Bạn đang xem bài viết ✅ Các dạng bài tập tiếng Việt 7 học kì 2 Ôn tập phần Tiếng Việt lớp 7 ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Các dạng bài tập tiếng Việt 7 học kì 2 là tài liệu vô cùng hữu ích, tổng hợp 58 trang tóm tắt toàn bộ kiến thức lý thuyết và các dạng bài tập tiếng Việt 7 học kì 2.

Ôn tập phần Tiếng Việt 7 học kì 2 được biên soạn đầy đủ kiến thức về ngữ pháp, ngữ âm và từ vựng tiếng Việt với đầy đủ các bài học trong phần Tiếng Việt theo chương trình sách giáo khoa, mỗi bài được cấu tạo gồm các phần: củng cố kiến thức, các dạng bài tập và đáp án chi tiết kèm theo. Tài liệu này dùng chung cho các bộ sách lớp 7 chương trình mới. Vậy sau đây là nội dung chi tiết, mời các bạn cùng đón đọc tại đây.

Khái quát tiếng Việt 7 học kì 2

Rút gọn câu

I. CỦNG CỐ, MỞ RỘNG

1. Khi nói hoặc viết, trong những tình huống cụ thể người ta có thể phải rút bớt một số thành phần câu nhằm chuyển tải nhanh, gọn, rõ ràng nội dung cần thông tin. Ngôn ngữ học gọi đó là hiện tượng rút gọn câu, hay tỉnh lược câu. Câu được rút gọn thường gọi là câu rút gọn hay câu tỉnh lược, song đó không phải là một kiểu câu có cấu trúc riêng. Bởi trên thực tế nó được cấu tạo theo mô hình câu đơn hay câu ghép đầy đủ, nhưng trong tình huống sử dụng cụ thể (khi các thành phần nào đó đã rõ từ văn cảnh hay hoàn cảnh giao tiếp cụ thể) thì có thể tình lược các thành phần đã biết.

2. Có thể tỉnh lược các thành phần trong câu đơn hay vế trong câu ghép. Ta thường gặp những trường hợp tình lược sau:

a. Tỉnh lược chủ ngữ trong câu đơn:

(1) – Đang làm gì đấy?

– Chuẩn bị nguyên liệu làm bánh.

(2) Phú ông cười mỉm:

– Muốn hỏi con gái ta, hãy về sắm đủ một chĩnh cốm vàng, mười tấm lụa đào, mười con lợn béo, mười vò rượu tăm, đem sang đây.

(Sọ Dừa)

b. Tỉnh lược vị ngữ trong câu đơn

(1) – Ai làm vỡ lọ hoa?

– Anh Minh ạ!

(2) Nhưng những buổi tối có trăng thì dũ chẳng có ai, Điền cũng khiêng đủ bốn cái ghế ra sân. Rồi Điền gọi vợ con ra. Vợ bế con nhỏ ngồi một chiếc. Con lớn ngồi một chiếc.

(Nam Cao)

c. Tỉnh lược cả chủ ngữ và vị ngữ trong câu đơn.

– Lúc đó câu chỉ còn những từ ngữ vốn đóng vai trò phụ trong câu. Đây là trường hợp thường xảy ra trong hội thoại:

(1) – Cậu đang đọc truyện gì vậy?

– Truyện Tây du kí

Hay trong ngôn ngữ đơn thoại (trong tác phẩm truyện) cũng có thể có câu tỉnh lược cả chủ ngữ, vị ngữ:

(2) Một ngày chúng tôi phá bom đếm năm lần. Ngày nào ít: ba lần.

(Lê Minh Khuê)

d. Tỉnh lược thành phần phụ trong câu đơn.

Việc tỉnh lược các thành phần phụ xảy ra khi một số câu đi liền nhau cùng có chung một hay một số thành phần phụ. Lúc đó thành phần phụ thường chỉ có mặt ở câu đầu tiên, các câu đi sau không cần có mặt thành phần phụ. Ví dụ:

Hết mùa hoa, chim chóc cũng vãn. Cây gạo chấm dứt những ngày tưng bừng ồn ã, lại trở về với dáng vẻ xanh mát, trầm tư.

(Vũ Tú Nam)

e. Tỉnh lược vế trong câu ghép.

Trong ngôn ngữ hội thoại và cả trong ngôn ngữ đơn thoại, khi một vế trong câu ghép đã rõ thì vế đó có thể được tỉnh lược. Ví dụ:

– Chủ nhật này, chúng ta đi tham quan chứ?

– Nếu trời không mưa.

3. Cần lưu ý khi sử dụng câu rút gọn để tránh gây hiểu nhầm hoặc không phù hợp với điều kiện giao tiếp. Ví dụ:

– Hôm nay con ăn gì?

– Cơm.

Khi trả lời người lớn mà dùng câu rút gọn là khiếm nhã, mất lịch sử, không tôn trọng người lớn. Trong những tình huống này, cần dùng câu đầy đủ thành phần. (Dạ, con đã ăn cơm rồi ạ!)

II. CÁC DẠNG BÀI TẬP

Bài 1. Tìm câu rút gọn trong những đoạn trích sau? Hãy khôi phục các thành phần bị rút gọn đó.

1. – Những ai ngồi đấy?

– Ông Lí cựu với ông Chánh hội.

(Ngô Tất Tố)

2. Ai vừa đến?

– Anh Bình

3. – Sao các cậu đến muộn thế?

– Vì đường bị tắc

4. Mẹ không lo, nhưng vẫn không ngủ được. Cứ nhắm mắt lại là dường như vang bên tai tiếng đọc bài trầm bổng.

(Lí Lan)

5. Mẹ ơi! Con khổ quá mẹ ơi! Sao mẹ đi lâu thế? Mãi không về!

(Nguyên Hồng)

6.

Ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Cúi đầu nhớ cố hương.

(Lý Bạch)

7.

Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà, hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em đã có chồng, anh tiếc lắm thay.

(ca dao)

8. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.

9. Mặt trời nhú lên dần dần, rồi lên cho kì hết. Tròn trĩnh, phúc hậu như một quả trứng thiên nhiên đầy đặn.

10. Lớp sinh hoạt vào lúc nào? Buổi chiều

11. Anh để xe trong sân hay ngoài sân?Bên ngoài

12. Nhà vua ngắm nhìn mặt biển, rồi nói:

– Biển này sao không có cá nhỉ?

(Cây bút thần)

13. Thấy thuyền đi quá chậm, vua đứng trên mũi thuyền kêu lớn:

– Cho gió to thêm một tí! Cho gió to thêm một tí!

(Cây bút thần)

14. Về nhà, ông lão đem câu chuyện kể cho vợ nghe. Mụ vợ mắng:

– Đồ ngốc! Sao lại không bắt con cá đền cái gì? Đòi một cái máng cho lợn ăn không được à? Cái máng nhà đã gần vỡ rồi!

(Ông lão đánh cá và con cá vàng)

15.

Một canh…hai canh…lại ba canh,
Trằn trọc băn khoăn, giấc chẳng thành;
Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt,
Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh.

(Hồ Chí Minh)

16. – Muốn hỏi con gái ta, hãy về sắm đủ một chĩnh cốm vàng, mười tấm lụa đào, mười con lợn béo, mười vò rượu tăm, đem sang đây.

17. – Ai làm vỡ lọ hoa?

– Anh Minh ạ!

18. Nhưng những buổi tối có trăng thì dũ chẳng có ai, Điền cũng khiêng đủ bốn cái ghế ra sân. Rồi Điền gọi vợ con ra. Vợ bế con nhỏ ngồi một chiếc. Con lớn ngồi một chiếc.

(Nam Cao)

19. Dường như vật duy nhất vẫn bình tĩnh, phớt lờ mọi biến động chung là chiếc kim đồng hồ. Nó chạy, sinh động và nhẹ nhàng, đè lên những con số vĩnh cửu. Còn đằng kia, lửa đang chui bên trong cái dây mìn, chui vào ruột quả bom…

Quen rồi. Một ngày chúng tôi phá bom đến năm lần. Ngày nào ít : ba lần.

(Lê Minh Khuê, Những ngôi sao xa xôi)

20. Hết mùa hoa, chim chóc cũng vãn. Cây gạo chấm dứt những ngày tưng bừng ồn ã, lại trở về với dáng vẻ xanh mát, trầm tư.

(Vũ Tú Nam)

21. Cuộc bắt nhái trời mưa đã vãn. Ai nấy ra về. Anh Duyên xách giỏ về trước. Thứ đến chị Duyên.

(Tô Hoài, Nhà nghèo)

22. Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng.

23. Rồi ném bẹt năm hào xuống đất, cụ bảo hắn:

– Cầm lấy mà cút, đi đi cho rảnh. Rồi làm mà ăn chứ cứ báo người ta mãi à?

(Nam Cao, Chí Phèo)

24. Gõ đầu roi xuống đất, cai lệ thét bằng giọng khàn khàn của người hút nhiều xái cũ:

– Thằng kia! Ông tưởng mày chết đêm qua, còn sống đấy à? Nộp tiền sưu! Mau!

(Ngô Tất Tố)

25. Hôm sau lão Hạc sang nhà tôi. Vừa thấy tôi, lão báo ngay:

– Cậu Vàng đi đời rồi ông giáo ạ!

– Cụ bán rồi?

– Bán rồi! Họ vừa bắt xong.

(Nam Cao)

26. Chờ mãi mới thấy Hùng qua, vừa trông thấy hắn, tôi gắt:

– Sao bây giờ mới đến? Chờ mãi.

27. Nhưng không, có tiếng dép lẹp kẹp trong nhà và tiếng mẹ tôi:

– Thằng Thành, con Thủy đâu?

Chúng tôi giật mình, líu ríu dắt nhau đứng dậy.

– Đem chia đồ chơi ra đi! – Mẹ tôi ra lệnh.

(Khánh Hoài)

28. Thủy mở to đôi mắt như người mất hồn, loạng choạng bám vào cánh tay tôi. Dìu em vào trong nhà, tôi bảo:

– Không phải chia nữa. Anh cho em tất.

Tôi nhắc lại hai ba lần, Thủy mới giật mình nhìn xuống. Em buồn bã lắc đầu:

– Không, em không lấy. Em để hết lại cho anh.

– Lằng nhằng mãi, chia ra! – Mẹ tôi quát và giận dữ đi về phía cổng.

(Khánh Hoài)

29. Ngó lên nuộc lạt mái nhà

Bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu.

(Ca dao)

30. Từng nghe: việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.

(Nguyễn Trãi)

Bài 2: Tìm câu rút gọn trong những câu sau và cho biết chúng có tác dụng gì?

Tham khảo thêm:   Top phần mềm tách lời bài hát ra khỏi nhạc nền

1. Mọi thói quen xấu ta thường gặp hằng ngày, ở bất cứ đâu là thói quen vứt rác bừa bãi. Ăn chuối xong cứ tiện tay là vứt toẹt ngay cái vỏ ra cửa, ra đường…

(Băng Sơn)

2. Tháng hai trồng cà, tháng ba trồng đỗ.

(Tục ngữ)

3. Phượng xui ta nhớ cái gì đâu. Nhớ người sắp xa, còn đứng trước mặt…Nhớ một trưa hè gà gáy khan…Nhớ một thành xưa son uể oải…

(Xuân Diệu)

Bài 3. Hãy nhận xét về cách dùng các câu rút gọn sau đây. Theo em, có nên dùng các câu rút gọn trong tình huống đó không? Vì sao?

a. – Cháu cho bác hỏi đến phố Hàng Bạc đi hướng nào?

– Đi thẳng, đến ngã tư thì rẽ phải.

b. – Mẹ ơi, cho con đi tham quan nhé!

– Con đi mấy ngày?

– Một ngày.

c. Thầy giáo hỏi cả lớp:

– Bạn nào đã làm vỡ cửa kính?

Một học sinh đứng lên đáp:

– Là Duy Hùng.

Bài 4. Đọc đoạn trích sau:

Cô Tâm ôm chặt lấy em:

– Cô biết chuyện rồi. Cô thương em lắm! (1)

[…]

Cô giáo Tâm gỡ tay Thủy, đi lại phía bục, mở cặp lấy một quyển sổ cùng với chiếc bút máy nắp vàng đưa cho em tôi và nói:

– Cô tặng em. Về trường mới, em cố gắng học tập nhé! (2)

Em đặt vội quyển sổ và cây bút lên bàn:

– Thưa cô, em không dám nhận…em không được đi học nữa. (3)

(Khái Hoài)

Em có nhận xét gì nếu rút gọn chủ ngữ ở các câu (1), (2) và (3) ?

Tham khảo thêm:   Tổng hợp 40+ hình xăm cung Thiên Bình đẹp, ý nghĩa, ấn tượng

Bài 5. Hãy đọc hai đoạn văn sau:

a. Tôi lại biết rằng: lão nói là nói để đó đấy thôi, chẳng bao giờ lão bán đâu. Vả lại, có bán thật nữa thì đã sao?

(Nam Cao, Lão Hạc)

b. Con chó tưởng chủ mắng, vẫy đuôi mừng để lấy lòng chủ. Lão Hạc nạt to hơn nữa:

– Mừng à? Vẫy đuôi à? Vẫy đuôi thì cũng giết! Cho cậu chết!

(Nam Cao, Lão Hạc)

a) Cho biết những câu nào đã được rút gọn thành phần và thành phần được rút gọn đó là gì?

b) Theo em, việc rút gọn thành phần trong các trường hợp trên đây có tác dụng gì?

Bài 6. Tục ngữ thường biểu đạt những kinh nghiệm sống, được đúc kết qua nhiều thế hệ, có giá trị cho tất cả mọi người. Vì vậy, tục ngữ có thể được rút gọn thành phần chủ ngữ, ví dụ: Đói cho sạch, rách cho thơm; Học thầy không tày học bạn….

Theo em, có thể rút gọn chủ ngữ trong câu tục ngữ “Nhà giàu trồng lau ra mía, nhà khó trồng củ tía ra củ nâu” không?

Bài 7. Hãy viết đoạn văn (từ 10 đến 15 câu) có sử dụng ít nhất một câu rút gọn. Gạch chân chú thích dưới những câu ấy.

III. GỢI Ý ĐÁP ÁN

Bài 1. Các câu rút gọn và khôi phục là:

1. – Ông Lí cựu với ông Chánh hội. (Ông Lí cựu với ông Chánh hội đang ngồi đấy.)

2. – Anh Bình. (Anh Bình vừa đến.)

3. – Vì đường bị tắc (Vì đường bị tắc nên tớ đến muộn)

4. Cứ nhắm mắt lại là dường như vang bên tai tiếng đọc bài trầm bổng. (Cứ nhắm mắt lại là mẹ thấy dường như vang bên tai tiếng đọc bài trầm bổng.)

5. Mãi không về! (Mẹ đi mãi không về)

6. Ngẩng đầu nhìn trăng sáng

Cúi đầu nhớ cố hương.

(Tôi ngẩng đầu nhìn trăng sáng

Tôi cúi đầu nhớ cố hương.)

7. Trèo lên cây bưởi hái hoa

Bước xuống vườn cà, hái nụ tầm xuân

(Tôi trèo lên cây bưởi hái hoa

Tôi bước xuống vườn cà, hái nụ tầm xuân)

8. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây. (Mọi người khi ăn quả nên nhớ kẻ trồng cây.)

9. Tròn trĩnh, phúc hậu như một quả trứng thiên nhiên đầy đặn. (Mặt trời tròn trĩnh, phúc hậu như một quả trứng thiên nhiên đầy đặn.)

10. Buổi chiều (Lớp sinh hoạt vào buổi chiều)

11. Bên ngoài (Tôi để xe bên ngoài)

12. – Biển này sao không có cá nhỉ?

(Mã Lương ơi, biển này sao không có cá nhỉ?)

13. Cho gió to thêm một tí! Cho gió to thêm một tí!

(Mã Lương hãy cho gió thêm một tí)

14. – Sao lại không bắt con cá đền cái gì? Đòi một cái máng cho lợn ăn không được à? (Sao ông không bắt con cá đền cái gì? Ông đòi một cái máng cho lợn ăn không được à)

15. Trằn trọc băn khoăn, giấc chẳng thành;

(Tôi trằn trọc băn khoăn, giấc chẳng lành)

16. – Muốn hỏi con gái ta, hãy về sắm đủ một chĩnh cốm vàng, mười tấm lụa đào, mười con lợn béo, mười vò rượu tăm, đem sang đây. (Muốn hỏi con gái ta, ngươi hãy về sắm đủ một chĩnh cốm vàng, mười tấm lụa đào, mười con lợn béo, mười vò rượu tăm, đem sang đây.)

17. – Anh Minh ạ! (Anh Minh làm vỡ lọ hoa ạ!)

18. Con lớn ngồi một chiếc.

(Con lớn ngồi trên một chiếc ghế)

19. Ngày nào ít: ba lần. (Ngày nào ít, chúng tôi phá bom ba lần.)

20. Cây gạo chấm dứt những ngày tưng bừng ồn ã, lại trở về với dáng vẻ xanh mát, trầm tư.

(Hết mùa hoa, cây gạo chấm dứt những ngày tưng bừng ồn ã, lại trở về với dáng vẻ xanh mát, trầm tư.)

21. Thứ đến chị Duyện.(Thứ đến chị Duyện cũng đi về)

22. Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng. (Tôi nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm thì ăn cơm đứng)

23.

– Cầm lấy mà cút, đi đi cho rảnh. Rồi làm mà ăn chứ cứ báo người ta mãi à?

(Anh hãy cầm lấy mà cút, đi đi cho rảnh. Anh hãy làm mà ăn chứ cứ báo người ta mãi à?)

24. Nộp tiền sưu!

(Mày hãy nộp tiền sưu)

25.

– Bán rồi! (Tôi bán cậu Vàng rồi)

26. – Sao bây giờ mới đến? Chờ mãi. (Sao bây giờ Hùng mới đến. Tôi chờ Hùng mãi)

27.

– Đem chia đồ chơi ra đi!

(Hai anh em đem chia đồ chơi ra đi)

28. – Không phải chia nữa. (Em không phải chia nữa)

Tham khảo thêm:   Văn mẫu lớp 6: Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ có yếu tố tự sự và miêu tả Dàn ý & 25 đoạn văn mẫu lớp 6

– Lằng nhằng mãi, chia ra! (Hai an hem lằng nhằng mãi, hay chia đồ chơi ra)

29. Ngó lên nuộc lạt mái nhà (Tôi ngó lên nuộc lạt mái nhà.)

30. Từng nghe: việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,

(Tôi từng nghe: việc nhân nghĩa cốt ở yên dân)

Bài 2.

a. Ăn chuối xong cứ tiện tay là vứt toẹt ngay cái vỏ ra cửa, ra đường…

Câu rút gọn này ngụ ý rằng đó là việc làm của những người có thói quen vứt rác bừa bãi.

b. Tháng hai trồng cà, tháng ba trồng đỗ.

Câu rút gọn này ngụ ý rằng hành động nói đến là của chung mọi người.

c. Nhớ người xa còn đứng trước mặt…Nhớ một trưa hè gà gáy khan…Nhớ một thành xưa son uể oải…

Tác dụng để tránh lặp lại ý của câu trước, đồng thời ngụ ý rằng tâm trạng nhớ là của chung mọi người.

Bài 3. Phân tích điều kiện, ngữ cảnh giao tiếp trong cả 2 đoạn thì đều có điểm chung là người giao tiếp ở vai dưới dùng câu rút gọn với người giao tiếp ở vai trên (đoạn a: Đi thẳng, đến ngã tư thì rẽ phải; đoạn b: Một ngày). Như vậy là thiếu tôn trọng, mất lịch sự, nên cách dùng câu rút gọn trong cả hai trường hợp đều không phù hợp, không nên dùng.

Bài 4. Các câu (1), (2) nếu bị rút gọn chủ ngữ sẽ thành các câu:

– Biết chuyện rồi. Thương em lắm.

– Tặng em. Về trường mới cố gắng học nhé.

Như vậy sẽ làm cho câu mất đi sắc thái tình cảm thân mật và cảm xúc thương xót của cô giáo đối với nhân vật em.

Câu (3) là câu nhân vật em nói với cô giáo cho nên không thể dùng câu rút gọn.

Bài 5.

a) Trong hai đoạn trích, có một số câu rút gọn chủ ngữ, căn cứ vào ngữ cảnh, có thể khôi phục lại được chủ ngữ được rút gọn đó (lão, cậu).

b) Việc rút gọn trong những trường hợp này làm cho câu gọn hơn.

Bài 6. Trong trường hợp của câu tục ngữ “Nhà giàu trồng lau ra mía, nhà khó trồng củ tía ra củ nâu”, không thể rút gọn chủ ngữ vì việc rút gọn như thế sẽ làm cho người nghe, người đọc hiểu sai hoặc hiểu không đầy đủ nội dung câu nói (so sánh: Nhà giàu trồng lau ra mía, nhà khó trồng củ tía ra củ nâu/ Trồng lau ra mía, trồng củ tía ra củ nâu).

Bài 7. HS tự luyện tập viết đoạn văn theo yêu cầu

Câu đặc biệt

I. CỦNG CỐ, MỞ RỘNG

1. Khái niệm: Câu đặc biệt là câu không cấu tạo theo mô hình chủ ngữ – vị ngữ, mà chỉ được tạo thành bởi một từ hoặc một cụm từ chính phụ hay đẳng lập nhưng vẫn là một cấu trúc cú pháp độc lập, có chức năng thực hiện một hành động ngôn ngữ như những câu bình thường.

– Nếu như câu đơn bình thường có 2 thành phần chính: Chủ ngữ và vị ngữ thì câu đặc biệt chỉ có một thành phần chính. Khó có thể xác định – và cũng không cần thiết phải xác định đó là thành phần nào: chủ ngữ hay vị ngữ.

2. Căn cứ vào tính chất từ loại của trung tâm cú pháp, người ta chia câu đặc biệt thành:

a. Câu đặc biệt danh từ: là câu đặc biệt có trung tâm cú pháp là danh từ hoặc cụm danh từ.

Ví dụ: Giờ đây, trước mặt Sương, con sông Bạch Đằng cồn lên những đợt sóng bạc đầu. Con sông quê anh. Con sông trong những truyện anh kể.

(Chu Văn Mười)

b. Câu đặc biệt vị từ: là câu đặc biệt có trung tâm cú pháp là động từ, cụm động từ hoặc tính từ, cụm tính từ.

Ví dụ: Ồn ào một hồi lâu.

(Ngô Tất Tố)

3. Tác dụng của câu đặc biệt

a. Thông báo về sự tồn tại của sự vật, sự việc

Ví dụ: Một thứ im lặng ghê người.

(Nam Cao)

b. Thông báo về thời gian, nơi chốn.

Ví dụ: Gia xép. Một giờ đêm. Không một bóng người.

c. Bộc lộ cảm xúc.

Ví dụ: Ha ha! Một lưỡi gươm!

(Sự tích hồ Gươm)

d. Dùng để gọi đáp

Ví dụ: Anh ơi! Bao giờ áo anh có rách, anh tìm về chỗ em, em vá cho, anh nhé.

(Khánh Hoài)

4. Phân biệt câu đặc biệt với câu rút gọn

CÂU RÚT GỌN

CÂU ĐẶC BIỆT

GIỐNG NHAU

– Đều có cấu tạo là một từ hoặc một cụm từ.

– Đều có hình thức ngắn gọn.

KHÁC NHAU

– Có nguồn gốc là câu đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ.

– Có thể khôi phục được các thành phần bị rút gọn.

– Có nguồn gốc là câu không có chủ ngữ, vị ngữ.

– Không thể xác định chủ ngữ, vị ngữ trong câu.

…………..

Mời các bạn tải File tài liệu để xem thêm nội dung

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Các dạng bài tập tiếng Việt 7 học kì 2 Ôn tập phần Tiếng Việt lớp 7 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *