Bạn đang xem bài viết ✅ Văn mẫu lớp 12: Dàn ý phân tích 2 khổ cuối bài Sóng (4 Mẫu) Sóng của Xuân Quỳnh ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Dàn ý khổ 8, 9 bài Sóng của Xuân Quỳnhbao gồm 4 mẫu chi tiết đầy đủ nhất. Qua đó giúp người viết bao quát các luận điểm, luận cứ cần triển khai, nhờ đó tránh được tình trạng xa đề, lạc đề hoặc lạc ý, bỏ sót ý hoặc triển khai ý không cân xứng. Đồng thời qua dàn ý phân tích khổ 8, 9 Sóng các bạn sẽ phân phối thời gian làm bài hợp lí.

Phân tích khổ 8, 9 bài Sóng của nhà thơ Xuân Quỳnh đã thể hiện được những tâm tư, triết lý sâu sắc của nhà thơ cùng với khát vọng được yêu thương vô cùng bình dị trong tình yêu của nhà thơ Xuân Quỳnh. Vậy sau đây là 4 dàn ý khổ 8, 9 bài Sóng mời các bạn cùng theo dõi. Ngoài ra các bạn xem thêm: dàn ý phân tích 2 khổ đầu bài Sóng, cảm nhận bài Sóng, mở bài Sóng. 

Dàn ý phân tích 2 khổ cuối bài Sóng

I. Mở bài

– Cách 1: Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn thơ.

Xuân Quỳnh là một trong những gương mặt nữ nổi bật của thế hệ nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. “Sóng” là bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ của Xuân Quỳnh luôn luôn trăn trở, khao khát được yêu thương gắn bó. Bài thơ được in trong tập “Hoa dọc chiến hào” (1968). Đoạn thơ sắp phân tích sau đây nằm ở phần cuối của bài thơ. Có thể xem đó là đoạn tiêu biểu nhất của tác phẩm về nội dung và nghệ thuật biểu hiện:

“Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa

Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ”

– Cách 2: Giới thiệu đề tài và theo kiểu tương liên (so sánh).

“Yêu là chết trong lòng một ít”

(Xuân Diệu)

Xuân Diệu, Ông hoàng của thơ tình Việt Nam từng bày tỏ: “Yêu là chết trong lòng một ít”. Lời tự sự của Xuân Diệu biểu hiện quan niệm về tình yêu nhuốm màu đau thương bi quan, bế tắc trước cuộc đời. Với nữ sĩ Xuân Quỳnh lại có một quan niệm mới về tình yêu, tình yêu là sự sống là khát vọng, ước vọng một tình yêu được dâng hiến và vĩnh hằng bất tử. Điều này được thể hiện rõ qua hai khổ thơ cuối trong bài thơ “Sóng” của nữ sĩ:

“Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa

Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ”

II. Thân bài

1. Khái quát trước khi phân tích

– Bài thơ “Sóng” được Xuân Quỳnh sáng tác tại biển Diêm Điền năm 1967, sau được in trong tập “Hoa dọc chiến hào”. Bài thơ mang âm hưởng của những con sóng biển và những con sóng lòng đang khao khát tình yêu. Bài thơ có hai hình tượng cùng song hành và hòa điệu, đó là “Sóng” và “Em”. Hai hình tượng này đã tạo nên nét đáng yêu cho bài thơ.

– Đọc cả bài thơ ta thấy quan niệm về tình yêu của Xuân Quỳnh, ngoài vẻ đẹp truyền thống là nỗi nhớ, lòng thủy chung son sắt và nghị lực niềm tin. Đến hai khổ cuối, ta còn thấy nữ sĩ có một ước vọng thật đẹp là tình yêu được tan vào sóng để dâng hiến và bất tử vĩnh hằng.

2. Cảm nhận, phân tích đoạn thơ

a. Khổ thơ thứ nhất, nhà thơ thấm thía nỗi lo âu, buồn bã về sự trôi chảy của thời gian và cái hữu hạn của cuộc đời, nhất là của tình yêu.

– Không dừng lại trong niềm tin vào tình yêu như một kết cục có hậu, trái tim nhạy cảm giàu suy tư của Xuân Quỳnh tiếp tục mở ra những trăn trở khi dòng suy ngẫm hiện hữu những hình ảnh của thời gian và không gian:

“Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa”

– Thời gian và không gian được đặt trong hai bình diện đối lập: “cuộc đời” và “năm tháng”; “biển cả” và “mây trời”. “Cuộc đời” chỉ quỹ thời gian ngắn ngủi của mỗi kiếp người, “năm tháng” là hoán dụ cho dòng thời gian vô thủy vô chung; “biển cả” là một không gian mênh mông nhưng vẫn chỉ là hữu hạn, còn “mây trời” lại gợi sự phiêu du trong vũ trụ vô cùng vô tận.

Tham khảo thêm:   Thông tư 06/2021/TT-BCA Quy định về mẫu thẻ Căn cước công dân gắn chip

– Cuộc đời tuy dài, biển cả tuy rộng nhưng năm tháng sẽ đi hết cuộc đời như mây kia sẽ bay qua biển rộng, sẽ đến với những không gian bao la trong vũ trụ không cùng. Khổ thơ thấm thía nỗi lo âu, buồn bã về sự trôi chảy của thời gian và cái hữu hạn của cuộc đời, nhất là của tình yêu, cảm giác hữu hạn này thường xuất hiện ở những con người từng trải, nhất là từng chịu sự đổ vỡ, mất mát, tổn thương, và vì thế, luôn khao khát sự bình yên, khao khát sự vĩnh hằng, vô hạn. Cũng có thể nhận ra thoáng buồn bã, tiếc nuối của nhà thơ khi tình yêu và khát vọng tình yêu của loài người tồn tại vĩnh hằng như biển cả, còn cuộc đời mỗi con người lại ngắn ngủi, mong manh như một áng mây phù du.

– Cảm giác về sự hữu hạn thường khiến con người buồn bã, bất lực. Xuân Diệu từng sợ chính cái hữu hạn của lòng mình: “gấp đi em, anh rất sợ ngày mai – đời trôi chảy, lòng ta không vĩnh viễn”. Xuân Diệu cũng đã từng giục giã: “Mau với chứ, vội vàng lên mấy chứ – em, em ơi, tình non sắp già rồi”. Và khi không thể “tắt nắng” hay “buộc gió” để níu kéo năm tháng, để gìn giữ hương sắc cuộc đời, để nới dài hơn quỹ thời gian cho tình yêu và hạnh phúc, Xuân Diệu tìm đến một giải pháp mãnh liệt đầy nam tính, đó là vội vàng tận hưởng cuộc đời một cách say sưa, ham hố khi còn có thể, từ “ôm cả sự sống” đến say đắm “riết, thâu, hôn, cắn… từ “mây đưa gió lượn” đến “non nước, cỏ cây”…

b. Khổ thơ cuối, nhà thơ ước vọng một tình yêu bất tử vĩnh hằng.

– Những trải nghiệm cay đắng khiến Xuân Quỳnh sớm nhận ra và thấm thía sự hữu hạn của cuộc đời, của lòng người, nhưng khác với người đàn ông trong Xuân Diệu luôn khát khao chiếm lĩnh và tận hưởng, trái tim người phụ nữ trong Xuân Quỳnh lại có một mong ước đầy nữ tính:

“Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ”

– Câu thơ “Làm sao được tan ra…” mang cấu trúc nghi vấn – cầu khiến cho thấy cả nỗi trăn trở và niềm mong ước của người phụ nữ thật da diết và thành thực. “Tan ra” là hy sinh, là dâng hiến, là mong được hóa thân thành “trăm con sóng nhỏ giữa biển lớn tình yêu”; mong ước được hi sinh và dâng hiến cũng là mong được sống hết mình, sống mãnh liệt trong tình yêu. Khao khát cháy bỏng trong tình yêu đã được nhà thơ bày tỏ chân thành, táo bạo và cũng thật nhân hậu, vị tha. Hai câu cuối mở ra cảm giác mênh mang của không gian “biển lớn” cùng sự vĩnh hằng của thời gian “ngàn năm”. Khi sống hết mình, yêu hết mình, để tình yêu lớn lao tới mức tan hòa trong cái vô biên của trời đất thì lúc ấy tình yêu cũng đồng thời được nhập vào dòng thời gian vĩnh hằng, tình yêu sẽ trường tồn cùng năm tháng, cùng đất trời, vũ trụ. Vậy là, con người sẽ làm được điều kì diệu, sẽ chiến thắng được cái hữu hạn của cả thời gian và không gian, sẽ vĩnh viễn hóa tình yêu ngay trong cái ngắn ngủi, thoáng chốc của cuộc đời nếu họ dâng hiến và hy sinh trọn vẹn cho tình yêu. Đó cũng là tâm nguyện cao đẹp thường xuất hiện trong thơ Xuân Quỳnh:

“Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Là máu thịt, đời thường ai chẳng có
Vẫn ngừng đập khi cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi”

(Tự hát)

– Xuân Quỳnh viết bài thơ này vào những năm 1967, khi cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam ở vào giai đoạn ác liệt, khi thanh niên trai gái ào ào ra trận “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, khi sân ga, bến nước, gốc đa, sân trường diễn ra những “Cuộc chia ly màu đỏ”. Cho nên có đặt bài thơ vào trong hoàn cảnh ấy ta mới càng thấy rõ nỗi khát khao của người con gái trong tình yêu là biết hy sinh quên mình để hòa cùng tình yêu cộng đồng, tình yêu quê hương, tổ quốc. Đây là lẽ sống đẹp về quan niệm tình yêu, tình yêu trong tâm hồn người phụ nữ qua bài thơ “Sóng” mãi mãi là sức sống, giá trị cho thi phẩm.

Tham khảo thêm:   Nghị định 52/2021/NĐ-CP Danh sách đối tượng được gia hạn thời hạn nộp thuế 2021

III. Kết bài

– Về nghệ thuật: Với thể thơ năm chữ (ngũ ngôn) giàu tính tự sự, giàu sức biểu cảm, giàu tính triết lý, giàu chất suy tưởng, kết hợp những biện pháp tu từ đặc sắc (nhân hóa, ẩn dụ, hoán dụ…).

– Về nội dung: Đoạn thơ thể hiện ước vọng một tình yêu thật đẹp, thật mới mẻ trong tâm hồn lại thêm quan niệm người phụ nữ khi đã yêu. Ngoài tình yêu riêng, mang vẻ đẹp truyền thống lại thêm một ước vọng, một tình yêu bất tử, vĩnh hằng là lẽ sống đẹp, vẻ đẹp của tình yêu chung trong tâm hồn người phụ nữ. Phải chăng, tình yêu là sự kết hợp giữa cái riêng và cái chung giữa bản thân và cộng đồng, quê hương và đất nước mãi mãi là tình yêu bất tử vĩnh hằng.

Dàn ý khổ 8, 9 bài Sóng

I. Mở bài

– Giới thiệu tác giả: Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ trẻ thời kì chống Mĩ cứu nước, là thi sĩ của tình thương, lòng trắc ẩn và hồn thơ nữ tính.

– Giới thiệu bài thơ Sóng: sáng tác năm 1967, in trong tập Hoa dọc chiến hào, là bài thơ viết về tình yêu tiêu biểu cho hồn thơ giàu chất nữ tính của Xuân Quỳnh.

II. Thân bài

a. Hoàn cảnh sáng tác

Sóng được sáng tác năm 1967 trong chuyến đi công tác vùng biển Diêm Điền. Trước khi Sóng ra đời, Xuân Quỳnh đã phải nếm trải những đổ vỡ trong tình yêu. Đây là bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ và phong cách thơ Xuân Quỳnh. Tác phẩm được in trong tập Hoa dọc chiến hào (1968).

b. Âm điệu, nhịp điệu của bài thơ

– Âm điệu của bài thơ Sóng là âm điệu, của những con sóng ngoài biển khơi, lúc ào ạt, dữ dội lúc nhẹ nhàng, khoan thai. Âm điệu đó được tạo nên bởi: Thể ngũ ngôn với những câu thơ được ngắt nhịp linh hoạt.

c. Khát vọng tình yêu vĩnh cửu trong bài Sóng

– Khổ 8:

+ “Cuộc đời tuy dài thế / Năm tháng vẫn đi qua”: cảm giác cô đơn nhỏ bé trước cuộc đời, nỗi lo âu về sự hữu hạn của tình yêu trước thời gian vô tận.

+ “Như biển kia… bay về xa”: cảm giác bất an trước cái dễ đổi thay của lòng người giữa “muôn vời cách trở”. Nhưng đây còn là vượt lên sự lo âu phấp phỏng đặt niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh của tình yêu như mây có thể vượt qua biển rộng.

– Khổ 9:

+ “Làm sao” gọi sự băn khoăn, khắc khoải, ước ao được hóa thành “trăm con sóng nhỏ” để muôn đời vỗ mãi vào bờ.

+ Đó là khát khao của người phụ nữ được sống trong “biển lớn tình yêu” bằng tình yêu và cùng tình yêu, khát khao hòa nhập tình yêu riêng tư trong tình yêu chung rộng lớn.

d. Nghệ thuật đặc sắc

– Thể thơ năm chữ tạo âm điệu sâu lắng, dạt dào, như âm điệu của những con sóng biển và cũng là sóng lòng của người phụ nữ khi yêu.

– Cách ngắt nhịp linh hoạt, phóng khoáng và cách gieo vần, phối âm độc đáo, giàu sức liên tưởng

– Giọng thơ vừa thiết tha, đằm thắm, vừa mãnh liệt sôi nổi, vừa hồn nhiên, nữ tính

– Xây dựng hình ảnh ẩn dụ – với hình tượng sóng, vừa mang nghĩa thực, vừa mang nghĩa ẩn dụ

– Bài thơ sử dụng các biện pháp nhân hóa, ẩn dụ, đối lập – tương phản,…

III. Kết bài

– Khái quát giá trị nghệ thuật: xây dựng thành công hình tượng “sóng” ngôn từ, hình ảnh trong sáng bình dị,…

– Nội dung: qua hình tượng sóng diễn tả tình yêu thiết tha, nồng nàn của người phụ nữ, Xuân Quỳnh đã thể hiện quan niệm tình yêu mới mẻ, hiện đại: sự chủ động của người phụ nữ trong tình yêu nhưng vẫn giữ được nét truyền thống.

Dàn ý phân tích khổ 8, 9 bài Sóng

1. Mở bài:

– Giới thiệu tác giả và tác phẩm:

Tham khảo thêm:   Viết đoạn văn cảm nhận về hình ảnh người bà trong bài thơ Bếp lửa (4 mẫu) Bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt

Xuân Quỳnh tên thật là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, sinh năm 1942, quê ở huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (cũ). Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ tiêu biểu cho thế hệ nhà thơ trẻ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mỹ.

Sóng là bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ của Xuân Quỳnh. Đặc biệt ba khổ thơ cuối của bài thơ là 2 khổ thơ hay nhất nói về những trăn trở của Xuân Quỳnh về tình yêu và kats vọng hòa tình yêu con sóng nhỏ của mình vào tình yêu lớn của nhẫn loại để bất tử hóa tình yêu.

2. Thân bài:

a. Về nội dung

– Khổ 8: Suy tư về thời gian: Cụm từ ” tuy dài thế”,” vẫn đi qua”,” dẫu rộng ” như chứa đựng ở đó ít nhiều nỗi lo âu và sự ngậm ngùi của tác giả. Cuộc đời dài nhưng tuổi trẻ của con người là hữu hạn nên không ngăn nổi năm tháng vẫn đi qua. Gioongs như biển kia dẫu rộng cũng không ngăn nổi 1 đám mây bay về phía cuối chân trời. Nhạy cảm trước sự chảy trôi của thời gian nên Xuân Quỳnh tiếc cho sự hữu hạn của đời người, sự mong manh của hạnh phúc.

– Yêu tha thiết, mãnh liệt trong tình yêu nhưng ta vẫn bắt gặp những dự cảm lo âu đầy bất trắc của thi sĩ. Dự cảm ấy phù hợp với nguồn cảm hứng thường xuất hiện trong thơ bà.

– Khổ 9: Không phải là sự lắp ghép, hòa nhập mà phải tan vào nhau ngàn năm nồng thắm, rạo rực.

Đó là tình yêu cao thượng, lớn lao, cái riêng hòa nhập vào trong cái chung và ở trong cái chung mênh mông ấy, cái riêng tồn tại vĩnh hằng.

Nhưng đó chính là sự ao ước, khát khao, nhà thơ trăn trở kiếm tìm

b. Nghệ thuật đặc sắc:

– Hình ảnh biển và sóng quyện vào nhau trong cả ba khổ thơ, nhưng ở mỗi khổ thơ lại mang một sắc thái khác nhau.

  • Khổ 8: Mây tìm đến với biển từ nơi xa.
  • Khổ 9: Tình yêu tan trong tình yêu (tan thành trăm con sóng nhỏ).

– Vần điệu tạo nên một giọng thơ vừa sôi nổi, vừa thiết tha diễn tả rất hay tâm trạng của một tâm hồn đang khát khao, tìm kiếm.

– Đánh giá: Xuân Quỳnh đã xây dựng hình tượng sóng như một ẩn dụ về tình yêu. Sóng gửi gắm trong đó những suy tư ít nhiều thấp thoáng sự phấp phỏng, lo âu về sự ngắn ngủi của đời người, sự mong manh của hạnh phúc. Cũng bởi thế, bà mông hòa tình yêu con sóng nhỏ của mình vào tình yêu lớn của nhân loại để tình yêu ấy mãi mãi được bất tử. Đó cũng là sự hiện đại trong quan niệm tình yêu của bài thơ ” Sóng “

3. Kết bài:

– Khẳng định giá trị của 2 khổ thơ trong toàn bộ bài thơ

– Khẳng định tài năng của tác giả.

Dàn ý phân tích hai khổ cuối bài Sóng

1. Mở bài

Nữ sĩ Xuân Quỳnh dành cho tình yêu một khoảng trời yêu thương lớn lao, để khi viết về nó, mỗi chữ, mỗi lời từ cây bút ấy đều khiến người đọc rung động, và “Sóng” là một bài thơ như thế.

2. Thân bài

– Thời gian vẫn vậy, vẫn luôn khiến lòng người khắc khoải một nỗi lo, một nỗi sợ vấn vương.

– Cuộc đời tuy có dài, có rộng đó thôi, nhưng làm sao dài rộng như thời gian cơ chứ.

– Biển có rộng, có dạt dào sự bao dung, có ngày đêm vỗ sóng đợi chờ tình yêu thì mây kia vẫn bay đi, bay về những chân trời xa lắm, nơi đó chắc gì đã có biển, đã có sóng, có ” em”.

– Tác giả lo âu, nghĩ suy nhưng không vì thế mà ngừng yêu, ngừng nhớ. Trái tim vẫn đập mãnh liệt khi yêu và được yêu, vẫn muốn sống hết mình cho tình yêu của hôm nay, của hiện tại.

– Tác giả ước làm sao để có thể tan thành từng con sóng, từng con sóng ngày đêm vỗ về hạnh phúc tình yêu.

– Bởi thế mà trăm con sóng ngày đêm vỗ về nơi biển lớn của tình yêu ấy là trăm con sóng lòng xốn xang, dâng trào.

3. Kết bài

Qua bài thơ, Xuân Quỳnh đã nói lên tâm sự của bao người trong đó, đặc biệt là những thế hệ trẻ hôm nay.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 12: Dàn ý phân tích 2 khổ cuối bài Sóng (4 Mẫu) Sóng của Xuân Quỳnh của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *