Bạn đang xem bài viết ✅ Văn mẫu lớp 10: Phân tích tâm trạng của nhân vật Thanh Dưới bóng hoàng lan của Thạch Lam ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Văn mẫu lớp 10: Phân tích tâm trạng của nhân vật Thanh trong tác phẩm Dưới bóng hoàng lan gồm 2 bài văn mẫu khác nhau cực hay kèm theo gợi ý cách viết chi tiết. Qua đó giúp các em có thể tham khảo để nâng cao trình học văn học của mình với những bài văn mẫu hay ấn tượng nhất.

Phân tích nhân vật Thanh cực chất dưới đây sẽ là tài liệu thiết thực đối với các em trong quá trình học tập, tự học và tự đọc để nâng cao mở rộng vốn cảm nhận văn học của mình thêm phong phú. Các em hãy đọc kĩ từng đoạn văn, từng bài văn rồi suy nghĩ, tham khảo, chứ không sao chép một cách máy móc. Ngoài ra các bạn xem thêm bài văn phân tích Dưới bóng hoàng lan.

Dàn ý phân tích nhân vật Thanh

1. Mở bài

Giới thiệu tác giả, tác phẩm, chủ đề bài viết.

2. Thân bài

– Khái quát về tác phẩm.

– Giới thiệu nội dung của tác phẩm: Truyện ngắn Dưới bóng hoàng lan viết về nhân vật Thanh thông qua một lần trở về quê hương, thăm bà, gặp lại những người anh luôn yêu thương, tôn trọng.

– Phân tích nhân vật để làm rõ chủ đề:

  • Giới thiệu về hoàn cảnh nhân vật xuất hiện và giới thiệu về nhân vật: không gian, thời gian. ngoại hình, tính cách nhân vật.
  • Tâm trạng của nhân vật Thanh theo trình tự thời gian của tác phẩm: khi bước vào nhà, trong lúc nói chuyện với người bà, trong lúc nói chuyện với nhân vật Nga.
  • Tâm trạng của nhân vật Thanh có ảnh hưởng gì đến việc thể hiện chủ đề của tác phẩm.

– Ý nghĩa nhân vật, chủ đề đem lại: Truyện ngắn Dưới bóng hoàng lan là một câu chuyện nhẹ nhàng, giản dị nhưng đầy tinh tế, sâu sắc, bởi nó mang đến cho người đọc cảm giác thư thái, nhẹ nhàng thông qua câu chuyện của Thanh.

3. Kết luận

Phân tích nhân vật Thanh – Mẫu 1

Trước năm 1945, văn học lãng mạn trong nước khá phát triển, nổi bật là nhóm “Tự lực văn đoàn”. Thạch Lam cũng là nhà văn chủ chốt của “Tự lực văn đoàn”. Ông thường chọn những cảm xúc nhẹ nhàng, sâu lắng, kín đáo ở con người để làm đề tài sáng tác. Những tác phẩm của ông thường là “truyện không có cốt truyện” nhưng cảm xúc ở trong đó lại thấm sâu vào lòng người đọc, tạo ra dư âm khó phai. Nổi bật trong các sáng tác ấy là truyện ngắn “Dưới bóng hoàng lan”. Qua việc kể chuyện từ điểm nhìn nhân vật chính – Thanh, tác giả đã thành công làm nổi bật chủ đề tác phẩm.

“Dưới bóng hoàng lan” là câu chuyện kể về Thanh – người thanh niên đi làm tỉnh xa. Trong lần về thăm nhà này, anh có rất nhiều những suy nghĩ, cảm xúc yêu thương dành cho bà và cô hàng xóm tên Nga. Khi quay lại tỉnh, anh nghĩ mình sẽ về nhà thường xuyên. Truyện cho ta thấy được tình cảm gia đình gắn bó thân thiết và tình yêu quê hương luôn thường trực trong mỗi con người. Chủ đề đó được thể hiện qua diễn biến tâm trạng của nhân vật Thanh trong thời gian về thăm nhà.

Tham khảo thêm:   Tập làm văn lớp 5: Tả cây bàng (Dàn ý + 8 mẫu) Tả cây cối lớp 5

Thanh mất cha mẹ từ khi còn nhỏ, anh ở với bà. Chính bà là người chăm sóc, che chở cho Thanh từ khi là một cậu bé đến khi trưởng thành. Bà đã dành hết tình yêu của mình cho anh. Vậy nên, Thanh cũng rất yêu quý người bà của mình. Dù đã khôn lớn và đi làm ở tỉnh xa nhưng khi được nghỉ, anh vẫn dành thời gian về thăm nhà. Lần này cũng vậy, khi vừa bước vào khu vườn, anh “thấy mát hẳn cả người”. Bên ngoài nắng gắt và ồn ào nhưng sao trong vườn lại mát và yên tĩnh thế. Đó chính là vì Thanh đã trở về nhà, về với nơi thân thuộc thuở bé, nơi mà “bao nhiêu sự ồn ào ngoài kia ngừng lại trên bực cửa”. Không gian trong vườn như tưới mát tâm hồn Thanh sau những xô bồ, mệt mỏi của phố thị.

Tuy xa nhà đã hai năm nhưng Thanh cảm giác như mình vẫn đang ở nhà, mọi thứ vẫn y nguyên, không có gì thay đổi. Bình yên, nhàn nhã, thong thả là những điều anh cảm nhận được khi ở đây. “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Chúng ta chẳng bao giờ để ý đến gian nhà hay phong cảnh quê hương nơi mình sinh sống, nhưng khi đi đâu đó ít lâu rồi quay lại, ngắm nhìn khung cảnh thân thuộc, ta mới thấy nơi đó chứa đựng cả tâm hồn và tuổi thơ. Có lẽ Thanh cũng như vậy, đi xa rồi quay về khiến cho anh nhận ra dư vị quê nhà chính là thứ bản thân đang tìm kiếm, hương thơm của cây hoàng lan khiến “Thanh thấy tâm hồn nhẹ nhõm tươi mát như vừa tắm ở suối”.

Vào đến nhà, anh lại bị sự yên tĩnh của căn nhà làm nghẹn họng. Mãi sau, anh mới cất được tiếng gọi “bà ơi!”. Trong khoảnh khắc gặp lại bà, Thanh như cậu bé tìm lại được điều quý giá mà bản thân đã đánh mất, thấy bóng dáng bà, anh cảm động mừng rỡ, chạy lại gần. Người bà hiền từ với mái tóc bạc phơ vẫn ân cần với anh như ngày nào. Thanh và bà bước đi bên nhau, tuy anh đã trở thành một thanh niên cao lớn đứng với bà gầy còng nhưng hình như chính bà mới là người đang che chở cho Thanh. Bà nhắc nhở cháu mình đi rửa mặt nghỉ ngơi, dọn giường cho cháu ngủ, buông màn, quạt mát và đuổi muỗi. Trước tình yêu vô bờ bến của bà, Thanh “cảm động gần ứa nước mắt”. Ở cạnh bà, Thanh bỗng hóa thành đứa trẻ, anh thấy mình vẫn còn “bé quá”, vẫn thèm muốn những yêu thương từ người bà hiền từ, kính yêu.

Ngoài bà, Thanh còn gặp lại được cô Nga hàng xóm, người bạn thuở nhỏ mà anh vẫn thường chơi chung. Nga bây giờ đã thành cô thiếu nữ khiến Thanh xao xuyến. Anh giữ cô ở lại ăn cơm chung, để ý từng cử chỉ và hành động và còn mời cô ra thăm vườn. Dưới bóng hoàng lan, Thanh nhớ lại kỷ niệm thời thơ ấu với Nga, anh nhẹ nhàng “vít một cành lan xuống giữ trong tay để Nga tìm hoa”, hai người đã trở nên thân mật hơn. Tình yêu mới chớm nở giữa đôi trẻ thật e ấp, ý nhị nhưng cũng đầy ngọt ngào xen lẫn nhớ mong.

Tham khảo thêm:   Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2011 hệ giáo dục thường xuyên - môn Vật Lí (Mã đề 427)

Hôm sau, khi trở lên tỉnh, lòng Thanh ngổn ngang “nửa buồn nửa vui”, anh nghĩ đến “căn nhà như một nơi mát mẻ và sung sướng”, thấy luyến tiếc vì chỉ được ở đây có một ngày ngắn ngủi; anh cũng nghĩ đến Nga, cô gái mà anh chắc chắn rằng “sẽ vẫn đợi chàng, vẫn nhớ mong chàng như ngày trước”. Có lẽ Thanh đã mang những niềm mong nhớ ấy theo cùng lên tỉnh với mình, để dấu ấn của quê hương luôn đồng hành trong mỗi chặng đường sau này.

Bằng giọng văn nhẹ nhàng, bình dị nhưng sâu lắng, Thạch Lam đã cho chúng ta khám phá thế giới nội tâm của nhân vật Thanh – người thanh niên đi làm xa ở tỉnh có một ngày phép về quê. Qua đó, ta thấy được tình yêu quê hương thầm kín, tràn trề, chứa đầy trong mỗi câu văn. Nghệ thuật kể chuyện tài tình “truyện không có cốt truyện” kết hợp với ngôi kể thứ 3 càng làm rõ thêm được tình cảm của Thanh dành cho gia đình, quê nhà.

Sau những vất vả ngược xuôi trong cuộc sống, nhà là nơi thân thương, an yên nhất mà chúng ta cần quay trở về để tưới mát cho tâm hồn mình. Với triết lí sâu sắc này, nhà văn Thạch Lam đã viết nên tác phẩm “Dưới bóng hoàng lan” thấm đẫm tình cảm yêu thương của bà dành cho cháu, tình yêu đầu đời trong sáng, ngại ngùng và tình yêu quê hương thầm kín mà sâu sắc.

Phân tích nhân vật Thanh – Mẫu 2

Thạch Lam là một cây bút tiêu biểu của nhóm Tự lực văn đoàn, cũng là một nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam những năm 1930- 1945. Tuy sáng tác không nhiều nhưng những tác phẩm văn chương của Thạch Lam lại thấm đượm những giá trị nhân văn sâu sắc, những câu chuyện của đời sống vô cùng bình dị được nhà văn đưa vào tác phẩm với những điểm nhấn tạo thành những tác phẩm có giá trị, có sức hấp dẫn đặc biệt đối với bao thế hệ độc giả xưa- nay. Để tìm hiểu về phong cách, tư tưởng của nhà văn Thạch Lam, ta có thể phân tích thông qua truyện ngắn “Dưới bóng hoàng lan”.

“Dưới bóng hoàng lan” là một trong những truyện ngắn tiêu biểu của Thạch Lan, cốt truyện nhẹ nhàng, khung cảnh làng quê gần gũi nhưng người đọc vẫn cảm nhận được những cái độc đáo, mới lạ mà nhà văn Thạch Lam mang đến, đó chính là hương vị của con người, của tình người. Những tình cảm ngỡ như đơn sơ, giản dị nhưng lại vô cùng thầm kín, có sức lay động mạnh mẽ đến tâm thức, trái tim của người đọc, người nghe.

Truyện ngắn “Dưới bóng hoàng lan” viết về nhân vật Thanh thông qua một lần trở về quê hương, thăm bà, gặp lại những người anh luôn yêu thương, tôn trọng. Truyện ngắn còn là một khung cảnh đơn sơ, giản dị nhưng đầy chất thơ, thấm đượm hương vị của tình người. Thanh vốn mồ côi cha mẹ từ nhỏ, người thân yêu duy nhất của Thanh đó là bà, tuổi thơ của Thanh là một cuộc sống vất vả nhưng luôn tràn đầy hơi ấm, tình yêu, sự che chở của người bà. Do đó, với chàng thanh niên ấy mà nói, người bà vừa là người cha, người mẹ, cũng là người thân duy nhất của anh.

Tham khảo thêm:   Quyết định số 2186/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ Về việc phân bổ vốn thực hiện Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008 - 2012 sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác giai đoạn 2008 - 2012

Từ khi Thanh lên thành phố công tác thì ngôi nhà vốn neo người của bà cháu anh càng trở nên hoang vắng, quạnh quẽ hơn “Yên tĩnh quá, không một tiếng động nhỏ trong căn vườn, tựa như bao nhiêu sự ồn ào ngoài kia đều dừng lại trên bậc cửa”, dù xa nhà một thời gian dài nhưng mỗi lần trở về thăm quê thì ngôi nhà ấy vẫn chẳng có sự đổi thay nào, tựa như tình yêu thương nơi người bà vậy “ …cảnh tượng gian nhà cũ không có gì thay đổi, cũng y như ngày chàng đi khi xưa”. Sự tĩnh lặng của căn nhà bỗng gợi lên trong Thanh biết bao tư vị, khiến anh “…trở nên nghẹn họng”.

Chỉ qua những dòng đầu tiên của tác phẩm thôi nhưng chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy ở Thanh một tình yêu quê hương da diết, một thứ tình cảm gắn bó thiêng liêng với ngôi nhà, mà trên tất cả là với người bà mà anh rất mực yêu thương, kính trọng. Vì vậy mà mỗi lần về thăm quê, Thanh không tránh khỏi cảm giác bồi hồi, mừng rỡ, đó là thứ tình cảm của một người con xa quê khi được trở về nơi mái nhà thân yêu, nơi quê hương mình được sinh ra, được lớn lên “…Khi Thanh từ giã cái bức nóng của phố xã, bước chân vào ngôi nhà mát rượi của bà, gặp lại những gì thương mến sau hai năm xa cách. Sự chăm sóc ân cần của bà, hương ngọc lan dịu ngọt phảng phất đâu đây đem đến chàng sự nhẹ nhõm….” Đó là sự nhẹ nhõm của tâm hồn con người luôn yêu quê, hướng về quê hương.

Tình yêu nhẹ nhàng giữa Thanh và Nga cũng khiến cho người đọc cảm thấy xúc động bởi nó trong sáng, lại rất đáng yêu, qua những đoạn đối thoại của Thanh và Nga, lời yêu chưa từng được nói ra nhưng ta vẫn có thể cảm nhận được bao nhiêu tình ý chứa trong đó. Sự nhẹ nhàng, tinh tế khi Thanh cài lên mái tóc Nga bông hoa hoàng lan, theo tôi đó chính là khoảnh khắc lãng mạn, tinh tế của đôi lứa. Dù sau đó Thanh vẫn tiếp tục phải lên đường, Nga ở lại, mỗi năm lại tự cài lên mái tóc của mình bông hoa hoàng lan như khi Thanh đang ở bên cạnh. Tình yêu chưa lời ngỏ, chuyện tình chưa đi được đến hồi kết nhưng sự nhẹ nhàng của tình yêu ấy cũng đủ để lay động biết bao tâm hồn.

Truyện ngắn “Dưới bóng hoàng lan” là một câu chuyện nhẹ nhàng, giản dị nhưng đầy tinh tế, sâu sắc, bởi nó mang đến cho người đọc cảm giác thư thái, nhẹ nhàng thông qua câu chuyện của Thanh. Sở dĩ nó mang lại cho con người biết bao cảm xúc yêu thương, trìu mến bởi nó khơi gợi được thứ tình cảm gắn bó, sâu kín ở mỗi người, đó là tình yêu quê hương, tình cảm gia đình, tình yêu đầu đời.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 10: Phân tích tâm trạng của nhân vật Thanh Dưới bóng hoàng lan của Thạch Lam của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *