Bạn đang xem bài viết ✅ Bộ đề đọc hiểu Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Có đáp án) 3 Đề đọc hiểu Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Bộ đề đọc hiểu Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật gồm 3 đề, có đáp án kèm theo, giúp các em học sinh có thêm tài liệu ôn tập, rèn thật tốt kỹ năng trả lời các câu hỏi trong phần đọc hiểu đề thi vào lớp 10 năm 2022 – 2023 sắp tới.

Bài thơ về tiểu đội xe không kính

Bên cạnh đó, có thể tham khảo bộ đề đọc hiểu Cảnh ngày xuân, Mùa xuân nho nhỏ, Đoàn thuyền đánh cá, Sang thu để vận dụng cách hiểu, tư duy, nhanh chóng trả lời những câu hỏi đề đọc hiểu thi vào lớp 10 năm 2022 – 2023. Vậy mời các em cùng tải miễn phí 3 đề đọc hiểu Bài thơ về tiểu đội xe không kính trong bài viết dưới đây của Wikihoc.com:

Đề đọc hiểu Bài thơ về tiểu đội xe không kính – Đề 1

Đọc khổ thơ sau và trả lời câu hỏi:

Không có kính, rồi xe không có đèn,
Không có mui xe, thùng xe có xước,
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:
Chỉ cần trong xe có một trái tim

Câu 1: Dấu hai chấm cuối dòng thơ thứ ba của khổ thơ trên có tác dụng gì?

Câu 2: Câu thơ cuối của khổ thơ trên sử dụng biện pháp tu từ gì? Có thể hiểu như thế nào?

Câu 3: Nêu ý nghĩa của hình ảnh “trái tim” trong việc thể hiện vẻ đẹp người lính lái xe.

Câu 4: Phân tích biện pháp tu từ của khổ thơ trên.

Đáp án đề đọc hiểu Bài thơ về tiểu đội xe không kính

Câu 1: Dấu hai chấm cuối dòng thơ thứ ba của khổ thơ trên có tác dụng giải thích cho nội dung của dòng thơ thứ hai trước đó.

Câu 2: Câu thơ cuối của khổ thơ trên sử dụng biện pháp tu từ hoán dụ ở hình ảnh “trái tim”.

Từ “Trái tim” trong câu thơ cuối cùng có thể hiểu theo nghĩa chuyển:

  • Chỉ người lính lái xe.
  • Chỉ sự nhiệt tình cứu nước, lòng yêu nước nồng nàn, quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Câu 3: Ý nghĩa của hình ảnh “trái tim” trong việc thể hiện vẻ đẹp người lính lái xe là:

  • Hình ảnh trái tim được hiểu theo nghĩa ẩn dụ và hoán dụ: trái tim tượng trưng cho tâm hồn và phẩm chất của người chiến sĩ lái xe. Trái tim nồng cháy một lẽ cao đẹp thiêng liêng: tất cả vì miền Nam thân yêu, trái tim chứa đựng bản lĩnh, chất ngang tàng, lòng dũng cảm cùng tinh thần lạc quan vào ngày thống nhất.
  • Trái tim trở thành nhãn tự toàn bài thơ, hội tụ tất cả vẻ đẹp của tinh thần, ý chí của người lính lái xe cũng như để lại cảm xúc sâu lắng trong lòng người đọc.
  • Trái tim thay thế cho tất cả những thiếu thốn trên xe “không kính, không đèn, không mui”, hợp nhất với tinh thần, ý chí của người lính lái xe không gì có thể ngăn cản, tàn phá được.
Tham khảo thêm:   Tập làm văn lớp 5: Tả cảnh bến xe hoặc bến tàu mà em biết (5 mẫu) Bài văn tả cảnh lớp 5

Câu 4: Biện pháp tu từ được sử dụng ở khổ thơ trên là: điệp ngữ và hoán dụ.

  • Biện pháp tu từ điệp ngữ: điệp từ không có 3 lần để nhấn mạnh thêm tính chất khốc liệt của chiến tranh làm cho chiếc xe biến dạng đến trần trụi tưởng chừng như chiếc xe không thể chạy được nữa.
  • Biện pháp tu từ hoán dụ :Lấy bộ phận để gọi toàn thể: “trái tim” chỉ người lính lái xe ở tuyến đường Trường Sơn những năm đánh Mỹ. Lấy cái cụ thể để gọi cái trừu tượng: “trái tim” chỉ tình yêu Tổ quốc lớn lao, như máu thịt, như mẹ cha, như vợ, như chồng… chỉ khát khao giải phóng miền Nam thống nhất đất nước của người lính.

Đề đọc hiểu Bài thơ về tiểu đội xe không kính – Đề 2

Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:

Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật, bom rung, kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi,
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.
Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Thấy con đường chạy thẳng vào tim

Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa, như ùa vào buồng lái.
(…) Không có kính, ừ thì ướt áo,
Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời
Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng, gió lùa mau khô thôi..
Những chiếc xe từ trong bom rơi
Đã về đây họp thành tiểu đội
Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới
Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.

(Bài thơ về Tiểu đội xe không kính – Phạm Tiến Duật)

Câu 1. Những hình ảnh nào trong bài thơ nói lên tinh thần dũng cảm và lòng hăng hái của các chiến sĩ lái xe ?

Câu 2. Tình đồng chí, đồng đội của những người chiến sĩ được thể hiện trong những câu thơ nào?

Câu 3. Nội dung của ba khổ thơ đầu bài “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” là gì?

Câu 4. Hình ảnh những chiếc xe không có kính vẫn băng băng ra trận giữa bom đạn của kẻ thù gợi cho em cảm nghĩ gì?

Đáp án đề đọc hiểu Bài thơ về tiểu đội xe không kính

Câu 1: Những hình ảnh trong bài thơ nói lên tinh thần dũng cảm và lòng hăng hái của các chiến sĩ lái xe là:

Tham khảo thêm:   Cách mở khóa Aloy trong Genshin Impact

“Ung dung buồng lái ta ngồi,
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng”.

“Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi” nên người lái xe bị gió lùa “mắt đắng”, nhưng anh vẫn dũng mãnh phóng xe như bay suốt đêm ngày. Thật là hăng hái:

“Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa, như ùa vào buồng lái”.

Mưa rừng “mưa tuôn mưa xối”, người chiến sĩ như ngồi trong mưa, áo quần ướt hết, nhưng vẫn ngang tàng hăng hái:

“Chưa cần thay lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng, gió lùa mau khô thôi”.

Chữ “ừ ” trong câu thơ “Không có kính ừ thì ướt áo” đã thể hiện tinh thần dám chấp nhận mọi gian khổ hi sinh để hoàn thành nhiệm vụ chở vũ khí và lương thực… chi viện cho tiền phương.

Câu 2: Tình đồng chí, đồng đội của các chiến sĩ trong Tiểu đội xe không kính được thể hiện qua các từ ngữ: “họp thành”, “gặp”, “bắt tay” và trong các câu trong khổ thơ sau:

“Những chiếc xe từ trong bom rơi
Đã về đây họp thành tiểu đội
Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới
Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi”.

Câu 3: Nội dung chính của ba khổ thơ đầu là: Ba khổ thơ đầu gợi lên hình ảnh những chiếc xe không kính, và hình ảnh người lính lái xe trên trong tư thế hiên ngang, lạc quan, coi thường nguy hiểm tiến về phía trước.

Câu 4: Hình ảnh những chiếc xe không có kính vẫn băng băng ra trận giữa bom đạn của kẻ thù gợi cho em nhiều xúc động.

  • Cuộc chiến đấu chống Mĩ của nhân dân ta, cũng như của các chiến sĩ lái xe trên con đường chiến lược Trường Sơn là vô cùng dữ dội và ác liệt.
  • Những chiến sĩ lái xe rất ngoan cường dũng cảm, hăng hái, lạc quan bất chấp mọi gian khổ hi sinh, quyết tâm chi viện cho chiến trường miền Nam, vì thống nhất đất nước.
  • Những chiến sĩ lái xe đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cho chúng ta noi gương học tập.

Đề đọc hiểu Bài thơ về tiểu đội xe không kính – Đề 3

Đọc khổ thơ sau:

Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.
Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa, như ùa vào buồng lái.

(Trích Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Ngữ văn 9, tập 1)

Câu 1: Nêu tên tác giả và hoàn cảnh sáng tác bài thơ

Câu 2: Bài thơ xây dựng được hình tượng thơ rất độc đáo – những chiếc xe không kính. Nêu ý nghĩa của việc xây dựng hình tượng thơ trên.

Tham khảo thêm:   Văn mẫu lớp 12: Suy nghĩ về vấn đề giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc 3 đoạn văn mẫu lớp 12

Câu 3: Có ý kiến cho rằng bài thơ hấp dẫn ngày từ nhan đề độc đáo. Em có đồng ý với ý kiến trên không? Tại sao?

Câu 4: Dựa vào đoạn thơ trên, hãy viết đoạn văn khoảng 10 câu lập luận theo cách diễn dịch để thấy được vẻ đẹp tâm hồn của người lính lái xe. Trong đoạn có sử dụng lời dẫn trực tiếp và phép nối liên kết câu.

Đáp án đề đọc hiểu Bài thơ về tiểu đội xe không kính

Câu 1: Đoạn thơ trên được trích trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật

Hoàn cảnh sáng tác bài thơ: Bài thơ sáng tác năm 1969 trên tuyến đường Trường Sơn, trong thời kì kháng chiến chống Mĩ diễn ra ác liệt. Bài thơ thuộc chùm thơ được tặng giải Nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ năm 1969, in trong tập “Vầng trăng quầng lửa”.

Câu 2: Ý nghĩa của việc xây dựng hình tượng của những chiếc xe không kính là: một hình ảnh rất thực, không hiếm trên tuyến đường Trường Sơn trong những năm tháng kháng chiến chống Mĩ. Là hình ảnh đặc sắc, độc đáo trong thơ Phạm Tiến Duật nói riêng và thơ ca kháng chiến chống Mĩ nói chung. Nó vừa là biểu tượng cho sự tàn phá của chiến tranh, lại vừa là hình ảnh đẹp đẽ, nên thơ ngay trong cuộc chiến ác liệt.

Câu 3: Bài thơ độc đáo ngay từ nhan đề tác phẩm.

  • Nhan đề tưởng dài, tưởng như có chỗ thừa nhưng thu hút người đọc bởi vẻ độc đáo, lạ lẫm của nó.
  • Bài thơ làm nổi bật hình ảnh độc đáo: Những chiếc xe không kính.
  • Hai chữ bài thơ thêm vào cho thấy lăng kính nhìn hiện thực khốc liệt của chiến tranh, chất thơ của tuổi trẻ, hiên ngang, bất khuất, dũng cảm vượt qua thiếu thốn, gian khổ nguy hiểm của thời chiến.

Câu 4: Gợi ý làm bài

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm, vẻ đẹp người lính trong đoạn thơ

– Phong thái ung dung, hiên ngang, dũng cảm:

  • Đảo ngữ: tô đậm sự ung dung, bình thản, điềm tĩnh đến kì lạ.
  • Điệp từ “nhìn”, thủ pháp liệt kê và lối miêu tả nhìn thẳng, không né tránh gian khổ, hy sinh, sẵn sàng đối mặt với gian nan, thử thách.
  • Tinh thần lạc quan, sôi nổi, tinh nghịch, trẻ trung.
  • Giọng thơ tếu nhộn, hài hước: “Không có”, “ừ thì có”.
  • Hiện thực: gió, bụi vốn khắc nghiệt bỗng mờ đi dưới sắc thái tươi vui, hóm hỉnh.
  • Cái nhìn lạc quan vào hiện thực.

⟹ Họ là đại diện tiêu biểu cho thế hệ trẻ thời kì kháng chiến chống Mỹ.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Bộ đề đọc hiểu Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Có đáp án) 3 Đề đọc hiểu Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *