Bạn đang xem bài viết ✅ Bài tuyên truyền về Luật trẻ em (2 Mẫu) Mẫu bài tuyên truyền giáo dục Luật trẻ em ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Bài tuyên truyền về Luật trẻ em gồm 2 mẫu, nhằm tuyên truyền phổ biến thực hiện hiệu quả các chính sách liên quan đến trẻ em.

Qua đó nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân và cả cộng đồng thực hiện các quyền trẻ em, chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em dưới mọi hình thức. Bên cạnh đó các bạn tham khảo thêm Bộ câu hỏi trắc nghiệm về Luật trẻ em. Vậy sau đây là 2 mẫu bài tuyên truyền, mời các bạn cùng theo dõi tại đây.

Bài tuyên truyền về Luật trẻ em – Mẫu 1

“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” là câu nói bao hàm đầy đủ ý nghĩa về trẻ em . Đấy là tương lai của nhân loại, của thế giới, của mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng và mỗi gia đình. Vì vậy nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên và nhi đồng là trách nhiệm của toàn xã hội. Liên hợp quốc đã thông báo rằng: “Trẻ em có quyền được chăm sóc và giúp đỡ đặc biệt, tất cả trẻ em trong hay ngoài giá thú đều được hưởng sự bảo trợ xã hội như nhau”. Nhiều thập kỷ qua, việc chăm sóc trẻ em ở hầu hết các quốc gia trên thế giới đã được quan tâm ở những mức độ khác nhau, song do các yếu tố chủ quan và khách quan như thiên tai, mất mùa, chiến tranh, hoặc do trình độ dân trí thấp trẻ em vẫn còn phải gánh chịu những nỗi đau, những thiệt thòi, trẻ em vẫn bị đói rét và vẫn bị giết hại trong những cuộc chiến, thậm chí vẫn bị bắt buộc cầm súng ra trận, hoặc phải tự lao động nuôi thân quá sớm, hoặc bị mua bán, xâm hại

Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em, vào ngày 20/2/1990. Vào ngày 5-4-2016 tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã biểu quyết thông qua Luật Trẻ em 2016 thay thế Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004. Theo đó, Luật Trẻ em năm 2016 gồm 7 chương với 106 điều. Luật đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, thúc đẩy việc thực hiện ngày càng tốt hơn những quyền cơ bản của trẻ em mà Việt Nam là một trong các quốc gia phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em của Liên hiệp quốc. Luật trẻ em đã kế thừa những quy định cơ bản của Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, đồng thời sửa đổi, bổ sung rất nhiều quy định mới nhằm cụ thể hóa Hiến pháp 2013, Công ước Quyền trẻ em và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội, phát triển của trẻ em trong giai đoạn hiện nay. Được đổi tên từ Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Trẻ em phản ánh đầy đủ hơn nội dung và phạm vi của Luật. Tên gọi mới này vừa ngắn gọn vừa phản ảnh đầy đủ hơn nội dung và phạm vi điều chỉnh của luật về đối tượng đặc thù là trẻ em.

Luật Trẻ em gồm 7 chương với 106 điều (tăng 2 Chương và 46 điều so với Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004), cụ thể:

Chương I về Quy định chung; gồm 11 điều từ điều 1 đến điều 11

Chương II về Quyền và Bổn phận của trẻ em gồm 30 điều từ (từ điều 12 đến điều 41),

Chương III về chăm sóc và giáo dục trẻ em; gồm từ 5 điều từ điều 42 đến điều 46

Chương IV về Bảo vệ trẻ em gồm 27 điều từ điều 47 đến điều 73

Chương V. Về sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em gồm 5 điều từ điều 74 đến điều 78

Chương VI. về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em gồm 24 điều từ điều 79 đến điều 102

Chương VII. Điều khoản thi hành gồm 4 điều từ điều 103 đến điều 106.

Luật Trẻ em có một số nội dung cơ bản, như sau:

Thứ nhất, về tên gọi, Luật trẻ em thay cho tên cũ là Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004. Tên mới mang tính chất khái quát, có phạm vi rộng, cho phép chứa đựng được đầy đủ hơn các nội dung hoạt động liên quan quyền trẻ em.

Về định nghĩa Trẻ em, không quy định giới hạn là công dân mà thay bằng từ là Người dưới 16 tuổi. Quy định này có nghĩa mở rộng đối tượng áp dụng của Luật không chỉ trẻ em là công dân Việt Nam mà còn bao gồm cả trẻ em là người nước ngoài không phải công dân Việt Nam nhưng đang cư trú tại Việt Nam.

Luật cũng bổ sung các khái niệm mới về bảo vệ trẻ em như: Chăm sóc thay thế, người chăm sóc trẻ em; xâm hại trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực trẻ em; bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em; giám sát việc thực hiện quyền trẻ em. Những khái niệm mới này nhằm thống nhất nhận thức, tạo cơ sở chuẩn mực pháp lý trong việc đánh giá các hành vi của xã hội trước thực tiễn hiện nay, cụ thể:

Bảo vệ trẻ em là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Phát triển toàn diện của trẻ em là sự phát triển đồng thời cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và mối quan hệ xã hội của trẻ em.

Chăm sóc thay thế là việc tổ chức, gia đình, cá nhân nhận trẻ em về chăm sóc, nuôi dưỡng khi trẻ em không còn cha mẹ; trẻ em không được hoặc không thể sống cùng cha đẻ, mẹ đẻ; trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa, xung đột vũ trang nhằm bảo bảo sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Người chăm sóc trẻ em là người đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc trẻ em, bao gồm người giám hộ của trẻ em; người nhận chăm sóc thay thế hoặc người được giao trách nhiệm cùng với cha, mẹ của trẻ em cấp dưỡng, chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

Xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác.

Tham khảo thêm:   Soạn bài Ôn tập trang 109 Chân trời sáng tạo Ngữ văn lớp 11 trang 109 sách Chân trời sáng tạo tập 1

Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.

Bóc lột trẻ em là hành vi bắt trẻ em lao động trái quy định của pháp luật về lao động; trình diễn hoặc sản xuất sản phẩm khiêu dâm; tổ chức, hỗ trợ hoạt động du lịch nhằm mục đích xâm hại tình dục trẻ em; cho, nhận hoặc cung cấp trẻ em để hoạt động mại dâm và các hành vi khác sử dụng trẻ em để trục lợi.

Xâm hại tình dục trẻ em là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức.

Bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em là hành vi của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.

Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là trẻ em không đủ điều kiện thực hiện được quyền sống, quyền được bảo vệ, quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng, quyền học tập, cần có sự hỗ trợ, can thiệp đặc biệt của Nhà nước, gia đình và xã hội để được an toàn, hòa nhập gia đình, cộng đồng.

Giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em là việc xem xét, đánh giá hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan về trách nhiệm bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các ý kiến, kiến nghị của trẻ em, bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Thứ hai, Về quyền của trẻ em: Từ điều 12 đến điều 46, bao gồm 25 điều về các nhóm quyền cuả trẻ em và 5 điều về bổn phận của trẻ em Các điều được sắp xếp theo 4 nhóm quyền cơ bản của trẻ em về sống, phát triển, bảo vệ và tham gia. Những quy định này kế thừa Luật BVCS và GD TE năm 2004, nhưng có bổ sung 13 điều quy định mới nhằm cụ thể hóa quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013 và Bộ luật Dân sự năm 2015, đồng thời làm hài hòa với Công ước quyền trẻ em và phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay.

Luật trẻ em năm 2016, kế thừa Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, các bổn phận của trẻ em được quy định cụ thể phù hợp với chế định về nghĩa vụ công dân của Hiến pháp 2013, trẻ em có bổn phận đối với gia đình, nhà trường, cộng đồng, xã hội, quê hương, đất nước. Đặc biệt (điều 41) quy định về bổn phận đối với bản thân trước khi có trách nhiệm với người khác, các em cần biết quý trọng giá trị của bản thân và có trách nhiệm tự bảo vệ mình.

Thứ ba, về chăm sóc và giáo dục trẻ em được quy định từ điều 42 đến điều 46 bao gồm các quy định có tính nguyên tắc, tổng quát về chính sách của nhà nước nhằm bảo đảm về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, làm cơ sở cho hoạch định chính sách bảo đảm thực hiện các nhóm quyền và phát triển của trẻ em.

Về bảo đảm chăm sóc, Luật trẻ em năm 2016 quy định mang tính nguyên tắc về các biện pháp cơ bản nhằm bảo đảm sự bình đẳng trong cơ hội tiếp cận với chăm sóc, giáo dục sức khỏe. Trong đó có quy định chính sách đối với trẻ trong giai đoạn đầu đời (thông qua thực hiện các biện pháp chăm sóc bà mẹ mang thai), chăm sóc sức khỏe ban đầu, đặc biệt chăm sóc trẻ em dưới 36 tháng tuổi; vấn đề phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục phù hợp với độ tuổi theo quy định của pháp luật; xóa bỏ phong tục, tập quán có hại, ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em; (ưu tiên đối với các vùng khó khăn, miền núi, các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt), để trẻ em được tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh và điều kiện vệ sinh cơ bản. Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho trẻ em theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế phù hợp với độ tuổi, (điều 43)

Thứ tư, về bảo vệ trẻ em (từ điều 47 đến điều 73), khắc phục hạn chế của Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, chưa quy định một cách rõ ràng các biện pháp bảo vệ trẻ em ba cấp độ, Luật trẻ em năm 2016 quy định cụ thể biện pháp bảo vệ trẻ em từ phòng ngừa, hỗ trợ đến can thiệp cùng với trách nhiệm thực hiện của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân để bảo đảm trẻ em được an toàn, được hỗ trợ và can thiệp kịp thời khi có nguy cơ hoặc đang bị xâm hại. Luật cũng quy định các loại hình, điều kiện hoạt động, thẩm quyền thành lập, cấp đăng ký, đình chỉ, chấm dứt hoạt động đối với cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em. Ngoài ra, Luật còn quy định việc áp dụng các hình thức chăm sóc thay thế đối với trẻ em nhằm bảo đảm trẻ em được sống trong môi trường gia đình và được chăm sóc thay thế khi bị mất môi trường gia đình hoặc không thể cùng cha đẻ, mẹ đẻ.

Luật Trẻ em quy định cụ thể các nội dung về các cấp độ bảo vệ trẻ em (phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp) và trách nhiệm thực hiện; cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; chăm sóc thay thế; các biện pháp bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng.

Một trong những điểm mới nổi bật của luật Trẻ em là quy định cụ thể các yêu cầu bảo vệ trẻ em; các cấp độ bảo vệ trẻ em; trách nhiệm cung cấp, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em; cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; chăm sóc thay thế; các biện pháp bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng.

Có cấp độ bảo vệ trẻ em đó là phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp. Các biện pháp bảo vệ này được quy định một cách cụ thể, cùng với trách nhiệm thực hiện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để bảo đảm trẻ em được an toàn, được hỗ trợ và can thiệp kịp thời khi có nguy cơ hoặc đang bị xâm hại.

Quy định về chăm sóc thay thế nhằm bảo đảm trẻ em được sống trong môi trường gia đình và được chăm sóc thay thế khi không còn trong môi trường đó hoặc không thể sống cùng cha đẻ, mẹ đẻ vì sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Tham khảo thêm:   Mẹo và thủ thuật chơi Stardew Valley ai cũng cần biết

Trên cơ sở hệ thống hóa các nguyên tắc áp dụng đối với người chưa thành niên trong quá trình tố tụng và xử lý vi phạm hành chính theo các văn bản pháp luật hiện hành, luật đã cụ thể hóa các biện pháp bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng.

Các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp được quy định cụ thể, cùng với trách nhiệm thực hiện của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc bảo vệ trẻ em. Luật quy định các loại hình cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em ở cả ba cấp độ, không chỉ dừng lại ở việc can thiệp đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Luật Trẻ em quy định cụ thể trách nhiệm của người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã.

Quy định về chăm sóc thay thế nhằm đảm bảo trẻ em được sống trong môi trường gia đình và được chăm sóc thay thế khi bị mất môi trường gia đình hoặc không thể sống cùng cha đẻ, mẹ để vì sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Tại Chương IV của Luật Trẻ em quy định các biện pháp bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng. Nội dung này được xây dựng trên cơ sở hệ thống hóa các nguyên tắc áp dụng đối với người chưa thành niên trong quá trình tố tụng và xử lý vi phạm hành chính được quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành, đồng thời bổ sung các nguyên tắc được quy định tại Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em và các điều ước quốc tế về tư pháp đối với trẻ em mà Việt Nam là thành viên.

Thứ năm, về quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em (từ điều 74 đến điều 78), Luật quy định phạm vi, hình thức trẻ em tham gia vào các vấn đề về trẻ em và các biện pháp bảo đảm sự tham gia của trẻ em trong gia đình cũng như bảo đảm sự tham gia của trẻ em trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác. Đặc biệt Luật trẻ em năm 2016 quy định điều 77 về tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em là Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và cũng là tổ chức giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em. Luật trẻ em năm 2016 quy định (điều 79 đến điều 102) cụ thể trách nhiệm chủ trì, trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân và cơ sở giáo dục trong việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em; việc tổ chức phối hợp liên ngành giữa các cơ quan, tổ chức, giữa các địa phương trong việc giải quyết các vấn đề trẻ em, thực hiện quyền trẻ em.

Để triển khai thi hành Luật trẻ em, Chính phủ đã ban hành Nghị định 56/2017/NĐ-CP để hướng dẫn thực hiện Luật trẻ em, và còn tiếp tục ban hành những thông tư hướng dẫn trong thời gian tới./.

Bài tuyên truyền về Luật trẻ em – Mẫu 2

“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” luôn là câu châm ngôn trong việc khẳng định mạnh mẽ sự cần thiết và quan trọng của việc chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em – những chủ nhân tương lai của nhân loại. Ở Việt Nam, quyền trẻ em đã và đang được toàn xã hội hết sức quan tâm. Đặc biệt là trong tình hình hiện nay, khi xảy ra không ít những vụ việc xâm hại đến trẻ em gây nên nỗi bất an và lo lắng cho gia đình, nhà trường và xã hội.

Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em, vào ngày 20/2/1990.

Vào ngày 5 tháng 4 năm 2016 tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã biểu quyết thông qua Luật Trẻ em 2016 thay thế Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của năm 2004. Tên gọi mới này vừa ngắn gọn vừa phản ảnh đầy đủ hơn nội dung và phạm vi điều chỉnh của luật về đối tượng đặc thù là trẻ em.

Luật Trẻ em gồm 7 chương với 106 điều cụ thể như sau:

Chương I về Quy định chung; gồm 11 điều từ điều 1 đến điều 11

Chương II Quy định về Quyền và Bổn phận của trẻ em gồm 30 điều từ (từ điều 12 đến điều 41),

Chương III Quy định về chăm sóc và giáo dục trẻ em; gồm từ 5 điều từ điều 42 đến điều 46

Chương IV Quy định về Bảo vệ trẻ em gồm 27 điều từ điều 47 đến điều 73

Chương V. Quy định về sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em gồm 5 điều từ điều 74 đến điều 78

Chương VI. Quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em gồm 24 điều từ điều 79 đến điều 102

Chương VII. Quy định về điều khoản thi hành gồm 4 điều từ điều 103 đến điều 106.

Luật Trẻ em năm 2016 có một số nội dung cơ bản, như sau:

Thứ nhất, khái niệm về trẻ em.

Theo Điều 1, Luật Trẻ em quy định: Trẻ em là người dưới 16 tuổi.

Thứ hai, các hành vi bị nghiêm cấm

Theo Điều 6, Luật trẻ em quy định các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm:

Bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em; xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em… Theo quy định tại Khoản 2 Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015 thì: Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể con, cháu là người dưới 16 tuổi thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

– Điều 6 Luật Trẻ em 2016 quy định, nghiêm cấm các hành vi bán cho trẻ em hoặc cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác, thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em… Khoản 2 Điều 251 Bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định: Người nào bán ma túy cho người dưới 16 tuổi thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

Thứ ba, quy định về trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 10, Luật Trẻ em quy định 14 nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt bao gồm:

Trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ; Trẻ em bị bỏ rơi; Trẻ em không nơi nương tựa; Trẻ em khuyết tật; Trẻ em nhiễm HIV/AIDS; Trẻ em vi phạm pháp luật; Trẻ em nghiện ma túy; Trẻ em phải bỏ học kiếm sống chưa hoàn thành phổ cập giáo dục THCS; Trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần do bị bạo lực; Trẻ em bị bóc lột; Trẻ em bị xâm hại tình dục; Trẻ em bị mua bán; Trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh phải điều trị dài ngày thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo;

Tham khảo thêm:   Soạn bài Chiếc mũ miện dát đá Be-rô Chân trời sáng tạo Ngữ văn lớp 9 trang 33 sách Chân trời sáng tạo tập 2

Trẻ em di cư, trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha mẹ hoặc không có người chăm sóc.

Thứ năm, quy định cụ thể các quyền cơ bản của trẻ em

Theo quy định từ Điều 12 đến Điều 36 ở chương 2 của Luật Trẻ em có 25 nhóm quyền của trẻ em như sau:

  • Quyền sống;
  • Quyền được khai sinh và có quốc tịch;
  • Quyền được chăm sóc sức khỏe;
  • Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng;
  • Quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu;
  • Quyền vui chơi, giải trí;
  • Quyền giữ gìn, phát huy bản sắc;
  • Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo;
  • Quyền về tài sản;
  • Quyền bí mật đời sống riêng tư;
  • Quyền được sống chung với cha, mẹ;
  • Quyền được đoàn tụ, liên hệ và tiếp xúc với cha, mẹ;
  • Quyền được chăm sóc thay thế và nhận làm con nuôi;
  • Quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục;
  • Quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động;
  • Quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc;
  • Quyền được bảo vệ để không bị mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt;
  • Quyền được bảo vệ khỏi chất ma túy;
  • Quyền được bảo vệ trong tố tụng và xử lý vi phạm hành chính;
  • Quyền được bảo vệ khi gặp thiên tai, thảm họa, ô nhiễm môi trường, xung đột vũ trang;
  • Quyền được bảo đảm an sinh xã hội;
  • Quyền được tiếp cận thông tin và tham gia hoạt động xã hội; Quyền được bày tỏ ý kiến và hội họp;
  • Quyền của trẻ em khuyết tật;
  • Quyền của trẻ em không quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn.

Thứ sáu, các quy định về bổn phận của trẻ em

Theo quy định từ Điều 37 đến Điều 41 ở chương 2 của Luật Trẻ em có 05 nhóm bổn phận của trẻ em như sau:

Bổn phận của trẻ em đối với gia đình;

Bổn phận của trẻ em đối với nhà trường, cơ sở trợ giúp xã hội và cơ sở giáo dục khác;

Bổn phận của trẻ em đối với cộng đồng, xã hội;

Bổn phận của trẻ em đối với quê hương, đất nước;

Bổn phận của trẻ em với bản thân.

Thứ bảy, quy định về chăm sóc và giáo dục trẻ em

Luật Trẻ em 2016, tại chương 3 quy định về chăm sóc và giáo dục trẻ em gồm có 5 điều cơ bản, cụ thể:

– Bảo đảm về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em;

– Bảo đảm về chăm sóc sức khỏe trẻ em;

– Bảo đảm về giáo dục cho trẻ em;

– Bảo đảm về điều kiện vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch cho trẻ em;

– Bảo đảm thông tin, truyền thông cho trẻ em

Thứ tám, quy định về các cấp độ bảo vệ trẻ em

Luật Trẻ em 2016 quy định trẻ em được bảo vệ theo 03 cấp độ, cụ thể:

– Cấp độ phòng ngừa: Gồm các biện pháp áp dụng với cộng đồng, gia đình và mọi trẻ em nhằm nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức về bảo vệ trẻ em, xây dựng môi trường an toàn, giảm nguy cơ trẻ em bị xâm hại. (Điều 48).

– Cấp độ hỗ trợ: Gồm các biện pháp áp dụng với trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi hoặc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhằm kịp thời phát hiện, giảm, loại bỏ nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em. (Điều 49).

– Cấp độ can thiệp: Gồm các biện pháp áp dụng đối với trẻ em và gia đình trẻ em bị xâm hại nhằm ngăn chặn hành vi xâm hại; chăm sóc phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Thứ chín, trách nhiệm của cha mẹ và các thành viên trong gia đình đối với trẻ em

Theo Điều 75, Luật trẻ em quy định cha mẹ và các thành viên trong gia đình có trách nhiệm sau đây:

Tôn trọng, lắng nghe, xem xét, phản hồi, giải thích ý kiến, nguyện vọng của trẻ em phù hợp với độ tuổi, sự phát triển của trẻ em và điều kiện, hoàn cảnh của gia đình;

Tạo điều kiện, hướng dẫn trẻ em tiếp cận các nguồn thông tin an toàn, phù hợp với độ tuổi, giới tính và sự phát triển toàn diện của trẻ em;

Tạo điều kiện để trẻ em được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng đối với những quyết định, vấn đề của gia đình liên quan đến trẻ em;

Không cản trở trẻ em tham gia các hoạt động xã hội phù hợp, trừ trường hợp vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Thứ mười, trách nhiệm của Nhà trường, cơ sở giáo dục khác đối với trẻ em

Theo Điều 76, Luật Trẻ em quy định Nhà trường, cơ sở giáo dục khác có trách nhiệm sau đây:

Tổ chức và tạo điều kiện để trẻ em được tham gia các hoạt động Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, câu lạc bộ, đội, nhóm của trẻ em trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác; các hoạt động ngoại khóa, hoạt động xã hội;

Cung cấp thông tin chính sách, pháp luật và quy định về giáo dục có liên quan đến học sinh; công khai thông tin về kế hoạch học tập và rèn luyện, chế độ nuôi dưỡng và các khoản đóng góp theo quy định;

Tạo điều kiện để trẻ em được kiến nghị, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về chất lượng dạy và học; quyền, lợi ích chính đáng của trẻ em trong môi trường giáo dục và những vấn đề trẻ em quan tâm;

Tiếp nhận ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng của trẻ em, giải quyết theo phạm vi trách nhiệm được giao hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để xem xét, giải quyết và thông báo kết quả giải quyết đến trẻ em.

Thứ mười một, Trách nhiệm của gia đình, cá nhân và cơ sở giáo dục đối với trẻ em.

Theo quy định từ Điều 96 đến Điều 102 Luật Trẻ em quy định gia đình, cá nhân và cơ sở giáo dục có những nhóm trách nhiệm sau:

– Bảo đảm cho trẻ em được sống với cha, mẹ;

– Khai sinh cho trẻ em;

– Chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em;

– Bảo đảm quyền học tập, phát triển năng khiếu, vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch của trẻ em;

– Bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự, bí mật đời sống riêng tư của trẻ em;

– Bảo đảm quyền dân sự của trẻ em;

– Quản lý trẻ em và giáo dục để trẻ em thực hiện được quyền và bổn phận của trẻ em;

Luật trẻ em 2016 đã kế thừa những quy định cơ bản của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, đồng thời sửa đổi bổ sung rất nhiều quy định mới nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, Công ước Quyền trẻ em và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội, sự phát triển của trẻ em trong giai đoạn hiện nay.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Bài tuyên truyền về Luật trẻ em (2 Mẫu) Mẫu bài tuyên truyền giáo dục Luật trẻ em của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *