Bạn đang xem bài viết ✅ Bộ đề đọc hiểu Chiếc thuyền ngoài xa (Có đáp án) Các đề đọc hiểu bài Chiếc thuyền ngoài xa ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Đề đọc hiểu Chiếc thuyền ngoài xa bao gồm 3 đề có đáp án chi tiết kèm theo, giúp cho các bạn có nhiều tư liệu học tập, rèn luyện kỹ năng giải các câu hỏi trong phần đọc hiểu trong đề thi THPT Quốc gia môn Văn.

Chiếc thuyền ngoài xa là tác phẩm hay thể hiện một bài học đúng đắn về cách nhìn nhận cuộc sống và con người: Mỗi người trong cõi đời,nhất là người nghệ sĩ,không thể đơn giản, sơ lược khi nhìn nhận cuộc sống và con người. Bên cạnh đọc hiểu Chiếc thuyền ngoài xa các bạn xem thêm đề đọc hiểu Việt Bắc, đề đọc hiểu Vợ nhặt và rất nhiều tài liệu khác tại chuyên mục Văn 12.

Đọc hiểu Chiếc thuyền ngoài xa – Đề 1

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Người đàn bà hướng về phía Đẩu, tự nhiên chắp tay vái lia lịa:

– Con lạy quí tòa…

– Sao, sao?

– Quí tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó…

Lúc bấy giờ tôi đang ngồi giấu mặt sau bức màn vải hoa ngăn chỗ làm việc bên ngoài và phòng ngủ bên trong của Đẩu. Sau câu nói của người đàn bà, tôi cảm thấy gian phòng ngủ lồng lộng gió biển của Đẩu tự nhiên bị hút hết không khí, trở nên ngột ngạt quá. Tôi vén lá màn bước ra.

Người đàn bà nhận ra được tôi ngay. Mụ nhấp nhổm xoay quanh chiếc ghế như bị kiến đốt, và về sau tôi mới sực nghĩ ra, mụ nghĩ rằng tòa án đã bố trí sẵn tôi ngồi phía sau để chuẩn bị làm nhân chứng.

– Chị cứ ngồi nguyên đấy! – Đẩu nói và với vẻ đầy hào hứng của một con người bảo vệ công lý vừa có thêm người đến tiếp viện, anh chạy sang phòng bên xách một chiếc ghế cho tôi. Bấy giờ dưới con mắt của người đàn bà hàng chài, vị chánh án không phải là Đẩu đã trở về ngồi sau chiếc bàn lớn mà là tôi, với mấy vết thương đã lên da non nhưng vẫn để dấu vết trên mặt.

– Tùy bà! – Đẩu thay đổi cách xưng hô, khoác lên mình cái cung cách bề ngoài của một vị chánh án – chủ trương nguyên tắc của chúng tôi là kêu gọi hòa thuận…

Đang ngồi cúi xuống, người đàn bà bỗng ngẩng lên nhìn thẳng vào chúng tôi, lần lượt từng người một, với một vẻ ban đầu ngơ ngác.

– Chị cám ơn các chú! – Người đàn bà đột nhiên thốt lên bằng một giọng khẩn thiết – Đây là chị nói thành thực, chị cám ơn các chú. Lòng các chú tốt, nhưng các chú đâu có phải là người làm ăn… cho nên các chú đâu có hiểu được cái việc của các người làm ăn lam lũ, khó nhọc…

Chỉ mấy lời mào đầu ấy, người đàn bà đã mất hết cái vẻ ngoài khúm núm, sợ sệt. Điệu bộ khác, ngôn ngữ khác.

Cũng phải nói thật, những lời ấy, nhất là đấy lại là lời một người đàn bà khốn khổ, không phải dễ nghe đối với chúng tôi. Dầu mặt hãy còn trẻ, Đẩu cũng là một chánh án huyện. Còn tôi, một người đáng lẽ mụ phải biết ơn…

Nhưng người đàn bà để lộ ra cái vẻ sắc sảo chỉ đến thế, chỉ vừa đủ để kích thích trí tò mò của chúng tôi. Mụ đưa cặp mắt đầy vẻ mệt mỏi nhìn ra ngoài bờ phá bên kia con đường chính của phố huyện ở đấy, thiếu nữ mặc áo tím vẫn ngồi đợi mụ trên chiếc mủng.

Trong phút chốc, ngồi trước mặt chúng tôi lại vẫn là một người đàn bà lúng túng, đầy sợ sệt, nhưng có vẻ thông cảm với chúng tôi hơn. Mụ bắt đầu kể:

– Từ nhỏ tuổi tôi đã là một đứa con gái xấu, lại rỗ mặt, sau một bận lên đậu mùa. Hồi bấy giờ nhà tôi còn khá giả, nhà tôi trước ở trong cái phố này. Cũng vì xấu, trong phố không ai lấy, tôi có mang với một anh con trai một nhà hàng chài giữa phá hay đến nhà tôi mua bả (1) về đan lưới. Lão chồng tôi khi ấy là một anh con trai cục tính nhưng hiền lành lắm, không bao giờ đánh đập tôi.

Người đàn bà bỗng chép miệng, con mắt như đang nhìn suốt cả đời mình:

– Giá tôi đẻ ít đi hoặc chúng tôi sắm được một chiếc thuyền rộng hơn, từ ngày cách mạng về đã đỡ đói khổ chứ trước kia vào các vụ bắc, ông trời làm động biển suốt hàng tháng, cả nhà vợ chồng con cái toàn ăn cây xương rồng luộc chấm muối… cũng nghèo khổ, túng quẫn đi vì trốn lính – bỗng mụ đỏ mặt – nhưng cái lỗi chính là đám đàn bà ở thuyền đẻ nhiều quá, mà thuyền lại chật.

– Vậy sao không lên bờ mà ở – Đẩu hỏi.

– Làm nhà trên đất ở một chỗ đâu có thể làm được cái nghề thuyền lưới vó? Từ ngày cách mạng về, cách mạng đã cấp đất cho nhưng chẳng ai ở, vì không bỏ nghề được!

– Ở trên thuyền có bao giờ lão ta đánh chị không? – Tôi hỏi.

– Bất kể lúc nào thấy khổ quá là lão xách tôi ra đánh, cũng như đàn ông thuyền khác uống rượu… Giá mà lão uống rượu… thì tôi còn đỡ khổ… Sau này con cái lớn lên, tôi mới xin được với lão… đưa tôi lên bờ mà đánh…

– Không thể nào hiểu được, không thể nào hiểu được! – Đẩu và tôi cùng một lúc thốt lên.

– Là bởi vì các chú không phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông…

– Phải, phải, bây giờ tôi đã hiểu, – bất ngờ Đẩu trút một tiếng thở dài đầy chua chát, – trên thuyền phải có một người đàn ông… dù hắn man rợ, tàn bạo?

– Phải – Người đàn bà đáp – Cũng có khi biển động sóng gió chứ chú?

Lát lâu sau mụ lại mới nói tiếp:

– Mong các chú cách mạng thông cảm cho, đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con, nhà nào cũng trên dưới chục đứa. Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ. Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được! Mong các chú lượng tình cho cái sự lạc hậu. Các chú đừng bắt tôi bỏ nó! – Lần đầu tiên trên khuôn mặt xấu xí của mụ chợt bừng sáng lên như một nụ cười – vả lại, ở trên chiếc thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hòa thuận, vui vẻ.

– Cả đời chỉ có một lúc nào thật vui không? Đột nhiên tôi hỏi.

– Có chứ, chú! Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no…

Viên chánh án huyện rời chiếc bàn xếp đến phát ngốt lên những chồng hồ sơ, giấy má. Đẩu đi đi lại lại trong phòng, hai tay thọc sâu vào hai bên túi chiếc quần quân phục đã cũ. Một cái gì vừa mới vỡ ra trong đầu vị Bao Công của cái phố huyện vùng biển, lúc này trông Đẩu rất nghiêm nghị và đầy suy nghĩ.

(Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục, 2008, tr.74-77)

Tham khảo thêm:   Lịch thi đấu Clan Đại Chiến trong Call of Duty: Mobile VN Lịch Showmatch Clan Đại Chiến - Lần 1

Câu 1. Đoạn trích trên được trích từ tác phẩm nào? Thuộc thể loại nào?

Câu 2. Em hãy giới thiệu qua về nhân vật người đàn bà làng chài được tác giả nói đến trong tác phẩm..

Câu 3. Tại sao tác giả không đặt tên mà gọi theo tên công việc làm ăn và giới tính?

Câu 4. Vì sao người đàn bà hàng chài nhất định xin tòa không bắt bà ta bỏ gã chồng vũ phu?

Câu 5. Nêu cảm nhận của anh/chị về câu nói của người đàn bà: “Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no…”.

Câu 6. Nêu cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp khuất lấp trong hình tượng người đàn bà hàng chài.

Câu 7. Nêu ý nghĩa của chi tiết: Viên chánh án huyện rời chiếc bàn xếp đến phát ngốt lên những chồng hồ sơ, giấy má. Theo anh/chị, cái gì vừa mới vỡ ra trong đầu vị Bao Công của cái phố huyện vùng biển?

GỢI Ý ĐÁP ÁN

Câu 1

Đoạn trích trên được trích trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, thuộc thể loại truyện ngắn.

Câu 2

Nhân vật người đàn bà làng chài trước đây là cô gái phố huyện,nhà khá giả, ít duyên phải lòng anh hàng chài và sống cuộc sống chài lưới trên chiếc thuyền đông con; hiện tại là người đàn bà trạc ngoài 40 tuổi cao lớn với những đường nét thô kệch, mặt rỗ … mang những nét chung của người phụ nữ lao động vất vả, người phụ nữ hàng chài nhiều cực khổ.

Câu 3

Tác giả không đặt tên mà gọi theo tên công việc làm ăn và giới tính, người đã có chồng, người đàn bà hàng chài vì nó vừa nêu được những nét cụ thể về cuộc đời, số phận của người phụ nữ trong xã hội còn phải chịu nhiều những nghịch lí vừa khái quát được về những bất cập còn đang tồn tại trong cuộc sống mỗi con người…

Câu 4

Người đàn bà hàng chài có những lý lẽ riêng để xin tòa không bắt bà ta bỏ gã chồng vũ phu:

– Lão chồng của bà trước đây cũng là một anh con trai cục tính nhưng hiền lành lắm, không bao giờ đánh đập bà; lão chồng không uống được rượu nên lúc nào thấy khổ, lão đánh vợ để giải tỏa tâm lý; đám đàn bà hàng chài ở thuyền cần một người đàn ông để chèo chống lúc sóng to gió lớn và để cùng làm ăn nuôi con; cũng có lúc vợ chồng con cái bà hòa thuận.

– Bà cũng tự nhận trách nhiệm về mình: “Giá tôi đẻ ít đi, hoặc chúng tôi sắm được một chiếc thuyền rộng hơn”.

Những lý lẽ người đàn bà đưa ra đều đúng, đều xác đáng. Tất cả những điều này Phùng và Đẩu đều chưa hiểu khi đứng từ góc nhìn của một nghệ sĩ, một chánh án và đó cũng chính là lý do khiến hai người, nhất là chánh án Đẩu, luôn muốn người đàn bà hàng chài li dị chồng.

Tham khảo thêm:   Bài tập cuối tuần lớp 3 môn Tiếng Việt Cánh diều - Tuần 8 Bài tập cuối tuần lớp 3 môn Tiếng Việt

Câu 5

Câu nói của người đàn bà: “Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no…” thể hiện một tình cảm chân thành, giản dị mà sâu sắc của người mẹ nghèo khổ, giàu tình yêu thương con cái.

Câu 6

Vẻ đẹp khuất lấp trong hình tượng người đàn bà hàng chài

+ Bên trong ngoại hình xấu xí, thô kệch là một tấm lòng nhân hậu, vị tha, độ lượng, giàu đức hi sinh. (dẫn chứng)

+ Phía sau vẻ cam chịu, nhẫn nhục vẫn là một người có khát vọng hạnh phúc, can đảm, cứng cỏi.

./ Không chịu bỏ chồng vì muốn các con có một mái ấm với cả bố và mẹ, được ăn no.

./ Hiểu được cái khắc nghiệt của cuộc sống mưu sinh trên biển không thể thiếu bàn tay chèo lái của người đàn ông.

./ Hiểu bản chất của người chồng không xấu, hắn ta bạo tàn, vô tình như thực tại cũng vì quá nghèo khổ.

+ Phía sau vẻ quê mùa, thất học lại là một người phụ nữ thấu hiểu, sâu sắc lẽ đời, giàu tình thương

Đặc biệt, trong câu chuyện kể về cuộc đời mình, người đàn bà hàng chài kia đã chấp nhận đau khổ, coi nỗi khổ vận vào đời mình như một lẽ đương nhiên. Chị sống cho con chứ không phải là sống cho mình. Nếu những phụ nữ trên các thuyền khác chấp nhận người đàn ông uống rượu thì chị cũng chấp nhận để chồng đánh chỉ xin chồng là đánh ở trên bờ, đừng để các con nhìn thấy. Đó là một cách ứng xử rất nhân bản.

Câu 7

– Chi tiết viên chánh án huyện rời chiếc bàn xếp đến phát ngốt lên những chồng hồ sơ, giấy má đã thể hiện sự chuyển biến lớn trong nhận thức của chánh án Đẩu sau khi nghe xong những chia sẻ của người đàn bà hàng chài. Hành động rời chiếc bàn là hành động có ý nghĩa biểu tượng, Đẩu buộc phải rời cương vị của một chánh án bởi từ vị trí đó, từ góc nhìn đó, anh chưa hề biết gì, chưa hề hiểu gì về quyết định người đàn bà hàng chài cả.

– Một cái gì vừa mới vỡ ra trong đầu vị Bao Công của cái phố huyện vùng biển, cái gì đó có lẽ chính là nhận thức của Đẩu về cái nhìn, cách nhìn. Từ cái nhìn của một chánh án, từ cách nhìn của bổn phận, trách nhiệm, Đẩu đã chưa hiểu thấu lý do vì sao người đàn bà hàng chài không chịu ly dị gã chồng vũ phu.

Đọc hiểu Chiếc thuyền ngoài xa – Đề 2

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Lúc bấy giờ trời đầy mù từ ngoài biển bay vào. Lại lác đác mấy hạt mưa. Tôi rúc vào bên bánh xích của một chiếc xe tang để tránh mưa, đang lúi húi thay phim, lúc ngẩng lên thấy một chuyện hơi lạ: một chiếc thuyền lưới vó mà tôi đoán là trong nhóm đánh cá ban nãy đang chèo thẳng vào trước mặt tôi.

Có lẽ suốt một đời cầm máy ảnh chưa bao giờ tôi được thấy một cảnh “đắt” trời cho đến như vậy: trước mặt tôi là một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ. Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ. Tất cả khung cảnh ấy nhìn qua những cái mắt lưới và tấm lưới nằm giữa hai chiếc gọng vó hiện ra dưới một hình thù y hệt cánh một con dơi, toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích khiến đứng trước nó tôi trở nên bối rối, trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào. Chẳng biết ai đó lần đầu đã phát hiện ra bản thân cái đẹp chính là đạo đức? Trong giây phút bối rối tôi tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lí của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn.

(Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục, 2008, tr.70-71)

Câu 1. Đoạn trích trên được trích từ tác phẩm nào? Của ai? Giới thiệu vài nét về tác giả đó.

Câu 2. Hãy nêu hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm đó.

Câu 3. Nêu chủ đề của đoạn trích.

Câu 4. Các phương thức biểu đạt trong đoạn trích đã kết hợp với nhau như thế nào?

Câu 5. “Vẻ đẹp của bức tranh được thu vào trong chiếc máy ảnh của người nghệ sĩ được bao phủ bởi bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào.”

Nêu cảm nhận của anh/chị về chi tiết này.

Câu 6. Vẻ đẹp của “chiếc thuyền ngoài xa” đã khiến nghệ sĩ nhiếp ảnh phát hiện ra điều gì?

GỢI Ý ĐÁP ÁN

Câu 1

Nguyễn Minh Châu (1930 – 1989); Nghệ An, là một con người luôn trăn trở về số phận của nhân dân, trách nhiệm của người cầm bút; tâm huyết, tài năng, bản lĩnh; trước những năm 1980 viết theo khuynh hướng sử thi và tính trữ tình lãng mạn; sau những năm 1980 là cảm hứng thế sự với những vấn đề về đạo đức xã hội, triết lí nhân sinh; là người mở đường tinh anh và tài năng; đạt giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT năm 2000.

Tham khảo thêm:   Quyết định số 1491/QĐ-TTG Về việc phê chuẩn kết quả bầu cử bổ sung Thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu nhiệm kỳ 2004 - 2011

Câu 2

Hoàn cảnh sáng tác:

Năm 1983 – cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước đã kết thúc một cách huy hoàng vào năm 1975 và dư âm còn có thể kéo dài một vài năm sau đó nhưng đến đầu những năm 1980 cuộc sống muôn mặt đời thường sau chiến tranh đã trở lại, những vấn đề nhân sinh thời đại đã được quan tâm trở lại. Tác phẩm mang xu thế chung của văn học thời kì đổi mới: hướng nội, khai thác sâu sắc số phận cá nhân và thân phận con người trong cuộc sống muôn mặt đời thường.

Câu 3

Chủ đề của đoạn trích: Phát hiện của tôi – một nhiếp ảnh gia về một vẻ đẹp, một khung cảnh thực đơn giản và toàn bích.

Câu 4

Đoạn trích có sự kết hợp của 3 phương thức biểu đạt tự sự, miêu tả, biểu cảm:

– Tự sự: Đoạn trích được thuật lại từ ngôi kể thứ nhất – tôi – một nhiếp ảnh gia đang “phục kích” để “chộp” được một cảnh thật ưng ý. Tôi đã phát hiện ra một vẻ đẹp trời cho trên mặt biển mờ sương.

– Miêu tả: Toàn bộ vẻ đẹp lãng mạn, thực đơn giản và toàn bích của bức tranh đã được miêu tả lại một cách kỹ lưỡng qua sự hài hòa của hình ảnh, màu sắc, đường nét, sự hài hòa của thiên nhiên với con người…

Biểu cảm: Nhân vật tôi đã không giấu được những xúc cảm của mình khi trải qua cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn. Mọi xúc cảm của nhân vật được bộc lộ rõ trong lời văn đầy mê đắm.

Câu 5

Vẻ đẹp của bức tranh được thu vào trong chiếc máy ảnh của nghệ sĩ:

– Trước hết, đây là một chi tiết hình ảnh đẹp, đẹp bởi sự giao thoa, hòa quyện trong thiên nhiên, đẹp bởi sắc màu lãng mạn và đẹp bởi sự huyền ảo được mang đến bởi lớp sương mù.

– Nhưng đây cũng chính là màn gián cách, che khuất cái nhìn vốn đã từ xa của người nghệ sĩ tới chiếc thuyền. Bởi thế nên, nhân vật tôi chỉ nhìn thấy vẻ đẹp bức tranh khi chiếc thuyền chạm mũi bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào chứ không nhìn rõ, không nhìn cụ thể được chiếc thuyền đó ra sao (tất nhiên, việc nhìn rõ chiếc thuyền có khi sẽ không mang lại cảm nhận về cái đẹp tuyệt mỹ).

Câu 6

Vẻ đẹp của “chiếc thuyền ngoài xa” đã đưa người nghệ sĩ bắt gặp cái tận Thiện, tận Mĩ, để ông thấy tâm hồn mình như được gột rửa, thanh lọc, trở nên thật trong trẻo, tinh khôi bởi cái đẹp hài hòa, lãng mạn của cuộc đời. Có thể gọi phát hiện của anh là một phát hiện về nghệ thuật, đầy thơ mộng, như là một bức tranh mực tàu của danh họa thời cổ- một sự miêu tả ước lệ tượng trưng thật tuyệt vời.

Đọc hiểu Chiếc thuyền ngoài xa – Đề 3

Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:

“Lão đàn ông lập tức trở nên hùng hổ, mặt đỏ gay, lão rút trong người ra một chiếc thắt lưng của lính ngụy ngày xưa, có vẻ như những điều phải nói với nhau họ đã nói hết, chẳng nói chẳng rằng lão trút cơn giận như lửa cháy bằng cách dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng người đàn bà, lão vừa đánh vừa thở hồng hộc, hai hàm răng nghiến ken két, cứ mối nhát quất xuống lão lại nguyền rủa bằng cái giọng rên rỉ đau đớn : Mày chết đi cho ông nhờ. Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ !

Người đàn bà với một vẻ cam chịu đầy nhẫn nhục, không hề kêu một tiếng, không chống trả, cũng không tìm cách chạy trốn.

Tất cả mọi việc xảy đến khiến tôi kinh ngạc đến mức, trong mấy phút đầu, tôi cứ đứng há mồm ra mà nhìn. Thế rồi chẳng biết từ bao giờ, tôi đã vứt chiếc máy ảnh xuống đất chạy nhào tới.”

(Trích Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu)

Câu 1. Nêu những ý chính của đoạn văn trên?

Câu 2. Xác định những phương thức biểu đạt trong đoạn văn trên?

Câu 3. Viết một đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ của anh (chị) về tâm trạng và hành động của nhân vật xưng tôi trong đoạn văn ?

GỢI Ý ĐÁP ÁN

Câu 1 :

– Người đàn ông đánh người đàn bà dã man.

– Người đàn bà cam chịu một cách nhẫn nhục.

– Tâm trạng và hành động của nhân vật tôi.

Câu 2 :

Các phương thức biểu đạt :

– Tự sự: kể lại những sự việc mà nhân vật tôi chứng kiến.

– Miêu tả: hành động, tâm trạng của các nhân vật.

– Biểu cảm: bộc lộ cảm xúc của các nhân vật.

Câu 3 : (1 điểm)

Thí sinh có thể trình bày theo những cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý sau :

– Tâm trạng kinh ngạc vì sự việc diễn ra quá bất ngờ và ngoài tưởng tượng của nghệ sĩ Phùng.

– Hành động xuất phát từ tình yêu thương con người của người nghệ sĩ.

(lưu ý : Với câu 1 và 2, thí sinh có thể viết thành đoạn văn hoặc trình bày các ý theo cách gạch đầu dòng ; với câu 3, thí sinh phải viết thành một đoạn văn hoàn chỉnh thì mới đạt điểm tối đa).

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Bộ đề đọc hiểu Chiếc thuyền ngoài xa (Có đáp án) Các đề đọc hiểu bài Chiếc thuyền ngoài xa của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *