I. Dàn ý Thuyết minh về con gà (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu về con gà

2. Thân bài

* Nguồn gốc:
– Gà thuộc họ chim nhưng không biết bay, có nguồn gốc từ gà rừng
– Sau được con người mang về thuần hóa trở thành vật nuôi trong gia đình

* Đặc điểm:
– Kích thước: từ 1-3 kg tùy loại gà
– Lông gà mượt và có nhiều màu sắc như màu trắng, màu đen
– Gà di chuyển bằng 2 chân
– Gà đẻ trứng và thường sống thành bầy đàn

* Phân loại gà:
– Theo môi trường sống: Gà nhà, gà rừng, gà chạy bộ
– Theo giống gà: Gà tre, nhà Ri, gà Tam hoàng
– Theo giới tính: Gà mái, gà trống

* Vai trò của gà trong cuộc sống con người:
– Là vật nuôi quen thuộc trong gia đình
– Cung cấp trứng và thịt cho con người
– Tiếng gà trống –> Báo thức
– Là nguồn cảm hứng cho sáng tác nghệ thuật: văn học, hội họa, âm nhạc,…

3. Kết bài

Cảm nghĩ của em về con gà: Là loài vật nuôi quan trọng, có ích, gắn bó với cuộc sống sinh hoạt của con người.

II. Bài văn mẫu Thuyết minh về con gà

“Trên đường hành quân xa
Dừng chân bên xóm nhỏ
Tiếng gà ai nhảy ổ
Cục… cục tác cục ta”
(Tiếng gà trưa – Xuân Quỳnh)

Hình ảnh những chú gà đã đi vào thơ ca một cách hết sức tự nhiên. Từ bao đời nay, gà là con vật gần gũi với người dân Việt Nam. Nó không chỉ góp mặt trong đời sống hàng ngày mà còn góp mặt trong các dịp lễ hội, thờ cúng của nhân dân ta.

Gà là động vật thuộc loài gia cầm, họ chim nhưng không biết bay. Nguồn gốc của nó từ gà rừng nhưng được con người mang về thuần hóa nên tên thường gọi của nó là gà nhà hoặc con kê. Gà là loài vật nuôi ăn tạp, đẻ trứng chứ không đẻ con. Thức ăn của chúng thường là những con giun do chúng bới được ở dưới lòng đất hay thóc, gạo, cám ngô, rau muống, cây chuối,…Chúng có tuổi thọ kéo dài khoảng mười năm.

Tham khảo thêm:   Thuyết minh về cái kéo (14 mẫu)

Mào gà màu đỏ, mỏ của chúng khá nhọn. Lông gà mượt và có nhiều màu sắc như màu trắng, màu đen, …. Nó di chuyển bằng đôi chân có cựa và móng vuốt. Gà là loài vật nuôi sống theo bầy đàn. Chúng có thể tự làm ổ và đẻ trứng cũng như ấp trứng để nở ra những chú gà con xinh xắn.

Giữa gà trống và gà mái có những sự khác nhau rất rõ rệt. Đặc điểm dễ nhận dạng nhất đó là gà trống có mào đỏ và biết gáy. Gà trống thường gáy “Ò ó o” để báo hiệu ngày mới còn gà mái thì không biết gáy. Tiếng gáy của nó rất vang khiến cả làng quê thức dậy để bắt đầu công việc lao động thường ngày. Thân hình gà trống to, khỏe cùng với bộ cựa rất sắc ở dưới chân đã phần nào thể hiện sức mạnh dũng mãnh của nó. Cái đuôi dài và bộ lông rực rỡ với các sắc màu vàng, đen, đỏ, xanh đậm…như để thu hút các chú gà mái. Còn gà mái thì được nhận dạng với các đặc điểm như không có mào, không biết gáy mà chỉ biết kêu những tiếng “Cục tác, cục tác”. Ngoài ra, đuôi của nó ngắn và chân không có cựa như gà trống. Lông của gà mái khá dày nhưng không có nhiều màu sắc như gà trống.

Gà mái có thể đẻ từ 10 đến 20 trứng trong mỗi lứa. Trứng được ấp sau khoảng 20 ngày đến một tháng sẽ nở ra những chú gà con. Những chú gà này được mẹ dẫn đi tìm mồi kiếm ăn. Mỗi khi gặp nguy hiểm, gà mẹ thường dang đôi cánh để bảo vệ đàn gà con của mình.
Gà có rất nhiều công dụng và vai trò đối với cuộc sống của con người. Thịt gà và trứng gà là những thức ăn quen thuộc được chế biến thành những món ăn đa dạng khác nhau như gà luộc, gà hầm, trứng chiên, trứng ốp,… Trứng gà còn là nguyên liệu để chế biến các món bánh hấp dẫn. Đó là những thức ăn rất giàu chất dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, trứng gà còn được dùng để dưỡng da và làm trắng da. Lông gà được sử dụng làm cầu đá, làm chổi,…phục vụ những hoạt động của con người. Gà còn được nuôi để xuất khẩu, mang lại giá trị kinh tế cho đất nước.

Tham khảo thêm:   NGHỊ LUẬN XÃ HỘI VỀ VẤN ĐỀ RÁC THẢI

Trong các lễ thờ cúng của người dân Việt Nam không thể thiếu thịt gà. Người ta thường dùng gà luộc để dâng lên thần linh, tổ tiên với mong ước một cuộc sống an lành, đầy đủ.  Con vật này còn góp mặt trong những trò chơi dân gian của dân tộc như trò chọi gà thu hút sự tham gia, cổ vũ của đông đảo khán giả. Không những thế, nó còn là một trong mười hai con giáp với tên Dậu tương ứng với một tuổi đời của con người.

Con gà đã trở thành đề tài để các nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo. Chúng ta bắt gặp hình ảnh con gà trong những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ dân gian như:

“Khôn ngoan đối đáp người ngoài
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”

Nhân dân ta đã mượn đặc tính của đàn gà để ẩn dụ chỉ con người phải biết đoàn kết, yêu thương nhau. Anh em trong một nhà cần biết bảo vệ và sống hòa thuận với nhau. Hình ảnh con gà còn đi vào các bài hát dành cho thiếu nhi với những ca từ vui nhộn: “Gà không biết gáy là con gà con. Gà mà gáy sáng là con gà cha. Đi lang thang trong sân có con gà có con gà. Đi lang thang trong sân có con gà có con gà”…Trong văn hóa ẩm thực, nhân dân ta đã đúc kết ra một kinh nghiệm quý báu qua câu đồng dao: “Con gà cục tác lá chanh” để minh chứng rằng thịt gà sẽ ngon

Tham khảo thêm:   Thuyết minh về cây cà phê ở Tây Nguyên

hơn nếu có lá chanh. Tinh dầu của lá chanh có mùi thơm ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe của người thưởng thức, giúp họ cảm thấy dễ chịu, sảng khoái. Hơn nữa màu xanh của lá chanh cộng hưởng với màu vàng của thịt gà sẽ giúp món ăn trở nên đẹp hơn, hấp dẫn hơn.
Con gà cũng được nhắc đến trong thơ của Hoàng Cầm với một tình yêu quê hương tha thiết:

“Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”.

Con gà đã trở thành biểu tượng của tranh Đông Hồ với các bức tranh nổi tiếng như “Em bé ôm gà”, “Gà mẹ gà con”, “Gà đại cát nghinh xuân”,… chất chứa những ước mong của con người về cuộc sống thịnh vượng, no ấm hay biểu trưng cho đức tính văn, võ, dũng, nhân, tín của người quân tử.

Như vậy, gà là loài vật nuôi gần gũi với con người. Nó không chỉ mang lại giá trị về kinh tế vật chất mà nó còn có giá trị to lớn về mặt tinh thần, có ý nghĩa thiết thực đối với cuộc sống con người.

About The Author