Bạn đang xem bài viết ✅ Bài dự thi Hà Nội trong tôi Cuộc thi viết “Hà Nội trong tôi” ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Cuộc thi viết “Hà Nội trong tôi” nhằm hướng tới kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội (1010 – 2020), thời gian nhận bài thi từ ngày 20/9 đến hết ngày 20/10/2020. Tác phẩm dự thi có thể là truyện ngắn, ký, ghi chép, có ảnh minh họa, trong đó mỗi bài dự thi không quá 2.000 chữ.

Bài dự thi Hà Nội trong tôi – Mẫu 1

Sinh ra ở Hà Nội, là người con của Hà Nội gốc, tôi từng vào Nam lập nghiệp khi ra trường. Nhưng đến khi vào Sài Gòn, tôi mới hiểu Sài Gòn không dành cho tôi, mà đúng ra là tôi không dành cho nơi ấy.

Tôi ngơ ngác giữa cái thành phố náo nhiệt và dường như không bao giờ ngủ này. Nhịp sống ở Sài Gòn luôn vận động ào ạt như thác lũ, nơi mọi người hối hả trong dòng đời mà dường như cũng không biết bao giờ mình sẽ dừng lại. Trái lại, Hà Nội có một sự bình thản và một nhịp sống vừa phải để không ai bị cuốn vào mà không có lối ra.

Mỗi thành phố có những nét đẹp riêng và những người sống ở đó cảm thấy yêu nó theo cách của riêng mình. Những người mới đến phải mở lòng mới thấy hết được vẻ đẹp của mỗi căn nhà, mỗi góc phố, con đường nơi họ đi qua.

Tôi yêu Hà Nội ở sự yên ả của những ngày thu ngập nắng, những ánh nắng thu vàng lúc chiều xuống, những con phố nhỏ thoang thoảng mùi hương hoa sữa, những hàng hoa lúc tinh sương, những cơn mưa rào ngúng nguẩy bất chợt ảnh hưởng bởi đợt gió mùa và những chiều đá bóng dưới mưa đến tối mịt để đi về trên những con đường ngập nước đặc trưng của Hà Nội.

Hà Nội giống như cô thôn nữ đang lớn và bắt đầu quen với cuộc sống hiện đại. Ngược lại, Sài Gòn lại mang dáng vẻ của cô tiểu thư đài các và xinh đẹp nhưng có một cuộc đời gian nan và truân chuyên. Mỗi thành phố có một cuộc sống của nó, tâm hồn của nó và những trăn trở riêng chung.

Ở Hà Nội, tôi bắt gặp ông lão tóc bạc ngả chiếc mũ phớt trên đầu và xuống dắt xe khi gặp đám tang đi qua. Tôi yêu Hà Nội ở những nếp ăn, nếp ở mà người mẹ dạy cô con gái mới lớn lời mời khi ăn cơm. Người Hà Nội ăn uống rất thanh tao, đủ no, và bữa ăn rất ít khi phát ra những âm thanh xì xụp mà trong các quán sá người ta thường nghe thấy. Yêu ở việc cô gái lớn khi về nhà chồng có thể chế biến và làm những món ăn cho bữa cơm gia đình ấm êm, hạnh phúc. Tôi còn yêu Hà Nội trong cái ngữ điệu mà người Hà Nội phát âm, cái giọng âm ấm đệm sau mỗi chữ “ạ” đặc trưng sao mà thân thương thế.

Nhiều người Hà Nội hiện tại có chung một suy nghĩ, thành phố bây giờ bẩn quá, ồn ã và nhếch nhác quá! Cái bụi bặm của thị thành và sự biến đổi nhanh chóng của cuộc sống dẫn đến những biến đổi lớn hơn về tâm hồn con người. Hà Nội không còn là chính nó, đã lai-căng đi nhiều, đã mất đi những nét quyến rũ mà bây giờ chỉ còn gợi lại những hoài niệm trong các bài hát về mùa thu của Trịnh Công Sơn, Phú Quang…

Tình yêu Hà Nội ấy đã thành một điều gì đó như là tiếc nuối. Có những lúc cáu gắt vì đường sá, vì điện nước, vì tắc đường, vì ô nhiễm, vì sự thay đổi nhanh chóng của chính sách chưa thật sự hợp lý, của xã hội và quan niệm khác nhau của mỗi người dân nhập cư khiến Hà Nội mất đi những nét yêu kiều. Để đến khi xa Hà Nội, lại thấy nhớ vô cùng. Nhớ những quán cà phê vỉa hè trên phố Bắc Ninh xưa (nay là Nguyễn Hữu Huân) ngồi nhâm nhi không thuốc lá với cậu bạn thân. Nhớ cả những buổi tối chớm thu tháng 8 cùng người yêu phóng xe dưới những gốc si già trên con đường Hoàng Diệu rợp bóng. Nhớ những lần nắm tay người ấy chen chân ra Tràng Tiền ăn một cây kem đậu xanh và chỉ biết câu chuyện về kem Tràng Tiền có từ bao giờ qua lời kể của bố. Nhớ những ổ gà trên những con đường chằng chịt sẹo, nhớ con phố Phan Huy Chú nhỏ, vắng mà chỉ có mình và người ấy mới hiểu tại sao bây giờ đó là kỷ niệm…

Tham khảo thêm:   Đề thi Violympic Toán lớp 6 vòng 1 năm 2016 - 2017 Đề thi giải Toán qua mạng lớp 6 có đáp án

Không hiểu sao, những bài hát hay về Hà Nội, nhất là mùa thu lại được viết ra bởi những người không phải quê gốc ở Hà Nội. Có những điều thật thú vị ở Hà Nội mà phải chú ý lắm mới có thể cảm nhận được. Tôi đã tê lòng khi đi làm về qua bờ Hồ và nghe những giai điệu bồi hồi của bài hát Hà Nội ngày trở về mà loa phường đang phát. Chẳng thể diễn tả được cảm xúc mà có lẽ, phải nghe lại ca khúc ấy, từng người mới thấu hiểu cảm xúc của mình mỗi khi đi xa, sau những chuyến công tác dài ngày.

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp có ca khúc Nhớ về Hà Nội, với ca từ nhẹ nhàng nhưng xúc động lòng người: “Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội”, nghe sao mà da diết đến nhường ấy. Tôi chẳng thể biết được, vài năm nữa, mình sẽ ra sao lúc thành phố sinh nhật nghìn tuổi và tình cảm của mình với nó có sứt mẻ hơn nữa hay không? Nhưng tôi tin là thành phố này vẫn còn biết bao những nét đẹp ta chưa tìm ra.

Những nét đẹp mà đôi khi phải tách khỏi cuộc sống hối hả ngày ngày, phải sống hết mình với nó, làm nó bớt nhếch nhác và luộm thuộm đi, mới có thể tìm ra, yêu hơn và thấu hiểu: “Hà Nội đẹp, vì chúng ta sống đẹp”

Bài dự thi Hà Nội trong tôi – Mẫu 2

Tôi gọi Hà Nội là thành phố đến từ kiếp trước của mình, bởi chỉ có thể gắn bó với nhau từ hàng nghìn, hàng vạn năm trước rồi thì đến kiếp này mới lưu luyến, nhớ nhung và yêu thương nhau đến thế. Tôi gọi đây là “mối tình” thiên thu bước ra từ trang sách, và Hà Nội của tôi là “người tình” không bao giờ chết, không bao giờ bỏ đi, không bao giờ phản bội. Nếu không yêu Hà Nội thì tôi chẳng còn biết yêu ai khác nữa…

Tôi sinh ra và lớn lên ở con ngõ nhỏ Khâm Thiên chật chội, nhưng ấm áp thương yêu. Nơi đó có chiếc loa phường cũ kỹ ru vỗ tuổi thơ tôi bằng những thanh âm đầy tự hào, nhưng cũng đầy nhớ nhung khắc khoải: “Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội”... Nơi đó có cây bàng già lá đỏ vẫn trìu mến nép mình bên vệ đường, gối tay vào mái hiên, cần mẫn bốn mùa luân chuyển thay lá ra hoa, hứng chịu bao nếp bụi thời gian, chứng kiến những hợp tan, biệt ly, hạnh phúc…

Nơi đó có con chim gõ kiến tóc xù líu ríu hồn nhiên trên những sợi dây điện chằng chịt, gật gù đón chào ngày mới và chớp mắt trú ngụ trên những tán bàng mỗi lúc đêm khuya. Dưới tán bàng bình yên ấy, bác thợ già làm nghề cắt tóc đã mấy chục năm nay, hiền từ ấm áp mỉm cười với tất cả mọi người, đuôi mắt bác đã hằn in nhiều nếp nhăn sâu của những vệt thời gian nhọc nhằn xuôi ngược. Tuy nhiên, ánh mắt bác vẫn ánh lên những tia sáng bình yên bao la của một con người nhiều niềm tin, biết chắt lọc niềm vui để nuôi dưỡng bình yên và chất lãng mạn đầy nghệ sĩ của mình…

Con ngõ nhỏ ấy của tôi còn là chứng nhân cho những mùi hương quen thuộc yêu thương, được kiến tạo bởi bàn tay và tâm hồn của bao thế hệ. Đó là mùi hương rộn ràng béo ngậy của những chiếc bánh nếp, bánh tẻ nội chăm chút làm cho cháu, cho con; là mùi phở gia truyền rộn lòng thơm ngon mỗi sớm mai của cô bán hàng đầu ngõ. Nơi mà mỗi độ Tết đến xuân về, con ngõ nhỏ lại ngập tràn mùi hương của những cánh hoa đào thoang thoảng dịu dàng trong những đợt gió đầu xuân. Mùi thơm nức mũi từ nồi chè kho cúng giao thừa của mẹ, mùi những chiếc lá dong an lành, thanh sạch, mùi hương chua chua quen thuộc của những lọ dưa món dưa hành thơm ngon, hay mùi hương trầm trên bàn thờ tổ tiên với lời khấn cầu rủ rỉ bình yên của bố… Tất cả là kỷ niệm dịu dàng được vẽ nên bằng những mùi hương từ ký ức.

Con ngõ nhỏ… Hà Nội… bình yên

Thành phố của tôi, tôi viết những dòng này khi đã rời xa Hà Nội. Tạm biệt “người tình” để đi đến những vùng đất mới, tôi không chỉ nhớ con ngõ tuổi thơ thanh bình ấy, mà còn mang trong mình nỗi nhớ nhung khắc khoải về những vòng xe xuyên thời gian đi qua tất cả mọi ngõ ngách con đường Hà Nội. Nỗi nhớ nhung của một người con lớn lên, sống và yêu thương trên mảnh đất chở đầy lịch sử, của một người kể cả khi đang ở giữa lòng Hà Nội, mà vẫn thấy nhớ thành phố này da diết, huống hồ khi phải rời xa…

Tham khảo thêm:   Công nghệ lớp 3 Bài 7: Làm đồ dùng học tập Giải Công nghệ lớp 3 Chân trời sáng tạo trang 45, 46, 47, 48, 49

Những ngày Sài Gòn 18 độ trở lạnh, tôi lại bồi hồi nhớ mùi ngô nếp nướng, mùi khoai lang nướng thơm nồng bên vệ đường sưởi ấm những đêm đông. Tôi nhớ cả tiếng rao đêm khắc khoải màn đêm “Ai bánh bao, ai bánh khúc nóng đây” của những mảnh đời cô quạnh, tiếng rao như nuốt trọn cả thành phố co ro. Những đêm mùa đông nằm nghe mưa trong chăn ấm, thấy thời gian không còn được tính bằng kim phút kim giây, mà được đong đếm bằng giai điệu đung đưa nhẹ nhàng của chiếc phong linh đầu hè, cả thành phố như bình yên trong hoang hoải, tiếng leng keng tàu điện xưa ùa về, ru vỗ những cơn mơ…

Ký ức về những buổi chiều hoàng hôn nơi bãi giữa sông Hồng luôn làm tôi so se những nỗi niềm bâng khuâng hiền dịu. Nơi ấy có người con trai tôi mới quen, có mối tình đầu ngây ngô vụng dại. Ở nơi ấy, tôi có thể giở sách ra nhưng chỉ cần đọc vài trang mỗi giờ. Tôi có thể quên ăn vì lạc vào trong mê lộ của tiếng nước chảy lao xao, của những thanh âm trong trẻo khiết lành, của tiếng mặt trời rụng rơi bên cây cầu Long Biên thơ mộng; và tôi có thể ngồi hát ca bềnh bồng và nghĩ về những mùa trăng non… Mọi thứ cứ chậm rãi và lao xao như thế…

Một buổi chiều nào đó, quay trở lại nơi ấy, rồi sẽ thấy thời gian không còn liêu xiêu nữa. Một buổi chiều nào đó, quay trở lại nơi ấy, lắng nghe những hòn sỏi câm trở mình, hỏi rằng tôi có buồn không. Có thể những ký ức không vui về cuộc tình đầu tiên sẽ lại bắt đầu hiện ra, nhưng không sao, đã có thành phố này ôm tôi vào lòng với cánh đồng hoa cải vàng trải dài bát ngát kia rồi, tôi sẽ ngủ quên ở đó, nghe tiếng nắng giòn trên mái tóc lao xao…

Hà Nội mùa thu. Mùa thu Hà Nội. Lưu vào những trang viết tịnh yên nhất của cuộc đời hương hoa sữa thơm nồng len lỏi qua ô cửa, cánh hoa trắng nhỏ li ti, chúm chím nở, chúm chím rơi vào tóc, vào vai người qua đường. Người đi rồi mà hương thơm còn vương vấn mãi. Mùa thu, tôi nhớ những buổi đêm chạy xe trên những con đường rợp bóng cây Phan Đình Phùng, Thanh Niên, Hoàng Hoa Thám, để những buồn phiền mệt nhọc rơi dọc những con đường tôi qua. Mùa thu, tôi bước dọc Hồ Gươm và vẽ lên bầu trời những ký tự xanh yên bình. Tôi chạy dọc Hồ Tây, dừng chân bên ánh hoàng hôn đổ muộn, nơi ngày xưa tôi đã từng “soi tình tôi giữa đời anh” trong những ngày nắng dịu dàng miên du, khiết lành… Hà Nội mùa thu. Tôi cứ bước, cứ yêu, cứ nghẹn ngào, và say chếnh choáng.

Hà Nội là nơi tôi sinh ra đầu tiên, cũng là nơi tôi trở về lần cuối cùng. Nơi có những người bạn từ thuở ấu thơ, lá thư đầu tiên tôi viết dưới gốc cây bàng, tách cafe lần đầu tiên tập uống, những con phố nghiêng buồn, 12 mùa hoa đung đưa ngào ngạt, những gánh hàng rong trĩu nặng mưu sinh, bức tường rêu phong, ô cửa xanh cổ kính… Mọi thứ không thể kể hết được, cũng không thể tả hết được hình hài nỗi nhớ nhung. Tôi yêu cả tiếng khói bụi còi xe, yêu cả những âm thanh pha tạp, cả những xấu xí, xô bồ bon chen nơi mảnh đất này. Có lẽ người ta gọi đấy là tình yêu mù quáng…

Hơn ai hết, trên cả nỗi nhớ nhung, tôi biết rằng mình sẽ lại quay về Hà Nội thôi. Nhưng lúc này, thì vẫn cứ phải đi, đi để mình lớn lên, và cũng để cho nỗi nhớ thêm mặn mà sâu đậm. Đi để lại quay về, bởi vì “chẳng ai có thể bỏ Hà Nội mà đi mãi được”.

Bài dự thi Hà Nội trong tôi – Mẫu 3

Tôi có một người bạn Sài Gòn đặc biệt. Tên cậu ấy là Huy, đang là sinh viên trường ĐH Công Nghiệp TP HCM. Đó là tất cả những gì tôi biết về cậu. Thi thoảng chúng tôi liên lạc qua Gmail, điện thoại và yahoo. Khi ấy, chúng tôi hay kể về thành phố mình sinh sống. Hà Nội và Sài Gòn. Tôi chưa đặt chân đến Sài Gòn lần nào nhưng qua những bức ảnh cậu ấy gửi cho tôi – tôi thấy nó thật đẹp. Huy hay hỏi: “Hà Nội có gì đặc biệt?”. Tôi trả lời ngay – Hà Nội là thành phố lớn, nổi tiếng phồn hoa. Nếu chỉ kể riêng những tòa nhà, những trung tâm mua sắm, những con phố tấp nập… cũng mất rất nhiều thời gian. Hà Nội trong tôi đâu đơn thuần chỉ có vậy. Tôi là người Hà Nội. Tôi yêu thành phố này, yêu cả những điều bình dị mà ít người chú ý tới.

Tham khảo thêm:   Quyết định số 540/QĐ-TTg Chính sách tín dụng đối với người nuôi tôm và cá tra

Hà Nội của tôi có gì đẹp? Câu hỏi này thật khó trả lời. Vì lẽ, đối với tôi những gì thân quen luôn đẹp, luôn bình yên. Hà Nội “bình minh” sớm hơn Sài Gòn một nhịp. Chỉ 4, 5h sáng đã thấy nhộn nhịp những người rủ nhau tập thể dục dưỡng sinh, chạy bộ. Sau bước khởi động cho ngày mới là một li cafe đậm đà trước bữa sáng, rồi mọi người tất bật đi làm. Khoảng thời gian này và giờ tan tầm luôn là ác mộng với tôi. Từ nhà tôi tới trường xe cộ đi lại nườm nượp. Mất cả giờ đồng hồ để thoát khỏi vòng vây của những chiếc xe. Dù mà đông hay mùa hè thì tắc đường cũng là nỗi kinh hoàng. Đó là mặt trái của thành phố đang phát triển này. Một bào thai đang chờ sinh luôn làm bà mẹ đau đớn. Nhưng cũng như sự chào đời của đứa trẻ là niềm hạnh phúc của gia đình. Hà Nội tắc đường lại tạo nên nét riêng của thành phố này.

Tôi thích đi du lịch quanh Hà Nội. Thành phố này bé tí thôi nhưng nhiều ngóc ngách. Sống ở Hà Nội bao năm mà tôi vẫn lạc đường. Khi còn chưa có xe máy, phương tiện đi lại chính của tôi là xe bus. Tôi thích đi xe vào những ngày mưa, những hôm vắng người. Nhưng không phải lúc nào cũng được một mình một ghế. Có những hôm xe đông, tôi thậm chí còn phải đứng trên một chân và chân còn lại…dẫm lên chân người khác. Đương nhiên là Hà Nội có “tật xấu” và còn nhiều điều “đáng sợ” ở Hà Nội. Thế nhưng thành phố này vẫn rất khiến tôi say đắm yêu thương.

Nếu ví Hà Nội như một cô gái đang tuổi yêu liệu có kệch cỡm không nhỉ? Cô ấy xinh đẹp, đỏng đảnh và kiêu kì. Thế nhưng nếu chàng trai nào đó biết kiên nhẫn một chút, chiều chuộng một chút thì sẽ khác. Chinh phục được cô gái ấy anh sẽ thấy chẳng có cô gái nào tuyệt hơn nàng. Đó là lí do vì sao bạn học của tôi vẫn hay nhắn tin cho tôi hỏi ” Dạo này Hà Nội có gì khác?”. Đó là những người bạn học cùng tôi ở Đại học. Họ đa phần là những người tỉnh lẻ. Tôi là là một trong số ít sinh viên trong lớp có hộ khẩu Hà Nội. Và tôi kể cho họ nghe từng chút đổi thay của HN: những con đường đang xây mới, hàng quán mới mở…Mỗi lần nghe họ nói “Mình nhớ Hà Nội” tôi cũng cảm thấy vui sướng, tự hào.

Một trong những điều đặc biệt ở Hà Nội là ẩm thực. Khi còn là sinh viên, tôi hay cùng bạn bè khám phá ẩm thực Hà Nội. Bất cứ món ngon, món lạ nào tôi cũng muốn thử qua. Hà Nội nổi tiếng với Tào phớ, Phở, Bánh tôm Hồ Tây…và cả những món lạ, mới vẫn xuất hiện hàng ngày. Sau này, tôi có dịp đi nhiều thành phố khác, thưởng thức đặc sản ở đó nhưng chẳng thấy nơi nào ngon như nơi này. Chỉ riêng món ẩm thực thôi cũng thấy Hà Nội đặc biệt rồi.

Hà Nội đi vào thơ ca nhiều lắm, thi vị lắm. Một trong những nét đẹp đó là phố, những con đường và cây xanh. Tôi thích hàng phượng vĩ trên đường Lý Thường Kiệt. Tôi thích những tán bằng lăng trên phố Thợ Nhuộm. Mùa xuân hoa sưa nở trắng dốc Ngọc Hà. Mùa đông lá bàng rụng như trải thảm trên phố cổ. Và bây giờ đây, ngay cách nhà tôi vài trăm mét là cả con đường tím rợp hoa Ban… Hà Nội phố được điểm tô bằng cây xanh cho nét đẹp muôn đời cổ kính.

Có một bài hát ca ngợi rằng “Hà Nội đẹp nhất về đêm”. Tôi cũng yêu cái tĩnh lặng của đêm Hà Nội. Trái với dáng vẻ xô bồ của Hà Nội vào ban ngày. Đêm Hà Nội thường chỉ có tiếng rao bán bánh mì, tiếng xào xạc của lá rơi, tiếng chổi tre đêm khuya trên con đường tĩnh lặng. Thi thoảng tôi vẫn rủ vài người bạn đi ngắm đêm Hà Nội. Vào đầu mùa hoa sữa, chúng tôi dạo qua đường Nguyễn Du hít hà hương thơm hăng hắc của nó. Mùi hoa sữa nồng nàn lan tỏa trong không trung khiến tôi mê đắm. Cậu bạn của tôi bảo cứ thấy hương hoa sữa là nhớ Hà Nội. Loài hoa trắng mọc thành chùm này phải chăng từ lâu đã trở thành đặc trưng của riêng Hà Nội?

Hà Nội rất đẹp. Dù sau này tôi có qua bao miền đất khác thì Hà Nội vẫn là tình yêu lớn trong tôi. Và tôi tự hào nói rằng “Tôi là người Hà Nội”.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Bài dự thi Hà Nội trong tôi Cuộc thi viết “Hà Nội trong tôi” của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *