Bạn đang xem bài viết ✅ Bộ đề đọc hiểu ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ văn 48 Đề đọc hiểu ngoài chương trình (Có đáp án) ✅ tại website Wikihoc.com có thể kéo xuống dưới để đọc từng phần hoặc nhấn nhanh vào phần mục lục để truy cập thông tin bạn cần nhanh chóng nhất nhé.

Bộ đề đọc hiểu môn Ngữ văn ôn thi vào lớp 10 gồm 48 đề, có đáp án kèm theo, giúp các em học sinh lớp 9 luyện trả lời câu hỏi đọc hiểu thật nhuần nhuyễn, để ôn thi vào lớp 10 năm 2023 – 2024 hiệu quả.

Thông qua 40 đề đọc hiểu Ngữ văn 9, các em sẽ nắm vững các dạng câu hỏi đọc hiểu thuộc 3 cấp độ: Nhận biết, Thông hiểu, Vận dụng. Đồng thời, cũng giúp thầy cô tham khảo để giao đề ôn thi vào 10 cho học sinh của mình. Bên cạnh đó, có thể tham khảo thêm Bộ câu hỏi đọc hiểu Ngữ văn lớp 9 theo chủ đề. Vậy mời thầy cô và các em tải miễn phí:

Đề đọc hiểu ôn thi vào lớp 10 – Số 1

Đọc ngữ liệu sau và trả lời câu hỏi:

Một cô giáo trường công đã giúp tôi hiểu rõ cái ý nghĩa phức tạp của việc cho và nhận.

Khi nhìn cách tôi cầm sách trong giờ tập đọc, hiển nhiên cô đã nhận thấy có gì không bình thường; cô liền thu xếp cho tôi đi khám mắt. Cô không đưa tôi đến bệnh viện mà dẫn tôi tới bác sĩ nhãn khoa riêng của cô, không phải kiểu làm việc thiện mà như với một người bạn. Thật ra, tôi ngạc nhiên về hành động đó đến nỗi không nhận biết được chuyện gì đã xảy ra, cho tới một ngày kia cô đưa cho tôi một cặp kính.

“Em không thể nhận được. Em không có tiền trả đâu”, tôi nói, cảm thấy xấu hổ vì nhà mình nghèo.

Cô liền kể chuyện cho tôi nghe: “Hồi cô còn nhỏ, một người hàng xóm đã mua kính cho cô. Bà ấy bảo một ngày kia cô sẽ trả cặp kính đó bằng cách tặng kính cho một cô bé khác. Em thấy chưa, cặp kính này đã được trả tiền từ trước khi em ra đời.”

Thế rồi cô nói với tôi những lời nồng hậu nhất mà chưa ai từng nói với tôi: “Một ngày nào đó em sẽ mua kính cho một cô bé khác”.

Cô nhìn tôi như một người cho. Cô làm tôi thành người có trách nhiệm. Cô tin tôi có thể có một cái gì để trao cho người khác. Cô chấp nhận tôi như thành viên của cùng một thế giới mà cô đang sống. Tôi bước ra khỏi phòng, giữ chặt kính trong tay, không phải như kẻ vừa nhận một món quà, mà như người chuyển tiếp món quà đó cho kẻ khác với tấm lòng tận tụy.

(Theo Bin-li Đa-vít, trong Trái tim người thầy,NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2004)

Câu 1: Nêu phương thức biểu đạt chính của văn bản?

Câu 2: Xác định nội dung chính của văn bản?

Câu 3: Hãy đặt nhan đề cho văn bản?

Câu 4: Viết bài văn nghị luận ngắn (khoảng một mặt giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về bài học cuộc sống mà em rút ra từ ngữ liệu trong phần đọc hiểu trên.

ĐÁP ÁN

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Tự sự

Câu 2. Nội dung chính của văn bản: Văn bản kể chuyện 1 cô giáo đã giúp cho nhân vật tôi hiểu rõ ý nghĩa của việc cho và nhận.

Câu 3. Đặt nhan đề cho văn bản (HS có thể đặt nhiều nhan đề khác nhau, nhưng yêu cầu nhan đề phải thể hiện được nội dung của văn bản), ví dụ: Cho và nhận, ….

Câu 4:

* Mở bài: Dẫn dắt và giới thiệu vấn đề cần nghị luận: (cho và nhận…)

* Thân bài: Giải thích, trình bày, chứng minh làm rõ vấn đề

– Giải thích:

  • Cho là sự san sẻ, giúp đỡ, yêu thương xuất phát từ tấm lòng của một người. Nhận là được đáp trả, được đền ơn.
  • Cho và nhận là mối quan hệ nhân quả, tương trợ, bổ sung cho nhau.

– Biểu hiện:

  • Sự chia sẻ, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, đau khổ
  • Chúng ta trao đi yêu thương sẽ nhận lại sự thanh thản và niềm vui trong tâm hồn.
  • Điều nhận lại đôi khi không phải trong phút chốc, hiển hiện ngay trước mắt mà có khi là cả một quá trình.

– Ý nghĩa: Cho và nhận là việc làm đáng được ngợi ca với tinh thần: “ một người vì mọi người”

Phê phán: Những kẻ tham lam, ích kỉ, sống tàn nhẫn, chỉ muốn nhận, muốn vay mà không muốn cho, muốn trả; phê phán một bộ phận giới trẻ ngày nay chỉ biết “nhận” từ cha mẹ mà không biết “cho”…

– Bài học: Cuộc sống của mỗi người sẽ trở nên tầm thường nếu chỉ biết nhận mà không biết cho. Cho đi là điều chúng ta nên làm trong cuộc sống hằng ngày để nhận lại rất nhiều thứ về sau. Mỗi người hãy cho đi nhiều hơn để nhận lại nhiều hơn

* Kết bài: Khẳng định ý nghĩa của bức thông điệp của sự cho và nhận, mở rộng nâng cao vấn đề và liên hệ bản thân.

Đề đọc hiểu ôn thi vào lớp 10 – Số 2

Câu 1: Đọc 2 đoạn văn và trả lời các câu hỏi từ (a) đến (d).

1. Một cô bé mười lăm tuổi, được mẹ chở đi đánh cầu lông. Xe hai mẹ con bị va quẹt, đồ đạc trên xe văng tung tóe. Người mẹ vội vàng gom nhặt, vài người đi đường cũng dừng lại phụ giúp còn cô bé thờ ơ đứng nhìn. Đợi mẹ nhặt xong mọi thứ, cô bé leo lên xe và thản nhiên dặn: “Lát về mẹ nhớ mua cho con li chè!”.

2. Một cậu học sinh khi được hỏi về ca sĩ nổi tiếng mà cậu hâm mộ, cậu đã trả lời rất rành mạch về cách ăn mặc, sở thích của ca sĩ đó. Nhưng khi được hỏi về nghề nghiệp, sở thích của cha mẹ cậu, cậu ta ấp úng, không trả lời được.

a/ Xác định chủ đề và phương thức diễn đạt của hai đoạn văn.

b/ Câu nói : “ Lát mẹ về nhớ mua cho con li chè!” của cô bé, và thái độ “ấp úng không trả lời được” của cậu bé đã gợi cho em suy nghĩ gì? (viết từ 2 đến 4 câu trình bày suy nghĩ)

c/ Tìm và gọi tên hai phép liên kết khác nhau trong đoạn văn 2.

d/ Thể hiện là một người con trong gia đình, em hãy viết một đoạn văn (4-6 câu) nêu suy nghĩ của bản thân về cách cư xử đúng mực của con cái đối với cha mẹ.

e/ Từ hai đoạn văn trên, em hãy viết bài văn nghị luận bàn về chủ đề của hai đoạn văn đưa ra .

Câu 2: Tục ngữ có câu: Một sự nhịn, chín sự lành.

Từ lời khuyên dạy của cha ông, em có suy nghĩ gì về “văn hóa nhường nhịn” trong cuộc sống hiện nay. Viết một bài văn khoảng một trang giấy thi trình bày suy nghĩ ấy.

ĐÁP ÁN

Câu 1:

a/ Xác định chủ đề và phương thức diễn đạt của hai đoạn văn.

  • Sự vô tâm, vô cảm của con người trong cuộc sống
  • PTBĐ: Đoạn văn 1: Tự sự

Đoạn văn 2:

b/ Câu nói : “ Lát mẹ về nhớ mua cho con li chè!” của cô bé, và thái độ “ấp úng không trả lời được” của cậu bé đã gợi cho em suy nghĩ gì? (viết từ 2 đến 4 câu trình bày suy nghĩ)

– Đó cũng là thể hiện của sự suy tàn về chữ hiếu và vi phạm nghiêm trọng đạo đức con người Á Đông. Hai hiện tượng trên như một lời cảnh tỉnh đối với bổn phận làm con của chúng ta.

c/ Tìm và gọi tên hai phép liên kết khác nhau trong đoạn văn 2.

  • Phép nối: Nhưng
  • Phép lặp: cậu (2 lần)

d/ Thể hiện là một người con trong gia đình, em hãy viết một đoạn văn (4-6 câu) nêu suy nghĩ của bản thân về cách cư xử đúng mực của con cái đối với cha mẹ.

  • Cư xử đúng mực với ông bà, cha mẹ
  • Sống có hiếu thuận, kính trên nhường dưới
  • Phải biết chia sẻ, yêu thương, biết phân biệt đúng sai.

d/

1. Mở bài: Đặt vấn đề: Sự vô tâm của thế hệ gấu bông đã làm giật mình các bậc cha mẹ. Hai hiện tượng mà báo Tuổi trẻ Chủ nhật đã nêu là khá phổ biến. Đó cũng là thể hiện của sự suy tàn về chữ hiếu và vi phạm nghiêm trọng đạo đức con người Á Đông. Hai hiện tượng trên như một lời cảnh tỉnh đối với bổn phận làm con của chúng ta.

2· Thân bài:

+ Biểu hiện: Giải thích nội dung của hai hiện tượng trên nói lên sự vô tâm của thế hệ trẻ đối với những người thân yêu nhất, có công nuôi dưỡng và bảo bọc chúng ta từ khi mới sinh ra – đó là cha mẹ, ông bà, thầy cô giáo, …Hình ảnh một em bé thờ ơ khi mẹ đi nhặt đồ và hồn nhiên nói: “Lát về mẹ nhớ mua cho con li chè!” cũng như hình ảnh một cậu học sinh rất rành về sở thích của ca sĩ cậu yêu thích mà chẳng biết gì về sở thích, nghề nghiệp, tâm trạng và niềm đau của bố mẹ mình. Điều đó đã tạo nên sự phản cảm mạnh mẽ trong tâm hồn người đọc.

+ Nguyên nhân:

  • Giới trẻ thường chỉ quan tâm tới cuộc sống và sở thích của mình, đó là một trong những biểu hiện của thói ích kỉ.
  • Bậc cha mẹ thiếu sâu sát, thiếu quan tâm đúng mực đến hành vi, sở thích và nhân cách của con.
  • Nhà trường và xã hội thiếu phương pháp giáo dục đúng mực, thiếu những hoạt động để rèn luyện nhân cách của học sinh và gắn kết con cái với cha mẹ.
  • Nhà trường và gia đình còn thờ ơ với việc giáo dục cẩn trọng về đạo đức làm người và những đức tính như: hiếu thảo, lòng biết ơn, lòng nhân ái, tính vị tha, khả năng chia sẻ với những người thân yêu, …

+ Hậu quả:

  • Nếu không khắc phục được những hiện tượng này, xã hội càng ngày càng trở nên băng hoại về đạo đức và sự vô cảm càng ngày càng trở nên phổ biến.
  • Những hiện tượng trên là nhát dao cứa vào lương tâm của những người Việt Nam có đạo đức, là nỗi đau dai dẳng cho thế hệ cha anh.
  • Những hiện tượng trên là sự xói mòn về đạo đức, là sự chạy theo những nét đẹp phù phiếm và hư ảo, bỏ quên những nét đẹp chân thật và những tình cảm thiêng liêng.

+ Cách khắc phục:

  • Chủ quan: bản thân mỗi con người phải ý thức về trách nhiệm của mình đối với gia đình và xã hội, rèn luyện lòng nhân ái, lòng vị tha từ những việc nhỏ nhặt nhất.
  • Khách quan: gia đình, nhà trường và xã hội nên chú trọng hơn về việc giáo dục nhân cách cho học sinh, dạy học sinh biết quan tâm tới những người thân yêu, gần gũi với mình, dạy học sinh biết cảm nhận vẻ đẹp của lòng vị tha, sự chia sẻ, đồng cảm và lối sống có trách nhiệm.
  • Lên án mạnh mẽ lối sống thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, ích kỉ.

3· Kết bài: Hai hiện tượng trên đã đánh thức lương tâm của những người đã từng mắc vào những lỗi lầm tương tự. Đó là hồi chuông cảnh tỉnh đối với thế hệ trẻ nói riêng và đối với tất cả những người Việt Nam.

Câu 2:

I. Mở bài:

– Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Bàn về sự nhường nhịn

II. Thân bài:

* Giải thích và nêu biểu hiện của sự nhường nhịn:

– Sự nhường nhịn là gì?

Nhường nhịn đó là một phẩm chất đáng quý trong cuộc sống, cần nhường nhịn với tất cả mọi người, nghĩa đen của nhường nhịn đó là những đức tính tốt mà mỗi người cần phải rèn luyện và có được nó, mỗi phẩm chất đều phải trong quá trình rèn luyện và tu dưỡng nó, ở đây nhường nhịn không phải là chấp nhận thua cuộc mà là sự cảm thông đối với đối phương, việc nhường nhịn sẽ tạo nên những phẩm chất vô cùng đáng quý và góp phần tạo nên cho mình những điều đáng quý hơn, ngoài những điều đó bản thân mỗi người đều phải ra sức rèn luyện và tu dưỡng đạo đức của mình, mỗi người là một tấm gương cho việc học tập và tu dưỡng đạo đức, nhường nhịn sẽ tạo nên cho mình một phẩm chất cao quý đó là sự cảm thông thấu hiểu và những hiểu biết chi tiết về bản chất của sự vật và sự việc.

– Biểu hiện của người biết sống nhường nhịn: Nhường nhịn không chỉ được áp dụng trong một ngôi nhà để thấy được sự hạnh phúc và ấm áp trong mỗi thành viên trong gia đình mà nó hiện hữu trong những trường hợp riêng và nó góp phần tạo nên một ý nghĩa vô cùng đặc biệt, nó tạo nên một cuộc sống tốt đẹp hơn, không chỉ trong gia đình nó tạo nên một cảm giác gần gũi mà nó tạo nên những cảm giác gần gũi giữa các thành viên trong gia đình, những sự nhường nhịn đó sẽ làm nên cho chúng ta được những điều tuyệt vời nhất, gia đình lúc nào cũng có những cảm giác êm ấm và hạnh phúc, mỗi người đều biết nhường nhịn và cảm thông cho nhau thì gia đình sẽ mãi luôn được hạnh phúc và nó phát triển một cách toàn diện hơn, mỗi người đều tạo nên những không gian riêng và nó to lớn ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống của mỗi người, chúng ta thấy được sự nhường nhịn đó sẽ làm cho mỗi người luôn luôn có cảm giác an toàn hạnh phúc và không gian trong gia đình lúc nào cũng ấm áp và không có những tranh cãi riêng nó tạo nên cảm giác hạnh phúc và vô cùng ý nghĩa.

Tham khảo thêm:  

* Trình bày ý nghĩa của sự nhường nhịn:

– Sự nhường nhịn sẽ bảo vệ mối quan hệ giữa người với người thông qua việc bảo vệ và gìn giữ hòa khí, đồng thời thiết lập nên tinh thần gắn kết, đoàn kết.

– Sự nhường nhịn còn giúp con người vượt thoát khỏi những bon chen, ích kỷ, toan tính của cuộc sống xô bồ, tấp nập thường ngày.

– Sống nhường nhịn còn giúp con người bao dung, sẻ chia với những khó khăn, hoạn nạn của người khác và là biểu hiện của lối sống vị tha cao đẹp: “Mình vì mọi người”.

* Lật lại vấn đề:

– Những người sống ích kỷ, bon chen, tranh giành quyền lợi trong xã hội.

* Bài học nhận thức và hành động:

– Chúng ta cần mở rộng lòng mình để sẵn sàng tha thứ, bỏ qua sai lầm của người khác

– Giúp đỡ người khác nhận ra và khắc phục những sai lầm.

III. Kết bài:

– Khẳng định lại ý nghĩa của lòng khoan dung. Liên hệ bản thân.

Đề đọc hiểu ôn thi vào lớp 10 – Số 3

Câu 1:

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Ngày mai mình sẽ dậy sớm tập thể dục, ngày mai mình sẽ học tiếng Anh… ngày mai và ngày mai nhưng không biết là ngày mai nào. Đấy là “căn bệnh” khó chữa của nhiều người trẻ hiện nay.

Trao đổi về vấn đề này, anh Lê Đình Hiếu (tốt nghiệp thủ khoa Trường ĐH California, Los Angeles UCLA; Forbes Under 30 năm 2016) cho rằng với cá nhân từng người trẻ Việt Nam trong thời kỳ 4.0, “căn bệnh” này thực sự nguy hiểm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai của các bạn. “Vì sao? Vì thời đại mà các bạn đang sống là thời đại của sự năng động, cập nhật liên tục, nên nếu chậm tay thì cơ hội sẽ vụt mất ngay (…), anh Hiếu chỉ ra.

Theo anh Hiếu sinh viên Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để hiện thực hóa ý tưởng của các bạn, tuy nhiên cái cách mà các bạn triển khai ý tưởng lại khiến người ta lo lắng.

Anh Hiếu cũng cho rằng để chữa bất kỳ căn bệnh nào đều cần hai yếu tố là thuốc hoặc phương pháp tác động từ bên ngoài và ý chí tinh thần từ cá nhân bên trong.

Xét về góc độ giáo dục, các bạn trẻ đang thiếu những kỹ năng sắp xếp công việc, quản lý thời gian,… việc không quản lý quỹ thời gian mình đúng cách cũng là một nguyên nhân khiến các bạn lúc nào cảm giác mình không đủ thời gian thực hiện tất cả mọi việc trong một ngày mà cứ chần chừ ngày này sang ngày khác. (…)Nhưng về bản chất vẫn là ý chí và tinh thần của chính bản thân.(…)

Nếu như không muốn tự làm hại bản thân, tự tước bỏ những cơ hội quý giá thì ngay từ bây giờ các bạn có sẵn sàng nghiêm túc với bản thân và thôi nuông chiều cảm xúc? Và hôm nay bạn đã làm hết được những điều mà ngày hôm qua mình hứa sẽ làm?

(Lần lữa “căn bệnh” khó chữa của người trẻ – Hoa Nữ-Báo Thanh Niên – 12/10/2018)

a/ Nêu nội dung của văn bản.

b/ Xác định một phép liên kết được sử dụng trong văn bản.

c/ Theo bài viết, nguyên nhân chủ yếu nào đã khiến giới trẻ nảy sinh “căn bệnh” lần lữa rất khó chữa?

d/ Nêu ý kiến của bản thân về những biện pháp để khắc phục “căn bệnh” lần lữa.

Câu 2:

Trên thực tế, nơi hành tinh hoàng tử bé sống, cũng như trên tất cả những hành tinh khác, có cả cây tốt lẫn cây xấu. Thành thử mới có hạt giống tốt của cây tốt và hạt giống xấu của cây xấu. Nhưng các hạt giống thì chẳng nhìn thấy được. Chúng ngủ trong lòng đất bí ẩn cho đến khi bất chợt một trong số chúng hứng khởi muốn tỉnh dậy. Vậy là nó vươn vai và thoạt đầu chỉ rụt rè nhú lên một cái đọt nhỏ vui tươi vô hại hướng về phía mặt trời. Nếu đó là một mầm củ cải hoặc là một mầm hoa hồng thì ta cứ mặc nó mọc thế nào tùy ý. Nhưng, nếu đó là một cây xấu thì phải nhổ đi tức khắc, ngay khi nào nhận dạng được nó. (Hoàng tử bé – Antoine De Saint Exupery)

Từ câu kết của đoạn văn trên, hãy viết một bài văn (khoảng 1 trang giấy thi) bàn về việc từ bỏ một thói quen xấu.

ĐÁP ÁN

Câu 1.

a/ Nội dung: Bàn về “căn bệnh” lần lữa khó chữa của giới trẻ

b/ HS trình bày được 1 trong các phép liên kết sau:

  • Phép lặp từ: “ căn bệnh”, bạn…
  • Phép nối: vì, nhưng , và…
  • Phép thế: vấn đề này – ‘căn bệnh’ khó chữa của nhiều người trẻ hiện nay.

c/ Nguyên nhân chủ khiến giới trẻ nảy sinh “căn bệnh” lần lữa rất khó chữa: Ý chí và tinh thần của chính bản thân họ chưa đủ mạnh mẽ; họ chưa thật sự nghiêm túc với bản thân và còn nuông chiều cảm xúc của mình.

d/ HS tự bộc lộ nhận thức bản thân về giải pháp khắc phục “căn bệnh” lần lữa ( 2 giải pháp)

Gợi ý:

  • Tham gia những chương trình tập huấn, những khóa đào tạo về kỹ năng mềm: sắp xếp công việc, quản lý thời gian…
  • Tìm môi trường học tập, làm việc thích hợp, xung quanh là những con người năng động và trải nghiệm đủ lâu với môi trường đó.
  • Hoàn thiện bản thân bằng thói quen sống chủ động, năng động, tích cực, quyết đoán, “ việc hôm nay chớ để ngày mai”

Câu 2.

* Yêu cầu về hình thức:

  • Học sinh viết một bài văn nghị luận.
  • Bố cục và hệ thống sáng rõ.
  • Biết vận dụng các thao tác nghị luận văn giải thích, chứng minh, bình luận…
  • Lời văn trôi chảy, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thuyết minh, không sai lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp…

*Yêu cầu về nội dung:

1/ Mở bài: Giới thiệu vấn đề.

2/ Thân bài:

– Giải thích vấn đề:

  • Thói quen là những phản xạ, hành vi, việc làm được lặp đi lặp lại nhiều lần, lầu ngày trở thành nếp. Thói quen là thứ mà đôi khi con người ta không nhận ra, không ý thức được nó. Đúng như nhận xét của Johnson: “Mới đầu, những mắt xích của thói quen quá nhỏ để nhận ra, cho tới khi chúng quá lớn thì khó mà tháo gỡ”. Thói quen không có sẵn mà là kết quả của một quá trình sống, quá trình hoạt động của mỗi cá nhân.
  • Tật xấu được hiểu là thói quen không tốt ảnh hưởng xấu đến bản thân và mọi người xung quanh. Có khi là những việc nhỏ như trễ hẹn, vứt rác bừa bãi, có khi là những việc lớn như văng tục, nóng nảy…

– Bàn luận vấn đề:

  • Do tác động của môi trường xã hội, do ảnh hưởng của gia đình và sự chi phối của cảm xúc, tâm lí cá nhân, giới trẻ Việt Nam hiện đang nhiễm phải một số thói quen xấu. Điển hình, có thể kể đến: thói quen văng tục chửi thề, dễ nổi nóng, “nghiện” mạng xã hội, lười đọc sách, lười lao động chân tay, tư duy thụ động, thờ ơ vô cảm, lạm dụng bia rượu, lười tập thể dục,…
  • Văng tục, chửi thề đang trở thành một thói quen hằng ngày, thậm chí là từ cửa miệng của một bộ phận giới trẻ, trong đó có học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, đa số giới trẻ hiện nay đều mắc chứng “nghiện” mạng xã hội. Nhiều bạn ngồi hàng giờ trước máy tính, điện thoại, thậm chí thức thâu đêm để Online, lướt facebook, và ngủ bù vào ban ngày. Tiếp theo, lười đọc sách cũng là thói quen phổ biến của những người trẻ tuổi. Có quá nhiều thứ hấp dẫn như phim, game, mạng xã hội, các cuộc tụ tập vui chơi đã khiến họ, trong đó có học sinh, sinh viên xa dần việc đọc sách. Ngoài ra, tư duy hòi hợt, ỷ lại, lười biếng, thụ động cũng là thói quen điển hình của giới trẻ Việt. Họ lấy công nghệ google thay cho quá trình tự tìm tòi, khám phá; lười tích luỹ.tri thức, lười hỏi, lười trả lời, lười trao đổi, lười quan tâm,…
  • Những thói quen xấu đó đã tàn phá sức khoẻ, gây ra nhiều bệnh tật cho con người như: cận thị, loạn thị, rối loạn giấc ngủ, thể lực yếu,.. Nghiêm trọng hơn, những thói quen xấu đó đã hình thành nên những lớp người thiếu kiến thức, yếu kĩ năng, thiếu tự tin, không có khả năng hợp tác và cạnh tranh. Đất nước trì trệ phát triển bởi những lớp chủ nhân tương lai trống rỗng, vô hồn như vậy.
  • Tật xấu ảnh hưởng tiêu cực cho bản thân, tổn thương người khác, làm tan vỡ hạnh phúc gia đình và để lại nhiều hậu quả cho xã hội.
  • Thói quen xấu khi có điều kiện phát triển sẽ thành tội ác, hơn thế, cái xấu bao giờ cũng dễ lây lan trong cộng đồng.

– Bài học nhận thức và hành động

  • Trong xã hội hiện đại, tập tính xấu của con người lại càng dễ lây lan hơn: nghiện mạng xã hội, phung phí thời gian… Không ít người cho rằng thói quen xấu nhỏ nhặt không ảnh hưởng nhiều nên mặc nhiên thể hiện mọi lúc mọi nơi.
  • Do vậy các bạn trẻ cần phải tự soi mình mỗi ngày để không bị tiêm nhiễm những tật xấu, luôn tự nhắc bản thân, nhắc người khác không sa vào những tật xấu…
  • Để loại bỏ thói quen xấu, trước hết cần phải có ý chí, nghị lực và sự quyết tâm mạnh mẽ của bản thân mỗi người. Sau đó, cần dành thời gian để luyện tập thay đổi hành vi, thay thế thói quen xấu bằng việc hình thành các thói quen tốt. Nếu cần, chúng ta có thể kêu gọi sự hỗ trợ của gia đình, bạn bè. Chung ta cũng có thể tự khích lệ mình khi đã lấy lại được quyền “kiểm soát” hành động chứ không thụ động, chiều lòng tật xấu. Nếu chẳng may nhiễm lại thói quen cũ, không nên tự dày vò, tặc lưỡi buông xuôi mà phải bình tâm suy nghĩ tìm lí do “ngựa quen đường cũ” để có cách khắc phục.

3/ Kết bài: Khẳng định lại vấn đề, liên hệ bản thân.

Đề đọc hiểu ôn thi vào lớp 10 – Số 4

Câu 1: Đọc ngữ liệu sau và trả lời các câu hỏi:

Ngày 19/4, Bộ Thông tin và Truyền thông đã khai mạc Hội sách trực tuyến quốc gia chào mừng Ngày Sách Việt Nam lần thứ 7. Hội sách trực tuyến Quốc gia diễn ra tại địa chỉ book365.vn với chủ đề “Đọc sách, nâng cao trí tuệ, vượt qua nỗi lo dịch bệnh”. Đây là hội chợ sách trực tuyến quốc gia đầu tiên ứng dụng những công nghệ 4.0 tiên tiến hàng đầu hiện nay, được tài trợ bởi công ty Vitranet24, thương hiệu quản lý trực tuyến hàng đầu tại Việt Nam như: Công nghệ tọa đàm trực tuyến, công nghệ sàn sách trực tuyến, công nghệ call chat giao tiếp mạng xã hội 4.0, với kỳ vọng thu hút tối thiểu 10 triệu lượt truy cập và hàng trăm nghìn người cùng tham gia Hội sách. Hội sách online nhằm mục đích góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân trong mùa dịch COVID-19. Ngoài ra, mỗi cuốn sách được bán ra tại hội sách lần này sẽ đóng góp 3% giá trị cho quỹ hỗ trợ phòng chống COVID-19. Đồng thời, thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của văn hóa đọc, giúp các nhà xuất bản và các đơn vị phát hành đưa được sách của mình đến bạn đọc. Những thông điệp về việc nói không với sách lậu, sách giả sẽ được đưa ra, tạo điều kiện cho nhân dân cơ hội tiếp cận kho sách chính thống, có giá trị.

(Báo tin tức – ngày 19.4.2020)

Chỉ ra 2 phép liên kết câu có trong đoạn văn trên?

Chủ đề của Hội sách trực tuyến quốc gia chào mừng Ngày Sách Việt Nam lần thứ 7 là gì?

Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức “Hội sách online” nhằm mục đích gì?

Câu 2: Hãy viết những suy nghĩ của em bằng một văn bản nghị luận (khoảng 1 trang giấy thi) về hình ảnh cùng lời nhận định sau:

Thước đo cuộc đời không phải là thời gian mà là sự cống hiến

ĐÁP ÁN

Câu 1:

HS chỉ ra 2 phép liên kết câu:

Hai phép liên kết câu có trong đoạn văn trên là:

  • Phép lặp: Hội sách
  • Phép nối: Ngoài ra, đồng thời

Chủ đề của Hội sách trực tuyến quốc gia chào mừng Ngày Sách Việt Nam lần thứ 7 là: “Đọc sách, nâng cao trí tuệ, vượt qua nỗi lo dịch bệnh”.

Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức “Hội sách online” nhằm mục đích:

  • Góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân trong mùa dịch COVID-19.
  • Thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của văn hóa đọc.
  • Giúp các nhà xuất bản và các đơn vị phát hành đưa được sách của mình đến bạn đọc.
  • Nói không với sách lậu, sách giả sẽ được đưa ra, tạo điều kiện cho nhân dân cơ hội tiếp cận kho sách chính thống, có giá trị.

Câu 2:

* Yêu cầu về kỹ năng:

  • Nắm vững phương pháp làm bài nghị luận về tư tưởng đạo lí
  • Bài viết có bố cục 3 phần rõ ràng.
  • Lập luận chặt chẽ, có dẫn chứng thuyết phục.

* Yêu cầu về kiến thức:

Mở bài

  • Giới thiệu vấn đề: Trích dẫn câu nói: “Thước đo …cống hiến”

Thân bài

Giải thích:

“Thước đo cuộc đời không phải là thời gian mà là sự cống hiến”

  • Cống hiến là lối sống tích cực mà thế hệ cần rèn luyện, tu dưỡng và trau dồi.
  • Lối sống cống hiến của thế hệ trẻ thể hiện ở việc sẵn sàng đem hết trí tuệ, tài năng của bản thân phục vụ lợi chung, vì sự phát triển chung.
  • Lối sống cống hiến sẽ giúp thế hệ trẻ khẳng định giá trị của bản thân và phát huy hết vai trò là rường cột, là những chủ nhân tương lai của đất nước.
  • Trong thời đại ngày nay, thế hệ trẻ Việt Nam vẫn không ngừng nỗ lực, cố gắng để cống hiến hết mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước (những thanh niên xung kích, những thầy cô giáo trẻ,…).
Tham khảo thêm:   Văn mẫu lớp 12: Nghị luận xã hội về lòng trắc ẩn (2 Dàn ý + 10 mẫu) Nghị luận về lòng trắc ẩn

Bàn luận

* Tại sao nói …

Cuộc đời quá ngắn để chúng ta có thể làm điều gì đó lớn lao, nhưng cũng đủ để cho ta đóng góp một việc gì đó có ích cho xã hội. Cống hiến là khi ta làm việc không màng đến lợi ích cá nhân, hết mình vì người khác, vì một tập thể, một cộng đồng. Con người sống mà không có mục đích, lý tưởng, không biết cống hiến thì thời gian cũng chỉ là đơn vị vật lý tầm thường. Nếu chỉ sống vu vơ, sống nhờ,sống gửi vào người khác thì đó là sự tồn tại vô nghĩa lý. Vì vậy, sống là chúng ta phải biết cống hiến cho xã hội, không buông thả, hoài phí thời gian quý giá của cuộc đời. Câu nói như một lời nhắn nhủ giá trị của đời người không phụ thuộc vào thời gian sống mà phụ thuộc vào chất lượng cuộc sống, cách sống.

* Chứng minh: (Lí lẽ + dẫn chứng)

Cống hiến: Tri thức …( Họ là những thanh niên xung kích tình nguyện đến với những bàn làng xa xôi, hẻo lánh để thực hiện những chương trình từ thiện với mong muốn giảm bớt sự thiếu thốn, nghèo khổ của bà con dân tộc, miền núi; họ là những cô giáo, thầy giáo trẻ tự nguyện dạy học chốn vùng cao để đem lại ánh sáng của tri thức, truyền đạt từng con chữ tới những trẻ em nghèo,…. )

Sức lao động…

Chia sẻ vật chất, tinh thần… (Đại dịch Covid- 19)

Ước mơ, khát vọng mang đến cho cuộc đời: Anh thanh niên, nhà thơ Thanh Hải… (Họ là những cô gái thanh niên xung phong, những người chiến sĩ bộ đội mang trên mình quân phục xanh lá, những người lính lái xe đi qua những mưa bom bão đạn trên tuyến đường Trường Sơn huyết mạch,…. Tinh thần hăng hái, xông pha đầy gan dạ và dũng cảm của họ đã dệt nên những trang sử vàng đầy vẻ vang của dân tộc.)

Luận (Mở rộng)

* Phê phán: Lối sống vô cảm… Bên cạnh những con người vô danh cống hiến âm thầm, lặng lẽ bằng tất cả nhiệt huyết, đam mê thì trong xã hội hiện nay, có một số thanh niên đã xao nhãng, quên đi trách nhiệm của bản thân đối với sự nghiệp chung của dân tộc. Họ ích kỉ, chỉ mưu cầu lợi ích cá nhân, chỉ muốn hưởng thụ

* Bài học nhận thức, hành động: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”

* Phản đề: Cống hiến phải phù hợp khả năng, hoàn cảnh…

C. Kết bài

  • Khẳng định lại giá trị câu nói

Đề đọc hiểu ôn thi vào lớp 10 – Số 5

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:

Khi nói đến ước mơ của mỗi người thì điều đầu tiên cần phải xác định đó không phải là những mong ước viển vông mà chính là mục đích con người đặt ra và cố gắng phấn đấu để đạt đến trong cuộc đời mình.

Đồng thời một yếu tố cũng hết sức quan trọng là cần phải xác định cách thức để đạt được mục đích đó, bởi không ai trong cuộc đời này lại không muốn đạt đến một điều gì đó. Sự khác biệt chính là ở phương thức thực hiện, cách thức đạt đến ước mơ của mỗi người và điều này sẽ quyết định “đẳng cấp” về nhân cách của mỗi người.

Có người đi đến ước mơ của mình bằng cách trung thực và trong sáng thông qua những nỗ lực tự thân tột cùng. Đây là những người có lòng tự trọng cao và biết dựa vào sức của chính mình, tin vào khả năng của chính mình và sự công bằng của xã hội. Đối với họ, mục tiêu chưa chắc là điều họ quan tâm, cái họ quan tâm hơn chính là phương thế để đạt đến mục tiêu trong cuộc sống.

Chính vì vậy họ là những người không bao giờ chấp nhận sống trong thân phận “tầm gửi”, trở thành công cụ trong tay người khác hay giao phó tương lai của mình cho người khác. Sở dĩ như thế là bởi họ chỉ tự hào với những gì do chính bản thân họ làm ra và đạt đến, đồng thời cũng là những người xem phương tiện quan trọng như mục tiêu của cuộc đời mình.

(Nguồn: Lê Minh Tiến, Đẳng cấp về nhân cách, http://tuoitre.vn)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên.

Câu 2: Theo tác giả, điều gì sẽ quyết định “đẳng cấp” về nhân cách của mỗi người?

Câu 3: Vì sao tác giả cho rằng: những người không bao giờ chấp nhận sống trong thân phận “tầm gửi” chỉ tự hào với những gì do chính bản thân họ làm ra và đạt đến.

Câu 4: Từ đoạn trích trên, hãy rút ra bài học có ý nghĩa nhất đối với anh/chị?

Đáp án đọc hiểu

Câu 1:

Phương thức biểu đạt chính: nghị luận

Câu 2:

Điều sẽ quyết định “đẳng cấp” về nhân cách của mỗi người là: phương thức thực hiện, cách thức đạt đến ước mơ của mỗi người

Câu 3:

Những người không bao giờ chấp nhận sống trong thân phận “tầm gửi” chỉ tự hào với những gì do chính bản thân họ làm ra và đạt đến. Tác giả nói như vậy vì:

“Tầm gửi” là lối sống dựa dẫm vào người khác, là những người kém bản lĩnh, bất tài.

Những người không bao giờ chấp nhận sống trong thân phận “tầm gửi” là những người có lòng tự trọng, có ý thức về giá trị bản thân, luôn nỗ lực vươn lên để đạt được mục đích.

Câu 4:

Thí sinh có thể rút ra bài học:

  • Nỗ lực thực hiện ước mơ bằng chính khát vọng và khả năng của bản thân.
  • Tự tin, tự trọng làm nên giá trị con người.

Học sinh lựa chọn thông điệp phù hợp với bản thân và lí giải.

Đề đọc hiểu ôn thi vào lớp 10 – Số 6

Câu 1: Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

Có phải chúng ta đang ngày càng ít nói với nhau hơn. Chúng ta gặp nhau qua YM, tin nhắn, chúng ta đọc blog hay những status trên Facebook mỗi ngày. Chúng ta tưởng đã biết hết, hiểu hết nhau mà không cần thốt lên lời. Có phải vậy chăng? Có phải ta cũng như loài cá heo giao tiếp với nhau bằng sóng siêu âm. Tiếng nói của con người dùng để làm gì nếu không dùng để thổ lộ, để giải bày, để xoa dịu. Nếu muốn được hiểu thì phải lắng nghe. Nếu muốn được nghe thì phải nói trước đã, hãy nói với nhau đi. Nói với ba, với anh chị, với em, với bạn bè… Đừng chat, đừng port lên Facebook. Hãy chạy đến với nhau, hoặc ít nhất là nhắc điện thoại lên. Thậm chí chỉ để nói với nhau một tiếng “ơi” dịu dàng.

Một tiếng người thực sự yêu thương, ân cần, quan tâm, gần gũi …Và chắc chắn, không phải là chiêm bao.

a. Thực trạng nào được phản ánh trong văn bản trên?

b. Theo tác giả, tiếng nói của con người dung để làm gì?

c. Phân tích một phép liên kết câu và một phép liên kết đoạn trong văn bản trên?

d. Tại sao tác giả lại khuyên chúng ta “hãy nói với nhau đi” chứ “đừng chat, đừng port lên Facebook? Trả lời bằng cách viết đoạn văn khoảng 5- 8 dòng

Câu 2: Phải chăng sống ảo có nguy cơ đánh mất những giá trị thực?

Em hãy viết bài văn nghị luận ngắn khoảng 1 trang giấy thi trả lời cho câu hỏi trên

Câu 3: “Trong thời buổi công nghệ, có phải chúng ta càng ngày càng ít nói với nhau hơn ?’’.

Em hãy viết một bài văn ngắn ( khoảng một trang giấy thi ) trả lời cho câu hỏi trên.

Câu 4: Từ những trải nghiệm trong quá trình đọc các lớp 9 tác phẩm văn học em hãy viết bài văn với nhan đề “Tuổi trẻ hôm nay”.

ĐÁP ÁN

Câu 1: Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu:

a. Đó là thực trạng con người ngày càng ít nói với nhau hơn

b. Theo tác giả, tiếng nói của con người dung để “thổ lộ, giải bày, xoa dịu”.

c. Học sinh chỉ cần chỉ rõ từ ngữ liên kết; các câu, đọan liên kết; gọi tên phép liên kết.

Ví dụ: quan hệ từ “và” nối câu câu 1 với câu 2 – Phép nối

Cụm từ “một tiếng” nối đoạn 1 với đoạn 2 – Phép lặp từ ngữ.

….

d. Về hình thức: phải viết một đoạn văn trong khoảng 5-8 dòng.

Về nội dung: Phải lí giải được điều đó bằng cách chỉ ra được ý nghĩa, vai trò của việc giao tiếp trực tiếp bằng lời nói hằng ngày giữa con người với nhau

Chẳng hạn: Việc trò chuyện trực tiếp bằng lời nói, giúp:

  • Có cơ hội thổ lộ giải bày rõ ràng những suy nghĩ của mình tránh hiểu nhầm, mâu thuần, xung đột
  • Cảm nhận sâu sắc hơn thái độ tình cảm của người khác.
  • Từ đó con người cởi mở, gần gũi, chan hòa, gắn bó với nhau hơn

….

Câu 2: Phải chăng sống ảo có nguy cơ đánh mất những giá trị thực?

Em hãy viết bài văn nghị luận ngắn khoảng 1 trang giấy thi trả lời cho câu hỏi trên

a. Đảm bảo cấu trúc của bài văn nghị luận gồm 3 phần: Mở bài, Thân bài. Kết bài. Mở bài nêu được vấn đề nghị luận. Thân bài triển khai được vấn đề. Kết bài kết luận được vấn đề. (0.5 đ)

b. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra được bài học nhận thức hành động. (2.0)

Sau đây là một gợi 1 ý cho hướng giải quết đề bài:

* Giới thiệu vấn đề: Có lẽ cụm từ “sống ảo” đã không còn xa lạ thậm chí quá quen thuộc và trở thành thói quen của xã hội, đặc biệt là các bạn trẻ. Nhưng hiện nay hiện tượng này càng có xu hướng phát triển thái quá và dường như có những hệ lụy tiêu cực. Phải chăng sống ảo có nguy cơ đánh mất giá trị thực?

* Giải thích và nêu biểu hiện của vấn đề : Sống ảo là gì? Những giá trị thực là giá trị như thế nào? Biểu hiện của lối sống ảo đánh mật giá trị thực?

– “Sống ảo” là khái niệm chỉ cách sống trong hoang tưởng, không đúng với thực tại bản thân hay cố ý tự tô vẽ cho mình một cuộc sống tốt đẹp, hoàn hảo trong mắt người khác mà cuộc sống đó khác với thực tại. “Sống ảo” thường thể hiện rõ nhất qua các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram,…

– Còn giá trị thực không chỉ dừng lại là sự thật về mỗi người trong cuộc sống hằng ngày mà còn là những giá trị tinh thần tốt đẹp và chuẩn mực đạo đức của xã hội. Việc xác định hai giá trị giữa “sống ảo” và “giá trị thực” khiến chúng ta phải suy ngẫm.

* Biểu hiện

– Hiện tượng sống ảo xuất hiện tràn lan dưới nhiều hình thức. Các bạn trẻ có thể kết bạn, nói chuyện, tâm sự những điều thầm kín hay thậm chí là yêu đương với những người mới biết qua mạng xã hội dù chưa hề gặp mặt. Họ còn dùng mạng xã hội như công cụ để khoe khoang những thứ không có thực của bản thân như giàu có, danh tiếng,…

– Sống ảo còn là gây sự chú ý, khiến mình nổi tiếng bằng những nội dung không lành mạnh hay bịa đặt hay thường xuyên trở thành “anh hùng bàn phím”, dùng lời nói hoa mĩ, tỏ ra mình văn minh, nhân ái,…

– Cách sống này tạo ra một thế hệ chìm đắm trong ảo vọng, thích khoe khoang, dối trá, chỉ cố tô vẽ cho hình ảnh bản thân bằng những thứ không tồn tại, phớt lờ cuộc sống thực tế. Và khi trút bỏ vẻ ngoài hào nhoáng trở về cuộc đời thực, họ lạ lẫm, không xác định được hướng đi của chính mình, làm phân tán, ảnh hưởng đến học tập và lao động cũng như các mối quan hệ thực. Sự tăng chóng mặt của các trang mạng xã hội, sức hút của những nút “like”, những lời ca tụng ảo khiến “sống ảo” trở thành căn bệnh khó chữa, ảnh hưởng đến nhân cách, tinh thần của giới trẻ.

*Bàn luận:

+ Sống ảo quả là đánh mất đi những giá trị thực : quen cuộc sống hào nhoáng mà mình tự tô vẽ, khi trở về thực tế cảm thấy hụt hẫng, chơi vơi; không xác định được năng lực, hoàn cảnh thực sự của bản thân để có hướng đi đúng đắn trong cuộc sống; …

+ Mở rộng: Tuy nhiên không phải ai sống ảo cũng đánh mất đi giá trị thực. Nếu chúng ta chỉ coi sống ảo là những giấy phút thư giãn, giãi trí, thì chính những giây phút ấy sẽ đem đến cho chúng ta những niềm vui ttrong cuộc sống, giúp ta lạc quạn hơn…

* Bài học nhận thức hành động: Dành nhiều thời gian cho cuộc sống ngoài đời thực, như học tập, lao động, đi tham quan du lịch, tham gia vào các hoạt động xã hội. Phải có mục tiêu, có mơ ước nhưng nỗ lực để biến ước mơ thành sư thật. Đừng mơ ước quá mông lung, xa vời…

c. Sáng tạo: có cách diễn đạt sang tạo, thể hiện suy nghĩ sấu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận:

d.  Chính tả, dung từ, đặt câu: Đảm bảo qi tắc chính tả, dung từ, đặt câu

Tham khảo thêm:   Cây Lan Quân Tử: Ý nghĩa, hình ảnh, cách trồng, chăm sóc tại nhà

Câu 3: 

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.( 0,5đ)

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận; triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động.( 2đ)

HS có thể đưa ra nhiều suy nghĩ, quan điểm khác nhau về vấn đề. Có thể đồng ý hoặc không đồng ý. Sau đây là một hướng giải quyết đề bài.

Giới thiệu vấn đề nghị luận.

Giải thích: Ý kiến gợi cho người đọc những suy ngẫm về việc sử dụng thiết bị công nghệ trong thời buổi hiện đại. Có phải chính những tiện ích to lớn mà công nghệ đã

mang lại trong cuộc sống thì nó còn khiến cho tình cảm giữa con người với con người càng xa cách nhau phải không?

Bàn luận:

. Đúng là sống trong thời buổi công nghệ, con người càng ít nói với nhau. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, một máy tính bảng hay laptop có kết nối mạng thì mọi thứ đều nằm gọn trong lòng bàn tay. Thông tin, tin tức được cập nhật liên tục. Chính sự phụ thuộc của con người vào công nghệ, để rồi cuộc sống con người thay đổi hòan toàn. Và theo đó sự quan tâm dành cho nhau ít đi.

. “ Công nghệ” nó có một sức mạnh ghê gớm, đã vô tình đẩy con người ra xa nhau hơn. Thay vì tâm sự với bố mẹ, những đứa trẻ vừa về đến nhà đã cắm cúi vào chiếc máy vi tính để lướt web, online tán ngẫu với bạn bè, người trẻ dành nhiều thời gian cho các thiết bị công nghệ hiện đại mà quên đi việc trò chuyện, tâm sự cùng ông bà, cha mẹ; hoặc cha mẹ sau những giờ rảnh rỗi cũng đắm chìm vào chiếc điện thoại. Từ đó, tình cảm gia đình vì thế mà không còn được gần gũi, thân thiết như ngày trước, họ sẽ không hiểu rõ được những tâm tư, tình cảm dành cho nhau.

. Không chỉ trong gia đình mà cuộc sống bạn bè cũng xa cách. Ra đường, không khó để bắt gặp những nhóm trẻ đi cùng nhau đến những quán cafê, những hàng quán ăn vặt. Cứ tưởng sẽ là những cuộc trò chuyện, tán ngẫu vui vẻ râm ran, nhưng không, mỗi người tự đắm chìm trong thế giới của riêng mình với những chiếc smartphone trong tay. Tất cả im lặng chỉ còn những ngón tay lướt trên màn hình điện thoại đang sáng. Từ đó, tình cảm bạn bè cũng xa cách…Không trực tiếp trò chuyện cùng nhau, họ sẽ khó thấu hiểu, chia sẻ lẫn nhau, .

.Không ai có thể phủ nhận những tiện ích to lớn mà công nghệ mang lại trong cuộc sống. Tuy nhiên, hãy biết sử dụng một cách có chừng mực để không lệ thuộc vào các thiết bị điện tử, kiểm soát bản thân để không bị lệ thưộc vào công nghệ thì chắc chắn sự quan tâm dành cho nhau vẫn tồn tại, vẫn tiếp diễn và ngày càng nhiều hơn.

. Phê phán những người sử dụng những công cụ công nghệ không phù hợp, lệ thuộc qúa nhiều vào thiết bị công nghệ.

. Bài học nhận thức và hành động: cần nhận thức đúng đắn về việc sử dụng những thiết bị công nghệ trong cuộc sống, sử dụng có chừng mực, phù hợp, ba mẹ, con cái nên trò chuyện cùng nhau hỏi han nhau sau một ngày học tập, làm việc. Hoặc khi đi cùng bạn bè hãy tận dụng thời gian để trao đổi, tâm sự cùng nhau,…Có như vậy thì công nghệ có phát triển đến mấy cũng không khiến sự quan tâm dành cho nhau ít đi, phải trò chuyện trực tiếp cùng nhau để càng hiểu nhau hơn, từ đó tình cảm càng khắng khít, gắn bó thân thiết nhau…

Lưu ý: Học sinh cần phân tích các dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề.

c. Sáng tạo: Có cách sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận (0,25điểm)

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Bảo đảm quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu (0,25 điểm)

Câu 4: Từ những trải nghiệm trong quá trình đọc các lớp 9 tác phẩm văn học em hãy viết bài văn với nhan đề “Tuổi trẻ hôm nay”.

Yêu cầu:

Về nội dung: Bài làm đúng kiểu văn bản nghị luận; các ý trình bày có thể không giống nhau nhưng trên cơ sở hiểu được các tác phẩm văn học.

Hình thức: Vận dụng nhuần nhuyễn các phương thức biểu đạt, các phép lập luận đã học.Văn viết mạch lạc, trong sáng, có cảm xúc, ít mắc lỗi diễn đạt.

– Giải thích: những trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm văn học khợi dậy trong lòng con người những cảm xúc, những tình cảm, những khát vọng cao đẹp mong muốn được cống hiến tuổi trẻ của mình cho quê hương, đất nước…. đây cũng chính là giá trị mà các tác phẩm văn học mang đến cho con người trong quá trình tiếp nhận nó.

– Bàn luận – chứng minh.

+ Trong cuộc sống, thanh niên đóng 1 vai trò quan trọng trong việc phát triển và xây dựng đất nước. Được thừa hưởng tinh thần truyền thống của dân tộc, họ có mục đích sống dấn thân đam mê, dũng cảm ko màng khó khăn phía trước. Những thế hệ trẻ giàu đam mê, bản lĩnh và năng lực chính là nguồn tài nguyên quý giá của mỗi đất nước. Họ sẵn sàng hi sinh để dành lại độc lập và cống hiến hết mình cho sự phát triển của xã hội.

Lặng lẽ Sa Pa – Nguyễn Thành Long.

Bài thơ về tiểu đội xe không kính – Phạm Tiến Duật.

Những ngôi sao xa xôi – Lê Minh Khuê.

+ Đại thể cần nêu được các ý sau; các nhân vật anh thanh niên (LLSP) những chiến sĩ lái xe trong (BTVTĐXKK) Hay những cô thanh niên xung phong trong ( NNSXX) Người trẻ tuổi ở hai mặt khác nhau: xây dựng CNXH và chống Mỹ cứu nước. Nhiệt tình, dũng cảm thực hiện nghĩa vụ của tuổi trẻ không vụ lợi. Với ý chí và nghị lực của tuổi trẻ, với trách nhiệm và nghĩa vụ đối với đất nước họ lạc quan, yêu đời.

– Mở rộng vấn đề và suy nghĩ bản thân.

Vấn đề cống hiến của tuổi trẻ. Các nhân vật văn học đã cho thấy sự cống hiến tolớn đối với đất nước họ lạc quan, yêu đời. Trong thế kỷ XXI có những yêu cầu với thế hệ trẻ giống hôm qua nhưng cũng có những yêu cầu khác (do bối cảnh lịch sử, xã hội, thời đại…). Dù hoàn cảnh nào tuổi trẻ hôm nay cũng cống hiến và cống hiến (trong mọi điều kiện và hoàn cảnh) là mục đích quan trọng của tuổi trẻ. Nét đẹp của các nhân vật là hành trang vào đời của tuổi trẻ hôm nay.

Tiêu chí cho điểm:

– Điểm 4: Bài làm đạt được tốt các yêu cầu trên.

– Điểm 3.5 – 3: Bài làm cơ bản đạt được yêu cầu trên nhất là nội dung, cách lập luận.Còn sai sót nhưng không ảnh hưởng đến bài viết, văn viết trôi chảy.

– Điểm 2.5 -2: Bài làm cơ bản đáp ứng khoảng 2/3 yêu cầu , ít dẫn chứng, mắc một số lỗi diễn đạt.

– Điểm 1.5 -1: Nội dung sơ sài, mắc nhiều lỗi diễn đạt.

– Điểm 0: Không làm bài, lạc đề hoặc sai nội dung phương pháp.

* Lưu ý: Giám khảo linh hoạt vận dụng biểu điểm, có thể thưởng điểm cho những bài viết có sự sáng tạo khi tổng điểm toàn bài chưa đạt tối đa.

Đề đọc hiểu ôn thi vào lớp 10 – Số 7

Câu 1:

Sống trong đời sống
Cần có một tấm lòng
Để làm gì em biết không?
Để gió cuốn đi! …

(Trịnh Công Sơn, Để gió cuốn đi)

Từ ý tưởng trong lời bài hát Để gió cuốn đi của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, hãy viết bài văn ngắn (khoảng một trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về vấn đề trên.

Câu 2:

“Cuộc sống riêng không biết gì hết ở bên kia ngưỡng cửa nhà mình là một cuộc sống nghèo nàn dù nó có đầy đủ tiện nghi đến đâu đi nữa. Nó giống như một mảnh vườn được chăm sóc cẩn thận, đầy hoa thơm, sạch sẽ và gọn gàng. Mảnh vườn này có thể làm chủ nhân của nó êm ấm một thời gian dài, nhất là nếu lớp rào bao quanh không còn làm họ vướng mắt nữa. Nhưng hễ có một cơn giông tố nổi lên là cây cối sẽ bị bật khỏi đất, hoa sẽ nát và mảnh vườn sẽ xấu xí hơn bất kì một nơi hoang dại nào. Con người không thể hạnh phúc với một hạnh phúc mỏng manh như thế. Con người cần một đại dương mênh mông bị bão táp làm nổi sóng, nhưng rồi lại phẳng lỳ và trong sáng như trước”.

( Theo A.L. Ghéc- xen, NXB Văn hóa- thông tin, Hà Nội, 1997)

Hãy trình bày suy nghĩ của em về vấn đề được đặt ra trong văn bản trên.

ĐÁP ÁN

Câu 1:

Mở bài:

– Dẫn dắt giới thiệu vấn đề nghị luận: ý nghĩa câu nói của Trịnh Công Sơn “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”.

Thân bài: (2 điểm)

1. Giải thích ý nghĩa câu nói:

– Trước hết, nhạc sĩ khẳng định “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”

+ “Tấm lòng” đó là những tình cảm tốt đẹp, đáng trân trọng ở con người.

+ Nhạc sĩ đặt câu hỏi “Để làm gì, em biết không ?” rồi trả lời “Để gió cuốn đi”. Cách diễn đạt hình ảnh này nhằm để nói đến một lối sống đẹp: khi ta làm điều gì đó cao đẹp, gió sẽ mang những điều cao đẹp ấy bay đến muôn nơi.

=> Trịnh Công Sơn muốn khẳng định: sống trong đời sống, mỗi người cần phải có một tấm lòng không phải để mong được người khác ghi nhận, không phải để mong được trả ơn và cũng không phải để phô trương hay trang sức cho bản thân mình, … mà để “gió cuốn đi”. Cuộc sống như vậy mới thanh thản và bình yên.

2. Bàn luận về tấm lòng của con người trong cuộc sống:

a) Từ cách giải thích ở trên, ta thấy câu hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mang đến cho ta bao điều hay, ý đẹp:

– “Tấm lòng” trong cuộc sống để biết cảm thông và chia sẻ : trong cuộc sống, khi một niềm vui được cho đi là chúng ta đang nhân đôi niềm vui ấy, khi ta chia sớt một nỗi buồn, nỗi buồn ấy sẽ vơi đi. Khi con người ta biết quan tâm đến nhau thì thế giới này không còn khổ đau và bất hạnh.

– “Tấm lòng” trong cuộc sống để tha thứ và khoan dung: Đây chính là thái độ sống rộng lượng với người khác (nhất là với những người gây ra đau khổ cho mình) đối lập với lòng đố kị, định kiến, thành kiến. Chúng ta nên hướng đến một cuộc sống mà không có sự ích kỉ, hận thù, chiến tranh. Chúng ta cần chung sức vì một nền hoà bình từ chính mỗi người.

– “Tấm lòng” của con người chính là sự dũng cảm cũng chính là đức hi sinh của con người. Đó chính là sức chịu đựng, chấp nhận những thiệt thòi về mình: Dũng cảm là dám xả thân vì lí tưởng cao đẹp, dám đương đầu với thử thách, dám đối diện. Cội nguồn của lòng dũng cảm chính là dám tin vào những điều tốt đẹp. Dám tin vào những điều tốt đẹp khiến con người có thể làm được nhiều điều.

b) Từ việc phân tích ở trên ta cần phê phán những kẻ sống thiếu “tấm lòng”:

– Sống ích kỉ, nhỏ nhen, chỉ biết lo vun vén cho bản thân.

– Đó là lối sống biểu hiện sự nghèo nàn của tâm hồn.

3. Bài học nhận thức và hành động:

– Về nhận thức ta thấy: đây là ca từ thể hiện một lối sống đẹp, là điều cần có ở mỗi con người trong cuộc sống.

– Về hành động ta cần: Không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức tốt đẹp, rèn luyện “tấm lòng” mình cho ý nghĩa, làm việc tốt mỗi ngày; phê phán sự thờ ơ, vô tâm, vô cảm trong xã hội.

Kết bài:

– Tóm lại, những ca từ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã giúp ta hiểu sâu sắc hơn về giá trị của “tấm lòng” trong cuộc đời. Mỗi con người sống trong xã hội, trong một cộng đồng chúng ta cần kết nối những tấm lòng ấy lại với nhau. Có như vậy xã hội mới thoát ra khỏi căn bệnh vô cảm

Câu 2

– Về phương diện hình thức: (0.5 điểm)

* Bài viết có bố cục 3 phần rõ ràng.

* Văn phong mạch lạc, liên kết.

* Bài viết không sai chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

– Về phương diện nội dung (2.5 điểm)

1. Mở bài: Dẫn dắt nêu vấn đề cần nghị luận

2. Thân bài:

a/ Giải thích nội dung văn bản:

– Con người không được sống cho riêng mình

– Con người cần phải được rèn luyện và thử thách

– Và dù trong hoàn cảnh nào cũng giữ được những phẩm chất tốt đẹp

=> Ý nghĩa khái quát của văn bản.

b/ Chứng minh:

– Con người cần biết quan tâm, chia sẻ với mọi điều xung quanh.

– Vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

– Yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau

– …

( HS cần đưa dẫn chứng )

c. Bình luận

– Phê phán: những người sống ích kỉ, thiếu quan tâm, chia sẻ với mọi người …

– Phương hướng hành động:

+ Sống yêu thương, quan tâm lẫn nhau.

…..

3. Kết bài:

– Khẳng định lại ý nghĩa của văn bản.

Lưu ý:

* Mức tối đa: đáp ứng tốt các yêu cầu trên.

* Mức chưa tối đa: có chỗ sai, thiếu hoặc chưa hay.

* Mức không đạt: HS không làm bài hoặc làm lạc đề.

* Không có dẫn chứng trừ 0.5 điểm.

…………….

Mời các bạn tải file tài liệu để xem thêm trọn bộ đề đọc hiểu

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Bộ đề đọc hiểu ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ văn 48 Đề đọc hiểu ngoài chương trình (Có đáp án) của Wikihoc.com nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.

 

About The Author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *