- Dàn Ý Nghị Luận Về Tinh Thần Tự Học
- Mở bài
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: tinh thần tự học.
- Thân bài
- Giải thích thế nào là tự học?
– Tự học: là tự mình học tập, vạch ra các kế hoạch của bản thân, không cần ai nhắc nhở hay thúc giục.
– Tự học không chỉ là việc tự nghiên cứu những vấn đề trên lớp mà còn cả ý thức tìm tòi, học hỏi những điều trong cuộc sống.
– Đây là tinh thần khát khao khám phá những nhu cầu tri thức của bản thân, không ngại khó ngại khổ.
– Có ý thức lên kế hoạch và thời khóa biểu cho bản thân.
– Tự tìm hiểu trước những bài sẽ học và tìm tòi mở rộng những kiến thức đã học
- Chứng minh tự học là một tinh thần tốt cần được phát huy
– Trạng Nguyên Nguyễn Hiền vì không có điều kiện học tập nên học ké các bạn và về nhà tự học mà đỗ Trạng, trở thành trạng nguyên trẻ nhất nước ta.
– Bác Hồ tuy cuộc sống bôn ba ở nước ngoài vất vả nhưng Bác đã tự học được 29 thứ tiếng các nước.
– Đài Hải Hà: tự thấy kiến thức trong sách vở không đủ dạy cùng mong muốn được đi du học nên xin trường Đại học Quốc Gia Hà Nội sang Đức vừa học vừa làm để có cơ hội tiếp thu với những nền tri thức rộng hơn.
- Tác dụng của tự học
– Giúp tiếp thu kiến thức với một tâm thế luôn chủ động.
– Giúp rèn luyện ý chí, tu dưỡng đạo đức.
– Phát triển tư duy.
– Củng cố và giúp nắm vững kiến thức đã học.
– Là cơ sở để mọi người nhìn nhận, đánh giá về chúng ta.
- Phê phán những người không coi trọng việc tự học
– Phê phán những người coi học tập là việc bị ép buộc và không có ý thức học hành.
– Phê phán những người chưa chăm chỉ, không hoàn thành tốt các nhiệm vụ học tập.
– Phê phán lối học tủ, học vẹt, học một cách đối phó.
- Bài học
– Mỗi cá nhân nên tự xây dựng cho mình một kế hoạch tự học.
– Nên tự tìm tỏi, làm chủ kiến thực.
– Có những biện pháp học tập cụ thể chứ không phải chỉ đặt mục tiêu rồi để đấy.
– Học tập những phương pháp tư duy và các nguồn tri thức mới một cách tích cực, hiệu quả.
- Kết bài
Khẳng định những lợi ích của việc tự học.
Để học tốt môn Văn và thi Đại Học
- Bài Văn Nghị Luận Về Tinh Thần Tự Học
- Mở bài
Sidney Jourard từng nói: “Học tập không phải là một nhiệm vụ hay một vấn đề khó giải quyết – nó là cách để sống trong thế giới. Con người học tập khi theo đuổi các mục tiêu và kế hoạch có ý nghĩa cho chính mình”. Thật vậy, để tồn tại được trong thế giới đang không ngừng vận động phát triển như thế này thì con người không thể ngưng học hỏi. Và để có thể đạt được những mục tiêu bản thân, không chỉ nhờ khối kiến thức nhận được từ gia đình, bạn bè mà còn từ tinh thần tự học. Tinh thần đáng quý này sẽ giúp ta ngày càng hoàn thiện bản thân hơn.
- Thân bài
Vậy thế nào là tự học? Tự học là việc tự mình học tập, vạch ra các kế hoạch của bản thân, không cần ai nhắc nhở hay thúc giục. Đây là tinh thần đáng học hỏi và phát huy. Nó thúc đẩy con người khám phá những nhu cầu tri thức của bản thân, không ngại khó ngại khổ. Thế giới thì muôn hình vạn trạng mà gia đình và nhà trường không thể cùng lúc truyền đạt lại hết những điều thú vị ấy. Con người cần có quá trình tự thân tìm tòi để hiểu những điều mình muốn như lời Lê nin nói: “Học, học nữa, học mãi” . Muốn vậy, ta cần có ý thức lên kế hoạch và thời khóa biểu cho bản thân. Ngoài những giờ học trên lớp, ta có thể tự tìm hiểu trước những bài sẽ học và tìm tòi mở rộng những kiến thức đã học
Câu chuyện về Trạng nguyên trẻ tuổi nhất lịch sử khoa bảng Việt Nam chính là minh chứng rõ ràng nhất cho tinh thần tự học. Cha mất sớm, ở với mẹ và vì không có điều kiện học tập nên Nguyễn Hiền không thể đến lớp như các bạn. Ông bèn tìm cách học lỏm, viết chữ ra lá chuối, tự học mà thành người tài. Đỗ Trạng Nguyên ở tuổi 13 là điều vô cùng xuất sắc mà chỉ có con người ham học ấy có thể làm được. Rồi không thể không kể đến Hồ Chủ Tịch – vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của chúng ta.Trên hành trình bôn ba ra nước ngoài đi tìm đường cứu nước, qua bao nhiêu quốc gia là bấy nhiêu lần Bác tự học ngoại ngữ để thuận tiện cho những mục đích chính trị của mình. Bác học bằng cách nào? Bác viết lên bàn tay, viết dưới ánh trăng, dưới ánh đèn yếu ớt của con tàu,… Và Bác đã đúc rút một chân lí cho đời sau noi theo: “Trong cách học, phải lấy tự học làm cốt.” Thành quả của quá trình tự học ấy là Bác có thể nói thông thạo tiếng của 29 quốc gia, chưa kể tiếng của các đồng bào dân tộc người Việt Nam ta. Gần gũi hơn là hình ảnh sinh viên Đào Hải Hà, tự thấy kiến thức trong sách vở không đủ dạy cùng mong muốn được đi du học nên xin trường Đại học Quốc Gia Hà Nội sang Đức vừa học vừa làm để có cơ hội tiếp thu với những nền tri thức rộng hơn. Ấy đấy, chỉ cần có đam mê, có ý chí quyết tâm thì con người ta sẽ tìm mọi cách để có thể tiếp thu nhiều nền tri thức.
Tự học luôn mang lại nhiều lợi ích hơn chúng ta nghĩ. Trước hết, nó không chỉ giúp ta tiếp thu kiến thức với một tâm thế luôn chủ động mà còn rèn luyện ý chí ta, tu dưỡng đạo đức, tính nhẫn lại và tinh thần quyết tâm vượt khó. Việc chủ động trong học tập khiến não bộ ta luôn hoạt động, tránh việc lười tư duy , giúp tư duy phát triển tốt hơn, theo kịp những đổi mới từng ngày của xã hội. Việc tự giác ôn lại bài trên lớp nhằm củng cố và nắm vững hơn kiến thức đã học. Đây còn là cơ sở để mọi người nhìn nhận, đánh giá về chúng ta. Người có tinh thần tự học ắt là người cầu tiến, có tinh thần quyết tâm cao trong khi làm việc và luôn sáng tạo, tìm tòi những thứ mới mẻ. Và chắc chắn, những kiến thức bổ ích đó khi được đem vào thực tiễn sẽ có kết quả thật tuyệt vời.
Vậy mà thật đáng buồn khi trong cuộc sống không ít người coi thường việc tự học. Với họ, học tập luôn là điều gì đó ràng buộc và họ không hề có ý thức học hành. Nói cách khác, họ không tìm được niềm vui, sự phấn khích với những kiến thức mới. Và lẽ tất nhiên những nhiệm vụ học tập luôn bị bỏ đấy, những kiến thức cần họ tiếp thu bị quẳng sang một bên. Lại có những người đón chào việc học bằng thái độ miễn cưỡng, chống đối và lựa chọn cách thức học tủ, học vẹt để đối mặt với tất cả. Liệu rằng với thái độ như thế họ có thể thành công trong cuộc sống?
Việc tự học có ý nghĩa to lớn như vậy nên mỗi chúng ta cần xây dựng cho mình một kế hoạch tự học hoàn chỉnh. Tự khám phá, tự tìm tòi, làm chủ kiến thức trên nền tảng say mê, giàu khát vọng thì chắc hẳn chúng ta sẽ gặt hái được những thành tựu tuyệt vời. Tất nhiên đó phải là những biện pháp thiết thực, cụ thể chứ không phải chỉ đặt mục tiêu rồi để đấy. Nếu vậy đó chỉ là lí thuyết suông. Những phương pháp tư duy và nguồn tri thức mới luôn đem lại những giá trị thiết thực và hiệu quả.
- Kết bài
Benjiamin Franklin thật đúng đắn khi khẳng định rằng: “Ngu dốt không đáng xấu hổ như không chịu học hỏi.” Học hỏi từ bạn bè, thầy cô và học hỏi từ chính lòng ham hiểu biết của mình. Những người tìm được phương pháp tự học phù hợp cho bản thân sẽ thành người có ích cho xã hội, góp phần nâng cao đời sống cá nhân nói riêng và cộng đồng nói chung. Tự học là con đường ngắn nhất để biến những giấc mơ trở thành hiện thực!
Mời các bạn đọc tài liệu Bài văn nghị luận về tinh thần tự học hay và nhiều cảm xúc nhất mà trung tâm đã cố gắng biên soạn ra. Không nên sao chép để đảm bảo sự tiến bộ trong môn Văn nhé! Kho tài liệu của trung tâm còn rất phong phú và đa dạng cho chúng mình tham khảo. Hãy chia sẻ để ủng hộ cho trung tâm đưa ra nhiều sản phẩm giáo dục hữu ích cho chúng mình!