Bài tuyên truyền tháng hành động bình đẳng giới gồm 2 mẫu, giúp các bạn có thêm tài liệu để tuyên truyền, nhằm góp phần hướng đến một xã hội tiến bộ, bình đẳng, văn minh. Mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây:
Bài tuyên truyền về bình đẳng giới – Mẫu 1
ĐỘI TNTP HỒ CHÍ MINH | …….., Ngày….. tháng…. năm 2020 |
BÀI TUYÊN TRUYỀN CỔ ĐỘNG
Nhân Tháng hành động Bình đẳng giới năm 2020
Kính thưa các thầy cô giáo và các bạn!
Bình đẳng giới là một trong những mục tiêu phấn đấu của các quốc gia trên thế giới nhằm hướng đến một xã hội tiến bộ, bình đẳng và phát triển bền vững.
Bình đẳng giới là nam giới và nữ giới cùng có vị thế bình đẳng và được tôn trọng như nhau; cùng được tạo điều kiện và cơ hội để phát huy khả năng và thực hiện các mong muốn của mình; cùng có cơ hội để tham gia, đóng góp và thụ hưởng từ các nguồn lực của xã hội và quá trình phát triển. Bình đẳng giới là bình đẳng về pháp luật, về cơ hội và các thành quả tạo ra, bao gồm sự bình đẳng trong việc tiếp cận nguồn lực, bình đẳng cho thù lao trong công việc, bình đẳng trong việc hưởng thụ các thành quả, bình đẳng trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến bản thân, gia đình và xã hội (bình đẳng trong tiếng nói).
Công ước quốc tế xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và các mục tiêu phát triển bền vững được các quốc gia cam kết thực hiện là bằng chứng rõ nét chứng tỏ phát triển kinh tế phải gắn liền với bình đẳng giới và đảm bảo tiến bộ xã hội.
Ở Việt Nam, vấn đề bình đẳng giới đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm và được đánh giá là một động lực và mục tiêu phát triển quốc gia. Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bình đẳng giới đã được cụ thể hóa trong Luật Bình đẳng giới do Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2006 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2007. Bên cạnh đó, ngày 24 tháng 12 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2351/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020. Chiến lược có mục tiêu tổng quát là: “Đến năm 2020, về cơ bản, bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước”.
Thực hiện chỉ đạo của Đảng, nhà nước về bình đẳng giới, từng bước hiện thực hóa các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, trong những năm qua, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình hành động và các chủ trương, chính sách về bình đẳng giới. Nhờ đó công tác bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, cuộc sống của phụ nữ, trẻ em gái đã được cải thiện đáng kể.
Quý thầy cô và các bạn thân mến!
Việc triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2020 với chủ đề: “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em” nhằm thu hút sự quan tâm, đề cao vai trò, trách nhiệm, tính chủ động tham gia hành động của các cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong việc phòng, chống bạo lực và xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em. Đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, vận động toàn xã hội chủ động, tích cực hành động nhằm thực hiện hiệu quả hơn các chính sách, chương trình về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa bạo lực, xâm hại cho phụ nữ và trẻ em, cho cha, mẹ, các thành viên trong gia đình, người làm công tác bình đẳng giới và bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Giảm thiểu tình trạng bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em; đẩy mạnh công tác phòng, ngừa, phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.
Buổi Lễ hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới hôm nay với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực gắn với chủ đề của Tháng hành động và nội dung hoạt động bình đẳng giới năm 2020 và những năm tiếp theo.
Hãy để thông điệp “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em” là phương châm hành động của mỗi chúng ta nhằm góp phần xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ, bình đẳng và phát triển bền vững./.
– Nhiệt liệt hưởng ứng ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11/2020 và Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2020.
– Bình đẳng giới là chìa khoá để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
– Chủ động phòng ngừa và ứng phó với bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em.
– Im lặng không phải là cách để bảo vệ bản thân và nạn nhân bị xâm hại. Hãy tố cáo hành vi bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em. Hãy hành động vì cộng đồng an toàn, bình đẳng, không bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.
– Xâm hại phụ nữ và trẻ em là tội ác nghiêm trọng. Pháp luật nghiêm trị mọi hành vi bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.
– Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương. Hạnh phúc sẽ tỏa sáng trong gia đình không có bạo lực.
Bài tuyên truyền về bình đẳng giới – Mẫu 2
Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Bình đẳng giới là bình đẳng về pháp luật, về cơ hội và các thành quả tạo ra, bao gồm bình đẳng trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến bản thân, gia đình và xã hội.
Bình đẳng giới trong gia đình có ý nghĩa quan trọng trong mọi thời đại, đặc biệt là trong điều kiện hiện đại hóa, công nghiệp hóa hiện nay. Bình đẳng giới trong gia đình là môi trường lành mạnh để con người, đặc biệt là trẻ em được đối xử bình đẳng, được giáo dục về quyền bình đẳng, được hành động bình đẳng; là tiền đề quan trọng cho sự thành công trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em; góp phần tăng chất lượng cuộc sống của các thành viên gia đình, góp phần tăng trưởng kinh tế đất nước; góp phần giải phóng phụ nữ và góp phần xây dựng thể chế gia đình bền vững.
Trong những năm qua, Đảng và nhà nước ta đã không ngừng hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về quyền bình đẳng trên lĩnh vực bình đẳng giới như: Luật hôn nhân và gia đình, Luật bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình…mà trọng tâm là Luật bình đẳng giới và thông qua các công ước quốc tế như công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, công ước Liên hiệp quốc về quyền trẻ em… nhờ đó mà phụ nữ và trẻ em đều được bảo vệ.
Tuy nhiên, định kiến giới và tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại khá phổ biến ở trong gia đình và một bộ phận dân cư trong xã hội. Trên thực tế, thời gian làm việc của phụ nữ trong gia đình thường dài hơn nam giới, nam giới vẫn được coi là trụ cột gia đình, có quyền quyết định các vấn đề lớn và là người đại diện ngoài cộng đồng. Còn các công việc nội trợ, chăm sóc các thành viên trong gia đình thường được coi là “thiên chức” của phụ nữ.
Hiện tượng bất bình đẳng vẫn phổ biến ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc phụ nữ là lao động chính song lại không có tiếng nói trong gia đình. Những người đàn ông thường giành thời gian cho việc làng, việc nước, họ hàng, rồi rượu chè, các tệ nạn xã hội… nên gánh nặng gia đình cũng như cường độ lao động và sự vất vả đều dồn lên đôi vai người phụ nữ.
Nguyên nhân trên do một bộ phận xã hội hiểu không đúng về bình đẳng và bình đẳng giới, còn quan niệm cho rằng bình đẳng giới là ưu tiên cho phụ nữ và việc thực hiện bình đẳng giới là trách nhiệm của Uỷ ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ và của Hội phụ nữ VN. Nhận thức mang tính định kiến giới còn tồn tại trong xã hội, nhất là lãnh đạo, cán bộ, công chức và nam giới…
Để đẩy mạnh việc thực hiện bình đẳng trong các gia đình: với chủ đề: “Chung tay xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”
Chúng ta cần làm tốt những thông điệp tuyên truyền sau:
1. Hướng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm ……….
2. Hưởng ứng ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ.
3. Phụ nữ và trẻ em gái hãy lên tiếng khi bị bạo lực.
4. Cùng chung tay để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
5. Chung tay xây dựng một xã hội không còn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
6. Bình đẳng giới là chìa khóa để xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
7. Hãy lên tiếng khi bạn chứng kiến bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
8. Đừng im lặng, hãy chia sẻ khi bạn là nạn nhân của bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
9. Bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái là vi phạm pháp luật.
10. Quyền của phụ nữ là quyền con người.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Bài tuyên truyền tháng hành động bình đẳng giới Tài liệu tuyên truyền về bình đẳng giới của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.