Bạn đang xem bài viết ✅ 75 bài văn mẫu lớp 6 hay nhất Những bài văn hay lớp 6 ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Để giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo khi học môn Ngữ văn, Wikihoc.com đã tổng hợp 75 bài văn mẫu dành cho học sinh lớp 6.

Những bài văn mẫu lớp 6
Những bài văn mẫu lớp 6

Kính mời các bạn học sinh tham khảo nội dung chi tiết sẽ được chúng tôi đăng tải ngay dưới đây.

Tuyển tập những bài văn mẫu lớp 6

Bài 1: Kể lại một trải nghiệm đáng nhớ về người thân trong gia đình

Tôi có rất nhiều kỉ niệm đẹp về những người thân trong gia đình. Những kỉ niệm đó đã đem lại cho tôi rất nhiều bài học quý giá về cuộc sống.

Người tôi gắn bó nhất trong gia đình là anh trai của tôi. Hiện tại, anh trai tôi đang là một sinh viên đại học. Anh tên là Tùng. Anh không chỉ đẹp trai mà còn học rất giỏi. Nếu nói đến học lực thì anh là một tấm gương điểm sáng để cho lũ trẻ em hàng xóm noi theo. Nhưng nhắc đến anh trai, tôi sẽ nghĩ về những trải nghiệm cùng anh thực hiện khi còn nhỏ.

Nhớ nhất là khi tôi lên năm tuổi, anh trai đã đưa tôi đi câu cá ở con sông gần làng. Đây là lần đầu tiên tôi được đi câu cá. Chính vì vậy, tôi cảm thấy rất háo hức. Đầu tiên, hai anh em đã đi ra vườn để đào giun đất làm mồi câu. Sau đó, cả hai cùng nhau ra sông câu cá. Anh Tùng đã dạy tôi cách gắn mồi câu, cách câu cá. Khi nhìn anh làm, tôi cảm thấy vô cùng khâm phục. Anh trai của tôi thật giỏi. Chúng tôi đã ngồi câu rất lâu. Vì là lần đầu tiên, nên tôi còn gặp phải nhiều khó khăn. Từ việc gắn lưỡi câu, mồi câu… Nhưng nhờ có anh Tùng kiên nhẫn dạy mà lần đầu tiên tôi đã câu được một con cá. Đó là một trải nghiệm thật tuyệt với tôi.

Bố mẹ bận rộn công việc, anh trai là người luôn dạy cho tôi nhiều điều bổ ích. Không chỉ giảng bài cho tôi, anh còn dạy tôi học võ nữa. Anh bảo con gái phải biết tự bảo vệ bản thân mình. Biết bao nhiêu là kỉ niệm đẹp đẽ như vừa mới xảy ra thôi. Những năm anh học đại học, phải xa nhà thường xuyên, tôi thấy nhớ anh. Nhớ những lúc anh nấu cơm dỗ tôi ăn khi tôi bị ốm còn bố mẹ bận công chuyện, những lần anh dạy tôi học bài… Nhờ có anh mà tuổi thơ của tôi luôn cảm thấy hạnh phúc.

Đối với tôi, anh trai là một người vô cùng quan trọng. Tôi luôn dành cho anh sự yêu mến, tự hào. Và tôi mong rằng chúng tôi sẽ có thêm nhiều kỉ niệm hạnh phúc hơn nữa.

Bài 2: Kể lại một trải nghiệm giúp tâm hồn em trở nên phong phú hơn

Tết đến, xuân về – đây là thời điểm mà mọi người háo hức bắt đầu chuẩn bị đi mua sắm Tết. Những khu chợ trở nên đông vui nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Đặc biệt nhất là khu chợ hoa Tết thu hút nhiều người đến mua. Năm nay, em đã có một trải nghiệm thú vị, đó là đi chợ hoa Tết cùng bố.

Từ hai lăm đến ba mươi Tết, khi ra đường là đã thấy các cửa hàng bán hoa. Những người người đến xem đông như trẩy hội. Nào là hoa cúc, hoa mai, đào, cẩm chướng, lay ơn, thược dược… Muôn loài hoa đang khoe sắc để chào đón một năm mới sang. Khoảng chín giờ sáng hai mươi sáu Tết, bố nói với mẹ sẽ ra chợ để sắm hoa Tết. Em thuyết phục bố cho đi cùng. Sau mười lăm phút đưa ra đủ lý do, bố cũng đồng ý. Hai bố con đi khoảng mười lăm phút là tới nơi. Chợ hoa ngày cuối năm nhộn nhịp và náo nhiệt không kém chợ tết là mấy. Chợ hoa Tết cũng đông vui không kém những khu chợ khác. Người mua, kẻ bán cười nói rôm rả, xôn xao khắp cả chợ.

Những chiếc xe chở phía sau những chậu quất, cành đào ra vào tấp nập. Gương mặt của mọi người đều tươi rói, hớn hở vì một mùa xuân mới lại sắp về. Bên cạnh những gian hàng bán đào và quất là các gian bán hoa tươi. Các loại hoa được bày bán rất đa dạng. Hoa hồng, hoa cúc, hoa vi-ô-let, hoa lan, hoa dơn, hoa thược dược… Tất cả tạo nên một bức tranh nhiều màu sắc cho chợ hoa. Đắt Những quầy bán hoa thu hút rất đông người mua. Bởi có lẽ mọi người đều muốn chọn cho mình những bông hoa tươi nhất, đẹp nhất để về đặt lên bàn thờ tổ tiên trong ngày tết.

Người bán hồ hởi mời chào khách mua hoa, người mua vừa chiêm ngưỡng những đóa hoa đẹp nhất vừa đắn đo lựa chọn những bó hoa đủ mọi sắc màu. Người ta đi chợ hoa như đi trẩy hội để dành cho mình những sắc hương đẹp nhất mang về trang hoàng và mang không khí tết về với gia đình. Đông đúc nhất phải là những khu bán đào, mai và quất. Bởi đây là những loại cây đặc trưng của ngày tết, nên mọi người đều muốn mua một chậu đào, mai hoặc quất về chơi Tết. Những chậu cây được tạo với nhiều hình dáng độc đáo. Những nụ hoa đào, hoa mai đã bắt đầu bung nở trong những cơn mưa xuân.

Hai bố con đi dạo một vòng quanh khu chợ. Thỉnh thoảng, bố dừng lại trước một khu bán đào hay bán quất để ngắm. Cuối cùng, bố em cũng chọn được một chậu đào rất đẹp. Khi bố mang chậu hoa về, em cảm thấy rất thích nó. Chợ hoa Tết chính là một nét đẹp của dịp Tết cổ truyền dân tộc. Trải nghiệm được đi chợ hoa vào những ngày giáp Tết khiến em không chỉ cảm nhận được không khí Tết đang về. Mà còn cảm thấy tự hào hơn về một nét đẹp cần giữ gìn của dân tộc.

Đã bao đời nay, Tết trở thành một lễ hội nằm trong niềm mong đợi và không thể thiếu của con người Việt Nam. Và những khu chợ hoa cũng đã trở thành một nét đặc trưng không thể thiếu của những ngày tết.

Bài 3: Tả một cơn mưa rào vào mùa hè

Mùa hè không chỉ có ánh nắng chói chang nhuộm vàng khắp các con đường. Mà mùa hè còn có những cơn mưa rào, chợt đến chợt đi.

Những cơn mưa mùa hè thường đến vào buổi chiều, sau một ngày nắng nóng và oi ả. Bỗng nhiên, từ đâu, từng đám mây đen kéo đến khiến bầu trời đen lại. Mọi vật dường như tối sầm lại. Những đám mây đen giống như một bàn tay khổng lồ đang ôm trọn cả bầu trời, nhìn mà đáng sợ. Chẳng bao lâu sau, cơn gió nổi lên cuốn theo những đám lá khô trên đường bay khắp nơi. Cây cố thì nghiêng ngả theo cơn gió như sắp đổ vậy. Mọi người trên đường, ai cũng đang hối hả hòa theo dòng người để trở về nhà để cho kịp tránh khỏi cơn mưa sắp đến.

Trời nổi cơn giông đã xua đi cái không khí oi ả ban sáng. Một lúc sau, mưa kéo đến. Những hạt mưa rơi xuống khắp các mái nhà, vườn cây, con đường… Tiếng mưa rơi kêu rào rào nghe thật vui tai. Mưa càng lúc càng nặng hạt, những hạt nước mưa trong veo rơi xuống như trút nước. Những hạt mưa khiến không gian trở nên trắng xóa. Những hạt nước ấy đang đem nguồn sống tươi mát cho vạn vật. Mưa mùa hạ đến rất nhanh, nhưng đi cũng rất nhanh. Chẳng bao lâu sau, cơn mưa đã ngớt dần rồi tạnh hẳn.

Sau cơn mưa, bầu trời cao và trong xanh hơn. Cây cối cũng trở nên tươi tắn hơn. Và con người cảm thấy dễ chịu hơn. Đường phố cũng sạch sẽ hơn. Không khí trong lành hơn. Còn em, khi trở về nhà cũng cảm thấy khung cảnh làng quê mình thật tuyệt vời. Cánh đồng làng quê em dường như khoác lên mình một bộ áo mới. Mưa đến đem theo làn nước mát tưới tắm cho cánh đồng sau những ngày hè nắng oi ả. Những chú cò trắng nghiêng cánh bay lên đậu xuống. Chim sơn ca véo von ca hát để chào ngày mới. Đồng làng xanh thắm bao la. Lúa phơi phới dâng lên. Ngọn lúa uốn cong như xòe bàn tay lên mừng vui reo hát.

Những cơn mưa rào dường như đã trở thành biểu tượng của mùa hạ. Mà sau những ngày hè nóng bức, ai cũng đợi chờ.

Bài 4: Hãy tả một người bạn thân của em

Năm tháng cứ thế trôi đi, chỉ có thời gian là thước đo tốt nhất cho tình cảm bạn bè. Trong suốt những năm tháng học trò, có lẽ Ngọc Lan chính là người bạn tốt nhất của em.

Ngọc Lan có dáng người dong dỏng cao. Khuôn mặt bầu bĩnh, đầy đặn khiến ai nhìn cũng cảm thấy đáng yêu. Nước da ngăm ngăm đen. Mái tóc dài óng ả. Cặp mắt đen láy lúc nào cũng mở to, tròn xoe trông rất đáng yêu. Chiếc mũi hếch và cái miệng rộng luôn tươi cười để lộ hai hàm răng trắng bóng. Ở Ngọc Lan khi nào cũng toát lên vẻ năng động, tự tin, hóm hỉnh và hài hước nên rất dễ mến.

Ngọc Lan là một cô bạn rất hiếu động, không lúc nào yên nghỉ chân tay. Trong giờ ra chơi, chỗ nào sôi động nhất là ở đó có Ngọc Lan. Chúng em thường tụ tập nhóm ba, nhóm bảy ngồi xung quanh bạn Ngọc Lan để nghe bạn kể chuyện. Mở đầu câu chuyện, Ngọc Lan vẫn thường hay kể: “Cái hồi xưa ấy, đấy, cái hồi ấy, cái hồi mà bà tớ chưa sinh ra mẹ tớ ấy …”. Chỉ nghe có đến thế thôi là chúng em đã đều đã bật cười.

Đặc biệt, Ngọc Lan có một trí nhớ rất tốt. Những truyện đã đọc hay đã nghe, Ngọc Lan đều nhớ như in và kể lại bằng đúng giọng nhân vật nên rất cuốn hút và sinh động. Một mình Ngọc Lan đóng đủ các vai, kết hợp với điệu bộ khôi hài khiến bọn em lăn lóc cười đến vỡ bụng.

Tham khảo thêm:   Dẫn chứng về giữ gìn chủ quyền dân tộc Nghị luận về chủ quyền dân tộc

Ngọc Lan luôn luôn làm ra những trò chơi thú vị. Bạn thường hay chơi cùng với chúng em trò bịt mắt bắt dê hay bó khăn, vừa chạy lại vừa kêu tiếng dê be be nghe rất ngộ nghĩnh. Ngọc Lan thường biểu diễn tiếng hát, tiếng ngựa hí và con sóc nâu hay leo trèo. Mỗi tiết mục, Ngọc Lan đều được hoan nghênh nhiệt liệt và gây ra những trận cười nứt nẻ.

Không chỉ là các bạn gái mà cả các bạn trai ngoài và trong lớp đều yêu mến bạn Ngọc Lan. Cho dù mai này, khi rời xa mái trường thân yêu, chúng em vẫn sẽ cố gắng giữ gìn liên lạc để tình bạn này mãi tồn tại.

Bài 5: Tả quang cảnh một phiên chợ tết ở nông thôn

Mặt trời tiết cuối đông nhọc nhằn chọc thủng màn sương sớm, từ từ nhô lên khỏi rặng tre của làng xa. Bầu trời dần tươi sáng, cảnh vật như bừng tỉnh để đón chào ngày mới, đón chào một mùa xuân mới đang sắp sửa tới gần.

Từ các xóm làng, từ các mái nhà còn sương lam ôm ấp, mọi người đổ ra đường, người gồng gánh, kẻ bưng thúng, xách giỏ, có người đẩy xe chở hàng. Họ lần lược dồn lên con đường lớn. Vai kĩu kịt, tay vung vẫy, chân đi thoăn thoắt…Tất cả đều tiến về chợ huyện. Phiên chợ Tết thật đông. Tiếng lợn con en éc, tiếng gà gáy oát…oát, tiếng vịt cạc…cạc, tiếng người nói bô bô trong chợ. Các gian hàng nhanh chóng được bày diện. Nào áo, quần, giày dép nhiều loại, bánh mứt đủ màu, rau quả tươi roi rói, kẻ buôn người bán lon xon, chật ních. Trước cổng chợ, những bức tranh lợn, gà heo, chuột ếch,… được giải treo tiếp nối nhau trông thật đẹp mắt. Rồi bức tranh của làng quê cũng hiện lên từ xa: Biển lúa vàng óng ả, chú bé ngồi ngất nghểu trên lưng trâu ung dung thổi sáo, đàn cò trắng nhởn nhơ trên bầu trời xanh thẳm, chim én lượn vòng trên xóm chợ… Một bức tranh đầy quyến rũ, ấm áp lạ thường.

Sương tan, nắng ấm rải nhẹ trên hoa lá, chợ đông nghẹt, đủ thứ màu sắc trà trộn, đủ thứ âm thanh chen lẫn. Không ai nói to cũng không ai nói nhiều. Nhưng lường phát âm của vô số người đã làm phiên chợ âm ầm giữa miền quê yên tĩnh và vô cùng vui tươi, trù phú. Sắc xuân rón rén đến gần, xuân phảng phất trong từng nụ hoa đang chúm chím. Mặt trời đã ngả về phía tây, chợ vẫn tưng bừng hàng hóa vẫn tấp nập các quầy. Từ các nơi, các loài hoa nườm nượp đưa về. Nào là hoa mai, hoa đào, hoa cẩm chướng, hồng nhung… Chúng rạng rỡ như cô thiếu nữ, chúng lay động dưới ánh xuân như tuổi đôi mươi. Đây đó, một vài cụ đồ nho hí hoáy viết thơ xuân, viết những câu đối đỏ trên bức sáo, mọi người chen nhau đọc. Có người mãi ngắm tranh, ngắm hoa, đọc thơ mà quên cả thời gian vận hành, buổi chiều hửng ấm đã nhạt nhòa ngã xuống.

Cho tới lúc trời tối, chuông chùa văng vẳng ngân vang, mọi người tạm ngừng phiên chợ. Họ lũ lượt trở ra về. Khung cảnh tưng bừng nơi chợ Tết bắt đầu mờ dần rồi mất hẳn, không còn trông thấy một cái gì nữa bởi sương đêm. Phảng phất trong không khí có mùi hương quen thuộc, mùi lúa mới, mùi trái ngọt, hoa thơm… Tất cả đều đặc biệt, đáng yêu, đáng quý bởi nó là mùi vị của một làng quê Việt Nam trù phú, thấm đượm nghĩa tình, ấm nồng hương đồng cỏ nội.

Phiên chợ Tết đã đem đến cho con người bao điều thú vị. Ai cũng hối hả, khẩn trương với công việc của mình. Họ rạo rực đón xuân trong niềm vui lao động. Tôi cũng hồi hộp đón xuân và lo nghĩ đến nhiệm vụ của chính mình.

Bài 6: Tả cảnh hoàng hôn quê em

Nghỉ hè, em cùng bố mẹ về quê thăm ông bà nội. Ngồi trong xe ô tô, mở cửa số ra đón cơn gió thoảng qua làm em khoan khoái cả người. Khi gần về đến quê thì cũng là lúc hoàng hôn buông xuống, em đưa mắt ngắm phong cảnh quê hương trong buổi hoàng hôn.

Cảnh hoàng hôn nơi đây đẹp tuyệt vời. Nếu em là một nhà thơ chắc chắn sẽ làm một bài thơ ca ngợi bức tranh thiên nhiên hữu tình này. Ở phía Tây, mặt trời rực đỏ đang từ từ lặn khuất dưới hàng dừa xanh, ánh rẽ quạt chiếu hắt lên bầu trời, chiếu xiên ngang mặt đất… Ở nơi xa, từ phía chân trời, từng đàn chim gọi bầy đang bay về tổ. Những cánh cò trắng muốt điểm một hàng dài trên bầu trời xanh trong ráng chiều nhạt dần như cuốn hút em.

Phía xa xa, nơi cánh đồng bạt ngàn, các bác nông dân đã vác cuốc thu dọn dụng cụ chuẩn bị về nhà. Từng tốp người xuất hiện trên đường làng nói nói, cười cười vui vẻ. Tiếng gọi nhau, tiếng máy cày, máy xới nổ ì ạch trên đường trở về. Chắc là máy của bác Tám – người nông dân lao động giỏi, giàu nổi tiếng vùng này đã từng được giới thiệu điển hình trên tivi.

Ánh nắng đã nhuộm vàng hàng cau hai bên đường, hương cau thoang thoảng càng quyến rũ lòng người. Em lại dõi mắt nhìn theo đôi chim vừa về tổ. Chúng kêu ríu rít. Các con chim non đang chíp chíp như gọi mẹ. Hai vợ chồng chim đang mớm mồi cho chúng. Nhìn cảnh ấy, em chợt mỉm cười một mình. Chỉ một chút nữa thôi mình cũng sẽ được như những con chim non kia. Ông bà sẽ ra đón cả nhà.

Bây giờ thì mặt trời đã lặn khuất sau hàng tre. Ánh sáng còn le lói phía tây, chân trời đùn lên những đám mây nhiều hình, nhiều vẻ, bóng tối lan dần trên bầu trời. Cảnh vật mờ dần, đôi chỗ sương trắng đã chập chờn. Người đi đường vắng hẳn, chỉ còn lác đác vài người trên cánh đồng.

Trong thôn, cây cối, nhà cửa đã nhòa đi trong ánh sáng mờ mờ. Khói bếp nhà ai đang lan tỏa trong bóng chiều như sương mờ bao phu. Bầu trời tối hẳn. Ánh sao đã nhấp nháy trên bầu trời. Màn tối đã bao phủ cánh đồng. Những ánh đèn đã bật sáng trong các gian nhà ở đầu thôn cuối xóm. Ông bà em đã đứng đợi cả nhà ở cửa lúc nào.

Thật là một buổi hoàng hôn đáng nhớ. Em chợt thấm thía điều mà mọi người thường ca ngợi “không có nơi đâu đẹp bằng quê hương mình”.

Bài 7: Tả ngôi trường thân yêu gắn bó với em suốt nhiều năm qua

Có ai trong cuộc đời mà không từng cảm thấy gắn bó và yêu mến một ngôi trường nào đó. Đối với tôi thì đó chính là ngôi trường cấp hai (tên trường) – nơi tôi đang theo học.

Ngôi trường của tôi mới được xây dựng cách đây không lâu. Theo lời các thầy cô kể thì tính đến khóa học của khối lớp 6 chúng tôi là trường được xây dựng vừa tròn mười năm. Chính vì vậy, có lẽ, những học sinh như chúng tôi mang trong mình một vinh dự thật to lớn về ngày kỷ niệm mười năm ngày thành lập trường. Do được xây dựng chưa lâu nên nhìn từ bên ngoài, ngôi trường vẫn còn rất mới. Cổng trường, theo như tôi cảm nhận, được thiết kế và xây dựng theo phong cách cổ điển, khá giống với chiếc cổng của những nhà thơ mà tôi từng nhìn thấy trong những chuyến tham quan. Tôi không thể miêu tả một cách chi tiết về chiếc cổng vì tôi không phải là một kiến trúc sư. Nhưng có một điều tôi có thể chắc chắn. Chiếc cổng trường tôi cũng giống như biết bao chiếc cổng trường khác. Đó là nơi dành để viết tên trường phải thật trang trọng và dễ quan sát. Hàng chữ “Trường THCS…” được in nổi có màu vàng trông thật kiêu hãnh.

Đi sâu vào bên trong, bạn sẽ bắt gặp không gian sân trường không quá rộng lớn nhưng cũng đủ để học sinh toàn trường tập trung vào mỗi giờ chào cờ hay sinh hoạt cuối tuần. Những hàng cây cổ thụ trong sân trường được trồng thẳng tắp với những loài cây vốn quen thuộc với tuổi học trò như: bằng lăng, hoa phượng, xà cừ… Dưới những tán cây này, lũ học trò chúng tôi đã cùng nhau vui đùa trong những giờ ra chơi mà không lo nắng nóng. Cũng giống như nhiều ngôi trường khác, trường chúng tôi cũng bao gồm ba dãy nhà chính, được xây dựng theo kiểu hình chữ U. Mỗi dãy nhà gồm có ba tầng. Dãy nhà nằm giữa chính là dãy nhà hiệu bộ với là nơi làm việc của các thầy cô trong trường. Phía trước còn có sân khấu – nơi diễn ra các buổi lễ như khai giảng, bế giảng… Bên trong các phòng học đều được trang bị đầy đủ bảng viết, bàn ghế, quạt trần, điều hòa… rất tiện nghi. Ngoài ra, đa số các phòng học đều đã được trang bị máy chiếu để phục vụ cho việc giảng dạy của thầy cô cũng như việc học tập của học sinh đạt được hiệu quả cao hơn.

Ngoài dãy nhà chính, phía đằng sau còn có một không gian khá rộng hiện vẫn đang được xây dựng. Theo như lời các thầy cô nói thì nơi đây sẽ được xây dựng thành tòa nhà thể chất. Phía bên trong khi đưa vào hoạt động sẽ dành cho học sinh khi học tập bộ môn thể dục. Tôi rất háo hức chờ mong nhà thể chất sớm được hoàn thành.

Tuy mới học ở trường chưa lâu nhưng tôi cảm thấy vô cùng yêu thích không gian nơi đây. Hy vọng rằng những năm tháng học sinh của tôi sẽ thật ý nghĩa dưới mái trường (tên trường).

Bài 8: Tả khu vườn vào buổi sáng đẹp trời

Nhà bà ngoại của em nằm ở một vùng quê nên có một khu vườn rất rộng. Trong vườn trồng rất nhiều loại cây khác nhau. Cứ mỗi khi được nghỉ hè về quê thăm bà, em lại cùng em trai ở trong vườn cây tới hàng giờ mà không chán. Điều khiến em thích thú nhất là được ngắm nhìn khu vườn vào mỗi buổi sớm.

Không khí buổi sáng trong vườn cây vô cùng trong lành và mát mẻ. Khi ông mặt trời vừa ló rạng cũng là lúc mọi vật được bao trùm bởi ánh nắng ấm áp. Những hạt sương đọng trên lá cây cũng dần tan biến. Làn gió khẽ lướt qua khiến những cành lá rung rinh.

Màu sắc nổi bật nhất trong khu vườn chính là màu xanh. Màu xanh của thảm cỏ. Màu xanh của lá cây. Màu xanh của những trái cây chưa chín. Màu xanh của thiên nhiên gợi ra một cảm giác thật tươi mới và mát mẻ.

Trong vườn, những cây ăn quả đều có hình dáng cao, lớn. Các cành cây đều vươn lên rất cao để đón lấy ánh nắng. Những tán lá xum xuê tỏa bóng mát xuống cho khu vườn. Có nhiều cây đã bắt đầu ra quả nên gọi biết bao nhiêu là loài chim tìm đến kêu ríu rít khắp cả khu vườn. Nghe sao mà thật vui tai!

Em trai em thường ở trong vườn hàng giờ để hái những quả chín hoặc chơi trò bắn chim. Em thì không giống vậy. Ở trong khu vườn, em thích nhất là những khóm hoa. Em rất thích ngắm nhìn chúng vào mỗi buổi sớm. Khi những giọt sương vẫn còn đọng trên những cánh hoa. Chúng giống như những viên ngọc trong suốt tô điểm cho bông hoa thêm phần đẹp đẽ. Nào là những nàng hoa hồng nhung đầy kiêu sa. Nào là cô mười giờ chưa chịu thức giấc. Nào là chị cẩm tú cầu thật lộng lẫy… Tất cả các loài hoa đều thật rực rỡ trong ánh nắng ban mai.

Tham khảo thêm:   Dẫn chứng về đạo đức, nhân cách Ví dụ về tấm gương đạo đức

Khắp khu vườn lúc này, đâu cũng là hương thơm của những loài hoa. Đối với em, khu vườn nhà bà ngoại đã chứa đựng rất nhiều kỉ niệm đẹp đẽ bên bà. Đó là những buổi sáng hai bà cháu cùng nhau tưới nước cho cây cối trong vườn. Đó là khi bà hái từng chùm quả ngọt cho hai chị em thưởng thức. Đó là đêm hè lộng gió ngồi trước khu vườn nghe bà kể chuyện cổ tích.. Tuổi thơ bên khu vườn của bà thật nhiều tình cảm.

Mới sáng sớm em nhưng trong vườn đã thấy bạt ngàn ong bướm. Chúng dường như rất bận rộn với những công việc của mình. Những chú chim nhỏ cũng ríu tít cất tiếng hót như đang muốn chào đón một ngày mới. Tất cả tạo nên một thứ âm thanh lao xao mà đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ mãi.

Tôi cảm thấy vô cùng yêu thích khu vườn của bà ngoại. Nó không chỉ gắn bó với những kỉ niệm của tuổi thơ trong những buổi sớm mai. Mà còn gợi nhắc những kỉ niệm về bà ngoại – một người mà tôi hết mực yêu thương.

Bài 9: Tả không khí ngày tết quê em

Mỗi dịp Tết đến là lòng em lại cảm thấy hân hoan. Không khí Tết khiến cho quê hương trở nên nhộn nhịp, vui tươi hơn.

Đường phố những ngày tết lúc nào cũng đông đúc, tấp nập. Đặc biệt là những khu chợ với những tiếng trao đổi mua bán. Chợ hoa Tết rực rỡ sắc màu của trăm loài hoa khoe sắc. Những cây đào, cây mai, cây quất đã trở thành biểu tượng của dịp Tết cổ truyền dân tộc.

Mọi người trong gia đình cùng nhau dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ để đón năm mới. Người lớn chuẩn bị mua sắm đồ Tết. Trẻ con háo hức mong từng ngày được nghỉ học. Khắp các khu chợ bỗng tấp nập hẳn lên. Tiếng người mua bán thật nhộn nhịp. Chợ Tết rất nhiều các mặt hàng từ đồ ăn, thức uống đến quần áo, giày dép… Ngày Tết chuộng nhất là màu đỏ, bởi vậy cả khu chợ như được sắc đỏ thắm bao bọc, tượng trưng cho may mắn. Vào ba mươi Tết, cả nhà em lại sum vầy bên mâm cơm giao thừa. Cả gia đình vừa ăn uống, vừa trò chuyện với nhau về những điều đã xảy ra trong một năm vừa qua.

Sau đó, em cùng em gái ngồi xem chương trình Gặp nhau cuối năm – Táo Quân và chờ đến mười hai giờ để xem pháo hoa. Màn pháo hoa rực rỡ khiến cho người xem cảm thấy xao xuyến. Khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới đem đến cho con người những cảm xúc thật đẹp đẽ. Sáng mùng một Tết, cả nhà em cùng nhau đi chúc Tết họ hàng. Em thích nhất là được nhận những bao lì xì đỏ thắm. Mỗi bao lì xì kèm theo một lời chúc sức khỏe, bình an và may mắn.

Em rất yêu ngày Tết quê em. Không khí ngày Tết đem đến cho con người thật nhiều khoảng thời gian ý nghĩa bên gia đình thân yêu của mình.

Bài 10: Viết bài văn kể về một chuyến đi đáng nhớ của em

Kì nghỉ hè năm nay, tôi được bố mẹ thưởng cho một chuyến du lịch. Đây là lần đầu tiên tôi được đi đến biển chơi, nên em cảm thấy vô cùng háo hức và mong chờ. Em hy vọng sẽ có nhiều kỉ niệm đẹp cùng với bố mẹ.

Đúng năm giờ sáng, xe xuất phát từ Hà Nội. Khoảng đến gần trưa thì xe đã đến nơi. Em cùng các bạn nhỏ cùng tuổi mình cảm thấy vô cùng thích thú vì sau một hành trình dài cuối cùng cũng đến Sầm Sơn. Sau khi đến khách sạn nhận phòng và cất đồ đạc. Mọi người cùng nhau đi ăn trưa, rồi nghỉ ngơi.

Buổi chiều, mọi người trong đoàn cùng đi tắm biển. Thật kì diệu! Em đang đứng trước một bài biển rộng mênh mông. Nước biển xanh và trong. Đứng gần biển em có thể nhìn thấy từng đợt sóng đánh vào bờ. Nhìn ra xa phía chân trời, bầu trời và biển như hòa vào làm một. Gió biển lồng lộng, cùng với tiếng sóng vỗ nghe thật vui tai. Bên cạnh bãi biển, núi Trường Lệ – một địa danh khá nổi tiếng ở đây, đứng sừng sững chạy dài theo mép nước. Phía nam dãy Trường Lệ còn có bãi tắm Tiên Ẩn, một thung lũng nhỏ với cảnh quan gần như nguyên sơ. Cuối bãi là đền Độc Cước cổ kính uy nghi, tọa lạc trên một hòn núi đá. Tất cả đều tuyệt đẹp như những bức ảnh mà em đã được xem trên mạng khi tìm hiểu về Sầm Sơn.

Bờ biển lúc này thật đông người. Tiếng nói cười rộn vang khắp cả không gian. Người lớn thích thú bơi lội dưới nước. Trẻ em thì nghịch cát, xây thành những tòa lâu đài tuyệt đẹp. Em cùng các bạn nhỏ mỗi người một chiếc phao, rồi nhảy xuống tắm biển. Nước biển mát lạnh khiến em cảm thấy vô cùng dễ chịu. Sau khi tắm biển xong, mọi người cùng nhau đi ăn đồ hải sản nướng. Các món ăn đều rất ngon và mang đậm hương vị của biển.

Thời gian trôi qua thật nhanh. Chuyến du lịch ba ngày hai đêm đã kết thúc. Nhưng em cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì đã có những trải nghiệm vô cùng thú vị ở đây. Em mong sẽ có thêm nhiều chuyến du lịch như vậy cùng với gia đình của mình.

Bài 11: Viết bài văn thuyết minh thuật lại một sự kiện

Giờ Trái Đất là một sự kiện được hưởng ứng ở địa phương em cũng như trên toàn bộ đất nước Việt Nam.

Sự kiện “Giờ Trái Đất” được ra đời từ nhiều năm về trước. Vào năm 2004, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế Ô-xtrây-li-a tìm kiếm phương pháp truyền thông mới để đưa vấn đề biến đổi khí hậu vào hoạt động tuyên truyền. Sang năm 2005, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế Ô-xtrây-li-a cùng công ty Lê-ô Bớc-net Xít-ni xây dựng ý tưởng về dự án “Tiếng tắt lớn”. Đến năm 2006, nhà quảng cáo Lê-ô Bớc-net đặt tên cho chiến dịch là “Giờ Trái Đất”. Vào ngày 31 tháng 3 năm 2007, lễ khai mạc sự kiện giờ trái đất được tổ chức tại Xít-ni, Ô-xtrây-li-a. Vào ngày 29 tháng 3 năm 2008, chiến dịch được tổ chức ở 371 thành phố, thị trấn, hơn 35 quốc gia, 50 triệu người và trong đó có Việt Nam. Một năm sau đó (2009), hơn 4000 thành phố, 88 quốc gia trên thế giới tham gia tắt đèn trong 1 giờ đồng hồ.

Mục đích của sự kiện “Giờ Trái Đất” nhằm đề cao việc tiết kiệm điện năng, giảm lượng khí thải đi-ô-xít các-bon – một khí gây ra hiệu ứng nhà kính, đồng thời thu hút sự chú ý của mọi người về ý thức bảo vệ môi trường. Chiến dịch này cũng nhằm khẳng định quan điểm cho rằng mỗi một hành động cá nhân khi được nhân lên trên diện rộng có thể giúp làm thay đổi môi trường sống của chúng ta theo hướng ngày càng tốt hơn.

Một số việc thường làm khi diễn ra sự kiện “Giờ Trái Đất” như tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết trong khoảng một tiếng đồng hồ (theo quy định của ban tổ chức); Tăng cường sử dụng các phương tiện di chuyển xanh (như tăng thời gian đi bộ, sử dụng xe đạp, xe buýt công cộng…); Vận động gia đình, bạn bè, đồng nghiệp… cùng tham gia hưởng ứng Giờ Trái Đất…

Như vậy, “Giờ Trái Đất” là một sự kiện tốt đẹp, cần được phổ biến rộng rãi hơn trên toàn thế giới.

Bài 12: Tả lại một trận bóng đá mà em đã chứng kiến

Ngày 15 tháng 12 năm 2018, trận chung kết bóng đá lượt về trong khuôn khổ Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á đã diễn ra tại sân Mỹ Đình ở thủ đô Hà Nội. Trận đấu giữa hai đội bóng xuất sắc là Đội tuyển Quốc gia Việt Nam và Đội tuyển Quốc gia Malaysia.

Từ sớm, cả gia đình của em đã đến sân để cổ vũ cho đội nhà. Sân vận động được nhuộm đỏ bởi sắc màu của những lá quốc kì. Các cầu thủ của đội tuyển Việt Nam ra sân với trang phục áo đỏ, quần đỏ. Còn các cầu thủ Malaysia ra sân với trang phục áo vàng, quần vàng.

Trận đấu bắt đầu sau tiếng còi khai cuộc của trọng tài. Ngay từ những phút đầu tiên, đội bạn đã tấn công để tìm kiếm bàn thắng. Nhưng hàng thủ của đội tuyển Việt Nam vẫn thi đấu tập trung. Vào phút thứ sáu, từ đường chuyền của cầu thủ Nguyễn Quang Hải, cầu thủ Nguyễn Anh Đức đã giúp Việt Nam dẫn trước 1- 0. Cuộc đấu vẫn diễn ra trong thế trận ngang bằng. Đội tuyển Malaysia liên tục tấn công để tìm kiếm bàn gỡ hòa. Nhưng hàng phòng ngự chắc chắn của đội tuyển Việt Nam khiến cho đối thủ bất lực. Hiệp một kết thúc với tỉ số 1 – 0 nghiêng về đội chủ nhà.

Mười lăm phút giải lao kết thúc, hiệp hai bắt đầu. Đội bạn đã có tình huống đá phạt rất thuận lợi để quân bình tỉ số. Nhưng thủ môn Đặng Văn Lân đã xuất sắc cứu thua cho đội nhà. Nhiều tình huống sau đó cũng vậy. Thời gian gần trôi về những phút cuối cùng. Hiệp hai có bốn phút bù giờ. Những khán giá ở trên sân đều đếm ngược để chờ trọng tài thổi còi kết thúc trận đấu.

Khi tiếng còi vang lên, khán giả trên sân reo vang “Việt Nam vô địch”. Các cầu thủ chạy đến cảm ơn người hâm mộ. Huấn luyện viên Park Hang-seo được các học trò tung lên cao. Một hành động tri ân dành cho người thầy đáng kính đã góp phần làm nên thành công này. Những lá cờ đỏ sao vàng tung bay. Sân vận động Mỹ Đình vào lúc này thật đẹp.

Bài 13: Kể về một chuyến tham quan mà em nhớ mãi

Chủ nhật tuần này, em cùng với chị Thu đã có một chuyến tham quan ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Sau chuyến tham quan, em đã biết thêm rất nhiều kiến thức bổ ích.

Hai chị em đi xe buýt mất khoảng một tiếng là đến nơi. Bước qua cánh cổng bảo tàng, em nhìn thấy một khối nhà mái vòm rất lớn. Phía trên có in một dòng chữ bằng đá rất nổi bật: “Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam”. Chị Thu đã đi mua vé tham quan. Sau đó, chúng em đã đi tham quan bảo tàng theo sơ đồ hướng dẫn.

Bảo tàng được chia làm ba khu trưng bày chính: tòa nhà Trống Đồng, khu trưng bày ngoài trời (Vườn Kiến trúc) và tòa Cánh diều (khu trưng bày Đông Nam Á). Em và chị Thu lần lượt tham quan các khu trưng bày. Đầu tiên là tòa nhà Trống Đồng là nơi trưng bày, giới thiệu bản sắc năm mươi tư dân tộc. Tại đây có khoảng nhiều hiện vật, thước phim và hình ảnh miêu tả đời sống sinh hoạt, trang phục, y phục, nông cụ và tôn giáo tín ngưỡng cũng như các tục lệ của đồng bào dân tộc.

Tham khảo thêm:   Tập làm văn lớp 5: Tả cảnh buổi sáng trên quê hương em Dàn ý & 31 bài văn tả cảnh lớp 5

Sau khi ra khỏi tòa nhà Trống Đồng, chúng em nhìn thấy một khoảng sân lớn, đó chính khu trưng bày ngoài trời. Em đã được chiêm ngưỡng những kiến trúc độc đáo của người nhiều dân tộc nhà rông của người Ba-na, nhà sàn dài của người Ê-đê, nhà sàn của người Tày, nhà nửa sàn nửa đất của người Dao, nhà trệt lợp ván pơmu của người H’mông, nhà ngói của người Việt, nhà sàn thấp của người Chăm, nhà trình tường của người Hà Nhì, nhà mồ tập thể của người Giarai và nhà mồ cá nhân của người Cơtu… Em và chị Thu đã chụp khá nhiều bức ảnh kỉ niệm cùng với những ngôi nhà sàn độc đáo này.

Cuối cùng là khu trưng bày Đông Nam Á. Tòa nhà này gồm có bốn tầng được mô phỏng theo hình Cánh diều. Nơi đây thường trưng bày về các văn hóa ngoài Việt Nam (Văn hóa Đông Nam Á, Tranh kính Indonesia, Một thoáng châu Á và Vòng quanh thế giới)…; ngoài ra còn có hội trường, phòng chiếu phim, phòng đa phương tiện. Đây cũng là không gian mà em thích nhất.

Kết thúc một ngày tham quan rất bổ ích. Em đã có rất nhiều trải nghiệm thú vị. Em mong rằng mình sẽ có thêm nhiều chuyến đi như vậy hơn.

Bài 14: Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống gia đình

Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình đôi khi thường xảy ra các xung đột. Điều đó đòi hỏi mỗi thành viên cần có những giải pháp để giải quyết các xung đột, xây dựng một gia đình hòa thuận và hạnh phúc.

Đầu tiên, nguyên nhân của xung đột trong gia đình đến từ sự khác biệt trong về nhận thức, quan điểm hay suy nghĩ giữa cha mẹ và con cái. Từ đó đã tạo nên những xung đột về tâm lý là đặc điểm nổi bật mang tính quy luật. Điều đó là do hoàn cảnh sống, thời gian sống và sự khác nhau về thế hệ, sự chênh lệch về kinh nghiệm sống đã tạo nên khoảng cách dẫn đến xung đột.

Cha mẹ luôn mong muốn con cái phải nghe theo những quy định mình đặt ra từ khi con còn bé. Trong suy nghĩ, cha mẹ luôn cho rằng con cái là còn bé bỏng nên cha mẹ cần phải kiểm soát mọi hoạt động, con cái phải phụ thuộc vào mọi quyết định của mình. Đồng thời, nhiều cha mẹ chưa có sự hiểu biết cần thiết về những thay đổi về tâm sinh lí của con. Cha mẹ muốn duy trì sự phụ thuộc của con cái vào cha mẹ trong các hoạt động của cuộc sống hàng ngày…

Về phía con cái, trong độ tuổi dậy thì, tâm sinh lý sẽ có sự thay đổi, nhiều bạn cho đã suy nghĩ “về sự trưởng thành” và có cảm giác “mình là người lớn”. Ở độ tuổi này, nhận thức về “cái tôi cá nhân” và “quyền riêng tư” với những nhu cầu độc lập của bản thân cũng tăng lên rõ rệt. Từ sự thay đổi trên dẫn đến con cái muốn vượt qua sự kiểm soát, quản lý của bố mẹ.

Điều này sẽ khiến cho mối quan hệ của các thành viên trong gia đình không được tốt đẹp. Bởi vậy mà cần phải có những biện pháp phù hợp, tích cực. Đầy tiên, cha mẹ phải là người chủ động thay đổi. Cha mẹ vẫn duy trì những nề nếp quy định của gia đình nhưng phải phù hợp với cuộc sống hiện đại. Bên cạnh đó. cha mẹ cần trở thành những người bạn của con – thấu hiểu và chia sẻ với con mọi vấn đề trong cuộc sống. Từ đó, cha mẹ mới có thể đưa ra những đánh giá, lời khuyên cho con cái. Bản thân chúng ta cũng cần phải hiểu được những mong muốn tốt đẹp của cha mẹ. Hãy chia sẻ cởi mở, suy nghĩ về những lời khuyên và tránh những hành vi tiêu cực: giận dỗi, cãi lời… cha mẹ.

Một gia đình hạnh phúc là một gia đình luôn có sự thấu hiểu, chia sẻ. Mỗi người hãy biết cách xây dựng và bảo vệ gia đình của mình trở nên tốt đẹp hơn.

Bài 15: Kể về một việc làm tốt em đã làm

Những ngày vừa qua, liên tiếp các thiên tai xảy ra, lũ chồng lũ, bão chồng bão đã khiến cho cuộc sống của đồng bào miền Trung đang gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, để hưởng ứng tinh thần cả nước hướng về miền Trung, trường tôi đã tổ chức một cuộc vận đồng ủng hộ đồng bào miền Trung.

Dưới sự phổ biến của cô tổng phụ trách, chúng tôi hiểu được các cách ủng hộ. Mỗi học sinh đều có thể tham gia đóng góp ủng hộ theo đơn vị lớp với hai cách. Một là ủng hộ bằng tiền mặt, hai là ủng hộ bằng hiện vật. Đối với cách thứ nhất, chúng tôi có thể ủng hộ số tiền tùy theo điều kiện của mỗi gia đình và tấm lòng của mỗi bạn. Đối với cách thứ hai, chúng tôi có thể ủng hộ quần áo, sách vở, giày dép… cho các bạn học sinh. Toàn bộ số tiền và đồ dùng mà chúng tôi ủng hộ đều sẽ được chuyển tận tay đến những người khó khăn.

Tôi cảm thấy đây là một việc làm vô cùng ý nghĩa. Chính vì vậy, tối hôm đó, khi trở về nhà tôi đã xin mẹ một số tiền nhỏ để đem đi ủng hộ. Sau đó, tôi còn xin mẹ sẽ đem những quần áo còn mới nhưng không mặc nữa hay những cuốn sách cũ mình đã không còn học… Khi mẹ nghe xong, mẹ đã cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi tôi đã biết chia sẻ và giúp đỡ những người khó khăn.

Tuy rằng, sự đóng góp của tôi chỉ vô cùng nhỏ bé thôi nhưng hy vọng rằng sẽ giúp đỡ được người dân miền Trung, đặc biệt là các bạn học sinh như chúng tôi.

Bài 16: Viết bài văn đóng vai nhân vật kể lại một truyện cổ tích

Sau khi cha mẹ mất, tôi và anh trai sống cùng nhau. Chúng tôi chăm chỉ làm lụng nên cũng đủ ăn. Từ ngày có vợ, anh của tôi đâm ra lười biếng. Vợ chồng tôi phải làm lụng vất vả mới có của ăn của để.

Một hôm, anh trai gọi tôi đến bàn bạc chuyện chia gia tài. Vì là phận em, tôi xin được nghe theo lời anh. Tôi nhận được một túp lều nhỏ, ở trước cửa có một cây khế. Dù khó khăn, nhưng tôi và vợ vẫn sống hạnh phúc, êm đềm. Hằng ngày, tôi và vợ vẫn thay nhau chăm sóc cây khế. Đến mùa, những chùm quả chín lúc lỉu trên cây. Tôi và vợ bàn nhau hái khế ra chợ bán. Sáng hôm đó, tôi ra vườn cây để hái khế thì nghe thấy trên ngọn cây có tiếng rung mạnh như có người. Tôi gọi vợ ra xem, thì nhìn thấy một con chim lớn đang ăn khế chín. Tôi lấy làm lạ lắm, chưa bao giờ thấy một con chim nào to như vậy. Tôi liền bảo vợ cứ đợi cho chim ăn xong mới ra hái. Suốt một tháng trời, hằng ngày chim cứ đến ăn vào lúc sáng sớm.

Vợ tôi xót ruột. Một hôm thấy chim đang ăn khế, liền chạy ra nói:

– Ông chim ơi, ông ăn như thế thì nhà cháu còn khế đâu mà bán! Cả nhà cháu chỉ nhờ vào cây khế thôi!

Chim nói:

– Ăn một quả trả một cục vàng, may túi ba gang mang đi mà đựng!

Nghĩ đây chắc hẳn là chim thần, tôi bảo vợ làm theo lời chim nói. Sáng sớm hôm sau, chim thần bay đến. Tôi xách túi ra, chim nằm rạp xuống đất cho tôi trèo lên. Tôi ngồi trên lưng chim mà lòng có chút lo lắng. Chim bay qua bao nhiêu là miền, hết đồng ruộng đến rừng xanh, hết rừng xanh đến biển cả. Ra tới giữa biển, chim rẽ vào một cái đảo, rồi đáp xuống cửa một cái hang.

Chim ra hiệu cho tôi bước vào. Ngay từ cửa đã có rất nhiều thứ đá trong như thủy tinh và hổ phách đủ thứ màu. Tôi thấy hang sâu và rộng nên không dám vào, chỉ dám nhặt ít vàng, kim cương ở ngoài rồi ra ngoài. Tôi bảo chim thần bay về. Chim lại cất cánh đưa tôi về nhà. Từ đó, cuộc sống của gia đình tôi trở nên khá giả hơn trước. Chúng tôi còn giúp đỡ được rất nhiều người dân nghèo khổ.

Một hôm, anh trai của tôi đến chơi. Tôi đoán biết anh nghe được chuyện nên đến hỏi thăm. Nghe anh hỏi chuyện, tôi liền kể cho anh nghe. Anh liền thương lượng để đổi tài sản của mình lấy túp lều và cây khế. Thầy anh nài nỉ mãi, tôi cũng ưng thuận.

Kể từ đó, anh trai và chị dâu của tôi dọn đến ở trong túp lều. Tôi nghe người trong làng kể lại. Hằng ngày, họ chỉ ngồi ăn rồi chờ chim đến. Một buổi sáng nọ, khi thấy luồng gió mạnh nổi lên, và ngọn cây khế rung chuyển. Họ biết là chim thần đến liền nói:

– Chim thần ơi, cả nhà tôi trông vào cây khế, bây giờ chim ăn thì tôi lấy gì mà sống?

Chim thần cũng nói y như với tôi:

– Ăn một quả trả một cục vàng, may túi ba gang mang đi mà đựng!

Anh trai và chị dâu của tôi cứ bàn qua tính lại. Rồi cuối cùng họ quyết định may cái túi to gấp ba lần, như một cái tay nải lớn. Sáng hôm sau, chim thần đến đưa anh tôi ra hòn đảo. Nhìn thấy vàng bạc, kim cương, anh trai tôi cố nhặt cho đầy túi. Không chỉ vậy, anh ta còn cho cả vào túi quần, túi ào. Trên đường về, vì quá nặng lại gặp gió lớn, chim đâm bổ xuống biển. Anh trai tôi bị sóng cuốn trôi, bao nhiêu của cải mất hết. Còn chim thần chỉ bị ướt lông, ướt cánh nên lại vùng lên trời bay đi. May có người dân đánh cá ngang qua mới cứu được. Anh trai tôi trở về, kể rõ sự tình cho tôi nghe và tỏ ra rất hối hận.

Bài 17: Tả lại một cảnh sinh hoạt

Năm nay, em được về quê ngoại ăn Tết. Em đã có rất nhiều trải nghiệm thú vị bên những người thân yêu.

Chiều ba mươi Tết, mọi người trong gia đình đều bận rộn. Ông, bố và anh trai của em thì dọn dẹp nhà cửa. Còn bà và mẹ thì lo chuẩn bị mâm cơm cúng Tất niên. Em chạy quanh nhà giúp đỡ mọi người những công việc nhỏ. Ai cũng đều háo hức đón chờ một năm mới sắp đến. Chẳng mấy chốc, nhà cửa đã sạch sẽ, gọn gàng. Mâm cơm cúng Tất niên cũng rất đầy đủ, đẹp mắt. Mọi người ăn mặc thật chỉnh tề, và đứng trước bàn thờ gia tiên để thắp hương cho ông bà tổ tiên. Em cảm nhận được không khí vô cùng thiêng liêng, trang trọng.

Sau đó, cả gia đình cùng quân quần bên mâm cơm Tất niên. Đầu tiên, ông nội thay mặt cả gia đình tổng kết lại một năm. Khuôn mặt các thành viên hết sức nghiêm trang. Bầu không khí vô cùng yên tĩnh. Chỉ có giọng nói của ông vẫn ôn tồn, vang vọng. Sau khi ông phát biểu, mọi người cùng nâng ly để chúc mừng năm mới. Tiếng hô vang: “Chúc mừng năm mới” khiến em cảm nhận được Tết đã sắp đến gần.

Sau bữa cơm giao thừa, cả gia đình của em quây quần bên chiếc vô tuyến để xem các chương trình Tết. Mọi người vừa xem vừa trò chuyện rôm rả. Không khí thật ấm cúng biết bao. Đến mười hai giờ, em sẽ chúc Tết ông bà, bố mẹ và nhận được những phong bao lì xì đỏ thắm.

Khung cảnh sinh hoạt vào dịp Tết thật rộn ràng, vui tươi. Dịp Tết cũng là khoảng thời gian để con người sum vầy bên gia đình. Mỗi kỉ niệm cùng với người thân đều vô cùng đáng quý. Từ đó chúng ta càng biết yêu mến và trân trọng hơn gia đình.

…….. Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết tại file tải dưới đây……..

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết 75 bài văn mẫu lớp 6 hay nhất Những bài văn hay lớp 6 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *