Bạn đang xem bài viết ✅ Văn mẫu lớp 7: Giải thích câu tục ngữ Đói cho sạch, rách cho thơm 2 Dàn ý & 16 bài văn mẫu lớp 7 hay nhất ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

“Đói cho sạch, rách cho thơm” là một câu tục ngữ giàu giá trị. Hôm nay, Wikihoc.com sẽ giới thiệu Bài văn mẫu lớp 7: Giải thích câu tục ngữ Đói cho sạch, rách cho thơm.

Giải thích câu Đói cho sạch rách cho thơm
Giải thích câu Đói cho sạch rách cho thơm

Dưới đây là 2 dàn ý và 16 mẫu tham khảo, dành cho học sinh lớp 7, cùng các mẫu mở bài và kết bài gián tiếp. Các bạn học sinh có thể tham khảo để hoàn thiện bài viết của mình.

Giải thích câu tục ngữ Đói cho sạch, rách cho thơm

  • Dàn ý giải thích câu Đói cho sạch, rách cho thơm
  • Giải thích câu Đói cho sạch, rách cho thơm ngắn gọn (2 mẫu)
  • Đói cho sạch, rách cho thơm (5 mẫu)
  • Giải thích câu tục ngữ Đói cho sạch, rách cho thơm (6 mẫu)
  • Mở bài gián tiếp giải thích Đói cho sạch rách cho thơm (5 mẫu)
  • Kết bài gián tiếp giải thích Đói cho sạch rách cho thơm (5 mẫu)

Dàn ý giải thích câu Đói cho sạch, rách cho thơm

1. Mở bài

Giới thiệu về câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm”.

2. Thân bài

– Câu tục ngữ gồm hai vế là “đói cho sạch” và “rách cho thơm”.

– Từ “đói” và “rách” ý chỉ cuộc sống vật chất nghèo khổ, thiếu thốn của con người. Còn “sạch” và “thơm” muốn nói về vẻ đẹp phẩm chất của con người.

=> Qua đó, ông cha ta muốn khuyên nhủ con cháu rằng dù sống trong hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn vẫn phải giữ tấm lòng trong sạch, không để hoàn cảnh chi phối bản thân.

– Trong cuộc sống, con người không thể lựa chọn gia đình, cảnh ngộ. Nhưng chúng ta có thể lựa chọn cách sống để được mọi người yêu mến, kính trọng.

– Dẫn chứng: Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng về đạo đức, lối sống.

– Liên hệ bản thân: Học sinh cần tích cực rèn luyện phẩm chất, đạo đức để trở thành người có ích cho xã hội trong tương lai.

– Mở rộng vấn đề: Một bộ phận có lối sống thực dụng, ăn chơi đua đòi… cần lên án và tránh xa.

3. Kết bài

Khẳng định lại ý nghĩa của câu tục ngữ đối với mỗi người trong cuộc sống hiện tại.

Giải thích câu Đói cho sạch, rách cho thơm ngắn gọn

Đoạn văn mẫu số 1

“Đói cho sạch, rách cho thơm” là một lời khuyên rất giá trị mà ông cha ta muốn gửi gắm. Câu tục ngữ có hai về “đói cho sạch” và “rách cho thơm”. “Đói” và “rách” chỉ sự thiếu thốn về vật chất – không được ăn no mặc đủ. Còn “sạch” và “thơm” nhằm nói đến vẻ đẹp ở bên trong con người. Từ đó, chúng ta hiểu được bài học rằng dù trong hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn vẫn phải giữ tấm lòng trong sạch, không để hoàn cảnh chi phối bản thân. Con người sinh ra có hoàn cảnh riêng. Có người sung sướng, đầy đủ; cũng có người khó khăn, thiếu thốn. hưng điều đó không làm nên giá trị của con người. Cũng giống như câu nói: “Ta không được chọn nơi mình sinh ra, nhưng ta được chọn nơi mình sẽ sống”. Trước hoàn cảnh khó khăn, con người vẫn giữ được phẩm chất tốt đẹp, để lại “tiếng thơm” bay xa mới thật đáng trân trọng. Đối với một học sinh cần phải tích cực trau dồi kiến thức, rèn luyện phẩm chất đạo đức để trở thành con ngoan, trò giỏi. Như vậy, câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm” là một lời khuyên giá trị.

Đoạn văn mẫu số 2

Đạo đức, phẩm chất là những điều làm nên giá trị của một con người, chính vì lẽ đó mà ông cha ta đã có lời khuyên răn: “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Câu tục ngữ gồm hai vế là “đói cho sạch” và “rách cho thơm”. Từ “đói” và “rách” ý chỉ cuộc sống vật chất nghèo khổ, thiếu thốn của con người. Còn “sạch” và “thơm” muốn nói về vẻ đẹp phẩm chất của con người. Qua đó, ông cha ta muốn khuyên nhủ con cháu rằng dù sống trong hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn vẫn phải giữ tấm lòng trong sạch, không để hoàn cảnh chi phối bản thân. Có ai đó đã từng khẳng định rằng: “Ta không được chọn nơi mình sinh ra nhưng ta được lựa chọn cách mình sống”. Mỗi người đều có một hoàn cảnh sống khác nhau. Chúng ta không thể lựa chọn điều đó, nhưng có thể lựa chọn cách sống. Chọn làm một người có ích, biết vượt lên trên mọi khó khăn nghịch cảnh. Hay chỉ làm một người tự ti, mặc cảm với xuất thân và coi đó là nguyên nhân để bản thân tìm đến với con đường sai trái. Câu tục ngữ trên chính là lời răn dạy cho con người về lựa chọn cách sống. Có thể thấy rằng, câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm” là một lời răn dạy đúng đắn.

Đói cho sạch, rách cho thơm

Bài văn mẫu số 1

Đạo đức, phẩm chất là những điều làm nên giá trị của một con người. Bởi vậy mà ông cha ta đã có lời khuyên răn: “Đói cho sạch, rách cho thơm” để nhắc nhở con cháu.

Câu tục ngữ gồm hai vế là “đói cho sạch” và “rách cho thơm”. Từ “đói” và “rách” ý chỉ cuộc sống vật chất nghèo khổ, thiếu thốn của con người. Còn “sạch” và “thơm” muốn nói về vẻ đẹp phẩm chất của con người. Qua đó, ông cha ta muốn khuyên nhủ con cháu rằng dù sống trong hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn vẫn phải giữ tấm lòng trong sạch, không để hoàn cảnh chi phối bản thân.

Có ai đó đã từng khẳng định rằng: “Ta không được chọn nơi mình sinh ra nhưng ta được lựa chọn cách mình sống”. Mỗi người đều có một hoàn cảnh riêng. Chẳng ai có thể tự vẽ ra cho bản thân rằng bố mẹ của ta sẽ là ai, gia đình của ta sẽ như thế nào, quê hương nơi ta sinh sống ở đâu. Xuất thân chính là điều mà con người không có quyền được lựa chọn. Nhưng con người có quyền lựa chọn cách sống cho mình. Lựa chọn làm một người có ích, biết vượt lên trên mọi khó khăn nghịch cảnh. Hay chỉ làm một người tự ti, mặc cảm với xuất thân và coi đó là nguyên nhân để bản thân tìm đến với con đường sai trái. Lựa chọn giữ được phẩm chất trong sạch, tốt đẹp. Hay chỉ biết chạy theo giá trị vật chất, sống thực dụng và ích kỉ.

Câu tục ngữ trên chính là lời răn dạy cho con người về lựa chọn cách sống. Có thể kể đến tấm gương của các bậc tiền nhân như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Trãi đã cáo quan về ở ẩn để tránh xa khỏi chốn quan trường xô bồ. Hay không thể không nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong suốt những năm bôn ba tìm đường cứu nước, Người đã phải kiếm sống bằng nhiều công việc lao động khác nhau. Dù khó khăn, vất vả nhưng Bác vẫn giữ được tấm lòng trong sáng, lý tưởng cao cả của bản thân. Không chỉ là những bậc hiền triết, vĩ nhân mà có rất nhiều con người giản dị, họ cũng có cách sống tốt đẹp ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn.

Như vậy, câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm” là một lời răn dạy đúng đắn. Chúng ta hãy sống như hoa sen vậy, “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

Bài văn mẫu số 2

Tục ngữ đã gửi gắm nhiều bài học quý giá. Một trong số đó là câu “Đói cho sạch, rách cho thơm” nhắc nhở mỗi người dù trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ gìn phẩm chất, đạo đức tốt đẹp.

Trước hết, câu tục ngữ có hai vế “đói cho sạch” và “rách cho thơm”. Hai từ “đói” và “rách” chỉ hoàn cảnh nghèo khổ, thiếu thốn. Còn “sạch” và “thơm” ý chỉ cách sống đẹp đẽ của con người. Hai chữ “cho” được lặp có nghĩa là giữ lấy. Tóm lại, “Đói cho sạch, rách cho thơm” muốn răn dạy chúng ta phải biết giữ gìn đạo đức, phẩm chất tốt đẹp trong mọi hoàn cảnh.

Mỗi người đến với cuộc đời là một sự sắp đặt kỳ diệu của số phận. Chúng ta không được lựa chọn bố mẹ của mình, gia đình của mình giàu có hay nghèo khổ, quê hương của mình ở đâu. Nhưng chúng ta lại có thể lựa chọn cách sống của chính mình. Nhân cách, đạo đức của một con người có thể được định hình và thay đổi theo thời gian. Khi con người được định hướng và lựa chọn một lối sống đúng đắn thì cuộc đời sẽ trở nên tốt đẹp, hạnh phúc và thành công hơn. Dù trong hoàn cảnh khó khăn, nghèo khổ vẫn giữ được phẩm chất tốt đẹp mới đáng trân trọng, ngưỡng mộ.

Tham khảo thêm:   KHTN 8: Bài tập Chủ đề 7 Giải KHTN 8 Cánh diều trang 178

Trong cuộc sống, có rất nhiều người có đời sống vật chất khó khăn. Nhưng họ vẫn sống trong sạch, cố gắng nỗ lực để có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Ngược lại vẫn còn rất nhiều người khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn dễ dàng sa ngã vào các tệ nạn xã hội. Họ không chịu cố gắng trau dồi kiến thức cũng như phẩm chất đạo đức. Đối với một học sinh như em, câu tục ngữ là một lời răn dạy có giá trị, giúp em biết sống tốt đẹp hơn để trở thành người có ích trong tương lai.

Như vậy, câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm” tuy ngắn gọn, nhưng giàu ý nghĩa. Từ đó, con người cần phải ý thức giữ gìn phẩm chất tốt đẹp, sống một cuộc đời có ích.

Bài văn mẫu số 3

Ông cha ta đã gửi gắm những lời răn dạy cho con cháu qua những câu tục ngữ. Và “Đói cho sạch, rách cho thơm” cũng là một trong số đó.

Câu tục ngữ có hai về “đói cho sạch” và “rách cho thơm”. “Đói” và “rách” muốn chỉ sự thiếu thốn về vật chất – không được ăn no mặc đủ. Còn “sạch” và “thơm” nhằm nói đến vẻ đẹp ở bên trong con người. Từ đó, câu tục ngữ gửi gắm mỗi người bài học dù trong hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn vẫn phải giữ tấm lòng trong sạch, không để hoàn cảnh chi phối bản thân.

Mỗi người sinh ra đều có một cảnh ngộ riêng. Có người sung sướng, đầy đủ. Cũng có người khó khăn, thiếu thốn. Nhưng điều đó không làm nên giá trị của con người. Cũng giống như câu nói: “Ta không được chọn nơi mình sinh ra, nhưng ta được chọn nơi mình sẽ sống”. Trước hoàn cảnh khó khăn, con người vẫn giữ được phẩm chất tốt đẹp, để lại “tiếng thơm” bay xa mới thật đáng trân trọng.

Chúng ta có thể kể rất nhiều tấm gương như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm hay cả Hồ Chủ tịch. Họ đều là những con người dù sống trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn. Mà cốt cách thanh cao, nhân cách tốt đẹp vẫn sáng ngời cao quý. Ngay cả trong cuộc sống hôm nay, vẫn còn rất nhiều người dù sống trong khó khăn, thiếu thốn vẫn có tấm lòng trong sách, không màng vật chất.

Vậy mà có không ít người lại sống phụ thuộc vào hoàn cảnh. Họ sẵn sàng bỏ qua đạo đức để có giàu sang. Cuộc sống luôn có nhiều bất trắc khiến con người rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Nhưng người bản lĩnh là trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn giữ được cốt cách – “Đói cho sạch, rách cho thơm”.

Đối với một học sinh cần phải tích cực trau dồi kiến thức, rèn luyện phẩm chất đạo đức để trở thành con ngoan, trò giỏi. Và trên hành trình bước đến tương lai, chúng ta có thể tự mình lựa chọn một cách sống ý nghĩa, đẹp đẽ hơn trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc sống.

Như vậy, câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm” là một lời khuyên giá trị. Phẩm chất, nhân cách mới là điều đáng trân trọng. Cũng giống như bông hoa sen – “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

Bài văn mẫu số 4

Ca dao Việt Nam đã ca ngợi phẩm chất cao quý của con người Việt Nam như:

“Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”

Chính vì vậy mà ông cha ta cũng đã đưa ra lời khuyên qua câu tục ngữ: “Đói cho sạch, rách cho thơm” để răn dạy thế hệ sau phải giữ gìn phẩm chất tốt đẹp đó.

Đầu tiên, câu tục ngữ gồm có hai vế: “đói cho sạch” và “rách cho thơm”. “Đói” và “rách” ý chỉ hoàn cảnh sống khó khăn, thiếu thốn của con người về vật chất. Còn “sạch” và “thơm” nói đến vẻ đẹp hình thức bên ngoài cũng như tâm hồn bên trong. Như vậy đó là lời khuyên nhủ con người dù trong hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn vẫn phải giữ tấm lòng trong sạch, không để hoàn cảnh chi phối bản thân.

Con người sinh ra không phải ai cũng được sống trong sung sướng, hạnh phúc. Có nhiều người phải trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn. Nhưng càng sống trong hoàn cảnh đó, chúng ta càng phải giữ được phẩm chất, đạo đức tốt đẹp. Bởi khi nếu chịu khuất phục trước sự túng quẫn, đói rách mà làm điều sai trái sẽ dần khiến con người đánh mất nhân phẩm và ngày càng lún sâu vào tăm tối, khó quay đầu lại. Nếu như giữ vững tâm hồn trước mọi gian khổ, khó khăn giúp con người nâng cao phẩm cách và sở hữu một ý chí dẻo dai, kiên cường. Đặc biệt, người có lối sống đẹp sẽ được mọi người tôn trọng, yêu quý.

Bác Hồ chính là một minh chứng cho lối sống trong sạch. Trong suốt những năm bị giam giữ trong nhà tù Tưởng Giới Thạch. Bác vẫn giữ được cốt cách thanh cao của người chiến sĩ cách mạng. Nhà tù chỉ có thể giam giữ được thể xác, chứ không thể giam giữ được tâm hồn của Người. Như vậy, mỗi học sinh – những chủ nhân tương lai của đất nước. Chúng ta cần phải ý thức rèn luyện phẩm chất, đạo đức của bản thân. Và dù sống trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn luôn giữ được tâm hồn trong sáng, giản dị và sáng ngời những phẩm chất cao đẹp.

Như vậy, câu “Đói cho sạch, rách cho thơm” chính là một lời khuyên quý giá dành cho mỗi người. Sống trong sạch, ngay thẳng để góp phần xây dựng một xã hội văn minh hơn.

Bài văn mẫu số 5

Con người Việt Nam được biết đến với những phẩm chất tốt đẹp. Và điều đó đã được thể hiện qua những câu ca dao, tục ngữ. Đặc biệt là câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm” – một lời khuyên vô cùng quý giá với mỗi người.

Câu tục ngữ có hai vế “đói cho sạch” và “rách cho thơm”. Hai từ “đói” và “rách” chỉ hoàn cảnh nghèo khổ, thiếu thốn. Còn “sạch” và “thơm” ý chỉ cách sống đẹp đẽ của con người. Hai chữ “cho” được lặp có nghĩa là giữ lấy. Như vậy, câu nói muốn răn dạy chúng ta phải biết giữ gìn phẩm giá, nhân cách dù trong hoàn cảnh khó khăn.

Con người, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn phải giữ được phẩm chất tốt đẹp. Khi chúng ta sống trong sạch sẽ giúp nâng cao phẩm cách và sở hữu một ý chí dẻo dai, kiên cường. Đồng thời cách sống trên còn giúp con người rèn luyện bản lĩnh và chiến thắng mọi gian lao, thử thách. Người có lối sống tốt đẹp sẽ nhận được tình yêu thương, sự giúp đỡ của những người xung quanh. Mỗi người biết sống tốt sẽ góp phần xây dựng xã hội, đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp hơn.

Từ xưa cho đến nay, chúng ta có thể kể đến rất nhiều những con người có lối sống thanh cao. Đó là Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát hay chủ tịch Hồ Chí Minh… Họ đều là những con người đã lựa chọn rời xa chốn quan trường để tìm về với thiên nhiên đẹp đẽ, không màng những bon chen quyền lực, địa vị.

Bên cạnh đó, có không ít người vì hoàn cảnh khó khăn mà đánh mất đi nhân cách tốt đẹp. Họ chỉ biết chạy theo đồng tiền, sống không có mục đích hay thậm chí là sa ngã vào các tệ nạn xã hội. Đó là một lối sống thật đáng lên án, cần phải tránh xa. Với một học sinh, việc rèn luyện đạo đức là một điều vô cùng cần thiết. Chúng ta cần sống ngay thẳng, trung thực và nói không với các tệ nạn xã hội… Bởi mỗi học sinh chúng ta chính là chủ nhân tương lai của đất nước, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, một đất nước phát triển.

Như vậy, “Đói cho sạch, rách cho thơm” đã đưa ra lời khuyên ý nghĩa cho con người. Chúng ta hãy sống giống như bông hoa sen, dù trong hoàn cảnh bùn lầy vẫn tỏa hương thơm ngát.

Giải thích câu tục ngữ Đói cho sạch, rách cho thơm

Bài văn mẫu số 1

Tục ngữ là những câu nói chứa đựng bài học quý giá của ông cha ta. Trong số đó là câu “Đói cho sạch, rách cho thơm” – một lời khuyên quý giá về cách sống.

Câu tục ngữ gồm hai vế, đối xứng nhau “đói cho sạch” – “rách cho thơm”. “Đói” và “rách” là tượng trưng cho hoàn cảnh sống khó khăn, thiếu thốn, cùng cực của con người, một đời sống vất vả, không được ấm no, hạnh phúc. Trong hoàn cảnh ấy, câu tục ngữ đã khuyên nhủ mỗi người cần phải giữ cho mình được “sạch” và “thơm”, không chỉ nói đến hình thức bên ngoài mà còn là tâm hồn bên trong. Cần biết giữ cho mình lòng tự trọng, không để tâm hồn bị vẩn đục, có những suy nghĩ xấu xa để khắc phục hoàn cảnh sống, luôn sống ngay thẳng, trong sạch.

Trong cuộc sống, con người sẽ có lúc gặp khó khăn. Những thiên tai, dịch bệnh… là những hiểm họa khó lường. Khi đứng trước những gấp khúc cuộc đời, dân gian có lời khuyên chí lí: “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Nghèo đói mà sống trong sạch, khó khăn thiếu thốn mà giữ được phẩm cách, danh dự. Đó là điều không đơn giản, không phải ai cũng làm được. Nhưng đó là điều cần thiết để khiến bản thân ngày càng tốt đẹp hơn.

Tham khảo thêm:   Văn mẫu lớp 9: Phân tích 6 câu thơ đầu đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích Dàn ý & 10 bài văn mẫu lớp 9 hay nhất

Chính vì vậy, chúng ta cần phải biết tu dưỡng đạo đức, giữ cho tâm hồn trong sáng. Con người có biết lao động cần cù, sống giản dị, tiết kiệm thì mới có thể biến câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm” thành hiện thực. Đối với một học sinh, việc giữ gìn phẩm chất trong sạch được thể hiện ở những hành động nhỏ hàng ngày. Ví dụ như không gian lận trong thi cử, cố gắng học tập dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, sống giản dị không đua đòi…

Tóm lại, đây câu tục ngữ ấy đã trở thành bài học luân lý. Và cho đến ngày hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.

Bài văn mẫu số 2

Cuộc sống của mỗi người luôn đầy biến động, có những nốt thăng và nốt trầm. Trước sự thay đổi của cuộc sống chúng ta cần giữ vững ý chí, niềm tin và hơn hết là giữ gìn phẩm giá của bản thân. Để nói về điều này, ông cha ta đã gửi gắm qua câu tục ngữ: “Đói cho sạch, rách cho thơm”.

Câu tục ngữ được chia làm hai vế, khá cân đối và nhịp nhàng. Trước hết, chúng ta cần hiểu nghĩa đen của câu tục ngữ. Con người trong hoàn cảnh đói nghèo vẫn phải ăn uống sạch sẽ. Hay dù ta có nghèo, quần áo cũng phải gọn gàng, thơm tho và không được ăn mặc lôi thôi, luộm thuộm. Đằng sau lớp nghĩa bề mặt đó, ông cha ta còn gửi gắm đến thế hệ sau một thông điệp vô cùng sâu sắc, ý nghĩa. “Đói và rách” ở đây chỉ cuộc sống khó khăn, túng quẫn; “sạch và thơm” không chỉ dùng chỉ hình thức bề ngoài mà còn thể hiện phẩm chất, tính cách bên trong mỗi con người: sự trong sạch, trung thực và không tham lam, lừa dối. Câu tục ngữ khuyên nhủ mỗi người dù cuộc sống có khó khăn hay vất vả, phải chịu nhiều khổ cực cũng phải luôn giữ gìn nhân cách, phẩm chất của bản thân. Không bởi vì hoàn cảnh thay đổi mà bán rẻ nhân phẩm, lương tâm cũng như đạo đức của chính mình.

Khi gặp những khó khăn, người ta thường dễ dàng suy sụp, có những hành động không đúng với chuẩn mực đạo đức: “đói ăn vụng, túng làm càn”. Nếu là người có ý chí, có bản lĩnh vững vàng sẽ không bị sa ngã trước những cám dỗ của cuộc sống, sẽ giữ được lương tâm, phẩm giá, nhân cách của bản thân. Ngược lại, người dễ bị cám dỗ sẽ trở thành kẻ xấu, tha hóa về đạo đức. Với xã hội hiện đại, đây là câu nói răn mình mà mỗi người cần phải ghi nhớ để không sa đà vào những tệ nạn khi gặp khó khăn, vất vả.

Từ cổ chí kim có rất nhiều tấm gương sáng về tinh thần, thái độ sống đúng đắn, đúng mực, không bị cám dỗ trước những sa hoa của cuộc sống. Khổng Tử – một người có phẩm hạnh, đạo đức cao thượng. Dù cả đời ông sống trong nghèo túng, nhưng chưa bao giờ ông bị những lời dụ dỗ làm cho mất đi những nét phẩm cách của một bậc thánh nhân. Gần hơn là cụ Phan Bội Châu – vị anh hùng của dân tộc, là một người tài giỏi, ông đã lãnh đạo nhân dân cứu nước theo con đường dân chủ. Mặc dù nhiều lần bị thực dân Pháp dụ dỗ, đe dọa nhưng ông vẫn kiên trinh tấm lòng cứu nước, cứu dân. Còn rất nhiều tấm gương khác trong cuộc sống thể hiện đức tính tốt đẹp, không bán rẻ lương tâm, nhân cách của bản thân trước những cám dỗ của cuộc sống.

Bên cạnh đó vẫn còn những con người coi thường những giá trị tốt đẹp của dân tộc, bán rẻ nhân phẩm của mình vì những lợi ích trước mắt như: buôn bán ma túy, ăn trộm, ăn cắp. Những hành động này thật đáng lên án và những kẻ đó cần có những hình phạt thích đáng.

Đói cho sạch, rách cho thơm từ xưa đến nay đã là lời răn dạy, là lẽ sống mà mỗi con người phải hướng đến. Là một học sinh ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường chúng ta phải kiên định, trung thực, không vì những lợi ích trước mắt mà bán rẻ nhân cách của mình. Chỉ có tu dưỡng, rèn luyện đạo đức ngay từ bây giờ thì sau này ta mới trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

Bài văn mẫu số 3

Trong kho tàng tục ngữ, ca dao của cha ông ta có rất nhiều câu nói mang ý nghĩa răn dạy lối sống lành mạnh để ngày càng hoàn thiện bản thân mình. Câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm” thể hiện rõ nét lối sống mà con người cần hướng tới đó.

Cha ông ta lấy bối cảnh nghèo khó của xã hội để thử thách lòng người. Câu tục ngữ gồm hai vế, sóng đôi bổ sung ý nghĩa cho nhau. Xét về nghĩa đen câu tục ngữ muốn nói đến những thói quen sinh hoạt trong cuộc sống. Mặc dù đói nghèo thì việc ăn uống cũng cần phải sạch sẽ, hợp vệ sinh, không nên ăn thức ăn bẩn, ôi thiu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân. Nhà dù có nghèo, quần áo dù có rách rưới thì ít nhất cũng cần phải giữ cho luôn sạch sẽ, thơm tho. Đây là lối sống đẹp đẽ. Xét về nghĩa bóng thì ý câu tục ngữ muốn nhắn nhủ đến mọi người rằng dù có sống trong bần hàn, nghèo khổ thì cũng phải luôn giữ cho lương tâm mình trong sạch. Đây là lối sống cần phải trân trọng và rèn luyện hằng ngày. Điều kiện vật chất là rất cần thiết nhưng cũng không nên vì “tiền”, vì “danh lợi” mà đánh mất đi nhân phẩm của mình. Điều này thật không nên và nó ảnh hưởng đến cốt cách của mỗi con người.

Để giữ cho bản thân mình trong sạch, không bị vướng bẩn khi xung quanh có nhiều kẻ muốn dụ dỗ, lôi kéo bạn vào những con đường mờ ám. Bản lĩnh của bạn là phải vượt qua được những cám dỗ, lôi kéo ấy. Nhân cách con người không thể bị đánh mất bởi những thứ hào nhoáng bên ngoài. Trong thực tế, có nhiều gia đình nghèo và thiếu thốn đủ điều nhưng vẫn được người khác ngưỡng mộ và khâm phục. Đó chính là vì họ có được một nhân cách đang được tôn trọng. Dù nghèo, dù đói nhưng tấm lòng sạch trong và đáng kính.

Chúng ta bắt gặp rất nhiều người trong những tác phẩm như Lão Hạc, Làng, Chị Dậu. Họ là những con người bần hàn, bị đẩy đến tận cùng của xã hội nhưng tấm lòng của họ, chữ tâm của họ vẫn luôn khiến người đọc ngưỡng mộ và khâm phục.

Tuy nhiên có một thực tế đáng buồn chính là việc nhiều người vì thiếu thốn vật chất mà dẫn đến những hành động sai trái, đi ngược với lương tâm và nhân cách của bản thân mình. Khi đã có suy nghĩ tiêu cực thì sẽ dẫn đến những hành động tiêu cực, ảnh hưởng đến bản thân và cả xã hội.

Mỗi người chúng ta là một tế bào của xã hội, việc sống lành mạnh, không hổ thẹn với lương tâm sẽ tạo nên một tương lai tốt đẹp hơn. Điều này sẽ khiến cho bản thân có thể hoàn thiện mình, vừa trở thành một người có ích, đóng góp sức lực vào xây dựng đất nước. Bản thân học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường thì cần nhìn nhận bản thân mình cần trở thành một học trò chăm ngoan, học giỏi, không chạy theo bệnh thành tích.

Câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm” chính là lời nhắn nhủ của cha ông ta đối với con người. Hãy không ngừng hoàn thiện bản thân, đừng để cái xấu xa dụ dỗ, lôi kéo, như thế mỗi người sẽ trở thành công dân có ích cho xã hội hơn.

Bài văn mẫu số 4

Từ xưa đến nay, ca dao tục ngữ luôn là những kinh nghiệm quý báu, những lời khuyên răn mà ông cha ta để lại cho con cháu. Trải qua bao nhiêu năm, đó vẫn luôn là những món quà tinh thần có giá trị rất lớn trong cuộc sống của chúng ta mà không bị lỗi thời. Và câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm” cũng là một lời khuyên cho mỗi chúng ta, rằng sống phải không được làm điều gì trái với lương tâm cho dù hoàn cảnh có khó khăn đến đâu.

Về nghĩa đen, đó chính là câu ca dao khuyên nhủ chúng ta về cách ăn ở hàng ngày. Trong vế câu thứ nhất, ý chỉ dù cho đói, nhưng cũng không được ăn những thứ bậy bạ, không hợp vệ sinh mà dẫn đến không đảm bảo cho sức khỏe. “Miếng ăn là miếng nhục”, khi rơi vào hoàn cảnh túng quẫn thì con người thường làm mọi thứ để bất chấp danh dự để có được cái ăn, giống như câu “Đói ăn vụng, túng làm càn”. Cái đói thúc đẩy người ta làm rất nhiều điều không đúng với đạo lý và nguyên tắc bình thường. Ỏ vế câu thứ hai, ý nhắc nhở chúng ta phải ăn mặc quần áo rách, quần áo vá nhưng vẫn phải giữ cho quần áo của mình thơm tho, sạch sẽ. Qua câu tục ngữ này, ông cha ta muốn khuyên nhủ con người cần cố gắng giữ cho mình trong sạch, dù cho hoàn cảnh có khó khăn thế nào.

Cuộc sống không phải lúc nào cũng bằng phẳng. Cũng có lúc sẽ gặp phải rất nhiều chông gai, trắc trở. Những lúc ấy, con người ta rất dễ đánh mất bản ngã của mình, sẽ rất dễ bị sa vào những tội lỗi, rất dễ lầm đường lạc lối. Có bao nhiêu người được như lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao, khi bị đẩy vào đường cùng, ông quyết tâm tự tử chứ không chịu làm điều trái với lương tâm của mình? Vì thế, ông cha ta khuyên chúng ta, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, vẫn phải giữ vững bản ngã của mình, sống sao cho không phải thẹn với lương tâm, không thẹn với mọi người.

Tham khảo thêm:   Chia sẻ kinh nghiệm du lịch bụi Măng Đen Kon Tum dành cho tín đồ du lịch

Mỗi chúng ta, hãy sống như câu tục ngữ trên của ông cha ta: “Đói cho sạch, rách cho thơm”, để trở thành những công dân tốt, cả xã hội là một xã hội tốt, luôn giữ một tinh thần vững vàng, tự tin và không thẹn với lòng khi gặp những khó khăn, trắc trở.

Bài văn mẫu số 5

Đạo lý làm người của dân tộc ta được thể hiện khá rõ ràng trong kho tàng ca dao, tục ngữ. Nói về lối sống thanh cao, trong sạch, giữ gìn phẩm giá trong hoàn cảnh khó khăn, tục ngữ có câu: “Đói cho sạch, rách cho thơm”.

Người xưa mượn hai yếu tố thiết thực nhất trong cuộc sống hằng ngày của con người là ăn và mặc để thông qua đó thể hiện quan niệm sống của mình. Trong xã hội phong kiến trước đây, người lao động chân lấm tay bùn thường bị giai cấp bóc lột khinh thường, rẻ rúng. Bọn chúng cho rằng mọi sự xấu xa trên đời đều bắt đầu từ sự cùng khốn này: “Bần cùng sinh đạo tặc”, hay “Đói ăn vụng, túng làm càn”. Thực tế cũng có một số người bị tha hóa trước hoàn cảnh nhưng đó chỉ là rất ít, còn phần lớn người lao động chân chính vẫn giữ vững nếp sống lành mạnh, trong sạch truyền thống của cha ông.

Câu tục ngữ lấy “đói và rách” là hai biểu hiện cụ thể của hoàn cảnh khó khăn trong đời sống vật chất của con người để tượng trưng cho cuộc sống gian truân, vất vả. Nước ta là một nước nông nghiệp, trước đây hơn 90% dân số sống bằng nghề làm ruộng. Quanh năm họ dầu dãi nắng mưa, đổ mồ hôi nước mắt trên đồng ruộng để làm ra củ khoai, hạt lúa. Cực nhọc trăm bề nhưng nghèo đói vẫn hoàn nghèo đói bởi sưu cao, thuế nặng, bởi chính sách áp bức, bóc lột tàn khốc của giai cấp thống trị. Đời người nông dân nghèo, hỏi có mấy khi được ấm no, vui vẻ?

Sống trong cảnh đói rách kéo dài triền miên như vậy, nếu không giữ gìn phẩm cách, con người sẽ rất dễ bị tha hóa về đạo đức. Trong hoàn cảnh ấy, những lời khuyên nhủ, những bài học nhân sinh là hết sức cần thiết. Người lao động khuyên nhau, nhắc nhở nhau hãy sống cho trong sạch, đúng với bản chất thiên lương, sao cho khỏi cúi xuống thẹn đất, ngẩng lên thẹn trời và trước hết là để cho lương tâm mình không bị cắn rứt bởi tội lỗi xấu xa.

Quan điểm này đối lập với quan điểm sống tiêu cực của giai cấp bóc lột; là sự tự khẳng định và đề cao quan điểm sống thanh cao của người lao động. Không một uy lực nào, một cám dỗ nào có thể làm cho những con người chân chính khuất phục.

Trong sạch trong lối sống, trong nếp nghĩ. Điều đó đã được kết tụ trong cách sống cao thượng của những bậc chính nhân quân tử như Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến… Quan niệm sống ấy là quan niệm sống cao đẹp của nhân dân ta từ ngàn xưa truyền lại. Nó giống như những bông hoa sen vươn lên trên đầm lầy với vẻ đẹp thanh cao và mùi hương thơm ngát.

Như vậy, câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm” là lời khuyên giữ gìn những giá trị, nhân cách cao đẹp của con người. Chúng ta hãy biết giữ gìn điều đó để xã hội ngày một tốt đẹp hơn.

Bài văn mẫu số 6

Kho tàng tục ngữ của dân tộc Việt Nam đã để lại nhiều lời răn dạy sâu sắc dành cho con người. Một trong số đó là câu “Đói cho sạch, rách cho thơm” – đã đem lại một lời răn dạy thật sâu sắc.

Đầu tiên, nếu hiểu theo nghĩa đen, câu tục ngữ muốn khuyên nhủ con người về cách ăn mặc hàng ngày. Ở vế thứ nhất “đói cho sạch”, ý nói dù đói khổ cũng phải ăn uống một cách lành mạnh để đảm bảo sức khỏe. Ở vế thứ hai “rách cho thơm”, ý nói dù quần áo không được lành lặn, đẹp đẽ nhưng vẫn giữ sạch sẽ, thơm tho. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, nó còn ẩn chứa một bài học đạo lí về cách sống của con người thông qua nghĩa bóng. Dù đói rách, túng quẫn hay gặp khó khăn cũng phải biết gìn giữ nhân cách và phẩm chất tốt đẹp, sống ngay thẳng và trong sạch.

Nếu như con người chịu khuất phục trước sự túng quẫn, đói rách mà làm điều sai trái sẽ dần khiến con người đánh mất nhân phẩm và ngày càng lún sâu vào tăm tối, khó quay đầu lại. Nhiều người mượn cớ rơi vào hoàn cảnh khốn cùng, vất vả để sống lầm lạc, buông thả, làm điều bất nhân cuối cùng cũng sẽ phải nhận lãnh hậu quả xứng đáng. Đồng thời nếu biết giữ vững tâm hồn trước mọi gian khổ, khó khăn giúp con người nâng cao phẩm cách và sở hữu một ý chí dẻo dai, kiên cường. Con người nếu có được lối sống đẹp đẽ như vậy sẽ luôn nhận được sự kính trọng, yêu mến của những người xung quanh.

Có lẽ không ai là không biết đến chủ tịch Hồ Chí Minh. Người chính là tấm gương tiêu biểu cho cách sống “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Hiếm có một nguyên thủ quốc gia nào có lối sống như Bác Hồ. Nơi ở của Bác – mà nhà văn gọi là “cung điện” của một vị Chủ tịch nước chỉ là một chiếc nhà sàn nhỏ bằng gỗ bên cạnh cái ao. Chỉ vẻn vẹn có vài phòng để “tiếp khách, họp Bộ Chính trị, làm việc và ngủ nghỉ”, đồ đạc trong đó cũng “rất mộc mạc, đơn sơ”. Từ nơi ở đến trang phục cũng “hết sức giản dị” – Bác chỉ có bộ quần áo bà ba nâu, chiếc áo trấn thủ, đôi dép lốp thô sơ. Cuối cùng là việc ăn uống của Bác cũng thật đam bạc, món ăn toàn là : cá kho, rau luộc, dưa ghém, cà muối, cháo hoa… những món ăn dân dã của vùng quê Việt Nam. Cách sống giản dị mà thanh cao của một con người vĩ đại.

Như vậy, với câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm”, chúng ta như có thêm một bài học ý nghĩa về cách sống. Mỗi người hãy tự biết tôi dưỡng đạo đức cá nhân để trở thành một người có lối sống đẹp.

Mở bài gián tiếp giải thích Đói cho sạch rách cho thơm

Mở bài gián tiếp – Mẫu 1

Trong kho tàng tục ngữ, ca dao có rất nhiều câu mang ý nghĩa răn dạy lối sống lành mạnh để ngày càng hoàn thiện bản thân mình. Và câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm” thể hiện rõ nét lối sống mà con người cần hướng tới đó.

Mở bài gián tiếp – Mẫu 2

Đạo lý làm người của dân tộc ta được thể hiện khá rõ ràng trong kho tàng ca dao, tục ngữ. Nói về lối sống thanh cao và trong sạch, giữ gìn phẩm giá trong hoàn cảnh khó khăn, tục ngữ có câu: “Đói cho sạch, rách cho thơm”.

Mở bài gián tiếp – Mẫu 3

Ca dao Việt Nam đã ca ngợi phẩm chất cao quý của con người Việt Nam như:

“Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”

Chính vì vậy mà ông cha ta cũng đã đưa ra lời khuyên qua câu tục ngữ: “Đói cho sạch, rách cho thơm” để răn dạy thế hệ sau phải giữ gìn phẩm chất tốt đẹp đó.

Mở bài gián tiếp – Mẫu 4

Con người Việt Nam được biết đến với những phẩm chất tốt đẹp. Và điều đó đã được thể hiện qua những câu ca dao, tục ngữ. Đặc biệt là câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm” – một lời khuyên vô cùng quý giá với mỗi người.

Mở bài gián tiếp – Mẫu 5

Đạo đức, phẩm chất là những điều làm nên giá trị của một con người. Bởi vậy mà ông cha ta đã có lời khuyên răn: “Đói cho sạch, rách cho thơm” để nhắc nhở con cháu.

Kết bài gián tiếp giải thích Đói cho sạch rách cho thơm

Kết bài gián tiếp – Mẫu 1

“Bạn không thể chọn nơi mình sinh ra nhưng bạn được chọn cách mình sẽ sống”. Nếu bạn sinh ra là một viên kim cương, hãy sống sao cho đúng với giá trị của mình. Còn nếu bạn sinh ra là một bông hoa dại dù cho không hương, hãy sống rực rỡ dưới ánh mặt trời bằng vẻ đẹp của chính bạn, để người đời dù không biết đến hương thơm nhưng vẫn nhớ được tên loài hoa ấy. Câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm” là một lời khuyên vô cùng giá trị.

Kết bài gián tiếp – Mẫu 2

Phẩm chất, nhân cách mới là điều đáng trân trọng. Cũng giống như bông hoa sen – “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Có thể thấy rằng, câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm” là một lời khuyên rất ý nghĩa và giá trị.

Kết bài gián tiếp – Mẫu 3

Câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm” chính là lời nhắn nhủ của cha ông ta đối với con người. Hãy không ngừng hoàn thiện bản thân, đừng để cái xấu xa dụ dỗ, lôi kéo, như thế mỗi người sẽ trở thành công dân có ích cho xã hội hơn.

Kết bài gián tiếp – Mẫu 4

Mỗi người sinh ra đã có một hoàn cảnh riêng, nhưng chúng ta có thể lựa chọn cách sống cho bản thân. Câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm” tuy ngắn gọn, nhưng giàu ý nghĩa. Từ đó, con người cần phải ý thức giữ gìn phẩm chất tốt đẹp, sống một cuộc đời có ích.

Kết bài gián tiếp – Mẫu 5

Xã hội ngày càng phát triển, những giá trị đạo đức đang dần mai một. Và câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm” là một lời răn dạy đúng đắn. Chúng ta hãy sống như hoa sen vậy, “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

……..Mời tham khảo chi tiết tại file tải dưới đây……..

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 7: Giải thích câu tục ngữ Đói cho sạch, rách cho thơm 2 Dàn ý & 16 bài văn mẫu lớp 7 hay nhất của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *