Ngày 10/05/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 501/QĐ-TTg phê duyệt Đề án ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông trong Hệ thống thống kê nhà nước giai đoạn 2017-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, sẽ xây dựng hệ thống thông tin thống kê quốc gia, từng bước kết nối với hệ thông thông tin thống kê bộ, ngành, địa phương; xây dựng cơ sở dữ liệu thông kê quốc gia trên nền tảng dữ liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, dữ liệu các cuộc tổng điều tra thống kê khác và một số cơ sở dữ liệu Bộ, ngành được kết nối, chia sẻ với hệ thống thông tin của Tổng cục Thống kê. Nội dung chi tiết, mời các bạn cùng tham khảo Quyết định tại đây.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 501/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 10 tháng 5 năm 2018 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN – TRUYỀN THÔNG TRONG HỆ THỐNG THỐNG KÊ NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2017 – 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật Thống kê ngày 23 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 94/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thống kê;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông trong Hệ thống thống kê nhà nước giai đoạn 2017 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với những nội dung chính như sau:
I. QUAN ĐIỂM
1. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông trong công tác thống kê nhằm nâng cao chất lượng thông tin thống kê, phát triển bền vững hoạt động thống kê, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong việc đánh giá tình hình, hoạch định chiến lược, xây dựng các kế hoạch, chính sách, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội của Đảng và Nhà nước.
2. Tăng cường ứng dụng thành tựu mới trong lĩnh vực khoa học dữ liệu, công nghệ thông tin, thiết bị thông minh và thực hiện đổi mới phương pháp, chuẩn hóa quy trình thống kê trong hệ thống thống kê nhà nước và tổ chức thống kê của các bộ, ngành theo xu hướng tiên tiến, hiện đại.
3. Tích hợp, sử dụng dữ liệu hành chính trong tổng hợp, biên soạn thông tin thống kê nhà nước để giảm chi phí thu thập thông tin, tăng tính chính xác, kịp thời của thông tin thống kê. Tăng cường chia sẻ dữ liệu thông tin thống kê đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội.
4. Tăng cường xã hội hóa và sử dụng các nguồn vốn hợp pháp khác để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông trong hoạt động thống kê góp phần tiết kiệm nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin – truyền thông và các phương pháp khoa học dữ liệu để nâng cao chất lượng hoạt động thống kê nhà nước hướng đến hệ thống thông tin thống kê quốc gia tích hợp và hiện đại trong giai đoạn 2020 – 2025. Đổi mới điều tra thống kê; tích hợp, sử dụng dữ liệu hành chính; thu thập và xử lý dữ liệu lớn; phổ biến thông tin thống kê và chia sẻ dữ liệu, thông tin thống kê theo hướng hiện đại, bảo đảm chất lượng và bảo mật thông tin nhằm phục vụ công tác quản lý, điều hành đất nước dựa trên thông tin thống kê.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Mục tiêu đến năm 2020
– Xây dựng hệ thống thông tin thống kê quốc gia, từng bước kết nối với hệ thống thông tin thống kê bộ, ngành, địa phương; xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia trên nền tảng dữ liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, dữ liệu các cuộc tổng điều tra thống kê khác và một số cơ sở dữ liệu Bộ, ngành được kết nối, chia sẻ với hệ thống thông tin của Tổng cục Thống kê.
– Sử dụng công nghệ thông minh (webform và thiết bị cầm tay) thay thế phiếu điều tra giấy bằng phiếu điều tra điện tử trong các cuộc điều tra thống kê; cụ thể như sau: 80% trong Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019; 75% trong điều tra nông thôn và nông nghiệp giữa kỳ năm 2020; 75% trong điều tra doanh nghiệp và hộ cá thể; 80% trong các cuộc điều tra khác.
– Tích hợp, tiếp nhận hoàn chỉnh các dữ liệu hành chính trong các lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc, bảo hiểm xã hội và cơ sở dữ liệu của một số bộ, ngành để biên soạn các chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, bộ chỉ tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành và hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.
– Ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn vào năm 2020 để hiện đại hóa, giảm chi phí, nâng cao chất lượng và tăng cường khả năng dự báo đối với một số chỉ tiêu thống kê trong các lĩnh vực thống kê giá và thị trường bất động sản.
– Phổ biến thông tin thống kê theo tiêu chuẩn tiên tiến, hiện đại; ứng dụng khoa học dữ liệu và hình ảnh hóa dữ liệu trong phổ biến báo cáo kinh tế – xã hội tháng, quý, năm nhằm hỗ trợ tích cực và hiệu quả trong việc ra quyết định và điều hành dựa trên bằng chứng của Chính phủ.
– Nâng cấp một cách căn bản hạ tầng công nghệ thông tin – truyền thông, bảo đảm an ninh an toàn và hoạt động thông suốt của hệ thống thông tin thống kê nhà nước, đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ thống kê và các mục tiêu đề ra của Đề án.
b) Mục tiêu đến năm 2025
– Hoàn thiện hệ thống thông tin thống kê nhà nước và hệ cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia tập trung, thống nhất theo quy định của Luật Thống kê.
– Sử dụng 85% phiếu điều tra điện tử trong Tổng điều tra kinh tế năm 2021 và sử dụng 90% trong các cuộc điều tra khác.
– Tích hợp hoàn chỉnh dữ liệu hành chính có liên quan trong các ngành, lĩnh vực; chuẩn hóa nhu cầu thông tin và thiết kế biểu mẫu đầu ra nhằm thống nhất thông tin trong hệ thống thông tin hành chính nhà nước với thông tin trong hệ thống thông tin thống kê.
– Mở rộng ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn trong các lĩnh vực thống kê di cư nội địa, du lịch, vận tải và một số lĩnh vực thống kê khác.
– Phổ biến thông tin thống kê phù hợp với Luật Thống kê, Luật Tiếp cận thông tin và các xu hướng hướng dịch vụ công để cung cấp dữ liệu vi mô và công cụ khai thác cho người sử dụng.
– Nâng cấp hoàn chỉnh hạ tầng công nghệ thông tin – truyền thông của hệ thống thống kê nhà nước phù hợp với xu thế phát triển công nghệ thông tin – truyền thông của thế giới và các mục tiêu đề ra của Đề án.
III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Xây dựng và vận hành kho dữ liệu thống kê vi mô tích hợp tập trung của hệ thống thống kê nhà nước
– Chuẩn hóa dữ liệu đầu vào để thực hiện các cuộc điều tra, chế độ báo cáo, sử dụng dữ liệu hành chính ở các năm tiếp theo.
– Rà soát chuẩn hóa nguồn dữ liệu hiện có.
– Tích hợp dữ liệu thống kê vi mô thành kho dữ liệu thống kê vi mô tập trung từ năm 2018, sẵn sàng tiếp nhận dữ liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 và các cuộc điều tra khác.
– Tiến tới tích hợp dữ liệu thống kê các bộ, ngành, trở thành kho dữ liệu thống kê vi mô tích hợp của hệ thống thống kê nhà nước.
2. Xây dựng kho ứng dụng hỗ trợ hoạt động thống kê trên cơ sở các quy trình nghiệp vụ đã được chuẩn hóa
Xây dựng và quản lý tập trung kho ứng dụng tuân thủ kiến trúc tổng thể đã được ban hành, bảo đảm mọi ứng dụng đều phải tạo lập, cập nhật và sử dụng dữ liệu từ kho dữ liệu thống kê vi mô tích hợp tập trung từ năm 2019.
3. Sử dụng công nghệ thông minh vào các công đoạn của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019
– Thay thế 80% phiếu điều tra giấy bằng các phiếu điện tử.
– Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về thống kê dân số từ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu sử dụng thông tin của các cơ quan quản lý Nhà nước và người dùng tin.
– Ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông và bản đồ số trong phân chia, vẽ sơ đồ, lập bảng kê địa bàn điều tra.
– Xây dựng dữ liệu đặc tả (metadata) và thiết kế phiếu, ứng dụng phần mềm phục vụ thu thập, xử lý và tổng hợp thông tin, phổ biến kết quả, lưu trữ dữ liệu.
– Thiết lập Hệ thống công nghệ thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.
4. Sử dụng công nghệ thông minh vào các công đoạn của điều tra doanh nghiệp
– Thay thế phiếu điều tra giấy bằng các phiếu điện tử.
– Xây dựng dữ liệu đặc tả, thiết kế phiếu và ứng dụng phần mềm phục vụ thu thập thông tin, xử lý, tổng hợp và phổ biến thông tin doanh nghiệp.
– Xây dựng và tích hợp cơ sở dữ liệu doanh nghiệp vi mô hợp nhất từ kết quả điều tra và các nguồn dữ liệu thuế, hải quan, kho bạc, đăng ký kinh doanh.
– Xây dựng trang thông tin điện tử chuyên đề về Điều tra doanh nghiệp nhằm tạo môi trường trao đổi thông tin hai chiều.
5. Hiện đại hóa hoạt động phổ biến thông tin thống kê
– Đổi mới trang thông tin điện tử của Tổng cục Thống kê thành kênh phổ biến thông tin thống kê chủ yếu của ngành Thống kê, đáp ứng yêu cầu phổ biến thông tin thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, bộ chỉ tiêu phát triển bền vững của Việt Nam và các sản phẩm thông tin thống kê chủ yếu.
– Phổ biến, giáo dục kiến thức thống kê và khảo sát sự hài lòng, nhu cầu thông tin của người dùng tin thông qua internet.
– Xây dựng, cập nhật các cơ sở dữ liệu kinh tế – xã hội vĩ mô phổ biến trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Thống kê. Tạo dựng các công cụ, phần mềm hỗ trợ người dùng tin khai thác, sử dụng, trình bày dữ liệu theo nhu cầu.
– Tin học hóa quy trình tổng hợp, phổ biến Báo cáo kinh tế – xã hội hàng tháng, Niên giám thống kê quốc gia và một số sản phẩm thông tin chủ yếu khác thông qua việc ứng dụng hình ảnh hóa dữ liệu thống kê.
6. Tích hợp hoàn chỉnh dữ liệu hành chính liên quan đến biên soạn các chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia trong các lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc, bảo hiểm xã hội và một số ngành, lĩnh vực cho mục đích hoạt động thống kê nhà nước
– Xây dựng và thường xuyên cập nhật quy chế kết nối, chia sẻ dữ liệu hành chính theo Nghị định số 94/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thống kê các nội dung chủ yếu gồm: Phạm vi, trách nhiệm, định nghĩa, quy trình thực hiện cung cấp, tiếp nhận và sử dụng dữ liệu hành chính,…
– Xây dựng và cập nhật các cơ sở dữ liệu hành chính phục vụ quản lý và hoạt động thống kê nhà nước tại các bộ, ngành.
– Xây dựng mẫu ghi chép ban đầu phù hợp với mục đích quản lý hành chính và thống kê nhằm thống nhất hệ thống thông tin hành chính phục vụ hoạt động thống kê nhà nước.
– Xây dựng chuẩn mực tích hợp dữ liệu để chuyển đổi dữ liệu hành chính cho mục đích thống kê.
– Xây dựng chuẩn mực về hạ tầng kỹ thuật, quy trình vận hành và ứng dụng phục vụ tích hợp kho dữ liệu vi mô thống kê tập trung thống nhất; triển khai trục tích hợp thống kê nhà nước đáp ứng yêu cầu kết nối, liên thông kết nối, chia sẻ thông tin giữa Tổng cục Thống kê với ít nhất 3 cơ quan quản lý dữ liệu chuyên ngành.
7. Sử dụng công nghệ dữ liệu lớn để hiện đại hóa, giảm chi phí và tăng chất lượng, khả năng dự báo trong một số lĩnh vực thống kê, tập trung ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn trong lĩnh vực thống kê giá, thị trường bất động sản, đất đai, di cư nội địa
– Xây dựng các quy định pháp lý về chính sách và quy chế truy cập, chia sẻ và sử dụng dữ liệu: Nguồn dữ liệu của các Tập đoàn, Tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực thương mại.
– Nghiên cứu, ban hành phương pháp ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn trong hoạt động thống kê nhà nước, trước mắt trong biên soạn chỉ số giá tiêu dùng (chỉ số CPI). Các nội dung chủ yếu gồm: Xây dựng quy trình tính, xác định nguồn dữ liệu; thu thập dữ liệu từ các tổ chức, mạng lưới, doanh nghiệp đã xác định; tính toán chỉ số giá của các hàng hóa và dịch vụ được lựa chọn; phân tích kết quả và so sánh với phương pháp truyền thống. Tiến hành thí điểm ứng dụng dữ liệu lớn trong tính chỉ số CPI cho khu vực thành thị, thống kê thị trường bất động sản trong năm 2019 và triển khai mở rộng từ năm 2020.
– Xây dựng ứng dụng nền tảng thu thập và xử lý, ứng dụng chính thức dữ liệu lớn tích hợp với kho dữ liệu vi mô tập trung thống nhất và bổ sung các ứng dụng thống kê sử dụng công nghệ dữ liệu lớn vào kho ứng dụng hỗ trợ hoạt động thống kê.
8. Nâng cấp đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin – truyền thông của Tổng cục Thống kê, hạ tầng kết nối hệ thống thống kê Nhà nước
– Quy hoạch, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin – truyền thông của Tổng cục Thống kê đáp ứng yêu cầu thu thập, xử lý, tổng hợp, phân tích, phổ biến và lưu trữ dữ liệu các cuộc điều tra, Tổng điều tra thống kê trong Chương trình điều tra thống kê quốc gia, trước mắt thực hiện đối với Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.
– Chuyển sang thuê ngoài một số dịch vụ hạ tầng công nghệ thông tin, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, trước mắt thực hiện đối với hạ tầng công nghệ dữ liệu lớn của Tổng cục Thống kê.
– Quy hoạch, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin – truyền thông phục vụ công tác thống kê của các bộ, ngành; nâng cấp hạ tầng kết nối hệ thống thống kê nhà nước để triển khai kết nối, tích hợp dữ liệu thống kê quốc gia tập trung thống nhất.
9. Nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông và khoa học dữ liệu cho người làm công tác thống kê nhà nước
– Nghiên cứu phương pháp, công nghệ mới về khoa học dữ liệu, công nghệ dữ liệu lớn và công nghệ thông tin – truyền thông cho đội ngũ nòng cốt về công nghệ thông tin.
– Xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực làm công tác thống kê đạt tiêu chuẩn khoa học dữ liệu đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành Thống kê trong tương lai.
10. Đẩy mạnh hợp tác về công nghệ thông tin với các doanh nghiệp, hiệp hội, trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức trong và ngoài nước
……
Tài liệu vẫn còn, mời các bạn tải tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Quyết định 501/QĐ-TTg Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong Hệ thống thống kê nhà nước của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.