Dàn ý phân tích bài Thương vợ – wikihoc.com gợi ý chi tiết cách làm, xây dựng dàn ý tham khảo và bài văn mẫu hay phân tích bài thơ Thương vợ của Tế Xương.

Hướng dẫn lập dàn ý phân tích bài thơ Thương vợ

1. Phân tích đề

– Dạng bài: nghị luận văn học (phân tích một bài thơ).

– Vấn đề nghị luận: nội dung, nghệ thuật của bài thơ Thương vợ

– Phạm vi dẫn chứng, tư liệu: các căn cứ, hình ảnh, chi tiết,… thuộc phạm vi bài thơ Thương vợ của Tế Xương.

2. Xác lập luận điểm, luận cứ

Luận điểm 1: Hình ảnh bà Tú

+ Công việc mưu sinh vất vả của bà Tú

+ Những đức tính cao đẹp của bà Tú

Luận điểm 2: Nỗi lòng của ông Tú

3. Sơ đồ tư duy

Dàn ý phân tích bài thơ Thương vợ | Văn mẫu 11

4. Chi tiết dàn ý phân tích bài Thương vợ

a) Mở bài

– Đôi nét về tác giả Trần Tế Xương: một tác giả mang tư tưởng li tâm Nho giáo, tuy cuộc đời nhiều ngắn ngủi

– Thương vợ là một trong số những bài thơ hay và cảm động nhất của Tú Xương viết về bà Tú

b) Thân bài

* Luận điểm 1: Hình ảnh bà Tú

Công việc mưu sinh vất vả của bà Tú

– Hai câu đề

+ Hoàn cảnh bà Tú: mang gánh nặng gia đình, quanh năm lặn lội “mom sông”

  • Thời gian “quanh năm” : làm việc liên tục, không trừ ngày nào, hết năm này qua năm khác
  • Địa điểm “mom sông” : phần đất nhô ra phía lòng sông không ổn định.

=> Công việc và hoàn cảnh làm ăn vất vả, ngược xuôi, không vững vàng, ổn định.

+ Lí do:

  • “nuôi” : chăm sóc hoàn toàn
  • “đủ năm con với một chồng” : một mình bà Tú phải nuôi cả gia đình, không thiếu cũng không dư.

=> Bản thân việc nuôi con là người bình thường, nhưng ngoài ra người phụ nữ còn nuôi chồng => hoàn cảnh éo le trái ngang.

  • Cách dùng số đếm độc đáo “một chồng” bằng cả “năm con”, ông Tú nhận mình cũng là đứa con đặc biệt. Kết hợp với cách ngắt nhịp 4/3 thể hiện nỗi cực nhọc của vợ.

=> Bà Tú là người đảm đang, chu đáo với chồng con.

– Hai câu thực

+ Lặn lội thân cò khi quãng vắng: có ý từ ca dao “Con cò lặn lội bờ sông” nhưng sáng tạo hơn nhiều (cách đảo từ lặn lội lên đầu hay thay thế con cò bằng thân cò):

  • “Lặn lội” : Sự lam lũ, cực nhọc, nỗi gian truân, lo lắng
  • Hình ảnh “thân cò” : gợi nỗi vất vả, đơn chiếc khi làm ăn -> gợi tả nỗi đau thân phận và mang tính khái quát
  • “khi quãng vắng” : thời gian, không gian heo hút rợn ngợp, chứa đầy những nguy hiểm lo âu

=> Sự vất vả gian truân của bà Tú càng được nhấn mạnh thông qua nghệ thuật ẩn dụ.

+ “Eo sèo… buổi đò đông”: gợi cảnh chen lấn, xô đẩy, giành giật ẩn chứa sự bất trắc

  • Buổi đò đông“: Sự chen lấn, xô đẩy trong hoàn cảnh đông đúc cũng chứa đầy những sự nguy hiểm, lo âu
Tham khảo thêm:   Dàn ý bài Câu cá mùa thu đầy đủ nhất (7 mẫu)

-> Nghệ thuật đảo ngữ, phép đối, hoán dụ, ẩn dụ, sáng tạo từ hình ảnh dân gian nhấn mạnh sự lao động khổ cực của bà Tú.

=> Thực cảnh mưu sinh của bà Tú: Không gian, thời gian rợn ngợp, nguy hiểm đồng thời thể hiện lòng xót thương da diết của ông Tú.

Những đức tính cao đẹp của bà Tú

– Hai câu luận

+ “Một duyên hai nợ” : ý thức được việc lấy chồng là duyên nợ nên “âu đành phận”, Tú Xương cũng tự ý thức được mình là “nợ” mà bà Tú phải gánh chịu

+ “nắng mưa” : chỉ vất vả

+ “năm”, “mười” : số từ phiếm chỉ số nhiều

+ “dám quản công” : đức hy sinh thầm lặng cao quý vì chồng con, ở bà hội tụ cả sự tần tảo, đảm đang, nhẫn nại.

=> Câu thơ vận dụng sáng tạo thành ngữ, sử dụng từ phiếm chỉ vừa nói lên sự vất vả gian lao vừa nói lên đức tính chịu thương chịu khó, hết lòng vì chồng vì con của bà Tú.

* Luận điểm 2: Nỗi lòng của ông Tú

– Hai câu kết

+ Bất mãn trước hiện thực, Tú Xương đã vì vợ mà lên tiếng chửi:

  • Cha mẹ thói đời ăn ở bạc”: tố cáo hiện thực, xã hội quá bất công với người phụ nữ, quá bó buộc họ để những người phụ nữ phải chịu nhiều cay đắng vất vả.

+ Tự ý thức:

  • Có chồng hờ hững”: Tú Xương ý thức sự hờ hững của mình cũng là một biểu hiện của thói đời.

+ Nhận mình có khiếm khuyết, phải ăn bám vợ, để vợ phải nuôi con và chồng.

=> Từ tấm lòng thương vợ đến thái độ đối với xã hội, Tú Xương cũng chửi cả thói đời đen bạc.

c) Kết bài

– Khẳng định lại giá trị về nội dung và nghệ thuật của bài thơ.

– Liên hệ, bày tỏ quan điểm, suy nghĩ của bản thân về người phụ nữ trong xã hội hôm nay.

Chi tiết nội dung phân tích xem lại phần soạn bài Thương vợ (Tú Xương) đã được học trên lớp.

Bài văn mẫu phân tích bài thơ Thương vợ của Tế Xương

Tú Xương là nhà thơ trào phúng bậc thầy trong nền văn học Việt Nam. Ngoài những bài thơ trào phúng sắc nhọn, lấy tiếng cười làm vũ khí chế giễu và đả kích sâu cay bộ mặt xấu xa, đồi bại của cái xã hội thực dân nửa phong kiến, ông còn có một số bài thơ trữ tình, chứa chất bao nỗi niềm của một nhà nho nghèo về tình người và tình đời sâu nặng.

Thương vợ” là bài thơ cảm động nhất trong những bài thơ trữ tình của Tú Xương. Nó là một bài thơ tâm sự, đồng thời cũng là một bài thơ thế sự. Bài thơ chứa chan tình thương yêu nồng hậu của nhà thơ đối với người vợ hiền thảo.

Sáu câu thơ đầu nói lên hình ảnh bà Tú trong gia đình là một người vợ rất đảm đang, chịu thương chịu khó. Nếu bà vợ của Nguyễn Khuyến là một phụ nữ “hay lam hay làm, thắt lưng bó que, xắn váy quai cồng, tất tả chân nam đá chân chiêu, vì tớ đỡ đần trong mọi việc” (câu đối của Nguyễn Khuyến) thì bà Tú lại là một người đàn bà:

Tham khảo thêm:   Lập dàn ý bài Vội vàng đoạn 2 (ngắn gọn, hay nhất)

“Quanh năm buôn bán ở mom sông,

Nuôi đủ năm con với một chồng”

“Quanh năm buôn bán” là cảnh làm ăn đầu tắt mặt tối, từ ngày này qua ngày khác, từ tháng này qua tháng khác, không được một ngày nghỉ ngơi. Bà Tú “buôn bán ở mom sông”, nơi mỏm đất nhô ra, ba bề bao bọc sông nước, nơi làm ăn là cái thế đất chênh vênh. Hai chữ “mom sông” gợi tả một cuộc đời nhiều mưa nắng, một cảnh đời lắm cay cực, phải vật lộn kiếm sống, mới “nuôi đủ năm con với một chồng”.

Một gánh gia đình đè nặng lên đôi vai người mẹ, người vợ. Thông thường người ta chỉ đếm mớ rau, con cá, đếm tiền bạc,… chứ ai “đếm” con, “đếm” chồng. Câu thơ tự trào ẩn chứa nỗi niềm chua chát về một gia cảnh gặp nhiều khó khăn: đông con, người chồng đang phải “ăn lương vợ”.

Có thể nói, hai câu thơ trong phần đề, Tú Xương ghi lại một cách chân thực hình ảnh người vợ tần tảo, đảm đang của mình.

Phần thực, tô đậm thêm chân dung bà Tú, mỗi sáng mỗi tối đi đi về về “lặn lội” làm ăn như “thân cò” nơi “quãng vắng”. Ngôn ngữ thơ tăng cấp, tô đậm thêm nỗi cực nhọc của người vợ. Câu chữ như những nét vẽ, gam màu nối tiếp nhau, bổ trợ và gia tăng; đã “lặn lội” lại “thân cò”, rồi còn “khi quãng vắng”. Nỗi cực nhọc kiếm sông ở “mom sông” tưởng như không thể nào nói hết được! Hình ảnh “con cò” cái cò trong ca dao cổ: “Con cò lặn lội bờ sông…”, “Con cò đi đón cơn mưa…”, “Cái cò, cái vạc, cái nông,…” được tái hiện trong thơ Tú Xương qua hình ảnh “thân cò” lầm lũi, đã đem đến cho người đọc bao liên tưởng cảm động về bà Tú, cũng như thân phận vất vả, cực khổ, của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội cũ:

“Lặn lội thân cò nơi quãng vắng

Eo sèo mặt nước buổi đò đông”

“Eo sèo” là từ láy tượng thanh chỉ sự làm rầy rà bằng lời đòi, gọi liên tiếp dai đẳng: gợi tả cảnh tranh mua tranh bán, cảnh cãi vã nơi “mặt nước” lúc “đò đông”. Một cuộc đời “lặn lội”, một cảnh sống làm ăn “eo sèo”. Nghệ thuật đối đặc sắc đã làm nổi bật cảnh kiếm ăn nhiều cơ cực. Bát cơm, manh áo mà bà Tú kiếm được “nuôi đủ năm con với một chồng’” phải. “lặn lội” trong mưa nắng, phải giành giật “eo sèo”, phải trả giá bao mồ hồi, nước mắt giữa thời buổi khổ khăn! Tiếp theo là hai câu luận, Tú Xương vận dụng rất sáng tạo hai thành ngữ: “một duyên hai nợ” và “năm nắng mười mưa”, đối xứng nhau hài hòa, màu sắc dân gian đậm đà trong cảm nhận và ngôn ngữ biểu đạt:

“Một duyên hai nợ, âu đành phận,

Năm nắng, mười mưa dám quản công.”

“Duyên” là duyên số, duyên phận, là cái “nợ” đời mà bà Tú phải cam phận, chịu đựng.”Nắng”, “mưa” tượng trưng cho mọi vất vả, khổ cực. Các số từ trong câu thơ tăng dần lên: “một… hai… năm… mười… làm nổi rõ đức hi sinh thầm lặng của bà Tú, một người phụ nữ chịu thương, chịu khó vì sự ấm no, hạnh phúc của chồng con và gia đình. “Âu đành phận”, “dám quản công”… giọng thơ nhiều xót xa, thương cảm, thương mình, thương gia cảnh nhiều éo le.

Tham khảo thêm:   Dàn ý phân tích cảnh cho chữ trong Chữ người tử tù | Văn mẫu 11

Tóm lại, sáu câu thơ đầu bằng tấm lòng biết ơn và cảm phục, Tú Xương đã phác họa một vài nét rất chân thực và cảm động về hình ảnh bà Tú, người vợ hiền thảo của mình với bao đức tính đáng quý: đảm đang, tần tảo, chịu thương chịu khó, thầm lặng hi sinh cho hạnh phúc gia đình. Tú Xương thể hiện một tài năng điêu luyện trong sử dụng ngôn ngữ và sáng tạo hình ảnh. Các từ láy, các số từ, phép đối, thành ngữ và hình ảnh “thân cò”… đã tạo nên ấn tượng và sức hấp dẫn văn chương.

Hai câu kết, Tú Xương sử dụng từ ngữ thông tục, lấy tiếng chửi nơi “mom sông” lúc “buổi đò đông” đưa vào thơ rất tự nhiên, bình dị. Ông tự trách mình:

“Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,

Có chồng hờ hững cũng như không!”

Trách mình “ăn lương vợ”, mà “ăn ở bạc”. Vai trò người chồng, người cha chẳng giúp ích được gì, vô tích sự, thậm chí còn “hờ hững” với vợ con. Lời tự trách sao mà chua xót thế! Ta đã biết, Tú Xương có văn tài, nhưng công danh dở dang, thi cử lận đận. Sống giữa một xã hội “dở Tây, dở ta”, chữ nho mạt vận, lúc mà “Ông Nghè, ông Cống cũng nằm co”, cho nên nhà thơ tự trách mình đồng thời cũng là trách đời đen bạc. Ông không xu thời để vinh thân phì gia “tối rượu sâm banh, sáng sữa bò”.

Hai câu kết là cả một nỗi niềm tâm sự và thế sự đầy buồn thương, là tiếng nói của một trí thức giàu nhân cách, nặng tình đời, thương vợ con, thương gia cảnh nghèo. Tú Xương thương vợ cũng chính là thương mình vậy: nỗi đau thất thế của nhà thơ khi cảnh đời thay đổi!

Bài thơ “Thương vợ” được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú. Ngôn ngữ thơ bình dị như là tiếng nói đời thường nơi “mom sông” của những người buôn bán nhỏ, cách đây một thế kỉ. Các chi tiết nghệ thuật chọn lọc vừa cá thể (bà Tú với “năm con, một chồng”) vừa khái quát sâu sắc (người phụ nữ ngày xưa). Hình tượng thơ hàm súc, gợi cảm: thương vợ, thương mình, buồn về gia cảnh thêm nỗi đau đời. “Thương vợ’” là bài thơ trữ tình đặc sắc của Tú Xương nói về người vợ, người phụ nữ ngày xưa với bao đức tính tốt đẹp, hình ảnh bà Tú được nói đến trong bài thơ rất gần gũi với người mẹ, người chị trong mỗi gia đình Việt Nam.

Tú Xương chiếm một địa vị vẻ vang trong nền văn học Việt Nam. Tên tuổi ông sống mãi với non Côi, sông Vị.

-/-

Trên đây là mẫu dàn ý chi tiết cho đề văn phân tích nội dung bài thơ Thương vợ của Tú Xương do wikihoc.com tổng hợp và biên soạn lại phục vụ nhu cầu tham khảo của các em khi gặp đề bài này. Ngoài ra để củng cố kiến thức về tác phẩm và cách thức triển khai bài phân tích, các em có thể tham khảo qua một số bài văn mẫu phân tích bài thơ Thương vợ hay. Chúc các em làm bài tốt !

About The Author