Bạn đang xem bài viết ✅ Thông tư 22/2017/TT-BYT Công bố cơ sở khám và tiêu chuẩn sức khỏe thuyền viên tàu biển Việt Nam ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư 22/2017/TT-BYT quy định tiêu chuẩn sức khỏe của thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam và công bố cơ sở khám sức khỏe cho thuyền viên. Theo đó, Thông tư 22/BYT/2017 quy định cơ sở khám sức khỏe cho thuyền viên phải đáp ứng các yêu cầu sau:

  • Đạt yêu cầu cơ sở vật chất, trang thiết bị;
  • Người phụ trách khám sức khỏe cho thuyền viên bao gồm bác sĩ và người ra kết quả khám sức khỏe phải có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh;
  • Cơ sở khám chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn liên quan để khám và phát hiện các tình trạng bệnh cho các thuyền viên.

BỘ Y TẾ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 22/2017/TT-BYT

Hà Nội, ngày 12 tháng 5 năm 2017

THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN SỨC KHỎE CỦA THUYỀN VIÊN LÀM VIỆC TRÊN TÀU BIỂN VIỆT NAM VÀ CÔNG BỐ CƠ SỞ KHÁM SỨC KHỎE CHO THUYỀN VIÊN

Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam số 95/2015/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh;

Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định tiêu chuẩn sức khỏe của thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam và công bố cơ sở khám sức khỏe cho thuyền viên.

Chương I

TIÊU CHUẨN SỨC KHỎE CỦA THUYỀN VIÊN, THỦ TỤC, NỘI DUNG VÀ HỒ SƠ VÀ KHÁM SỨC KHỎE CHO THUYỀN VIÊN

Điều 1. Tiêu chuẩn sức khỏe của thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam

Ban hành kèm theo Thông tư này:

1. Bảng tiêu chuẩn sức khỏe của thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam (sau đây viết tắt là thuyền viên) tại Phụ lục số I.

2. Danh mục các bệnh, tật không đủ điều kiện làm việc trên tàu biển Việt Nam tại Phụ lục số II.

Điều 2. Thủ tục, nội dung và hồ sơ khám sức khỏe và khám sức khỏe định kỳ cho thuyền viên

1. Việc khám sức khỏe (sau đây viết tắt là KSK) cho thuyền viên chỉ được thực hiện tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và công bố là cơ sở khám sức khỏe cho thuyền viên.

2. Thủ tục KSK, KSK định kỳ đối với thuyền viên được thực hiện theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 14/2013/TT-BYT ngày 06 tháng 5 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế về hướng dẫn khám sức khỏe (sau đây viết tắt là Thông tư số 14/2013/TT-BYT).

3. Nội dung KSK đối với thuyền viên:

a) Việc KSK cho thuyền viên phải áp dụng theo Bảng tiêu chuẩn sức khỏe của thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam quy định tại Phụ lục số I Thông tư này và Danh mục các bệnh, tật không đủ điều kiện làm việc trên tàu biển Việt Nam quy định tại Phụ lục số II Thông tư này.

b) Việc KSK định kỳ cho thuyền viên phải theo các nội dung ghi trong sổ khám sức khỏe định kỳ của thuyền viên theo mẫu quy định tại Phụ lục số III ban hành kèm theo Thông tư này.

Tham khảo thêm:   Tiếng Anh 11 Unit 2: Từ vựng Từ vựng Generation Gap - i-Learn Smart World

c) Cơ sở KSK cho thuyền viên lập Hồ sơ KSK cho thuyền viên theo mẫu quy định tại Phụ lục số IV ban hành kèm theo Thông tư này và được lưu tại cơ sở đó.

4. Cấp Giấy chứng nhận sức khỏe thuyền viên:

a) Trường hợp thuyền viên đủ tiêu chuẩn sức khỏe theo quy định tại Phụ lục số I Thông tư này, cơ sở KSK cấp Giấy chứng nhận sức khỏe thuyền viên theo mẫu quy định tại Phụ lục số V ban hành kèm theo Thông tư này. Giấy chứng nhận sức khỏe thuyền viên có giá trị trong thời hạn 18 tháng, kể từ ngày ký.

b) Trường hợp thuyền viên đủ tiêu chuẩn sức khỏe theo quy định tại Phụ lục số I Thông tư này nhưng mắc một hoặc một số bệnh, tật quy định tại Phụ lục số II Thông tư này, đồng thời chủ tàu có văn bản gửi cơ sở KSK cho thuyền viên đề nghị cấp Giấy chứng nhận sức khỏe và thuyền viên có Giấy cam kết tự nguyện đi làm việc trên tàu biển theo mẫu quy định tại Phụ lục số VI ban hành kèm theo Thông tư này, Thủ trưởng cơ sở KSK xem xét cấp Giấy chứng nhận sức khỏe thuyền viên theo mẫu quy định tại Phụ lục số V ban hành kèm theo Thông tư này. Giấy chứng nhận sức khỏe thuyền viên có giá trị trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày ký.

c) Giấy chứng nhận sức khỏe thuyền viên được lập thành 03 (ba) bản: 01 (một) bản gửi thuyền viên để lưu vào Hồ sơ của tàu, 01 (một) bản lưu vào hồ sơ của cá nhân thuyền viên do cơ quan quản lý thuyền viên lưu trữ và 01 (một) bản lưu tại cơ sở KSK cho thuyền viên.

5. Việc trả Hồ sơ KSK, Giấy chứng nhận sức khỏe và sổ KSK định kỳ đối với thuyền viên được thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 4 Điều 8 Thông tư số 14/2013/TT-BYT.

Chương II

CÔNG BỐ CƠ SỞ KHÁM SỨC KHỎE CHO THUYỀN VIÊN

Điều 3. Yêu cầu đối với cơ sở khám sức khỏe cho thuyền viên

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện KSK cho thuyền viên phải đáp ứng đủ quy định tại khoản 6 Điều 23 Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (sau đây viết tắt là Nghị định số 109/2016/NĐ-CP) và các yêu cầu sau đây:

1. Đáp ứng các yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy định tại Phụ lục số VII ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Bác sỹ thực hiện KSK và người kết luận kết quả KSK phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và có chứng chỉ đào tạo về y học biển.

Người ký kết luận KSK phải có ngoại ngữ tiếng Anh trình độ B trở lên (đọc và hiểu Giấy chứng nhận sức khỏe thuyền viên bằng tiếng Anh).

3. Có phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp để khám, phát hiện được các tình trạng bệnh, tật theo Bảng tiêu chuẩn sức khỏe của thuyền viên quy định tại Điều 4 Thông tư này.

Điều 4. Công bố cơ sở đủ điều kiện khám sức khỏe cho thuyền viên

Tham khảo thêm:   Toán 7 Bài tập cuối chương 6 - Chân trời sáng tạo Giải Toán lớp 7 trang 23 - Tập 2

Việc công bố cơ sở đủ điều kiện KSK cho thuyền viên được thực hiện theo quy định tại khoản 8 Điều 43, khoản 4 và khoản 5 Điều 44 của Nghị định 109/2016/NĐ-CP.

Chương III

TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN

Điều 5. Trách nhiệm của nhân viên y tế và cơ sở thực hiện khám sức khỏe cho thuyền viên

1. Trách nhiệm của nhân viên y tế;

a) Thực hiện đúng nhiệm vụ được người có thẩm quyền phân công.

b) Kiểm tra đối chiếu ảnh trong Hồ sơ KSK trước khi thực hiện KSK.

c) Thực hiện đúng các quy trình, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ để KSK, bảo đảm kết quả khám trung thực, chính xác và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận của mình.

d) Những trường hợp khó kết luận, bác sỹ KSK đề nghị hội chẩn chuyên môn theo quy định.

2. Trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

a) Thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư này và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả KSK cho thuyền viên do cơ sở mình thực hiện.

b) Lưu trữ hồ sơ KSK cho thuyền viên, định kỳ báo cáo về hoạt động KSK cho thuyền viên và tổng hợp vào báo cáo chung về hoạt động chuyên môn của cơ sở theo quy định của pháp luật về thống kê, báo cáo.

Điều 6. Trách nhiệm của thuyền viên

1. Cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực về tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh, tật của bản thân và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin đã cung cấp.

2. Tuân thủ các hướng dẫn, chỉ định của nhân viên y tế trong quá trình thực hiện KSK.

3. Chủ động khám lại sức khỏe sau khi điều trị bệnh, tai nạn gây ảnh hưởng đến sức khỏe của thuyền viên.

4. Chấp hành yêu cầu KSK (định kỳ hoặc đột xuất) của cơ quan quản lý nhà nước về y tế hoặc cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải (Cục Hàng hải Việt Nam, Sở Giao thông vận tải tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) hoặc của người sử dụng lao động.

Điều 7. Trách nhiệm của người sử dụng lao động thuyền viên

1. Tổ chức KSK và KSK định kỳ cho thuyền viên thuộc quyền quản lý theo đúng quy định của pháp luật về lao động.

2. Thực hiện việc tổ chức KSK định kỳ theo quy định tại Điều 5 Thông tư này.

3. Trả chi phí KSK cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện việc KSK cho thuyền viên theo mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc theo thỏa thuận giữa hai đơn vị.

4. Quản lý và theo dõi sức khỏe, hồ sơ sức khỏe của thuyền viên theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Trách nhiệm của Sở Y tế và cơ quan quản lý nhà nước về y tế của các Bộ, ngành

1. Chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động KSK cho thuyền viên tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Nghị định số 109/2016/NĐ-CP. Kiểm tra, thanh tra hoạt động KSK cho thuyền viên của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định; đình chỉ hoặc kiến nghị đình chỉ hoạt động KSK hoặc xử lý vi phạm việc KSK cho thuyền viên theo thẩm quyền.

2. Công bố công khai danh sách các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện KSK cho thuyền viên thuộc phạm vi quản lý trên trang thông tin điện tử của Sở Y tế hoặc cơ quan quản lý nhà nước về y tế của các Bộ, ngành đồng thời có văn bản báo cáo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế.

Tham khảo thêm:   Baldur's Gate 3: Cách nói chuyện với người chết

Điều 9. Trách nhiệm của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế

1. Chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động KSK cho thuyền viên tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi cả nước.

2. Kiểm tra, thanh tra hoạt động KSK cho thuyền viên của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định; đình chỉ hoặc kiến nghị đình chỉ hoạt động hoặc xử lý vi phạm theo thẩm quyền đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện việc KSK cho thuyền viên nhưng không đủ điều kiện theo quy định tại Thông tư này.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 10. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2017.

2. Quyết định số 20/2008/QĐ-BYT ngày 09/6/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Tiêu chuẩn sức khỏe của thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Điều 11. Điều khoản chuyển tiếp

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đang thực hiện việc KSK cho thuyền viên trước ngày Thông tư này có hiệu lực được tiếp tục thực hiện KSK cho thuyền viên đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2017.

Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh này nếu muốn tiếp tục thực hiện việc KSK cho thuyền viên phải đáp ứng các quy định tại Điều 3 Thông tư này và báo cáo bằng văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước về y tế có thẩm quyền quản lý tương ứng theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Nghị định số 109/2016/NĐ-CP về việc đã bổ sung nhân lực, trang thiết bị và phạm vi hoạt động chuyên môn theo quy định.

Điều 12. Điều khoản tham chiếu

Trường hợp các văn bản dẫn chiếu trong Thông tư này được thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung thì thực hiện theo văn bản thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung đó.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh) để xem xét, giải quyết./.

Nơi nhận:
– Văn phòng Chính phủ (Vụ KGVX; Công báo; Cổng thông tin điện tử Chính phủ);
– Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Vụ Pháp luật chung về xây dựng pháp luật);
– Các Thứ trưởng (để phối hợp chỉ đạo);
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
– UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Kiểm toán Nhà nước;
– Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Các BV, Viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế;
– Cục Quân Y- BQP; Cục Y tế – BCA;
– Cục Y tế – Bộ GT – VT; Y tế các bộ, ngành;
– Các Vụ, Cục, Tổng cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ;
– Cổng thông tin điện tử BYT;
– Lưu: VT, KCB (02), PC (02).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Viết Tiến

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Thông tư 22/2017/TT-BYT Công bố cơ sở khám và tiêu chuẩn sức khỏe thuyền viên tàu biển Việt Nam của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *