Bạn đang xem bài viết ✅ Phân tích vẻ đẹp của ngôn ngữ nghệ thuật trong bài Tự tình II Tự tình của Hồ Xuân Hương ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Văn mẫu lớp 11: Phân tích vẻ đẹp của ngôn ngữ nghệ thuật trong bài Tự tình II của Hồ Xuân Hương là một trong những chủ đề rất hay nằm trong chương trình Ngữ văn 11 và Ngữ văn 10 sách Cánh diều.

Phân tích vẻ đẹp của ngôn ngữ nghệ thuật trong bài Tự tình II gồm dàn ý và bài văn mẫu hay nhất. Thông qua tài liệu này các bạn có thêm nhiều tư liệu tham khảo, trau dồi kỹ năng viết văn phân tích ngày một hay hơn. Đồng thời qua bài văn mẫu này các bạn biết cách trả lời câu hỏi 2 trang 28 Ngữ văn 11 tập 1. Vậy sau đây là nội dung vẻ đẹp của ngôn ngữ nghệ thuật trong bài Tự tình II, mời các bạn cùng tải tại đây.

Dàn ý vẻ đẹp của ngôn ngữ nghệ thuật trong bài Tự tình II

1. Mở bài:

– Giới thiệu tác giả Hồ Xuân Hương và tác phẩm Tự Tình II.

– Giới thiệu vẻ đẹp của ngôn ngữ nghệ thuật trong bài Tự tình II.

2. Thân bài:

a. Trình bày khái quát về tác giả, tác phẩm:

– Hồ Xuân Hương được mệnh danh là “Bà chúa thơ Nôm”. Thơ của bà là tiếng nói đòi quyền hạnh phúc của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa.

– Bài thơ Tự Tình II có đề tài viết về người phụ nữ, là một trong ba bài thơ cùng tên của Hồ Xuân Hương, thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật

b. Nhà thơ đã sử dụng từ ngữ giàu sức gợi cùng thủ pháp nghệ thuật đối lập để thể hiện nỗi đau, sự cô đơn bẽ bàng của nhân vật trữ tình:

– Đêm khuya được gợi lên với âm thanh gấp gáp của tiếng “trống canh dồn” “văng vẳng” từ xa vọng lại khiến cho con người càng cảm thấy buồn và cô đơn.

– Đối lập với đêm khuya vội vàng, gấp gáp ấy là “cái hồng nhan” gợi sự bé nhỏ, rẻ rúng của thân phận nhân vật trữ tình.

c. Nghệ thuật sử dụng các cặp từ trái nghĩa, đối ý của tác giả để diễn tả tâm trạng cô đơn, tuyệt vọng trong mối nhân duyên vẫn còn dang dở:

– Nhà thơ mượn rượu để giải sầu nhưng “say lại tỉnh” nên càng cảm nhận được nỗi đau thân phận hơn.

– Tuổi xuân của người phụ nữ đã dần trôi đi nhưng nhân duyên vẫn còn dang dở, vẫn còn “khuyết chưa tròn”.

d. Nghệ thuật sử dụng từ ngữ táo bạo và phép đảo ngữ để thể hiện sự phẫn uất của thân phận của tâm trạng nhân vật trữ tình:

– Thiên nhiên kì lạ, phi thường với các động từ mạnh “xiên ngang”, “đâm toạc” phù hợp với cá tính mạnh mẽ của Hồ Xuân Hương, muốn tìm mọi cách để vượt lên số phận.

– Phép đảo ngữ ở hai câu luận cho thấy sự phẫn uất của thân phận rêu đá, đây cũng là sự phẫn uất của chính tác giả.

Tham khảo thêm:   Địa lí 7 Bài 10: Đặc điểm dân cư, xã hội Châu Phi Soạn Địa 7 trang 117 sách Cánh diều

e. Nghệ thuật tăng tiến, điệp từ thể hiện tâm trạng chán trường của tác giả và khao khát được hạnh phúc đến cháy bỏng:

– Điệp từ “xuân”, “lại” cho thấy sự trở lại của mùa xuân đồng nghĩa với sự ra đi của tuổi xuân.

– Nhà thơ sử dụng nghệ thuật tăng tiến để diễn tả một cuộc tình mỏng manh, chóng vánh.

f. Đánh giá:

– Bài thơ là tiếng nói đau buồn, phẫn uất của nhà thơ trước duyên phận bất hạnh, muốn vươn lên nhưng vẫn rơi vào bi kịch của xã hội.

– Bài thơ ngắn gọn nhưng thể hiện rõ tài năng của tác giả với ngôn từ hết sức đời thường, phong phú cùng hàng loạt các biện pháp nghệ thuật như đối, đảo ngữ, …

3. Kết bài:

– Khái quát lại vẻ đẹp của ngôn ngữ nghệ thuật trong bài “Tự tình II”.

Phân tích vẻ đẹp của ngôn ngữ nghệ thuật trong bài Tự tình II

Điều còn lại với mỗi nhà văn chính là giọng điệu của riêng mình. Mỗi nhà văn, nhà thơ được ví như một loài hoa trong cánh rừng đại ngàn văn học mà mỗi loài hoa ấy lại mang một hương thơm đặc trưng riêng. Với Hồ Xuân Hương cũng vậy, bà là một trong những nhà thơ tiêu biểu của nền văn học trung đại Việt Nam với phong cách thơ mới lạ, độc đáo. Bà đã tạo nên những vẻ đẹp của ngôn ngữ nghệ thuật trong bài thơ “Tự tình II” bằng cách Việt hóa thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật.

Hồ Xuân Hương là nhà thơ tài năng nhưng có đường tình duyên gặp nhiều trắc trở. Với sự hiếu học và tư chất thông minh vốn có, bà nuôi niềm đam mê bất diệt với thi ca và được mệnh danh là “Bà chúa thơ Nôm”. Thơ của bà là tiếng nói đòi quyền được hưởng hạnh phúc của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa. Bài thơ “Tự Tình II” là một trong ba bài thơ thuộc chùm thơ “Tự tình” của Hồ Xuân Hương. Bằng những ngôn từ hết sức giản dị và đời thường, “Bà chúa thơ Nôm” đã Việt hóa thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật với bố cục: đề, thực, luận, kết trong “Tự tình II”.

Nhà thơ đã sử dụng từ ngữ giàu sức gợi cùng thủ pháp nghệ thuật đối lập để thể hiện nỗi đau, sự cô đơn bẽ bàng của nhân vật trữ tình:

“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,
Trơ cái hồng nhan với nước non.”

Đêm là thời gian mà con người được sống thật với những cảm xúc của mình nhất. “Đêm khuya” được gợi lên với âm thanh gấp gáp của tiếng “trống canh dồn” “văng vẳng” từ xa vọng lại khiến cho con người càng cảm thấy buồn bã và cô đơn hơn. Tiếng trống canh dồn vội vàng dù ở xa nhưng vẫn đủ để nghe thấy, nó báo hiệu bước đi nhanh chóng của thời gian. Đối lập với đêm khuya vội vàng, gấp gáp là “cái hồng nhan” gợi nên sự bé nhỏ, rẻ rúng của thân phận nhân vật trữ tình. Nhà thơ sử dụng từ “cái” thường được dùng để gọi đồ vật để chỉ “cái hồng nhan” trơ trọi một mình trong đêm khuya tĩnh lặng, “cái hồng nhan” ấy rất muốn được giãi bày tâm sự nhưng lại không biết tâm sự cùng ai. Vượt lên trên số phận vốn là bản lĩnh của Hồ Xuân Hương, nhà thơ đã tự mỉa mai chính mình đồng thời thể hiện sự thách thức của cá nhân trước số phận qua từ “trơ” với “nước non”. Hai câu thơ trên đã dẫn dắt người đọc đi từ thời gian đến không gian để mở ra thế giới nội tâm quật cường của người phụ nữ.

Tham khảo thêm:   Đề thi vào 10 môn Tiếng Anh năm 2023 - 2024 sở GD&ĐT Sơn La Đáp án đề thi vào lớp 10 môn Anh 2023

Trong hai câu thơ tiếp theo, nhà thơ đã sử dụng các cặp từ trái nghĩa, đối thanh nghịch ý để diễn tả tâm trạng cô đơn, tuyệt vọng trong mối nhân duyên vẫn còn dang dở của mình:

“Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.”

Nhà thơ mượn rượu để giải sầu nhưng “say lại tỉnh” nên càng cảm nhận được nỗi đau thân phận hơn. Cứ ngỡ uống là say, là quên đi được mối sầu nhưng bà càng uống lại càng tỉnh, càng nhận ra duyên phận hẩm hiu của mình. Bà dùng từ “hương” để chỉ men rượu nồng say nhưng lại rất đỗi nhẹ nhàng khiến cho con người ta dễ rơi vào trạng thái nửa tỉnh, nửa mơ trong cái vòng tròn luẩn quẩn của tạo hóa. Bà đem chính “cái hồng nhan” của mình ra để làm thức nhắm khi uống rượu rồi phát hiện ra rằng cuộc đời mình không có gì viên mãn cả. Nhà thơ tìm đến trăng để bầu bạn nhưng “vầng trăng bóng xế” tức vầng trăng sắp tàn mà vẫn còn “khuyết chưa tròn” để diễn tả mối nhân duyên vẫn còn dang dở dù tuổi thanh xuân của người phụ nữ đã dần qua đi. Hai câu thơ đối thanh nghịch ý người “say lại tỉnh”, trăng “khuyết chưa tròn” cho thấy con người đã muốn thay đổi nhưng hoàn cảnh thì vẫn đứng im một chỗ không chịu đổi thay khiến cho nhân vật trữ tình dần rơi vào cái đáy của sự bế tắc, tuyệt vọng.

Dưới ngòi bút của Hồ Xuân Hương, thiên nhiên bé nhỏ, yếu mềm nhưng có sức mạnh phi thường để “xiên ngang mặt đất”, “đâm toạc chân mây”. Nhà thơ đã sử dụng những động từ mạnh “xiên ngang”, “đâm toạc” và phép đảo ngữ để miêu tả thiên nhiên, đồng thời cũng thể hiện sự phẫn uất, phản kháng số phận của mình:

“Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám,
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.”

Dưới ngòi bút của Hồ Xuân Hương, thiên nhiên trở nên kì lạ, phi thường. Không giống như vẻ cam chịu của người phụ nữ trung đại, hai động từ mạnh “xiên ngang”, “đâm toạc” đã cho thấy cái ngang ngạnh, bướng bỉnh của nữ thi sĩ. Bà muốn tìm mọi cách để vượt lên trên số phận. Bà không cam chịu số phận mà luôn muốn vạch trời, vạch đất để oán hờn, phản kháng. Rêu phải mạnh mẽ, cứng cỏi để “xiên ngang mặt đất”, đá phải nhọn hoắt như chông để “đâm toạc chân mây”. Phép đảo ngữ ở hai câu luận cho thấy sự phẫn uất của thân phận rêu đá và đây cũng chính là sự phẫn uất của tác giả. Hai câu thơ như căng tràn nhựa sống bởi ngay cả trong những tình huống bi thảm nhất thì Hồ Xuân Hương vẫn nuôi trong mình một khao được sống và được hạnh phúc.

Tham khảo thêm:   Bài tập rèn luyện kỹ năng đọc bảng biến thiên, đồ thị hàm số Tài liệu ôn tập môn Toán lớp 12

“Tôi có chờ đâu, có đợi đâu/ Đem chi xuân lại gợi thêm sầu” (Chế Lan Viên). Mỗi mùa xuân qua đi là con người lại có thêm một nỗi buồn về tuổi tác. Tuổi xuân của người phụ nữ có thì mà đến nay đã dần đi hết tuổi xuân rồi hạnh phúc vẫn chưa chịu mỉm cười với họ:

“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
Mảnh tình san sẻ tí con con!”

Nhà thơ sử dụng nghệ thuật tăng tiến, điệp từ thể hiện tâm trạng chán chường và khao khát được hạnh phúc đến cháy bỏng của chính mình. Điệp từ “xuân”, “lại” cho thấy sự trở lại của mùa xuân đồng nghĩa với sự ra đi của tuổi xuân. Từ “xuân” thứ nhất chỉ mùa xuân của thiên nhiên tạo vật, mùa của sự bắt đầu một năm mới, của sắc đỏ, của sự may mắn mà bất cứ ai cũng mong chờ. Từ “xuân” thứ hai tác giả muốn chỉ tuổi trẻ, tuổi thanh xuân và đây cũng là quãng thời gian đẹp đẽ nhất của người con gái. Nhà thơ không mong mùa xuân đến nhưng thời gian thì vẫn vô tình chảy trôi, tuần hoàn khiến ta không thể “tắt nắng đi” hay “buộc gió lại” như Xuân Diệu. Không được hạnh phúc khi phải chịu cảnh đôi lần làm lẽ, tiếng nói của Hồ Xuân Hương cũng là nỗi lòng của người phụ nữ trong xã hội xưa khi với họ hạnh phúc luôn là chiếc chăn quá hẹp. Nhà thơ sử dụng nghệ thuật tăng tiến để diễn tả một cuộc tình mỏng manh, chóng vánh. “Mảnh tình” vốn dĩ đã ít ỏi nay lại phải san sẻ thành ra “tí con con” nên càng xót xa, tội nghiệp cho duyên phận người phụ nữ:

“Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung”

(Hồ Xuân Hương)

“Tự tình II” là tiếng nói đau đớn, phẫn uất của Hồ Xuân Hương trước duyên phận bất hạnh, gắng gượng vươn lên đầy bản lĩnh nhưng vẫn rơi vào bi kịch của xã hội. Trong xã hội phong kiến, người phụ nữ phải chịu nhiều bất công với tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã khiến cho họ rơi vào bi kịch của chính cuộc đời mình. Bài thơ ngắn gọn nhưng thể hiện rõ tài năng của tác giả qua tài năng sử dụng ngôn từ giản dị mà vô cùng sâu sắc cùng hàng loạt các biện pháp nghệ thuật như đối, đảo ngữ, điệp từ để diễn tả số phận hẩm hiu của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

Ngôn ngữ nghệ thuật trong “Tự tình II” của “Bà chúa thơ Nôm” đã tạo nên dấu ấn riêng biệt trong kho tàng thơ trung đại Việt Nam. Bằng những ngôn từ hết sức gần gũi với người đọc cùng khả năng sử dụng điêu luyện các biện pháp tu từ, “Tự tình II” của Hồ Xuân Hương đã nói lên số phận bất hạnh của người phụ nữ. Bài thơ cũng là tiếng lòng chung của những người phụ nữ bị chèn ép, đối xử không công bằng trong xã hội đầy rẫy sự bất công nhưng ở họ vẫn tiềm ẩn một khao khát hạnh phúc đến cháy bỏng.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Phân tích vẻ đẹp của ngôn ngữ nghệ thuật trong bài Tự tình II Tự tình của Hồ Xuân Hương của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *