văn (7đ);

Câu 1 (2đ):

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Trong cuộc sống, con người cần biết kiềm chế sự tức giận.

Tham khảo thêm:   Chỉ số 9 Vietnam Legend mới lên sàn trong FIFA Online 3

2. Thân bài

a. Giải thích

Sự tức giận là những cảm xúc tiêu cực được bộc lộ khi con người ở trong hoàn cảnh không tốt: bị xúc phạm, lừa dối hay thất bại….

b. Phân tích

  • Khi tức giận con người thường sẽ cảm thấy khó chịu, bức bối tột độ mà đánh mất đi sự kiểm soát khách quan đối với những lời nói, hành vi của mình.
  • Những cơn tức giận có thể làm rạn nứt những mối quan hệ, gây đổ vỡ mọi chuyện tốt đẹp, đánh mất những thời cơ.
  • Không thể đưa ra những cách giải quyết thấu đáo, hợp lí nhất.

c. Chứng minh

Học sinh lựa chọn những dẫn chứng tiêu biểu để minh họa cho luận điểm của mình.

d. Phản biện

Có những người luôn biết cách làm chủ cuộc sống, biết kiềm chế những cơn tức giận và điều khiển cảm xúc của mình → đáng để chúng ta học tập và noi theo.

3. Kết bài

Liên hệ bản thân và rút ra bài học.

Câu 2 (5đ):

1. Mở bài

Giới thiệu tác giả Nguyễn Trãi và bài thơ Cảnh ngày hè.

2. Thân bài

Rồi hóng mát thuở ngày trường

Khung cảnh nhàn rỗi, ung dung, tự tại của tác giả không hề vướng bận sự đời.

Hòe đục đùn đùn tán rợp giương
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương

Bức tranh thiên nhiên với nhiều hình ảnh và những nét nổi bật về màu sắc mang nét đặc trưng riêng của không gian mùa hè.

Màu xanh của lá hòe tạo thành một bóng mát khổng lồ gợi cho ta sự mát mẻ.

Động từ “đùn đùn” có sức bao quát cảnh vật rất lớn, vừa gợi được sức sống mãnh liệt của thiên nhiên, vừa gợi cảm giác phóng khoáng.

Màu đỏ thắm của hoa lựu cùng sắc hồng nhẹ nhàng của hoa sen ta hương thơm ngát.

→ Một bức tranh đủ sắc và hương vừa sang trọng, gần gũi, tươi tắn, rực rỡ, thiên nhiên không những đẹp mà còn mang bao cảm xúc tinh tế.

Lao xao chợ cá làng ngư phủ
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương

– Tiếng “lao xao” âm vang từ chợ cá, làng chài vọng đến đó là tín hiệu của cuộc sống nhộn nhịp đan xen vào cảm nhận của nhà thơ về thiên nhiên thanh bình → Nguyễn Trãi đang chủ động hướng cảm nhận của mình đến cuộc sống của những người dân làng chài để bản thân không tạo một khoảng cách quá xa với nhân dân.

– Tiếng ve “dắng dỏi”, âm thanh mảnh, dứt khoát, nhịp nhàng được so sánh với tiếng đàn là một liên tưởng so sánh rất độc đáo của Nguyễn Trãi → tràn đầy sức sống.

→ Bức tranh thiên nhiên qua con mắt của Nguyễn Trãi là sự hòa phối hoàn hảo giữa màu sắc âm thanh, giữa thiên nhiên và cuộc sống con người.

Dẽ có Ngu Cầm đàn một tiếng
Dân giàu nước mạnh khắp đòi phương.

Mong muốn chân thành, một khát vọng cao đẹp của một triết nhân: mong có cây đàn của vua Nghiêu Thuấn để gảy khúc Nam Phong → một điển tích tác giả sử dụng nhằm ca ngợi cuộc sống thanh bình của nhân dân.

→ Tuy đã lánh mình tránh xa nơi “ồn ào” nhưng trong Nguyễn Trãi vẫn luôn nung nấu hoài bão cống hiến cho xã tắc, cho giang sơn để dân giàu nước mạnh, ấm no hạnh phúc..

3. Kết bài

Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.

Đề khảo sát chất lượng đầu năm lớp 11 môn Văn – Đề 3

Đề khảo sát đầu năm môn Ngữ văn 11

I. Đọc hiểu văn bản (3đ):

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Có nơi mô như ở quê mình
Mẹ đợi con, tóc hoá ngàn lau trắng
Lưng nặng thời gian, nghìn ngày trên bến vắng
Đứa tận miền Nam
Đứa ở Trường Sơn
Biền biệt không về…

(Quê mình – Tạ Nghi Lễ)

Câu 1 (0,5đ): Đoạn thơ được viết theo thể thơ nào?

Câu 2 (0,5đ): Người mẹ được tác giả miêu tả thế nào?

Câu 3 (1đ): Nêu ý nghĩa 2 câu thơ:

“Mẹ đợi con, tóc hóa ngàn lau trắng
Lưng nặng thời gian, nghìn ngày trên bến vắng”

Câu 4 (1đ): Qua đoạn thơ, anh/chị hãy nêu ngắn gọn cảm nhận của mình về tình mẹ.

II. Làm văn (7đ):

Câu 1 (2đ): Viết bài văn nêu suy nghĩ của anh/chị về tác hại của tệ nạn với đời sống con người.

Câu 2 (5đ): Phân tích tâm trạng Thúy Kiều trong đoạn trích Nỗi thương mình.

Đáp án đề kiểm tra đầu năm Ngữ văn 11

Câu 1 (0,5đ): Đoạn thơ được viết theo thể thơ tự do.

Câu 2 (0,5đ):

Người mẹ được tác giả miêu tả: đợi con, tóc hóa ngàn lau trắng, lưng nặng thời gian, nghìn ngày trên bến vắng.

Câu 3 (1đ):

Ý nghĩa 2 câu thơ: khắc họa nỗi vất vả, cơ cực trong cuộc đời mẹ bao năm trời bôn ba với gió sương để kiếm kế sinh nhai nuôi sống những người con của mình đồng thời thể hiện tình cảm yêu thương và sự biết ơn, trân trọng trước công lao ấy của những người con.

Câu 4 (1đ):

Cảm nhận về tình mẹ:

  • Mẹ có công sinh thành, nuôi dưỡng và dạy dỗ chúng ta vì vậy mỗi người phải biết ơn công lao đó và cố gắng báo đáp công ơn của mẹ.
  • Mỗi người cần tôn trọng tình mẫu tử thiêng liêng và lan tỏa tình yêu thương đó.
Tham khảo thêm:   Quyết định số 2284/QĐ-TTG: Phê duyệt Đề án Triển khai Nghị định số 99/2010/NĐ-CP về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

II. Làm văn (7đ);

Câu 1 (2đ):

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: tác hại của tệ nạn với đời sống con người.

2. Thân bài

a. Giải thích

Tệ nạn xã hội là những hiện tượng mang tính tiêu cực, trái với pháp luật và vi phạm các quy chuẩn, chuẩn mực xã hội.

b. Thực trạng

  • Biểu hiện: ngập, cờ bạc, hút chích, mê tín dị đoan,…
  • Số lượng người có biểu hiện tệ nạn xã hội ngày càng tăng và có nhiều biến tướng khó lường.
  • Có nhiều bạn trẻ rơi vào những tệ nạn.

c. Nguyên nhân

  • Chủ quan: do tính hiếu thắng của con người, muốn chứng minh, thể hiện bản thân.
  • Khách quan: do sự tiến bộ, phát triển của xã hội; thiếu giáo dục, chăm sóc, dạy dỗ của người lớn….

d. Hậu quả

  • Ảnh hưởng đến sức khỏe, kinh tế.
  • Bị tha hóa và suy đồi về đạo đức.
  • Sản sinh, hình thành, nuôi dưỡng những đối tượng nguy hiểm và gây nguy hại đến nền an ninh, trật tự xã hội.

e. Giải pháp

  • Mỗi người tự nâng cao ý thức, tránh xa những tệ nạn.
  • Xã hội, pháp luật cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để trừng trị, răn đe những con người vướng vào tệ nạn xã hội.
  • Cần phổ biến, tuyên truyền tác hại của tệ nạn xã hội đến mọi người để phòng tránh.

3. Kết bài

Liên hệ bản thân và rút ra bài học.

Câu 2 (5đ):

1. Mở bài

Giới thiệu tác giả Nguyễn Du, Truyện Kiều, đoạn thơ Nỗi thương mình và nhân vật Thúy Kiều.

2. Thân bài

Biết bao bướm lả ong lơi
Cuộc say đầy tháng trận cười suốt đêm.
Dập dìu lá gió cành chim,
Sớm đưa Tống Ngọc tối tìm Trường Khanh.

– Ẩn dụ: bướm lả, ong lơi, lá gió, cành chim; hình ảnh cuộc say đầy tháng trận cười suốt đêm và điển tích về Tống Ngọc, Trường Khanh (hai vị khách phong lưu nổi tiếng) đã khắc họa được cảnh sống xô bồ, nhơ nhớp và thân phận bẽ bàng của người kĩ nữ ở chốn lầu xanh.

– Các hình thức đối xứng: bướm lả/ong lơi, lá gió/cành chim được Nguyễn Du khai thác triệt để nhằm tô đậm nỗi thương thân, xót phận của Thúy Kiều và gây cảm giác đau đớn.

→ Bốn câu thơ đầu vừa là bức tranh sinh hoạt nhơ nhớp chốn thanh lâu vừa ẩn chứa tiếng thở dài não ruột của người con gái tài sắc buộc phải làm kĩ nữ đồng thời thể hiện sự xót thương vô bờ của tác giả dành cho nàng Kiều tài sắc vẹn toàn.

Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh
Giật mình, mình lại thương mình xót xa

– Tỉnh rượu, tàn canh: những khoảnh khắc hiếm hoi Kiều có thời gian dành cho bản thân mình; thời gian và không gian vắng lặng, cô liêu càng gợi nỗi niềm cay đắng, xót xa trong dạ người con gái đang lênh đênh, lưu lạc nơi đất khách.

– Hai chữ giật mình kết hợp với cách ngắt nhịp đột ngột diễn tả tâm trạng thảng thốt, cảm giác nặng nề của nàng Kiều như tiếng nấc nghẹn ngào khi cố ghìm tiếng khóc.

Khi sao phong gấm rủ là,
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường.
Mặt sao dày gió dạn sương,
Thân sao bướm chán ong chường bấy thân!

  • Sự đối lập giữa quá khứ tươi đẹp và hiện thực bất hạnh, tủi cực, đau xót: trước kia, Kiều được nâng niu quý trọng bao nhiêu thì bây giờ nàng bị vùi dập phũ phàng bấy nhiêu → tâm trạng đau đớn, tủi hổ ê chề.
  • Đằng sau những ngôn từ, hình ảnh ước lệ hoa mĩ là cơn uất hận khôn nguôi, là những câu hỏi day dứt, dằn vặt muốn vang vọng tới trời xanh → chính các thế lực tàn ác trong xã hội đã dìm nàng xuống bùn đen.

Mặc người mưa Sở mây Tần,
Những mình nào biết có xuân là gì.
Đòi phen gió tựa hoa kề,
Nửa rèm tuyết ngậm bốn bề trăng thâu.

Mặc kệ cho sự trôi chảy, phôi phai của thời gian, của con người, nàng Kiều như một cái xác không hồn, không còn cảm nhận gì về cuộc sống.

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.

Nỗi buồn của Kiều khiến cho ngay cả cảnh vật và thiên nhiên cũng cảm thông, thương xót đến sầu thẳm → mối liên hệ tương đồng giữa ngoại cảnh và tâm cảnh, giữa cảnh và tình trong văn chương Việt Nam.

Đòi phen nét vẽ câu thơ
Cung cầm trong nguyệt nước cờ dưới hoa.
Vui là vui gượng kẻo là
Ai tri âm đó mặn mà với ai”.

Cuộc đời kĩ nữ nhìn bề ngoài tưởng thanh cao, tao nhã nhưng thật là mỉa mai khi sự nhơ nhớp bẩn thỉu được che đậy bằng vẻ ngoài thơ mộng và hào nhoáng.

→ Đoạn thơ đầy chất bi thương nhưng lại không hề yếu đuối. Từ bên trong nó toát lên ánh sáng của phẩm chất cao quý và chính cái bi thương ấy lại là lời tố cáo mãnh liệt tội ác của xã hội bất nhân đã chồng chất bao nhiêu đau khổ lên một kiếp người.

3. Kết bài

Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Bộ đề thi khảo sát chất lượng đầu năm môn Ngữ văn lớp 11 năm 2023 – 2024 3 Đề kiểm tra chất lượng đầu năm Văn 11 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *