Suy nghĩ về tầm quan trọng của nơi dựa trong cuộc sống của mỗi người gồm dàn ý chi tiết kèm theo 5 bài văn mẫu hay được Wikihoc.com tuyển chọn từ bài làm của học sinh giỏi trên toàn quốc.
Hy vọng rằng với tài liệu này thì các bạn sẽ có thêm nhiều cách làm bài văn nghị luận xã hội lớp 12, cũng như có thêm hành trang để bước vào kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới. Vậy sau đây là dàn ý và 5 bài văn mẫu, mời các bạn cùng theo dõi tại đây.
Dàn ý suy nghĩ về tầm quan trọng của nơi dựa trong cuộc sống
I. Mở bài:
– Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Nơi dựa đối trong cuộc sống của mỗi người.
II. Thân bài:
– Trong cuộc sống, thông thường người yếu đuôi tìm nơi dựa ở những người mạnh mẽ. Ớ câu chuyện trên thì ngược lại. Người mẹ trẻ dựa vào đứa con mới biết đi chập chững. Anh bộ đội dựa vào cụ già bước từng bước run rẩy trên đường. Từ hai hình tượng ấy gợi trong ta suy nghĩ về nơi dựa của con người trong cuộc đời.
– Nơi dựa được nói đến trong câu chuyện trên là nơi dựa về tinh thần: nơi con người tìm thấy niềm vui và ý nghĩa trong cuộc sống.
– Mỗi người trong cuộc đời cần phải có tình yêu: tình yêu đối với con cái, tình yêu với bố mẹ và những bậc tiền bối đáng kính… Rộng hơn, con người sống cần phải có hy vọng vào tương lai (hình tượng em bé), lòng biết ơn quá khứ (hình tượng bà cụ già)… Chính những tình cảm này làm nên phẩm giá con người.
– Chỗ dựa tinh thần của con người là vô cùng cần thiết: Có thể xoa dịu đau thương, tiếp thêm nghị lực sống cho con người, nâng đỡ tinh thần để không rơi vào tuyệt vọng, giúp con người vượt qua những trở ngại (dùng lí lẽ và dẫn chứng trong cuộc sống để làm rõ).
– Phê phán những kẻ ỷ lại, không tự vươn lên mà dựa vào người khác…
– Liên hệ bản thân…
III. Kết bài:
– Khẳng định vai trò của nơi dựa đối với mỗi người trong đời sống hiện nay.
Suy nghĩ về tầm quan trọng của nơi dựa trong cuộc sống – Mẫu 1
Một nhà vật lý nổi tiếng đã từng nói: “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nâng cả thế giới”. Câu nói này của ông khiến ta thấy rằng trong cuộc sống con người luôn cần cho mình một điểm tựa để thực hiện những ước mơ, hoài bão hay vượt qua những khó khăn, trở ngại. Chính vì vậy, bài thơ Nơi dựa của Nguyễn Đình Thi gợi lên cho chúng ta rất nhiều suy nghĩ.
“Nơi dựa” (điểm tựa) là nơi để mỗi người nương tựa, là nơi tiếp cho họ sức mạnh, niềm tin, động lực sống, nơi mang lại cảm giác ấm áp, bình yên…. Tuy nhiên, ở khía cạnh tinh thần, cậu bé cũng là nơi dựa cho người phụ nữ, bà cụ cũng là nơi dựa cho người chiến sĩ.
Không ai trong chúng ta có thể tồn tại một mình trên cõi đời này. Chúng ta luôn sống trong tổng hòa các mối quan hệ xã hội: với gia đình, nhà trường, bè bạn. Chính trong những mối quan hệ đó, con người học tập, làm việc, dần định hình và phát triển nhân cách của mình. Trong cuộc sống, không ai có thể chắc chắn rằng cuộc đời mình thuận lợi mãi mãi. Có thể đến một lúc nào đó công việc của chúng ta sẽ gặp bất trắc, trở ngại. Chính những lúc ấy, ta rất cần tìm cho mình một nơi dựa làm điểm tựa trong đời, để được an ủi, che chở, giúp đỡ, vỗ về nâng bước. Từ đó những thất bại, rủi ro vấp phải sẽ nhanh chóng được vượt qua, con người sẽ có thêm tự tin để bước tiếp.
Như đã nói, bao giờ cũng bắt đầu từ chỗ dựa vững chắc: gia đình. Tình cảm thân thương ruột thịt, sự che chở nâng đỡ cho từng thành viên là điều gia đình không hề thiếu. Cha mẹ luôn ở bên con cái dẫu khi bé thơ đến lúc trưởng thành, động viên con vững bước trên đường đời và có khó khăn gì ta cũng về với cha mẹ đầu tiên. Ngược lại con cái cũng là nơi dựa của cha mẹ, niềm vui của con thể hiện ở nụ cười, nét mặt, ước mong cho con có một cuộc sống tốt đẹp hơn quãng đời mình đã sống là chỗ dựa vững chắc cho cha mẹ vượt qua những trở lực trong công việc. Điểm tựa tiếp theo cho con người chính là nhà trường, bạn bè, chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm khi xung quanh ta còn thầy cô luôn dìu dắt, chăm sóc từng ngày, quanh ta vẫn còn bạn bè chia sẻ niềm vui trong học tập, đời sống. Những gì ta khó ngỏ lời cùng cha mẹ, khó cùng bố mẹ trò chuyện có thể trao đổi với thầy cô, bè bạn. Một môi trường học đường thân thiện, tích cực luôn là một không gian lý tưởng cho học sinh phát triển. Điểm tựa trong đời ta đôi khi là những tấm gương sáng, thậm chí những con người bình thường trong xã hội. Thấy những anh xe ôm dám bắt cướp, thấy những suất cơm từ thiện, những tấm lòng dành cho đồng bào nghèo, cơ nhỡ hoặc gặp phải thiên tai, ta có nơi dựa để tin rằng cuộc đời còn nhiều người tử tế. Gặp một hoàn cảnh khuyết tật, gia cảnh khó khăn nhưng biết vươn lên ta biết rằng mình còn là một điểm tựa mà thấy rằng mình còn hạnh phúc hơn bao người khác, vững tin với khả năng chịu đựng và vượt qua mọi thử thách của con người để từ đó phải cố gắng hơn.
Đúng là trong cuộc sống ta rất cần nơi dựa, nhưng đừng ỷ lại, dựa dẫm vào đấy quá nhiều. Cần lên án, phê phán những kẻ sức dài vai rộng nhưng vẫn sống bám vào bố mẹ già, những kẻ không chịu làm gì vì ỷ lại vào người khác. Nên nhớ rằng chỗ dựa chỉ hỗ trợ cho ta bước qua khó khăn chứ không thể làm thay ta mọi điều, hãy hiểu điểm tựa theo ý nghĩa tích cực nhất của nó. Nhắc lại ý trên, ta mới thì dẫu tìm cho mình một chỗ dựa nhưng quan trọng nhất vẫn chính là bản thân con người. Như lúc còn học phổ thông, Louis Pasteur chỉ là một học sinh trung học. Về môn hóa, ông đứng hạng 15/22 học sinh của lớp. Cuối cùng, ông đã trở thành một khoa học gia nổi tiếng. Walt Disney từng bị tòa soạn báo sa thải vì thiếu ý tưởng, từng nếm mùi phá sản rất nhiều lần trước khi sáng tạo nên Disneyland đến việc hợp tác cùng nhau. Chính vì vậy mà con người càng cần phải hợp tác cùng người khác nên mọi lĩnh vực, phải ủng hộ nhau, hợp lực với nhau để đẩy nhanh tiến độ phát triển. Trong thời buổi này không thể đóng khung mình trong chỗ dựa cho mình và lấy mình làm chỗ dựa cho họ, có vậy, chúng ta mới có thể đặt được thành công nhanh chóng.
Lý trí vĩ đại – cuốn sách được thương nhân và chính trị gia xuất sắc nhất của Mỹ đánh giá là cuốn sách đưa quốc này tiến vào thế kỉ XX – đã từng viết như sau: “Nếu mỗi lần vấp ngã, bạn lại bật lên như một quả bóng, khi mọi người đều từ bỏ mà bạn vẫn kiên trì hướng về phía trước thì làm sao bạn có thể thất bại được”. Cuối cùng, nơi dựa vững chắc nhất cho mỗi người vẫn là chính bản thân chúng ta. Nếu con người tự tin, có năng lực, biết tận dụng tốt nhất những gì mình có thì việc khó nhất cũng có thể vượt qua, từ đó đi lên thành công trong cuộc sống.
Suy nghĩ về tầm quan trọng của nơi dựa trong cuộc sống – Mẫu 2
Hãy sống và yêu thật đơn giản, đơn giản như dòng sông xanh xanh, bàng bạc. Đừng mãi nhìn cuộc đời quá phức tạp, quá hoa mỹ, như thế bạn càng cảm thấy mệt mỏi. Không cần đến những con sóng dữ dội, vì những con sóng chỉ khiến người ta cảm thấy hơi vị bôn ba, không cần đến màu sắc rực rỡ, vì chỉ làm cho người ta mơ mộng chốn phồn hoa.
Người ta thường nói, thứ đơn giản và hồn nhiên nhất chính là tâm hồn non nớt của trẻ con, cái đơn giản đó mà cả thế giới cứ mãi tìm kiếm. Đúng vậy, khoảng thời gian tuổi thơ đẹp làm sao, cái tuổi với bao khát khao, bao hoài bão, lý tưởng, cái tuổi có những ước mơ bay cao, bay xa đến mức vượt tầm vũ trụ, cái tuổi đó đẹp, mơ màng nhưng dường như không thuộc về ta nữa.
Bây giờ khi trưởng thành, đứng trước quá nhiều lựa chọn, ta bắt đầu hoang mang, lo lắng, mình phải làm sao? Ai có thể giúp mình? Dần dần ta nhận ra ngay cả ước mơ, lí tưởng cũng cần có điểm tựa để ta dựa vào những lúc chênh vênh nhất, không biết lựa chọn nào là tốt nhất cho mình. Nhờ điểm tựa mà những lí tưởng không hóa ảo tưởng.
Người có lí tưởng là người hạnh phúc. Hạnh phúc là điểm đến không phải hành trình, hạnh phúc là nơi xuất phát, cũng là nơi để trở về, người hạnh phúc là người biết mình đi đâu và về đâu. Dù cuộc sống có bộn bề tấp nập đến đâu chăng nữa thì cũng cần một điểm tựa, một nơi để tìm về. Đúng thế điểm tựa chính là điểm xuất phát và điểm dừng chân, điều đó được ví như tòa lâu đài cao bao nhiêu cũng không thể đứng vững trên hư không, loài trai biển muốn xuất hiện, muốn sinh tồn thì cần có biển cả, và bãi cát che chở.
Trong cuộc đời mỗi con người, ai cũng phải từng trải qua ít nhất 1 lần thất bại, hụt hẫng, đau khổ, dằn vặt… Những lúc đó bạn cần gì nhất? đó chính là một điểm tựa, đó là điểm tựa niềm tin, niềm tin giúp ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, mang đến mọi điều tốt đẹp.
Chỉ cần có niềm tin, dù phải đối diện với thử thách nghiệt ngã đến đâu chẳng nữa, bạn hãy tin rằng cuộc sống luôn còn những cơ hội cho bạn và khả năng của con người là không có giới hạn. Hơn nữa, bạn không đơn độc một mình. Bên cạnh bạn luôn có những bàn tay sẵn sàng nâng đỡ, còn có những tấm lòng chia sẻ và cả những ký ức đẹp của cuộc sống.
Niềm tin là điểm tựa quý giá đưa ta đến gần hơn sự thành công.
Archimedes từng nói: “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nâng bổng cả trái đất” có sức mạnh là có cơ hội làm mọi thứ, chỉ cần có điểm tựa vững chắc thì khó khăn mấy cũng nâng lên được
Con người cũng cần một điểm tựa, điểm tựa đó có thể mang đến cho bạn trí tuệ, sức mạnh, phương hướng và dung khí. Tìm được điểm tựa thuộc về mình, lúc đó có thể bạn sẽ phát hiện ra lý tưởng cách bạn không xa lắm.
Suy nghĩ về tầm quan trọng của nơi dựa trong cuộc sống – Mẫu 3
Trong cuốn nhật ký cảm động của mình Đặng Thùy Trâm đã có lần viết: “đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố”, cuộc đời mỗi con người phải có những thăng trầm, những điểm rơi để mỗi con người trở nên dày dạn hơn, trưởng thành hơn. Nhưng làm thế nào để vượt qua những điểm rơi ấy? Có thể là bằng chính bản lĩnh của mỗi con người nhưng cũng có thể cần lắm một nơi dựa. Bài thơ “NƠI DỰA” của Nguyễn Đình Thi cho chúng ta hiểu rõ hơn về nơi dựa của cuộc sống. Bài thơ có hai câu chuyện nhỏ, câu chuyện thứ nhất là câu chuyện của một người đàn bà trẻ tuổi và một đứa bé. “Người đàn bà với khuôn mặt trẻ đẹp chìm vào những miền xa nào”, có lẽ người đàn bà đã trải qua những khó khăn, những đau đớn, những bất hạnh trong cuộc sống. Còn đứa bé mới chỉ ” lẫm chẫm” đi chưa vững, miệng nói líu lo chưa rõ, nó còn quá nhỏ. Những tưởng người đàn bà sẽ là nơi dựa cho đứa trẻ nhưng thực ra đứa trẻ kia mới là “nơi dựa” cho người đàn bà kia sống.
Câu chuyện nhỏ thứ hai là của anh chiến sĩ và bà cụ. Anh chiến sĩ có cái nhìn “đã nhiều lần nhìn vào cái chết” nghĩa là anh đã từng phải đối mặt với ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, đã phải trải qua bao đau thương nghiệt ngã của cuộc đời. Còn bà cụ, tuổi đã cao, sức đã yếu, bước đi không còn vững nữa. Những tưởng người chiến sĩ sẽ phải là “nơi dựa” cho bà cụ nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại, bà cụ chính là “nơi dựa” cho người chiến sĩ đi qua những thử thách.
Như vậy bài thơ đề cập đến vấn đề “nơi dựa” của mỗi con người trong cuộc sống, đó là những người thân yêu, những người có vai trò vô cùng quan trọng, những người có khả năng mang lại cho ta nguồn cảm hứng sống, mang cho ta lẽ sống, niềm tin, hy vọng vào cuộc đời. Hay “nơi dựa” chính là những nơi tạo ra động lực để ta sống tiếp một cuộc sống tốt đẹp hơn, nơi dựa tinh thần.
Với việc sử dụng thể thơ văn xuôi, với ngôn từ giản dị, mỗi câu thơ như một lời nói nhẹ nhàng và sâu sắc, Nguyễn Đình Thi đã cho chúng ta nhận thấy ý nghĩa của nơi dựa tinh thần. Quả thực, với mỗi một con người, nơi dựa về tinh thần là vô cùng quan trọng và nó đặc biệt quan trọng khi mỗi chúng ta phải đối mặt với những khó khăn, thử thách, rơi vào những điểm rơi trong cuộc sống.
Trong cuộc sống hàng ngày, Nơi dựa tinh thần của bạn có thể là cha, mẹ, là những người thân yêu, là quê hương, tổ quốc . Nơi dựa tinh thần của tôi có thể chính là những mục tiêu tôi đặt ra, có thể là một lời hứa với bản thân từ quá khứ và tất cả đều tạo động lực cho bạn và cho tôi có thể tiến lên.
Trong dòng chảy trôi bình thường của cuộc sống, nơi dựa tinh thần cũng có vai trò quan trọng, nó giúp chúng ta không đi lệch đường, lệch hướng, không bị chững lại và thậm chí là không bị tụt lùi về phía sau trong dòng chảy trôi của cuộc đời (lấy dẫn chứng).
Khi chúng ta phải đối mặt với khó khăn, với thử thách trong cuộc sống thì nơi dựa sẽ tạo ra động lực, sẽ thúc đẩy, sẽ động viên và thậm chí là định hướng cho ta cách để ta vượt qua khó khăn, thử thách (lấy dẫn chứng).
Khi chúng ta gặp phải thất bại, nơi dựa sẽ xoa dịu đi những nỗi buồn, giúp chúng ta đứng lên, bước tiếp những bước vững vàng hơn (lấy dẫn chứng).
Bên cạnh nơi dựa về tinh thần trong cuộc sống còn có nơi dựa về vật chất. Nơi dựa là điểm tựa cần thiết để giúp cuộc sống mỗi con người trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn. Tuy nhiên nếu ai đó lạm dụng nơi dựa sẽ có khả năng trở thành những con người phụ thuộc, trở thành ỷ lại, dựa dẫm. Biết mình có nơi dựa vững vàng cho nên không cố gắng, không nỗ lực. Như vậy, nơi dựa chỉ thực sự có tác dụng đối với tinh thần tự lập, ý thức tự giác của mỗi con người.
Suy nghĩ về tầm quan trọng của nơi dựa trong cuộc sống – Mẫu 4
Tôi đã từng rất tâm đắc câu nói của s. Exupéry: “Nếu trái đất hình vuông thì chúng ta sẽ có các góc cạnh để ẩn náu nhưng vì nó hình cầu nên chúng ta lại phải đối mặt với cuộc đời”. Phải, cuộc sống xung quanh ta có bao giờ luôn đi qua mà không vướng phải những sóng gió, những gian nan, thử thách. Con người có bao giờ sống mà chỉ luôn đi qua những giây phút bình yên. Và vì vậy, có những khi chúng ta cảm thấy mình thật nhỏ bé và yếu đuối trước thế giới rộng lớn này. Ấy là lúc ta cần tìm cho mình một “nơi dựa”, một điểm tựa trong cuộc sống. Hiểu được chân lý giản dị mà sâu sắc ấy, mỗi người sẽ tự rút ra cho mình những chiêm nghiệm riêng khi đọc bài thơ Nơi dựa của Nguyễn Đình Thi.
Giản dị thôi, bài thơ vẽ ra hai cảnh trái ngược: một người đàn bà trẻ đẹp “dắt đứa con thơ trên đường, đứa con chân “lẫm chẫm”, tay “hoa hoa một điệu múa kì lạ”, bé chưa nói rõ tiếng vậy mà “đứa bé còn bước chưa vững chãi lại chính là nơi dựa cho người đàn bà kia”. Thời gian tính bằng đời người trôi qua, em bé lớn lên, thành người chiến sĩ. Người chiến sĩ đã trải qua những cuộc trường chinh, đã đối mặt với cái chết, anh “đỡ bà cụ già lưng còng”, “bước run rẩy, khuôn mặt già nua”, đã chịu “nỗi cực nhọc gắng gỏi một đời” thế nhưng “bà cụ bước không còn vững lại chính là nơi dựa cho người chiến sĩ kia đi qua những thử thách”.
Câu chuyện nhỏ nhưng ngụ ý nhiều chiêm nghiệm sâu xa. Một đứa trẻ vô tư, yếu ớt, một bà cụ lưng còng, sức yếu lại trở thành chỗ dựa cho người lớn, cho người chiến sĩ – những con người tưởng như phải mạnh mẽ, vững vàng hơn. Phải chăng, con đường mà họ đang đi chính là con đường đời mỗi chúng ta phải bước, và những “chỗ dựa” không phải mang ý nghĩa vật chất mà toát lên ý nghĩa tinh thần. Thì ra, “nơi dựa” nhiều khi chẳng phải cái gì lớn lao, to tát mà có khi ở ngay bên cạnh, song hành cùng cuộc đời ta. Đó là những người thân thương, bình dị như cha mẹ, như bè bạn, thầy cô,… Đó là những người sống cùng ta, chia sẻ ngọt bùi, thấu hiểu tâm hồn ta, biết ta muốn gì, cần gì và luôn vun đắp cho hạnh phúc của ta. Nhân vật Nhĩ (Bến quê, Nguyễn Minh Châu) sau một đòi gian truân phiêu bạt mới nhận ra cái “bến” của cuộc đời mình là Liên, người vợ lặng thầm, tần tảo. Điểm tựa không phải nơi nào xa lạ mà chính là những người thân thuộc bên ta, chứ không phải anh hùng hay vĩ nhân nào khác, họ là người sẵn sàng ghé vai cho ta sự vững tâm, bình yên trong tâm hồn. Triết lý giản dị mà thiêng liêng ấy lại càng trở nên thấm thía và sâu sắc vì nó mang đậm tâm sự, suy ngẫm của đời người.
Trong cuộc sống, có những lúc con người lâm vào bế tắc, có khi rơi vào tuyệt vọng và “nơi dựa” lúc ấy chính là động lực cho con người tiếp tục sống. Sau những đổ vỡ, cơ cục, những thất bại đắng cay, “chỗ dựa” là nơi ta lắng lại tâm hồn mình, nhận ra mục đích cuộc sống của mình thực sự là gì. Đứa trẻ nhỏ là chỗ dựa cho người thiếu phụ không chỉ vì đó là một phần của chị, mà còn bởi nhìn vào đứa trẻ, chị nhìn thấy tương lai của mình, thấy đứa con lớn lên, đẹp đẽ, trưởng thành, thấy dòng máu của mình được tái sinh trọn vẹn. Thì ra, chỗ dựa của chúng ta đâu chỉ là nơi ta đến khi mỏi mệt, nó còn tiếp thêm sức mạnh để ta tiếp tục sống, tiếp tục yêu thương và dâng hiến cho đời. Câu chuyện trong bài thơ của Nguyễn Đình Thi gợi ta nhớ đến mảnh đời của người anh hùng châu Á Phạm Thị Huệ ( Hải Phòng). Căn bệnh HIV/AIDS bị nhiễm (từ một phút giây lầm lỡ của người chồng) tưởng như đã cướp đi sức sống, tuổi xuân đầy ý nghĩa của chị. Nhưng không, chính nhờ mầm sống đang hình thành trong chị mà chị có thêm niềm tin, nghị lực sống để vượt qua nghịch cảnh. Nếu không có một điểm tựa tinh thần bền vững như thế, liệu con người ấy có thể tiếp tục sống và sống có ích trong khi xã hội vẫn còn chưa hết kỳ thị với căn bệnh thế kỷ này?
Đọc bài thơ của Nguyễn Đình Thi, người đọc còn thấy ấm lòng về hình ảnh của bà cụ, chính là “nơi dựa” cho người chiến sĩ vượt qua thử thách. Vậy phải chăng, chỗ dựa, điểm tựa trong cuộc sống chính là nguồn sức mạnh, là niềm tin để mỗi người đương đầu với bao gian nan, khó khăn? Trong số chúng ta hẳn không ít người biết đến câu chuyện của Helen Keller- diễn giả Mỹ có tầm ảnh hưởng sâu rộng trên toàn thế giới. Chúng ta cũng biết bà là người không có khả năng thính giác và thị giác.
Nhưng với sự động viên, khích lệ, giúp đỡ của cô giáo Anne Sullivan, cùng là một người khuyết tật, Helen đã vượt lên trên mọi thử thách của cuộc đời, vượt qua bao khó khăn vì khiếm khuyết cơ thể để sống và thành công tột đỉnh. Đó không phải là một minh chứng tuyệt vời cho ý nghĩa của “nơi dựa” trong cuộc đời hay sao? Nhiều người đã rất xúc động khi xem chương trình “Những trái tim nhân ái” trên truyền hình VTV1. Ở đó từng có một câu chuyện cổ tích giữa đời thường về ông Trần Thiên Minh – chủ nhân của ngôi nhà bảo trợ những người khuyết tật ở thủ đô Hà Nội. Chẳng ruột rà máu mủ nhưng ông đã tình nguyện trở thành chỗ dựa tinh thần cho hơn ba mươi cô gái sinh ta không may mắn suốt hơn hai mươi năm qua. Và điểm tựa vô giá ấy đã giúp đỡ các cô vượt lên số phận, hòa nhập với cộng đồng, xã hội hôm nay.
Có một chỗ dựa trong cuộc sống để mà sẻ chia, đồng cảm những lúc khó khăn, mỏi mệt sẽ là điều vô giá. Nhưng cuộc sống vẫn luôn cần ta phải tự đứng vững trên đôi chân của chính mình. Nơi dựa chỉ nên là điểm dừng chân của con người để tìm lấy một bến bờ bình yên trong tâm hồn, “chỗ dựa” không thể là nơi ta hoàn toàn dựa vào để lệ thuộc hay thoái lui trước cuộc sống vốn rất nhiều gian nan.
Trong cuộc sống hiện đại, nhiều lúc con người sống cô độc khép chặt mình trong những nhà hộp kín mít, sống mà không cần đến nhau, chỉ cần một chiếc máy tính, máy nghe nhạc là con người có thể tách ra khỏi cộng đồng. Trẻ con ưa “chat” hơn nói chuyện với cha mẹ, gia đình chỉ đông đủ lúc bữa cơm tối… Phải chăng, con người đang bị cầm tù trong sự cô đơn của chính mình? Và vì thế, các vụ tự tử, cuộc sống chơi bời, thác loạn của nhiều thanh niên ngày càng tăng lên… Rõ ràng, thiếu đi sự sẻ chia, thiếu đi chỗ dựa trong cuộc đời, con người sẽ rơi vào trạng thái chông chênh, vô định, không biết làm thế nào để tiếp tục sống.
Tôi luôn mong mọi người được hạnh phúc như tôi, có một tổ ấm để đi về có một người mẹ luôn động viên và thấu hiểu mình, có những người thầy mất ngủ vì sự tiến bộ của tôi,… Chỗ dựa chỉ giản dị thế thôi, mà thiếu nó, tôi chẳng thể thành người.
Suy nghĩ về tầm quan trọng của nơi dựa trong cuộc sống – Mẫu 5
Tôi thường xem những chương trình cảm động đến nghẹn lời của “Điều ước thứ bảy” trên sóng VTV3: câu chuyện về cô gái ung thư kiên cường Ngọc Nữ và người bạn trai thầm lặng thực hiện những ước mơ cuối đời của cô; cuộc sống nghèo khó của bà cụ bán hàng song với hàng trăm chú mèo bị bỏ rơi. Những mẩu chuyện ấy tựu chung một từ “chỗ dựa”: Ngọc Nữ tìm thấy tình yêu sống trong tình thương chân thành, bà cụ cô đơn hạnh phúc bên bầy mèo nhỏ. Thiết nghĩ, trong cuộc sống cần thiết lắm tìm được chỗ dựa cho mình, nhưng làm chỗ dựa cho người khác, phải chăng còn cao quý và cần thiết hơn?
Nơi dựa là điểm tựa về tinh thần và vật chất của mỗi người, là bội con người có thể đặt trọn niềm tin, là động lực tiếp sức cho cá nhân, là nguồn cổ vũ động viên vô tận của con người. Nhưng nếu nói đến “chỗ dựa”, ta thường nghe “chỗ dựa tinh thần” bởi đó mới là nghĩa thật sự của chỗ dựa đời người.
Tìm chỗ dựa cho mình là điều đúng đắn trong cuộc sống, nhưng trở thành chỗ dựa cho người khác-đó mới là cách sống ở đời.
Nhưng có một thực tế rằng, muốn sống vì người khác trước hết phải biết sống cho chính mình:biết đi tìm một chỗ dựa cần thiết.
Con người tồn tại trong thế giới không phải là một thực tế tách biệt, trái lại luôn tổng hòa trong mối quan hệ xung quanh.Có những người rất kì lạ, họ cho rằng có thể sống độc lập không cần tiến hóa trên Trái Đất, biến máy móc phục vụ cho cuộc sống của mình, có thể điều khiển cả thời tiết.Con người mạnh mẽ nhất, cũng yếu mềm nhất bởi chính phần cảm xúc vô thức không thể chế ngự:lạnh đã có áo, mưa đã có ô che đầu, nhưng sự mơ hồ của tình thần liệu có mua được thuốc?
Thời nguyên thủy, loài người vượn cổ sống bầy đàn để cùng săn bắn hái lượm, cùng vượt qua mùa đông lạnh giá.Dường như vì thế, khi mọi người đều có thể tự động và hiện đại hóa, con người vội cho rằng mình có thể độc lập? Thử thách của cuộc sống khắc nghiệt tỉ lệ thuận với sự phát triển của thời đại, mà con người có nhược điểm sợ thay đổi và chậm thích nghi. Giữa những giây phút khó khăn ấy, có lẽ cần lắm một nguồn cổ vũ từ một “chỗ dựa”.
Đâu phải ai cũng là vận động viên chạy bền theo kịp mãi vòng quay không ngừng nghỉ của xã hội, đâu tránh khỏi cảm giác cô đơn, lạc lõng. Có những người con xa xứ thèm cái nắng phương Nam, nhớ những thảm đào hồng nơi phố Tết; có anh sinh viên nhớ giọng cười mẹ hiền, nhớ mắt em thơ trong veo ngọc biếc.Chỗ dựa thân thương – nơi gia đình, bạn bè, người thân là ngọn lửa thần kì tan chảy bao muộn phiền đóng băng trong lòng.
Hình như trong cuộc sống, dù mạnh mẽ cá tính đến đâu, con người cũng cần lắm một chỗ dựa.
Một con người có vô số bạn, bạn thân có đôi ba, nhưng “chỗ dựa” thực sự có lẽ cũng khó tìm như tri kỉ tri âm vậy, và đôi lúc con người không thực sự nhận ra “chỗ dựa” của mình.Vì thế, sự tình nguyện trở thành chỗ dựa cho người khác thật cao quý, vì quả thật.
“Có gì đẹp trên đời hơn thế
Người với người sống để yêu nhau”
Tình cảm cao đẹp ấy trước hết khơi nguồn từ đạo lí sống, có lẽ của toàn nhân loại, không chỉ riêng dân tộc Việt Nam “Lá lành đùm lá rách” đạo lí sống nhân ái ấy có lẽ cũng chính là ý nghĩa của “chỗ dựa”: sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ mọi người xung quanh.Ý nghĩa của sự sẻ chia đôi khi không nằm ở sự to lớn của điều cho đi mà là niềm hạnh phúc nhỏ bé nhận lại.”Chỗ dựa tinh thần” vố là khái niệm mơ hồ, nên niềm hạnh phúc ấy lại khó đoán biết; cũng giống như câu hỏi vì sao hoa lại nở, vì sao cầu vồng lại xuất hiện sau cơn mưa, vì sao đứa bé sơ sinh lại cườI vốn dĩ đều là những cảm xúc tự nhiên nhất.
Làm chỗ dựa cho người khác không chỉ là lòng nhân ái, không chỉ có niềm hạnh phúc sẻ chia mà còn là cơ hội để trở nên mạnh mẽ hơn, có trách nhiệm và trưởng thành hơn.Bất kì ai có thứ mình cần bảo vệ đều sẽ trở nên mạnh mẽ. Và cũng bởi khi trở thành chỗ dựa, ta chấp nhận thử thách gấp đôi:vừa giữ vững lòng mình, vừa an ủi, khích lệ người khác để xứng đáng với tin tưởng của người đó.
Có lẽ, cao quý thôi chưa đủ, cần thiết thôi chưa đủ, làm chỗ dựa cho người khác còn xứng đáng với hai chữ “can đảm”, Dù lòng nhân ái bao la, nhưng tâm lí đám đông vẫn mặc định “ốc không mang nổi mình ốc lại mang cọc cho rêu”.Cha mẹ tìm chỗ dựa nơi con cái là lẽ “hiếu”, vợ chồng nương tựa vào nhau là lẽ “phu thê”, bạn bè đồng cam cộng khổ là lẽ “bằng hữu”, nhưng những người xa lạ tìm nơi dựa lẫn nhau có lẽ chỉ vì một lẽ “người”.Như câu chuyện về “chú lính chì” Hồ Thiện Nhân và mẹ nuôi em – nhà báo Mai Anh. Thời điểm đó cô nhận nuôi Thiện Nhân khi gia cảnh khó khăn, hai đứa con nhỏ đau ốm liên miên, có người nói cô dại “đèo bòng’, bởi Thiện Nhân tật nguyền, sinh bệnh thoi thóp trên bàn phẫu thuật với chi phí hàng trăm triệu tiền Việt Nam.Nhưng bất chấp tất cả, cô vẫn cho em một mái ấm gia đình-một chỗ dựa đúng nghĩa. Nhà báo Mai Anh và hàng trăm những tấm lòng thiện đang giang tay cưu mang những số phận bất hạnh-những con người làm chỗ dựa cho người khác chẳng phải cao quý vô cùng mà cũng can đảm vô ngần hay sao?
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Văn mẫu lớp 12: Suy nghĩ về tầm quan trọng của nơi dựa trong cuộc sống của mỗi người Dàn ý & 5 bài văn mẫu lớp 12 của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.